Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 29/2023/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Danh Huy
Ngày ban hành: 29/09/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi  đất dành cho đường sắt gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII của Thông tư 29/2023/TT-BGTVT .

- Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý (khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử) các tài liệu sau:

+ Quyết định phê duyệt dự án hoặc văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư công trình;

+ Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình cải tạo, nâng cấp);

+ Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt;

+ Văn bản pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định  công trình không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt:

Quyết định phê duyệt quy hoạch hoặc thỏa thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có liên quan đến việc xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

+ Tiến độ tổng thể dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Phương án tổ chức thi công công trình và biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình trong quá trình thi công.

Trình tự thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

- Chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư 29/2023/TT-BGTVT .

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư này có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

- Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường điện tử, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư 29/2023/TT-BGTVT thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến:

+ Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia;

+ Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị và các cơ quan chuyên môn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt đô thị.

- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức  được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Quá thời hạn trên nếu tổ chức được lấy ý kiến không có văn bản trả lời thì được coi là đã chấp thuận và  phải chịu trách nhiệm do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ gây ra.

- Thời gian giải quyết hồ sơ: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

- Giấy phép xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV của Thông tư 29/2023/TT-BGTVT . Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

- Trường hợp thực hiện trên môi trường điện tử, chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu quy định tại Điều 49 của Thông tư 29/2023/TT-BGTVT và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

- Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quyết định trình tự thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng.

Thông tư 29/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2023/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2023

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG NGANG VÀ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đường ngang (không bao gồm: đường sắt và đường bộ trên cầu chung; nơi đường sắt giao nhau với đường bộ chuyên dùng phục vụ tác nghiệp của ga, cảng, bãi hàng, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp); giao thông tại khu vực đường ngang; việc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; việc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến:

1. Hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ, quản lý, sử dụng, bảo trì đường ngang.

2. Hoạt động giao thông tại khu vực đường ngang.

3. Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường ngang công cộng là đoạn đường bộ thuộc quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị giao nhau cùng mức với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

2. Đường ngang chuyên dùng là đoạn đường bộ chuyên dùng giao nhau cùng mức với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

3. Đường ngang có người gác là đường ngang được tổ chức phòng vệ bằng hình thức bố trí người gác.

4. Đường ngang không có người gác là đường ngang được tổ chức phòng vệ bằng cảnh báo tự động hoặc biển báo.

5. Đường ngang cảnh báo tự động là đường ngang bố trí phòng vệ bằng báo hiệu cảnh báo tự động, có hoặc không có cần chắn tự động.

6. Đường ngang biển báo là đường ngang bố trí phòng vệ bằng các biển báo hiệu.

7. Đường ngang sử dụng lâu dài là đường ngang không giới hạn thời gian khai thác kể từ khi cấp có thẩm quyền cho phép.

8. Đường ngang sử dụng có thời hạn là đường ngang chỉ được khai thác trong thời gian nhất định được cấp có thẩm quyền cho phép.

9. Chắn đường ngang là cần chắn, giàn chắn được xây dựng, lắp đặt trong phạm vi đường ngang với mục đích ngăn người, phương tiện và các vật thể khác đi qua đường sắt trong một khoảng thời gian nhất định.

10. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

11. Hệ thống phòng vệ đường ngang là hệ thống liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn tại đường ngang bao gồm: chắn đường ngang; cọc tiêu, hàng rào cố định; vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc; hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ; hệ thống giám sát đường ngang; đèn tín hiệu và chuông điện; tín hiệu cảnh báo đường ngang, tín hiệu ngăn đường trên đường sắt và các thiết bị khác liên quan.

12. Gờ giảm tốc là một dạng vạch sơn kẻ đường, có chiều dày không quá 06 milimét (mm), có tác dụng cảnh báo (thông qua việc gây ra tác động nhẹ lên phương tiện) cho người điều khiển phương tiện biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn giao thông.

13. Gồ giảm tốc là một cấu tạo dạng hình cong, nổi trên mặt đường, có tác dụng cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ trước khi đi qua vị trí nguy hiểm.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG NGANG

Điều 4. Phạm vi và khu vực đường ngang

1. Phạm vi đường ngang được xác định như sau:

a) Đoạn đường bộ, phạm vi đất dành cho đường bộ nằm trong đất hành lang an toàn giao thông đường sắt và phạm vi bảo vệ công trình đường sắt;

b) Đoạn đường sắt, phạm vi đất dành cho đường sắt nằm trong đất hành lang an toàn đường bộ.

2. Khu vực đường ngang bao gồm:

a) Phạm vi đường ngang;

b) Giới hạn hành lang an toàn giao thông tại khu vực đường ngang theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Điều 5. Phân loại và phân cấp đường ngang

1. Phân loại đường ngang

a) Theo thời gian sử dụng: đường ngang sử dụng lâu dài; đường ngang sử dụng có thời hạn;

b) Theo hình thức tổ chức phòng vệ: đường ngang có người gác; đường ngang không có người gác;

c) Theo tính chất phục vụ: đường ngang công cộng; đường ngang chuyên dùng.

2. Đường ngang được phân thành cấp I, cấp II và cấp III theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

Điều 6. Vị trí và góc giao của đường ngang

1. Đối với đường ngang khi xây dựng mới:

a) Đường ngang phải đặt trên đoạn đường sắt có bình diện là đường thẳng. Trường hợp đặc biệt khó khăn mà phải đặt trên đoạn đường sắt cong, chỉ được đặt trên đoạn đường sắt cong tròn có bán kính tối thiểu 300 mét (m), không được đặt trên đoạn hoãn hòa;

b) Đường ngang phải cách cửa hầm, mố cầu đường sắt từ 100 mét (m) trở lên;

c) Khoảng cách giữa hai đường ngang ngoài đô thị không được nhỏ hơn 1000 mét (m), trong đô thị không được nhỏ hơn 500 mét (m), trừ trường hợp đường bộ hiện hữu là đường tỉnh, đường huyện giao cắt với đường sắt;

d) Đường ngang phải nằm ngoài cột tín hiệu vào ga; vị trí gần nhất của đường ngang phải cách cột tín hiệu vào ga tối thiểu 3,5 mét (m);

đ) Góc giao giữa đường sắt và đường bộ là góc vuông (90°); trường hợp địa hình khó khăn, góc giao không được nhỏ hơn 45° và phải bảo đảm tầm nhìn theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt;

e) Trường hợp đường ngang khi xây dựng mới chưa phù hợp một hoặc một số điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ Khoản này, khi đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang, chủ đầu tư dự án phải làm rõ về điều kiện mặt bằng, nguồn lực tài chính, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Đối với đường ngang hiện hữu chưa đáp ứng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này:

a) Trong quá trình khai thác, sử dụng, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia), chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng (đối với đường ngang công cộng trên đường sắt chuyên dùng), chủ quản lý, sử dụng đường ngang (đối với đường ngang chuyên dùng), cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại vị trí nguy hiểm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

b) Khi cải tạo, nâng cấp đường ngang, chủ đầu tư dự án phải bố trí đầy đủ hệ thống phòng vệ đường ngang và từng bước cải thiện tối thiểu được một trong các yếu tố kỹ thuật của đường bộ qua đường ngang về bình diện, góc giao, trắc dọc.

Điều 7. Đường sắt trong phạm vi đường ngang

1. Yêu cầu về kỹ thuật:

Kết cấu mặt đường ngang phải đặt ray hộ bánh hoặc kết cấu khác để tạo khoảng cách má trong giữa ray chính với ray hộ bánh hoặc giữa ray chính với kết cấu đó (sau đây gọi là khe ray) đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Ray hộ bánh hoặc kết cấu tạo khe ray phải đặt hết phạm vi hai vai đường bộ;

b) Chiều rộng khe ray:

Đối với đường ngang nằm trên đường thẳng hoặc đường cong có bán kính từ 500 mét (m) trở lên: khe ray rộng 75 milimét (mm);

Đối với các đường ngang nằm trên đường cong có bán kính nhỏ hơn 500 mét (m): khe ray rộng 75 milimét (mm) + 1/2 độ mở rộng của đường cong theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt;

c) Chiều sâu khe ray ít nhất là 45 milimét (mm);

d) Trường hợp mặt đường bộ trong lòng đường sắt bằng bê tông nhựa phải dùng ray hộ bánh để tạo khe ray; cao độ ray hộ bánh bằng cao độ ray chính;

đ) Trường hợp mặt đường bộ trong lòng đường sắt bằng các tấm đan, mép tấm đan sát ray chính phải có cấu tạo đặc biệt để tạo khe ray;

e) Trường hợp đặt ray hộ bánh quy định tại điểm a Khoản này, hai đầu ray được uốn vào phía trong lòng đường sắt; chiều dài đoạn đầu ray hộ bánh được uốn là 500 milimét (mm), khe ray tại vị trí bắt đầu uốn theo quy định tại điểm b Khoản này, khe ray tại vị trí cuối cùng của ray là 250 milimét (mm). Tại vị trí điểm bắt đầu uốn và vị trí cuối cùng của ray hộ bánh phải được liên kết chặt chẽ với tà vẹt;

g) Không đặt mối nối ray trong phạm vi đường ngang. Trường hợp đường bộ tại đường ngang rộng phải hàn liền mối ray, khi chưa hàn được thì dồn ray làm cháy mối;

h) Các phụ kiện nối giữ ray phải đầy đủ, liên kết chặt chẽ.

2. Yêu cầu về vật liệu:

a) Tà vẹt đặt trong phạm vi đường ngang dùng tà vẹt bê tông cốt thép; hạn chế sử dụng tà vẹt sắt hoặc tà vẹt gỗ trong phạm vi đường ngang đối với đường ngang hiện hữu; không sử dụng tà vẹt sắt hoặc tà vẹt gỗ trong phạm vi đường ngang xây dựng mới;

b) Nền đá ba lát tại đường ngang phải sạch, đủ độ dày và bảo đảm tiêu chuẩn quy định;

c) Việc sử dụng vật tư, vật liệu lắp đặt cho đường ngang phải bảo đảm tiêu chuẩn về vật tư, vật liệu sử dụng cho công trình đường sắt.

Điều 8. Yêu cầu đối với đoạn đường bộ tại đường ngang khi xây dựng mới đường ngang

Khi xây dựng mới đường ngang, đoạn đường bộ tại đường ngang phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng theo cấp đường bộ và các quy định sau:

1. Bình diện: đường bộ từ mép ray ngoài cùng trở ra phải thẳng trên một đoạn dài tối thiểu bằng khoảng cách tầm nhìn hãm xe theo tiêu chuẩn đường ô tô - yêu cầu thiết kế; trường hợp khó khăn về địa hình cũng không được nhỏ hơn 15 mét (m). Đối với đường ngang có bố trí dải phân cách giữa, khoảng cách từ mép ray ngoài cùng đến đầu giải phân cách tối thiểu là 06 mét (m).

2. Trắc dọc:

a) Trong lòng đường sắt và từ mép ray ngoài cùng trở ra, đường bộ dốc 0% trên chiều dài tối thiểu 16 mét (m), trường hợp khó khăn không nhỏ hơn 10 mét (m);

b) Đoạn đường bộ tiếp theo có độ dốc không quá 03% trên chiều dài tối thiểu 20 mét (m); trường hợp vùng núi và địa hình khó khăn, độ dốc các đoạn này không được quá 06%;

c) Đoạn đường bộ đi qua hai đường sắt trở lên, độ dốc dọc của đường bộ được xác định theo cao độ đỉnh ray của hai đường sắt liền kề.

3. Chiều rộng phần xe chạy của đoạn đường bộ trong phạm vi đường ngang không nhỏ hơn bề rộng phần xe chạy trên đường bộ phía ngoài và không nhỏ hơn 06 mét (m). Trường hợp phải mở rộng để mặt đường không nhỏ hơn 06 mét (m), đoạn tiếp theo vuốt dần về bề rộng phần xe chạy trên đường bộ ngoài phạm vi đường ngang theo tỉ lệ 10:1. Bề rộng phần lề đường tối thiểu phải bảo đảm đủ để lắp đặt biển báo hiệu đường bộ.

4. Trong phạm vi đường ngang phải có đầy đủ hệ thống thoát nước để bảo đảm thoát nước của khu vực.

5. Trên mặt đường bộ trong khu vực đường ngang không có người gác được bố trí gờ giảm tốc, gồ giảm tốc để tăng cường an toàn giao thông. Việc bố trí gờ giảm tốc, gồ giảm tốc theo sơ đồ tổ chức phòng vệ đường ngang tại Phụ lục II của Thông tư này. Trong trường hợp này, đoạn đường bộ trong lòng đường sắt và từ mép ray ngoài cùng trở ra, đường bộ dốc 0% trên chiều dài tối thiểu 25 mét (m).

6. Trường hợp tổ chức giao thông có phần đường dành riêng cho người đi bộ qua đường ngang, phạm vi từ mép ray ngoài cùng trở ra đến vạch dừng xe đối với phần đường này bố trí vạch sơn đi bộ qua đường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Điều 9. Yêu cầu đối với đoạn đường bộ tại đường ngang trong một số trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp đường bộ liền kề có đoạn rẽ vào đường sắt và khoảng cách gần nhất từ mép ray ngoài cùng đến đường bộ có giá trị nhỏ hơn 15 mét (m):

a) Ưu tiên mở rộng mặt đường bộ phía tiếp giáp với đường sắt để bố trí làn xe cho các phương tiện đường bộ dừng chờ quan sát trước khi rẽ vào đường ngang và từ đường ngang đi ra;

b) Bề rộng làn xe dừng chờ tối thiểu bằng bề rộng một làn xe theo cấp đường bộ. Mặt đường bộ sau khi mở rộng phải nằm ngoài hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông đường sắt, đường bộ đi qua đường ngang. Việc bố trí làn xe dừng chờ theo Phụ lục III của Thông tư này;

c) Nâng, hạ mặt đường bộ khu vực đường ngang để bảo đảm đường bộ từ mép ray ngoài cùng trở ra phía đường bộ liền kề đường sắt nằm trên dốc bằng (0%) trong phạm vi tối thiểu là 05 mét (m); đoạn đường bộ tiếp theo có độ dốc không quá 06% và đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng theo cấp kỹ thuật đường bộ.

2. Trường hợp đoạn đường bộ tại đường ngang nằm trên đoạn cong của đường sắt:

a) Đường bộ tại đường ngang có độ dốc theo dốc siêu cao của đường sắt trong phạm vi tối thiểu của khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt;

b) Đoạn đường bộ tiếp theo nằm trên dốc bằng (0%) trên phạm vi chiều dài tối thiểu 16 mét (m), trường hợp khó khăn không nhỏ hơn 10 mét (m). Đoạn đường bộ tiếp theo có độ dốc không quá 03% trên chiều dài tối thiểu 20 mét (m); trường hợp vùng núi và địa hình khó khăn, độ dốc không được quá 06%.

3. Trường hợp đường ngang hiện hữu có đường bộ cắt qua nhiều đường sắt: độ dốc đường bộ trong lòng đường sắt và phạm vi tối thiểu là 01 mét (m) tính từ mép ray ngoài cùng của mỗi đường trở ra theo dốc đỉnh ray mỗi đường; đoạn đường bộ tiếp theo có độ dốc theo chênh cao của đỉnh ray của hai đường sắt liền kề.

Điều 10. Kết cấu mặt đường bộ tại đường ngang

1. Kết cấu mặt đường bộ trong lòng đường sắt và phạm vi từ mép ray chính ngoài cùng trở ra tối thiểu đến hết phạm vi đường ngang là các tấm đan hoặc kết cấu khác phải bảo đảm êm thuận và đáp ứng tải trọng theo cấp đường bộ tương ứng.

2. Trường hợp sử dụng tấm đan, phạm vi đặt tấm đan từ mép ray chính ngoài cùng trở ra tối thiểu đến hết phần tà vẹt.

3. Mặt đường bộ phải thỏa mãn tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với loại kết cấu mặt đường. Trường hợp sử dụng tấm đan bê tông cốt thép phải được liên kết chặt chẽ, ổn định.

Điều 11. Tổ chức phòng vệ đường ngang

1. Đối với đường ngang cấp I, cấp II phải tổ chức phòng vệ theo hình thức có người gác.

2. Đối với đường ngang cấp III:

a) Tổ chức phòng vệ theo hình thức cảnh báo tự động đối với trường hợp bảo đảm tầm nhìn tại khu vực đường ngang;

b) Tổ chức phòng vệ theo hình thức có người gác đối với trường hợp không bảo đảm tầm nhìn tại khu vực đường ngang;

c) Đối với các đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và đường ngang phòng vệ bằng biển báo hiện hữu mà chưa bảo đảm tầm nhìn tại khu vực đường ngang:

Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý đường bộ kiểm tra, đề xuất Cục Đường sắt Việt Nam quyết định tổ chức cảnh giới tại các đường ngang nguy hiểm trên đường sắt quốc gia theo nguyên tắc bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn giao thông tại khu vực đường ngang và báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện;

Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý đường bộ kiểm tra, đề xuất chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng hoặc chủ sở hữu đường bộ chuyên dùng về việc tổ chức cảnh giới tại các đường ngang nguy hiểm trên đường sắt chuyên dùng. Trường hợp chủ sở hữu đường bộ chuyên dùng không có điều kiện tổ chức cảnh giới, phải có văn bản thỏa thuận thống nhất với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng về biện pháp tăng cường an toàn giao thông tại khu vực đường ngang.

3. Sơ đồ đường ngang tổ chức phòng vệ theo hình thức có người gác và không có người gác quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

Điều 12. Nhà gác đường ngang

Nhà gác đường ngang chỉ được sử dụng phục vụ cho nhân viên gác đường ngang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang và phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Đặt ở vị trí có thể quan sát được về hai phía đường bộ và đường sắt thuận tiện cho công tác của nhân viên gác đường ngang; không làm cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông trên đường sắt và đường bộ.

2. Bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang phải cách mép ray đường sắt ngoài cùng, mép phần xe chạy đường bộ ít nhất 3,5 mét (m) và không xa quá 10 mét (m). Trường hợp khó khăn do không còn đủ quỹ đất để bố trí, bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang không được vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt. Cửa ra vào ưu tiên mở về phía đường bộ, tường nhà phải có cửa sổ lắp kính nhìn rõ được đường bộ và đường sắt; nền nhà phải tối thiểu cao bằng mặt ray.

3. Nhà gác đường ngang phải có buồng vệ sinh, điện, nước sạch, quạt điện hoặc điều hòa không khí phục vụ cho nhân viên gác đường ngang. Khi xây dựng mới, nhà gác đường ngang phải có diện tích làm việc tối thiểu 12 mét vuông (m2) và đáp ứng đủ diện tích theo số định biên của ca làm việc.

Điều 13. Chiếu sáng tại đường ngang

Đường ngang có người gác ở nơi có nguồn điện lưới quốc gia phải trang bị đèn chiếu sáng về ban đêm và ban ngày khi có sương mù. Ánh sáng đèn đủ để người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ nhìn rõ tín hiệu của nhân viên gác đường ngang. Độ rọi trung bình 25 - 30 lx, độ đồng đều chung của ánh sáng Emin/Etb không nhỏ hơn 0,5.

Điều 14. Hệ thống phòng vệ đường ngang

1. Hệ thống phòng vệ đường ngang khi xây dựng, lắp đặt vào đường ngang phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho từng loại hình thiết bị;

b) Phải được bố trí đầy đủ, phù hợp với loại hình đường ngang, thường xuyên kiểm tra và duy trì trạng thái kỹ thuật hoạt động ổn định, an toàn, phòng ngừa tai nạn trong suốt quá trình khai thác, sử dụng đường ngang.

2. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, không được tự ý di chuyển, chiếm đoạt, làm hư hỏng hoặc làm giảm hiệu lực và tác dụng của hệ thống phòng vệ đường ngang.

Điều 15. Bố trí hệ thống phòng vệ đường ngang

1. Đối với đường ngang có người gác:

a) Cần chắn, giàn chắn thủ công hoặc cần chắn, giàn chắn sử dụng động cơ điện do người điều khiển hoặc cần chắn tự động;

b) Cọc tiêu, hàng rào cố định;

c) Vạch sơn kẻ đường;

d) Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ;

đ) Đèn tín hiệu, chuông điện hoặc loa phát âm thanh;

e) Tín hiệu ngăn đường trên đường sắt, trừ những đường ngang nằm trong phạm vi phòng vệ của tín hiệu vào ga, ra ga, hoặc tín hiệu bãi dồn, tín hiệu thông qua trên đường sắt có thiết bị đóng đường tự động hoặc tín hiệu phòng vệ khác, khi các tín hiệu trên cách đường ngang dưới 800 mét (m);

g) Hệ thống giám sát đường ngang và các thiết bị khác liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.

2. Đối với đường ngang không có người gác:

a) Đường ngang cảnh báo tự động:

Cần chắn tự động (nếu có);

Cọc tiêu, hàng rào chắn cố định;

Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc; biển cảnh báo chú ý tàu hỏa;

Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ;

Đèn tín hiệu, chuông điện hoặc loa phát âm thanh;

Hệ thống giám sát đường ngang và các thiết bị khác liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.

b) Đường ngang biển báo hiện hữu:

Cọc tiêu;

Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc; biển cảnh báo chú ý tàu hỏa, biển STOP (R122), kết hợp với biển phụ ghi “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang”;

Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ;

Các thiết bị khác liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.

Điều 16. Cọc tiêu và hàng rào chắn cố định

1. Dọc hai bên lề đường bộ trong phạm vi đường ngang phải có hàng cọc tiêu theo quy định sau:

a) Cọc tiêu được lắp đặt đến vị trí đặt chắn đường ngang đối với đường ngang có người gác;

b) Cọc tiêu được lắp đặt đến vị trí cách mép ray ngoài cùng 2,5 mét (m) đối với đường ngang không có người gác;

c) Khoảng cách giữa các cọc tiêu là 1,5 mét (m) và mỗi hàng cọc tiêu cắm ít nhất là 06 cọc; tại các đoạn đường nguy hiểm có thể sử dụng hàng rào có lan can phòng hộ thay cho hàng cọc tiêu.

2. Tại đường ngang có người gác, dọc hai bên lề đường bộ trong phạm vi từ chắn đường ngang đến vị trí cách đường sắt tối thiểu 2,5 mét (m) phải bố trí hàng rào chắn cố định để ngăn cách không cho người và phương tiện giao thông đường bộ vượt rào vào đường ngang khi chắn đường ngang đã đóng.

3. Quy cách và kích thước cọc tiêu, hàng rào chắn cố định theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

4. Trường hợp trong khu vực đường ngang có đường bộ liền kề và gần đường sắt mà phải bố trí hàng rào chắn ngăn cách giữa đường bộ với đường sắt, chiều cao hàng rào phải bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang.

Điều 17. Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc trên mặt đường bộ khu vực đường ngang

1. Mặt đường bộ trong khu vực đường ngang phải luôn duy trì các vạch báo hiệu đường bộ sau:

a) Vạch dừng xe;

b) Vạch giảm tốc độ;

c) Vạch phân chia hai chiều làn xe chạy;

d) Vạch báo gần chỗ giao nhau với đường sắt;

e) Vạch chữ “STOP” đối với đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo;

g) Các vạch báo hiệu đường bộ khác phù hợp với đặc điểm của đường ngang nhằm tăng cường an toàn giao thông tại đường ngang.

2. Trường hợp khu vực đường ngang có đường bộ liền kề và gần với đường sắt, mặt bằng đường bộ bị hạn chế để bố trí vạch báo hiệu đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt kiểm tra mặt bằng đường bộ khu vực đường ngang để bố trí vạch báo hiệu đường bộ tuân thủ quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm an toàn giao thông.

3. Vị trí vạch dừng xe:

a) Vạch dừng xe cách tối thiểu 05 mét (m) tính từ ray gần nhất;

b) Vạch dừng xe bố trí vuông góc với hướng đường bộ đi vào đường sắt;

c) Đối với trường hợp đường bộ giao không vuông góc với đường sắt, tùy thuộc vào điều kiện mặt bằng và lưu lượng tham gia giao thông đường bộ, cho phép bố trí vạch dừng xe song song với đường sắt để tăng khả năng lưu thoát phương tiện tại khu vực đường ngang.

4. Việc xây dựng, bố trí gờ giảm tốc, gồ giảm tốc áp dụng theo quy định hiện hành.

5. Quy cách và vị trí các vạch báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Điều 18. Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ

1. Đối với đường ngang có người gác:

a) Biển ngừng:

Không đặt biển ngừng trên đường sắt tại đường ngang trong trường hợp đường ngang đã được lắp tín hiệu ngăn đường hoặc đường ngang nằm trong phạm vi phòng vệ của tín hiệu vào ga, ra ga, hoặc tín hiệu bãi dồn, tín hiệu thông qua trên đường sắt có thiết bị đóng đường tự động hoặc tín hiệu phòng vệ khác khi các tín hiệu trên cách đường ngang dưới 800 mét (m);

Trường hợp còn lại, đặt “Biển ngừng” trên đường sắt phía nhà gác đường ngang, vị trí đặt cách mép đường bộ trở ra tối thiểu 03 mét (m) để ngăn tàu đi vào đường ngang khi chắn đường ngang chưa đóng hoàn toàn;

b) Tùy theo góc giao giữa đường sắt và đường bộ, đặt biển “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” hoặc biển “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” trên đường bộ trong phạm vi đường ngang trước khi vào vị trí giao nhau với đường sắt;

c) Đặt biển “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” trên đường bộ ngoài phạm vi đường ngang trước khi vào vị trí giao nhau với đường sắt.

2. Đối với đường ngang không có người gác, ngoài việc đặt biển báo hiệu quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này, phải đặt các biển sau:

a) Trên đường bộ ngoài phạm vi đường ngang trước khi vào vị trí giao nhau với đường sắt: đặt biển “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” đối với đường ngang có cần chắn tự động; đặt biển “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” đối với đường ngang không có cần chắn tự động;

b) Biển “Dừng lại” trên đường bộ trong phạm vi đường ngang trước khi vào vị trí giao nhau với đường sắt đối với đường ngang biển báo.

3. Trên hai phía đường sắt đi tới đường ngang phải đặt biển “Kéo còi”.

4. Kích thước, quy cách, vị trí đặt các biển báo hiệu đường sắt, đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.

Điều 19. Đèn tín hiệu, chuông điện hoặc loa phát âm thanh

1. Đèn tín hiệu, chuông điện hoặc loa phát âm thanh (trừ trường hợp đường bộ giao cắt đường bộ liền kề với đường sắt) phải đặt trước chắn đường ngang (hoặc liền với trụ chắn đường ngang) hoặc đặt cách ray ngoài cùng 06 mét (m) trở lên. Trong mọi trường hợp, đèn tín hiệu phải đặt tại vị trí không bị che khuất.

2. Yêu cầu đối với tín hiệu:

a) Đèn tín hiệu phải có hai đèn đỏ đặt ngang nhau, hai đèn này thay phiên nhau nhấp nháy khi bật sáng. Khi có tàu sắp tới đường ngang, đèn tín hiệu bật sáng, cấm đi qua đường ngang. Khi tàu qua hết đường ngang, chắn đường ngang đã mở hoàn toàn, đèn tín hiệu tắt, việc đi qua đường ngang trở lại bình thường. Đèn tín hiệu phải được lắp đặt bổ sung trên cột cần vươn đối với đường bộ có 04 làn xe trở lên hoặc nơi có địa hình bị che khuất tầm nhìn;

b) Thời điểm đèn tín hiệu bật sáng phải bảo đảm trước lúc tàu tới đường ngang ít nhất là: 60 giây khi dùng tín hiệu tự động (đối với đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động); 90 giây khi dùng tín hiệu tự động và chắn đường ngang không tự động; 120 giây khi dùng tín hiệu không tự động;

c) Độ sáng và góc phát sáng: ánh sáng và góc phát sáng của đèn tín hiệu phải bảo đảm để người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhìn thấy được tín hiệu từ khoảng cách 100 mét (m) trở lên; ánh sáng đỏ của đèn tín hiệu không được chiếu về phía đường sắt.

3. Yêu cầu đối với chuông điện hoặc loa phát âm thanh:

a) Chuông hoặc loa phát âm thanh phải kêu khi tàu tới gần đường ngang ít nhất 60 giây khi dùng tín hiệu tự động (đối với đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động); 90 giây khi dùng tín hiệu tự động và chắn đường ngang không tự động; 120 giây khi dùng tín hiệu không tự động;

b) Đối với đường ngang có người gác, chuông hoặc loa phát âm thanh tắt khi chắn đường ngang đóng hoàn toàn;

c) Khi chuông kêu, loa phát âm thanh, mức âm lượng tại vị trí cách xa 15 mét (m), cao 1,2 mét (m) so với mặt đất phải từ 90 đề xi ben (dB) đến 115 đề xi ben (dB) để người tham gia giao thông nghe rõ.

4. Sơ đồ đèn tín hiệu và chuông điện hoặc loa phát âm thanh theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

Điều 20. Cột tín hiệu ngăn đường trên đường sắt

1. Vị trí đặt cột tín hiệu ngăn đường trên đường sắt:

a) Cột tín hiệu ngăn đường trên đường sắt đặt cách đường ngang (tính từ vai đường bộ cùng phía) từ 100 mét (m) đến 500 mét (m). Nơi nhiều đường ngang có người gác ở gần nhau và khoảng cách giữa hai đường ngang nhỏ hơn 500 mét (m), cột tín hiệu ngăn đường trên đường sắt bố trí ở hai đầu khu vực có nhiều đường ngang;

b) Vị trí đặt cột tín hiệu ngăn đường ở bên trái theo hướng tàu chạy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu giao thông đường sắt.

2. Tầm nhìn của tín hiệu ngăn đường trên đường sắt phải bảo đảm ít nhất 800 mét (m). Trường hợp địa hình khó khăn, tầm nhìn của tín hiệu ngăn đường không được nhỏ hơn 400 mét (m).

3. Hoạt động của tín hiệu ngăn đường trên đường sắt:

a) Tín hiệu ngăn đường trên đường sắt là tín hiệu màu đỏ, tín hiệu ngăn đường bật sáng báo hiệu dừng tàu;

b) Khi tín hiệu ngăn đường tắt, tàu hoạt động bình thường. Khi có trở ngại trên đường ngang ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nhân viên gác đường ngang phải mở tín hiệu ngăn đường sáng màu đỏ;

c) Đường ngang có người gác trên khu gian có thiết bị đóng đường tự động phải lắp đặt thiết bị để chuyển tín hiệu đóng đường ở gần đường ngang nhất về trạng thái đóng để nhân viên gác đường ngang thao tác kịp thời khi trên đường ngang có trở ngại ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại đường ngang.

Điều 21. Thiết bị tại nhà gác đường ngang

1. Trong nhà gác đường ngang phải bố trí đầy đủ các thiết bị sau đây:

a) Điện thoại liên lạc với trực ban ga báo chắn đường ngang;

b) Thiết bị điều khiển tín hiệu đường bộ;

c) Thiết bị điều khiển tín hiệu đường sắt đối với đường ngang quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 của Thông tư này;

d) Thiết bị thông báo tự động cho nhân viên gác chắn biết khi tàu tới gần đường ngang;

đ) Thiết bị điều khiển chắn đường ngang đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 của Thông tư này;

e) Thiết bị có khả năng ghi nhận, lưu trữ những liên lạc giữa trực ban chạy tàu và nhân viên gác đường ngang;

g) Đồng hồ báo giờ.

2. Các thiết bị trong nhà gác đường ngang quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm sẵn sàng làm việc bình thường, ổn định.

3. Đối với đường ngang trên đường sắt chuyên dùng, đường ngang sử dụng có thời hạn từ 12 tháng trở xuống, việc bố trí thiết bị tại nhà gác đường ngang do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đường ngang quyết định nhưng phải bảo đảm đủ thông tin cho nhân viên gác đường ngang biết khi tàu tới gần đường ngang để kịp thời đóng chắn ngăn ngừa tai nạn giao thông xảy ra.

Điều 22. Thiết bị tín hiệu và thiết bị phòng vệ đường ngang hoạt động bằng điện

1. Đối với đường ngang có người gác:

a) Các thiết bị tín hiệu và thiết bị phòng vệ hoạt động bằng điện phải được điều khiển tập trung tại nhà gác đường ngang;

b) Các thiết bị phải được kiểm tra thường xuyên để luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động, phải có cơ chế điều khiển được bằng thủ công nếu thiết bị hư hỏng đột xuất.

2. Đối với đường ngang cảnh báo tự động:

a) Các tín hiệu tự động phía đường bộ phải bảo đảm thông báo rõ ràng và kịp thời trong mọi điều kiện thời tiết về trạng thái đóng đường ngang;

b) Khi thiết bị có trở ngại, không thể phát tín hiệu đèn đỏ nháy sáng luân phiên, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc chủ quản lý, sử dụng đường ngang phải sửa chữa kịp thời, khôi phục lại trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, phải tổ chức phòng vệ đường ngang bằng tín hiệu cảnh báo (đèn vàng sáng nhấp nháy) về phía đường bộ và cử người cảnh giới đường ngang;

c) Việc theo dõi, giám sát hoạt động của các thiết bị tại đường ngang cảnh báo tự động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống giám sát lắp đặt tại đường ngang cảnh báo tự động nhằm bảo đảm thiết bị cảnh báo tự động hoạt động bình thường, ổn định.

Điều 23. Chắn đường ngang có người gác

1. Trên đường bộ hai bên đường sắt trong phạm vi đường ngang phải đặt chắn đường ngang để ngăn các phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ khi có tàu đến. Chắn đường ngang đặt cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 04 mét (m). Trường hợp địa hình hạn chế, chắn phải được đặt tại vị trí không được vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc của đường sắt theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.

2. Chắn đường ngang bắt đầu đóng từ phía bên phải sang phía trái theo hướng đi vào đường ngang. Trường hợp đường ngang có nhiều chắn phải đóng chắn phía bên phải theo hướng đi vào đường ngang trước; các chắn còn lại được đóng sau. Khi chắn đã đóng phải ngăn toàn bộ mặt đường bộ.

3. Chắn đường ngang có thể lắp động cơ điện để hỗ trợ nhân viên gác chắn thao tác đóng, mở chắn hoặc sử dụng cần chắn điện do người điều khiển hoặc sử dụng cần chắn tự động đóng kín mặt đường bộ.

4. Thời gian đóng chắn đường ngang:

a) Hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến đường ngang ít nhất: 60 giây đối với chắn điện và cần chắn tự động; 90 giây đối với chắn thủ công;

b) Không đóng chắn trước quá 03 phút đối với đường ngang cấp I, cấp II và quá 05 phút đối với đường ngang cấp III trước khi tàu đến đường ngang; trừ trường hợp đường ngang được tổ chức phòng vệ bằng chắn ở trạng thái thường xuyên đóng.

Điều 24. Chắn đường ngang cảnh báo tự động

1. Trên đường bộ hai bên đường sắt trong phạm vi đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, cần chắn tự động phải đặt cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 04 mét (m). Trường hợp địa hình hạn chế, khi đặt chắn không được vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc của đường sắt theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.

2. Chắn đường ngang sử dụng loại cần đóng 1/2 hoặc 2/3 mặt đường bộ, phần đường bộ còn lại không có cần chắn phải rộng ít nhất 03 mét (m) và ở bên trái của chiều xe chạy vào đường ngang.

3. Các cơ cấu và thiết bị chắn tự động phải bảo đảm hoạt động theo trình tự sau đây:

a) Khi tàu đến gần đường ngang, đèn đỏ báo hiệu trên đường bộ và đèn đỏ trên cần chắn tự động bật sáng, chuông báo hiệu hoặc loa phát âm thanh tự động kêu; sau từ 07 giây đến 08 giây, cần chắn tự động bắt đầu đóng;

b) Khi tàu qua khỏi đường ngang, cần chắn tự động mở và đèn trên cần chắn, đèn tín hiệu trên đường bộ tự động tắt khi cần chắn đã mở hoàn toàn.

4. Thời gian đóng chắn: hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến đường ngang ít nhất 40 giây.

Điều 25. Yêu cầu đối với việc đặt biển báo hiệu trong trường hợp đường bộ liền kề và có đoạn rẽ vào đường sắt

1. Khi chiều dài đoạn rẽ đến đường sắt nhỏ hơn 10 mét (m):

a) Căn cứ góc giao của đường ngang, phải đặt biển “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” hoặc “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” tại lề hai góc giao giữa đường bộ chạy gần với đoạn rẽ vào đường sắt;

b) Căn cứ loại hình phòng vệ đường ngang phải đặt các biển “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” hoặc “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” trên lề bên phải đường bộ chạy gần đường sắt. Khoảng cách các biển đến đoạn rẽ từ 40 mét (m) đến 240 mét (m).

2. Khi chiều dài đoạn rẽ đến đường sắt từ 10 mét (m) đến 75 mét (m):

a) Căn cứ góc giao của đường ngang, phải đặt biển “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” hoặc “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” trên lề bên phải đoạn rẽ, tại vị trí cách ray ngoài cùng của đường sắt 10 mét (m);

b) Căn cứ loại hình phòng vệ đường ngang phải đặt các biển “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” hoặc “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” trên lề bên phải đường bộ chạy gần đường sắt; khoảng cách các biển đến đoạn rẽ từ 10 mét (m) đến 200 mét (m).

3. Khi chiều dài đoạn rẽ đến đường sắt lớn hơn 75 mét (m), đặt các biển báo hiệu theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.

4. Mặt các biển quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này đặt theo hướng vuông góc với chiều xe chạy trên đường bộ gần đường sắt và không bị che khuất.

5. Vị trí đặt biển báo hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo mục C Phụ lục II của Thông tư này.

Điều 26. Đèn tín hiệu trên đường bộ khi nút giao đường bộ có nhánh đường bộ đi vào đường ngang và khoảng cách đến đường ngang nhỏ hơn 75 mét (m)

Tại nút giao đường bộ có nhánh đường bộ đi vào đường ngang và khoảng cách đến đường ngang nhỏ hơn 75 mét (m), cơ quan quản lý đường bộ phải:

1. Bố trí đèn tín hiệu để điều khiển hướng phương tiện giao thông đường bộ đi vào đường ngang.

2. Khi đèn tín hiệu đường bộ tại đường ngang bật sáng, đèn tín hiệu trên đường bộ liền kề với đường sắt hướng rẽ vào đường ngang phải có biểu thị phù hợp với đèn tín hiệu đường bộ tại đường ngang; trong trường hợp này, ưu tiên xây dựng làn chờ dừng xe trên đường bộ liền kề với đường sắt.

3. Để biểu thị phù hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, phải thực hiện kết nối theo quy định về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn tín hiệu trên đường bộ tại đường ngang.

Điều 27. Đặt biển báo hiệu trên đường ngang khi đường bộ giao cắt cả đường sắt và đường bộ liền kề với đường sắt

Đường bộ giao cắt cả đường sắt và đường bộ liền kề với đường sắt, việc đặt biển báo hiệu trên đường bộ đi vào đường ngang được thực hiện theo quy định sau:

1. Hướng đường bộ đi vào đường ngang không giao cắt với đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.

2. Hướng đường bộ đi vào đường ngang có giao cắt với đường bộ sau đó giao cắt với đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Thông tư này.

Điều 28. Phương tiện, thiết bị và người gác đường ngang

1. Đường ngang phải được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị theo quy định.

2. Đối với đường ngang có người gác phải bố trí người gác thường trực liên tục suốt ngày đêm theo chế độ ban, kíp.

3. Việc bố trí định biên gác chắn tại đường ngang theo quy định của pháp luật về lao động, phù hợp với công tác quản lý và thao tác đóng, mở chắn đường ngang kịp thời, chính xác, bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.

Điều 29. Hồ sơ quản lý đường ngang

Hồ sơ quản lý đường ngang bao gồm:

1. Hồ sơ quản lý đối với từng đường ngang:

a) Hồ sơ hoàn công đường ngang và các công trình khác đã được cấp phép xây dựng trong khu vực đường ngang theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp hồ sơ hoàn công bị thất lạc hoặc thiếu, các chủ thể quy định tại Điều 58, Điều 59, Điều 60 của Thông tư này có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý hiện trạng đường ngang;

b) Giấy phép xây dựng đường ngang, quyết định đưa đường ngang vào khai thác, sử dụng;

c) Biểu thống kê trạng thái kỹ thuật và lý lịch đường ngang;

d) Hồ sơ hành lang an toàn giao thông tại đường ngang theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, có thể hiện các công trình kiến trúc, vật che khuất tầm nhìn trong phạm vi này;

đ) Sổ nhật ký theo dõi hoạt động của đường ngang đối với: Đường ngang, thiết bị đường ngang và hệ thống báo hiệu đường ngang;

e) Đối với đường ngang có người gác, ngoài quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ Khoản này, hồ sơ quản lý đường ngang gồm có các sổ sách, bảng biểu sau: Bảng giờ tàu, bảng phân công gác đường ngang, sơ đồ phòng vệ khi có chướng ngại trên đường ngang, những thao tác cụ thể của nhân viên gác đường ngang, bảng tóm tắt các điều kỷ luật của nhân viên gác đường ngang, sổ nhật ký gác đường ngang, sổ mệnh lệnh.

2. Biểu tổng hợp thống kê các đường ngang cho từng tuyến đường sắt theo địa giới hành chính quản lý cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh quy định tại Phụ lục V của Thông tư này và được công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ quản lý, sử dụng đường ngang.

Điều 30. Nội dung quản lý đường ngang

1. Lập, cập nhật, lưu trữ hồ sơ quản lý đường ngang theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này; cập nhật hồ sơ đường ngang vào hệ thống cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin quản lý, theo dõi.

2. Kiểm tra, duy trì trạng thái hoạt động đường ngang bảo đảm an toàn giao thông theo hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức và trực tiếp thực hiện phòng vệ đường ngang theo quy định của Thông tư này.

4. Quản lý, bảo vệ tài sản đường ngang, hành lang an toàn giao thông tại đường ngang theo quy định của pháp luật.

5. Đối với các đường ngang bị thất lạc giấy phép xây dựng, quyết định đưa đường ngang vào khai thác, sử dụng:

a) Trường hợp đường ngang trên đường sắt quốc gia: Chủ sở hữu đường ngang chuyên dùng lập hồ sơ hiện trạng đường ngang gửi Cục Đường sắt Việt Nam lấy ý kiến về điều kiện tiếp tục khai thác đường ngang;

b) Trường hợp đường ngang công cộng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ: Tổ chức quản lý sử dụng, khai thác đường ngang lập hồ sơ hiện trạng đường ngang gửi Cục Đường bộ Việt Nam lấy ý kiến về điều kiện tiếp tục khai thác đường ngang;

c) Trường hợp đường ngang công cộng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường bộ đô thị: Tổ chức quản lý sử dụng, khai thác đường ngang lập hồ sơ hiện trạng đường ngang gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến về điều kiện tiếp tục khai thác đường ngang.

Điều 31. Giao thông đường bộ trong phạm vi đường ngang

Người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của pháp luật đường bộ, pháp luật đường sắt và thực hiện quy định sau:

1. Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt.

2. Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.

3. Khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, chắn đường ngang đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải chiều đi và trước vạch dừng xe.

4. Người không có nhiệm vụ không được tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.

5. Đối với đường ngang biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở hai phía, khi thấy chắc chắn không có tàu tới đường ngang mới được đi qua và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

Điều 32. Dừng, đỗ xe trong khu vực đường ngang

1. Không được quay đầu xe, dừng xe, đỗ xe trong phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang.

2. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn hoặc hàng hóa trên xe bị rơi, đổ không thể di chuyển ngay ra khỏi phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang, người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để nhanh chóng đưa phương tiện, hàng hóa ra khỏi phạm vi này.

Trường hợp điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách mép ngoài của ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,75 mét (m), người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại; đồng thời, phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện, hàng hóa ra cách mép ngoài của ray ngoài cùng tối thiểu 1,75 mét (m). Biện pháp dừng tàu trước chướng ngại theo quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.

Điều 33. Lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích khi qua đường ngang

1. Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ pháp luật đường bộ, pháp luật đường sắt và điều kiện lưu hành xe trong giấy phép lưu hành xe do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Trước khi di chuyển qua đường ngang, người điều khiển phương tiện phải có phương án bảo đảm an toàn cho đường ngang, an toàn giao thông đường sắt và thông báo trước cho nhân viên gác đường ngang để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Điều 34. Người dẫn dắt súc vật qua đường ngang

1. Trước khi dẫn dắt đàn súc vật qua đường ngang có người gác, người dẫn dắt súc vật phải liên hệ với nhân viên đường ngang để tìm hiểu thông tin giờ tàu và để được hướng dẫn.

2. Trước khi dẫn dắt đàn súc vật qua đường ngang không có người gác, người dẫn dắt đàn súc vật phải quan sát phương tiện giao thông đường sắt đến đường ngang, chỉ được dẫn dắt đàn súc vật đi qua khi có đủ điều kiện an toàn.

3. Người dẫn dắt đàn súc vật phải dẫn dắt đàn súc vật đi sát mép đường bộ bên phải. Người dẫn dắt đàn súc vật hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn do việc không tuân thủ quy tắc giao thông tại đường ngang theo quy định tại Thông tư này.

Điều 35. Người điều khiển tàu qua đường ngang

Người điều khiển tàu qua đường ngang ngoài việc tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đường sắt, phải chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.

Điều 36. Dừng, đỗ tàu trong phạm vi đường ngang

1. Trường hợp bắt buộc phải dừng, đỗ tàu trên đường ngang; dồn tàu hoặc giải thể, lập tàu, trưởng tàu hoặc lái tàu (trường hợp trong khu gian), trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu (trường hợp trong ga) phải tìm mọi cách để đường bộ được nhanh chóng giải phóng tắc nghẽn giao thông.

2. Khi phải đỗ tàu trên đường ngang, thời gian đỗ không được vượt quá 03 phút trên đường ngang cấp I, cấp II, không được vượt quá 05 phút trên đường ngang cấp III trừ đường ngang theo quy định của pháp luật về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 37. Điều kiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang

1. Tổ chức đề nghị xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng đường ngang xác định rõ nguồn vốn quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.

3. Đối với đường ngang sử dụng có thời hạn, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm:

a) Mục đích sử dụng đường ngang phù hợp với phương án tổ chức giao thông tạm thời được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thời hạn khai thác, sử dụng đường ngang không quá 24 tháng;

c) Chủ quản lý, sử dụng đường ngang cam kết làm thủ tục bãi bỏ đường ngang và tự tháo dỡ đường ngang, hoàn trả kết cấu hạ tầng đường sắt khi hết thời hạn khai thác, sử dụng.

4. Đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia có thời gian sử dụng lâu dài được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, sau khi hoàn thành đường ngang, chủ đầu tư bàn giao lại công trình cho Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác theo quy định. Đối với đường ngang được xây dựng bằng nguồn vốn khác, tổ chức đề nghị xây dựng đường ngang phải bảo đảm kinh phí để quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.

Điều 38. Điều kiện bãi bỏ đường ngang

1. Đường ngang bãi bỏ khi đáp ứng một trong hai điều kiện sau:

a) Đường ngang hết thời gian khai thác, sử dụng theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Đường ngang không còn nhu cầu khai thác, sử dụng.

2. Khi bãi bỏ đường ngang công cộng có thời gian sử dụng lâu dài, tổ chức đề nghị bãi bỏ đường ngang phải lập phương án tổ chức giao thông thay thế khi bãi bỏ đường ngang.

3. Nguồn kinh phí khi bãi bỏ đường ngang:

a) Tổ chức đề nghị bãi bỏ đường ngang phải bảo đảm nguồn kinh phí để tổ chức bãi bỏ và hoàn trả trạng thái ban đầu của đoạn đường sắt trong phạm vi đường ngang theo quy định của pháp luật;

b) Cơ quan có thẩm quyền quyết định bãi bỏ đường ngang xác định rõ nguồn kinh phí cho việc bãi bỏ đường ngang.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP, GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ THU HỒI, BÃI BỎ ĐƯỜNG NGANG

Điều 39. Công trình được cấp giấy phép

1. Các công trình quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đường sắt và quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, gồm:

a) Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Công trình giao thông: cầu, cầu vượt, hầm;

c) Công trình thủy lợi: cống, kè thủy lợi; hệ thống dẫn, chuyển nước;

d) Công trình năng lượng: cột điện lực, đường dây tải điện;

đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật: đường ống cấp nước, thoát nước, viễn thông, xăng, dầu, khí, năng lượng, hóa chất.

2. Công trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phù hợp với quy định tại Điều 37 của Thông tư này.

3. Các công trình quy định tại khoản 1 Điều này khi cải tạo, nâng cấp có thay đổi hình dạng, kích thước, kết cấu chịu lực hoặc ảnh hưởng đến công trình đường sắt có liên quan.

4. Không cấp giấy phép xây dựng mới đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo trên đường sắt quốc gia.

Điều 40. Nguyên tắc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng

1. Chỉ cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình quy định tại Điều 39 của Thông tư này.

2. Các công trình cấp phép xây dựng phải:

a) Phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phù hợp với nội dung thỏa thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên về vị trí xây dựng công trình;

b) Quy mô xây dựng công trình, hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng;

d) Bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ.

3. Thời gian thi công xây dựng công trình được cấp phép xây dựng phải phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Vị trí, quy mô xây dựng công trình, phương án tổ chức thi công, biện pháp bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt đối với công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thỏa thuận và thống nhất theo quy định của Thông tư này.

5. Công trình được cấp giấy phép xây dựng phải kịp thời di chuyển khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

6. Giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn trong thời gian giấy phép còn hiệu lực.

7. Các công trình được miễn giấy phép xây dựng:

a) Công trình cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đường ngang, công trình đường sắt trên đường sắt quốc gia đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch thực hiện;

b) Công trình sửa chữa đường ngang có phương án thiết kế không làm thay đổi cấp đường ngang, không làm thay đổi hình thức tổ chức phòng vệ của đường ngang và không làm thay đổi chiều rộng mặt đường bộ tại đường ngang.

Điều 41. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang; quyết định bãi bỏ đường ngang

1. Cục Đường sắt Việt Nam:

a) Cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt quốc gia;

b) Quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt quốc gia.

2. Cục Đường bộ Việt Nam:

a) Cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ;

b) Quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ.

3. Cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường bộ đô thị và đường bộ chuyên dùng trong phạm vi quản lý;

b) Quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường bộ đô thị và đường bộ chuyên dùng trong phạm vi quản lý.

Điều 42. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang gồm:

1. Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

2. Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý (khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử) các tài liệu sau:

a) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;

b) Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của đường ngang;

c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của đường ngang đã được phê duyệt;

d) Phương án tổ chức thi công đường ngang và biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc chủ đầu tư chấp thuận.

Điều 43. Trình tự thực hiện cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang

1. Tổ chức là chủ đầu tư dự án, chủ quản lý, sử dụng đường ngang có nhu cầu xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 41 của Thông tư này.

2. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

3. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường điện tử, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các cơ quan đơn vị liên quan để lấy ý kiến:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, cơ quan quản lý đường bộ (nếu có liên quan) đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia;

b) Cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý tuyến đường bộ (nếu có liên quan).

5. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang có văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Quá thời hạn trên nếu tổ chức được lấy ý kiến không có văn bản trả lời thì được coi là đã chấp thuận và phải chịu trách nhiệm do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ gây ra.

6. Thời gian giải quyết hồ sơ: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

7. Giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận cấp phép xây dựng phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

8. Trường hợp thực hiện trên môi trường điện tử chủ đầu tư dự án, chủ quản lý, sử dụng đường ngang có nhu cầu xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu quy định tại Điều 42 của Thông tư này và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

Điều 44. Hồ sơ đề nghị bãi bỏ đường ngang

Hồ sơ đề nghị bãi bỏ đường ngang gồm:

1. Đơn đề nghị bãi bỏ đường ngang theo mẫu tại Phụ lục IX của Thông tư này.

2. Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý (khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử) một trong các tài liệu sau:

a) Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình vào sử dụng đối với cầu vượt, hầm chui hoặc đường ngang khác để tổ chức giao thông thay thế cho đường ngang đề nghị bãi bỏ;

b) Phương án tổ chức giao thông thay thế khi bãi bỏ đường ngang.

Điều 45. Trình tự thực hiện bãi bỏ đường ngang

1. Tổ chức là chủ đầu tư dự án, chủ quản lý, sử dụng đường ngang có nhu cầu bãi bỏ đường ngang lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này.

2. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị bãi bỏ đường ngang.

3. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường điện tử, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ đường ngang có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các cơ quan đơn vị liên quan để lấy ý kiến:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, cơ quan quản lý đường bộ (nếu có liên quan) đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia;

b) Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, cơ quan quản lý đường bộ (nếu có liên quan) đối với đường ngang trên đường sắt chuyên dùng.

5. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền thẩm quyền bãi bỏ đường ngang có văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Quá thời hạn trên nếu tổ chức được lấy ý kiến không có văn bản trả lời thì được coi là đã chấp thuận và phải chịu trách nhiệm do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ gây ra.

6. Thời gian giải quyết hồ sơ: 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

7. Quyết định bãi bỏ đường ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục X của Thông tư này. Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

8. Trường hợp thực hiện trên môi trường điện tử, chủ đầu tư dự án, chủ quản lý, sử dụng đường ngang có nhu cầu bãi bỏ đường ngang lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu quy định tại Điều 44 của Thông tư này và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

Điều 46. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang

Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang gồm:

1. Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục XI của Thông tư này.

2. Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý (khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử):

a) Tiến độ tổng thể dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tài liệu chứng minh lý do đề nghị gia hạn là một trong các tài liệu sau:

Biên bản bàn giao mặt bằng thi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang trong trường hợp vướng mắc về mặt bằng thi công;

Biên bản xác nhận thiệt hại giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công đường ngang trong trường hợp sự cố, thiên tai làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang;

Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trong trường hợp việc điều chỉnh dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

Điều 47. Trình tự thực hiện gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang

1. Tổ chức là chủ đầu tư dự án, chủ quản lý, sử dụng đường ngang có nhu cầu gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 41 của Thông tư này.

2. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

3. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường điện tử, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

4. Thời gian giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

5. Quyết định gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục XII của Thông tư này. Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

6. Trường hợp thực hiện trên môi trường điện tử, chủ đầu tư dự án, chủ quản lý, sử dụng đường ngang có nhu cầu gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu quy định tại Điều 46 của Thông tư này và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

7. Mỗi Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không quá 12 tháng, đồng thời không vượt quá thời gian thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 48. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

1. Cục Đường sắt Việt Nam cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia.

2. Cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt đô thị.

Điều 49. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII của Thông tư này.

2. Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý (khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử) các tài liệu sau:

a) Quyết định phê duyệt dự án hoặc văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư công trình;

b) Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình cải tạo, nâng cấp);

c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt;

d) Văn bản pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định công trình không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt: Quyết định phê duyệt quy hoạch hoặc thỏa thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có liên quan đến việc xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

đ) Tiến độ tổng thể dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e) Phương án tổ chức thi công công trình và biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình trong quá trình thi công.

Điều 50. Trình tự thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

1. Chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư này.

2. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư này có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

3. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường điện tử, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư này thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia;

b) Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị và các cơ quan chuyên môn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt đô thị.

5. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Quá thời hạn trên nếu tổ chức được lấy ý kiến không có văn bản trả lời thì được coi là đã chấp thuận và phải chịu trách nhiệm do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ gây ra.

6. Thời gian giải quyết hồ sơ: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

7. Giấy phép xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV của Thông tư này. Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

8. Trường hợp thực hiện trên môi trường điện tử, chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu quy định tại Điều 49 của Thông tư này và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

9. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quyết định trình tự thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng.

Điều 51. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt gồm:

1. Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục XV của Thông tư này.

2. Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý (khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử):

a) Tiến độ tổng thể dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tài liệu chứng minh lý do đề nghị gia hạn là một trong các tài liệu sau:

Biên bản bàn giao mặt bằng thi công xây dựng công trình trong trường hợp vướng mắc về mặt bằng thi công;

Biên bản xác nhận thiệt hại giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình trong trường hợp sự cố, thiên tai làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình;

Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trong trường hợp việc điều chỉnh dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình.

Điều 52. Trình tự thực hiện gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt

1. Khi hết thời gian thi công công trình ghi trong giấy phép xây dựng mà công trình chưa hoàn thành, chủ đầu tư dự án lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan cấp giấy phép quy định tại Điều 48 của Thông tư này.

2. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư này có trách nhiệm trả kết quả trong ngày làm việc về thành phần hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

3. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thực hiện qua môi trường điện tử, nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 48 của Thông tư này thông báo bằng văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

4. Thời gian giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

5. Quyết định gia hạn giấy phép xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI của Thông tư này. Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

6. Trường hợp thực hiện trên môi trường điện tử, chủ đầu tư dự án có nhu cầu gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập hồ sơ đề nghị gồm tệp tin chứa bản chụp chính hồ sơ, tài liệu quy định tại Điều 51 của Thông tư này và thực hiện trên địa chỉ website: https://dichvucong.mt.gov.vn.

7. Mỗi Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 12 tháng, đồng thời không vượt quá thời gian thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quyết định trình tự thực hiện gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng.

Điều 53. Thu hồi và hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang và giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt

1. Các trường hợp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang; giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt (sau đây gọi là giấy phép) bị thu hồi:

a) Giấy phép được cấp không đúng theo quy định của pháp luật;

b) Chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện hoặc trực tiếp thực hiện thi công không đúng nội dung của giấy phép. Trong thời hạn quá 1/3 thời gian xây dựng trong giấy phép kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện và yêu cầu nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc khắc phục các vi phạm theo yêu cầu;

c) Chủ đầu tư dự án vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ môi trường tại khu vực xây dựng công trình;

d) Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép mà chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng công trình.

2. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 và Điều 48 của Thông tư này ban hành quyết định công bố hủy giấy phép, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc thực hiện giấy phép.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN TRONG VIỆC QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP, BÃI BỎ ĐƯỜNG NGANG VÀ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

Điều 54. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam

1. Thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt trong việc quản lý đường ngang trên đường sắt quốc gia và xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, bảo trì, phòng vệ đường ngang của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia theo quy định tại Thông tư này.

Điều 55. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam

Đối với đường ngang công cộng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ:

1. Quản lý, duy trì trạng thái hoạt động của công trình đường bộ ngoài phạm vi đường ngang; tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, bảo trì đường ngang, phòng vệ đường ngang của chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng theo quy định tại Thông tư này.

Điều 56. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ địa phương

1. Thực hiện theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện đối với đường ngang công cộng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị thuộc phạm vi quản lý:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, bảo trì đường ngang, phòng vệ đường ngang của chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng theo quy định tại Thông tư này;

b) Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc chủ quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng, chính quyền địa phương dỡ bỏ đường ngang không có giấy phép xây dựng; giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại khu vực đường ngang.

2. Quản lý, duy trì trạng thái hoạt động của công trình đường bộ ngoài phạm vi đường ngang; tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đối với đường ngang công cộng liên quan đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường bộ đô thị thuộc phạm vi quản lý.

Điều 57. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

2. Quản lý đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt, hành lang an toàn giao thông tại đường ngang theo quy định của pháp luật đường sắt.

3. Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ quản lý, sử dụng đường ngang trong việc:

a) Kiểm tra đường ngang để đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang theo quy định của Thông tư này;

b) Đề xuất hình thức tổ chức phòng vệ đường ngang công cộng phù hợp quy định tại Thông tư này.

4. Chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ quản lý, sử dụng đường ngang, cơ quan quản lý đường bộ địa phương trong việc thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại đường ngang trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Điều 58. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nghiệm thu hoàn thành đường ngang công cộng, đường ngang chuyên dùng trên đường sắt quốc gia, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tiếp nhận công trình và đưa đường ngang vào khai thác sử dụng.

2. Quản lý, bảo trì, duy trì trạng thái hoạt động của đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 30 của Thông tư này.

3. Bố trí định biên gác đường ngang đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia theo kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được phê duyệt.

4. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cải tạo, nâng cấp hoặc thay đổi hình thức phòng vệ đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia phù hợp với quy định tại Thông tư này.

5. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kịp thời đề xuất và phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại đường ngang trên đường sắt quốc gia.

6. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới tăng cường bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang công cộng nguy hiểm trên đường sắt quốc gia.

7. Lập hồ sơ quản lý đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.

8. Yêu cầu chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công công trình xây dựng đường ngang, công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia thực hiện đúng nội dung giấy phép được cấp, phương án bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn trong quá trình thi công, đề nghị chủ đầu tư dự án tạm dừng thi công để có biện pháp khắc phục; báo cáo cơ quan cấp giấy phép để xử lý theo quy định.

9. Bàn giao mặt bằng thi công, tham gia nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đường ngang, công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia; tiếp nhận hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác quản lý, bảo trì theo quy định.

10. Khi hết thời hạn khai thác sử dụng đường ngang, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chủ trì, phối hợp với chủ quản lý, sử dụng đường ngang, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này làm thủ tục bãi bỏ đường ngang.

11. Chủ trì, phối hợp với chủ quản lý, sử dụng đường ngang và chính quyền địa phương để rào chắn, tháo dỡ đường ngang, hoàn trả kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi có quyết định bãi bỏ đường ngang.

12. Thực hiện chế độ báo cáo:

a) Tên báo cáo: Báo cáo số liệu về đường ngang và xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

b) Nội dung báo cáo phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau: Việc sử dụng, khai thác, bảo vệ tài sản đường ngang, hồ sơ quản lý đường ngang quy định tại Thông tư này đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia; công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia; đề xuất, kiến nghị (nếu có).

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đường sắt Việt Nam;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: văn bản giấy và qua hệ thống quản lý văn bản liên thông của Cục Đường sắt Việt Nam;

e) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 15 tháng 3 hàng năm;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: 01 lần trong năm;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 15 tháng 3 của năm trước đến ngày 14 tháng 3 của năm báo cáo;

i) Biểu mẫu báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này.

Điều 59. Trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đường ngang chuyên dùng

1. Quản lý, bảo trì, tổ chức phòng vệ và duy trì trạng thái kỹ thuật của đường ngang thuộc phạm vi quản lý sử dụng trong suốt quá trình khai thác theo quy định tại Thông tư này.

2. Bố trí định biên gác đường ngang do mình quản lý, sử dụng.

3. Có biện pháp sửa chữa kịp thời bảo đảm an toàn đường ngang do mình quản lý, sử dụng, an toàn giao thông khi phát hiện có hư hỏng.

4. Lập hồ sơ quản lý đường ngang do mình quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.

5. Trường hợp chủ quản lý, sử dụng đường ngang chuyên dùng không thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia) hoặc chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng (đối với đường ngang trên đường sắt chuyên dùng) quyết định tạm dừng khai thác đường ngang. Khi đó, chủ quản lý, sử dụng đường ngang chuyên dùng phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 60. Trách nhiệm của chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng

1. Đối với đường ngang công cộng trên đường sắt chuyên dùng:

a) Quản lý, bảo trì, tổ chức phòng vệ và duy trì trạng thái kỹ thuật của đường ngang thuộc phạm vi quản lý trong suốt quá trình khai thác sử dụng theo quy định tại Thông tư này;

b) Bố trí định biên gác đường ngang;

c) Tham gia ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các nội dung ý kiến đã tham gia góp ý đối với việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nghiệm thu hoàn thành đường ngang phải ban hành quyết định cho phép đường ngang đưa vào khai thác sử dụng;

đ) Lập hồ sơ quản lý đường ngang theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.

2. Quyết định việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang chuyên dùng trên đường sắt chuyên dùng; xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng.

Điều 61. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đường ngang, công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt

1. Trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư dự án lấy ý kiến tham gia của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 41, Điều 48 của Thông tư này và chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng đối với trường hợp thực hiện trong phạm vi đất dành cho đường sắt chuyên dùng về vị trí, quy mô xây dựng công trình.

2. Trước khi thi công công trình, chủ đầu tư dự án lấy ý kiến tham gia về phương án tổ chức thi công, thời gian phong tỏa phục vụ thi công, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông với tổ chức sau đây:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đối với công trình liên quan đến công trình đường sắt quốc gia và đất dành cho đường sắt quốc gia;

b) Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đối với công trình liên quan đến công trình đường sắt đô thị và đất dành cho đường sắt đô thị;

c) Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng đối với công trình liên quan đến công trình đường sắt chuyên dùng và đất dành cho đường sắt chuyên dùng;

d) Cơ quan quản lý đường bộ có liên quan.

3. Làm thủ tục nhận bàn giao mặt bằng thi công trước khi khởi công xây dựng công trình.

4. Sau khi thi công hoàn thành công trình, bàn giao lại hiện trường và hồ sơ hoàn công cho các tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Duy trì trạng thái kỹ thuật ổn định và bảo đảm nguồn kinh phí để quản lý, bảo trì đối với phần công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

6. Bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công; bảo trì công trình trong quá trình khai thác; có biện pháp gia cố kịp thời bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình hư hỏng.

7. Tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không đòi bồi thường khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tự phá dỡ công trình khi hết hạn sử dụng (đối với công trình xây có thời hạn sử dụng được ghi trong giấy phép xây dựng).

8. Bồi thường khi gây ra thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 62. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2023, thay thế Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14 tháng 5 năm 2018 và Thông tư số 07/2022/TT-BGTVT ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Điều 63. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các đường ngang chuyên dùng tổ chức phòng vệ bằng biển báo trên đường sắt quốc gia hiện có, chủ sở hữu đường bộ chuyên dùng phải từng bước nâng cấp hình thức phòng vệ đường ngang theo thứ tự ưu tiên để tăng cường an toàn giao thông. Trong khi chưa nâng cấp hình thức phòng vệ đường ngang, chủ sở hữu đường bộ chuyên dùng phải tổ chức cảnh giới tại những đường ngang là điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.

2. Đối với các đường ngang hiện hữu chưa đáp ứng theo quy định tại Thông tư này, khi cải tạo, nâng cấp đường ngang, chủ đầu tư dự án phải từng bước cải thiện góc giao giữa đường bộ và đường sắt, bình diện đường bộ, độ dốc đường bộ, bổ sung hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang, mở rộng diện tích nhà gác đường ngang. Trong thời gian chưa thực hiện cải tạo, nâng cấp đường ngang phải có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện giao thông đi qua đường ngang.

3. Đối với đường ngang cảnh báo tự động hiện hữu chưa có cần chắn tự động, phải từng bước bổ sung lắp đặt cần chắn tự động để tăng cường an toàn giao thông.

4. Đối với đường ngang hiện hữu đang sử dụng chắn thủ công, từng bước thay thế dần bằng cần chắn điện hoặc cần chắn, giàn chắn sử dụng động cơ điện do người điều khiển hoặc cần chắn tự động để nâng cao chất lượng tổ chức phòng vệ tại đường ngang, nâng cao an toàn giao thông và giảm định biên gác đường ngang.

Điều 64. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 64;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm soát TTHC (VPCP);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT
.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Danh Huy

PHỤ LỤC I

PHÂN CẤP ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 09 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Cấp đường ngang

Khi có một trong hai, hoặc cả hai yếu tố: lưu lượng xe thiết kế hoặc tích số tàu xe

Đường sắt giao với

Tích số tàu xe (A)

I

- Đường bộ có lưu lượng xe thiết kế 3.000 xe trở lên

-

- Đường bộ đô thị

Trên 20.000

II

- Đường bộ có lưu lượng xe thiết kế từ 200 xe đến 3.000 xe

-

- Đường bộ là đường huyện, đường xã có lưu lượng xe thiết kế nhỏ hơn 200 xe

-

- Đường bộ đô thị

Từ 5.000 đến 20.000

III

- Đường bộ chưa được phân cấp

Dưới 5.000

- Đường bộ đô thị

Ghi chú:

Tích số tàu xe là số nhân của đoàn tàu với số xe qua đường ngang trong một ngày đêm trung bình:

A = Nt x Nx

Trong đó:

A: Tích số tàu xe.

Nt: Số đoàn tàu qua đường ngang trong một ngày đêm, theo số liệu của biểu đồ chạy tàu hoặc theo dự kiến kế hoạch khi thiết kế tuyến đường.

Nx: Số xe con quy đổi qua đường ngang trong một ngày đêm trung bình.

Trường hợp sử dụng số liệu thống kê phải có xác nhận của cơ quan quản lý tuyến đường bộ.

Trường hợp đếm xe thực tế, thực hiện đếm trong vòng 06 tháng, mỗi tháng đếm 01 lần, đếm vào các ngày 5, 6, 7 trong tháng, hai ngày đầu đếm 16h/24h (từ 05h00 đến 21h00), ngày thứ 3 đếm 24h/24h (từ 0h00 hôm trước đến 0h00 hôm sau) và tổng hợp số liệu trung bình của 06 tháng. Phương pháp đếm xe có thể thực hiện bằng thủ công hoặc tự động.

Hệ số quy đổi từ các loại xe ra xe con theo quy định tại bảng sau:

Bảng hệ số quy đổi từ xe các loại ra xe con

Địa hình

Loại xe

Xe đạp

Xe máy

Xe con

Xe tải có 2 trục và xe buýt dưới 25 chỗ

Xe tải có từ 3 trục trở lên và xe buýt lớn

Xe kéo moóc, xe buýt kéo moóc

Đồng bằng và đồi

0,2

0,3

1,0

2,0

2,5

4,0

Núi

0,2

0,3

1,0

2,5

3,0

5,0

Chú thích:

- Việc phân biệt địa hình được dựa trên cơ sở độ dốc ngang phổ biến của sườn đồi, sườn núi như sau: đồng bằng và đồi 30%; núi > 30%.

- Đường tách riêng xe thô sơ thì không quy đổi xe đạp.

PHỤ LỤC II

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC PHÒNG VỆ ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

A. Tổ chức phòng vệ đường ngang có người gác (thể hiện một phía của đường ngang):

Ghi chú:

1. Biển “Kéo còi”.

2. Cột tín hiệu ngăn đường.

3. Nhà gác đường ngang (trường hợp khó khăn, bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang không vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc của đường sắt và không vi phạm khổ giới hạn của đường bộ).

4. Vị trí đèn tín hiệu và chuông điện.

5. Biển số W.210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn”.

6. Cọc tiêu.

7. Hàng rào cố định.

8. Chắn đường đường ngang:

Đối với trường hợp bề rộng mặt đường bộ ≥ 7,0m, có thể bố trí 02 chắn cho 1 phía đường bộ đi vào đường ngang,khi đó việc đóng chắn phải thực hiện bảo đảm phù hợp để ngăn luồng phương tiện giao thông đường bộ đi vào đường ngang.

Trường hợp khó khăn, chắn đường ngang phải đặt ngoài khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt.

9. Vạch dừng xe(Vạch 7.1).

10. Biển “Ngừng”, trừ trường hợp đường ngang đã có tín hiệu ngăn đường hoặc đường ngang nằm trong phạm vi phòng vệ của tín hiệu vào ga, ra ga, hoặc tín hiệu bãi dồn, tín hiệu thông qua trên đường sắt có thiết bị đóng đường tự động hoặc tín hiệu phòng vệ khác, khi các tín hiệu trên cách đường ngang dưới 800 mét (m).

Hình vẽ trên thể hiện bố trí phòng vệ tại đường ngang có người gác tại một phía của đường ngang; phía đối diện, việc phòng vệ đường ngang sẽ được bố trí tương tự.

B. Tổ chức phòng vệ tại đường ngang không có người gác (thể hiện một phía của đường ngang)

1. Đối với đường ngang cảnh báo tự động, có cần chắn tự động:

Ghi chú:

1. Biển “Kéo còi”.

2. Vị trí đèn tín hiệu và chuông điện.

3. Biển số W.210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn”.

4. Cọc tiêu hoặc có thể sử dụng hàng rào có lan can phòng hộ thay cho hàng cọc tiêu.

5. Vạch dừng xe (Vạch 7.1).

6. Gờ giảm tốc.

7. Gồ giảm tốc (nếu có).

8. Cần chắn tự động (trường hợp khó khăn, cần chắn phải đặt ngoài khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt).

Hình vẽ trên thể hiện bố trí phòng vệ tại đường ngang cảnh báo tự động, có cần chắn tự động tại một phía của đường ngang; phía đối diện, việc phòng vệ đường ngang sẽ được bố trí tương tự.

2. Đối với đường ngang cảnh báo tự động, không có cần chắn tự động:

Ghi chú:

1. Biển “Kéo còi”.

2. Vị trí đèn tín hiệu và chuông điện.

3. Biển số W.211a. “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”

4. Cọc tiêu hoặc có thể sử dụng hàng rào có lan can phòng hộ thay cho hàng cọc tiêu.

5. Vạch dừng xe (Vạch 7.1).

6. Gờ giảm tốc.

7. Gồ giảm tốc.

Hình vẽ trên thể hiện bố trí phòng vệ tại đường ngang cảnh báo tự động, không có cần chắn tự động tại một phía của đường ngang; phía đối diện, việc phòng vệ đường ngang sẽ được bố trí tương tự.

3. Đối với đường ngang biển báo:

Ghi chú:

1. Biển “Kéo còi”.

2. Biển số W.242a,b “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” hoặc Biển số W243a,b,c “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ”.

3. Biển số W.211a “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”.

4. Cọc tiêu hoặc có thể sử dụng hàng rào có lan can phòng hộ thay cho hàng cọc tiêu.

5. Vạch dừng xe (Vạch 7.1) kết hợp vạch sơn chữ “STOP”.

6. Biển dừng lại (Biển số R.122) kết hợp với biển phụ ghi “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang”.

7. Gờ giảm tốc.

8. Gồ giảm tốc.

Hình vẽ trên thể hiện bố trí phòng vệ tại đường ngang biển báo tại một phía của đường ngang; phía đối diện, việc phòng vệ đường ngang sẽ được bố trí tương tự.

C. Vị trí đặt biển báo khi đường bộ liền kề và gần đường sắt, có đoạn rẽ vào đường sắt (thể hiện một phía của đường ngang)

1. Chiều dài đoạn rẽ đến đường sắt nhỏ hơn 10 m:

Ghi chú:

1. Biển số W242a,b “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” hoặc Biển số W243a,b,c “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ”.

2. Biển số W210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” đối với đường ngang có người gác hoặc đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động; Biển số W211a “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”đối với đường ngang cảnh báo tự động, không có cần chắn tự động hoặc đường ngang biển báo.

3. Những báo hiệu, tín hiệu của đường ngang không thể hiện trong hình vẽ trên, tùy theo hình thức phòng vệ thực hiện theo Mục A, B của Phụ lục này.

2. Chiều dài đoạn rẽ đến đường sắt từ 10 m đến 50 m:

Ghi chú:

1. Biển số W242a,b “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” hoặc Biển số W243a,b,c “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ”.

2. Biển số W210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” đối với đường ngang có người gác hoặc đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động; Biển số W211a “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”đối với đường ngang cảnh báo tự động, không có cần chắn tự động hoặc đường ngang biển báo.

3. Những báo hiệu, tín hiệu của đường ngang không thể hiện trong hình vẽ trên, tùy theo hình thức phòng vệ thực hiện theo Mục A, B của Phụ lục này.

PHỤ LỤC III

BỐ TRÍ LÀN PHỤ
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 09 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Ghi chú:

- Bề rộng của làn phụ là 3,5 m, trường hợp khó khăn cho phép giảm xuống 3,0 m.

- Nên bố trí thành một tuyến độc lập, nếu không được, làn phụ đặt trên phần lề gia cố; nếu bề rộng lề gia cố không đủ thì mở rộng thêm cho đủ 3,5m và bảo đảm lề đất rộng đủ 0,5m. (tại đoạn này xe đạp và xe thô sơ đi cùng với xe ô tô trên làn phụ).

- Đoạn chuyển tiếp sang làn xe phụ phải đặt trước điểm bắt đầu mở làn phụ 35m và mở rộng dần theo hình nêm theo độ mở rộng 1:10 (chiều dài đoạn mở rộng là 70m).

PHỤ LỤC IV

SƠ ĐỒ ĐÈN TÍN HIỆU VÀ CHUÔNG ĐIỆN HOẶC LOA PHÁT ÂM THANH
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

A. Tại đường ngang có người gác:

1. Trường hợp không sử dụng cột cần vươn

Ghi chú:

1. Móng bê tông.

2. Đế cột.

3. Thân cột.

4. Biển “Đèn đỏ dừng lại”.

5. Cơ cấu biểu thị hai đèn đỏ.

6. Biển “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ”; hoặc Biển “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ”.

7. Hộp chuông hoặc loa phát âm thanh.

(Nếu lắp hai cơ cấu tín hiệu trên cùng một cột để xoay về hai hướng của đường bộ dẫn vào đường ngang thì hai cơ cấu nối tiếp nhau)

2. Trường hợp sử dụng cột cần vươn

Ghi chú:

- Phần móng, đế, thân cột và cơ cấu bên dưới bố trí như trường hợp không sử dụng cột cần vươn.

- Cơ cấu tín hiệu trên cần vươn giống như cơ cấu bên dưới.

B. Tại đường ngang không có người gác

1. Trường hợp không sử dụng cột cần vươn

Ghi chú:

1. Móng bê tông.

2. Đế cột.

3. Thân cột.

4. Biển “Dừng lại quan sát tàu hỏa khi qua đường sắt”.

5. Cơ cấu biểu thị hai đèn đỏ, một đèn vàng.

6. Biển “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ”; hoặc Biển “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ”.

7. Hộp chuông hoặc loa phát âm thanh.

(Nếu lắp hai cơ cấu tín hiệu trên cùng một cột để xoay về hai hướng của đường bộ dẫn vào đường ngang thì hai cơ cấu nối tiếp nhau).

2. Trường hợp sử dụng cột cần vươn

Ghi chú:

- Phần móng, đế, thân cột và cơ cấu bên dưới bố trí như trường hợp không sử dụng cột cần vươn.

- Cơ cấu tín hiệu trên cần vươn giống như cơ cấu bên dưới.


PHỤ LỤC V

BIỂU TỔNG HỢP THỐNG KÊ CÁC ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 09 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

A. Biểu tổng hợp thống kê các đường ngang cho từng tuyến đường sắt theo địa giới hành chính quản lý

(Tính đến tháng... Năm 20...)

STT

Tuyến đường sắt

Số lượng đường ngang

Số lượng đường ngang nguy hiểm đến ATGT đang tổ chức cảnh giới

Ghi chú

Có gác

Cảnh báo tự động

Biển báo

Do địa phương thực hiện

Do doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS thực hiện

Cần chắn

Dàn chắn

Có cần chắn

Không có cần chắn

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

I

Thuộc địa bàn tỉnh, thành phố …

1

Tuyến đường sắt…

2

Tuyến đường sắt…

Cộng:

II

Thuộc địa bàn tỉnh, thành phố …

1

Tuyến đường sắt…

..

Cộng:

Tổng cộng:

Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIÊP
KINH DOANH KCHT ĐƯỜNG SẮT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

B. Số liệu quản lý đường ngang cho từng tuyến đường sắt

1. Tuyến đường sắt:...........................

(Tính đến tháng ... năm ....)

STT

Tên đường ngang

Lý trình đường sắt tại vị trí giao cắt

Lý trình đường bộ tại vị trí giao cắt

Địa điểm

Các yếu tố đường ngang

Các yếu tố đường bộ khu vực đường ngang

Tầm nhìn điểm giao cắt (m)

Quyết định thành lập đường ngang

Thời gian sử dụng đường ngang

Số vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang theo từng năm

Tình hình hoạt động của thiết bị chắn đường ngang

Tình trạng hồ sơ quản lý đường ngang

Đề xuất, kiến nghị

Tỉnh (TP)

Huyện (Quận)

Xã (Phường)

Cấp đường ngang

Góc giao (độ)

Bán kính đường sắt Rđs; Bán kính đường bộ Rđb tại vị trí giao cắt (m)

Tính chất phục vụ của đường ngang

Hình thức phòng vệ của đường ngang

Tổ chức cảnh giới đường ngang

Loại đường bộ giao với đường sắt

Kết cấu mặt đường bộ trong lòng đường sắt

Kết cấu mặt đường bộ phạm vi từ mép ray ngoài cùng ra hết tà vẹt

Kết cấu mặt đường bộ Phần còn lại

Chiều rộng mặt đường bộ (m)

Độ dốc đường bộ trong phạm vi đường ngang (%)

Đường sắt

Đường bộ

Hướng chẵn

Hướng lẻ

Phía trái ĐS

Phía phải ĐS

Bên phải

Bên trái

Bên phải

Bên trái

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

(17)

(18)

(19)

(20)

(21)

(22)

(23)

(24)

(25)

(26)

(27)

(28)

(29)

(30)

1

2

3

Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP
KINH DOANH KCHT ĐƯỜNG SẮT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn ghi trong tổng hợp số liệu đường ngang:

(7) Cấp đường ngang: Ghi rõ cấp I, II hay III.

(8) Góc giao cắt với đường bộ (độ).

(9) Bán kính đường cong của đường sắt tại vị trí đường ngang (nếu có).

(10) Tính chất phục phụ: Công cộng (CC) hay chuyên dùng (CD).

(11) Hình thức tổ chức phòng vệ (có người gác, CBTĐ, BB); Dàn chắn (DC)/ cần chắn (CC).

(12) Cảnh giới (Địa phương cảnh giới (ĐP) hoặc Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc chủ quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng cảnh giới (DN).

(13) Đường bộ giao cắt với đường sắt; ví dụ (ĐT.265 hoặc vào chùa Tứ Kỳ hoặc vào xã Thanh khê).

(14) Kết cấu mặt đường bộ trong lòng đường sắt “(tấm đan bê tông cốt thép (TĐ) hoặc bê tông nhựa (BTN)”.

(15) Kết cấu mặt đường bộ từ mép ray chính ngoài cùng trở ra mỗi bên từ 1m hoặc 2m “(tấm đan bê tông cốt thép (TĐ) hoặc bê tông nhựa (BTN)”.

(16) Kết cấu mặt đường bộ phần còn lại bằng “(bê tông nhựa (BTN) hoặc bê tông xi măng (BTXM)”.

(17) Chiều rộng phần xe chạy của đoạn đường bộ trong phạm vi đường ngang (m).

(18) Độ dốc của đường bộ (trường hợp đường ngang trên đoạn đường sắt cong tròn (CT a%) hay trường hợp vi phạm quy định về đường ngang (VP a%).

(26) Ghi rõ thời hạn sử dụng của đường ngang (lâu dài, có thời hạn sử dụng. Trường hợp đường ngang đã hết hạn thời hạn sử dụng phải nêu rõ lý do).

(27) Ghi rõ số vụ và thời gian xảy ra tai nạn tại đường ngang.

(28) Nêu rõ tình hình hoạt động của thiết bị chắn đường ngang.

(29) Nêu rõ tình trạng hồ sơ quản lý đường ngang theo quy định tại Thông tư này.

(30) Đề xuất, kiến nghị cụ thể về: cải tạo, nâng cấp; thay thế thiết bị chắn đường ngang và các tồn tại khác của đường ngang cần phải khắc phục.

C. Số liệu về xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt

(Tính từ ngày ... tháng ... năm ... đến ngày ... tháng ... năm ....)

STT

Tên công trình

Địa điểm xây dựng

Số giấy phép

Ngày khởi công

Ngày hoàn thành

Chủ, nhà đầu tư

Ghi chú

Theo giấy phép

Thực tế thi công

Theo giấy phép

Thực tế thi công

I

Tuyến đường sắt...

1

...

2

...

...

...

Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP
KINH DOANH KCHT ĐƯỜNG SẮT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)


PHỤ LỤC VI

BIỆN PHÁP BÁO CHO TÀU DỪNG TRƯỚC CHƯỚNG NGẠI
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn không thể di chuyển ngay khỏi phạm vi đường ngang hoặc hàng hóa rơi đổ trong phạm vi đường ngang mà điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách mép ngoài của ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,75 mét (m) thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại theo quy định sau:

1. Khi khẩn cấp có tàu tới gần, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải nhanh chóng đi về phía có tàu làm tín hiệu cho tàu đỗ lại: ban ngày dùng cờ đỏ hoặc vải đỏ mở, ban đêm dùng đèn đỏ, hướng về phía đoàn tàu tới. Nếu không có cờ đỏ, vải đỏ hoặc ánh đèn màu đỏ, thì ban ngày hai tay nắm lại hoặc cầm bất cứ vật gì quay vòng tròn hướng về phía tàu; ban đêm dùng đèn (bất cứ màu gì, trừ màu lục) hoặc ánh lửa, quay vòng tròn hướng về phía tàu.

2. Khi không biết chắc chắn có tàu sắp tới và nếu ngoài người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có đủ hai người thì mỗi người đi về một phía đường sắt, đến chỗ cách đường ngang từ 500 mét (m) đến 800 mét (m), đứng về phía tay phải, cách ray ngoài cùng ra 2 mét (m), quay lưng về phía đường ngang để sẵn sàng làm tín hiệu cho tàu đỗ lại như quy định tại Mục 1 nêu trên. Nếu đường ngang ở gần ga, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có thể cử người về ga báo, sau khi đã bố trí phòng vệ như Mục 3 dưới đây.

3. Nếu chỉ có một mình, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải dùng hai cọc gỗ hoặc tre (cấm dùng cọc bằng kim loại hoặc bằng vật liệu gì cứng khác), có buộc áo hoặc bằng mảnh vải (ban ngày) và đèn hoặc mồi lửa (ban đêm), cắm giữa lòng đường sắt, cách đường ngang ít nhất 500 mét (m), cao trên mặt ray ít nhất 01 mét (m) để làm tín hiệu phòng vệ báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt ngừng lại.

4. Đồng thời với việc thực hiện các biện pháp trên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải tích cực và nhanh chóng tìm cách đưa xe hoặc hàng hóa ra khỏi đường sắt. Khi đã đưa các chướng ngại ra cách mép ngoài của ray ngoài cùng tối thiểu 1,75 mét (m) và sau khi xem xét lại đường sắt không có trở ngại và hư hỏng, bảo đảm không có bộ phận nào của xe hoặc hàng hóa có thể rơi, đổ vào phạm vi an toàn của đường sắt, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải lập tức bỏ tín hiệu phòng vệ do mình đã đặt, sau đó tiếp tục đưa các chướng ngại ra xa đường sắt.

PHỤ LỤC VII

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 09 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

 ……….……, ngày  tháng... năm 20...

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG

TẠI …(3)…

Kính gửi: …(4)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ ...(5)...

…(2)... đại diện bởi: ………………; chức vụ: ……………………

Đề nghị được cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang với các nội dung như sau:

1. Mục đích:…

2. Thời gian sử dụng: (lâu dài có thời hạn, nếu có thời hạn ghi rõ thời hạn sử dụng là từ ngày …. tháng …. năm …. đến ngày …. tháng ….. năm …..)

3. Thuộc Dự án: ...(6)…

4. Địa điểm: …(7)…

5. Mật độ người, xe dự tính …(8)...

6. Cấp đường ngang …………………….

7. Các yếu tố kỹ thuật chủ yếu:

a) Đường sắt:

- Mặt bằng đường sắt …(9) …

- Trắc dọc đường sắt …(10) …

- Nền đường sắt …(11)…

b) Đường bộ:

- Cấp đường bộ …(12)…

- Mặt bằng đường bộ …(13)…

- Trắc dọc đường bộ …(14)…

- Nền đường bộ …(15)…

c) Góc giao …(16)…

8. Tầm nhìn:

- Của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (lái xe) …(17)...

- Của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (lái tàu) …(18)...

9. Khoảng cách tới đường ngang gần nhất …(19)…

- Phía gốc lý trình ……….

- Phía đối diện ………..

10. Hình thức tổ chức phòng vệ: (Có người gác, cảnh báo tự động) ………

11. Trang thiết bị phục vụ phòng vệ đường ngang: …(20)…

12. Những vấn đề khác (nếu có).

...(2)... cam kết:

- Chịu toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, tổ chức phòng vệ (nếu có); giải phóng mặt bằng trong phạm vi hành lang an toàn giao thông tại khu vực đường ngang; đặt đầy đủ thiết bị hướng dẫn giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại vị trí này.

- Tự dỡ bỏ (đối với đường ngang khai thác, sử dụng có thời hạn) khi hết thời hạn sử dụng.

Nếu không thực hiện đúng các cam kết trên, ...(2)... chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ liên hệ: ………

Số điện thoại: …………….


Nơi nhận:
- …
- …
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Đơn đề nghị

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị hoặc tổ chức đề nghị cấp giấy phép (nếu có).

(2) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

(3) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt.

(4) Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

(5) Văn bản chấp thuận cho phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(6) Ghi đầy đủ tên dự án đầu tư xây dựng công trình có đường ngang đề nghị cấp giấy phép.

(7) Ghi rõ lý trình, tên tuyến đường sắt, thuộc địa phận xã, huyện, tỉnh.

(8) Ghi rõ mật độ người, xe dự tính qua đường ngang trong một ngày đêm sau khi xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo.

(9) Đường sắt thẳng hay cong (bán kính đường cong, hướng rẽ theo lý trình).

(10) Độ dốc (‰) đường sắt, hướng dốc lên hay xuống tính theo lý trình.

(11) Chiều rộng nền đường sắt, loại nền đường đắp, đào hoặc không đào đắp, độ cao đắp hoặc độ sâu đào.

(12) Cấp đường bộ theo quy định trong TCVN 4054:2005TCVN 10380:2014.

(13) Chiều dài đoạn thẳng, bán kính cong của đường bộ từ mép ray trở ra mỗi phía.

(14) Độ dốc (%) đường bộ từ tim đường sắt (hoặc mép ray) trở ra mỗi phía.

(15) Chiều rộng nền đường bộ, loại nền đường đắp hay đào, độ cao nền đắp, độ sâu nền đào.

(16) Góc giao giữa đường bộ và đường sắt tính theo đơn vị độ.

(17) Tầm nhìn lái xe phụ thuộc cấp đường bộ, theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054-2005, nêu rõ đứng ở từng bên đường ngang nhìn về hai phía đường sắt.

(18) Người lái tàu có thể nhìn thấy đường ngang từ điểm cách xa đường ngang bao nhiêu mét về phía góc lý trình và phía đối diện.

(19) Nêu khoảng cách tới đường ngang gần nhất từ hai phía.

(20) Liệt kê trang thiết bị phục vụ phòng vệ của nhân viên gác đường ngang: Cờ đỏ, còi, pháo hiệu, đồng hồ và trang thiết bị khác tại nhà gác đường ngang, đối với đường ngang cảnh báo tự động không ghi mục này.

PHỤ LỤC VIII

MẪU GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày tháng... năm 20...

GIẤY PHÉP XÂY DỰNG
(CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG)

TẠI …(3)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ văn bản chấp thuận về chủ trương việc cho phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang số: ……./…… ngày..../…../20…. ;

Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang của...(4)... số ....ngày ... tháng .... năm 20....

Điều 1. Cấp cho:

- ...(4)...

- Người đại diện: ………………….; chức vụ: …………………….

- Địa chỉ: ………………………………….

- Điện thoại: ……………………………….

Điều 2. Nội dung cấp phép:

1. Cấp đường ngang: …………, hình thức tổ chức phòng vệ …………….

2. Các yếu tố kỹ thuật chủ yếu của đường ngang:

- Góc giao cắt giữa đường sắt và đường bộ: …….

- Chiều rộng mặt đường ngang: ……. m.

- Đường sắt tại đường ngang:

+ Bình diện: ……………………

+ Trắc dọc: ………………..

+ Kiến trúc tầng trên: ……………..

- Đường bộ tại đường ngang:

+ Bình diện: …………………..

+ Trắc dọc: …………………….

+ Kết cấu mặt đường: …………….

- Loại chắn (nếu có) ……………………………

- Hệ thống thông tin, tín hiệu đường ngang (nếu có) …………

- Hệ thống hàng rào, cọc tiêu, biển báo, vạch kẻ đường trên đường bộ, …………

- Hệ thống thoát nước: ……………..

- Nhà gác chắn (nếu có): ……………

- Các vấn đề khác: …………………..

Điều 3. Kinh phí tổ chức phòng vệ và quản lý, khai thác, bảo trì hàng năm do ……. chi trả.

Điều 4. Sau khi hoàn thành việc thi công toàn bộ các hạng mục công trình, thiết bị đường ngang, Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu bàn giao công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 5. Hiệu lực của giấy phép và thời gian thi công

1. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

2. Thời gian thi công công trình kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

Điều 6. Tổ chức thực hiện


Nơi nhận:
- Như Điều.... ;
- .............;
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Giấy phép:

(1) Tên cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép (nếu có).

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. (3) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt.

(4) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị cấp giấy phép. (5) Tổ chức tư vấn lập hồ sơ thiết kế.

(6) Cơ quan phê duyệt hồ sơ thiết kế.

PHỤ LỤC IX

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ BÃI BỎ ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày  tháng... năm 20...

ĐƠN ĐỀ NGHỊ BÃI BỎ ĐƯỜNG NGANG

TẠI ...(3)…

Kính gửi: ...(4)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ …(5) ...

...(2)... đề nghị ...(4)... xem xét bãi bỏ đường ngang cấp ...(6)...; phòng vệ bằng...(7)...; giao cắt giữa đường sắt …(8)...với đường bộ…(9)…

…(2)… cam kết bảo đảm nguồn kinh phí để tổ chức bãi bỏ và hoàn trả trạng thái ban đầu của đoạn đường sắt trong phạm vi đường ngang.


Nơi nhận:
- …
- …
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Đơn đề nghị:

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị hoặc tổ chức đề nghị bãi bỏ đường ngang.

(2) Tên tổ chức đề nghị bãi bỏ đường ngang.

(3) Địa danh, lý trình đường sắt, tên tuyến đường sắt.

(4) Tên cơ quan có thẩm quyền quyết định bãi bỏ.

(5) Nêu rõ lý do cần bãi bỏ.

(6) Ghi cấp đường ngang: cấp I, cấp II hoặc cấp III.

(7) Ghi hình thức tổ chức phòng vệ (có người gác; không có người gác: cảnh báo tự động; biển báo).

(8) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt (ví dụ km 5+750, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng).

(9) Tên tuyến đường bộ, ví dụ: quốc lộ số …. tỉnh lộ số …. liên huyện nối huyện với....đường công vụ.

PHỤ LỤC X

MẪU QUYẾT ĐỊNH BÃI BỎ ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 09 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày  tháng... năm 20...

QUYẾT ĐỊNH

V/v bãi bỏ đường ngang tại Km …(3)... tuyến đường sắt ...

...(2)...

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Xét đề nghị của …………….(4)……………………….. ; .

Theo đề nghị của ông (bà) …………….,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bãi bỏ đường ngang …………… tại Km...(3)….. tuyến đường sắt …… kể từ ngày ... tháng ….. năm 20....

Lý do bãi bỏ: …(5)…

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Điều 3. Các ông (bà) ... và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều.... ;
- .............;
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Quyết định

(1) Tên cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền quyết định (nếu có).

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền quyết định bãi bỏ đường ngang.

(3) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt.

(4) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị bãi bỏ đường ngang.

(5) Ghi lý do bãi bỏ đường ngang.

PHỤ LỤC XI

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày  tháng... năm 20...

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG TẠI …(3)

Kính gửi: …(4)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ Giấy phép xây dựng số ….. ngày .... tháng ….. năm ….. của ...(4)… cấp cho ...(2)…

…(2)… đề nghị được gia hạn thời gian xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang, với lý do…(5)...

…(2)… cam kết thực hiện theo đúng giấy phép được cấp, quyết định gia hạn giấy phép và quy định của pháp luật có liên quan.

Địa chỉ liên hệ: …….

Số điện thoại: ……….


Nơi nhận:
- …
- …
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Đơn đề nghị

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị hoặc tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

(2) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

(3) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt.

(4) Tên cơ quan có thẩm quyền quyết định gia hạn giấy phép xây dựng đường ngang.

(5) Nêu lý do đề nghị gia hạn giấy phép.

PHỤ LỤC XII

MẪU QUYẾT ĐỊNH GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày  tháng... năm 20...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc gia hạn giấy phép xây dựng, đường ngang

...(2)...

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ Giấy phép xây dựng số ….. ngày .... tháng ….. năm ….. của …(4)…cấp cho ...(2)…

Xét Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang số ....ngày ...tháng ....năm 20... của ...(4)...

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Gia hạn Giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đường ngang ...(3)... của ...(2) ... cấp cho ....(4)….. với nội dung:

- Gia hạn thời gian thi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang đến ngày ... tháng ... năm ...

- Với lý do: ...(5)...

Điều 2. Các nội dung khác và những yêu cầu đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình giữ nguyên như Giấy phép số ngày .... tháng ... năm ….

Điều 3. Hiệu lực của quyết định

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

Điều 4. Tổ chức thực hiện


Nơi nhận:
- Như Điều.... ;
- .............;
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Quyết định gia hạn giấy phép

(1) Tên cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền quyết định gia hạn giấy phép (nếu có).

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền quyết định gia hạn giấy phép.

(3) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt.

(4) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép.

(5) Ghi lý do gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

PHỤ LỤC XIII

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày tháng... năm 20...

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

...(3)…

Kính gửi: …(4)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ ...

...(2)... đại diện bởi: …………….; chức vụ: ……………, đề nghị được cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt với các nội dung chủ yếu sau:

- Tên công trình/hạng mục công trình: ...(3)...

- Thuộc Dự án: ...(5)...

- Tại …(6)…

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) công trình (phần trong phạm vi đất dành cho đường sắt) do ...(7)... lập, đã được ...(8)… phê duyệt tại quyết định số ....ngày ...tháng ...năm ....

- Quy mô xây dựng: …(9)…

- Thời gian thi công bắt đầu từ ngày ... tháng ... năm ... đến hết ngày ...tháng ... năm ...

- ...(2)... cam kết:

+ Tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không đòi bồi thường khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; đồng thời, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan để công trình được thi công xây dựng xong trong thời hạn có hiệu lực của Giấy phép;

+ Tự phá dỡ công trình và chịu mọi chi phí phá dỡ khi hết hạn sử dụng (đối với công trình xây dựng tạm);

+ Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và không gây ô nhiễm môi trường;

+ Thi công xây dựng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và tuân thủ theo quy định của Giấy phép.

Nếu không thực hiện đúng các cam kết trên, ...(2)... chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ liên hệ: ……………

Số điện thoại: ………………….


Nơi nhận:
- …
- …
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Đơn đề nghị cấp giấy phép

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị hoặc tổ chức đề nghị cấp giấy phép (nếu có).

(2) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

(3) Ghi tên công trình hoặc hạng mục công trình đề nghị cấp giấy phép, lý trình, tuyến đường sắt; ví dụ “Công trình đường ống cấp nước sạch chui qua đường sắt tại vị trí km 5+555, tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh”.

(4) Tên cơ quan cấp giấy phép xây dựng.

(5) Ghi tên dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó có công trình hoặc hạng mục công trình đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

(6) Ghi lý trình, tên tuyến đường sắt, thuộc địa phận huyện, tỉnh.

(7) Tổ chức tư vấn lập hồ sơ thiết kế.

(8) Cơ quan phê duyệt hồ sơ thiết kế.

(9) Ghi quy mô công trình, hạng mục công trình (phần trong phạm vi đất dành cho đường sắt) đề nghị cấp giấy phép.

PHỤ LỤC XIV

MẪU GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 09 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

…(1)…
…(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày  tháng... năm 20...

GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

…(3)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ ...

Xét Đơn đề nghị cấp số ....ngày ...tháng ....năm 20... của ...(4)...

Điều 1. Cấp cho:

- …(4)…

- Người đại diện: …………………; chức vụ: …………….

- Địa chỉ: ………………………………..

- Điện thoại: …………………………..

Điều 2. Nội dung giấy phép:

- Tên công trình: ...(3)...

- Thuộc dự án: ...(5)...

- Địa điểm xây dựng: ...(6)...

- Quy mô xây dựng công trình (phần trong phạm vi đất dành cho đường sắt): ...(7)...

Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức được cấp Giấy phép và các cơ quan, tổ chức có liên quan:

1...(8)...

2. ...

Điều 4. Hiệu lực của giấy phép và thời hạn thi công:

1. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

2. Thời gian thi công công trình kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …


Nơi nhận:
- Như Điều.... ;
- .............;
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Giấy phép

(1) Tên cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (nếu có).

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

(3) Ghi tóm tắt tên công trình hoặc hạng mục công trình được cấp Giấy phép, lý trình, tuyến đường sắt; ví dụ “Công trình đường ống cấp nước sạch chui qua đường sắt tại vị trí km 5+555, tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh”.

(4) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

(5) Ghi tên dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó có công trình hoặc hạng mục công trình được cấp giấy phép xây dựng.

(6) Ghi rõ lý trình, tên tuyến đường sắt, thuộc địa phận huyện, tỉnh.

(7) Ghi phần quy mô xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

(8) Ghi yêu cầu về trách nhiệm đối với tổ chức được cấp giấy phép xây dựng và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

PHỤ LỤC XV

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

...(1)…
...(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày  tháng... năm 20...

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

…(3)...

Kính gửi: …(4)…

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số:  /2023/TT-BGTVT ngày  tháng  năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ Giấy phép số ….. ngày .... tháng ….. năm …… của …(4)… cấp cho …(2)…

…(2)... đề nghị được gia hạn giấy phép xây dựng công trình:

Thời điểm kết thúc thi công xây dựng công trình: ngày ... tháng ... năm…

Lý do gia hạn: …(5)…

...(2)... cam kết thực hiện theo đúng Giấy phép được cấp, quyết định gia hạn Giấy phép thi công xây dựng công trình và quy định của pháp luật có liên quan.

Địa chỉ liên hệ: ………………

Số điện thoại: ……………………


Nơi nhận:
- …
- …
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Đơn đề nghị gia hạn

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị hoặc tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng (nếu có).

(2) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng.

(3) Ghi tóm tắt tên công trình hoặc hạng mục công trình đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng; ví dụ “Công trình đường ống cấp nước sạch chui qua đường sắt tại vị trí Km5+555, tuyến đường sát Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh”.

(4) Tên cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép xây dựng công trình.

(5) Nêu lý do gia hạn giấy phép xây dựng.

PHỤ LỤC XVI

MẪU QUYẾT ĐỊNH GIA HẠN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

…(1)…
…(2)…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……../……….

……….……, ngày tháng... năm 20...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc gia hạn giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt

...(3)...

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Thông tư số: /2023/TT-BGTVT ngày tháng năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

Căn cứ Giấy phép thi công xây dựng số.... ngày … tháng … năm;

Xét Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng số ....ngày ...tháng ....năm...; ....của ...(4)....

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Gia hạn Giấy phép xây dựng …(3) ... của ...(2) ... cấp cho ....(4)… với nội dung sau:

Thời điểm kết thúc thi công xây dựng công trình: ngày ... tháng ... năm…

Lý do gia hạn: …(5)…

Điều 2. Các nội dung khác, những yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp gia hạn giấy phép xây dựng

Điều 3. Hiệu lực của quyết định

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày …tháng … năm …


Nơi nhận:
- Như Điều....;
- .............;
- Lưu: …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

Hướng dẫn ghi trong Quyết định gia hạn Giấy phép

(1) Tên cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép xây dựng (nếu có).

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép xây dựng.

(3) Ghi tóm tắt tên công trình hoặc hạng mục công trình, lý trình, tuyến đường sắt; ví dụ “Công trình đường ống cấp nước sạch chui qua đường sắt tại vị trí km 5+555, tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh”.

(4) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng.

(5) Ghi lý do gia hạn giấy phép xây dựng.

THE MINISTRY OF TRANSPORT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 29/2023/TT-BGTVT

Hanoi, September 29, 2023

 

CIRCULAR

ON RAILROAD CROSSINGS AND CONSTRUCTION LICENSE FOR ESSENTIAL STRUCTURES ON RAILROAD GROUND

Pursuant to the Law on Railroad dated June 16, 2017;

Pursuant to Decree No. 56/2022/ND-CP dated August 24, 2022 of the Government on functions, tasks, powers, and organizational structures of Ministry of Transport;

At request of Director of Transport Infrastructure Department and Director of Vietnam Railway Administration;

The Minister of Transport promulgates Circular on railroad crossings and construction license for essential structures on railroad ground.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Circular prescribes railroad crossings (not including : railroad and road on road-rail bridges; crossings between railroad and special-use road serving professional operations of stations, terminals, cargo yards, factories, industrial parks); traffic at railroad crossings; issuance, renewal of license to build, renovate, upgrade, remove railroad crossings on national railroad, specialized railroad; issuance and renewal of construction license for essential structures on railroad ground.

Article 2. Regulated entities

This Circular applies to organizations and individuals related to:

1. Construction, renovation, upgrade, destruction, management, use, and maintenance of railroad crossings.

2. Traffic activities at railroad crossings.

3. Construction of essential structures on railroad ground.

Article 3. Definitions

1. Public railroad crossing means a road segment within national highway, provincial road, district road, commune road, or urban road that crosses national railroad, specialized railroad on the same level and is permitted by competent authority for construction and use.

2. Specialized railroad crossing means a special-use road segment that crosses national railroad, specialized railroad on the same level and is permitted by competent authority for construction and use.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Unattended railroad crossing means a railroad crossing protected by automatic warning system or warning signs.

5. Railroad crossing with automatic warning means a railroad crossing protected by automatic warning systems with or without automatic barriers.

6. Railroad crossing with signs means a railroad crossing protected by warning signs.

7. Long-term railroad crossing means a railroad crossing with unlimited service life from the date on which competent authority grants permission.

8. Limited-term railroad crossing means a railroad crossing that is used only in a limited time permitted by the competent authority.

9. Railroad crossing barrier means crossing gate, crossing barrier that is built, installed within the vicinity of railroad crossing for the purpose of preventing humans, vehicles, and other objects from crossing railroad in a definite period of time.

10. Road authority means an agency exercising state management function affiliated with the Ministry of Transport; authority affiliated with People’s Committees of provinces, central-affiliated cities, People’s Committees of districts, communes, town-level cities; People’s Committees of communes, wards.

11. Railroad crossing safety devices mean system that serves to ensure traffic safety, prevent accidents at railroad crossing, including: railroad crossing barrier; stationery posts and fences; road markings, speed bumps, speed humps; railway and road traffic signs; railroad crossing supervisory system; electric signal lights and bells; railroad crossing warning signals, train stop signals and other relevant equipment.

12. Speed hump means a type of road marking whose thickness does not exceed 6 mm which serves to inform vehicle operators (by causing mild discomfort on the vehicles) about dangerous positions in order to reduce speed and pay attention.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

REGULATIONS ON RAILROAD CROSSING

Article 4. Radius and area of railroad crossing

1. Radius of railroad crossings shall be determined as follows:

a) Road segments, ground serving road traffic within railroad traffic safety corridor and separation distance of railroad structures.

b) Railroad segments and railroad ground within road safety corridor.

2. Railroad crossing area consists of:

a) Radius of railroad crossing;

b) Traffic safety corridor at railroad crossing according to regulations on management and protection of railroad traffic infrastructures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Classification of railroad crossings

a) by useful life: long-term railroad crossings; limited-term railroad crossings;

b) by guard arrangement: attended railroad crossings; unattended railroad crossings;

c) by service: public railroad crossings, specialized railroad crossings.

2. Railroad crossings shall be classified into class I, class II, and class III in accordance with Appendix I hereof.

Article 6. Location and angle of railroad crossings

1. For built railroad crossings:

a) Railroad crossings shall be located on railroad segment with a straight profile. In case of extreme difficulty where railroad crossing is located on a curved railroad segment, railroad crossings shall only be located on segment with a minimum radius of 300 m and shall not be located on easement curve segment.

b) Railroad crossings shall be at least 100 m away from openings of railway tunnels, bridge abutment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Railroad crossings shall be located outside of signaling posts for station entry; at least 3,5 m away from signaling posts for station entry;

dd) The angle created by railway and road shall be perpendicular (90o); in case of geographical restraint, this angle shall not be less than 45o while still maintaining visibility according to regulations on management and protection of railway infrastructures;

e) If built railroad crossing does not meet at least one criterion under Points a through dd of this Clause, project developers of railroad crossing construction project shall, upon applying for approval of railroad crossing construction guidelines, clarify requirements regarding premise, financial resources, ensure compliance with planning approved by competent authority, and satisfy socio-economic development of local government.

2. For existing railroad crossings that have not met Point a, Point b, Point c, Point d, Point dd Clause 1 of this Article;

a) During operation and use, railway infrastructure enterprises (for public railroad crossings on national railway), owners of specialized railway (for public railroad crossings on specialized railway), managers and users of railroad crossings (for specialized railroad crossings), agencies according to decentralization and authorization of People's Committees of provinces, and Vietnam Railway Administration shall implement traffic safety measures at dangerous locations according to Article 9 of Decree No. 65/2018/ND-CP dated May 12, 2018 of the Government.

b) During renovation and upgrade of railroad crossings, project developers shall prepare adequate railroad crossing safety devices and gradually improve at least one technical parameter of road in railroad crossings regarding profile, angle, and longitudinal section.

Article 7. Railway in radius of railroad crossings

1. Technical requirements:

Check rail or auxiliary structures shall be required at railroad crossings so that the distance between inside of primary rail and the check rail or the auxiliary structures (hereinafter referred to as clearance) satisfies requirements below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Clearance width:

With respect to railroad cross located on straight rail or curved rail whose radius is at least 500 m: clearance width shall be 75 mm;

With respect to railroad crossings located on curved rail whose radius is less than 500 m: clearance width shall equal 75 mm + 1/2 of widening of the curved section according to National Technical Regulation on railway operation;

c) Minimum clearance depth is 45 mm;

d) If road section inside of the railway is made of asphalt concrete, check rail shall be required; check rail elevation shall equal to that of primary rail;

dd) If road section inside of the railway is made of slabs, edges of slabs that are adjacent to primary rail shall be specifically designed to form clearance;

e) If check rail is installed in accordance with Point a of this Clause, both ends of the rail shall curve inwards; the length of curved ends of check rail shall be 500 mm, rail clearance at the starting position of the curved section shall conform to Point b of this Clause, rail clearance at the end position of the curved section shall be 250 mm. The starting position and end position of check rail shall be closely connected to sleepers;

g) Rail connection shall not be located in the radius of railroad crossings. In case road at railroad crossing is wide, rail connection shall be welded or stretched and clipped if it cannot be welded yet;

h) Rail fastening accessories shall be adequate and firmly connected.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Sleepers located in railroad crossings shall be reinforced concrete sleepers; the use of metal or wooden sleepers in existing railroad crossings shall be limited; the use of metal and wooden sleepers in new built railroad crossings shall be prohibited;

b) Ballast in railroad crossings shall be clean, of sufficient thickness, and up to standards as per the law;

c) Materials used in installation of railroad crossings shall satisfy standards on materials used in railroad structures.

Article 8. Requirements of road segment of new built railroad crossings

With respect to new built railroad crossings, road segment at railroad crossings shall satisfy technical standards corresponding to road level and regulations below:

1. Plane: road segment from the outer rail shall remain straight over a distance equal to at least vehicle braking distance according to standards on automobile roads - design requirements or at least 15 m in case of geographical constraints. With respect to railroad crossings fitted with median strip, the minimum distance from the edge of the outer rail to the end of the medium strip shall be 6 m.

2. Longitudinal section:

a) Road segment from the inside of railway and outer edge of the rail shall have 0% slope for at least 16 m or 10 m in length in case of difficulties;

b) The subsequent road segment shall have at most 3% slope for at least 20 m in length or at most 6% in case of railroad crossings in mountainous regions or harsh terrains;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Width of roadway in the radius of railroad crossings shall not be lower than width of roadway outside of the radius of railroad crossings and shall not be lower than 6 m. If roadway extension is required in order to fulfill the minimum width of 6 m, width of subsequent segment shall be tapered to the width of roadway outside of the radius of railroad crossings at a ratio of 10:1. Minimum width of road shoulders shall be sufficient for the placement of road traffic signs.

4. Adequate water drainage system of the area shall be required in the radius of railroad crossings.

5. Speed bumps and speed humps shall be installed in roadway in the radius of unattended railroad crossings to enforce traffic safety. The placement of speed bumps and speed humps shall conform to railroad crossing safety arrangement under Appendix II hereof. In this case, road segment in the railway and from the edge of the outer rail shall have 0% slope for at least 25 m in length.

6. If a separate road section is built for pedestrian across railroad crossings, pedestrian road markings shall be required from the edge of the outermost rail to vehicle stop marking according to National Technical Regulations on road signals.

Article 9. Requirements of road segment in railroad crossings in special circumstances

1. If an adjacent road branches into a railway where the closest distance from the outermost rail to the road is less than 15 m:

a) Prioritize expanding road surface adjacent to railway to facilitate waiting lane in order to enable road vehicles to observe before turning into and after turning out of railroad crossings;

b) Minimum width of waiting lane shall equal the width of a lane depending on road level. Expanded road surface shall be situated outside of barriers between railway and road and ensure safety for railway vehicles and road segment of railroad crossings. The placement of waiting lane shall conform to Appendix III hereof;

c) Surface of road in the radius of railroad crossings shall be raised or lower in order to ensure that road segment from the outermost rail have 0% slope in at least 5 m in length; subsequent road segment have up to 6% slope and satisfy technical requirements and standards corresponding to road level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Road segment at railroad crossings shall have high sloping gradient within the minimum radius of dimensional limits according to National Technical Regulations on railway operation;

b) The subsequent road segment shall have 0% slope for at least 16 m in length or at least 10 m in length in case of difficulties. The subsequent road segment shall have at most 3% slope for at least 20 m in length or at most 6% slope in case of railroad crossings in mountainous regions or harsh terrains.

3. If an existing railroad crossings consists of one road crossing multiple railways: slope of road inside the railway and road within a 1 m radius from the outermost rail shall conform to the topmost point of each rail; subsequent road segment shall have slope conforming to difference in elevation of the topmost points of the railways.

Article 10. Road surface structure at railroad crossings

1. Road surface in railway and from the outermost point of primary rail to the edge of radius of the railroad crossing that is made from slabs or other structures shall ensure ease of travel and be capable of supporting load corresponding to road level.

2. If slabs are employed, slabs shall be placed from the outermost point of primary rail to at least all the sleepers.

3. Road surface shall satisfy technical standards corresponding to road surface structures. If reinforced concrete slabs are employed, the slabs shall be firmly secured.

Article 11. Safety arrangement of railroad crossings

1. In case of class I and class II railroad crossings, attended personnel shall be required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Automatic warning system shall be required if visibility is guaranteed at the site of railroad crossings;

b) Attended personnel shall be required if visibility is not guaranteed at the site of railroad crossings;

c) With respect to railroad crossings where automatic warning system is installed and railroad crossing where traffic signs are installed where visibility is not guaranteed at the site of railroad crossings:

Railway infrastructure enterprises shall take charge and cooperate with People’s Committees of districts, road authority in inspecting and requesting the Vietnam Railway Administration in arranging warning schemes at dangerous railroad crossings on national railway in a manner conforming to principles of ensuring safe train operation and traffic safety at railroad crossings and submitting reports on implementation to the Ministry of Transport;

Enterprises providing specialized railway shall take charge and cooperate with People’s Committees of districts and road authority in inspecting and requesting owners of specialized railway or owners or specialized road to organize warning schemes at dangerous railroad crossings on specialized railway. If owners of specialized roads are incapable of arranging warning schemes, the owners shall reach a written agreement with specialized railway infrastructure enterprises regarding traffic safety measures at the site of railroad crossings.

3. Maps of attended and unattended railroad crossings are detailed under Appendix II hereof.

Article 12. Railroad crossing guard posts

Railroad crossing guard posts shall only be used to facilitate railroad crossing attendants performing guard duty at railroad crossings and satisfy requirements below:

1. Guard posts shall be located in areas where occupying attendants can easily observe both sides of road and railway.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Railroad crossing guard posts shall include lavatories, be provided with power, clean water, electric fan or air conditioners. New built railroad crossing guard posts shall have minimum working area of 12 m2 and have sufficient area depending on number of employees in a shift.

Article 13. Lighting at railroad crossings

Attended railroad crossings located in area powered by the national electric grid shall be fitted with lights which will be turned on at night and during daytime if there is fog. Lights shall be sufficient to allow railway vehicle operators and road vehicle operators to see signals of railroad crossing attendants. Average illuminance shall be 25 - 30 lx, light uniformity Emin/Etb shall not be lower than 0,5.

Article 14. Safety devices of railroad crossings

1. Safety devices of railroad crossings, upon being built or fitted to railroad crossings, shall:

a) comply with technical regulations and standards applicable to each type of device;

b) be adequately arranged depending on the type of railroad crossings, be inspected and maintained at stable, safe operating conditions on a regular basis, be able to prevent accidents through operation of railroad crossings.

2. All organizations and individuals shall protect, not intentionally move, expropriate, damage, or otherwise reduce effectiveness and operation of safety devices of railroad crossings.

Article 15. Placement of safety devices of railroad crossings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Manually-operated crossings barrier, crossing gates or electric-powered crossing barriers, crossing gates which are manually controlled or automatic crossing barriers;

b) Stationary fences;

c) Road markings;

d) Railway and road signs;

dd) Lights, sirens, or loudspeakers;

e) Railroad crossing signals, other than railroad crossings located within range of signals for station entry, station exit, or signals of shunting yards, block signals for railway with automatic rail closing device, or other safety signals when signals above are less than 800 away from railroad crossings;

g) Railroad crossing supervision system and other equipment relating to traffic safety assurance at railroad crossings.

2. In case of unattended railroad crossings:

a) Railroad crossings with automatic warning:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Stationary fences;

Road markings, speed humps, speed bumps; train warning signs;

Railway and road signs;

Lights, sirens, or loudspeakers;

Railroad crossing supervision system and other equipment relating to traffic safety assurance at railroad crossings.

b) Existing railroad crossings with signs:

Posts;

Road markings, speed humps, speed bumps; train warning signs, STOP (R122) signs in combination with auxiliary signs that say “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang” (Observe before crossing);

Railway and road signs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 16. Posts and stationary fences

1. Posts shall be installed on both sides of road in the radius of railroad crossings as follows:

a) Posts shall be installed up to the position where railroad crossing barriers are installed in case of attended railroad crossings;

b) Posts shall be 2,5 m away from the outermost rail in case of unattended railroad crossings;

b) Posts shall be 1,5 m away from each other; each row shall consist of at least 6 posts; fences shall be allowed as an alternatives for posts in dangerous roads.

2. With respect to attended railroad crossings, stationary fences shall be installed on both sides of the road anywhere between railroad crossing barriers and at least 2,5 m away from railway in order to prevent people and road vehicles from entering railroad crossings once railroad crossing barriers have been deployed.

3. Arrangement and dimensions of posts, stationary fences shall conform to National Technical Regulations on road signs.

4. If there are roads adjacent to railroad crossings and railways requiring fences between road and railway in the radius of railroad crossings, height of the fences shall ensure visibility of road vehicle operators while moving through railroad crossings.

Article 17. Road markings, speed humps, speed bumps on road in the radius of railroad crossings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Vehicle stop markings;

b) Slow down markings;

c) Lane markings;

d) Railroad crossing markings;

e) Markings that read “STOP” for railroad crossings with signs;

g) Other road markings appropriate to characteristics of railroad crossings in order to improve traffic safety at railroad crossings.

2. In case of railroad crossings where adjacent road surface is limited for the purpose of road markings under Clause 1 of this Article, road authority shall take charge and cooperate with railway infrastructure enterprises in examining road in the radius of railroad crossings in order to place road markings compliant with National Technical Regulation on road markings, appropriate to practical conditions and traffic safety.

3. Location of vehicle stop markings:

a) Vehicle stop markings shall be at least 5 m away from the nearest rail;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If the road is perpendicular to the railway, depending on surface conditions and road traffic frequency, vehicle stop marking can be placed parallel to the railway.

4. The construction and placement of speed bumps and speed humps shall conform to applicable regulations.

5. Arrangement and placement of road markings shall conform to National Technical Regulations on road signals.

Article 18. Road and railroad signs

1. In case of attended railroad crossings:

a) Stop sign:

Stop signs shall not be placed on railroad at railroad crossings if the railroad crossings have been fitted with train stop signals or if the railroad crossings are within range of station entry, exit signals, or signals of shunting yards, block signals for railway with automatic rail closing devices, or other safety signals if the signals above are less than 800 m away from railroad crossings;

For other cases, place stop signs on railway on the side of railroad crossing guard posts, at least 3 m away from the edge of the road to prevent trains from entering railroad crossings if railroad crossing barriers have not been fully deployed;

b) Depending on the angle created by railway and road, place either sign that reads “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” (Perpendicular road-railroad crossing) or sign that reads “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” (Non-perpendicular road-railroad crossing) on the road within the radius of railroad crossings leading up to the railroad crossings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case of unattended railroad crossings, in addition t o signs under Point b Clause 1 of this Article, the following signs shall be required:

a) Sign that reads “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” (Crossing railroad with fences) for railroad crossings with automatic crossing barriers or sign that reads “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” (Crossing without fences) for railroad crossings without automatic crossing barriers on road outside of the radius of railroad crossings leading to railroad crossings;

b) Sign that reads “Dừng lại” (stop) on road in the radius of railroad crossings leading up to the railroad crossings in case of railroad crossings with signs.

3. Sign that reads “Kéo còi” (Whistle) shall be placed on both sides of railway leading up to the railroad crossings.

4. Dimension, format, and placement of road and railway signs shall conform to National Technical Regulations on road signs and National Technical Regulations on railway signs.

Article 19. Electric signal lights, bells, loudspeakers

1. Signal lights, bells, or loudspeakers (except for cases where a road intersecting a road adjacent to railway) shall be placed before railroad crossing barriers (or integrated with crossing posts) or at least 6 m away from the outermost rail. In all cases, signal lights shall be located in unobstructed areas. b

2. Requirements of signals:

a) Signal lights shall consist of two red lights next to each other which take turn blinking when turned on. If a train is approaching, signal lights shall be turned on, people and vehicles shall be prohibited from crossing. When the train has passed the railroad crossing and crossing barriers have been fully lifted and signal lights have been turned off, traffic at the railroad crossing shall return to normal. Signal lights shall be additionally installed on gantries for four-lane roads or wider or in areas with obstructed visibility;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Lighting intensity and angle: light and lighting angle of signal lights shall be sufficient to allow road vehicle operators to see the signal from at least 100 m; red light emitted by signal lights shall not be directed towards the railway.

3. Requirements of electric bells or loudspeakers:

a) Bells or loudspeakers shall sound when trains approach railroad crossings for at least 60 seconds in case of automatic signals (for railroad crossings fitted with automatic signals); 90 seconds in case of automatic crossings and non-automatic crossing barriers; and 120 seconds in case of non-automatic signals;

b) With respect to attended railroad crossings, bells or loudspeakers shall be turned off when crossing barriers are fully deployed;

c) When bells and loudspeakers sound, volume measured at 15 m away, 1,2 m high from the ground shall range from 90 dB to 115 dB enable vehicle operators to listen clearly.

4. Layout maps of signal lights and electric bells or loudspeakers shall conform to Appendix IV hereof.

Article 20. Train stop signaling posts

1. Location of train stop signaling posts on railway:

a) Train stop signaling posts shall be from 100 m to 500 m away from railroad crossings (from road shoulder on the same side). If there are multiple attended railroad crossings nearby and distance between two railroad crossings is less than 500 m; train stop signaling posts shall be located on both ends of an area where the railroad crossings are located;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Minimum visibility of train stop signals shall be 800 m. In case of geographical constraints, minimum visibility of railroad crossing signals posts shall be 400 m.

3. Operation of railroad crossing signals:

a) Train stop signals shall be red in color and, when turned on, shall require trains to stop;

b) If train stop signals is not turned on, trains operate normally. In case of obstacles on railroad crossings that affect traffic safety, railroad crossing attendants shall switch train stop signals to red;

c) Attended railroad crossings fitted with automatic rail closing devices shall be required to include equipment that allows railroad crossing attendants to promptly change the nearest train stop signals to red in case of obstruction to traffic safety at railroad crossings.

Article 21. Equipment of railroad crossing guard posts

1. Railroad crossing guard posts shall be required to include equipment below:

a) Telephone for contact with standby station personnel;

b) Equipment for controlling road signals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Equipment for automatically informing railroad crossing attendants of approaching trains;

dd) Equipment for controlling crossing barriers for cases under Clause 3 Article 23 hereof;

e) Equipment capable of recording and storing communication between station dispatchers and railroad crossing attendants;

g) Clocks.

2. Equipment under Clause 1 of this Article shall be ready for normal operation.

3. In regard to railroad crossings of specialized railway and railroad crossings whose useful life is less than 12 months, the placement of equipment at railroad crossing guard posts shall be decided by competent authority granting construction permission as well as railroad crossing attendants are adequately informed of incoming trains in order to close crossing barriers and prevent traffic accidents.

Article 22. Electric-powered signaling devices and safety devices

1. In case of attended railroad crossings:

a) Electric-powered signaling devices and safety devices shall be jointly controlled at railroad crossing guard posts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case of railroad crossings with automatic warning:

a) Road-side automatic signals shall provide clear and timely signals regarding the status of crossing barriers in all weather conditions;

b) If the devices are defective or otherwise unable to flash in sequence, railway infrastructure enterprises or managers, users of railroad crossings shall promptly repair and restore as soon as possible. At the same time, safety of railroad crossings shall be achieved by warning signals (flashing yellow lights) on road side and railroad crossing watchers;

c) Operation of devices at railroad crossings with automatic warning schemes shall be monitored and supervised on a regular, continuous basis via supervision system installed at railroad crossings with automatic warning schemes.

Article 23. Attended crossing barriers

1. Roads on both sides of railway in the radius of railroad crossings shall be fitted with crossing barriers to prevent road vehicles and road users from entering the railway when trains are approaching. Crossing barriers shall be at least 4 m away from the outermost rail. In case of geographical constraints, crossing barriers shall be placed in a manner not violating dimensional limits of railroad structures according to National Technical Regulation on railroad operation.

2. Crossing barriers on each side of railway shall be moved into railroad crossings from right to left when looking from outside of the crossings. If there are multiple crossing barriers to be closed, the rightmost barriers when looking from outside of the crossings shall be moved in first and followed by other barriers. Crossing barriers shall block an entire road width on each side once they have been fully deployed.

3. Crossing barriers can be fitted with electric motor to assist crossing barrier attendants in closing, opening barriers; manually-operated electric-powered boom barriers or automatic boom barriers are also allowed.

4. Crossing barrier deployment time:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Crossing barriers shall not be closed more than 3 minutes in case of class I, class II railroad crossings and not more than 5 minutes in case of class III railroad crossings before trains approach railroad crossings; except railroad crossings whose crossing barriers are in normally closed state.

Article 24. Crossing barrier with automatic warning

1. In case of roads on both sides of railway in the radius of railroad crossing with automatic warning that are fitted with automatic crossing barriers, the automatic crossing barriers shall be at least 4 m away from the outermost rail. In case of geographical constraints, crossing barriers shall be placed in a manner not violating dimensional limits of railroad structures according to National Technical Regulation on railroad operation.

2. Barriers shall cover at most 1/2 or 2/3 of the road width as long as the remaining unobstructed road section is at least 3 m in width and on the left of lane leading up to railroad crossings.

3. Automatic barrier mechanisms and devices shall operate in the order below:

a) When a train approaches railroad crossings, red light signal on road and red light on boom barrier shall be automatically turned on, bells or loudspeaker shall automatically be activated; after 7 to 8 seconds, boom barrier starts to be lowered;

b) When the train clears of railroad crossings, boom barrier shall automatically lift, lights on boom barrier and road signal shall be automatically turned off when boom barrier is fully open.

4. Deployment time: roads on both side of railway leading up to railroad crossings shall be entirely closed at least 40 seconds before trains reach the railroad crossings.

Article 25. Requirements of sign placement when roads are adjacent to and branching into railway

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Depending on angle created by the branching segment and railroad crossings, place either a sign that reads “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” (Perpendicular road-railroad crossing) or a sign that reads “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” (Non-perpendicular road-railroad crossing) on the side two junctions adjacent to the junction branching to railroad crossings;

b) Depending on safety measures of railroad crossings, either a sign that reads “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” (Crossing railroad with fences) or a sign that reads “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” (Crossing without fences) on the right side of roads adjacent to railway. Signs shall be 40 m to 240 m away from the branching points.

2. If length of branching segment leading up to railway is 10 m to 75 m:

a) Depending on angle created by the branching segment and railroad crossings, place either a sign that reads “Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ” (Perpendicular road-railroad crossing) or a sign that reads “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” (Non-perpendicular road-railroad crossing) on the right side of branching section and 10 m away from the outermost rail;

b) Depending on safety measures of railroad crossings, place either a sign that reads “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” (Crossing railroad with fences) or a sign that reads “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” (Crossing without fences) on right side of roads adjacent to railway and 10 m to 200 m away from branching points.

3. If length of branching segment leading up to railway is longer than 75 m, place signs in accordance with Article 18 hereof.

4. Surface of signs mentioned under Clause 1 and Point b Clause 2 of this Article shall be perpendicular to the direction of traffic on road adjacent to railway and unobstructed.

5. Location of signs mentioned under Clause 1 and Clause 2 of this Article shall conform to Section C of Appendix II hereof.

Article 26. Road signal lights when road junctions are branching into railroad crossings and less than 75 m away from railroad crossings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Install signal lights to coordinate traffic entering railroad crossings.

2. When road signal light in railroad crossings is turned on, signal light on road adjacent to railway and branching into railroad crossings shall display in a manner corresponding road signal lights at railroad crossings; in this case, construction of waiting lane is recommended on road adjacent to railway.

3. In order to display in accordance with Clause 1 and Clause 2 of this Article, establish connection between road traffic light and road traffic light at railroad crossings.

Article 27. Sign placement on railroad crossings when road intersecting with both railway and road adjacent to railway

If a road intersecting with both railway and road adjacent to the railway, sign placement on the road shall conform to regulations below:

1. If a road enters railroad crossings without first intersecting with another road, conform to Article 18 hereof.

2. If a roads first intersects with another road then enters railroad crossings, conform to Article 25 hereof.

Article 28. Instruments, equipment, and attendants of railroad crossings

1. Railroad crossings shall be adequately equipped with instruments and equipment as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Assignment of personnel at railroad crossings shall conform to labor laws, adhere to management activities, ensure prompt and accurate closing and opening of crossing barrier, and ensure traffic safety at railroad crossings.

Article 29. Railroad crossing dossiers

Railroad crossing dossiers consist of:

1. Dossiers of each railroad crossing:

a) As-built dossiers of railroad crossing and other structures whose construction has been permitted in the radius of railroad crossing according to construction laws. In case of inadequate as-built dossiers, entities under Article 58, Article 59, and Article 60 hereof shall be responsible for producing dossiers on current railroad crossing conditions;

b) Construction license of railroad crossings, decisions bringing railroad crossings into use;

c) Schedule on technical status and background information of railroad crossings;

d) Documents on traffic safety corridors at railroad crossings according to regulations on management and protection of railroad infrastructures, including structures and obstacles obstructing vision;

dd) Railroad crossing logs for monitoring operation of: Railroad crossings, railroad crossing equipment, and signaling system;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Schedules on statistics of railroad crossings of each railway line in commune, district, province are specified under Appendix V hereof and posted on website of Vietnam Railway Administration, enterprises providing railroad infrastructures, owners of railroad crossings.

Article 30. Railroad crossing management

1. Produce, update, store railroad crossing dossiers in accordance with Article 29 hereof; update railroad crossing dossiers on database of information system.

2. Examine and maintain operation of railroad crossings in order to maintain traffic safety according to documents approved by competent authority.

3. Organize and implement railroad crossing safety measures in accordance with this Circular.

4. Manage and protect railroad crossing property, traffic safety corridor at railroad crossings as per the law.

5. In regard to railroad crossings whose construction license or decision bringing railroad crossings into use is missing:

a) In case of railroad crossings on national railway: Owners of specialized railroad crossings shall produce documents on current conditions of railroad crossings and send to Vietnam Railway Administration for eligibility for further operation of railroad crossings;

b) In case of public railroad crossings on specialized railway related to national highway: Organizations managing, using, operating railroad crossings shall produce documents on current conditions of railroad crossings and send to Directorate for Road of Vietnam for eligibility for further operation of railroad crossings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Road traffic in the radius of railroad crossings

Road users shall, upon crossing railroad crossings, comply with road and railway traffic laws and:

1. Yield to railway vehicles.

2. Comply with signals of railroad crossing attendants and signs in the radius of railroad crossings.

3. Stop to the right of direction of traffic in front of stop marking (including priority vehicles) when stop signal is sent (in form of flashing red lights), red flags, red signs, horns, bells, or loudspeakers are ringing, crossing barriers are being moved or are already closed, railroad crossing attendants give stop orders.

4. Unauthorized individuals are not allowed to open crossing barriers that have been closed.

5. In regard to railroad crossings with signs, road users shall stop in front of stop lines, listen to train horns, pay attention to any incoming train from both sides and only proceed if they are certain that there are no incoming trains and be liable if they cause accidents.

Article 32. Stopping, parking in the radius of railroad crossings

1. Do not turn around, stop, or park between two “Dừng lại” (Stop) lines at railroad crossings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the nearest point of vehicles or cargos is less than 1,75 m away from the outermost point of the rail, vehicle operators shall take measures to inform the train to stop before hitting the obstacles and immediately bring vehicles and cargos outside of 1,75 m radius from the outermost point of the rail. Measures for stopping trains before hitting the obstacles are specified under Appendix VI hereof.

Article 33. Operation of overloaded vehicles, oversized vehicles, and tracked vehicles in railroad crossings

1. Vehicle operators shall comply with road and railway traffic laws and eligibility for vehicle operation within vehicle operation permit issued by competent authority.

2. Prior to moving past railroad crossings, vehicle operators shall take measures to ensure safety of railroad crossings, railway traffic safety and inform railroad crossing attendants for guidance and assistance.

Article 34. People herding livestock in railroad crossings

1. Prior to herding livestock across attended railroad crossings, herders shall contact railroad crossings attendants to learn train schedule and receive instructions.

2. Prior to heading livestock across unattended railroad crossings, herders shall observe for railway vehicles approaching railroad crossings and only herd livestock across railroad crossings if safety is met.

3. Herders shall herd their livestock on the right side of the road. Herders shall be entirely liable if accident occurs as a result of failure to comply with traffic rules at railroad crossings according to this Circular.

Article 35 People operating trains in railroad crossings

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 36. Stopping, parking trains within the radius of railroad crossings

1. If trains must be stopped and/or parked on railroad crossings, shunted, assembled, disassembled, train conductors or operators (if trains are running on railway), station masters or station dispatchers (if trains are in stations) shall take all measures to resolve traffic congestion.

2. If trains must be parked on railroad crossings, parking duration shall not exceed 3 minutes in case of class I and class II railroad crossings and 5 minutes in case of class III railroad crossings except for railroad crossings according to regulations on resolving railway incidents, accidents and analysis, statistic reports on railway incidents and accidents.

Article 37. Conditions for construction, renovation, and upgrade of railroad crossings

1. Organizations requesting construction, renovation, and upgrade of railroad crossings shall guarantee funding sources for renovation and upgrade of railroad crossings as per the law.

2. Competent authority entitled to deciding on railroad crossing construction projects shall identify funding sources for management, maintenance, and safety measures of railroad crossings.

3. With respect to limited-use railroad crossings, in addition to conditions under Clause 1 and Clause 2 of this Article, construction, renovation, and upgrade of railroad crossings shall also require that:

a) Use purpose of railroad crossings conforms to temporary traffic arrangement approved by competent authority;

b) Use period of railroad crossings does not exceed 24 months;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. With respect to public railroad crossings on national railroad crossings with long-term useful life invested using state funding, when construction of railroad crossings is finished, project developers shall transfer railroad crossings to the Ministry of Transport for management, maintenance, and operation as per the law. With respect to railroad crossings built using other funding sources, organizations requesting construction of railroad crossings shall guarantee funding for management, maintenance, and safety measures of railroad crossings.

Article 38. Conditions for railroad crossing removal

1. Railroad crossings shall be removed if any of the two conditions below is met:

a) Useful life of railroad under license issued by competent authority expires;

b) Railroad crossing is no longer used.

2. When removing public railroad crossings with long-term useful life, organizations requesting removal of railroad crossings shall produce alternative traffic arrangement.

3. Funding sources for railroad crossing removal:

a) Organizations requesting removal of railroad crossings shall guarantee funding sources for removal and return railway segment in the radius of railroad crossings to original conditions as per the law;

b) Competent authority deciding on removal of railroad crossings shall identify funding sources for removal of railroad crossings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REGULATIONS ON CONSTRUCTION LICENSE ISSUANCE, RENEWAL, AND REVOCATION, RAILROAD CROSSING REMOVAL

Article 39. Structures eligible for license

1. Structures under Point b Clause 2 Article 12 of the Law on Railway and regulations on management, protection of railway infrastructures, including:

a) Structures serving national defense and security;

b) Traffic structures: bridges, overpasses, tunnels;

c) Irrigation structures: sewers, embankments; water transport and distribution system;

d) Energy structures: electric poles, power lines;

dd) Technical infrastructures: water supply and drainage pipes, telecommunication pipes, gasoline pipes, oil pipes, gas pipes, energy pipes, chemical pipes.

2. Structures serving railroad crossings, renovation, and upgrade of railroad crossings according to Article 37 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. New construction license shall not be issued for railroad crossings with signs on national railway.

Article 40. Rules for issuing, renewing construction license

1. Construction license shall only be issued to structures under Article 39 hereof.

2. Structures to which construction license is issued shall:

a) conform to planning approved by competent authority or conform to agreement of People’s Committees of districts or higher regarding structure location;

b) ensure structure scale and design dossiers approved by competent authority;

c) adhere to technical regulations and standards applied;

d) ensure structure safety, railway traffic safety, environmental protection, and fire safety.

3. Construction duration of structures to which construction license is issued shall adhere to overall schedule of projects approved by competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Structures to which construction license is issued shall promptly be relocated at request of competent authority.

6. Construction license shall only be renewed if it has not expired.

7. Structures exempt from construction license requirement:

a) Structures serving renovation, upgrade, and repair of railroad crossings, railway structures on national railway where execution plan is approved by competent authority;

b) Structures serving repair of railroad crossings where design plan does not alter railroad crossing class, safety devices of railroad crossings, and width of road surface in railroad crossings.

Article 41. Entitlement to issuing, renewing, revoking, cancelling license to build, renovate, upgrade railroad crossings; deciding removal of railroad crossings

1. The Vietnam Railway Administration shall:

a) issue, renew, revoke, cancel license to build, renovate, upgrade railroad crossings on national railway;

b) decide on removal of railroad crossings on national railway.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) issue, renew, revoke, cancel license to build, renovate, upgrade railroad crossings on specialized railway related to national highway;

d) decide on removal of railroad crossings on specialized railway related to national highway.

3. Agencies decentralized, authorized by People’s Committees of provinces shall:

a) issue, renew, revoke, cancel license to build, renovate, upgrade railroad crossings on specialized railway related to provincial roads, district roads, commune roads, local roads, and specialized road under their management;

b) decide on removal of railroad crossings on specialized railway related to provincial roads, district roads, commune roads, local roads, and specialized roads under their management.

Article 42. Request for license to build, renovate, upgrade railroad crossings

Request for license to build, renovate, upgrade railroad crossings consists of:

1. Written request under Appendix VII hereof.

2. Original copies or certified true copies or copies and original copies or legitimate electronic copies (when administrative procedures are adopted electronically) of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Decision approving technical design or construction drawing design of railroad crossings;

c) Approved technical design or construction drawing design of railroad crossings;

d) Railroad crossing construction plan and traffic safety measures during construction approved by competent authority or accepted by project developers.

Article 43. Procedures for issuing license to build, renovate, and upgrade railroad crossings

1. Project developers, managers and users of railroad crossings that wish to build, renovate, or upgrade railroad crossings shall submit registration directly or via post service or electronically to competent authority under Article 41 hereof.

2. In case of direct submission, competent authority under Article 41 hereof shall respond regarding composition of registration documents in the same working day.

3. In case of submission via post service or electronic medium, if registration documents are inadequate, competent authority under Article 41 hereof shall provide guidelines on completion of registration documents within 2 working days.

4. Within 2 working days from the date on which adequate registration documents are received, competent authority shall send the registration documents to relevant entities to consult:

a) Railway infrastructure enterprises and road authority (if needed) for railroad crossings on national railway;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Within 5 working days from the date on which competent authority send request for remarks, requested agencies and organizations shall respond in writing. If requested agencies and organizations fail to respond within the time limit mentioned above, they shall be considered to approve registration documents and shall be held liable for failure to respond in a timely manner.

6. Document processing time limit: 10 working days from the date on which adequate documents are received.

7. License to build, renovate, and upgrade railroad crossings shall conform to form under Appendix VIII hereof. If registration is rejected, a written response stating reason for rejection shall be required.

8. In case of submission on electronic medium, project developers, managers and users of railroad crossings that wish to build, renovate, and upgrade railroad crossings shall produce registration documents containing photocopies of documents under Article 42 hereof and follow instructions on https://dichvucong.mt.gov.vn.

Article 44. Request for removal of railroad crossings

Request for removal of railroad crossings consists of:

1. Written request under Appendix IX hereof.

2. Original copies or certified true copies or copies and original copies or legitimate electronic copies (when administrative procedures are adopted electronically) of:

a) Commissioning record of structures, work items for overpass, tunnels, or other railroad crossings acting as alternatives for railroad crossings requested for removal; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 45. Procedures for removing railroad crossings

1. Project developers, managers and users of railroad crossings that wish to remove railroad crossings shall submit registration directly or via post service or electronically to competent authority under Article 41 hereof.

2. In case of direct submission, competent authority under Article 41 hereof shall respond regarding composition of registration documents in the same working day.

3. In case of submission via post service or electronic medium, if registration documents are inadequate, competent authority under Article 41 hereof shall provide guidelines on completion of registration documents within 2 working days.

4. Within 2 working days from the date on which adequate registration documents are received, competent authority shall send the registration documents to relevant entities to consult:

a) Railway infrastructure enterprises and road authority (if needed) for railroad crossings on national railway;

b) Owners of specialized railway and road authority (if needed) for railroad crossings on specialized railway.

5. Within the first 5 working days from the date on which competent authority sends request for remarks, requested agencies and organizations shall respond in writing If requested agencies and organizations fail to respond within the time limit mentioned above, they shall be considered to approve registration documents and shall be held liable for failure to respond in a timely manner.

6. Document processing time limit: 07 working days from the date on which adequate documents are received.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. In case of submission on electronic medium, project developers, managers and users of railroad crossings that wish to remove railroad crossings shall produce registration documents containing photocopies of documents under Article 44 hereof and follow instructions on https://dichvucong.mt.gov.vn.

Article 46. Request for renewal of license to build, renovate, upgrade railroad crossings

Request for renewal of license to build, renovate, upgrade railroad crossings consists of:

1. Written request using form under Appendix XI hereof.

2. Original copies or certified true copies or copies and original copies or legitimate electronic copies (when administrative procedures are adopted electronically) of:

a) General project schedule approved by competent authority;

b) Documents proving reason for renewal such as:

Record of transfer of railroad crossing construction, renovation, upgrade premise for difficulties regarding construction premise; or

Damage verification records between project developers and construction contractors in case natural disasters, emergencies affect railroad crossing construction, renovation, upgrade schedule; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 47. Procedures for renewing license to build, renovate, and upgrade railroad crossings

1. Project developers, managers and users of railroad crossings that wish to renew license to build, renovate, or upgrade railroad crossings shall submit registration directly or via post service or electronically to competent authority under Article 41 hereof.

2. In case of direct submission, competent authority under Article 41 hereof shall respond regarding composition of registration documents in the same working day.

3. In case of submission via post service or electronic medium, if registration documents are inadequate, competent authority under Article 41 hereof shall provide guidelines on completion of registration documents within 2 working days.

4. Document processing time limit: 03 working days from the date on which adequate documents are received.

5. Decision on renewal of license of build railroad crossings shall use form under Appendix XII hereof. If this decision is not issued, a written response state the reason shall be required.

6. In case of submission on electronic medium, project developers, managers and users of railroad crossings that wish to renew license to build, renovate, and upgrade railroad crossings shall produce registration documents containing photocopies of documents under Article 46 hereof and following instructions on https://dichvucong.mt.gov.vn.

7. Each license shall only be renewed once and for no more than 12 months; renewed license shall not last longer than project execution schedule approved by competent authority.

Article 48. Entitlement to issuing, renewing, revoking, cancelling of construction license for essential structures on land for railway

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Agencies decentralized, authorized by People’s Committees of provinces shall issue, renew, revoke, and cancel license to build essential structures on land for urban railway.

Article 49. Request for license to build essential structures on land for railway

Request for license to build essential structures on land for railway consists of:

1. Request form under Appendix XIII hereof.

2. Original copies or certified true copies or copies and original copies or legitimate electronic copies (when administrative procedures are adopted electronically) of:

a) Decision approving project or document assigning tasks to project developers;

b) Decision approving technical design or technical drawing design; photos of current condition (for renovating, upgrading structures);

c) Approved technical design or construction drawing design;

d) Legislative documents of competent authority deeming that the structures cannot be placed outside of land for railway: Decision approving planning or agreement of People’s Committees of districts or higher relating to construction of structures on land for railway;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Construction plans, traffic safety measures, structure safety measures.

Article 50. Procedures for issuing license to build essential structures on land for railway

1. Project developers that wish to build on land for railway shall produce written request and submit directly or via post service or electronically to competent authority under Article 48 hereof.

2. In case of direct submission, competent authority under Article 48 hereof shall respond regarding composition of registration documents in the same working day.

3. In case of submission via post service or electronic medium, if registration documents are inadequate, competent authority under Article 48 hereof shall provide guidelines on completion of registration documents within 2 working days.

4. Within 2 working days from the date on which adequate registration documents are received, competent authority shall send the registration documents to relevant entities to consult:

a) Railway infrastructure enterprises when building on land for national railway;

b) Enterprises providing urban railway services and specialized authority according to decentralization of People’s Committees of provinces when building on land for urban railway.

5. Within 5 working days from the date on which competent authority send request for remarks, requested agencies and organizations shall respond in writing. If requested agencies and organizations fail to respond within the time limit mentioned above, they shall be considered to approve registration documents and shall be held liable for failure to respond in a timely manner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. License to build shall use form under Appendix XIV hereof. If this decision is not issued, a written response state the reason shall be required.

8. In case of submission on electronic medium, project developers that wish to build essential structures on land for railway shall produce registration documents containing photocopies of documents under Article 49 hereof and follow instructions on https://dichvucong.mt.gov.vn.

9. Owners of specialized railroad shall decide on procedures for issuing license to build on land for specialized railroad.

Article 51. Request for renewal of license to build essential structures on land for railway

Request for renewal of license to build essential structures on land for railway consists of:

1. Written request using form under Appendix XV hereof.

2. Original copies or certified true copies or copies and original copies or legitimate electronic copies (when administrative procedures are adopted electronically) of:

a) General project schedule approved by competent authority;

b) Documents proving reason for renewal such as:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Records of damage between project developers and construction contractors in case natural disasters or emergencies affect construction schedule;

Decision on revision to project investment guidelines or decision on revision to construction investment program, project in case project revision affects construction schedule.

Article 52. Procedures for renewing license to build essential structures in land for railway

1. If construction schedule under license to build expires before the structure is completely built, project developers shall produce written request and submit directly or via post service or electronically to competent authority under Article 48 hereof.

2. In case of direct submission, competent authority under Article 48 hereof shall respond regarding composition of registration documents in the same working day.

3. In case of submission via post service or electronic medium, if registration documents are inadequate, competent authority under Article 48 hereof shall provide guidelines on completion of registration documents within 2 working days.

4. Document processing time limit: 03 working days from the date on which adequate documents are received.

5. Decision on renewal of license to build shall use form under Appendix XVI hereof. If this decision is not issued, a written response state the reason shall be required.

6. In case of submission on electronic medium, project developers that wish to renew license to build essential structures on land for railway shall produce registration documents containing photocopies of documents under Article 51 hereof and follow instructions on https://dichvucong.mt.gov.vn.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Owners of specialized railroad shall decide on procedures for issuing license to build on land for specialized railroad.

Article 53. Revocation and cancellation of license to build, renovate, upgrade railroad crossings and license to build on land for railway

1. Cases where license to build, renovate, upgrade railroad crossings; license to build on land for railway (hereinafter collectively referred to as “license”) are revoked:

a) The license is not issued in a law-compliant manner;

b) Project developers fail to organize construction or execute construction in a manner compliant with their license. Project developers then fail to rectify the violations according to request of competent authority in a period equivalent to 1/3 of construction schedule in the license from the date on which competent authority discovers the violations;

c) Project developers violate regulations on management, protection of railway traffic infrastructure, railway traffic safety, and environmental protection at construction sites;

d) Project developers fail to initiate construction process within 12 months from the date on which they obtain license.

2. After 10 working days from the date on which decision on license revocation is issued, competent authority under Article 41 and Article 48 hereof shall promulgate decision declaring cancellation of the license while notifying agencies, entities related to license compliance.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 54. Responsibilities of Vietnam Railway Administration

1. Exercise responsibilities of railway authority in managing railroad crossings on national railway and construction on land for national railway.

2. Organize inspection, supervision of management, maintenance, and protection of railroad crossings implemented by railway infrastructure enterprises for railroad crossings on national railway according to this Circular.

Article 55. Responsibilities of Directorate for Road of Vietnam

In regard to public railroad crossings on specialized railway related to national highway:

1. Manage and maintain operation of road structures outside of radius of railroad crossings; visibility of road vehicle operators.

2. Organize inspection, supervision of management, maintenance, and protection of railroad crossings implemented by owners of specialized railway for railroad crossings on national railway according to this Circular.

Article 56. Responsibilities of local road authority

1. Comply with decentralization and authorization of People’s Committees of provinces in regard to public railroad crossings on specialized railway related to provincial roads, district roads, commune roads, urban roads under their management in:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Cooperate with railway infrastructure enterprises or managers, users of specialized railway, local governments in removing railroad crossings that lack building license;

2. Manage, maintain operation of road structures outside of railroad crossing radius; visibility of road vehicle operators for public railroad crossings related to provincial roads, district roads, commune roads, and local roads under their management.

Article 57. Responsibilities of People’s Committees of all levels

1. Educate the general public; prevent, deter, and promptly take actions against violations of railway traffic safety corridor.

2. Manage land within railway traffic safety corridors and traffic safety corridors at railroad crossings according to railway laws.

3. Cooperate with road authority, railway infrastructure enterprises, managers and users of railroad crossings in:

a) inspecting railroad crossings in order to request competent authority to renovate, upgrade, or remove railroad crossings in accordance with this Circular;

b) proposing safety measures for public railroad crossings conforming to this Circular.

4. Take charge and cooperate with Vietnam Railway Administration, Directorate for Road of Vietnam, railway infrastructure enterprises, managers, users of railroad crossings, local road authority in clearing traffic safety corridors at railroad crossings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Within 5 working days from the date on which commissioning of public railroad crossings, specialized railroad crossings on national railway is conducted, national railway infrastructure enterprises shall receive the structures and introduce railroad crossings into use.

2. Manage, maintain, and retain operation of public railroad crossings on national railway in accordance with Clause 1, Clause 2, Clause 3, and Clause 4 Article 30 hereof.

3. Allocate railroad crossing attendants for public railroad on national railway according to approved national railway infrastructure maintenance plan.

4. On an annual basis, take charge and cooperate with road authority and local government in inspecting, producing repair plan for public railroad crossings on national railway and request competent authority to renovate, improve, upgrade railroad crossings or alter safety devices of public railroad crossings on national railway in accordance with this Circular.

5. Regularly inspect, detect, promptly propose and cooperate with local government in clearing traffic safety corridors at railroad crossings on national railway.

6. Take charge and cooperate with local government in improving traffic safety at dangerous public railroad crossings on national railway.

7. Produce dossiers on public railroad crossings on national railway in accordance with Article 29 hereof.

8. Request project developers, constructing entities of railroad crossings, essential structures built on land for national railway to comply with their license, structure safety measures, traffic safety measures, and environmental protection during construction process. If there are safety risks found during construction process, request project developers to temporarily suspend construction process to rectify; report to licensing authority as per the law.

9. Transfer construction premise, participate in commissioning of railroad crossing construction, construction on land for national railway, receive as-built dossiers for management and maintenance as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. Take charge and cooperate with managers, users of railroad crossings and local government in barricading, removing railroad crossings, and returning railway infrastructures after decision on railroad crossing removal is issued.

12. Comply with reporting regulations:

a) Report name: Statistical report on railroad crossings and construction on land for railway;

b) Reports shall include: The use, operation, protection of railroad crossings, dossiers on railroad crossing under this Circular for railroad crossings on national railway; construction on land for national railway; propositions and recommendations (if any).

c) Reporting entities: Railway infrastructure enterprises;

d) Report recipient: Vietnam Railway Administration;

dd) Report submission and receipt method: physical documents and connected document management system of Vietnam Railway Administration;

e) Report submission deadline: before March 15 of each year;

g) Reporting frequency: once per year;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Report form under Appendix V hereof.

Article 59. Responsibilities of managers, users of specialized railroad crossings

1. Manage, maintain, organize safety devices, and retain technical conditions of railroad crossings under their management throughout use process under this Circular.

2. Assign attendants for railroad crossings under their management and use.

3. Promptly implement repair solutions in order to ensure safety for railroad crossings under their management and use, and traffic safety when any damage is found.

4. Produce dossiers on railroad crossings under their management and use in accordance with Article 29 hereof.

5. If managers and users of specialized railroad crossings fail to adequately comply with Clause 1, Clause 2, Clause 3, or Clause 4 of this Article, railway infrastructure enterprises (for railroad crossings on national railway) or owners of specialized railway (for railroad crossings on specialized railway) shall decide on temporary suspension of railroad crossing operation. In this case, managers and users of specialized railroad crossings shall compensate for damage caused by their fault.

Article 60. Responsibilities of owners of specialized railway

1. With respect to public railroad crossings on public railway:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Assign railroad crossing attendants;

c) Give feedback and assume legal responsibility for feedback regarding construction, renovation, and upgrade of railroad crossings;

d) issue decision bringing railroad crossings into use within 5 working days from the date on which railroad crossing commissioning is complete;

dd) produce dossiers on railroad crossings in accordance with Article 29 hereof.

2. Decide on construction, renovation, and upgrade of specialized railroad crossings on specialized railway; construction on land for specialized railway.

Article 61. Responsibility of project developers of railroad crossings, essential structures built on land for railway

1. Prior to approving construction investment projects, project developers shall consult competent authority under Article 41 and Article 48 hereof and owners of specialized railway regarding construction location and scale if construction takes place on land for specialized railway.

2. Prior to commencing construction, project developers shall consult organizations below regarding construction plan, duration of barricade for construction purposes, traffic safety measures:

a) Railway infrastructure enterprises for structures related to national railway structures and land for national railway;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Owners of specialized railway for structures related to specialized railway structures and land for specialized railway;

d) Relevant road authority.

3. Adopt procedures for receiving transferred construction premise prior to commencing construction.

4. Upon completion of construction process, deliver the sites and as-built dossiers to organizations under Clause 2 of this Article.

5. Maintain stable technical conditions and guarantee funding sources for management, maintenance of structure sections located on land for railway.

6. Ensure structure safety, railway traffic safety, environmental protection throughout construction process; performance maintenance throughout operation; develop timely reinforcement plans to maintain structure safety, railway traffic safety upon discovering or receiving information about structure damage.

7. Relocate or renovate structures without seeking compensation upon being requested by competent authority; demolish structures upon expiry (for structures with expiry under license to build).

8. Compensate for damage caused by their fault as per the law.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 62. Entry into force

This Circular comes into force from December 1, 2023 and replaces Circular No. 25/2018/TT-BGTVT dated May 14, 2018 and Circular No. 07/2022/TT-BGTVT dated May 31, 2022 of the Minister of Transport.

Article 63. Transition clauses

1. With respect to existing specialized railroad crossings with signs on national railway, owners of specialized road shall gradually upgrade safety devices of railroad crossings in order of priority in order to improve traffic safety. If safety devices of railroad crossings have not been improved, owners of specialized road shall organize guard duty in railroad crossings that are susceptible to traffic accidents or at high risk of traffic accidents.

2. With respect to existing railroad crossings that have not met requirements under this Circular, during renovation and upgrade of such railroad crossings, project developers shall gradually improve angle created by road and railway, road profile, road slope, add more railroad crossing safety devices, expand railroad crossing guard posts. Prior to renovation and upgrade of railroad crossings, traffic safety measures shall be implemented to protect people and vehicles traversing railroad crossings.

3. With respect to existing railroad crossings with automatic warning and without automatic barrier, install automatic barriers to improve traffic safety.

4. With respect to existing railroad crossings utilizing manually-operated barriers, replace with electric-powered barriers or electric-powered and manually-operated barriers, boom barriers or automatic barriers in order to improve safety quality at railroad crossings, increase traffic safety, and reduce number of attendants required at railroad crossings.

Article 64. Responsibility for implementation

Chief of the Ministry Office, Chief of Ministry Inspectorate, Directors, Director of Directorate for Road of Vietnam, Director of Vietnam Railway Administration, Directors of Departments of Transport of provinces and central-affiliated cities, heads of relevant agencies, organizations, and individuals are responsible for the implementation of this Circular./.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Danh Huy

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 29/2023/TT-BGTVT ngày 29/09/2023 quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.034

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.159.11
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!