ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
38/2013/QĐ-UBND
|
Bình Định,
ngày 24 tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, ĐIỀU
CHỈNH, BỔ SUNG QUY ĐỊNH CƠ CHẾ ĐẦU TƯ ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THUỘC CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020 TỈNH
BÌNH ĐỊNH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày
21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày
07/8/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Quyết định số
498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương
trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định 18/2013/QĐ-UBND ngày
18/7/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định Cơ chế đầu tư đặc thù đối với
công trình thuộc Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -
2020 tỉnh Bình Định;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn
bản số 918 /SKHĐT-KTN ngày 24/9/2013 về việc điều chỉnh, bổ sung Quy định cơ chế
đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn
mới giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh Bình Định,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Quy
định Cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh đã được ban hành tại
Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 của UBND tỉnh Bình Định như sau:
1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng (gọi tắt
là cơ chế đầu tư đặc thù) các công trình thuộc Chương trình MTQG về xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định, có sử dụng
vốn ngân sách nhà nước (kể cả các công trình của Chương trình được lồng
ghép đầu tư với các nguồn vốn khác) nếu đảm bảo các điều kiện sau đây thì được
thực hiện theo Quy định này:
a. Quy mô vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng;
b. Kỹ thuật đơn giản được áp dụng thiết kế mẫu (thiết kế điển hình)
do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
c. Công trình do cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp tự thực hiện
xây dựng hoặc nhóm thợ, cá nhân trong xã có đủ năng lực để xây dựng.
Riêng các công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được lồng
ghép đầu tư với nguồn vốn ODA nếu có những quy định riêng khác với quy định này
thì được thực hiện theo quy định của dự án ODA đó.
Các quy định khác không nêu trong quy định này, thì được thực hiện theo
các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
2. Điểm a, khoản 2, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung
như sau:
“ a) Lập dự toán đầu tư công trình:
- Việc lập dự toán đầu tư công trình do Chủ đầu tư (Ban Quản lý xã) phối hợp
với thôn, Ban Phát triển thôn tự thực hiện, trường hợp Chủ đầu tư không đủ năng
lực mới thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân thực hiện. Sau khi lập dự toán,
Ban Quản lý xã phối hợp với thôn và Ban Phát triển thôn tổ chức họp dân, lấy ý
kiến của người dân trong thôn, thống nhất về các nội dung của dự toán và các
khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân.
- Ban Quản lý xã phối hợp với thôn, Ban Phát triển thôn hoàn chỉnh dự toán
theo các ý kiến đã thống nhất tại cuộc họp thôn trình Ủy ban nhân dân xã (kèm
biên bản họp thôn) tổ chức thẩm định và phê duyệt.
- Một số lưu ý khi lập dự toán xây dựng công trình:
+ Sử dụng tối đa nguyên vật liệu phù hợp khai thác tại
địa phương và nhân công để khuyến khích sự tham gia của nhân dân địa phương.
+ Các bản dự toán cũng cần lập đơn giản, dễ hiểu. Nếu có nhân dân đóng góp
thì phải phân chia rõ giá trị phần của nhân dân đóng góp”.
3. Điểm b, khoản 2, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung
như sau:
“ b) Nội dung dự toán đầu tư công trình:
- Tên công trình;
- Chủ đầu tư;
- Đơn vị/ tổ chức lập dự toán;
- Mục tiêu đầu tư xây dựng;
- Quy mô đầu tư;
- Địa điểm xây dựng;
- Tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình;
- Giá trị dự toán, trong đó gồm kinh phí Nhà nước hỗ trợ, đóng góp của
nhân dân, huy động khác (nếu có), hình thức đóng góp; nguồn vốn đầu tư công
trình và quy định thanh quyết toán.
- Thời gian thực hiện;
- Bản vẽ thi công công trình (nếu có) theo thiết kễ mẫu, thiết kế điển
hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Khả năng tự thực hiện của nhân dân, cộng đồng hưởng lợi
- Các nội dung khác (nếu thấy cần giải trình)”.
4. Gạch đầu dòng thứ 3, 4 và 5 điểm c, Khoản 2, Điều
4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ c) Thẩm định dự toán đầu tư công trình:
- Tổ thẩm định: UBND xã thành lập Tổ thẩm định, thành phần gồm: Lãnh đạo
UBND xã làm Tổ trưởng, đại diện Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, tài chính
- kế toán xã, chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn do cộng đồng
bình chọn. Trong trường hợp cần thiết, UBND xã có thể mời các cán bộ có chuyên
môn phù hợp thuộc các phòng, ban chức năng của UBND huyện tham gia vào Tổ thẩm
định để hỗ trợ thực hiện.
- Nội dung thẩm định:
+ Sự phù hợp của công trình với kế hoạch tổng thể
chung phát triển cơ sở hạ tầng xã, huyện, thị xã, thành phố.
+ Tính khả thi về mặt kỹ thuật; mặt bằng thi công; khả
năng huy động vốn (Nhà nước, nhân dân đóng góp, các nguồn lực khác), các yếu tố
khác ảnh hưởng đến dự án.
+ Xem xét sự phù hợp của dự toán xây dựng công trình
so với các quy định hiện hành của Nhà nước.
+ Tính hợp lý của các chi phí so với mặt bằng giá của
địa phương, với các công trình tương tự đã và đang thực hiện.
+ Khả năng tự thực hiện xây dựng của cộng đồng dân cư
hưởng lợi trực tiếp hoặc nhóm thợ, cá nhân trong xã.
- Không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổ thẩm định
phải báo cáo kết quả thẩm định bằng văn bản với UBND xã. Trường hợp có ý kiến
thẩm định chưa thống nhất với dự thảo dự toán thì trong báo cáo kết quả thẩm định
phải ghi nội dung chưa thống nhất đó để Ban Quản lý xã xem xét điều chỉnh, bổ
sung trước khi UBND xã phê duyệt”.
5. Bãi bỏ Điều 6.
6. Bổ sung Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo.
Điều 2. Quyết định này sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Quyết định số
18/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 của UBND tỉnh và có hiệu lực thi hành sau 10
ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Công Thương,
Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Lao dộng - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thị Thu Hà
|