BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
7180/CT-TCHQ
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN TRONG TOÀN QUỐC
Trong những năm qua, hoạt động kiểm
tra sau thông quan (KTSTQ) đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào
công tác quản lý nhà nước về hải quan, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý hải quan
hiện đại, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Công tác
kiểm tra sau thông quan đã thực hiện theo các chuyên đề, từng bước đáp ứng yêu
cầu quản lý nhà nước về hải quan. Năm 2018, toàn ngành đã thực hiện 6.320 cuộc
kiểm tra sau thông quan, trong đó có 1.313 cuộc tại trụ sở người khai hải quan.
Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 2.262 tỷ đồng. Riêng
Cục kiểm tra sau thông quan thực hiện 174 cuộc tại trụ sở người khai hải quan
(bằng 2,7% tổng số cuộc toàn lực lượng). Tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác
phân tích đánh giá rủi ro, lựa chọn đối tượng kiểm tra nên số tiền ấn định thuế
và xử phạt vi phạm hành chính là 1.012 tỷ đồng (bằng 44,7% tổng số thu toàn lực
lượng). Từ thực tiễn hoạt động, Cục Kiểm tra sau thông quan đã góp phần kiến
nghị, sửa đổi các chính sách đáp ứng yêu cầu quản lý.
Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của lực
lượng kiểm tra sau thông quan toàn ngành đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng
cao hiệu quả, tránh kiểm tra tràn lan, trình độ và ý thức tổ chức, kỷ luật của
cán bộ công chức làm cộng tác kiểm tra sau thông quan đã được cải thiện một bước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn
còn tồn tại những hạn chế: một bộ phận lãnh đạo, công chức thừa hành và cộng đồng
doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của kiểm tra
sau thông quan. Lãnh đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải
quan tỉnh, thành phố chưa dành sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với nhiệm vụ
này. Do vậy, công tác đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng; công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ công chức làm công tác kiểm
tra sau thông quan; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cộng đồng doanh
nghiệp chưa được chú trọng.
Cục Kiểm tra sau
thông quan chưa làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng cục trưởng để chỉ
đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan theo quy định
của Luật Hải quan và Điều 144 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Nhằm chấn chỉnh, tăng cường và nâng
cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc đồng thời xác định
công tác kiểm tra sau thông quan trở thành một trụ cột của
quản lý hải quan hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật,
Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc quán triệt; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và một số quan điểm
về kiểm tra sau thông quan sau:
- Trước khi tiến hành một cuộc kiểm
tra cần chuẩn bị kỹ các hoạt động thu thập, sàng lọc thông tin và phân tích rủi
ro, xác định, yêu cầu phương pháp tiến hành để xây dựng kế hoạch kiểm tra.
- Trước khi ra kết luận, ấn định thuế,
xử phạt vi phạm hành chính, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giải
trình, thuyết phục doanh nghiệp chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan hải
quan nhằm hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hành chính và tình trạng
nợ đọng thuế. (Đối với vụ việc phức tạp, người có thẩm quyền ký quyết định kiểm
tra, kết luận phải trực tiếp đối thoại doanh nghiệp để chỉ đạo giải quyết).
- Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm
soát với cán bộ công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan nhằm ngăn chặn
các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
2. Cục Kiểm tra sau thông quan:
a. Xây dựng đề án nâng cấp hệ thống
thông tin dữ liệu STQ_01 nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi,
kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kiểm tra sau thông quan toàn quốc.
b. Tổ chức nghiên cứu, triển khai và
hệ thống hóa:
- Các quy định pháp luật có liên quan
để nhận diện và xây dựng danh mục dữ liệu rủi ro trong tất cả các lĩnh vực ở khâu sau thông quan.
- Thu thập thông tin, xây dựng cơ sở
dữ liệu về doanh nghiệp; hoạt động của doanh, nghiệp trên phạm vi toàn quốc
theo từng loại hình, trên từng địa bàn.
- Thu thập thông tin về hoạt động xuất
khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Từ các hệ thống thông tin trên, thực
hiện sàng lọc, phân loại doanh nghiệp để đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch định hướng kiểm tra sau thông quan trong từng giai đoạn, tập trung vào những
nhóm chuyên đề có nguy cơ rủi ro cao vi phạm pháp luật diễn ra trên diện rộng
trong thời gian kéo dài.
c. Hàng năm, chậm nhất ngày 30 tháng
10, xây dựng kế hoạch định hướng trình Tổng cục trưởng phê
duyệt và tổ chức thực hiện để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải
quan theo quy định tại mục a khoản 2 Điều 98 Nghị định
08/2015/NĐ-CP, bao gồm: Doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp thực
hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các tập đoàn, Tổng công ty có cơ sở sản xuất
hàng hóa xuất khẩu, chi nhánh, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại nhiều địa
bàn.
Riêng các doanh nghiệp chưa phát hiện
dấu hiệu vi phạm hoặc đánh giá mức độ rủi ro thấp, phải tiến hành kiểm tra đánh
giá tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Hải
quan, lập kế hoạch, lựa chọn ngẫu nhiên trình Tổng cục trưởng
ban hành kế hoạch để chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có tổ chức Chi cục
Kiểm tra sau thông quan thực hiện. Việc kiểm tra, đánh giá
tuân thủ trong trường hợp này áp dụng một lần cho một
doanh nghiệp trong thời hạn từ 3 đến 5 năm.
3. Nhằm hạn chế bỏ sót, lọt sai phạm của
doanh nghiệp và tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo
tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng
Chính phủ gắn với thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sau thông
quan theo quy định của Luật Hải quan, Cục Kiểm tra sau
thông quan, Chi cục kiểm tra sau thông quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
tập trung lực lượng để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch,
chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các trường hợp
quy định tại điểm c khoản 1 Điều 143 Thông tư
38/2015/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính được sửa đổi tại khoản
74 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BT
C. Cụ thể là thanh tra chuyên ngành
theo quy định đối với các trường hợp sau:
- Hồ sơ thuế, hải quan quá thời hạn
kiểm tra sau thông quan;
- Các trường hợp đã kiểm tra tại trụ
sở người khai hải quan nhưng phát hiện có thông tin mới hoặc vụ việc có tính chất
phức tạp hoặc có dấu hiệu vi phạm khác.
4. Cục Kiểm tra sau thông quan căn cứ
thông tin trên hệ thống STQ_01, kế hoạch được lập trong từng giai đoạn tại mục
1 của chỉ thị này và xem xét thông tin, kiến nghị của các Cục, Vụ thuộc Tổng cục
Hải quan chuyển đến, phân tích, đánh giá rủi ro để bổ sung kế hoạch thực hiện
kiểm tra sau thông quan hoặc chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện.
5. Trong quá trình kiểm tra sau thông
quan nếu phát sinh vướng mắc có liên quan đến chính sách, văn bản hướng dẫn của
Tổng cục Hải quan do các đơn vị kiểm tra sau thông quan toàn quốc chuyển về, Cục
Kiểm tra sau thông quan là đầu mối đề xuất Lãnh đạo Tổng cục chuyển các Cục, Vụ
tham mưu trả lời theo chức năng, nhiệm vụ. Thời hạn các Cục,
Vụ trả lời theo quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan.
6. Đối với các Cục
Hải quan tỉnh, thành phố không có tổ chức Chi cục Kiểm tra sau thông quan, chỉ
thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải
quan theo quy định tại Điều 142 Thông tư số
38/2015/TT-BTC, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 73, Điều 1, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày
20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Kết thúc kiểm tra sau thông quan tại
trụ sở cơ quan hải quan, nếu phát hiện có thông tin mới, dấu hiệu vi phạm khác
như quy định tại điểm b.1, khoản 1 Điều 142 Thông tư số
38/2015/TT-BTC được sửa đổi tại khoản 73, Điều 1, Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì báo cáo Tổng cục hải quan trước khi kiểm tra
tại trụ sở người khai hải quan. Giao Cục Kiểm tra sau
thông quan hướng dẫn nội dung này để thực hiện thống nhất.
7. Để tránh sự tùy tiện trong kiểm tra sau thông quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Hải
quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trước khi tiến hành kiểm tra
cần thực hiện thu thập thông tin trên cơ sở chương trình, hệ thống công nghệ
thông tin, dữ liệu có sẵn của Ngành như: STQ01, VNACCS/VCIS, GTT02, MHS... xác
định rõ dấu hiệu rủi ro và dự kiến phương pháp, kết quả kiểm tra. Trường hợp
các thông tin thu thập chưa đủ để phân tích, đánh giá rủi ro thì có văn bản đề
nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin theo quy trình.
Ngay trong ngày ban hành Quyết định
KTSTQ/ Kết luận KTSTQ phải cập nhật phiếu đề xuất KTSTQ/ đề xuất ban hành kết
luận KTSTQ kèm theo Quyết định KTSTQ/Kết luận KTSTQ lên hệ thống STQ_01 theo
đúng quy định tại Quyết định số 811/QĐ-TCHQ ngày 12/4/2012 của Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan. Trường hợp không thực hiện cập nhật thông tin sẽ thực hiện
kiểm điểm, xử lý trách nhiệm công chức, lãnh đạo theo quy định về quản lý công
vụ của ngành Hải quan. Giao Cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra, giám sát việc
thực hiện nội dung này.
8. Đối với trường hợp kiểm tra tại trụ
sở cơ quan hải quan, sau khi chuẩn bị kỹ nội dung nêu tại điểm 7 trên đây, khi
mời doanh nghiệp đến làm việc phải kết luận ngay nội dung kiểm tra. Nghiêm cấm
yêu cầu doanh nghiệp đi lại, giải trình nhiều lần, trừ trường hợp có lý do
khách quan từ phía doanh nghiệp đề nghị được cung cấp tài liệu giải trình bổ
sung.
9. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối
hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan rà soát, đánh giá về tổ chức bộ máy, hiệu
quả hoạt động của các Chi cục Kiểm tra sau thông quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh,
thành phố để tham mưu đề xuất tiếp tục tinh giản theo tinh thần Nghị Quyết
18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và chỉ đạo của Bộ
Tài chính.
10. Tổ chức thực hiện.
a. Cục Kiểm tra sau thông quan chịu
trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ thị này; tăng cường kiểm tra theo
quy chế kiểm tra nội bộ ban hành kèm theo Quyết định số 2009/QĐ-TCHQ ngày
10/7/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
b. Kết thúc một cuộc kiểm tra, cán bộ
công chức hải quan bị phát hiện có hành vi vi phạm ở khâu trước và sau thông quan,
Thủ trưởng các cấp phải kịp thời xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
c. Cán bộ công chức làm công tác kiểm
tra sau thông quan nếu có tinh thần thái độ làm việc tích cực, có thành tích nổi
bật trong thực hiện nhiệm vụ: phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, thủ đoạn
gian lận tinh vi có tính chất mới thì đề xuất khen thưởng kịp thời theo quy định.
Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan yêu
cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan nghiêm túc thực
hiện chỉ thị này, quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng
mắc, bất hợp lý báo cáo Tổng cục trưởng xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Các PTCT (để chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ (để t/h);
- Lưu: VT, KTSTQ (05b).
|
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Văn Cẩn
|