Đặt vấn đề
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng, Luật SHTT năm 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và gây khó khăn cho việc vận dụng pháp luật trong đời sống đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn. Chính bởi vậy năm 2009 Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Đến năm 2019, Luật Sở hữu trí tuệ một lần nữa tiếp tục được sửa đổi, bổ sung đã được và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019. Văn bản quy phạm pháp luật này được kỳ vọng sẽ mang đến sự thay đổi tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Thế nhưng, đến nay Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung vẫn còn một số vướng mắc, cụ thể với những quy định liên quan đến thừa kế tài sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.
Thừa kế tài sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là một vấn đề mới, chưa được quy định một cách cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên hiểu theo cách chung nhất thì: Thừa kế tài sản là quyền sở hữu công nghiệp là việc người thừa kế được tiếp nhận, thụ hưởng và trở thành chủ sở hữu mới đối với các quyền của cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do người đó sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quy định BLDS năm 2015 ghi nhận việc chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác và quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao, người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của BLDS[1].
Việc thừa kế tài sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp về cơ bản vẫn được thực hiện theo quy định chung của BLDS năm 2015, nhưng do quyền sở hữu công nghiệp là một loại tài sản đặc biệt (gắn liền với quyền nhân thân) nên việc chuyển giao quyền sở hữu không thể thực hiện đơn thuần như các tài sản khác. Chính vì thế, bên cạnh các quy định của BLDS năm 2015, việc thừa kế tài sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp còn phải tuân thủ các quy định khác trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Công chứng năm 2014; Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch cũng như các văn bản có liên quan.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), trong trường hợp Luật Sở hữu trí tuệ không quy định thì áp dụng BLDS hoặc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ khi có các quy định khác nhau, mâu thuẫn với các luật khác.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền đối với các sản phẩm, sáng chế trong lĩnh vực công nghiệp do cá nhân, tổ chức tạo ra, xuất phát từ sản phẩm của trí tuệ trong quá trình lao động, gắn liền với hoạt động công nghiệp mang lại các lợi ích cho con người, xã hội nói chung và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp quốc gia nói riêng. Chính bởi vậy, việc ghi nhận công sức của người tạo ra các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, tên thương mại là hết sức hợp lý. Pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành đảm bảo quyền của tác giả, người sáng chế bằng các quy định về việc cho phép đăng ký bảo hộ đối với tác phẩm, sáng chế của mình và trở thành chủ sở hữu của tác phẩm, sáng chế đó.
Bên cạnh đó, pháp luật dân sự cho phép cá nhân để lại di sản thừa kế của mình thông qua hình thức di chúc hoặc theo pháp luật với điều kiện di sản thừa kế phải được tạo dựng hợp pháp, được nhà nước công nhận quyền sở hữu (trong một số trường hợp nhất định như bất động sản, tài sản có giá trị lớn: ô tô, mô tô, tàu bay, tàu biển, quyền sở hữu trí tuệ). Để đảm bảo quyền để lại di sản thừa kế của mình, người sáng chế/ chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp cần chứng minh được mình có quyền sở hữu công nghiệp đối với các sáng chế đó thông qua văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành chỉ ghi nhận chung chung các quyền cơ bản của chủ sở hữu các sáng chế công nghiệp. Trước tiên, để được cấp văn bằng bảo hộ, người sáng chế cần phải tiến hành thủ tục để đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký cấp văn bằng bảo hộ mặc dù đã có quy định nhưng người sáng chế/ chủ sở hữu cũng không dễ dàng thực hiện, khi phải trải qua một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự am hiểu pháp lý cũng như khả năng cung cấp nhiều loại giấy tờ, tài liệu và minh chứng.
Cụ thể: Người đăng ký là cá nhân phải là chứng minh người tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình hoặc là người đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc hoặc chuyển giao đăng ký cho người khác thông qua thừa kế. Ngoài ra, các văn bằng ngay cả kể khi đã được cấp cho chính người sáng chế thì cũng chỉ có thời hạn xác định: Đối với Bằng độc quyền sáng chế là 20 năm; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 5 năm và có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm. Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là 10 năm; hoặc 15 năm kể từ này tạo ra thiết kế bố trí; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
Sau khi hết thời hạn của văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu phải tiếp tục tiến hành thủ tục gia hạn để chứng minh mình chính là “chủ sở hữu” của sáng chế thêm nhiều lần nữa, nếu việc bảo hộ đối với các sáng chế này sẽ bị chấm dứt. Chính các quy định hạn chế quyền sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra hoặc sở hữu hợp pháp thông qua “thủ tục” đăng ký phần nào đi ngược lại với nguyên tắc về quyền sở hữu được pháp luật dân sự công nhận. Đây cũng là một trong số các lý do khiến chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có trở ngại tâm lý và đẩy mạnh xu hướng chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, dẫn đến tình trạng quyền sở hữu công nghiệp không trở thành một loại di sản thừa kế phổ biến.
Khi lập di chúc để quyết định số phận tài sản của mình sau khi chết, người để lại di chúc phải thể hiện được tính hợp pháp của tài sản trong di chúc đó. Mặc dù pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phép trong quá trình đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và cấp văn bằng bảo hộ, cá nhân vẫn có thể tiến hành chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm cả việc chuyển giao quyền đăng ký bảo hộ) cho chủ thể khác thông qua việc thừa kế. Nhưng trong trường hợp này, người để lại di chúc sẽ không thể tiến hành việc mô tả cũng như minh chứng tính hợp pháp của tài sản khi chưa có văn bằng bảo hộ hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Chính bởi vậy, nội dung của di chúc sẽ không hợp pháp do thời điểm để lại di chúc, tài sản là quyền sở hữu công nghiệp, được hiểu là “tài sản hình thành trong tương lai”.
Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành yêu cầu các cá nhân, tổ chức là người thừa kế quyền sở hữu công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nhất định nhưng lại chưa cụ thể hóa được các quy định đó [2]. Điều này dẫn đến việc người áp dụng pháp luật có thể hiểu sai, suy diễn và áp dụng linh hoạt quy định theo các chiều hướng khác nhau, có thể hiểu rằng không cần đáp ứng điều kiện nào, nhưng cũng có thể là phải đáp ứng “bất cứ điều kiện nào” do cơ quan có thẩm quyền đặt ra khi yêu cầu tiến hành đăng ký bảo hộ.
Thêm nữa, theo quy định tại Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 thì văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực khi chủ văn bằng bảo hộ không còn [3]. Trong khi đó, theo quy định pháp luật về công chứng, chứng thực, khi tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế phải chứng minh được phần di sản do người chết để lại còn tồn tại và hợp pháp. Nhưng với các quy định về việc chấm dứt giá trị pháp lý của văn bằng bảo hộ sau khi chủ văn bằng chết, người thừa kế sẽ không thể chứng minh di sản này hợp pháp và không thể thực hiện việc khai nhận, phân chia di sản thừa kế được nữa.
Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ và cấp văn bằng bảo hộ chỉ được ghi nhận với các trường hợp là người sáng tạo ra sáng chế hoặc các sản phẩm sở hữu công nghiệp, trong khi đó với tư cách là người nhận thừa kế di sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp thì những quy định này lại không phù hợp. Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không ghi nhận các tài liệu cụ thể người thừa kế phải nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ và các chứng chỉ bảo đảm quyền sở hữu công nghiệp do nhận thừa kế; dẫn đến việc người thừa kế không biết cần phải có các loại giấy tờ, tài liệu cũng như quy trình thủ tục phải tiến hành ra sao.
Với các quy định về đăng ký bảo hộ hiện hành, cũng có thể mặc nhiên hiểu rằng người nhận thừa kế không cần được cấp văn bằng bảo hộ mới mà họ chỉ cần chứng minh rằng mình là người thừa hưởng hợp pháp các quyền từ chủ sở hữu trước đó, kèm theo văn bằng bảo hộ được công nhận đối với người tạo ra sản phẩm trí tuệ công nghiệp. Vậy quyền kế thừa của người thừa kế quyền sở hữu công nghiệp ra sao trong khi Văn bằng bảo hộ đã hết giá trị pháp lý ngay khi chủ sở hữu văn bằng bảo hộ chết.
Như vậy, có thể thấy những người thừa kế sẽ rất khó khăn để nhận di sản thừa kế là quyền sở hữu công nghiệp cũng như tiến hành đăng ký bảo hộ, thừa hưởng các quyền lợi hợp pháp từ quyền sở hữu công nghiệp do nhận thừa kế nếu không có các quy định cụ thể.
Để đảm bảo quyền thừa kế tài sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật về sở hữu trí tuệ cần phải có những sửa đổi thiết thực hơn, theo hướng kéo dài thời gian của văn bằng bảo hộ đối với các quyền sở hữu công nghiệp.
Việc đăng ký tác giả được hiểu là một phương thức bảo vệ cho chủ sở hữu hợp pháp của sáng chế, gắn liền với quyền tác giả của người đó. Nhưng quyền sở hữu công nghiệp không đơn thuần chỉ là quyền nhân thân, mà gắn liền theo đó là các lợi ích chủ sở hữu nhận được khi khai thác, hưởng dụng từ các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, việc kéo dài thời hạn của văn bằng bảo hộ là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ đảm bảo cho việc ghi nhận thành tựu trí tuệ của con người mà còn đảm bảo quyền tác giả đối với sản phẩm của cá nhân; đồng thời, đảm bảo được quyền của những người thừa kế.
Pháp luật cũng cần phải có sự tách bạch giữa chủ thể là chủ sở hữu (người sáng chế hoặc chủ sở hữu sáng chế) và người có quyền hưởng dụng (là người thừa kế) không gắn liền với quyền tác giả. Pháp luật có thể cấp văn bằng bảo hộ riêng đối với người hưởng dụng và ghi nhận quyền khai thác, hưởng dụng các sáng chế đó với một thời hạn nhất định (tính kể từ sau khi chủ sở hữu sáng chế chết).
Bên cạnh đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng cần ghi nhận các quy định cụ thể đối với quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu do nhận thừa kế như:
Thứ nhất, ghi nhận quyền được cấp văn bằng bảo hộ đối với việc khai thác, hưởng dụng quyền sở hữu công nghiệp do nhận thừa kế.
Thứ hai, quy định cụ thể đối với trình tự, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ cho người thừa kế tài sản là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, ghi nhận thời hạn và quyền lợi của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp do nhận thừa kế.
[1] Điều 234 và Điều 238, Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Khoản 6, Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
[3] Điểm c, khoản 1, Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Theo: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/thuc-trang-phap-luat-so-huu-tri-tue-ve-thua-ke-quyen-so-huu-tai-san-la-doi-tuong-cua-quyen-so-huu-cong-nghiep6552.html