THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
----------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2486/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN, TỈNH
THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2035
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày
17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP
ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh
Thái Nguyên và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố
Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi, ranh
giới lập quy hoạch:
Phạm vi lập quy hoạch có tổng diện
tích là 22.313,6 ha, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thành phố Thái Nguyên
hiện có 17.069,8 ha và mở rộng 5.243,8 ha về các phía: Phía Bắc là xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã
Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình).
Ranh giới khu vực lập quy hoạch được
giới hạn như sau:
- Phía Bắc: Giáp xã Cổ Lũng, xã Vô Tranh (huyện Phú Lương), xã Hóa Thượng,
xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ);
- Phía Nam: Giáp thành phố Sông Công;
- Phía Đông: Giáp xã Bàn Đạt (huyện
Phú Bình);
- Phía Tây: Giáp huyện Đại Từ và thị
xã Phổ Yên.
2. Tính chất
- Là trung tâm chính trị, kinh tế,
văn hóa - thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ
của tỉnh Thái Nguyên.
- Là một trong những trung tâm kinh tế,
văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tàu
phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Là một cực phát triển của vùng Thủ
đô Hà Nội.
- Là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối
giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc
phòng.
3. Các chỉ tiêu phát
triển đô thị:
a) Quy mô dân số:
- Đến năm 2025, dân số Thành phố là
450.000 người, trong đó nội thị là 280.000 người, ngoại thị là 55.000 người, dân số quy đổi là 115.000 người.
- Đến năm 2035, dân số Thành phố là
600.000 người, trong đó nội thị là 370.000 người, ngoại thị
là 50.000 người, dân số quy đổi là 180.000 người.
b) Quy mô đất đai xây dựng đô thị:
- Đến năm 2025,
quy mô đất xây dựng đô thị tại nội thị khoảng 7.100 ha; đất xây dựng các cơ sở
kinh tế kỹ thuật đô thị tại ngoại thị khoảng 1.600 ha.
- Đến năm 2035, quy mô đất xây dựng
đô thị tại nội thị khoảng 8.700 ha; đất xây dựng các cơ sở kinh tế kỹ thuật đô
thị tại ngoại thị khoảng 2.000 ha.
4. Định hướng phát
triển không gian;
Thành phố Thái Nguyên phát triển hai
bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị sinh thái, đa trung tâm
gắn với việc hình thành các khu chức năng: Trung tâm lịch sử hiện hữu; trung
tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại - dịch vụ, tài chính -
ngân hàng; các khu cải tạo nâng cấp; khu phát triển mới; khu vực phát triển
công nghiệp, logistic phía Bắc; khu vực du lịch sinh thái
gắn với nông nghiệp chất lượng cao; khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị.
a) Trung tâm lịch sử hiện hữu (thuộc
phạm vi các phường trung tâm), diện tích khoảng 2.000 ha:
- Giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đối
với các khu dân cư hiện có, đã hình thành ổn định theo quy hoạch chi tiết phê
duyệt trước năm 2005, tiến hành chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật
và hạ tầng xã hội.
- Hình thành và phát triển các trung
tâm thương mại, khách sạn cao cấp trung tâm dịch vụ tổng hợp
cao tầng và các khu phố mua sắm.
b) Trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế
chất lượng cao; thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng:
- Khu vực quy hoạch các trường đại học
thuộc Đại học Thái Nguyên (thuộc phạm vi phường Tân Thịnh, Quang Trung và xã
Quyết Thắng), diện tích 423,4 ha: Tiếp tục xây dựng và phát triển Đại học Thái
Nguyên trở thành một trong những đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
- Cụm y tế chất lượng cao (thuộc phạm
vi phường Thịnh Đán), diện tích khoảng 430 ha: Hình thành và phát triển trên cơ
sở nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế hiện có.
- Khu đô thị phức hợp giáo dục đào tạo
chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ
(thuộc phạm vi phường Tích Lương, Trung Thành, Tân Thành), diện tích khoảng
1.600 ha: Phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực cho tỉnh Thái Nguyên, cho vùng
trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển các trung tâm
nghiên cứu, tài chính ngân hàng, viễn thông, thương mại dịch vụ, nhà ở, công
viên và các tiện ích đô thị.
c) Các khu vực cải tạo, nâng cấp (thuộc
phạm vi các phường phía Bắc và phía Nam thành phố), diện tích khoảng 2.800 ha:
Giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đối với các khu dân cư
hiện có, đã hình thành ổn định theo quy hoạch chi tiết phê duyệt trước năm
2005, tiến hành chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội;
hình thành các không gian hướng ra sông Cầu để khai thác không gian và dịch vụ
dọc sông; khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên phải bảo đảm các yêu cầu về môi
trường.
d) Khu phát triển mới:
- Khu đô thị Chùa Hang gắn với khu vực
xã Đồng Bẩm, diện tích khoảng 700 ha: Phát triển các khu chức năng hành chính,
thương mại, dịch vụ, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.
- Khu đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng,
diện tích khoảng 800 ha: Xây dựng khu đô thị sinh thái có
hệ thống hồ điều hòa; phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, bán lẻ, chợ,
siêu thị; phát triển trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao và các dự
án công nghệ cao.
- Khu đô thị mới Cao Ngạn, diện tích khoảng
200 ha: Phát triển theo hướng là khu đô thị mới kiểu mẫu, hiện đại, có hồ điều
hòa gắn với khu công viên cây xanh. Các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng
cấp.
- Khu đô thị mới tại xã Đồng Liên, Diện tích khoảng 80 ha: Xây dựng các khu nhà ở cao cấp, khách sạn, nhà
hàng ven sông, trung tâm mua sắm, nghỉ ngơi thư giãn và khai thác dịch vụ vui
chơi giải trí trên sông.
- Khu đô thị mới phía Tây thành phố,
diện tích khoảng 1.500 ha: Phát triển các khu chức năng hành chính, thương mại
dịch vụ, nhà ở sinh thái chất lượng cao, nghỉ dưỡng chăm
sóc sức khỏe, thể dục thể thao cấp vùng, tổ chức lễ hội Festival trà quốc tế, tổ
chức các hoạt động vui chơi giải trí cao cấp.
đ) Khu vực phát triển công nghiệp,
logistic phía Bắc (thuộc xã Sơn Cẩm và xã Cao Ngạn), diện
tích khoảng 275 ha: Phát triển các khu, cụm công nghiệp để từng bước di dời các
cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực nội thị; hình thành và phát triển khu
logistic (giao vận, trung chuyển hàng hóa,...).
e) Khu vực du lịch
sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao (thuộc các xã
Đồng Liên, Huống Thượng, Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân), diện tích khoảng
2.300 ha: Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, gắn với khai thác
hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; hình thành
một số khu vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
g) Khu dự trữ phát triển và nông nghiệp
đô thị (thuộc phạm vi các xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng
Liên, Phúc Hà, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Tân Cương, Thịnh Đức), diện tích khoảng
9.300ha: Khai thác quỹ đất nông nghiệp hiện có theo mô hình nông nghiệp chất lượng
cao; cải thiện môi trường sống nông thôn; hình thành các trung tâm dịch vụ nông
thôn để tăng cường khả năng tiếp cận của khu vực nông thôn với các dịch vụ đô
thị.
5. Định hướng phát
triển khu dân cư nông thôn:
Các điểm dân cư nông thôn được quản
lý phát triển theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, tiếp
cận nhiều tiện ích đô thị và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
a) Đối với khu vực dân cư nông thôn
thuộc địa bàn phía Tây thành phố Thái Nguyên (các xã Phúc Hà, Phúc Xuân, Phúc
Trìu, Tân Cương và Thịnh Đức): Xây dựng nông thôn mới gắn với việc hình thành
các trung tâm dịch vụ nông thôn; ưu tiên phát triển chức năng dịch vụ - du lịch
- giải trí gắn với cảnh quan dòng sông Công, cảnh quan đồi chè, cảnh quan hồ Núi Cốc. Bảo vệ diện tích đất nông nghiệp; hạn chế
mở rộng hoặc hình thành thêm các điểm dân cư nông thôn nhỏ lẻ, phân tán. Khống chế
mật độ dân số và mật độ xây dựng trong các điểm dân cư nông thôn hiện hữu phù hợp
với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ
thuật, khuyến khích xây dựng nhà ở truyền
thống, sử dụng vật liệu xây dựng địa phương, không khuyến khích xây dựng nhà ở
cao tầng. Quy hoạch các trung tâm xã gắn với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ. Xây dựng
mô hình thí điểm về làng du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương gắn với
mô hình xây dựng nông thôn mới.
b) Đối với các khu vực dân cư nông
thôn tại các xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng và Đông Liên: Xây dựng nông thôn mới, hướng đến phát triển không gian ở nông thôn có điều kiện
sinh thái tốt, chất lượng sống cao và tạo khoảng không gian chuyển tiếp có kiểm
soát phát triển. Không xây dựng mới các khu dân cư nông
thôn trong khu vực hành lang thoát lũ sông Cầu; đối với các khu dân cư hiện có trong hành lang thoát lũ, không tiến hành mở rộng thêm, khuyến
khích dãn dân ra khỏi khu vực. Các điểm dân cư gắn với chùa Hang, động Linh Sơn
ưu tiên đầu tư trở thành hạt nhân quan trọng thu hút du lịch tâm linh và du lịch
sinh thái.
6. Định hướng hệ thống
hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế:
a) Định hướng phát triển hệ thống
trung tâm hành chính - chính trị:
Trung tâm hành chính - chính trị của
Tỉnh trước mắt giữ nguyên vị trí hiện nay. Trong tương lai, nghiên cứu chuyển đến
vị trí thích hợp trong thành phố để tạo
lập hình ảnh trung tâm hiện đại; quỹ đất hiện có sẽ được ưu tiên phát triển
thương mại, dịch vụ và du lịch. Trung tâm hành chính - chính trị của Thành phố
giữ nguyên vị trí hiện nay.
b) Định hướng phát triển hệ thống
giáo dục, đào tạo:
Xây dựng thành phố Thái Nguyên thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của Quốc gia. Quy hoạch
mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề có quy mô đào tạo khoảng
200.000 - 220.000 sinh viên trên cơ sở quỹ đất khoảng 670 ha.
c) Định hướng phát triển hệ thống cơ
sở y tế, chăm sóc sức khỏe:
Xây dựng và phát triển hệ thống y tế
chăm sóc sức khỏe chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học. Mở rộng, nâng cấp,
hiện đại hóa Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên trở thành bệnh viện trung
tâm của vùng. Đầu tư hoàn thiện các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng tăng cường
phối hợp với các bệnh viện lớn của trung ương để hình thành các bệnh viện vệ tinh. Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức
khỏe ban đầu. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển hệ thống y tế
tư nhân. Quỹ đất dành cho các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, cụm y tế chất
lượng cao khoảng 74 ha.
d) Định hướng phát triển công trình văn hóa:
Xây dựng thành phố Thái Nguyên trở
thành trung tâm văn hóa của Tỉnh, của vùng trung du và miền
núi phía Bắc. Dành quỹ đất để xây dựng
những công trình văn hóa tiêu biểu của
thành phố. Tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng,
di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.
đ) Định hướng
phát triển công trình thể dục thể thao và cây xanh:
Xây mới Khu liên hợp thể thao tỉnh
Thái Nguyên tại khu đô thị phía Tây thành phố, diện tích khoảng 120 ha, phục vụ
các hoạt động thể thao trong tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế. Xây dựng bổ sung,
nâng cấp công trình thể dục thể thao ở các xã, phường. Quy hoạch xây dựng hồ điều
hòa, không gian mở, hệ thống công viên, cây xanh hợp lý, hướng tới phát triển
thành phố xanh, sạch, đẹp. Quỹ đất dành cho phát triển công trình thể dục thể
thao và công viên, cây xanh cấp vùng, tỉnh khoảng 335 ha.
e) Định hướng phát triển thương mại,
dịch vụ:
Ưu tiên phát triển hệ thống phân phối
hiện đại gồm các trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp, tài chính ngân hàng,
siêu thị, trung tâm vận chuyển, giao nhận hàng hóa, chợ đầu
mối. Đầu tư phát triển hệ thống chợ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Huy động
tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ xã hội gắn liền với các
chính sách về an sinh xã hội của quốc gia.
g) Định hướng phát triển du lịch:
Hình thành các
khu, tuyến, điểm du lịch trong thành phố như: Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc,
các điểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh tại khu vực trung tâm thành phố, thị
trấn Chùa Hang và xã Linh Sơn, du lịch trên sông Cầu, du lịch sinh thái, du lịch
trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương, vv..., gắn với các tuyến du lịch đến các địa điểm thăm quan nổi tiếng
trong khu vực, như: Khu di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa, khu bảo tồn
thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, Vườn quốc gia Tam Đảo, vv... Quỹ đất dành cho dịch vụ du lịch khoảng 242 ha.
Đối với Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc:
Xây dựng và phát triển để trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn
của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa
dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà
Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
h) Định hướng phát triển công nghiệp:
Phát triển theo hướng công nghiệp sạch,
thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao; đến
năm 2035 các khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác
trong khu vực nội thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được
chuyển đổi thành các chức năng dân dụng
phục vụ đô thị. Quỹ đất dành cho phát triển các khu, cụm công nghiệp, công nghệ
cao khoảng 663 ha.
7. Định hướng quy hoạch
sử dụng đất:
a) Đến năm 2025:
Diện tích đất tự nhiên khu vực nội thị
là 11.412 ha, trong đó đất xây dựng đô thị tại nội thị khoảng 7.100 ha, chỉ
tiêu khoảng 179,75 m2/người; diện tích tự nhiên khu vực ngoại thị là
10.901,56 ha, trong đó đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 980 ha, đất xây
dựng cơ sở kinh tế - kỹ thuật phục vụ đô thị khoảng 1.500 ha.
b) Đến năm 2035:
Diện tích đất tự nhiên khu vực nội thị
là 11.412 ha, trong đó đất xây dựng đô thị tại nội thị khoảng 8.713 ha, chỉ
tiêu khoảng 158,42 m2/người; diện tích tự nhiên khu vực ngoại thị là 10.901,56 ha, trong đó đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 950
ha, đất xây dựng cơ sở kinh tế - kỹ thuật phục vụ đô thị khoảng
2.000 ha.
8. Thiết kế đô thị
a) Định hướng thiết kế đô thị tổng thể:
Xây dựng thành phố Thái Nguyên sinh
thái, xanh trên cơ sở cảnh quan thiên nhiên chủ đạo là khu vực hồ Núi Cốc, vùng
chè Tân Cương và cảnh quan hai bên bờ sông Cầu, gắn kết
các khu chức năng và tăng tính mở của đô thị ra với dòng sông...
Định hướng kiến trúc cảnh quan đô thị
hiện đại, chỉnh trang kiến trúc đô thị hiện hữu mang bản sắc địa phương.
b) Tổ chức không gian các khu trung
tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn đô
thị:
- Khu trung tâm lịch sử hiện hữu: Xây dựng mật độ cao. Chỉnh trang, tạo diện mạo không gian cảnh
quan mới dọc bờ sông Cầu. Kiến trúc
các trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch, giải trí, quảng trường, công
viên,... vừa hiện đại, vừa gắn với văn hóa bản địa. Tổ chức các công trình điểm
nhấn xung quanh quảng trường và không gian mở; tạo lập các tuyến đi bộ và không
gian sinh hoạt cộng đồng hướng ra bờ sông Cầu.
- Khu đô thị mới phía Đông (Cao Ngạn,
Chùa Hang, Linh Sơn - Huống Thượng): Xây dựng mật độ thấp,
diện tích không gian xanh lớn, hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên và các di
tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Hình thành các công viên vui chơi giải
trí, hệ thống hồ điều hòa, các khoảng đệm và hành lang xanh nhằm đảm bảo việc
tiêu thoát nước.
- Khu đô thị mới phía Tây: Xây dựng mật
độ thấp và trung bình. Khai thác đặc trưng địa hình, gắn kết với cảnh quan tự
nhiên khu vực hồ Núi Cốc, vùng chè Tân Cương. Xây dựng khu đô thị mới có không
gian, kiến trúc đặc sắc, hài hòa với môi trường.
- Khu vực cửa ngõ phía Nam: Xây dựng
mật độ cao và trung bình. Hình thành trục không gian giáo
dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ
với các công trình cao tầng, gắn với tổ hợp ga đầu mối trung chuyển đa phương
thức có hình thức kiến trúc hiện đại, năng động; là hình ảnh mới của khu vực cửa
ngõ đô thị phía Nam.
- Cải tạo, chỉnh trang, lập thiết kế
đô thị cho các tuyến, như: Tuyến Quang Trung - Hoàng Văn Thụ - Đội Cấn; tuyến Cách mạng tháng 8 - Bắc Kạn - Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú;
tuyến kết nối ra đường vành đai 5 phía Nam thành phố; trục trung tâm khu đô thị
phía Tây; các tuyến đường và kè dọc bờ sông cầu.
- Xây dựng quảng trường, không gian mở
và các công trình điểm nhấn có hình thức kiến trúc hiện đại, độc đáo với chiều
cao và khoảng lùi phù hợp tại các vị trí trung tâm, hai
bên đầu các cây cầu bắc qua sông và khu vực cửa ngõ mới phía Nam thành phố.
Hình thành trung tâm hành chính - chính trị mới có kiến trúc mở thân thiện, hòa
nhập với môi trường cảnh quan đô thị. Cầu qua sông được thiết kế hiện đại, gắn
kết với cảnh quan và không gian tổng thể để đảm bảo sự đồng
bộ và từng bước thay đổi diện mạo đô thị.
c) Tổ chức không gian cây xanh mặt nước:
Hình thành các không gian xanh khác
nhau của đô thị như hành lang xanh dọc sông Cầu, sông
Công; vành đai xanh dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và các tuyến đường;
hành lang xanh cách ly của các khu, cụm công nghiệp; các công viên đô thị và
công viên tự nhiên cấp vùng. Đưa ra giải pháp giữ gìn tối đa mặt nước và kênh
hiện hữu đồng thời bổ sung mới một số vị trí hồ điều hòa lớn, vừa tạo cảnh quan
vừa hỗ trợ tốt cho thoát nước đô thị.
9. Định hướng hệ thống
hạ tầng kỹ thuật đô thị
a) Định hướng phát triển hệ thống
giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Đường bộ: Hình thành tuyến cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn, tuyến vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội đoạn
Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc, tuyến vành đai 1 vùng tỉnh Thái Nguyên;
nâng cấp cải tạo quốc lộ 37, quốc lộ 1B, quốc lộ 17; hình thành các bến xe đạt
tiêu chuẩn loại 1.
+ Đường sắt: Hình thành tuyến đường sắt
Thái Nguyên - Tuyên Quang, tuyến đường sắt nội Vùng Thủ đô Hà Nội cùng nhà ga tại
khu vực phía Nam thành phố thuộc phường Trung Thành; nâng cấp cải tạo tuyến đường
sắt Lưu Xá - Kép, tuyến Hà Nội - Thái Nguyên; nâng cấp, cải tạo các nhà ga hiện
có trở thành đầu mối giao thông hiện đại, có kiến trúc đẹp.
+ Đường thủy: Nạo vét, khơi thông
dòng chảy tuyến sông Cầu; xây dựng bến tàu, thuyền phục vụ
cho việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời phục vụ du lịch.
- Giao thông đô thị:
+ Lộ giới một số tuyến đường theo đồ
án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt năm 2005 được nghiên cứu, điều chỉnh
cho phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
+ Giữ nguyên mặt cắt hiện trạng, chỉ
chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường trong các khu dân cư hiện
có, hình thành ổn định theo quy hoạch chi tiết phê duyệt trước 2005.
+ Phát triển thêm một số tuyến đường
chính đô thị, chính khu vực, đường kết hợp đê sông Cầu để
tạo kết nối liên thông, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phố.
+ Đường trong các khu phát triển mới
được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên kết giữa các
khu chức năng đô thị.
+ Phát triển và hoàn thiện hệ thống giao
thông công cộng.
b) Định hướng
chuẩn bị kỹ thuật:
- Thực hiện Điều chỉnh, bổ sung quy
hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thái
Nguyên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với
mức đảm bảo phòng chống lũ tần suất 2%.
- Đắp đê bao bảo
vệ đô thị khỏi ngập lụt do lũ tần suất 2% và tôn nền xây dựng
các khu chức năng trong đô thị vượt mức nước có tần suất 10%; xây dựng các hồ điều
hòa tại xã Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng, để khai thác
cảnh quan ven hồ, đồng thời góp phần điều tiết, tiêu thoát nước cho đô thị.
- Cao độ khống chế nền phù hợp với điều
kiện thủy văn và nền địa hình, cụ thể như sau:
+ Khu vực phía Bắc cầu Gia Bẩy: Cao độ
nền xây dựng khu dân cư HXD ³ 27,6 ÷ 32,5 m; cao độ nền xây dựng công nghiệp, kho tàng HXD ³ 28,7÷ 33,7 m.
+ Khu vực từ đập Thác Huống đến cầu
Gia Bẩy: Cao độ nền xây dựng HXD³ 24,8 ÷ 27,6 m.
+ Khu vực phía Nam đập Thác Huống:
Cao độ nền xây dựng HXD ³ 20,6 ÷ 24,8 m.
+ Khu vực đã xây dựng giữ nguyên nền
hiện trạng. Những khu vực có cao độ nền nhỏ hơn cao độ khống chế, từng bước cải
tạo đảm bảo đồng bộ với cao độ chung của khu vực.
+ Đối với các khu vực đã có quy hoạch
phân khu được duyệt: Thực hiện theo cao độ khống chế của quy hoạch.
+ Khu vực đồi núi có nền địa hình cao
áp dụng giải pháp san nền cục bộ, bám sát nền địa hình tự nhiên.
- Định hướng thoát nước mặt: Đối với
khu trung tâm hiện hữu và khu vực cải tạo nâng cấp sử dụng hệ thống thoát nước
nửa riêng. Đối với các khu phát triển mới, khu công nghiệp, logistic sử dụng hệ
thống thoát nước riêng hoàn toàn. Đối với khu vực nông
thôn sử dụng thoát nước chung. Hình thành 10 lưu vực tiêu thoát nước chính, gồm 8 lưu vực hiện hữu và 2 lưu vực mới. Nước mưa trên địa
bàn thành phố theo các suối thoát trực tiếp ra sông Cầu,
sông Công; khi mực nước ngoài sông lên cao, nước mưa sẽ thoát ra sông thông qua
các trạm bơm tiêu nước cưỡng bức.
c) Cấp nước:
- Tổng nhu cầu cấp nước toàn thành phố
đến năm 2025 khoảng 110.000 m3/ngày đêm; đến năm 2035 khoảng 165.000
m3/ ngày đêm.
- Nguồn nước cấp cho thành phố Thái
Nguyên kết hợp giữa nước ngầm khai thác hạn chế và nước mặt hồ Núi Cốc, sông Công, sông Cầu.
- Công trình đầu mối: Nhà máy nước
Túc Duyên, công suất 10.000 m3/ ngày đêm; nhà máy nước ngầm Quang
Vinh, công suất 3.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Chùa Hang, công suất
2.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Tích Lương, công suất 30.000 m3/ngày
đêm; nhà máy nước Núi Cốc 1 (xây mới), công suất từ 100.000 - 150.000 m3/ngày
đêm; nhà máy nước Núi Cốc 2 (Yên Bình), công suất từ 100.000 - 150.000 m3/ngày
đêm; trạm bơm tăng áp Thái Nguyên (xây mới) cấp nước cho
khu trung tâm và khu vực mở rộng.
- Mạng lưới truyền dẫn chính: Sử dụng
các tuyến ống truyền dẫn chính giữa các nhà máy nước hiện có. Xây dựng mới các
tuyến ống truyền dẫn chính liên kết nhà máy nước xây mới, trạm bơm tăng áp với
mạng lưới cấp nước truyền dẫn hiện hữu.
d) Cấp điện và chiếu sáng:
- Tổng nhu cầu cấp điện toàn thành phố
đến năm 2025 khoảng 350 MW; đến năm 2035 khoảng 580 MW.
- Nguồn điện:
+ Đến năm 2025: Trạm 220 KV Lưu Xá,
công suất 1x250 MVA (xây mới); trạm 220 KV Núi Cốc, công suất 1x125 MVA (xây mới).
Trạm 110 KV Gia Sàng, công suất (1x63) MVA (cải tạo). Trạm 110 KV Đán nâng cấp từ (25+40) MVA lên (2x40) MVA; trạm 110 KV Lưu Xá nâng cấp
từ (1x40) MVA lên (2x40) MVA; xây mới các trạm 110 KV Quyết
Thắng, công suất 1x63 MVA, trạm 110 KV Sơn Cẩm công suất
1x40 MVA. Trạm 110 KV Linh Sơn công suất 1x40 MVA, trạm 110 KV Núi Cốc 1 công
suất (1x40) MVA.
+ Đến 2035: Nâng cấp trạm 220 KV Lưu
Xá lên 2x250 MVA. Giữ nguyên công suất trạm 220 KV Núi Cốc, trạm 110 KV Đán, Lưu Xá, Núi Cốc 1; nâng công suất trạm Sơn Cẩm
lên (2x40) MVA, trạm Quyết Thắng lên (2x63) MVA, trạm Linh Sơn lên (2x40) MVA,
trạm Gia Sàng lên (2x63) MVA.
- Lưới điện:
+ Lưới 220 KV năm 2025: Xây dựng đường dây mạch kép rẽ nhánh trên đường dây 220 KV Tuyên Quang - Hiệp Hoà cấp điện cho trạm 220 KV Núi Cốc.
+ Lưới 110 KV đến năm 2025: Xây dựng
mới đường dây 110 KV cáp ngầm XLPE-1200 mạch kép từ trạm 220 KV Núi Cốc cấp điện
cho trạm 110 KV Núi Cốc 1. Xây dựng mới đường dây mạch kép 110 KV từ trạm 110
KV Núi Cốc 1 đi lộ 174 (E6.2).
+ Lưới 110 KV đến năm 2035: Xây dựng
mới đường dây 110 KV cáp ngầm XLPE-1200 mạch kép từ trạm 220 KV Núi Cốc cấp điện
cho trạm 110 KV Núi Cốc 2.
+ Lưới trung thế, hạ thế: Hạ ngầm ở
khu vực trung tâm thành phố, các khu đô thị mới, các công trình
công cộng đô thị; xây dựng mới các trạm hạ thế đáp ứng đủ nhu cầu và đảm bảo mỹ quan.
- Chiếu sáng: Hoàn thiện hệ thống chiếu
sáng theo các quy chuẩn chiếu sáng đối với đô thị loại I.
đ) Thông tin liên lạc:
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ
tầng thông tin liên lạc, đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại
hình dịch vụ viễn thông. Ngầm hóa hệ thống cáp thông tin
liên lạc tại khu vực trung tâm thành phố, các khu đô thị mới và khu vực công
trình công cộng đô thị. Từng bước hạ ngầm cáp thông tin liên lạc tại các khu đô
thị hiện hữu.
e) Thoát nước thải, quản lý chất thải
rắn và nghĩa trang:
- Thoát nước thải:
+ Đối với các khu vực nội thị, khu vực
xây dựng cơ sở kinh tế kỹ thuật đô thị tại ngoại thị, bệnh
viện, khu, cụm công nghiệp tập trung, khu logistic: Sử dụng hệ thống thoát nước riêng và nửa riêng. Xây 7 trạm xử lý nước thải sinh hoạt:
Trạm số 1, công suất: 25.400 m3/ngày đêm, ở phường Gia Sàng; trạm số
2, công suất: 20.000 m3/ngày đêm, ở phường Tân Lập; trạm số 3, công
suất: 12.500 m3/ngày đêm, ở xã Đồng Bẩm; trạm số 4, công suất:
14.000 m3/ngày đêm, ở phường Gia Sàng; trạm số
5, công suất 20.500 m3/ngày đêm, ở phường Hương
Sơn; trạm số 6, công suất 15.000 m3/ngày đêm, ở xã Phúc Trìu; trạm số
7, công suất 7.000 m3/ngày đêm ở xã Thịnh Đức.
+ Đối với các khu vực dân cư nông
thôn: Sử dụng hệ thống thoát nước chung. Nước thải từ các khu vệ sinh phải xử
lý cục bộ bằng bể tự hoại sau đó thoát ra hệ thống thoát
nước chung. Tại các khu vực chăn nuôi khuyến khích xây dựng hầm bể Biogas thu
khí metal làm chất đốt, phục vụ cho sinh hoạt.
- Quản lý chất thải rắn: Toàn bộ chất
thải rắn thành phố được xử lý tại khu xử lý chất thải rắn
Khe Đá Mài, xã Tân Cương, quy mô đợt đầu 25 ha, dài hạn 43 ha.
- Quản lý nghĩa trang:
+ Tiếp tục sử dụng nghĩa trang Dốc
Lim, diện tích 30,6 ha; nghĩa trang Ngân Hà Viên, diện tích 54,4 ha tại xã Thịnh
Đức. Xây mới nghĩa trang Nam thành phố tại phường Tích
Lương, diện tích 42,6 ha và nghĩa trang An Lạc Viên tại xã Thịnh Đức, diện tích
27,27 ha.
+ Xây dựng nhà tang lễ tại vị trí phù
hợp trong thành phố.
10. Đánh giá môi
trường chiến lược
a) Các giải pháp chính về bảo vệ môi
trường:
Sử dụng năng lượng tái tạo; ưu tiên
phát triển mô hình kiến trúc xanh, duy trì, mở rộng và bảo vệ diện tích mặt nước;
khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất
và sinh hoạt; khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng
năng lượng sạch; sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, đảm bảo các
quy định về môi trường. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám
sát định kỳ về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản,
khu vực làng nghề và các khu vực khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
b) Các giải pháp chủ yếu đối với từng
khu vực:
- Khu vực Hồ Núi Cốc, Sông Công, Sông
Cầu: Giữ gìn và bảo vệ giá trị cảnh quan tự nhiên; bảo tồn
và phát huy hệ sinh thái, tăng cường diện tích cây xanh, duy trì đa dạng sinh học;
cải thiện chất lượng nước.
- Khu vực phát triển đô thị: Xây dựng
đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn; duy trì và phát triển
hệ thống cây xanh cảnh quan, hồ điều hòa.
- Khu, cụm công nghiệp: Áp dụng hệ thống
quản lý và bảo vệ môi trường theo Bộ tiêu chuẩn ISO
14.000.
- Khu vực nông thôn: Đầu tư hệ thống,
thiết bị cho việc phân loại và thu gom rác thải sinh hoạt; xây dựng hệ thống
thoát nước hợp vệ sinh; quy hoạch các khu chăn nuôi, giết
mổ gia súc, gia cầm tập trung; áp dụng các quy trình sản xuất công nghệ cao, sạch
trong sản xuất nông nghiệp.
c) Các giải pháp thích ứng và giảm
thiểu biến đổi khí hậu:
Nâng cao nhận thức và năng lực của cộng
đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu
vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của khu
vực chịu ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hỗ trợ phát triển sinh kế
bền vững cho cộng đồng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu;
kiên cố hóa nhà ở, công trình chịu gió bão, ngập lụt; xây dựng đồng bộ và kiên
cố hóa đường ven đê, ven sông và hệ thống đê phòng chống
lũ phù hợp.
11. Các dự án ưu tiên đầu tư, xây
dựng đợt đầu
a) Các dự án do Trung ương đầu tư:
Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội;
cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 1B; quốc lộ 37 đạt
tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV - III; nâng cấp tuyến đường sắt Thái Nguyên -
Núi Hồng; nâng cấp các tuyến đường sắt
Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá; đường vành đai 1 tỉnh Thái Nguyên; tiếp tục
đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên
và các bệnh viện vệ tinh; trung tâm hội nghị văn hóa vùng
Việt Bắc; nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc; khu liên hợp thể thao cấp vùng.
b) Các dự án do Tỉnh, Thành phố quản
lý:
- Các dự án thuộc Chương trình đô thị
miền núi phía Bắc trên địa bàn thành phố Thái Nguyên: Nâng cấp Đường Việt Bắc;
cải tạo hạ tầng một số khu dân cư; cải tạo hồ điều hòa Xương Rồng 2; xây dựng
trường mầm non Đồng Quang; xây dựng cầu Bến Tượng; nâng cấp cầu Tân Long; xây dựng hạ tầng khu tái định cư Việt Bắc; ngầm hóa hệ thống
hạ tầng kỹ thuật một số tuyến đường.
- Đê kết hợp đường
giao thông, kè hai bờ sông Cầu; xây dựng một số cầu qua
sông Cầu và đường ven sông; xây dựng các hồ điều hòa tại
xã Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng; đầu tư cải tạo, nâng cấp và ngầm hóa hệ thống
hạ tầng kỹ thuật một số tuyến đường; hạ tầng Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc; đầu
tư mới, hoàn thiện, nâng cấp các cơ sở giáo dục, y tế, văn
hóa, thông tin, thể dục, thể thao; tu bổ, tôn tạo các di
tích lịch sử, công trình văn hóa; nâng cấp, cải tạo hệ thống
xử lý nước thải, rác thải y tế của các cơ sở y tế; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Thành phố, nghĩa trang Nam Thành phố,
nghĩa trang An Lạc Viên, nhà tang lễ Thành phố.
c) Các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư
khác:
- Về Thương mại,
dịch vụ: Trung tâm Hội chợ và triển lãm vùng Việt Bắc; các
chợ đầu mối, chợ nông thôn; các tổ hợp trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn
5 sao, phố mua sắm; trụ sở, chi nhánh các tổ chức tài
chính;
- Về Công nghiệp:
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao tại Quyết
Thắng; các cụm công nghiệp tại Sơn Cẩm, xã Cao Ngạn;
- Về Giao thông
vận tải: Đầu tư xây dựng, khai thác các bến xe khách, xe buýt, trạm nghỉ xe
khách đường dài; nâng cấp các tuyến đường thủy, bến tàu phục vụ du lịch Hồ Núi
Cốc;
- Về Y tế, giáo
dục đào tạo: Cụm y tế chất lượng cao phía Tây thành phố;
các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe,
giáo dục, đào tạo tư nhân;
- Về Văn hóa - Thể thao - Du lịch: Đầu tư xây dựng và khai thác trung tâm đua
thuyền; công viên, dự án vui chơi giải trí ven sông cầu; khai thác các dịch vụ
du lịch (Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh cao cấp; du lịch
vui chơi giải trí, vui chơi có thưởng; du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội) tại vùng Hồ Núi Cốc;
- Về Môi trường:
Nhà máy xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp; nhà máy xử lý rác thải; nhà
máy tái chế rác thải theo công nghệ hiện đại;
- Về Hạ tầng đô
thị: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến đường giao thông đô thị; cải
tạo, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông Cầu gắn với xây
dựng các khu đô thị, các công viên phía Đông sông Cầu; các
khu nhà ở xã hội; các khu đô thị (Khu đô thị phía Tây thành phố; khu đô thị Đại
học Thái Nguyên; khu đô thị An Phú; Khu đô thị Túc Duyên;
các khu đô thị phía Đông sông Cầu;...).
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên:
1. Ban hành Quy định quản lý xây dựng
theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái
Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035.
2. Công bố công khai đồ án Điều chỉnh
Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035.
3. Lập chương trình phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế
đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phù hợp với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy
hoạch, kiến trúc đô thị theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký
ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các
Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính,
Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KGVX,
NC, QHĐP;
- Lưu: VT, CN(3).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|