Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 35/1999/QĐ-BXD Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng Người ký: Nguyễn Mạnh Kiểm
Ngày ban hành: 12/11/1999 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35/1999/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG SỐ 35/1999/QĐ-BXD NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng, thay thế cho:

- Quy chế lập thẩm định và xét duyệt thiết kế công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 497/BXD-GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Quyết định số 541/1997/QĐ-BXD ngày 22/11/1997 sửa đổi và bổ sung Quyết định số 497/BXD-GĐ;

- Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 498/BXD-GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

- Quy chế bảo hành xây lắp công trình ban hành kèm theo Quyết định số 499/BXD-GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Quyết định số 540/1997/QĐ-BXD ngày 22/1/1997 sửa đổi và bổ sung Quyết định số 499/BXD-GĐ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng trong cả nước.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của đoàn thể, Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD ngày 12 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định nội dung quản lý chất lượng trong công tác khảo sát, thiết kế, xây lắp, nghiệm thu bàn giao công trình, bảo hành xây lắp, bảo trì các công trình thuộc các dự án xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp không phân biệt nguồn vốn, hình thức sở hữu đối với các đơn vị tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư, và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Chất lượng công trình xây dựng là những yêu cầu tổng hợp đối với đặc tính an toàn bền vững, mỹ quan, kinh tế của công trình phù hợp với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với hợp đồng kinh tế và pháp luật hiện hành của Nhà nước.

2- Quản lý chất lượng công trình xây dựng là tập hợp những hoạt động của cơ quan có chức năng quản lý chung thông qua các biện pháp như lập kế hoạch chất lượng, kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng sản phẩm.

3- Đảm bảo chất lượng công trình xây dựng là toàn bộ các hoạt động có kế hoạch và có hệ thống được tiến hành trong cả 3 giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

4- Lập kế hoạch chất lượng công trình xây dựng là việc thiếp lập mục tiêu chất lượng của dự án, các biện pháp tổ chức và tiến độ tổ chức thực hiện quản lý chất lượng.

5- Thiết kết sơ bộ là các tài liệu thể hiện trên thuyết minh và bản vẽ về quy hoạch, kiến trúc, kết cấu và công nghệ, cụ thể hoá các yếu tố đã nêu trong nội dụng chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi. Thiết kế sơ bộ được phê duyệt là căn cứ để lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công.

6- Thiết kế kỹ thuật (thiết kế triển khai) là các tài liệu thể hiện trên thuyết minh và bản vẽ được phát triển trên cơ sở thiết kế sơ bộ nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải bảo đảm đủ điều kiện lập tổng dự toán, hồ sơ mời thầu và triển khai được việc lập bản vẽ thi công.

7- Thiết kế bản vẽ thi công (thiết kế chi tiết) là các tài liệu thể hiện trên bản vẽ được trên cơ sở thiết kế kỹ thuật đã được duyệt nếu thiết kế theo trình tự thiết kế sơ bộ - thiết kế kỹ thuật - thiết kế bản vẽ thi công. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công phải thể hiện được chi tiết kiến trúc, chi tiết kết cấu, hệ thống kỹ thuật: cơ điện, cấp thoát nước, cấp điện, cấp hơi... để nhà thầu xây lắp có thể thi công được.

8- Thiết kế kỹ thuật - thi công là các tài liệu thể hiện trên thuyết minh và bản vẽ được phát triển trên cơ sở thiết kế sơ bộ nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được duyệt để nhà thầu xây lắp có thể thi công được nếu thiết kế theo trình tự thiết kế sơ bộ - thiết kế kỹ thuật thi công.

9- Thẩm định thiết kế là công việc của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân thiết kế, tính pháp lý của hồ sơ thiết kế, kiểm tra sự phù hợp giữa các nội dung của hồ sơ thiết kế với nội dung đã được phê duyệt trong quyết định đầu tư, sự hợp lý của giải pháp thiết kế và tổng dự toán để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

10- Giám sát tác giả là công việc của đơn vị thiết kế tại hiện trường nhằm kiểm tra, bảo vệ quyền tác giả thiết kế, giải thích hoặc xử lý những vấn đề phát sinh tại hiện trường mà thiết kế chưa lường hết để bảo đảm chất lượng thiết kế.

11- Giám sát thi công là hoạt động thường xuyên và liên tục tại hiện trường của chủ đầu tư để quản lý khối lượng và chất lượng các công tác xây lắp của nhà thầu theo hợp đồng kinh tế, thiết kế được duyệt của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của ngành, Nhà nước.

12- Kiểm định chất lượng xây lắp là những hoạt động của đơn vị tư vấn xây dựng, sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, thử nghiệm, định lượng một hay nhiều tính chất của sản phẩm hoặc công trình xây dựng và so sánh kết quả với yêu cầu của thiết kế, với tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

13- Giám định chất lượng công trình là những hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng, công trình xây dựng, trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật và kết quả kiểm định chất lượng để đánh giá, kết luận về chất lượng của sản phẩm, công trình xây dựng.

14- Bản vẽ hoàn công là bản vẽ do nhà thầu xây lắp trên cơ sở các kết quả đo kiểm các công tác xây lắp đã thực hiện trên hiện trường và được chủ đầu tư hoặc người đại diện hợp pháp của chủ đầu tư xác nhận. Trong trường hợp thi công thoả mãn yêu cầu của thiết kế bản vẽ thi công và tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng thì bản vẽ thi công là bản vẽ hoàn công.

15- Bảo hành xây lắp công trình là sự đảm bảo bắt buộc theo luật pháp đối với nhà thầu xây lắp về chất lượng trong thời gian nhất định của sản phẩm đã hoàn chỉnh đưa vào sử dụng. Nhà thầu xây dựng có nghĩa vụ thực hiện sửa chữa các hư hỏng do mình gây nên trong thời hạn bảo hành.

16- Bảo trì công trình là sự đảm bảo bắt buộc theo luật pháp về chất lượng nhằm duy trì khả năng chịu lực, mỹ quan, duy trì sự sử dụng hoặc vận hành của bộ phận, hạng mục, công trình đã hoạt động theo một chu kỳ thời gian do đơn vị thiết kế và nhà chế tạo quy định cần phải sửa chữa, thay thế, phục hồi chức năng, bảo đảm tuổi thọ và an toàn vận hành. Chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo trì công trình theo quy định của đơn vị thiết kế ghi trong thuyết minh thiết kế kỹ thuật và quy trình bảo trì của nhà chế tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

17- Bộ có xây dựng chuyên ngành là các Bộ sau:

- Bộ Xây dựng;

- Bộ Giao thông Vận tải;

- Bộ Công nghiệp;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

- Tổng cục Bưu điện.

- Bộ Quốc phòng.

18- Bộ quản lý chuyên ngành kỹ thuật là Bộ, cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành kỹ thuật như phòng chống cháy, nổ; an toàn môi trường; an toàn lao động; an toàn công nghiệp; an toàn đê điều; an toàn giao thông; bưu điện; an ninh; quốc phòng...

Điều 3. Phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

1 - Bộ Xây dựng:

a) Thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm:

- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, thoả thuận để các Bộ có xây dựng chuyên ngành, Bộ quản lý chuyên ngành kỹ thuật ban hành các quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp. Kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng. Trực tiếp kiểm tra chất lượng công trình khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

b) Giám định sự cố công trình xây dựng theo phân cấp.

c) Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ 6 tháng, 1 năm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ xây dựng giúp Bộ Xây dựng thực hiện trách nhiệm trên. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình quan trọng cấp Quốc gia thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là cơ quan thường trực của Hội đồng.

2- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh):

a) Sở Xây dựng là cơ quan của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, thành phố, có trách nhiệm:

- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện tại địa phương các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác đảm bảo chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp và trực tiếp kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là các công trình thuộc dự án nhóm B, C do địa phương quản lý khi xét thấy cần thiết và kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng. Thực hiện công tác báo cáo định kỳ 6 tháng với Bộ Xây dựng về chất lượng công trình xây dựng (theo phụ lục 12 của Quy định này) để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với các Sở có xây dựng chuyên ngành được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành, có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng theo dõi kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành, báo cáo định kỳ 6 tháng về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng.

c) Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào năng lực quản lý đầu tư và xây dựng của Uỷ ban nhân dân quận, huyện để phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc các dự án do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.

d) Các Sở, Uỷ ban nhân dân quận, huyện, Uỷ ban nhân dân phường, xã được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao làm chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình với tư cách là chủ đầu tư theo các nội dung tại Quy định này.

3- Các Bộ có xây dựng chuyên ngành:

a) Ban hành các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành để thực hiện Quy định này sau khi có thoả thuận với Bộ Xây dựng.

b) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành do Bộ quản lý trên phạm vi cả nước.

c) Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác đảm bảo chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành của chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp và trực tiếp kiểm tra chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành. Kiến nghị xử lý các sai phạm về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành. Riêng đối với công trình xây dựng chuyên ngành nhóm A cần có sự phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện các công việc trên.

d) Báo cáo định kỳ 6 tháng về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành gửi Bộ Xây dựng (theo phụ lục 13 của Quy định này) để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4- Bộ quản lý chuyên ngành kỹ thuật:

a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng chuyên ngành kỹ thuật trong các công trình xây dựng sau khi có thoả thuận với Bộ xây dựng.

b) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng chuyên ngành kỹ thuật.

c) Tham gia với cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp) để kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật như phòng chống cháy, nổ; an toàn môi trường; an toàn lao động; an toàn công nghiệp; an toàn đê điều; an toàn giao thông... đối với từng loại công trình có yêu cầu.

5- Các Bộ, ngành được giao vốn để quản lý đầu tư xây dựng công trình (gọi là Bộ có dự án):

- Có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng các công trình thông qua cơ quan chuyên trách của Bộ, hoặc tổ chức quản lý điều hành dự án có đủ năng lực theo quy định của pháp luật;

- Cơ quan chuyên trách của Bộ phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình thực thi việc kiểm tra chất lượng các công trình; trực tiếp theo dõi, tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình; kiểm tra chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp trong công tác đảm bảo chất lượng công trình của Bộ quản lý đồng thời thông báo Sở Xây dựng trên địa bàn biết để phối hợp;

- Bộ có dự án báo cáo định kỳ 6 tháng về chất lượng công trình xây dựng gửi Bộ Xây dựng (theo phụ lục 13 của Quy định này) để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Trách nhiệm về chất lượng công trình của chủ đầu tư và các nhà thầu

Các tổ chức khảo sát, thiết kế, xây lắp đều phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng và kết quả công việc trong quá trình xây dựng, bảo hành, bảo trì công trình. Nhà nước khuyến khích áp dụng phương pháp quản lý khoa học theo mô hình quản lý chất lượng dựa trên tiêu chuẩn ISO - 9000.

1- Trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý chất lượng công trình xây dựng:

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 46 khoản 1 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ và theo quy định tại các Điều 7, 8, 9, 14, 17, 19 của Quy định này.

b) Trong trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn giám sát thi công thì đơn vị tư vấn giám sát phải thực hiện theo nội dung tại các Điều 14, 17 của Quy định này và chịu trách nhiệm về chất lượng công việc đã ghi trong hợp đồng giao nhận thầu.

c) Báo cáo định kỳ 6 tháng về chất lượng công trình (theo phụ lục 11 của quy định này) gửi cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Điều 3 của Quy định này).

2- Trách nhiệm của đơn vị khảo sát, thiết kế về chất lượng sản phẩm:

Đơn vị khảo sát, thiết kế phải thực hiện theo quy định tại Điều 46 khoản 2 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ đồng thời chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng sản phẩm theo hợp đồng.

3- Trách nhiệm của nhà thầu xây dựng về chất lượng công trình xây dựng:

Thực hiện theo quy định tại Điều 46 khoản 3 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ và nội dung tại Điều 16 của Quy định này. Nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi liên quan đến an toàn của các công trình lân cận và công trình đang xây dựng.

Chương 2

KHẢO SÁT, THIẾT KẾ, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT, TỔNG DỰ TOÁN

Điều 5. Khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế.

1- Khảo sát xây dựng phải thực hiện theo yêu cầu của thiết kế. Phương án kỹ thuật khảo sát phải phù hợp theo từng giai đoạn thiết kế (thiết kế cơ bộ, thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công), đặc điểm công trình (Phản ánh trong nhiệm vụ kỹ thuật khảo sát xây dựng) và phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng dự kiến xây dựng. Hồ sơ khảo sát xây dựng được xác định đúng tại vị trí xây dựng công trình, phản ánh đúng hiện trạng mặt bằng xây dựng hiện có, địa hình tự nhiên, địa chất công trình và điều kiện khí tượng thuỷ văn, môi trường; phù hợp với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình khảo sát. Kết quả khảo sát xây dựng phải được chủ đầu tư đánh giá nghiệm thu.

2- Đơn vị khảo sát xây dựng có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình khảo sát xây dựng để đảm bảo chất lượng hồ sơ khảo sát xây dựng, độ chính xác và độ tin cậy của các số liệu cho công tác thiết kế.

Điều 6. Thiết kế xây dựng công trình.

1- Đơn vị thiết kế phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế. Sản phẩm thiết kế phải phù hợp với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước, ngành hiện hành, nhiệm vụ thiết kế và hợp đồng giao nhận thầu thiết kế. Sản phẩm thiết kế phải phù hợp với nội dung theo trình tự thiết kế, có thuyết minh và chỉ dẫn kỹ thuật thi công đối với bộ phận chịu lực quan trọng của công trình trường hợp thi công phức tạp, có thuyết minh về sử dụng và bảo trì công trình, có ghi rõ quy cách, chủng loại, tính năng yêu cầu cần thiết của vật liệu, thiết bị sử dụng vào công trình.

2- Mỗi sản phẩm thiết kế (đồ án thiết kế) phải có người chủ trì thiết kế; đồ án thiết kế lớn (nhóm A, B) phải có chủ nhiệm đồ án; người chủ trì thiết kế hoặc chủ nhiệm đồ án phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng và tính đúng đắn của đồ án thiết kế, giải pháp kỹ thuật nêu ra và tiên lượng thiết kế. Nội dung thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật - thi công của sản phẩm theo phụ lục 1 của Quy định này.

3- Đơn vị thiết kế phải có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm thiết kế để đánh giá chất lượng sản phẩm thiết kế. Sản phẩm thiết kế phải được chủ đầu tư nghiệm thu, lập thành biên bản.

4- Đơn vị thiết kế phải thực hiện công tác giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp, hoàn thiện và nghiệm thu công trình đưa vào khai thác, sử dụng, phối hợp với chủ đầu tư xử lý các vấn đề phát sinh và bổ sung, điều chỉnh thiết kế, dự toán trong quá trình thi công. Nội dung cụ thể công tác giám sát tác giả theo Điều 18 của Quy định này.

5- Đối với thiết kế xây dựng chuyên ngành, còn phải tuân thủ quy định về nội dung các giai đoạn thiết kế xây dựng chuyên ngành.

6- Đơn vị thiết kế có thể ký hợp đồng giao thầu lại một phần công việc thiết kế mà công việc này không là phần chính của nội dung hợp đồng đã ký với chủ đầu tư nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về phần việc do đơn vị thiết kế nhận thầu lại thực hiện.

Điều 7. Nghiệm thu sản phẩm thiết kế

1- Việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế thực hiện trên nguyên tắc đơn vị thiết kế phải tự kiểm tra và chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng sản phẩm thiết kế, tuân thủ đúng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm thiết kế đã ghi trong hợp đồng giao nhận thầu thiết kế. Việc nghiệm thu thực hiện trên cơ sở:

a) Hợp đồng giao nhận thầu thiết kế.

b) Hồ sơ thiết kế có đủ số lượng theo phụ lục 1 của Quy định này.

c) Các biên bản nghiệm thu các giai đoạn thiết kế giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế.

2- Kết thúc việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế phải lập biên bản nêu rõ những sai sót của thiết kế và yêu cầu chủ nhiệm đồ án thiết kế phải sửa, đồng thời kết luận về điều kiện sử dụng thiết kế. Biên bản nghiệm thu sản phẩm thiết kế là căn cứ để thanh quyết toán cho đơn vị thiết kế. Hồ sơ thiết kế xuất xưởng để chuyển giao cho chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định về hệ thống tài liệu thiết kế, bản vẽ theo tiêu chuẩn hiện hành.

Điều 8. Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công và tổng dự toán.

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán do chủ đầu tư trình cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, đồng thời gửi tới cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán bao gồm:

1- Tờ trình thẩm định, phê duyệt thiết kế theo phụ lục 2 của Quy định này;

2- Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư;

3- Hồ sơ khảo sát; hồ sơ thiết kế theo phụ lục 1 của Quy định này;

4- Biên bản nghiệm thu sản phẩm khảo sát, thiết kế;

5- Các văn bản chấp thuận thiết kế của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về: an toàn môi trường, an toàn phòng chống cháy, nổ, an toàn đê điều và các yêu cầu có liên quan.

Điều 9. Yêu cầu về chất lượng hồ sơ thiết kế trình thẩm định, phê duyệt.

1- Thiết kế phù hợp với nội dung của thiết kế sơ bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật và cấp công trình đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư.

2- Nội dung thiết kế theo các bước phải tuân thủ Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài thì phải được Bộ Xây dựng chấp thuận trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

3- Tổng dự toán công trình được lập trên cơ sở định mức, đơn giá, chế độ, chính sách hiện hành liên quan tới chi phí đầu tư xây dựng và không được vượt tổng mức đầu tư đã ghi trong quyết định đầu tư.

Điều 10. Thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

1- Nội dung thẩm định:

a) Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với nội dung đã được phê duyệt trong quyết định đầu tư về quy mô, công nghệ, công suất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, quy hoạch, kiến trúc, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng, cụ thể là:

- Kiểm tra sự tuân thủ các nội dung được duyệt về quy mô xây dựng, công nghệ, công suất thiết kế, cấp công trình, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong báo cáo nghiên cứu khả thi:

- Kiểm tra sự tuân thủ thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt về quy hoạch, kiến trúc (đặc biệt là chỉ giới xây dựng, cao độ xây dựng và mật độ xây dựng);

- Kiểm tra sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế đã được chấp thuận sử dụng trong Quyết định đầu tư.

b) Kỹ thuật bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ, an toàn lao động, an toàn đê điều, an toàn giao thông.

c) Sự hợp lý của giải pháp thiết kế kỹ thuật: nền, móng, kết cấu, hệ thống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cơ điện...) trên cơ sở đánh giá nguyên lý làm việc, các đặc điểm và thông số kỹ thuật chính để đảm bảo sự làm việc bình thường, hợp lý, khả thi của các đối tượng thiết kế.

d) Tư cách pháp lý của đơn vị, cá nhân thiết kế.

e) Kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng các định mức, đơn giá, chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến các chi phí tính trong tổng dự toán.

g) Sự phù hợp giữa khối lượng công tác xây lắp tính từ thiết kế kỹ thuật với khối lượng công tác xây lắp tính trong tổng dự toán.

h) Xác định giá trị tổng dự toán kể cả thiết bị để so sánh với tổng mức đầu tư đã được duyệt.

2- Có thể tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán hạng mục của công trình theo gói thầu đã được phân chia trong quyết định đầu tư của dự án.

3- Kết thúc việc thẩm định, cơ quan thẩm định phải lập văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán để trình người có thẩm quyền phê dyệt theo các nội dung thẩm định nêu trên, nêu rõ những sai sót của thiết kế và kết luận về việc sử dụng thiết kế theo phụ lục 3 của Quy định này.

4- Đối với các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của tư nhân và các tổ chức kinh tế không thuộc các doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan cấp giấy phép xây dựng sẽ thực hiện thẩm định thiết kế theo các nội dung nêu tại khoản 1 (a, b, c, d) của Điều này.

Điều 11. Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

1- Dự án nhóm A:

Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước, vốn do doanh nghiệp Nhà nước tự huy động và vốn tín dụng thương mại không do Nhà nước bảo lãnh: Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ quản lý chuyên ngành kỹ thuật tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán. Căn cứ tính chất, quy mô của công trình xây dựng, Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ có xây dựng chuyên ngành để cùng tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

2- Dự án nhóm B và C:

a) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý tài chính của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (được xác định trong Luật Ngân sách Nhà nước) và Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho cơ quan có chức năng quản lý xây dựng của mình thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc quyền quản lý.

b) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước:

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý giao cho cơ quan có chức năng quản lý xây dựng của mình thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình.

- Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước thuộc các Bộ, ngành và địa phương quản lý tự tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc dự án đầu tư nhóm C thuộc quyền quyết định đầu tư của Hội đồng quản trị Tổng công ty.

c) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, vốn do doanh nghiệp tự huy động và vốn tín dụng thương mại không do Nhà nước bảo lãnh thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội đồng quản trị các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước thì người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án tự tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình.

d) Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của tư nhân và các tổ chức kinh tế không thuộc các doanh nghiệp Nhà nước: chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật; cơ quan cấp giấy phép xây dựng thực hiện kiểm tra theo các nội dung khoản 4, Điều 10 của Quy định này trước khi cấp giấy phép xây dựng công trình.

3) Đối với các dự án do địa phương quản lý:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Xây dựng thẩm quyền thiét kế kỹ thuật và tổng dự toán. Căn cứ tính chất của dự án, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

Cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đối với các công trình thuộc các dự án được Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã quyết định đầu tư theo phân cấp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

4- Ngoài việc sử dụng lệ phí thẩm định theo khoản 5 Điều 37 Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ, khi cần thiết cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán thống nhất với cấp xét duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán thuê chuyên gia, các tổ chức tư vấn chuyên ngành cùng tham gia thẩm định (tổ chức tư vấn thiết kế không được tham gia thẩm định sản phẩm của mình).

Điều 12. Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

1- Dự án nhóm A:

Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước, vốn do doanh nghiệp tự huy động và vốn tín dụng thương mại không do Nhà nước bảo lãnh: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình của dự án đầu tư thuộc quyền quản lý.

2- Dự án nhóm B và C:

a) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý tài chính của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (được xác định trong Luật Ngân sách Nhà nước) và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc quyền quản lý.

b) Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu phát triển của Nhà nước:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc quyền quản lý.

- Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước các Bộ, ngành và địa phương quản lý phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình của dự án đầu tư nhóm C do mình quản lý.

c) Đối với công trình do các doanh nghiệp Nhà nước thuộc các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội đồng quản trị các Tổng công ty Nhà nước đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn tự đầu tư phát triển của Tổng công ty Nhà nước đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn tự đầu tư phát triển của doanh nghiệp, vốn do doanh nghiệp tụ huy động và vốn tín dụng thương mại không do Nhà nước bảo lãnh, người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình.

d) Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của tư nhân và các tổ chức kinh tế không thuộc các doanh nghiệp Nhà nước: chủ đầu tư tự ký duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

3- Đối với các dự án do địa phương quản lý:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc dự án nhóm B, C;

- Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc các Sở có xây dựng chuyên ngành phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các công trình thuộc dự án nhóm C theo uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đối với các công trình do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã quyết định đầu tư theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4- Nội dung quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán hợc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán được quy định theo Điều 38 khoản 1 và khoản 2 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ. Mẫu Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán theo phục lục 4 của Quy định này.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung thẩm định, phê duyệt quy định tại các Điều 37 và Điều 38 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.

Chương 3

GIÁM SÁT THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 14. Yêu cầu của công tác giám sát thi công.

1- Công tác giám sát thi công trong quá trình xây lắp công trình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hệ thống để ngăn ngừa các sai phạm kỹ thuật đảm bảo việc nghiệm thu khối lượng và chất lượng các công tác xây lắp của nhà thầu thi công theo thiết kế được duyệt, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng, các quy định về an toàn lao động và phù hợp với hợp đồng giao nhận thầu.

2- Tổ chức giám sát người thực hiện giám sát thi công phải có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận.

Điều 15. Các công tác giám sát trong quá trình thi công

Chủ đầu tư (hoặc đơn vị giám sát thi công xây dựng được chủ đầu tư thuê), đơn vị thiết kế, nhà thầu xây dựng phải có các bộ phận chuyên trách đảm bảo duy trì hoạt động kiểm tra toàn bộ quá trình thi công tư khi khởi công xây dựng công trình đến khi hoàn thành tổng nghiệm thu bàn giao công trình với các công việc cho từng loại giám sát theo Quy định này.

Điều 16. Công tác tự kiểm tra chất lượng của nhà thầu xây dựng.

1- Yêu cầu đối với công tác tự kiểm tra chất lượng: chấp hành đúng yêu cầu của thiết kế và các cam kết trong hợp đồng giao nhận thầu. Thực hiện đúng trình tự nghiệm thu tại Quy định này và Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành.

2- Nhà thầu xây dựng phải báo cáo đầy đủ quy trình, phương án tự kiểm tra chất lượng sản phẩm với chủ đầu tư để chủ đầu tư kiểm tra và giám sát thực hiện.

3- Nhà thầu xây dựng chỉ đề nghị chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu các công tác xây lắp đã hoàn thành sau khi bộ phận chuyên trách kiểm tra chất lượng của nhà thầu đã kiểm tra và xác nhận.

Điều 17. Giám sát thi công của chủ đầu tư.

1- Yêu cầu đối với các công tác giám sát thi công: chấp hành đúng quy định của thiết kế công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn kỹ thuật, các cam kết về chất lượng theo hợp đồng giao nhận thầu.

2- Trách nhiệm về giám sát thi công được quy định theo các giai đoạn trong quá trình thi công:

a) Giai đoạn chuẩn bị thi công: kiểm tra vật liệu ở hiện trường, không cho phép đưa vật liệu không phù hợp tiêu chuẩn về chất lượng và quy cách vào sử dụng tại công trình, kiểm tra thiết bị, không cho phép sử dụng thiết bị không phù hợp với công nghệ và chưa qua kiểm định. Trường hợp cần thiết phải lấy mẫu thí nghiệm các tính chất của vật liệu, cấu kiện, chế phẩm xây dựng.

b) Giai đoạn thực hiện xây, lắp:

- Theo dõi, giám sát thường xuyên công tác thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Kiểm tra hệ thống đảm bảo chất lượng, kế hoạch chất lượng của nhà thầu xây dựng nhằm bảo đảm việc thi công xây lắp theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Kiểm tra biện pháp thi công, tiến độ, biện pháp an toàn lao động mà nhà thầu xây dựng đề xuất;

- Kiểm tra xác nhận về khối lượng, chất lượng, tiến độ các công việc;

- Lập báo cáo tình hình chất lượng và tiến độ phục vụ giao ban thường kỳ của chủ đầu tư;

- Phối hợp với các bên liên quan giải quyết những phát sinh trong thi công;

- Thực hiện nghiệm thu các công tác xây lắp. Biên bản nghiệm thu trong giai đoạn xây lắp theo các phục lục 5, 6, 7 của Quy định này.

- Đối với những bộ phận, hạng mục công trình hoặc công trình trong quá trình thi công xây lắp có các hiện tượng giảm chất lượng, có độ lún vượt quá dự báo của thiết kế hoặc các quy định của các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành, trước khi nghiệm thu phải có văn bản đánh giá sự tác động xấu do lún đến công trình của đơn vị thiết kế, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

c) Giai đoạn hoàn thành xây dựng công trình:

- Tổ chức giám sát các chủ đầu tư phải kiểm tra, tập hợp toàn bộ hồ sơ pháp lý và tài liệu về quản lý chất lượng. Lập danh mục hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình xây dựng theo phụ lục 10 của Quy định này.

- Sau khi kiểm tra, nếu các hạng mục công trình đã hoàn thành có chất lượng đạt yêu cầu thiết kế được duyệt, phù hợp với tiêu chuẩn về nghiệm thu công trình, chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu lập thành biên bản theo phụ lục 8 của Quy định này.

Biên bản nghiệm thu hoàn thành xây dựng hạng mục hoặc công trình là căn cứ pháp lý để chủ đầu tư làm thủ tục bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, là cơ sở để quyết toán công trình.

Điều 18. Giám sát tác giả của đơn vị thiết kế.

1- Căn cứ để giám sát.

a) Hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tiến độ thi công tổng thể và thông báo của chủ đầu tư về lịch yêu cầu giám sát tác giả đã được các bên thống nhất;

c) Biện pháp và thuyết minh thi công tổng thể, biện pháp thi công chi tiết của các hạng mục công trình đặc biệt quan trọng.

2- Nội dung giám sát:

a) Giải thích tài liệu thiết kế công trình cho chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng để quản lý và thi công theo đúng yêu cầu thiết kế;

b) Theo dõi, phối hợp giải quyết các vướng mắc, thay đổi phát sinh thiết kế trong quá trình thi công;

c) Kiểm tra và tham gia nghiệm thu các bước chuyển tiếp giai đoạn thi công, các kết cấu hạng mục công trình quan trọng;

d) Giám sát thường xuyên đối với việc thi công các bộ phận hạng mục có thiết kế theo công nghệ tiên tiến.

e) Tham gia nghiệm thu từng giai đoạn xây lắp trong quá trình thi công.

3- Chế độ giám sát: Không thường xuyên.

Điều 19. Tổ chức nghiệm thu

1- Công tác nghiệm thu công trình phải được tiến hành từng đợt ngay sau khi làm xong những khối lượng công trình khuất, những kết cấu chịu lực, những bộ phận hay hạng mục công trình và toàn bộ công trình đồng thời bảo đảm giá trị khối lượng các công việc đã hoàn thành được nghiệm thu theo kỳ thanh toán của hợp đồng đã ký kết.

2- Việc nghiệm thu từng phần và toàn bộ công trình xây dựng do chủ đầu tư tổ chức thực hiện với sự tham gia của các đơn vị tư vấn, thiết kế, xây lắp, cung ứng thiết bị (nếu có). Cơ quan giám định chất lượng (cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng theo phân cấp) tham dự để kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Các biên bản nghiệm thu công tác xây lắp, hoàn thành giai đoạn xây lắp, nghiệm thu thiết bị chạy thử tổng hợp, nghiệm thu hạng mục hoặc công trình được lập theo các phụ lục 5, 6, 7, 8 của Quy định này.

Biên bản tổng nghiệm thu bàn giao công trình là văn bản pháp lý để chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư.

Đối với những bộ phận, hạng mục hoặc công trình có các yêu cầu phòng chống cháy nổ hoặc khi khai thác, sử dụng có tác động xấu đến môi trường và an toàn khi nghiệm thu đưa vào sử dụng phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý chuyển ngành kỹ thuật của Nhà nước về các yêu cầu nêu trên.

3- Đối với công trình quan trọng hoặc có yêu cầu kỹ thuật và công nghệ phức tạp thì Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hoặc Bộ trưởng các Bộ có dự án để kiểm tra, xem xét công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.

a) Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước được ghi trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng.

b) Hội đồng nghiệm thu Nhà nước của công trình phối hợp với cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư soạn thảo và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng.

c) Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước của công trình căn cứ vào tính chất đặc điểm, công năng của công trình để thành lập các Tiểu ban chuyên môn làm tư vấn cho Hội đồng.

d) Chủ đầu tư thành lập Hội đồng nghiệm thu cơ sở làm tư vấn cho chủ đầu trong công tác nghiệm thu và có trách nhiệm giúp Hội đồng nghiệp thu Nhà nước tổ chức thực hiện công tác nghiệm thu theo quy định.

e) Hội đồng nghiệm thu cơ sở không được cho phép bàn giao, đưa công trình vào khai thác vận hành, sử dụng khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chưa xem xét kết luận hoặc chưa lập biên bản nghiệm thu cấp Nhà nước. Hội đồng nghiệm thu cơ sở có trách nhiệm nghiệm thu công tác xây lắp đã hoàn thành, nghiệm thu chuyển bước thi công, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình đã hoàn thành để chủ đầu tư chính thức đề nghị Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra và tổ chức nghiệm thu. Biên bản nghiệm thu công trình đã hoàn thành của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước được lập theo phụ lục 9 của Quy định này.

g) Kinh phí hoạt động của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (kể cả của Hội đồng nghiệm thu cơ sở) được ghi trong tổng dự toán công trình.

Điều 20. Trường hợp có các nhà thầu nước ngoài tham gia tư vấn, kiểm định, giám sát, đăng kiểm chất lượng.

1- Các nhà thầu nước ngoài tham gia, kiểm định, giám sát, đăng kiểm chất lượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cam kết trong hợp đồng giao nhận thầu về chất lượng của các kết quả cung cấp, đồng thời chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành.

Các kết quả này là căn cứ để chủ đầu tư xem xét đánh giá phục vụ việc nghiệm thu công trình theo Quy định này.

2- Các cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát quá trình thực hiện của các nhà thầu nước ngoài; khi cần thiết có thể tổ chức kiểm tra kết quả công việc do các nhà thầu nước ngoài thực hiện.

Chương 4

BẢN HÀNH XÂY LẮP CÔNG TRÌNH VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH

Điều 21. Bảo hành xây lắp công trình

1- Bảo hành xây lắp công trình là sự đảm bảo bắt buộc theo luật pháp đối với nhà thầu xây dựng về chất lượng trong thời hạn tối thiểu bảo hành công trình đã quy định tại Điều 54 Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ. Nhà thầu xây dựng có nghĩa vụ thực hiện sửa chữa các hư hỏng do mình gây nên trong thời hạn bảo hành.

2- Nhà thầu không chịu trách nhiệm bảo hành xây lắp công trình trong các trường hợp sau:

a) Khi các hư hỏng công trình xây dựng trong thời hạn bảo hành không phải do lỗi của nhà thầu gây nên.

b) Trường hợp trong thời hạn bảo hành xây lắp công trình, mà bộ phận, hạng mục công trình, công trình do chủ đầu tư vi phạm pháp luật về xây dựng, bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc tháo dỡ thì nhà thầu xây dựng không có trách nhiệm bảo hành, mặc dù trong đó có sai sót về kỹ thuật xây dựng.

Điều 22. Bảo trì công trình.

1- Bảo trì công trình là sự đảm bảo bắt buộc theo luật pháp về chất lượng nhằm duy trì khả năng chịu lực, mỹ quan; duy trì sự sử dụng hoặc vận hành của bộ phận, hạng mục, công trình đã hoạt động theo một chu kỳ thời gian do đơn vị thiết kế và nhà chế tạo quy định cần phải sửa chữa, thay thế, phục hồi, bảo đảm tuổi thọ và an toàn vận hành.

Chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo trì công trình theo quy định của đơn vị thiết kế được ghi trong thuyết minh thiết kế kỹ thuật và quy trình bảo trì của nhà chế tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2- Thời hạn bảo trì công trình:

a) Đối với công trình dân dụng và công nghiệp: thời hạn bảo trì các công trình được tính từ ngày nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng cho đến khi niên hạn sử dụng theo quy định về cấp công trình.

Trường hợp công trình vượt quá niên hạn sử dụng, phải có văn bản của đơn vị tư vấn, kiểm định công trình đánh giá hiện trạng làm cơ sở cho cơ quan quản lý cấp trên xem xét, quyết định.

b) Đối với các công trình chuyên ngành: còn phải tuân thủ các quy định của Bộ có xây dựng chuyên ngành về thời hạn bảo trì công trình.

3- Cấp bảo trì:

a) Cấp bảo trì được quy định có 04 cấp như sau:

- Duy tu, bảo dưỡng.

- Sửa chữa nhỏ.

- Sửa chữa vừa.

- Sửa chữa lớn.

b) Đối với cấp duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, chủ quản lý sử dụng phải lập kế hoạch bảo trì theo định kỳ hàng năm.

c) Đối với cấp sửa chữa vừa, sửa chữa lớn có liên quan đến an toàn trong vận hành khai thác, sử dụng công trình, căn cứ vào quy mô của công việc thì chủ quản lý sử dụng công trình phải lập báo cáo đầu tư hoặc dự án đầu tư theo quy định của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.

4- Trách nhiệm về bảo trì công trình:

a) Đối với công trình được Nhà nước giao quyền quản lý sử dụng, chủ quản lý sử dụng công trình phải:

- Tuân thủ các chỉ dẫn kỹ thuật trong quy trình bảo trì của đơn vị thiết kế công trình khi vận hành khai thác, sử dụng;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chất lượng công trình bị xuống cấp, không duy trì được khả năng chịu lực của kết cấu, bộ phận công trình, hạng mục công trình và vận hành không an toàn do không thực hiện bảo trì công trình theo quy định.

b) Trường hợp thông qua hợp đồng thuê để sử dụng công trình, người cho thuê sử dụng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thực hiện bảo trì công trình theo quy định.

Chương 5

SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 23. Trình tự giải quyết sự cố công trình.

1- Tất cả các công trình xây dựng thuộc các loại nguồn vốn đầu tư, hinh thức sở hữu, đang thi công, đã xây dựng song hoặc sử dụng khi xảy ra sự cố phải được giải quyết theo trình tự sau:

a) Khẩn cấp cứu người bị nạn (nếu có);

b) Có biện pháp ngăn chặn kịp thời để tránh nguy hiểm có thể tiếp tục xẩy ra;

c) Bảo vệ hiện trường xảy ra sự cố;

d) Báo ngay với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

2- Trong thời hạn 24 giờ sau khi xảy ra sự cố, nhà thầu xây dựng, người sử dụng hoặc chủ đầu tư (tuỳ thuộc tình hình thi công hoặc sử dụng công trình) phải báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Điều 3 của Quy định này) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khác theo mẫu tại phụ lục 14 của Quy định này để điều tra và xử lý sự cố.

3- Lập hồ sơ sự cố công trình xây dựng:

a) Khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, nhà thầu xây dựng, người sử dụng hoặc chủ đầu tư căn cứ vào mức độ hư hỏng do sự cố gây ra để lập hồ sơ sự cố hoặc lập báo cáo sự cố. Trường hợp phải lập hồ sơ sự cố có thể thuê một đơn vị tư vấn xây dựng (có từ cách pháp nhân, có đăng ký hoạt động xây dưng) để thực hiện.

b) Những công việc phải thực hiện khi lập hồ sơ của sự cố công trình:

- Biên bản kiểm tra hiện trường khi sự cố đã xảy ra;

- Kết quả đo, vẽ (kể cả quay phim, chụp ảnh) hiện trạng sự cố, trong đó cần lưu ý các bộ phận, chi tiết kết cấu chịu lực quan trọng, các vết nứt, gãy, các hiện tượng lún, sụt và các chi tiết khác cần thiết cho việc nghiên cứu; kết quả thí nghiệm các vật mẫu để xác định chất lượng vật liệu, kết cấu của công trình bị sự cố để phân tích xác định nguyên nhân của sự cố;

- Các tài liệu khác về công trình như: những thay đổi, bổ sung thiết kế; những sai lệch trong thi công so với thiết kế được duyệt; các hiện tượng chất tải hoặc sử dụng công trình không đúng quy định của thiết kế, quy trình vận hành sử dụng và bảo trì;

- Mô tả diễn biến của sự cố và phân tích xác định nguyên nhân của sự cố.

c) Thu dọn và xoá bỏ hiện trường sự cố:

- Sau khi có đầy đủ hồ sơ đáp ứng cho việc nghiên cứu, phân tích và xác định nguyên nhân gây nên sự cố công trình xây dựng, cơ quan chủ trì giải quyết sự cố cho phép nhà thầu xây dựng, người sử dụng hoặc chủ đầu tư tiến hành thu dọn, xoá bỏ hiện trường.

- Trường hợp phải cứu người bị nạn, ứng cứu đê, đập, cầu cống, thông cầu, thông đường hoặc ngăn ngừa sự cố tiếp theo đòi hỏi phải nhanh chóng tháo dỡ hoặc thu dọn hiện trường xảy ra sự cố thì trước khi tháo dỡ hoặc thu dọn, nhà thầu xây dựng người sử dụng hoặc chủ đầu tư cũng phải tiến hành chụp ảnh, quay phim và thu thập, ghi chép đến mức tối đa các yêu cầu quy định tại Điều này.

d) Khắc phục sự cố:

- Việc sửa chữa hoặc xây dựng lại công trình bị sự cố phải đảm bảo khắc phục triệt để các nguyên nhân gây nên sự cố đã xác định tại biên bản giải quyết sự cố.

- Chi phí cho công việc khắc phục sự cố do đơn vị hoặc cá nhân gây nên sự cố chịu.

- Trường hợp sự cố do nguyên nhân bất khả kháng thì chủ đầu tư chịu chi phí cho việc khắc phục sự cố hoặc cơ quan bảo hiểm chịu chi phí (đối với công trình có mua bảo hiểm).

- Trường hợp sự cố gây ra hậu quả nghiêm trọng (gây tai nạn chết người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước), người có lỗi có thể còn bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.

Điều 24. Phân cấp về điều tra, giải quyết sự cố và tiếp nhận thông báo sự cố công trình.

1- Đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư nhóm A: Bộ Xây dựng chủ trì giải quyết, có sự tham gia của Sở Xây dựng địa phương nơi đặt công trình, Bộ quản lý ngành hoặc Bộ có xây dựng chuyên ngành (nếu là công trình xây dựng chuyên ngành) và các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước khác có liên quan.

2- Đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư nhóm B, C: Sở Xây dựng chủ trì giải quyết, có sự tham gia của Sở quản lý ngành hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành (nếu là công trình xây dựng chuyên ngành) và các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước khác có liên quan tại địa phương.

3- Đối với công trình nhà ở của dân: cơ quan chức năng quản lý xây dựng (phòng xây dựng) của Uỷ ban nhân dân cấp huyện chủ trì giải quyết. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì giải quyết sự cố công trình có thể mời đại diện Sở Xây dựng và các chuyên gia khoa học, kỹ thuật để tư vấn.

Chương 6

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 25. Công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng.

Công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cơ quan quản lý trực tiếp của chủ đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, kịp thời đề ra các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, loại trừ các hành vi vi phạm về chất lượng công trình xây dựng. Công tác kiểm tra phải được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất trong suốt quá trình thực hiện xây dựng và sử dụng công trình.

Điều 26. Xử lý các vi phạm quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Xử lý các vi phạm quản lý chất lượng công trình xây dựng được thực hiện theo Điều 68 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ, các điều trong Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Chương 7

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định khác trái với Quy định này bị bãi bỏ.

Điều 28. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

PHỤ LỤC 1

NỘI DUNG, SỐ LƯỢNG HỒ SƠ THIẾT KẾ

I. NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ

A. NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ SƠ BỘ

1. Phần thuyết minh:

1.1. Căn cứ để lập thiết kế sơ bộ:

- Các nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi.

- Danh mục Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng.

- Yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ.

- Điều kiện tự nhiên và kỹ thuật: địa hình, địa chất công trình, khí tượng, thuỷ văn, động đất tại khu vực xây dựng, tác động của môi trường, hiện trạng chất lượng công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng...

1.2. Thuyết minh thiết kế công nghệ:

- Phương án công nghệ, dây chuyền công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu;

- Phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...

1.3. Thuyết minh thiết kế xây dựng:

- Phương án kiến trúc phù hợp với quy hoạch, công nghệ, yêu cầu sử dụng và cảnh quan môi trường...;

- Phương án xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng...;

- Khối lượng sơ bộ các công tác xây lắp, vật tư vật liệu, máy móc thiết bị... chủ yếu của công trình.

1.4. Phân tích kinh tế - kỹ thuật:

- Các căn cứ xác định tổng mức đầu tư;

- Tổng mức đầu tư;

- So sánh, lựa chọn phương án công nghệ và xây dựng.

2. Phần bản vẽ:

- Mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình trên bản đồ;

- Bố trí tổng mặt bằng (nêu rõ diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng...);

- Phương án kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và các mặt cắt chính của công trình; phối cảnh công trình; mô hình (nếu cần thiết).

- Phương án xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng...;

- Phương án bố trí dây chuyền công nghệ;

- Phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...

B. NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN

1. Phần thuyết minh:

1.1. Căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật:

- Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư);

- Thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt;

- Tóm tắt nội dung thiết kế sơ bộ (quy hoạch, kiến trúc, phương án xây dựng, công nghệ...);

- Danh mục Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế mẫu được áp dụng;

- Yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ;

- Điều kiện tự nhiên và kỹ thuật: địa hình, địa chất công trình, khí tượng, thuỷ văn, động đất tại khu vực xây dựng, tác động của môi trường, hiện trạng chất lượng công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng...

1.2. Thuyết minh thiết kế công nghệ:

- Giải pháp công nghệ, dây chuyền công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu;

- Danh mục máy móc thiết bị công nghệ;

- Hệ thống kỹ thuật đi kèm công nghệ;

- Giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...

- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.

1.3. Thuyết minh thiết kế xây dựng:

- Giải pháp kiến trúc phù hợp với quy hoạch, công nghệ, yêu cầu sử dụng và cảnh quan môi trường...;

- Giải pháp xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng...;

- Danh mục phần mềm sử dụng, diễn giải các bước tính toán chủ yếu;

- Tổng hợp khối lượng các công tác xây lắp, vật tư vật liệu, máy móc thiết bị.... chủ yếu của từng hạng mục và toàn bộ công trình;

- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp...);

- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.

2. Phần bản vẽ:

- Triển khai mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình trên bản đồ;

- Triển khai tổng mặt bằng (nêu rõ diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng...);

- Giải pháp kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chính của các hạng mục và toàn bộ công trình, phối cảnh công trình;

- Giải pháp xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng... (chưa yêu cầu triển khai vật liệu);

- Chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp (nút khung, mắt dàn, neo cốt thép đối với các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước...);

- Bố trí dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị...;

- Bảo vệ môi trưòng, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...;

- Phần bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các chi tiết cần thiết để không bị nhầm lẫn khi lập bản vẽ thi công.

3. Phần tổng dự toán:

- Các căn cứ để lập tổng dự toán;

- Diễn giải tiên lượng và các phụ lục cần thiết;

- Tổng hợp khối lượng xây lắp, máy móc thiết bị... của các hạng mục và toàn bộ công trình (đủ điều kiện để lập hồ sơ mời thầu);

- Tổng dự toán công trình.

C. NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ BẢN VẼ THI CÔNG - DỰ TOÁN

I. Phân bản vẽ:

- Chi tiết mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình trên bản đồ;

- Chi tiết tổng mặt bằng (nêu rõ diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng...);

- Chi tiết kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chính của các hạng mục công trình và toàn bộ công trình, phối cảnh công trình;

- Chi tiết xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng... (yêu cầu triển khai vật liệu);

- Chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp (nút khung, mắt dàn, neo cốt thép đối với các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước...), các chi tiết xây dựng khác;

- Chi tiết bố trí dây chuyền công nghệ, máy có thiết bị...;

- Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...;

- Liệt kê khối lượng các công tác xây lắp, vật tư vật liệu, máy móc thiết bị... của các hạng mục và toàn bộ công trình;

- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp...);

- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.

2. Phần dự toán:

- Căn cứ để lập dự toán;

- Diễn giải tiên lượng và các phụ lục cần thiết;

- Dự toán của các hạng mục công trình và tổng hợp dự toán của toàn bộ công trình.

D. NỘI DUNG HỒ SỚ THIẾT KẾ KỸ THUẬT - THI CÔNG

- Phần thuyết minh và tổng dự toán: theo mục B của phụ lục này;

- Phần bản vẽ: theo mục C của phụ lục này.

II. SỐ LƯỢNG HỒ SƠ THIẾT KẾ

1. Đối với thiết kế sơ bộ:

Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 08 bộ để gửi đến:

- Cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (05 bộ đi kèm báo cáo nghiên cứu khả thi);

- Chủ đầu tư (02 bộ đi kèm báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó 01 bộ gửi cơ quan thẩm định TKKT - TDT);

- Cơ quan cấp phép xây dựng (01 bộ).

2. Đối với thiết kế kỹ thuật:

Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 07 bộ để gửi đến:

- Cơ quan phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (01 bộ);

- Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (01 bộ);

- Chủ đầu tư (02 bộ, trong đó 01 bộ gửi cơ quan PCCC để thẩm định về PCCC);

- Cơ quan cấp phép xây dựng (01 bộ);

- Nhà thầu xây lắp (01 bộ);

- Cơ quan lưu trữ theo phân cấp của Nhà nước về lưu trữ hồ sơ tài liệu (01 bộ).

3. Đối với thiết kế kỹ thuật - thi công:

Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 09 bộ để gửi đến:

- Cơ quan phê duyệt thiết kế kỹ thuật - thi công và tổng dự toán (01 bộ);

- Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật - thi công và tổng dự toán (01 bộ);

- Chủ đầu tư (03 bộ, trong đó 01 bộ gửi cơ quan PCCC để thẩm định về PCCC);

- Cơ quan cấp giấy phép xây dựng (01 bộ);

- Nhà thầu xây lắp (02 bộ);

- Cơ quan lưu trữ theo phân cấp của Nhà nước về lưu trữ hồ sơ tài liệu (01 bộ).

4. Đối với thiết kế bản vẽ thi công:

Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 05 bộ để gửi đến:

- Chủ đầu tư (02 bộ);

- Nhà thầu xây lắp (03 bộ).

Ghi chú: Chi phí lập hồ sơ theo số lượng nêu trên được tính trong giá thiết kế.

PHỤ LỤC 2

Tên chủ đầu tư

Số:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

TỜ TRÌNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH

Kính gửi:

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD, ngày 12/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số.... ngày..... của Bộ Xây dựng hướng dẫn....
Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư)......
Chủ đầu tư trình thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình.... thuộc dự án đầu tư............... do đơn vị tư vấn xây dựng........ lập với các nội dung sau:

1. Tên công trình..................

Thuộc dự án đầu tư................

- Tổng mức đầu tư.

- Địa điểm xây dựng, diện tích chiếm đất.

2. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình:

Hồ sơ TKKT công trình được lập phù hợp với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, tuân thủ Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng, cấp công trình, đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình. Các thông số kỹ thuật chủ yếu (có phân tích so sánh với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt)............

- Biên bản nghiệm thu hồ sơ khảo sát, TKKT giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế.

- Có phụ lục kèm theo nêu rõ danh mục các hạng mục công trình, số lượng bản vẽ của từng hạng mục công trình.

3. Hồ sơ tổng dự toán trình:

- Hồ sơ tổng dự toán công trình được lập trên cơ sở các định mức, đơn giá, chế độ, chính sách tại thời điểm trình tổng dự toán; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu (có phân tích so sánh với tổng mức đầu tư trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt)...........

- Biên bản nghiệm thu hồ sơ TDT giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập tổng dự toán (nếu có).

- Có phụ lục kèm theo nêu rõ danh mục các hạng mục công trình, diễn giải tổng dự toán công trình.

Chủ đầu tư trình.......... thẩm định và phê duyệt TKKT-TDT công trình.........

Nơi nhận:

Chủ đầu tư:

(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 3

Tên cơ quan thẩm định

Số:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH...............

Kính gửi:

Cơ quan thẩm định...... đã nhận tờ trình số..... ngày....... của....... trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình......... thuộc dự án đầu tư......... kèm theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình.

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD, ngày 12/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số...... ngày....... của Bộ Xây dựng hướng dẫn.......
Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư)...........
Sau khi xem xét, Cơ quan thẩm định báo cáo kết quả thẩm định TKKT - TDT công trình như sau:

- Tên công trình...................... thuộc dự án đầu tư.........................

- Chủ đầu tư;

- Theo Quyết định phê duyệt đầu tư số........ ngày......... của...........

- Tổng mức đầu tư đã được phê duyệt;

- Địa điểm xây dựng, diện tích chiếm đất;

- Đơn vị tư vấn thiết kế và lập tổng dự toán.

1. Nội dung và chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật:

2. Kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật:

- Tư cách pháp lý của đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế và lập tổng dự toán:

- Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với thiết kế sơ bộ và nội dung đã được phê duyệt trong quyết định phê duyệt đầu tư về quy mô, công nghệ, công suất, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu, quy hoạch, kiến trúc, cấp công trình, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;

- Sự hợp lý của giải pháp thiết kế kỹ thuật (từng hạng mục và toàn bộ công trình): công nghệ; qui hoạch, kiến trúc; gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính; hệ thống kỹ thuật trong nhà, cơ điện; công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông...);

- Bảo vệ môi trường môi sinh; phòng chống cháy, nổ; an toàn trong quá trình xây dựng; an toàn sử dụng công trình; an toàn đê điều (nếu có); an toàn giao thông (nếu có);

- Những sửa đổi so với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, kiến nghị chấp nhận hay không chấp nhận.

3. Nội dung và chất lượng hồ sơ tổng dự toán công trình:

4. Kết quả thẩm định tổng dự toán công trình:

- Sự hợp lý khi áp dụng các định mức, đơn giả, các chế độ, chính sách có liên quan và các chi phí theo quy định của Nhà nước;

- Sự phù hợp giữa khối lượng xác định theo thiết kế kỹ thuật và khối lượng tính trong tổng dự toán;

- Giá trị tổng dự toán kể cả thiết bị; so sánh với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

5. Kết luận:

- Cơ quan thẩm định đề nghị.................... xem xét và quyết định.

- Trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thiện TKKT - TDT.

Nơi nhận:

Thủ trưởng

Cơ quan thẩm định:

(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 4

Tên cơ quan phê duyệt

Số:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

QUYẾT ĐỊNH

CỦA............. PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH..............

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN PHÊ DUYỆT.........

Căn cứ Nghị định số.... ngày....... của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của...............
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD, ngày 12/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số.... ngày.... của Bộ Xây dựng hướng dẫn............
Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư).........
Căn cứ kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của cơ quan thẩm định.............
- Xét tờ trính số........ ngày........ của..........

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình......... thuộc dự án đầu tư..........

- Chủ đầu tư;

- Đơn vị tư vấn thiết kế và lập tổng dự toán;

- Địa điểm xây dựng, diện tích chiếm đất;

- Các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu;

- Quy mô (từng hạng mục và toàn bộ công trình), công suất, cấp công trình;

- Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;

- Các giải pháp thiết kế (từng hạng mục và toàn bộ công trình):

+ Công nghệ

+ Qui hoạch, kiến trúc

+ Gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính

+ Hệ thống kỹ thuật trong nhà; cơ điện

+ Công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông...)

+ Bảo vệ môi trường môi sinh; phòng chống cháy, nổ; an toàn trong quá trình xây dựng; an toàn sử dụng công trình; an toàn đê điều (nếu có); an toàn giao thông (nếu có);

- Những sửa đổi so với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt;

- Tổng dự toán (tại thời điểm trình tổng dự toán)..........

Trong đó:

.........................

.........................

.........................

.........................

Tổng dự toán là căn cứ để quản lý chi phí xây dựng (có phụ lục chi tiết kèm theo);

- Tổng tiến độ (đối với những dự án phải phê duyệt tổng tiến độ).

Điều 2: Trách nhiệm của chủ đầu tư và của đơn vị tư vấn hoàn thiện TKKT - TDT (nếu có).

Điều 3: Trách nhiệm của các cơ quan liên quan thi hành quyết định.

Nơi nhận:

Thủ trưởng

Cơ quan thẩm định:

(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 5

Tên chủ đầu tư

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

BIÊN BẢN

NGHIỆM THU CÔNG TÁC XÂY LẮP (CÔNG VIỆC, BỘ PHẬN, CẤU KIỆN, THIẾT BỊ)

Công trình

Hạng mục công trình:

Địa điểm xây dựng:

Tên công tác xây lắp (công việc, bộ phận, cấu kiện, thiết bị) được nghiệm thu:

Thời gian nghiệm thu:

Bắt đầu: .............. ngày........ tháng......... năm..........

Kết thúc: ............. ngày........ tháng......... năm..........

Tại công trình.

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện chủ đầu tư (hoặc tư vấn giám sát thi công xây lắp):

- Đại diện nhà thầu xây lắp:

Các bên đã tiến hành:

1. Xem xét các hồ sơ, tài liệu sau:

- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;

- Tiểu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, kiểm tra và nghiệm thu;

- Các tài liệu kiểm tra chất lượng.

2. Kiểm tra tại hiện trường:

Thứ tự

Đối tương kiểm tra

Nội dung kiểm tra

Bản vẽ thi công số

Phương pháp k/tra

Tiêu chuẩn kỹ thuật

Kết quả kiểm tra

..........

.....................

...................

...................

...................

...................

................

..........

.....................

...................

...................

...................

...................

................

3. Nhận xét về chất lượng:

- Thời gian thi công (bắt đầu, hoàn thành);

- Chất lượng thi công.

4. Những sửa đổi so với thiết kế đã được phê duyệt (nếu có):

5. Kiến nghị:

6. Kết luận:

- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu để triển khai các công việc tiếp theo.

- Yêu cầu và thời hạn phải sửa chữa xong những khiếm khuyết mới triển khai các công việc tiếp theo.

Các phụ lục kèm theo:

Các bên tham gia nghiệm thu ký tên:

- Đại diện chủ đầu tư (hoặc tư vấn giám sát thi công xây lắp):

- Đại diện nhà thầu xây lắp:

PHỤ LỤC 6

Tên chủ đầu tư

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

BIÊN BẢN

SỐ …NGHIỆM THU HOÀN THÀNH GIAI ĐOẠN XÂY LẮP

Công trình:

Hạng mục công trình:

Địa điểm xây dựng:

Tên giai đoạn xây lắp được nghiệm thu:

Thời gian nghiệm thu:

Bắt đầu: ........... ngày.......... tháng.......... năm........

Kết thúc:........... ngày.......... tháng.......... năm........

Tại công trình.

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện chủ đầu tư:

- Đại diện đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp (nếu có):

- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:

- Đại diện nhà thầu xây lắp:

- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):

- Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu:

Các bên đã tiến hành:

1. Xem xét các hồ sơ, tài liệu sau:

- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;

- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, kiểm tra và nghiệm thu;

Các tài liệu kiểm tra chất lượng, khối lượng;

- Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng.

2. Kiểm tra tại hiện trường:

3. Nhận xét về chất lượng, khối lượng:

- Thời gian thi công (bắt đầu, hoàn thành);

- Chất lượng thi công so với thiết kế đã được phê duyệt;

- Khối lượng theo thiết kế đã được phê duyệt;

- Khối lượng đã thực hiện.

4. Những sửa đổi so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn):

5. Kiến nghị:

6. Kết luận:

- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu để triển khai các công việc tiếp theo.

- Yêu cầu và thời hạn phải sửa chữa xong những khiếm khuyết mới triển khai các công việc tiếp theo.

Các phụ lục kèm theo:

Đại diện chủ đầu tư:

(Ký tên, đóng dấu)

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp (nếu có):

- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:

- Đại diện nhà thầu xây lắp:

- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):

- Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu:

PHỤ LỤC 7

Tên chủ đầu tư

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

BIÊN BẢN

NGHIỆM THU THIẾT BỊ KHI THỬ TỔNG HỢP

Công trình:

Hạng mục công trình:

Địa điểm xây dựng:

Thiết bị được nghiệm thu:

Thuộc thành phần của:

Lắp đặt tại:

Do................ chế tạo, xuất xưởng ngày.............

Do................ lắp đặt

Thời gian nghiệm thu:

Bắt đầu: ............ ngày............ tháng............ năm............

Kết thúc: ........... ngày............ tháng............ năm............

Tại công trình.

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện chủ đầu tư:

- Đại diện nhà thầu lắp đặt thiết bị:

- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):

- Đại diện đơn vị tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị:

- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:

- Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu:

Các bên đã tiến hành

1. Xem xét các hồ sơ, tài liệu sau:

- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;

- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi lắp đặt, kiểm tra và nghiệm thu;

- Các biên bản nghiệm thu từng phần của chủ đầu tư;

- Các tài liệu kiểm tra chất lượng, khối lượng;

- Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng.

2. Kiểm tra tại hiện trường các thiết bị đã lắp đặt xong:

3. Nhận xét về chất lượng, khối lượng:

- Thời gian thi công (bắt đầu, hoàn thành);

- Chất lượng thi công so với thiết kế đã được phê duyệt;

- Khối lượng theo thiết kế đã được phê duyệt;

- Khối lượng đã thực hiện.

4. Công suất đưa vào vận hành:

- Công suất theo thiết kế đã được phê duyệt;

- Công suất theo thực tế đạt được.

5. Những sửa đổi so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn):

6. Kiến nghị:

7. Kết luận:

- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu để triển khai các công việc tiếp theo.

- Yêu cầu và thời hạn phải sửa chữa xong những khiếm khuyết mới triển khai các công việc tiếp theo.

Các phụ lục kèm theo:

Đại diện chủ đầu tư:

(Ký tên, đóng dấu)

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện chủ đầu tư:

- Đại diện nhà thầu lắp đặt thiết bị:

- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):

- Đại diện đơn vị tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị:

- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:

- Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu:

PHỤ LỤC 8

Tên chủ đầu tư

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

BIÊN BẢN

NGHIỆM THU ĐƯA HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH HOẶC CÔNG TRÌNH ĐÃ HOÀN THÀNH VÀO SỬ DỤNG

Công trình:

Hạng mục công trình:

Địa điểm xây dựng:

Chủ đầu tư công trình:

Các đơn vị tư vấn thiết kế (nêu rõ các công việc và số của hợp đồng thực hiện):

- Thầu chính thiết kế.

- Các thầu phụ thiết kế.

Cơ quan thẩm định và phê duyệt thiết kế, tổng dự toán (nêu rõ số của văn bản thẩm định và quyết định phê duyệt):

Các nhà thầu xây lắp (nêu rõ các công việc và số của hợp đồng thực hiện):

- Nhà thầu chính xây lắp.

- Các nhà thầu phụ xây lắp.

Các đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp (nêu rõ các công việc và số của hợp đồng thực hiện):

Thời gian tiến hành nghiệm thu:

Bắt đầu: ........... ngày......... tháng........ năm........

Kết thúc: .......... ngày......... tháng........ năm........

Tại công trình.

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện chủ đầu tư:

- Đại diện nhà thầu chính xây lắp:

- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:

- Đại diện đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp:

- Đại diện đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng hoặc vận hành khai thác công trình:

- Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu:

Các bên lập biên bản này về những nội dung sau:

1. Tên công trình (giới thiệu chung về kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật, công nghệ, các thông số kỹ thuật chủ yếu...).

2. Công tác xây lắp công trình (nêu tóm tắt quá trình thi công xây lắp các hạng mục và toàn bộ công trình).

3. Các bên đã xem xét các hồ sơ, tài liệu sau:

- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;

- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, kiểm tra và nghiệm thu;

- Các biên bản nghiệm thu từng phần của chủ đầu tư;

- Các tài liệu kiểm tra chất lượng, khối lượng;

- Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng.

4. Kiểm tra tại hiện trường:

Trên cơ sở xem xét các hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình và kiểm tra công trình tại hiện tượng, các bên xác nhận những điểm sau đây:

1. Thời hạn thi công xây dựng công trình:

- Ngày khởi công;

- Ngày hoàn thành.

2. Quy mô dưa vào sử dụng của hạng mục công trình hoặc công trình (quy mô xây dựng, công suất, công nghệ, các thông số kỹ thuật chủ yếu...):

- Theo thiết kế đã được phê duyệt;

- Theo thực tế đạt được.

3. Khối lượng đã thực hiện (nêu khối lượng chính của các công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị chủ yếu):

- Theo thiết kế đã được phê duyệt;

- Theo thực tế đạt được.

4. Các biện pháp phòng chóng cháy nổ, an toàn lao động, an toàn vận hành, bỏ vệ môi trường, an toàn đê điều (nếu có), an toàn giao thông (nếu có)... (nêu tóm tắt).

5. Chất lượng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các hạng mục và toàn bộ công trình so với yêu cầu của thiết kế đã được phê duyệt.

6. Những sửa đổi trong quá trình thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn).

7. Kiến nghị:

8. Kết luận:

- Chấp nhận (hay không chấp nhận) nghiệm thu đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào sử dụng.

- Yêu cầu và thời hạn phải sửa chữa xong các khiếm khuyết mới đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào sử dụng.

Các phụ lục kèm theo:

Đại diện chủ đầu tư:

(Ký tên và đóng dấu)

Các bên tham gia nghiệm thu:

- Đại diện chủ đầu tư:

- Đại diện nhà thầu chính xây lắp:

- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:

- Đại diện đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp:

- Đại diện đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng hoặc vận hành khai thác công trình:

- Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu:

PHỤ LỤC 9

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước

Công trình:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày.... tháng... năm...

BIÊN BẢN

NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH..................

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình............ được thành lập theo Quyết định số........... ngày........... của Thủ tướng Chính phủ, đã tiến hành kiểm tra, xem xét công tác nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở và đánh giá chất lượng công trình............

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã họp ngày...... tại.... và lập biên bản theo những nội dung sau:

1. Tiến trình làm việc của Hội đồng (nêu tóm tắt những công việc đã thực hiện).

2. Đánh giá của Hội đồng:

Trên cơ sở đồ án thiết kế công trình được duyệt, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được chấp thuận sử dụng...., hồ sơ hoàn thành công trình do chủ đầu tư cung cấp, kết quả kiểm tra tại hiện trường, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình của Hội đồng nghiệm thu cơ sở và báo cáo kết quả phúc tra của các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Hội đồng đánh giá.

- Về hiện trạng công trình đã hoàn thành;

- Về kết quả nghiệm thu công trình của Hội đồng nghiệm thu cơ sở;

- Về chất lượng công trình và khối lượng đã thực hiện:

+ Phần xây dựng

+ Phần thiết bị công nghệ;

- Về những ảnh hưởng của công trình (khi sử dụng hoặc vận hành, khai thác) đến môi trường, môi sinh và các biện pháp khắc phục (nếu có);

- Về các biện pháp phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn vận hành, an toàn đê điều (nếu có), an toàn giao thông (nếu có)....

- Về những vấn đề có liên quan khác (nếu có);

- Về chất lượng hồ sơ hoàn thành công trình do chủ đầu tư cung cấp.

3. Kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước:

(Kết luận và quyết định của Hội đồng về việc nghiệm thu công trình: chấp nhận hay không chấp nhận kết quả nghiệm thu công trình và đề nghị của Hội đồng nghiệm thu cơ sở; đánh giá tổng quát).

4. Những yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước:

(Những yêu cầu của Hội đồng đối với chủ đầu tư, Hội đồng nghiệm thu cơ sở và các cơ quan liên quan đến công trình - nếu có).

Chủ tịch

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước

Công trình.......

(Họ tên, chức vụ đương nhiệm)

(Ký tên, đóng dấu)

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước:

(Chữ ký, họ tên, chức vụ đương nhiệm)

PHỤ LỤC 10

Tên chủ đầu tư

DANH MỤC

HỒ SƠ TÀI LIỆU HOÀN THÀNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

A. Hồ sơ pháp lý

1. Quyết định phê duyệt đầu tư của cấp có thẩm quyền.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền về:

- Quy hoạch, kiến trúc;

- Thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán;

- Thiết kế và thiết bị phòng cháy chữa cháy;

- Bảo vệ môi trường;

- Đầu nối với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (cấp nước, thoát nước, cấp diện, giao thông...);

- An toàn đê điều (nếu có), an toàn giao thông (nếu có).

4. Chứng chỉ năng lực hoạt động của các đơn vị tư vấn xây dựng trong nước:

- Tư vấn xây dựng (khảo sát, thiết kế kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật, cơ điện, công nghệ, phòng chống cháy, thông tin liên lạc...);

- Tư vấn giám sát thi công xây lắp;

- Tư vấn kiểm định chất lượng xây dựng (nếu có).

5. Chứng chỉ năng lực hoạt động của các nhà thầu xây lắp chính, phụ trong nước.

6. Giấy phép thầu xây dựng tại Việt Nam của các nhà thầu nước ngoài (thầu tư vấn xây dựng, thầu xây lắp...).

7. Hợp đồng thi công công trình giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính xây lắp (ghi số, ngày, tháng của hợp đồng).

8. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Báo cáo khảo sát địa chất công trình do...... lập.....

10. Biên bản kiểm tra (nghiệm thu hoàn thành) của cấp có thẩm quyền về:

- Thực hiện giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng);

- Chỉ giới đất xây dựng;

- Phòng cháy chữa cháy, chống sét;

- Bảo vệ môi trường;

- An toàn lao động, an toàn vận hành;

- Đầu nối với công trình kỹ thuật bên ngoài hàng rào (cấp diện, cấp nước, thoát nước, giao thông....);

- An toàn đê điều (nếu có), an toàn giao thông (nếu có);

- Thông tin liên lạc (nếu có).

B. Tài liệu quản lý chất lượng

1. Bản vẽ hoàn công các hạng mục và toàn bộ công trình về kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật, lắp đặt máy móc thiết bị, cơ điện, hoàn thiện... (có danh mục bản vẽ hoàn công).

2. Các chứng chỉ kỹ thuật và các phiếu kiểm tra xác nhận chất lượng vật liệu và máy móc thiết bị sử dụng trong công trình:

- Chứng chỉ kỹ thuật xác nhận chất lượng bê tông, cốt thép, kết cấu thép, máy móc thiết bị... của nơi sản xuất;

- Phiếu kiểm tra chất lượng bê tông, cốt thép, kết cấu thép... thông qua mẫu lấy tại hiện trường do một tổ chức chuyên môn có tư cách pháp nhân và năng lực thực hiện.

3. Các tài liệu đo đạc, quan trắc lún và biến dạng các hạng mục công trình trong thời gian xây dựng.

4. Báo cáo kết quả các thí nghiệm hiện trường (sức chịu tải của cọc móng; điện trở nối đất....).

5. Biên bản thí nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành thử các máy móc thiết bị.

6. Biên bản thử các thiết bị thông tin liên lạc, các thiết bị bảo vệ.

7. Biên bản thử các thiết bị phòng chống cháy nổ.

8. Biên bản kiểm định môi sinh, môi trường (đối với các công trình thuộc các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường).

9. Nhật ký theo dõi thi công của chủ đầu tư (hoặc của đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp), nhà thầu và đơn vị tư vấn thiết kế (giám sát tác giả).

10. Biên bản nghiệm thu công tác xây lắp, giai đoạn xây lắp, hạng mục công trình, nghiệm thu lắp đặt thiết bị khi thử tổng hợp, nghiệm thu để đưa công trình hoàn thành vào sử dụng.

11. Tài liệu hướng dẫn hoặc quy trình vận hành, bảo trì máy móc thiết bị và công trình.

12. Báo cáo của chủ đầu tư về quá trình thi công xây dựng công trình và chất lượng công trình (nội dung báo cáo theo phụ lục 11 của Quy định này).

.... ngày.... tháng.... năm.....

Chủ đầu tư:

(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú: Căn cứ vào quy mô công trình và từng giai đoạn nghiệm thu (nền móng, kết cấu phần thân, hệ thống kỹ thuật, máy móc thiết bị, hoàn thiện...) để xác định danh mục hồ sơ tài liệu trên cho phù hợp.

PHỤ LỤC 11

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày..... tháng... năm.....

BÁO CÁO

CỦA CHỦ ĐẦU TƯ VỀ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

(Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần và khi hoàn thành công trình)

Từ ngày....... tháng....... năm......... đến ngày....... tháng...... năm....

Kính gửi:

1. Chủ đầu tư.

2. Địa điểm xây dựng.

3. Quy mô công trình (nêu tóm tắt về kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật, công nghệ, công suất...).

4. Danh sách các đơn vị tư vấn xây dựng: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây lắp, kiểm định xây dựng (nếu có); những công việc do các đơn vị đó thực hiện.

5. Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (ghi số, ngày, tháng của văn bản thẩm định).

6. Cơ quan phê duyệt đối với:

- Dự án đầu tư (ghi số, ngày, tháng của Quyết định phê duyệt hoặc Giấy phép đầu tư).

- Thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (ghi số, ngày, tháng của Quyết định phê duyệt).

7. Danh sách các nhà thầu xây lắp (chính, phụ); những công việc do các đơn vị đó thực hiện.

8. Những sửa đổi trong quá trình thi công so với thiết kế đã được phê duyệt (lý do sửa đổi, ý kiến của cấp có thẩm quyền chấp thuận những sửa đổi đó).

9. Về thời hạn thi công xây dựng công trình;

- Ngày khởi công;

- Ngày hoàn thành.

10. Khối lượng chính của các loại công tác xây lắp chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn báo cáo (nền móng, bê tông, cốt thép, kết cấu thép, khối xây, hoàn thiện, lắp đặt thiết bị...) của các hạng mục chủ yếu và toàn bộ công trình (so sánh khối lượng đã thực hiện với khối lượng theo thiết kế đã được phê duyệt).

11. Hệ thống kiểm tra và các biện pháp bảo đảm chất lượng công trình của chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát thi công xây lắp, tư vấn thiết kế (giám sát tác giả).

12. Công tác nghiệm thu: công tác xây lắp, giai đoạn xây lắp, lắp đặt thiết bị khi thử tổng hợp, hoàn thành các hạng mục và toàn bộ công trình, bàn giao...

13. Nhận xét về kết quả quan trắc và các thí nghiệm hiện trường so với yêu cầu của thiết kế đã được phê duyệt.

14. Sự cố và khiếm khuyết về chất lượng (nếu có): thời gian xảy ra, vị trí, thiệt hại, nguyên nhân, tình hình khắc phục.

15. Quy mô đưa vào sử dụng của công trình (quy mô xây dựng, công suất, công nghệ, các thông số kỹ thuật chủ yếu...):

- Theo thiết kế đã được phê duyệt;

- Theo thực tế đạt được.

16. Kết luận về chất lượng các hạng mục và toàn bộ công trình (trong giai đoạn báo cáo).

17. Kiến nghị (nếu có).

Nơi nhận:

Chủ đầu tư:

(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú: Nội dung các mục yêu cầu tại phụ lục này chỉ báo cáo một lần, trừ trường hợp có thay đổi.

PHỤ LỤC 12

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày..... tháng... năm.....

BÁO CÁO

CỦA SỞ XÂY DỰNG VỀ TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG
(Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần)

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Xây dựng

1 - Tổng số các công trình đang được thi công xây dựng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Các công trình của các Bộ, ngành (phân theo nhóm A, B, C);

- Các công trình của địa phương (phân theo nhóm A, B, C).

Phân theo nguồn vốn:

- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước;

- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

2. Số lượng các công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Các công trình của các Bộ, ngành (phân theo nhóm A, B, C);

- Các công trình của địa phương (phân theo nhóm A, B, C).

Phân theo nguồn vốn:

- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước.

- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

Đánh giá chất lượng các công trình của địa phương đã đưa vào sử dụng.

3. Số lượng các công trình bắt đầu triển khai thi công xây dựng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Các công trình của các Bộ, ngành (phân theo nhóm A, B, C);

- Các công trình của địa phương (phân theo nhóm A, B, C).

Phân theo nguồn vốn:

- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước;

- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

4. Những công trình vi phạm Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo (nếu có), tình hình xử lý.

5. Các công trình đã được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Phân theo nhóm;

- Phân theo nguồn vốn.

Đánh giá chất lượng TKKT - TDT đã được Sở Xây dựng thẩm định.

6. Các công trình xây dựng đã được sở Xây dựng hướng dẫn công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu trong giai đoạn báo cáo.

7. Các sự cố công trình xây dựng xảy ra tại địa phương trong giai đoạn báo cáo (phân theo nhóm và theo nguồn vốn):

- Tên công trình xảy ra sự cố;

- Chủ đầu tư;

- Thời gian xảy ra sự cố (giờ, ngày, tháng);

- Tình hình thiệt hại (thiệt hại về người, về vật chất...);

- Nguyên nhân sự cố;

- Biện pháp và tình hình khắc phục.

8. Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương.

Nơi nhận:

Giám đốc Sở Xây dựng:

(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 13

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày..... tháng... năm.....

BÁO CÁO

CỦA BỘ CÓ XÂY DỰNG CHUYÊN NGÀNH, BỘ CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VỀ TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
(Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần)

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Xây dựng

1. Tổng số các công trình của Bộ đang được thi công xây dựng trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Phân theo nhóm A, B, C;

- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước

- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

2. Số lượng các công trình của Bộ đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Phân theo nhóm A, B, C:

- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước;

- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

Đánh giá chất lượng các công trình của Bộ đã đưa vào sử dụng.

3. Số lượng các công trình của Bộ bắt đầu triển khai thi công xây dựng trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Phân theo nhóm A, B, C;

- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước;

- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

4. Những công trình vi phạm Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn báo cáo (nếu có); tình hình xử lý.

5. Các công trình đã được Bộ thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán trong giai đoạn báo cáo, trong đó:

- Phân theo nhóm;

- Phân theo nguồn vốn.

Đánh giá chất lượng TKKT - TDT đã được Bộ thẩm định.

6. Các sự cố công trình xây dựng xảy ra trong giai đoạn báo cáo (phân theo nhóm và theo nguồn vốn):

- Tên công trình xảy ra sự cố;

- Chủ đầu tư;

- Thời gian xảy ra sự cố (giờ, ngày, tháng, năm);

- Tình hình thiệt hại (thiệt hại về người, về vật chất...);

- Nguyên nhân sự cố;

- Biện pháp và tình hình khắc phục.

7. Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Nơi nhận:

Bộ có xây dựng chuyên ngành,

Bộ có dự án đầu tư:

PHỤ LỤC 14

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày..... tháng... năm.....

BÁO CÁO

NHANH SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Kính gửi:

1. Người báo cáo (chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư).

2. Tên công trình xảy ra sự cố.

3. Thuộc dự án (nhóm A, B, C).

4. Địa điểm xây dựng công trình.

5. Đơn vị tư vấn thiết kế.

6. Đơn vị giám sát thi công xây lắp.

7. Nhà thầu xây lắp.

8. Thời gian xảy ra sự cố (giờ, ngày, tháng).

9. Mô tả sơ bộ về sự cố, tình trạng công trình khi xảy ra sự cố.

10. Sơ bộ về tình hình thiệt hại (thiệt hại về người, về vật chất...).

11. Sơ bộ về nguyên nhân sự cố (nếu có).

12. Sơ bộ về tình hình khắc phục sự cố.

Nơi nhận:

Người báo cáo:
(Họ tên, chức vụ, cơ quan)

 

THE MINISTRY OF CONSTRUCTION
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 35/1999/QD-BXD

Hanoi, Vember 12, 1999

 

DECISION

PROMULGATING THE REGULATION ON QUALITY CONTROL OF CONSTRUCTION WORKS

THE MINISTER OF CONSTRUCTION

Pursuant to the Governments Decree No. 15/CP of March 04, 1994 defining the functions, tasks and organizational structure of the Ministry of Construction;
Pursuant to the Governments Decree No. 52/1999/ND-CP of July 08, 1999, promulgating the Regulation of Investment and Construction Management;
At the proposal of the director of the Department for the State Expertise of the Quality of the Construction Works,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate together with this Decision the Regulation on Quality Control of Construction Works, which shall replace :

- The Regulation on elaboration, expertise and approval of construction work designs, issued together with Decision No. 497/BXD-GD of September 18, 1996 of the Minister of Construction and Decision No.541/1997/QD-BXD of November 22, 1997 amending and supplementing Decision No. 497/BXD-GD;

- The Regulation on quality control of construction works, issued together with Decision No. 498/BXD-GD of September 18, 1997 of the Minister of Construction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- This Decision takes effect 15 days after its signing and applies to all construction works nationwide.

Article 3.- The ministers, the heads of ministerial-level agencies, the heads of agencies attached to the Government, the presidents of the provinces and centrally-run cities, the central bodies of mass organizations, the managing boards of the State corporations, and concerned organizations shall have to implement this Decision.

 

 

MINISTER OF CONSTRUCTION




Nguyen Manh Kiem

 

REGULATION

ON QUALITY CONTROL OF CONSTRUCTION WORKS
(Issued together with the Construction Ministers Decision No. 35/1999/QD-BXD of November 12, 1999)

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 1.- Objects and scope of regulation

This document prescribes the contents of quality control in the survey, designing, construction and installation, pre-acceptance test and handover of works, construction and installation warranty, maintenance of works under projects on new construction, renovation, repair and upgrading regardless of capital sources, ownership forms regarding consulting units, contractors, investors and concerned State management bodies.

Article 2.- Interpretation of terms

In this Regulation, the following terms shall be construed as follows:

1. Construction work quality means the general requirements on the safety, durability, beautiful view and economic efficiency of works in conformity with the construction standards, technical eriteria, economic contracts and current legislation of the State.

2. Quality control of construction works means the combined activities of agencies with general management functions through such measures as the elaboration of quality plans, the inspection of quality, the assurance of quality and the raising of quality of products.

3. Assurance of the quality of construction works means the entire planned and systematic activities to be carried out in all the three stages: investment preparation, investment execution and completion of construction and putting the projects into exploitation and use.

4. Elaboration of plans for construction work quality means the setting of quality objectives of the projects, measures and tempo of organization of quality control implementation.

5. Preliminary design means the documents demonstrated in the exposition and drawings the planning, architecture, structure and technologies, concretizing elements stated in the principal contents of the feasibility study reports. The approved preliminary design shall serve as basis for elaboration, expertise and approval of technical designs or the technical-construction designs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Construction drawing design (detailed design) means the documents demonstrated in the drawings made on the basis of the approved technical designs if designing is made according the order of preliminary design - technical design - construction drawing design. The construction drawing design dossiers must demonstrate the architectural details, structural details, technical systems: electrical engineering, water drainage and supply, power supply, gas supply... so that the construction and installation contractors may construct them.

8. Technical-construction design means the documents demonstrated in the exposition and drawings made on the basis of preliminary designs stated in the approved feasibility study reports so that the construction and installation contractors may construct them if the designing is made according to the order of preliminary design technical-construction design.

9. Design expertise means the work performed by agencies competent to examine the legal status of designing organizations and individuals, the legality of designing dossiers, to check the harmony between the contents of the designing dossiers and the approved contents in the investment decisions, the rationality of designing solutions and the total cost estimates, which shall serve as basis for the competent levels to approve the technical designs and the total cost estimates.

10. Copyright supervision means the work performed by the designing units at the construction sites in order to inspect and protect the copyrights of designers, explain or handle matters arising at the sites, which have not been anticipated by designers in order to ensure designing quality.

11. Construction supervision means the regular and constant activities carried out at the construction sites by investors to control the volume and quality of the construction and installation work performed by contractors according to economic contracts and designs approved by authorities competent to decide the investment, and to the current construction standards and technical criteria of the branch and the State.

12. Inspection of construction and installation quality means activities carried out by construction consulting units using technical means to examine, test and quantify one or several properties of products or construction works and compare the results with the designing requirements and the current technical criteria.

13. Expertise of construction quality means activities carried out by State management agencies regarding the construction work quality, based on the technical criteria, legal documents and quality inspection results to evaluate and conclude on the quality of products, construction works.

14. Complete construction drawing means the drawings made by the construction and installation contractors on the basis of results of measurement and examination of the construction and installation work already performed on the sites and confirmed by the investors or their lawful representatives. Where the construction satisfies the requirements of the construction drawing designs and the applied technical criteria, the construction drawing shall be the complete construction drawing.

15. Construction and installation warranty means the law-prescribed compulsory guarantee given by the construction and installation contractors within a certain period of time for the quality of the products which have already been completed and put into use. The construction contractors are obliged to repair damage they cause during the warranty duration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



17. The ministries involved in specialized construction include:

- The Ministry of Construction;

- The Ministry of Communications and Transport;

- The Ministry of Industry;

- The Ministry of Agriculture and Rural Development;

- The General Department of Post and Telecommunications;

- The Ministry of Defense.

18. The specialized technique managing ministries mean the ministries, the ministerial-level agencies with functions of State management over specialized techniques such as fire and explosion prevention and fight; environmental safety; labor safety; industrial safety, dyke safety; traffic safety; post and telecommunications; security; national defense...

Article 3.- Assignment of responsibility for State control of construction work quality

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) To exercise the unified State control of construction work quality nationwide, having the responsibility to:

- Promulgate legal documents on quality control, agree to let ministries involved in specialized construction and ministries managing specialized techniques promulgate regulations on quality control of specialized construction works;

- Guide and inspect the implementation of legal documents on quality control of construction works. Inspect the assurance of construction work quality by investors and construction and installation contractors. To propose the handling of violations of construction work quality. To directly inspect the construction quality when so requested by the Prime Minister.

b) Expertise construction work incidents as assigned.

c) Sum up and report to the Prime Minister the construction project quality biannually and annually as prescribed.

The Department of State Expertise of Construction Work Quality under the Ministry of Construction shall assist the Minister of Construction to fulfil the above responsibility. Where the Prime Minister decides to set up the State Council for Pre- Acceptance Test of Construction Work Quality with regard to important works of State level, the Department of State Expertise of Construction Work Quality shall act as the standing body of the Council.

2. The Peoples Committees of the provinces and centrally-run cities (called the provincial Peoples Committees for short):

a) The provincial/municipal Construction Services being the agencies under the provincial Peoples Committees exercise the unified State control of the quality of construction works in their respective provinces and cities, having the responsibility to:

- Guide and inspect the implementation in their localities of the legal documents on quality control of construction works.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) The provincial/municipal Services which are involved in specialized construction and assigned the task of quality control of specialized construction works shall have to coordinate with the provincial/municipal Construction Services in supervising and inspecting the quality of specialized construction works and biannually send reports on the quality of specialized construction works to the provincial/municipal Construction Services for sum-up reports to the Ministry of Construction.

c) The provincial Peoples Committees shall base themselves on the district Peoples Committees capabilities of investment and construction management to assign the responsibility of State quality control of works under the projects with investment decided by the district or commune Peoples Committees.

d) The provincial/municipal Services and the district/ ward or commune Peoples Committees assigned by the provincial Peoples Committees to act as investors shall have to bear the responsibility for the construction quality control in their capacity as the investors according to the contents of this Regulation.

3. The ministries involved in specialized construction:

a) To promulgate regulations on quality control of specialized construction works in furtherance of this Regulation after consulting with the Ministry of Construction.

b) To guide and inspect the implementation of legal documents on quality control of specialized construction works under their respective management nationwide.

c) To organize regular or irregular inspections of the assurance of quality of specialized construction works by investors and construction and installation contractors, and directly inspect the quality of specialized construction works. To propose the handling of violations of the quality of specialized construction projects. Particularly for specialized construction projects of Group A, the coordination with the Ministry of Construction is required for the performance of the above work.

d) To biannually send reports on the specialized construction quality to the Ministry of Construction so that the latter shall sum up the situation and report it to the Prime Minister.

4. Ministries managing specialized techniques:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) To guide and inspect the implementation of legal documents on quality control of specialized techniques.

c) To join the State management agencies in charge of construction work quality (as assigned) in inspecting the quality of such specialized techniques as fire and explosion prevention and fight; environmental safety; labor safety, industrial safety; dyke safety, traffic safety... for each type of work with such requirements.

5. Ministries and branches allocated capital for management of investment in project construction (called ministries with projects for short):

- To have to organize the quality control of works through specialized agencies of the ministries or qualified project administration and management bodies as prescribed by law;

- The specialized agencies of the ministries shall coordinate with and create conditions for the State management bodies in charge of the construction quality to carry out the inspection of the quality of works; directly supervise, inspect, detect and handle violations regarding the construction quality; inspect the investors and construction/installation contractors in ensuring the quality of construction works managed by the ministries and at the same time notify such to the concerned provincial/municipal Construction Services for coordination;

- The ministries with projects shall biannually send reports on quality of construction works to the Ministry of Construction so that the latter sums up the situation and report it to the Prime Minister.

Article 4.- The investors and contractors responsibilities for construction quality

The surveying, designing, constructing/installing organizations shall themselves have to take responsibilities for the quality and results of the work in the process of project construction, warranty and maintenance. The State encourages the application of scientific methods of management after the quality control model based on standards ISO-9000.

1. The investors responsibility for quality control of construction works:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Where the investors hire consultants to supervise the construction, the supervision consulting units shall have to comply with the contents in Articles 14 and 17 of this Regulation and take responsibility for the quality of the work stated in the construction contracts.

c) To biannually send reports on construction quality to the State management agencies in charge of the construction quality (as assigned in Article 3 of this Regulation).

2. Responsibilities of surveying and designing units for product quality:

The surveying and designing units shall have to comply with the provisions in Article 46, clause 2 of the Investment and Construction Management Regulation issued together with the Governments Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 and at the same time bear responsibility before the investors and law for the product quality as contracted.

3. Responsibility of the construction contractors for the construction work quality:

To comply with the provisions in Article 46, clause 3 of the Investment and Construction Management Regulation issued together with the Governments Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 and the contents in Article 16 of this Regulation. The construction contractors shall have to bear responsibility before law for the safety of the adjacent works as well as works being under construction.

Chapter II

SURVEY, DESIGN, EXPERTISE AND APPROVAL OF TECHNICAL DESIGNS, TOTAL COST ESTIMATES

Article 5.- Construction servey in service of designing

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The construction surveying units shall have to coordinate with the investors in settling matters arising in the construction surveying process in order to ensure the quality of the construction survey dossiers, the accuracy and reliability of data for the designing work.

Article 6.- Project construction designing

1. The designing units shall have to take responsibility for the quality of designing products. The designing products must conform to the current construction standards and technical criteria of the State and branches, the designing tasks and the designing contracts. The designing products must be in line with the contents according to the designing order, with explanation and instruction on construction techniques for important bearing parts of the construction work in case of complicated construction, with explanation on the use and maintenance of works, with clear inscription of specifications, types, properties and necessary requirements of the materials and equipment used for the construction works.

2. Each designing product (design blueprint) must have the design sponsorer; big design blueprints (groups A and B) must have managers; the design blueprint sponsorers or managers shall have to take personal responsibility for the quality and accuracy of the design blueprints, set-forth technical solutions and design anticipation. The contents of preliminary design, technical design, construction drawing design and technical-construction design of products shall comply with Appendix 1 of this Regulation (not attached herewith).

3. The designing units must have the designing product quality control systems to evaluate the quality of designing products. The designing products must be tested before acceptance by investors with records being made thereon.

4. The designing units must conduct the copyright supervision during the process of construction and installation, completion, pre-acceptance test of construction works before they are put into exploitation and use; coordinate with investors in handling arising matters and supplement as well as adjust the designs and cost estimates during the process of construction. The specific contents of the copyright supervision shall comply with Article 18 of this Regulation.

5. For specialized construction designs, they must also comply with the regulations on contents of specialized construction designing stages.

6. The designing units may subcontract part of the designing work which is not the principal contents of the contracts signed with the investors but still have to bear responsibility before the investors and law for the part of work performed by the designing subcontractors.

Article 7.- Pre-acceptance test of designing products

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) The designing contract.

b) The designing dossiers with a sufficient number stated in Appendix 1 of this Regulation (not attached herewith).

c) The records on pre-acceptance test of various designing stages between the investor and the designing consultancy unit.

2. The completion of the pre-acceptance test of designing products must be recorded in minutes clearly stating the designing errors and requesting the design blueprint manager to correct them and at the same time concluding on the conditions for use of designs. The record on pre-acceptance test of designing products shall serve as basis for making final settlement and payment to the designing unit. The designing dossiers delivered for transfer to the investor must comply with the regulations on systems of designing documents and drawings according to the current standards.

Article 8.- Dossiers submitted for evaluation and approval of technical designs and total cost estimates or technical-construction designs and total cost estimates

The dossiers on technical designs and total cost estimates submitted by investors to competent bodies for approval and at the same time to the bodies which evaluate the technical designs and total cost estimates shall include:

1. The written request for design evaluation and approval;

2. The copy of the decision approving the investment project;

3. The survey dossier; the designing dossier as stated in Appendix 1 of this Regulation (not attached herewith);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Documents approving the designs issued by the competent State management bodies in charge of environmental safety, fire and explosion prevention and fight, dyke safety and relevant requirements.

Article 9.- Requirements on the quality of design dossiers submitted for evaluation and approval

1. The design must be in line with the preliminary design, technical criteria and construction grade, already approved by persons competent to decide the investment in the feasibility study report or the investment report.

2. The design contents made according to various steps must comply with the current construction standards and technical criteria. Where foreign technical criteria are applied, the Ministry of Constructions approval is required before the feasibility study report is made.

3. The total construction cost estimate is made on the basis of norms, unit prices, current regimes and policies related to construction investment expenditures, and must not exceed the total investment amount inscribed in the investment decision.

Article 10.- Evaluation of technical designs and total cost estimates.

1. Evaluation contents:

a) The compatibility of the technical design with the contents already approved in the investment decision regarding the size, technology, capacity, economic and technical norms, planning, architecture, construction standards, technical criteria to be applied. More concretely:

- Checking the compliance with the approved contents regarding the construction scale, technology, designed capacity, construction grade and economic-technical norms in the feasibility study report;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Checking the compatibility of the technical design with the construction standards, designing criteria already approved for use in the investment decision.

b) Techniques on environmental protection, fire and explosion prevention and fight, labor safety, dyke safety and traffic safety.

c) The rationality of technical design solutions: ground, foundation, structure, technical system (water supply, water drainage, electro-mechanical network...) on the basis of evaluation of the working principles, characteristics and major technical parameters to ensure the normal, rational and feasible operation of designing objects.

d) The legal status of designing units and/or individuals.

e) Checking the properness of the application of norms, unit prices, regimes and policies of the State relating to expenditures calculated in the total cost estimate.

f) The compatibility between the construction and installation volume calculated from the technical design and the construction and installation volume calculated in the total cost estimate.

g) Determining the value of the total cost estimate including equipment for comparison with the total investment level already approved.

2. The technical designs and estimates for construction items may be evaluated according to bidding packages already allocated in the project investment decision.

3. Upon the completion of evaluation, the evaluating bodies shall have to make written reports on the evaluation of technical designs and total cost estimates to be submitted to the competent persons for approval according to the evaluation contents mentioned above, pointing to the errors of the designs and making conclusion on the use of the designs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 11.- Technical design- and total cost estimate-evaluating bodies

1. Group A projects:

For constructions belonging to investment projects using State budget capital, the State investment credit capital, State-guaranteed credit capital, development investment capital of State enterprises, capital mobilized by State enterprises themselves and commercial credit capital not guaranteed by the State: The Ministry of Construction shall, together with the ministries managing specialized techniques, assume the prime responsibility in organizing the expertise of technical designs and total cost estimates. Based on the nature and scale of construction works, the Ministry of Construction shall, together with the ministries involved in specialized construction, jointly organize the expertise of technical designs and total cost estimates.

2. Projects of Groups B and C:

a) For construction works belonging to projects using the State budget capital:

The ministries, ministerial- level agencies, agencies attached to the Government, the financial management bodies of the Party Central Committees, the central bodies of political organizations, socio-political organizations (determined in the State Budget Law) and the provincial Peoples Committees assign their respective agencies having the construction management function to expertise the technical designs and the total cost estimates of construction works under their management.

b) For construction works belonging to projects using State-guaranteed credit capital, State development investment credit capital:

- The ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the provincial Peoples Committees and the Managing Boards of the State corporations directly managed by the Prime Minister shall assign their respective agencies having the construction management function to evaluate the technical designs and the total cost estimates of the construction works.

- The Managing Boards of State corporations managed by the ministries, branches and localities shall organize by themselves the evaluation of technical designs and total cost estimates of construction works belonging to investment projects of Group C falling under the investment deciding competence of the Managing Boards of State corporations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) For construction works belonging to production and business investment projects of individuals and economic organizations not under the State enterprises: The investors shall organize by themselves the evaluation of technical designs; the construction permit-granting agencies shall examine the contents of Clause 4, Article 10 of this Regulation before granting the permits for the construction of projects.

3. For projects managed by localities:

- The presidents of the provincial Peoples Committees shall assign the provincial Construction Services to evaluation the technical designs and total cost estimates. Based on the nature of the projects, the provincial Peoples Committee presidents shall assigned the provincial Services involved in the specialized construction to expertise the technical designs and total cost estimates.

- The specialized agencies of the district Peoples Committees shall organize the expertise of technical designs and total cost estimates for works belonging to projects with investment therein decided by the district/commune Peoples Committees as assigned by the provincial Peoples Councils.

4. Besides using the expertise fees according to Clause 5, Article 37 of the Investment and Construction Management Regulation issued together with Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 of the Government, when necessary, the agencies expertising the technical designs and total cost estimates shall reach agreement with the authorities approving the technical designs and total cost estimates on hiring experts and/or specialized consultancy organizations to join the expertise (the designing consultancy organizations are not allowed to participate in the expertise of their products).

Article 12.- Approving technical designs and total cost estimates

1. Group A projects:

For construction works belonging to investment projects using the State budget capital, the State investment credit capital, the State-guaranteed credit capital, the development investment capital of State enterprises, capital mobilized by enterprises themselves and commercial credit capital not guaranteed by the State: The ministers, the head of the ministerial-level agencies and agencies attached to the Government, the Managing Boards of the State Corporations directly managed by the Prime Minister and the presidents of the provincial Peoples Committees shall approve the technical designs and total cost estimates of works belonging to investment projects under their respective management.

2. Group B and C projects:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The ministers, the heads of the ministerial- level agencies and agencies attached to the Government, the financial management bodies of the Party Central Committee, the central bodies of political organizations, socio-political organizations (determined in the State Budget Law) and the presidents of the provincial Peoples Committees shall approve the technical designs and total cost estimates of construction works under their respective management.

b) For construction works belonging to projects using the State-guaranteed credit capital and/or the State development investment credit capital:

- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies and agencies attached to the Government, the presidents of the provincial Peoples Committees and the Managing Boards of the State Corporations directly managed by the Prime Minister shall approve the technical designs and total cost estimates of construction works under their respective management.

- The Managing Boards of the State Corporations managed by the ministries, branches and localities shall approve the technical designs and total cost estimates of works belonging to the investment projects of Group C under their management.

c) For projects funded and constructed by State enterprises of the ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, the provincial Peoples Committees, the Managing Boards of the State Corporations with their own development investment capital, self-mobilized capital and commercial credit capital not guaranteed by the State, the persons competent to decide the project investment shall approve the technical designs and total cost estimates of the projects.

d) For construction works belonging to production and business investment projects of individuals and economic organizations not belonging to State enterprises, the investors shall themselves sign the approval of the technical designs and total cost estimates.

3. For projects managed by localities:

- The presidents of the provincial Peoples Committees shall approve the technical designs and total cost estimates of Group B and C projects;

- The directors of the provincial/municipal Construction Services and directors of provincial/municipal Services involved in specialized construction shall approve the technical designs and total cost estimates of Group C projects under the authorization of the presidents of the provincial Peoples Committees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The contents of the decision approving technical designs and total cost estimate or technical-construction designs and total cost estimates shall comply with Article 38, Clauses 1 and 2, of the Investment and Construction Management Regulation promulgated together with Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 of the Government.

Article 13.- Responsibility of the agencies expertising or approving technical designs and total cost estimates

Agencies competent to expertise or approve the technical designs and total cost estimates shall be held responsible before law for the contents of expertise or approval prescribed in Articles 37 and 38 of the Investment and Construction Management Regulation promulgated together with Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 of the Government.

Chapter III

CONSTRUCTION SUPERVISION AND PRE-ACCEPTANCE TEST OF CONSTRUCTION WORKS

Article 14.- The requirements of the construction supervision work

1. The construction supervision work must be carried out regularly, constantly and systematically throughout the process of project construction and installation in order to prevent any technical errors, ensuring the pre-acceptance test of the volume and quality of the construction and installation completed by the constractors in accordance with the approved designs, the applied technical criteria, the labor safety regulations and the construction and installation constracts.

2. The supervising organizations and the supervisors must be professionally qualified for the job.

Article 15.- Supervisory work during the construction process

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 16.- Quality self-inspection by construction contractors

1. Requirements on quality self-inspection: To comply with the designing requirements and commitments made in the construction contracts. To strictly adhere to the pre-acceptance test procedures defined in this Regulation as well as the Regulation on quality control of specialized construction works.

2. The construction contractors shall have to fully report on the process and plans for self-inspection of the quality of products to the investors so that the latter inspect and supervise the implementation thereof.

3. The construction contractors shall only request the investors to organize the pre-acceptance test of the completed construction and installation work after their specialized quality inspection sections have already conducted the inspection and given the certification.

Article 17.- Construction supervision by investors

1. Requirements on the construction supervision: To strictly comply with the project designing regulations already approved by competent levels, with the technical criteria as well as quality commitments under the construction contracts.

2. Construction supervision responsibilities are prescribed according to various construction stages as follows:

a) The construction preparation stage: To examine materials at the sites, not permitting the use of materials incompatible with the prescribed criteria, quality and specifications at the project; to examine equipment, not permitting the use of equipment incompatible with the technologies and not yet expertised. In case of necessity, the samples of materials, structures and construction products must be taken for test of their nature.

b) The construction and installation stage:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To check and acknowledge the work volume, quality and tempo.

- To make reports on construction quality and tempo in service of regular briefings by the investors;

- To coordinate with relevant parties in settling problems arising in the construction.

- To conduct the pre-acceptance test of construction and installation works.

- For construction sections, items or works which, during the process of construction and installation, show signs of quality degeneration and sinkability beyond the design anticipation or current regulations on construction technical criteria, before they are tested and accepted, there must be a written evaluation of the adverse impacts on the projects due to the sinkage by the designing units, the competent specialized agency.

c) Construction completion stage:

- The investors supervising organizations shall have to inspect and gather all legal dossiers and documents on quality control and make the list of dossiers and documents on project construction completion.

- After inspection, the investors shall organize the general pre-acceptance test of all construction items which have been completed with quality up to the approved design requirements and to the criteria on project pre-acceptance test and make the record on the general pre-acceptance test.

The record on pre-acceptance test of completed construction items or work shall serve as legal basis for the investors to carry out the procedures for handing over and putting the construction work into exploitation and use, and as basis for the final settlement of the construction work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Bases for supervision:

a) The designing dossiers already approved by the competent authorities;

b) The overall construction tempo and the investors notice on copyright supervision timetable agreed upon by the parties;

c) The overall construction method and explanation, detailed construction methods for construction items of special importance.

2. The supervision contents:

a) Explaining the project design documents to investors and construction contractors for management and construction in strict accordance with the designing requirements;

b) Monitoring and coordinating in settlement of problems and/or changes of designing inventions in the construction process;

c) Inspecting and joining in the pre-acceptance test of transitional stages of construction, structures of important construction items;

d) Regularly supervising the construction of sections and items with designs made according to modern technologies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The supervision regime: non-regular.

Article 19.- Organization of pre-acceptance test

1. The pre-acceptance test of construction works must be carried out in separate drives immediately after the completion of the hidden work volume, bearing structures, construction sections or items and the whole construction works and at the same time ensure that the value of the completed work volume shall be pre-acceptance tested according to the payment periods of the signed contracts.

2. The pre-acceptance test of parts and whole of the construction works shall be organized by the investors with the participation of consulting, designing, constructing and installing units as well as the equipment suppliers (if any). The quality-expertising bodies (the State quality control bodies according to assignment) shall participate in inspecting the pre-acceptance test by the investors. The records on pre-acceptance test of the construction and installation, the completion of the construction and installation stage, the general pre-acceptance test-run of equipment, and the pre-acceptance test of construction items or works shall be made according to appendices 5, 6, 7 and 8 of this Regulation.

The record on the general pre-acceptance test and hand-over of the construction works shall serve as the legal document for the investor to put the works into exploitation and use and for the final settlement of investment capital.

For construction sections, items or works which require fire and explosion prevention and fight or which, when being put into exploitation and use, will adversely affect the environment and safety, there must be the written approval of the above requirements by the State bodies managing such specialized techniques when they are pre-acceptance tested and put into use.

3. For construction works which are important or require complicated techniques and technologies, the Prime Minister shall decide to set up the State Council for Pre-Acceptance Test at the proposal of the Construction Minister or ministers of the ministries having projects in order to inspect and examine the pre-acceptance tests by the investors.

a) Responsibility and powers of the State Council for Pre-Acceptance Test shall be defined in the Prime Ministers decision to set up the Council.

b) The State Council for Pre-Acceptance Test of the construction work shall coordinate with the immediate superior of the investor in elaborating and promulgating the Councils working regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) The investor shall set up the grassroots Council for Pre-Acceptance Test, which shall act as consultant to the investor in the pre-acceptance test and assist the State Council for Pre-Acceptance Test in organizing the pre-acceptance test according to regulations.

e) The grassroots Council for Pre-Acceptance Test must not permit the hand over and the putting of construction works into operation and use when the State Council for Pre-Acceptance Test have not yet considered the conclusion nor made the record on the State-level pre-acceptance test. The grassroots Council for Pre-Acceptance Test shall have to pre-acceptance test the completed construction and installation work volume, the construction stage transition, the completed construction items and works so that the investor officially propose the State Council for Pre-Acceptance Test to inspect and organize the pre-acceptance test.

f) The fund for operation of the State Council for Pre-Acceptance Test (including the grassroots Council for Pre-Acceptance Test) shall be included in the total cost estimate of the construction work.

Article 20.- In cases where foreign contractors participate in consultancy, expertise, supervision and quality registration

1. They must be held responsible before laws of the Socialist Republic of Vietnam and to the commitments in the contracts for the quality of the results they have provided, and at the same time be subject to the inspection by the State management agencies regarding the specialized technical fields.

Such results shall serve as basis for the investor to make consideration and evaluation in service of the pre-acceptance test of construction works according to this Regulation.

2. The State management bodies in charge of specialized technical fields shall have to monitor and control the process of implementation by foreign contractors; when necessary, they may inspect the results of work performed by the foreign contractors.

Chapter IV

CONSTRUCTION AND INSTALLATION WARRANTY AND CONSTRUCTION WORK MAINTENANCE

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The project construction and installation warranty means the law-prescribed compulsory quality guaranty by the contractors for the minimum project warranty duration stipulated in Article 54 of the Investment and Construction Management Regulation promulgated together with Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 of the Government. The contractor shall have to repair the damage caused by him/her/it during the warranty period.

2. The contractor shall not be responsible for the construction and installation warranty in the following cases:

a) Damage caused to the construction works during the warranty period not by the contractors faults;

b) During the construction and installation warranty duration, the construction sections, items and/or works are forced by competent State bodies to be dismantled due to the investors violation of construction legislation, even when there have been technical errors in construction.

Article 22.- Construction maintenance

1. The construction project maintenance means the law-prescribed compulsory quality guaranty aimed to maintain the bearing capability, beautiful looking, utility and operation of construction sections, items or works which have been put into operation according to a time cycle stipulated by the designing unit and the manufacturer, and which should be repaired, replaced, restored in order to ensure their longevity and operational safety.

The construction work using managers have the responsibility and obligations to maintain the works according to the designing units regulations inscribed in the technical explanation and the manufacturers maintenance process approved by the competent authorities.

2. Construction maintenance duration:

a) For civil and industrial works: The maintenance duration shall be calculated from the date of pre-acceptance testing and putting the work into use till the expiry of the use duration as prescribed for grades of construction works.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) For specialized construction works: They must also comply with the regulations of the ministries involved in the specialized construction regarding the construction maintenance duration.

3. Grades of maintenance:

a) There are four grades of maintenance as follows:

- Maintenance

- Minor repair

- Medium repair

- Big repair.

b) For the grades of maintenance and minor repair, the work-using manager shall have to draw up plans for annual maintenance.

c) For the grades of medium repair and overhauls related to the safety in the operation, exploitation and use of the construction work, the work-using manager shall, depending on the work load, have to make the investment report or investment project according to the Investment and Construction Management Regulation promulgated together with Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999 of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) For construction works assigned by the State for management of their use, the construction work using managers shall have to:

- Comply with the technical instructions for the maintenance process of the designing units when they are put into operation and use.

- Take responsibility before law for the quality degeneration, the failure to maintain the bearing capability of structures, construction sections, items and/or works and the unsafe operation due to non-implementation of the construction maintenance as prescribed.

b) In cases where the project is used through a leasing contract, the lessee shall have to bear responsibility before law for the failure to implement the maintenance of the construction work as prescribed.

Chapter V

CONSTRUCTION INCIDENTS

Article 23.- The order for handling the construction incidents

1. When incidents occur to any construction works of various sources of investment capital, under different forms of ownership, which are being built, have been completed or being in use, they shall be handled according to the following order:

a) Promptly rescuing the victims (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Protecting the scene of incident;

d) Immediately reporting such to competent bodies for settlement.

2. Within 24 hours after the incident occurs, the construction contractor, user or investor (depending on the situation of project construction or use) shall have to report to the State management bodies on the quality of the construction works (as assigned in Article 3 of this Regulation) and other responsible agencies, organizations and individuals for investi-gation and handling of the incident.

3. Making dossiers on construction incident:

a) When a construction incident occurs, the construction contractor, user or investor shall base on the extent of damage caused by the incident to make the dossier on the incident or make the report thereon. In case of making the incident dossier, a construction consultancy unit (with legal person status, with construction activity registration) may be hired for the job.

b) Jobs to be done when making dossiers on construction incidents:

- Making record on the inspection of the incident scene;

- Measuring, drawing (even filming or photographing) the present situation of the incident, paying attention to important bearing sections, structural details, cracks, breaks, sinkage, slide and other details necessary for study; testing of samples to determine the quality of materials, structures of construction works hit by the incidents in order to analyze and determine the cause of the incidents;

- Obtaining other documents on the construction work such as design changes and/or supplements; disparities between the construction and design; overload phenomena or use of works not in accordance with design, process of operation, use and maintenance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Cleaning and clearing the incident scene:

- After getting adequate dossiers in service of the study, analysis and determination of the cause of construction incident, the incident- settling agency shall permit the construction contractor, user or investor to clean and clear the incident scene.

- In case of rescuing victims, dykes, dams, bridges, sluices or preventing further incident, which require quick dismantlement or clearance of the incident scene, before the dismantlment or clearance, the contractor, the user or the investor shall also have to photograph, film, gather information and record as much as possible according to the requirements defined in this Article.

d) Overcoming the incident:

-The repair or reconstruction of works hit by the incident must ensure that the incident causes already determined in the incident - handling record must be completely overcome.

- The expenses for overcoming the incident shall be paid by the unit or individual that has caused the incident.

- Where the incident is caused due to force majeure reasons, the investor shall pay the expenses for overcoming the incident or the insurer shall bear the cost (for insured construction works).

- Where the incident causes serious consequences (human death or great loss to the State property), the persons at fault may be examined for penal liability according to law.

Article 24.- Assignment of responsibility for investigation and handling of incidents and reception of construction incident notices

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For construction works belonging to Group B and C investment projects: The provincial Construction Service shall assume the prime responsibility for the settlement, with the participation of the branch-managing Service or the Service with specialized construction (if they are specialized construction works) and other relevant functional State management bodies in the locality.

3. For peoples dwelling houses constructions: The functional construction management agency (the construction bureau) of the district Peoples Committee shall assume the prime responsibility for the settlement. In case of necessity, the agency in charge of the settlement of incident my invite representatives of the provincial Construction Service, experts and technicians for consultancy.

Chapter VI

INSPECTION AND HANDLING OF VIOLATIONS IN QUALITY CONTROL OF CONSTRUCTION WORKS

Article 25.- The inspection of quality of construction works

The quality inspection of construction works by State management bodies and the direct management agencies of the investors aims to ensure the quality of construction works, promptly work out measures to prevent, overcome and eliminate acts of violation regarding the quality of construction works. The inspection must be carried out regularly or irregularly throughout the process of constructing and using the construction works.

Article 26.- Handling of violations regarding the quality control of construction works

The handling of violations in the quality control of construction works shall comply with Article 68 of the Investment and Construction Management Regulation promulgated together with the Governments Decree No. 52/1999/ND-CP of July 8, 1999, the provisions of this Regulations and current legal documents.

Chapter VII

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27.- This Regulation takes effect 15 days after its signing. All other regulations contrary to this Regulation shall be annulled.

Article 28.- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of agencies attached to the Government, the central bodies of mass organizations, the managing boards of the State corporations shall have to organize the implementation of this Regulation.

 

 

MINISTER OF CONSTRUCTION




Nguyen Manh Kiem

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 35/1999/QĐ-BXD ngày 12/11/1999 Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.381

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.250.187
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!