20/06/2022 15:23

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và 05 bản án liên quan

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và 05 bản án liên quan

Hiện nay, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phức tạp, được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khiến cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn. Các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường được xử lý trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến quyền của người bị xâm hại. Vậy, pháp luật quy định thế nào là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Dưới đây là một số bản án về tranh chấp liên quan đến vấn đề này.

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo Luật sở hữu trí tuệ thì “quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”

Các đối tượng sở hữu trí tuệ được nhà nước bảo hộ bao gồm:

- Đối tượng quyền tác giả: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm khoa học;

- Đối tượng liên quan đến quyền tác giả như: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;

- Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

- Đối tượng quyền đối với giống cây trồng: Giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Tại điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

“Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:

Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”.

Theo đó, khi xác định một hành vi có phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không cần căn cứ vào 04 yếu tố sau:

- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, đối tượng bị xem xét là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không.

- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

- Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét không đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định, họ không phải là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ, cũng không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Dưới đây là một số bản án về tranh chấp về tranh chấp liên quan đến quyền sở hứu trí tuệ.

1. Bản án 13/2020/KDTM-PT ngày 22/06/2020 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ - Hợp đồng Li-xăng

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

- Trích dẫn nội dung: “Công ty K và Công ty T có ký kết với nhau Hợp đồng Li xăng và phí bản quyền thương hiệu vào ngày 01/10/2011. Nội dung hợp đồng thỏa thuận các vấn đề sau: Công ty T được quyền sử dụng thương hiệu A Resort trong thời hạn 20 năm. Công ty T có trách nhiệm thanh toán cho Công ty K một khoản phí bản quyền tương đương với 1% doanh thu bán phòng của Khách sạn trong từng tháng. Quá trình thực hiện hợp đồng: Công ty K đã hoàn thành việc chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu A Resort cho Công ty T. Trong thời gian chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu nói trên, Công ty K và Công ty T còn ký kết với nhau nhiều hợp đồng để phối hợp trong việc vận hành Khu nghỉ mát A Resort, cụ thể: Hợp đồng quản lý được ký kết vào ngày 01/9/2011, Phụ lục Hợp đồng quản lý vào ngày 01/01/2013; Hợp đồng tư vấn số 017/HĐTV ngày 01/4/2019 cùng nhiểu văn bản về việc gia hạn Hợp đồng quản lý. Công ty T khai thác và đưa vào sử dụng thương hiệu A nói trên, nhưng lại không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho Công ty K.”

2. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của tác phẩm truyện tranh số 774/2019/DSPT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Từ năm 2001, ông L bắt đầu về làm việc tại Công ty với vị trí họa sĩ vẽ minh họa. Khi đó, giám đốc Công ty PT có đề nghị ông vẽ bộ truyện dân gian để chuyển thể các điển tích và nhân vật trạng ngày xưa. Ông có xây dựng khoảng 30 nhân vật và chọn ra 4 hình tượng nhân vật là O, P, Q, R để sáng tác bộ truyện tranh E. Ông thực hiện các công việc từ hình thành ý tưởng sáng tạo đến vẽ hình tượng nhân vật và dự kiến số tập truyện phải xuất bản trong năm. Công ty PT và các đồng nghiệp chỉ hỗ trợ mua tư liệu, lọc nét, xử lý màu, đóng góp ý kiến nhằm rút ngắn thời gian và hoàn thiện bộ truyện hơn. Khi truyện phát hành, trên tất cả các trang bìa tập truyện đều có ghi nhận tác giả là Lê L (là bút danh của ông). Ngày 29/3/2002, theo yêu cầu của bà H1, ông có ký đơn để Công ty PT đăng ký quyền sở hữu đối với 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R. Sau đó, Công ty PT được Cục bản quyền cấp Giấy chứng nhận ghi nhận là chủ sở hữu bản quyền của 4 hình tượng nhân vật trên. Ông tiếp tục sáng tác truyện E cho đến tập 78 thì dừng lại và nghỉ việc tại Công ty PT. Một thời gian sau, ông phát hiện Công ty PT đã tự tạo ra nhiều biến thể khác nhau của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trên các tập truyện E từ tập 79 cho đến nay và các ấn phẩm khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật mà không xin phép ông.”

3. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế giữa pháp nhân với pháp nhân số 35/2020/KDTM-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Công ty MSD được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng ĐQSC số 7037 ngày 05/5/2008, có hiệu lực bảo hộ đến ngày 18/6/2004 và Bằng ĐQSC số 5684 ngày 02/6/2006, có hiệu lực bảo hộ đến ngày 05/7/2022. Quá trình tố tụng, MSD đã căn cứ Kết luận giám định số SC008-14YC/KLGĐ ngày 22/10/2014 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để cho rằng Công ty ĐVP đã có hành vi xâm phạm các Bằng ĐQSC nêu trên. Tuy nhiên, Công ty ĐVP không đồng ý và cho rằng hoạt chất sử dụng trong dược phẩm (thuốc) Zlatko không nằm trong phạm vi bảo hộ của MSD.”

4. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp số 18/2016/KDTM-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

- Trích dẫn nội dung: “Công ty CP H khởi kiện và xuất trình các chứng cứ chứng minh Công ty TNHH M đã sử dụng nhãn hiệu “F” trong nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch mà Công ty CP H đã đăng ký quyền sở hữu công nghiệp và được pháp luật bảo hộ, như sau:

+ Biển hiệu tại địa chỉ phố ĐDT, phường HB, quận HK, Hà Nội ghi Công ty TNHH M.

+ Sử dụng nhãn hiệu “F” trên trang Web: www.Ftravel.com.vn.

+ Tờ quảng cáo dịch vụ du lịch ( tour, cho thuê xe máy), card visite, bản đồ du lịch sử dụng nhãn hiệu: F travel và có ghi trang Web: www.Ftravel.com.vn.

Công ty CP H cho rằng khi phát hiện những vi phạm trên đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “F” nhưng Công ty TNHH M không có phản hồi và không chấm dứt hành vi vi phạm.

5. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật số 213/2014/DS-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Tân Bình

- Trích dẫn nội dung: “Ông L là tác giả của tác phầm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” Loại hình: Mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm đã được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013, có kèm theo hình ảnh đăng ký bản quyền, nội dung tác phẩm là tập hợp những hình ảnh của các nhân vật có nguồn gốc từ dân gian (hình ảnh ông thầy đồ, múa lân, ông địa...) được sắp xếp lại để thể hiện không khí ngày tết của Việt Nam. Tranh tết dân gian đã được nhiều tác giả khác thể hiện, nhưng với mong muốn có cách thể hiện riêng của mình ông đã tập hợp các hình ảnh có nguồn gốc từ dân gian và thể hiện mới theo phong cách của riêng ông để cho nhân vật sinh động hơn. Trên cơ sở như vậy, ông đã hình thành 05 cụm hình vẽ để gộp chung lại trong 01 tác phẩm với chủ đề: “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” cụm từ này ông cũng sử dụng để đặt tên cho tác phẩm. Vào dịp trước Tết quý tỵ (2013), ông phát hiện tại địa điểm “Showroom Honda ô tô Cộng Hòa” trực thuộc chi nhánh Công ty CP xuất nhập khẩu & dịch vụ ô tô mặt trời mọc đã sử dụng hình ảnh trong tác phẩm của ông để trang trí tết và không được sự đồng ý của ông.”

Như Ý
9044

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]