09/07/2022 15:18

Bàn về cầm cố quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ

Bàn về cầm cố quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ

Cầm cố tài sản là hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ với bên có quyền, là giao dịch tương đối phổ biến trong đời sống xã hội. Bài viết nêu một số khó khăn, vướng mắc về biện pháp cầm cố tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Cầm cố tài sản là hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ với bên có quyền. Khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ thể hiện mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ngược lại, bên có quyền lựa chọn biện pháp cầm cố để thể hiện rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc tài sản của bên có nghĩa vụ. Việc cầm cố tài sản thường được đặt ra bên cạnh một hợp đồng dân sự hoặc một nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Bất luận ở trường hợp nào, cầm cố tài sản đều là kết quả của sự thỏa thuận từ hai phía và với mục đích bên có nghĩa vụ hoặc bên thứ ba phải bằng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đó trước bên có quyền. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra một số khó khăn, vướng mắc về biện pháp cầm cố đối với quyền sử dụng đất và quyền tài sản sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và đưa ra đề xuất, kiến nghị.

1. Một số khó khăn, vướng mắc về biện pháp cầm cố quyền sử dụng đất và quyền tài sản sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự năm 2015

- Hạn chế về quyền cầm cố quyền sử dụng đất trong các hợp đồng dân sự

Bên cạnh quy định cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, BLDS năm 2015 còn quy định: “Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. Điều 107 BLDS năm 2015 quy định bất động sản bao gồm: “Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật”. Cùng với đó, Điều 500 BLDS năm 2015 quy định hợp đồng về quyền sử dụng đất như sau: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất”. Như vậy, BLDS năm 2015 không quy định về cầm cố quyền sử dụng đất, mà vấn đề này được cụ thể hóa theo luật chuyên ngành và có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Tuy nhiên, Luật đất đai năm 2013 không quy định về quyền cầm cố quyền sử dụng đất. Cụ thể, khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất như sau: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Từ thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất cho thấy, không ít trường hợp Tòa án tuyên xử theo hướng hợp đồng vô hiệu do vi phạm pháp luật. Tòa án cho rằng, do pháp luật không quy định về quyền cầm cố quyền sử dụng đất nên việc đương sự cầm cố quyền sử dụng đất là trái quy định của pháp luật. Căn cứ Tòa án viện dẫn là Điều 106 Luật đất đai năm 2003, Điều 167 Luật đất đai năm 2013 và những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng/thực hiện quyền của người sử dụng đất theo Điều 15 Luật đất đai năm 2003, Điều 12 Luật đất đai năm 2013 để tuyên các hợp đồng về cầm cố quyền sử dụng đất là vô hiệu.

Ví dụ: Tại Bản án số 63/2019/DS-ST về tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất, Tòa án nhận định như sau: “Anh Trần Thanh H, chị Mai Thị T thỏa thuận và giao kết hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất với chị Nguyễn Thanh M và anh Nguyễn Thành N, có lập thành văn bản là hợp đồng cầm cố đất ruộng vào ngày 29/3/2013, nhưng trong hợp đồng không thỏa thuận cụ thể về thời gian giao đất, vị trí của thửa đất cầm cố, chỉ thỏa thuận là cầm cố 05 công đất ruộng và số vàng cầm cố là 35 chỉ vàng 24k, thời hạn 02 năm kể từ ngày 29/3/2013 đến hết vụ đông xuân năm 2015, với điều kiện cho anh H và chị T thuê lại từng năm theo giá của năm. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự thống nhất thừa nhận, thực tế sau khi ký hợp đồng cầm cố thì anh N và chị M giao cho anh H và chị T 35 chỉ vàng 24k, nhưng không quản lý và canh tác phần đất đã nhận cầm cố mà cho anh H và chị T thuê lại để canh tác với giá thỏa thuận là 18 triệu đồng/ năm, anh H và chị T đã trả đủ tiền thuê qua các năm, chỉ còn nợ lại tiền thuê đất của năm 2018. Theo Điều 106 Luật đất đai năm 2003, các điều 166, 167 Luật đất đai năm 2013 và quy định của pháp luật về đất đai thì người sử dụng đất không có quyền cầm cố quyền sử dụng đất, nên giao dịch giữa chị M, anh N với anh H, chị T là trái với quy định của pháp luật. Do đó, căn cứ vào các điều 122, 123, 131 BLDS năm 2015 xác định hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất giữa các đương sự là vô hiệu”.

Tòa án đã căn cứ vào việc người sử dụng đất không có quyền cầm cố quyền sử dụng đất để tuyên hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất vô hiệu là chưa thuyết phục, nhưng để chấp nhận loại hợp đồng này thì chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Tòa án tuyên giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất vô hiệu vì cho rằng người sử dụng đất chỉ được phép thực hiện giao dịch trong phạm vi những quyền mà pháp luật quy định. Do đó, nếu người sử dụng đất thực hiện giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất thì sẽ vi phạm điều cấm của pháp luật nên giao dịch này bị vô hiệu.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các bên đã tự nguyện thực hiện giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất từ khi tham gia thỏa thuận cho đến khi thực hiện, đều tự nguyện và xuất phát từ tập quán cầm cố đất ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Cầm cố đất chưa được pháp luật điều chỉnh, mà không phải là bị cấm, Tòa án cho rằng giao dịch trên vi phạm điều cấm là không đúng. Vì khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 đã nêu: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Điều luật trên không sử dụng từ “chỉ”; do đó, có thể hiểu rằng luật chưa quy định giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất, nên cần áp dụng tương tự pháp luật trong phần cầm cố tài sản và các văn bản hướng dẫn để giải quyết. Tác giả đồng tình với ý kiến này, vì hiểu như vậy mới hợp lý và đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên. Nếu pháp luật chưa quy định thì không thể hủy giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất, mà phải áp dụng tập quán hay tương tự pháp luật để giải quyết. Như vậy, mặc dù Điều 310 BLDS năm 2015 đã quy định về cầm cố bất động sản nhưng khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 về quyền của người sử dụng đất chưa nêu cụ thể người sử dụng đất có được cầm cố quyền sử dụng đất hay không là vấn đề bất cập trong thực tiễn.

- Chưa quy định về cầm cố quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ

 Điều 115 BLDS năm 2015 quy định về quyền tài sản: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Theo đó, quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ có được dùng quyền sở hữu trí tuệ để cầm cố nhằm bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ dân sự khác hay không? Điều 309 BLDS năm 2015 định nghĩa về cầm cố tài sản: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 không quy định cụ thể việc chủ thể được quyền cầm cố tài sản, mà chỉ quy định việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ tại Chương IV (chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan); Chương X (chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp) và Chương XV (chuyển giao quyền đối với giống cây trồng). Đối chiếu với Điều 309 BLDS năm 2015, có thể hiểu là các loại tài sản hợp pháp đều có thể sử dụng để cầm cố, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 5 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: “Trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật này thì áp dụng quy định của BLDS”. Tuy nhiên, việc cầm cố quyền sở hữu trí tuệ gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, Điều 310 BLDS năm 2015 quy định về cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Tuy nhiên, cách xác định thời điểm này chưa hợp lý đối với quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ, rất khó để xác định được việc bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ. Điều 310 BLDS năm 2015, Điều 31 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũng chưa hướng dẫn bao quát vấn đề này, dẫn đến hạn chế quyền cầm cố của các bên khi tham gia giao dịch dân sự về quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là, về nghĩa vụ giao tài sản của bên cầm cố. Bên cầm cố có nghĩa vụ giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận. Một trong những đặc điểm phân biệt giữa hợp đồng cầm cố và thế chấp là việc có giao tài sản cho bên kia hay không. Tự thân các tài sản có tính hữu hình hoặc vô hình. Điều này là một thực tế mà pháp luật không thể phủ nhận. Tài sản trí tuệ hay quyền tài sản của các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình nên việc “chuyển giao” cần có những quy định phù hợp so với các tài sản hữu hình. Việc “chuyển giao” quyền sở hữu trí tuệ từ người này sang người khác là một vấn đề mang tính kỹ thuật pháp lý hơn là về hình thái trên thực tế.

2. Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cầm cố quyền sử dụng đất là một loại giao dịch tương đối phổ biến, do các bên tự thỏa thuận xác lập, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của họ. Do đó, trường hợp người sử dụng đất cần vốn để đầu tư vào việc khác mà chủ thể khác lại có nhu cầu, điều kiện để khai thác, sử dụng đất thì pháp luật cần cho phép chủ sử dụng đất cầm cố quyền sử dụng đất, thay vì hạn chế như hiện nay. Điều 167 Luật đất đai năm 2013 cần bổ sung quy định người sử dụng đất được quyền cầm cố quyền sử dụng đất để phù hợp với BLDS năm 2015, tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến cầm cố quyền sử dụng đất, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sử dụng đất khi tham gia các giao dịch cầm cố.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng của hợp đồng cầm cố là quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, cơ sở pháp lý của việc cầm cố tài sản là quyền sở hữu trí tuệ sẽ cụ thể, rõ ràng hơn, đảm bảo hành lang pháp lý cho việc giải quyết hợp lý các tranh chấp phát sinh./.

 Theo https://kiemsat.vn/ban-ve-cam-co-quyen-su-dung-dat-va-quyen-so-huu-tri-tue-63955.html

1779

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]