BỘ
XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
15/2010/TT-BXD
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CẮM MỐC GIỚI VÀ QUẢN LÝ MỐC GIỚI THEO QUY HOẠCH
ĐÔ THỊ
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị
số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009,
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng,
Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị
theo quy định tại Điều 57 của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17
tháng 6 năm 2009 như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về lập,
thẩm định, phê duyệt Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị, triển khai cắm mốc
giới ngoài thực địa và quản lý mốc giới, phục vụ công tác quản lý phát triển đô
thị theo quy hoạch đô thị.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên
quan đến công tác cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị phải
tuân theo các quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên
quan.
Điều 2. Tổ
chức lập, phê duyệt Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị và triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa
Sau khi đồ án quy hoạch đô thị
được phê duyệt, UBND các thành phố, thị xã, quận, huyện có trách nhiệm:
1. Tổ chức lập, thẩm định, phê
duyệt nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị.
2. Triển khai cắm mốc giới ngoài
thực địa trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo hồ sơ cắm mốc giới
được phê duyệt.
3. Tổ chức nghiệm thu và
bàn giao cho chính quyền phường, xã, thị trấn có liên quan để tổ chức bảo vệ
sau khi hoàn thành căm mốc ngoài thực địa.
4. Hàng năm, phối hợp với chính
quyền phường, xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, bổ sung, khôi phục các mốc giới bị
mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.
Điều 3. Các
loại mốc giới
Các mốc giới cần cắm ngoài thực
địa gồm: mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ, mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng
theo hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt.
1. Mốc tim đường là mốc xác định
toạ độ và cao độ vị trí các giao điểm và các điểm chuyển hướng của tim đường,
có ký hiệu TĐ.
2. Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc
xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và
phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật,
có ký hiệu CGĐ.
3. Mốc ranh giới khu vực cấm xây
dựng là mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo,
di tích lịch sử, văn hoá và các khu vực cần bảo vệ khác, có ký hiệu RG.
Điều 4. Yêu
cầu về hồ sơ cắm mốc giơí và quy định bản đồ phục vụ lập hồ sơ cắm mốc giới
theo quy hoạch đô thị
1. Hồ sơ cắm mốc giới phải tuân
thủ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
2. Hồ sơ cắm mốc giới phải được
lập trên bản đồ địa hình dạng số.
3. Ranh giới đo đạc và tỷ lệ bản
đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực lập hồ sơ cắm mốc giới:
- Đối với khu vực nội thành, nội
thị, hồ sơ cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch
chi tiết được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500.
- Đối với khu vực ngoại thành,
ngoại thị, hồ sơ cắm mốc giới đồ án quy hoạch chung lập trên bản đồ tỷ lệ
1/10.000 hoặc 1/5.000. Hồ sơ cắm mốc giới các đồ án quy hoạch phân khu và quy
hoạch chi tiết được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500.
Điều 5. Khoảng
cách các mốc giới cắm ngoài thực địa
Khoảng cách giữa các mốc giới từ
30 mét trở lên tuỳ thuộc vào địa hình địa mạo khu vực cắm mốc và phải đảm bảo
yêu cầu quản lý về ranh giới và cao độ. Trường hợp khoảng cách giữa các mốc giới
nhỏ hơn 30 mét thì phải giải trình trong thuyết minh của hồ sơ cắm mốc giới.
Điều 6. Lưu
giữ hồ sơ cắm mốc và cung cấp thông tin về mốc giới
Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị,
cơ quan quản lý đất đai có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ cắm mốc giới thuộc thẩm
quyền phê duyệt của UBND cùng cấp và cung cấp tài liệu, số liệu liên quan tới mốc
giới cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Kinh
phí cho công tác lập hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị và triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa
1. Kinh phí từ ngân sách nhà nước
được sử dụng để lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa,
bổ sung và khôi phục mốc giới đối với các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân
khu và các quy hoạch chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo
hình thức kinh doanh.
2. Kinh phí của các tổ chức, cá
nhân được sử dụng để lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực
địa đối với các đồ án quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo
hình thức kinh doanh.
Điều 8. Đơn
giá lập hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị và triển khai cắm mốc giới
ngoài thực địa
Đơn giá lập hồ sơ cắm mốc giới
và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa thực hiện theo quy định hiện hành của
UBND cấp tỉnh.
Điều 9. Điều
kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ cắm mốc giới và triển
khai cắm mốc giới ngoài thực địa
Tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia
lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy hoạch
đô thị phải có đủ điều kiện, năng lực về trắc địa bản đồ theo quy định của pháp
luật.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH,
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ, HỒ SƠ CẮM MỐC GIỚI VÀ TRIỂN KHAI CẮM MỐC GIỚI
Điều 10.
Trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa
1. UBND thành phố trực thuộc
trung ương tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm
mốc giới các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ
và của UBND thành phố.
2. UBND thành phố thuộc tỉnh và
thị xã tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc
giới các đồ án quy hoạch quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết
trong đô thị do mình quản lý.
3. UBND quận tổ chức lập, phê
duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới các đồ án quy hoạch
phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý,
trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
4. UBND huyện thuộc thành phố trực
thuộc Trung ương tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển
khai cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn thuộc
huyện và quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành
chính do mình quản lý.
5. UBND huyện thuộc tỉnh tổ chức
lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới các đồ
án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tại thị trấn thuộc huyện mình quản lý.
6. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng
công trình tập trung tổ chức tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới
và triển khai cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chi tiết trong khu vực dự án.
Điều 11. Cơ
quan thẩm định nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị
Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị
các cấp thẩm định nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị thuộc thẩm
quyền phê duyệt của UBND cùng cấp.
Điều12. Quy định
về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chung
1. Đối với thành phố trực thuộc
Trung ương, các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:
- Mốc tim đường các đường phố
chính đô thị dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong thành phố;
- Mốc chỉ giới đường đỏ các đường
phố chính đô thị dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong thành phố;
- Mốc giới ranh giới khu vực cấm
xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực cần bảo
vệ khác.
2. Đối với thành phố thuộc tỉnh,
thị xã, thị trấn và đô thị mới, các mốc giới cắm ngoài thực địa bao gồm:
- Mốc tim đường các đường phố
chính đô thị và đường khu vực dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong đô thị;
- Mốc chỉ giới đường đỏ các đường
phố chính đô thị và đường khu vực dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong đô thị;
- Mốc giới xác định ranh giới
khu vực cấm xây dựng; khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và các khu
vực cần bảo vệ khác.
Điều 13.
Quy định về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch phân khu
Các mốc giới cắm ngoài thực địa
bao gồm:
- Mốc tim đường các đường phố dự
kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
- Mốc chỉ giới đường đỏ các đường
phố dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
- Mốc ranh giới khu vực cấm xây
dựng, bao gồm các mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn,
tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực quy
hoạch.
Điều 14.
Quy định về cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chi tiết
Các mốc giới cắm ngoài thực địa
bao gồm:
- Mốc tim đường các đường phố,
ngõ phố dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
- Mốc chỉ giới đường đỏ các đường
phố, ngõ phố dự kiến xây dựng mới hoặc cải tạo trong khu vực quy hoạch;
- Mốc ranh giới khu vực cấm xây
dựng, bao gồm các mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn,
tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực quy
hoạch.
Điều 15. Nội
dung nhiệm vụ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị
Nhiệm vụ cắm mốc giới theo quy
hoạch đô thị bao gồm:
- Xác định yêu cầu cắm mốc giới
theo quy hoạch đô thị;
- Xác định khối lượng công việc
cần thực hiện;
- Xác định kinh phí thực hiện việc
lập hồ sơ cắm.
Điều 16. Nội
dung hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị
Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch
đô thị bao gồm:
1. Thuyết minh hồ sơ cắm mốc giới:
a) Căn cứ lập hồ sơ cắm mốc giới;
b) Đánh giá hiện trạng khu vực cắm
mốc giới;
c) Nội dung cắm mốc giới:
- Các loại mốc giới cần cắm;
- Số lượng mốc giới cần cắm;
- Phương án định vị mốc giới;
- Khoảng cách các mốc giới;
d) Khái toán kinh phí triển khai
cắm mốc
e) Tổ chức thực hiện.
2. Bản vẽ cắm mốc giới phải được
thể hiện vị trí, toạ độ, cao độ của các mốc giới cần cắm trên bản đồ được quy định
tại Điều 5 của Thông tư này.
3. Đĩa CD lưu giữ toàn bộ thuyết
minh và bản vẽ.
Điều 17.
Quy định về cột mốc
1. Cột mốc bao gồm đế mốc và
thâm mốc, được sản xuất bằng bê tông cốt thép mác 200, đảm bảo độ bền vững, dễ
nhận biết.
2. Đế mốc có kích thước 40x40x50
cm.
3.Thân mốc có chiều dài 90 cm. Mặt
cắt ngang các loại thân mốc được quy định như sau:
a) Mốc tim đường có mặt cắt ngang
hình tròn, đường kính 15 cm;
b) Mốc chỉ giới đường đỏ có mặt
cắt ngang hình vuông, chiều dài cạnh 15 cm;
c) Mốc ranh giới các khu vực có
mặt cắt ngang hình tam giác đều, chiều dài cạnh 15 cm.
4. Mặt mốc được gắn tim sứ hoặc
tim sắt có khắc chìm ký hiệu và số hiệu mốc.
5. Độ sâu chôn mốc tối thiểu là
100 cm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Tổ
chức thực hiện
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến
công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mốc giới, triển khai cắm mốc giới và quản
lý mốc giới ngoài thực địa có trách nhiệm thực hiện các quy định của Thông tư
này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng
để nghiên cứu giải quyết.
Điều 19. Hiệu
lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 45
ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với quy định này đều
bãi bỏ.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố;
- Sở QHKT TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo; website Chính phủ; website Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, Vụ KTQH, Vụ PC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đình Toàn
|