Quy định này quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý cấp giấy phép xây
dựng theo thẩm quyền, điều kiện về quy mô công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp
phép xây dựng có thời hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp giấy phép xây
dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Long An.
Quy định này áp dụng đối với Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh
tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND
cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt
là UBND cấp xã), chủ đầu tư xây dựng công trình và các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cấp giấy phép xây dựng trên
địa bàn tỉnh Long An.
PHÂN CẤP QUẢN LÝ CẤP GIẤY
PHÉP XÂY DỰNG
Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 89
Luật Xây dựng năm 2014 và được sửa đổi bổ sung tại khoản 30, Điều 1 Luật Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Điều 49 Nghị định số
15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.
1. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phân cấp cho các cơ quan cấp giấy phép
xây dựng như sau:
a) Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng
cấp đặc biệt, I, II; công trình tôn giáo; công trình tín ngưỡng; công trình di
tích lịch sử - văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng;
công trình xây dựng trong cụm công nghiệp; công trình không theo tuyến tiếp
giáp các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị (trừ công trình bảng quảng
cáo và các công trình khác được lắp đặt, gắn trên các công trình, nhà ở riêng
lẻ theo điểm c khoản 1 Điều này); công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài; công trình thuộc dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư;
công trình bảng quảng cáo dọc tuyến cao tốc đã được UBND tỉnh phê duyệt quy
hoạch và bảng quảng cáo gắn trên các công trình thuộc quyền quản lý, cấp phép;
các công trình khác do UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền, trừ các công trình xây
dựng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.
b) Ban Quản lý khu kinh tế cấp giấy phép xây dựng các công trình trong
khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất, khu công nghệ
cao thuộc chức năng và phạm vi quản lý.
c) UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình, nhà ở
riêng lẻ theo quy định tại khoản 3, Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa
đổi, bổ sung tại khoản 37, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Xây dựng năm 2020 và đối với công trình theo tuyến trên các tuyến, trục đường
phố chính trong đô thị, công trình bảng quảng cáo và các công trình khác được
lắp đặt, gắn trên các công trình, nhà ở riêng lẻ do UBND cấp huyện quản lý, cấp
phép.
2. Thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây
dựng thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 103 của Luật Xây dựng
năm 2014. Riêng thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng còn phải thực hiện
theo khoản 2 Điều 12 Quy định này. Đối với dự án có nhiều loại công trình và có
cấp công trình khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xác
định theo công trình chính và có cấp cao nhất của dự án.
Điều 5. Điều kiện cấp giấy
phép xây dựng
1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 41
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.
2. Đối với quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày
03/3/2021 của Chính phủ thì Sở Xây dựng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp
thuận về vị trí và tổng mặt bằng (đối với công trình không theo tuyến ngoài đô
thị) để xem xét cấp giấy phép xây dựng.
Trường hợp công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng
của UBND cấp huyện thì gửi văn bản lấy ý kiến chấp thuận của Sở Xây dựng theo
quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 102 Luật Xây dựng năm 2014 trước khi giải
quyết cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Trường hợp công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng
của Sở Xây dựng thì việc chấp thuận về vị trí và tổng mặt bằng được lồng ghép
khi xem xét, kiểm tra thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
Điều 6. Quy mô công trình,
nhà ở riêng lẻ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (bao gồm xây dựng mới và sửa
chữa, cải tạo)
1. Đối với công trình theo tuyến
Các công trình theo tuyến cấp giấy phép xây dựng
có thời hạn với quy mô cấp IV có tính chất, mục tiêu đầu tư phục vụ dân sinh
(đường dây tải điện, đường dây thông tin truyền thông, đường ống cấp nước, hệ
thống thoát nước...).
2. Đối với công trình không theo tuyến
Công trình phải đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường,
phòng chống cháy nổ; để tránh lãng phí nên khuyến khích sử dụng vật liệu lắp
ghép để thuận lợi trong tháo dỡ và tái sử dụng; đồng thời phải đảm bảo các yêu
cầu cụ thể như sau:
a) Đối với nhà ở riêng lẻ: Tầng cao nhà không
quá 2 tầng, không có tầng hầm, bán hầm, chiều cao ≤ 12m (tính từ cao độ vỉa
hè), tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m²;
b) Đối với công trình: Tầng cao không quá 2 tầng,
chiều cao công trình và chiều dài nhịp kết cấu không quá 12 m, tổng diện tích
sàn xây dựng nhỏ hơn 500m². Trường hợp xây dựng quy mô lớn hơn quy định này thì
cơ quan cấp giấy phép xây dựng báo cáo UBND tỉnh chấp thuận trước khi thực hiện.
c) Thời hạn tồn tại của công trình, nhà ở riêng
lẻ theo giấy phép xây dựng có thời hạn.
Thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực
hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc
quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 05 năm đối với quy hoạch
phân khu, 03 năm đối với quy hoạch chi tiết kể từ ngày cấp giấy phép xây dựng
có thời hạn.
3. Đối với công trình xây dựng, nhà ở hiện hữu
có sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn giao
thông, an toàn công trình đường bộ và được cơ quan quản lý công trình đường bộ
chấp thuận:
a) Được xem xét cấp phép xây dựng có thời hạn để
sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở và không được cơi nới, mở rộng diện tích.
b) UBND huyện tổ chức kiểm kê tài sản trên đất để
có cơ sở đền bù khi nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để triển
khai theo quy hoạch được duyệt trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép
xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN
QUẢN LÝ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
Điều 7. Trách nhiệm của Sở
Xây dựng
1. Tổ chức niêm yết công khai, triển khai, hướng
dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.
2. Thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia
hạn, thu hồi giấy phép xây dựng theo phân cấp của UBND tỉnh đúng quy định pháp
luật về xây dựng.
3. Hướng dẫn, kiểm tra công tác cấp giấy phép
xây dựng của Ban Quản lý khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Tiếp nhận, xử lý văn bản thông báo ngày khởi
công của chủ đầu tư.
5. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hoặc
đề xuất xử lý vi phạm về xây dựng theo quy định của pháp luật.
6. Tổng hợp, đề xuất trình UBND tỉnh xem xét giải
quyết đối với những trường hợp vượt thẩm quyền; hoặc xin ý kiến các bộ, ngành
có liên quan trong quá trình thực hiện khi gặp khó khăn vướng mắc.
7. Tổng hợp, báo cáo định kỳ sáu tháng, một năm
cho UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về tình hình cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của Ban
quản lý khu kinh tế
1. Niêm yết công khai và giải thích, hướng dẫn
các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.
2. Thực hiện cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn,
thu hồi giấy phép xây dựng theo phân cấp của UBND tỉnh đúng quy định pháp luật
về xây dựng.
3. Tiếp nhận, xử lý văn bản thông báo ngày khởi
công của chủ đầu tư.
4. Tổ chức kiểm tra và phối hợp với Thanh tra
Xây dựng, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện kiểm tra việc thực hiện đầu
tư xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp
luật.
5. Công bố công khai quy hoạch đã được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được giao quản lý.
6. Báo cáo UBND tỉnh về tình hình cấp giấy phép
xây dựng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu chế
xuất, khu công nghệ cao theo định kỳ hàng quý, một năm (gửi qua Sở Xây dựng để
tổng hợp báo cáo UBND tỉnh).
Điều 9. Trách nhiệm của UBND
cấp huyện
1. Niêm yết công khai và giải thích, hướng dẫn
các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.
2. Thực hiện cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn,
thu hồi giấy phép xây dựng theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh đúng quy định
pháp luật về xây dựng.
3. Tiếp nhận văn bản thông báo ngày khởi công của
chủ đầu tư.
4. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo
giấy phép được cấp. Xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm về xây dựng theo
quy định của pháp luật.
5. Công bố công khai quy hoạch đã được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được giao quản lý.
6. Lập, phê duyệt, ban hành, công bố Quy chế quản
lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, quy định xây dựng; lập quy hoạch phân khu, quy
hoạch chi tiết, thiết kế đô thị theo quy định làm cơ sở quản lý cấp giấy phép
xây dựng.
7. Chủ trì xem xét, tổ chức kiểm kê công trình
xây dựng, nhà ở thuộc đối tượng cấp phép xây dựng có thời hạn theo Điều 6 Quy định
này.
8. Tổng hợp, báo cáo theo định kỳ tháng, quý,
năm cho Sở Xây dựng về tình hình quản lý cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn.
Điều 10. Trách nhiệm của
UBND cấp xã
1. Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện theo giấy
phép xây dựng. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về xây dựng theo
thẩm quyền đã được pháp luật quy định.
2. Niêm yết công khai quy hoạch xây dựng các điểm
dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Thực hiện báo cáo theo định kỳ tháng, quý,
năm về tình hình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của địa phương gửi UBND cấp
huyện để tổng hợp, theo dõi.
Điều 11. Trách nhiệm của
các sở ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Các sở, ngành khác có liên quan: Căn cứ chức
năng, nhiệm vụ về các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, có trách nhiệm hướng dẫn
và cung cấp các quy định pháp luật, các thông tin có liên quan cho cơ quan cấp
giấy phép xây dựng để kịp thời giải quyết hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; phối hợp
với cơ quan cấp giấy phép xây dựng theo dõi, kiểm tra quản lý quá trình thực hiện
xây dựng theo các thỏa thuận chuyên ngành, giấy phép xây dựng. Có văn bản trả lời
cho cơ quan cấp phép xây dựng về nội dung thuộc phạm vi quản lý của mình khi nhận
được văn bản hỏi ý kiến theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 102 Luật Xây dựng
năm 2014.
2. Các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư xây dựng
công trình.
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính
chính xác, trung thực, tính hợp pháp của các loại giấy tờ trong thành phần hồ
sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng và hồ sơ cung cấp cho các đơn vị chức năng quản
lý trật tự xây dựng, chất lượng công trình xây dựng.
b) Thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ
quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây
dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.
c) Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy
phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, e, g, h và i, trừ nhà ở riêng lẻ
quy định tại điểm i khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ
sung theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 có trách nhiệm thông báo thời điểm
khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế đã được tổ chức thẩm định và phê duyệt
theo quy định gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản
lý, theo dõi, lưu hồ sơ; các vấn đề về quy hoạch, đất đai, phòng cháy chữa
cháy, môi trường, trình tự đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan đến
việc đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý chuyên
ngành và pháp luật hiện hành.
d) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ
quan thanh tra, kiểm tra về nội dung giải quyết các công việc liên quan đến trật
tự xây dựng, giấy phép xây dựng công trình khi có yêu cầu.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Những quy định về cấp giấy phép
xây dựng không đề cập tại Quy định này thì thực hiện theo Luật Xây dựng và các
văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan.
2. Quy định chuyển tiếp: trường hợp công trình
đã được cấp giấy phép xây dựng, trong quá trình xây dựng có thay đổi thiết kế
xây dựng làm thay đổi cấp công trình dẫn đến thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép
xây dựng thì việc điều chỉnh giấy phép xây dựng cho trường hợp này thực hiện
theo thẩm quyền được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Quy định này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy
định này, nếu có vướng mắc phát sinh cần sửa đổi, thay thế, bổ sung cho phù hợp
với quy định hiện hành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh, kiến nghị về
Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.