BỘ CÔNG THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3267/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI
VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM BỘT NGỌT CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VÀ CỘNG
HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-A
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Quản lý ngoại
thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị định số
98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số
06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định số
3752/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Phòng vệ thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều tra áp dụng biện
pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt, thuộc mã HS sau
2922.42.20 có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa
In-đô-nê-xi-a (mã vụ việc: AD09) với nội dung chi tiết nêu tại Thông báo kèm
theo Quyết định này.
Điều 2. Trình tự, thủ tục điều
tra thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục
trưởng Cục Phòng vệ thương mại và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG, TTTT;
- Các Thứ trưởng;
- Các website: Chính phủ Bộ Công Thương;
- Tổng cục Hải quan (Cục TXNK, Cục GSQL);
- Các Cục: CN, XNK;
- Các Vụ: AP, KHCN, ĐB, PC;
- Văn phòng BCĐLNHNQT về kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (8).
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
|
THÔNG BÁO
ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI
VÓI MỘT SỐ SẢN PHẨM BỘT NGỌT CÓ XUẤT XỨ TỪ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VÀ
CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-A
(Kèm theo Quyết định số 3267/QĐ-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1. Thông tin cơ bản
Ngày 19 tháng 8 năm 2019, Cục
Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện
pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm bột ngọt có mã HS
2922.42.20 (“Hàng hóa bị điều tra”) có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
(Trung Quốc) và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (In-đô-nê-xi-a). Bên yêu cầu và Bên ủng
hộ trong vụ việc là đại diện của ngành sản xuất trong nước, gồm 03 công ty là
Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty CP hữu hạn Vedan Việt
Nam và Công ty TNHH Miwon Việt Nam.
Cục PVTM đã có công văn số
760/PVTM-P1 ngày 04 tháng 9 năm 2019 yêu cầu Bên yêu cầu bổ sung hồ sơ. Ngày 23
tháng 9 năm 2019, Bên yêu cầu đã bổ sung đày đủ thông tin theo yêu cầu.
Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP
ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Quản lý ngoại thương (sau đây gọi tắt là Nghị định 10/2018/NĐ-CP), ngày 08
tháng 10 năm 2019, Cơ quan điều tra có công văn số 881/PVTM-P1 xác nhận hồ sơ đề
nghị đã hợp lệ và đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 28 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
Căn cứ quy định Điểm c Khoản 5 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 5.5 Hiệp định chống bán phá giá của WTO, ngày
15 tháng 10 năm 2019, Cơ quan điều tra đã có thư gửi Đại sứ quán nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam thông báo về việc nhận
được hồ sơ đề nghị đầy đủ và hợp lệ.
Theo quy định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ
quan điều tra xác định rằng:
- Bên yêu cầu áp dụng biện pháp chống
bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước; và
- Có bằng chứng rõ ràng về việc hàng
hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Cơ quan điều tra đã lấy ý kiến
chuyên môn về phạm vi sản phẩm và thông tin về ngành sản xuất trong nước.
Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương về trình
tự, thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ
tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra áp
dụng biện pháp CBPG đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc và
In-đô-nê-xi-a (mã vụ việc AD09).
2. Nội dung điều tra
Các nội dung điều tra sẽ được thực
hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản
lý ngoại thương và Điều 32 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, cụ thể như
sau:
2.1. Hàng hóa bị điều
tra
a) Mô tả hàng
hóa:
Tên sản phẩm: Bột ngọt
Tên khoa học/ Tên tiếng Anh: Monosodium
Glutamate (MSG)
Tên thông thường: Bột ngọt, Mì
chính, MSG, Mononatri glutamat, Monosodium L-glutamate, Sodium
glutamate, Muối natri của acid glutamic
Sản phẩm bột ngọt được phân loại
theo mã HS như sau:
Mã số
|
Mô tả hàng hóa
|
Thuế ưu đãi
|
ACFTA
|
ATIGA
|
Phần VI
|
SẢN PHẨM CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP
HOÁ CHẤT HOẶC CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP LIÊN QUAN
|
|
|
|
Chương 29
|
Hóa chất hữu cơ
|
|
|
|
2922
|
Họp chất amino chức oxy.
|
|
|
|
|
- Axit - amino, trừ loại chứa 2 chức oxy trở lên, và este của chúng; muối của chúng:
|
|
|
|
2922.42
|
- - Axit glutamic và muối của nó:
|
|
|
|
2922.42.20
|
- - - Muối natri của axit glutamic
(MSG)
|
20%
|
0%
|
0%
|
Bên cạnh thuế nhập khẩu hiện hành
như trên, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra đang bị áp dụng thuế tự vệ dưới
hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế là 3.201.039 đồng/tấn.
b) Xuất xứ của hàng hóa bị
điều tra: Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a.
2.2. Tóm tắt thông tin về
hành vi bán phá giá và thiệt hại
a) Kết quả thẩm
định hồ sơ yêu cầu
(i) Về điều kiện nộp hồ sơ:
- Sản lượng của Bên yêu cầu và Bên
ủng hộ vụ việc chiếm 94,05% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước,
đáp ứng điều kiện quy định tại Mục a Khoản
2 Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về việc sản lượng
của Bên ủng hộ vụ việc lớn hơn sản lượng của bên phản đối vụ việc;
- Sản lượng của Bên yêu cầu và bên
ủng hộ vụ việc chiếm 94,05% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước
trong nước, do đó đáp ứng được điều kiện quy định tại Mục b Khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về việc sản lượng của Bên yêu cầu và Bên ủng hộ vụ việc chiếm ít nhất
25% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất bởi ngành sản
xuất trong nước.
Như vậy Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện
pháp chống bán phá giá được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
(ii) Về hành vi bán phá giá: Bên
yêu cầu cung cấp các cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán phá giá của hàng hóa
bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a.
(iii) Về thiệt hại: Bên yêu cầu
cung cấp được các thông tin hợp lý chứng minh dấu hiệu về thiệt hại đáng kể đối
với ngành sản xuất trong nước, cụ thể như sau:
- Có sự gia tăng tuyệt đối và
tương đối về lượng nhập khẩu hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc và
In-đô-nê-xi-a so với tổng tiêu thụ trong nước; và lượng nhập khẩu hàng hóa bị đề
nghị điều tra có xu hướng gia tăng trong thời gian tới;
- Có sự chênh lệch giá và tác động
kìm giá đối với giá bán của ngành sản xuất trong nước;
- Có các dấu hiệu tiêu cực trong
xu hướng lợi nhuận, tồn kho, nhân công, tiền lương....
(iv) Về mối quan hệ nhân quả: Hồ
sơ của Bên yêu cầu chứng minh có tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập
khẩu bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Do đó, Cơ quan điều tra xác định Hồ
sơ của Bên yêu cầu đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật chống
bán phá giá và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tiến hành khởi xướng
điều tra.
b) Thời kỳ điều
tra (POI):[1]
- Thời kỳ điều tra xác định hành
vi bán phá giá: từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 đến ngày 30 tháng 6 năm 2019.
- Thời kỳ điều tra xác định thiệt
hại của ngành sản xuất trong nước:
Năm 1: từ ngày 01 tháng 7 năm 2015
đến ngày 30 tháng 6 năm 2016;
Năm 2: từ ngày 01 tháng 7 năm 2016
đến ngày 30 tháng 6 năm 2017;
Năm 3: từ ngày 01 tháng 7 năm 2017
đến ngày 30 tháng 6 năm 2018;
Năm 4: từ ngày 01 tháng 7 năm 2018
đến ngày 30 tháng 6 năm 2019.
c) Đề xuất về
mức thuế của Bên yêu cầu:[2]
Bên yêu cầu đề nghị áp dụng thuế
CBPG đối với hàng hóa bị điều tra ở mức 28,04% đối với hàng hóa có xuất từ
Trung Quốc và 20,59% đối với hàng hóa có xuất xứ từ In-đô-nê-xi-a.
3. Trình tự, thủ tục điều
tra
3.1. Đăng ký bên liên
quan
a) Căn cứ Điều 5 Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20
tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung
về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Thông tư 06/2018/TT-BCT),
tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 74
Luật Quản lý ngoại thương có
thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với Cơ quan điều tra để tiếp cận
thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận,
thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung điều tra được nêu tại Thông báo
này.
b) Tổ chức, cá nhân đăng ký bên
liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 06/2018/TT-BCT
và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ nêu tại Thông báo này trong thời hạn
ba mươi (30) ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra bằng cách gửi công
văn chính thức kèm theo Đơn đăng ký bên liên quan theo một trong hai phương thức
sau: (i) bưu điện hoặc (ii) thư điện tử.
c) Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp
pháp của mình, Cơ quan điều tra khuyến nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập
khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để thực hiện quyền
tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và bày tỏ quan điểm trong quá trình điều
tra của vụ việc.
3.2. Bản câu hỏi điều
tra
Căn cứ Điều 35 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:
Trong thời hạn mười lăm (15) ngày
kể từ ngày có quyết định điều tra, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra
cho các đối tượng sau đây:
- Bên nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện
pháp CBPG;
- Các nhà sản xuất trong nước khác
mà Cơ quan điều trà biết;
- Bên bị đề nghị điều tra áp dụng
biện pháp CBPG mà Cơ quan điều tra biết;
- Các nhà nhập khẩu hàng hóa bị điều
tra;
- Cơ quan đại diện ngoại giao của
quốc gia nơi xuất xứ của hàng hóa bị điều tra;
- Các bên liên quan khác mà Cơ
quan điều tra cho là cần thiết.
3.3. Chọn mẫu điều tra
Trong trường hợp số lượng các nhà
sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước quá lớn
hoặc chủng loại hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG quá lớn, Cơ quan điều
tra có thể giới hạn phạm vi điều tra. Việc giới hạn phạm vi điều tra được thực
hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định
10/2018/ND-CP.
3.4.Tiếng nói và chữ viết
a) Tiếng nói và chữ viết dùng
trong quá trình điều tra là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói
và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có biên dịch và phiên dịch.
b) Các thông tin, tài liệu không
phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt.
Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về nội dung được dịch thuật.
3.5. Bảo mật thông tin
Cơ quan điều tra thực hiện việc bảo
mật thông tin theo quy định tại khoản 2
Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
3.6. Hợp tác trong quá
trình điều tra
Căn cứ Điều 10 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:
a) Bất kỳ bên liên quan nào từ chối
tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc gây cản trở đáng kể
tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận điều tra đối với bên liên quan
đó sẽ dựa trên các cơ sở thông tin sẵn có.
b) Bất kỳ bên liên quan nào cung cấp
các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng cứ đó sẽ không được
xem xét và kết luận điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các
thông tin sẵn có.
c) Cơ quan điều tra khuyến nghị
các bên liên quan tham gia hợp tác đầy đủ trong quá trình vụ việc để đảm bảo
quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
4. Các biện pháp tạm thời
4.1. Quản lý nhập khẩu đối
với hàng hóa bị điều tra
Kể từ khi có quyết định điều tra
cho đến khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp CBPG, Cơ quan điều
tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều
tra áp dụng biện pháp CBPG để phục vụ công tác điều tra. Việc khai báo nhập khẩu
không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu.
Trình tự thủ tục thực hiện quản lý
nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Đơn khai báo tại Phụ lục 2
Thông tư 06/2018/TT-BCT. Bộ Công Thương sẽ có thông báo chi tiết trong trường hợp
áp dụng biện pháp này.
4.2. Áp dụng thuế CBPG tạm
thời
Căn cứ kết luận điều tra sơ bộ, Cơ
quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng
thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Khoản
1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Mức thuế CBPG tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong
kết luận điều tra sơ bộ.
5. Tham vấn
Các bên liên quan có quyền yêu cầu
tham vấn riêng với Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP với
điều kiện việc tham vấn này không ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc.
Trước khi kết thúc điều tra, Cơ
quan điều tra tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan. Cơ quan
điều tra có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức tham vấn cho các bên liên
quan chậm nhất ba mươi (30) ngày trước ngày tổ chức tham vấn. Việc tổ chức
phiên tham vấn công khai được thực hiện theo thủ tục quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 13 Nghị định
10/2018/NĐ-CP.
6. Áp dụng thuế CBPG có hiệu
lực trở về trước
a) Trong trường hợp kết luận cuối cùng
của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt
hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết
định áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước;
b) Thuế CBPG được áp dụng có hiệu
lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn chín mươi (90) ngày
trước khi áp dụng thuế CBPG tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị
bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt
Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng
thuế CBPG tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc
phục cho ngành sản xuất trong nước.
7. Thông tin liên hệ
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công
Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm,
Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: +84.24.2220.5304
Thư điện tử: [email protected]
(Cán bộ điều tra Vũ Tuấn Nghĩa)
Quyết định và Thông báo về vụ việc
có thể truy cập và tải xuống tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn;
hoặc Cục Phòng vệ thương mại: www.trav.gov.vn hoặc www.pvtm.gov.vn.
[1] Đây là thời kỳ Cơ quan điều tra thu thập các
thông tin, số liệu để xác định sự tồn tại của hành vi bán phá giá, sự tồn tại của
thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại hoặc sự ngăn cản một cách đáng kể sự hình
thành của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt
hại nêu trên.
[2] Mức thuế này là cáo buộc của Bên yêu cầu,
không phải là kết luận của Cơ quan điều tra.