THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 147/2005/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm
2005
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ
147/2005/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2005 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN KINH
TẾ - XÃ HỘI MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về
Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng
trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 1527/TT-UB ngày
06 tháng 4 năm 2005 về việc xin phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã
hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010"; đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư tại Công văn số 2939 BKH/KTĐP< ngày 04 tháng 5 năm 2005.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt
Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm
2010" với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu phát triển đến năm 2010
Đưa miền Tây tỉnh Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát
triển; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao,
đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng biên giới; đẩy lùi các tệ nạn xã
hội; bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững.
2. Phương hướng phát triển đến năm
2010
- Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ngành nông, lâm nghiệp để hình thành
các vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công
nghiệp chế biến để tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tăng khối lượng và giá trị
sản phẩm hàng hoá, tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm và phân công lại
lao động trên địa bàn;
- Mở rộng các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, thông
tin liên lạc. Phát triển mạng lưới thương mại dịch vụ vùng, huyện, cụm xã và
mạng lưới chợ ở các xã vùng cao để thu mua trao đổi nông, lâm sản và cung ứng
vật tư hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm
2010
a) Về kinh tế:
- Nhịp độ phát triển kinh tế tăng bình quân: 15,08%; tổng
giá trị sản xuất (giá 1994) đạt 12.536 tỷ đồng;
- Cơ cấu kinh tế: giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
từ 45,6% năm 2005 xuống 35%; tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 28,2% năm
2005 lên 37%; tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ từ 26,2% năm 2005 lên 28%;
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng (vùng núi
cao 4 - 5 triệu đồng; vùng núi thấp 9 - 10 triệu đồng);
- Giá trị xuất khẩu đạt 45 triệu USD.
b) Về xã hội:
- Nhịp độ phát triển dân số tăng bình quân 1,1%. Quy mô dân
số đạt 1.191.190 người;
- Xoá hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%;
- Cơ bản hoàn thành công tác định canh, định cư trên địa bàn
các huyện vùng cao. Phấn đấu xoá bỏ tình trạng dân di cư tự do qua biên giới
Lào;
- Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở ở
tất cả 10 huyện miền núi; 100% phòng học được kiên cố;
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 30%.
4. Phương hướng phát triển các ngành
và lĩnh vực
a) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã
hội:
- Giao thông:
+ Xây dựng các tuyến đường kinh tế kết hợp với quốc phòng
như:
. Đường nối quốc lộ 7 với quốc lộ 48 dài 106 km;
. Tuyến đường Tây Nghệ An - Thanh Hoá (Mường Xén - Tri Lệ -
Thông Thụ - Thanh Hoá) dài 240 km.
+ Các tuyến đường ra biên giới (dài 180 km):
. Tuyến Châu Kim - Nậm Giải, Ta Đo - Khe Kiền;
. Tuyến Vẽ - Hữu Khuông - Tam Thái;
. Tuyến Châu Kim - Nậm Giải;
. Tuyến Kẻ Bọn - Châu Phong;
. Tuyến Đôn Phục - Bình Chuẩn.
+ Xây dựng mới tuyến giao thông biên giới dài trên 400 km;
+ Nâng cấp và hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và hệ
thống giao thông vùng cây nguyên liệu, hệ thống giao thông phục vụ du lịch trên
địa bàn miền núi (quốc lộ 7A, 48, 15A, 46 và đường Hồ Chí Minh, tổng chiều dài
748 km, trong đó đi qua địa phận 10 huyện miền núi là 568 km; 12 tuyến tỉnh lộ
dài 794 km);
+ Nâng cấp mặt đường các tuyến đường huyện đi vào các trung
tâm xã, đồng thời đầu tư xây dựng mới nền đường và các công trình trên tuyến
vào 10 xã chưa có đường ô tô, dài 167 km.
- Thuỷ lợi:
+ Đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi kết hợp thuỷ điện Bản
Mồng (huyện Quỳ Hợp) quy mô 400 triệu m3 nước và 60 MW để tưới và giữ ẩm cho
vùng Tây Bắc;
+ Khôi phục và nâng cấp 136 công trình và xây dựng mới 278
công trình để đảm bảo tưới cho 32.800 ha. Trong đó, tưới cho lúa 19.000 ha,
tưới cho cây trồng cạn 13.800 ha;
+ Kiên cố hoá kênh mương mới 1.106 km;
+ Xây dựng mới 195 công trình cấp nước sinh hoạt, giải quyết
nước sinh hoạt cho 890.000 người.
- Điện:
+ Hoàn chỉnh quy hoạch lưới điện trên địa bàn miền núi, nâng
công suất các trạm biến thế; phát triển lưới điện 35 KV, 22 KV sau trạm 110 KV
đến các xã có điều kiện;
+ Tiếp tục phát triển lưới điện đến tận xã đối với các xã có
khả năng kỹ thuật cho phép. Đầu tư cải tạo và nâng cấp các trạm biến áp và
đường dây đã có, đồng thời phát triển thuỷ điện nhỏ hoặc pin mặt trời;
+ Xây dựng xong nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ 320 MW, nhà máy
thuỷ điện Khe Bố 96 MW, nhà máy thủy điện Hủa Na 180 - 200 MW nhà máy thuỷ điện
kết hợp thuỷ lợi Thác Muối 40 MW, các nhà máy khác: Bản Cốc, Sao Va, Nhạn Hạc
công suất từ 5 - 20 MW và một số nhà máy thủy điện.
Đến năm 2010: đưa tỷ lệ hộ được sử dụng điện (điện lưới quốc
gia, thuỷ điện nhỏ, pin...) lên 100%.
- Phát triển đô thị:
+ Hình thành và phát triển 2 thị xã mới: thị xã Con Cuông,
quy mô 2 - 3 vạn dân; thị xã Thái Hoà, quy mô 3 - 5 vạn dân;
+ Hình thành thêm 7 thị trấn mới: Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn);
Chợ Cồn, Chợ Chùa, Võ Liệt, Thanh Thuỷ (huyện Thanh Chương); thị trấn 3/2
(huyện Quỳ Hợp); Đông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn), Châu Khê (huyện Con Cuông);
+ Phát triển 11 điểm đô thị, thị tứ dọc tuyến đường Hồ Chí
Minh: huyện Nghĩa Đàn: 4 điểm (Nghĩa Sơn, Nghĩa Lộc, Nghĩa Trung, Đông Hiếu);
huyện Tân Kỳ: 3 điểm (thị trấn Lạt, Nghĩa Bình, Kỳ Sơn); huyện Anh Sơn: 1 điểm
(thị trấn Tri Lễ); huyện Thanh Chương: 3 điểm (Thanh Thuỷ, Thanh Mai, Hạnh
Lâm);
+ Phát triển mới 58 thị tứ gắn với phát triển chợ nông thôn:
huyện Kỳ Sơn 6 thị tứ; huyện Tương Dương 2 thị tứ; huyện Con Cuông 5 thị tứ;
huyện Anh Sơn 3 thị tứ; huyện Thanh Chương 16 thị tứ; huyện Quế Phong 4 thị tứ;
huyện Quỳ Châu 7 thị tứ; huyện Quỳ Hợp 7 thị tứ; huyện Tân Kỳ 2 thị tứ; huyện
Nghĩa Đàn 7 thị tứ.
- Xây dựng khu công nghiệp: xây dựng khu công nghiệp Phủ Quỳ
400 ha tại xã Nghĩa Thuận, phát triển các ngành nghề chế biến nông, lâm sản,
dệt may, lắp máy, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Hình thành các cụm sản xuất tiểu, thủ công nghiệp trên địa
bàn 10 huyện miền núi để khai thác tiềm năng nguyên vật liệu sẵn có và khôi
phục phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống trên địa bàn.
- Phát triển kinh tế cửa khẩu: hoàn thành xây dựng cửa khẩu
quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn). Xây dựng cửa khẩu Thanh Thuỷ (Thanh Chương)
thành cửa khẩu quốc gia; chuẩn bị đầu tư mở thêm cửa khẩu Thông Thụ (Quế Phong)
để giao lưu với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và các nước trong khu vực.
Xây dựng 2 chợ cửa khẩu tạo nguồn hàng hoá, đẩy mạnh hợp tác
giao lưu với nước Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan.
b) Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp:
- Lâm nghiệp:
+ Quản lý bảo vệ và phát triển 3 loại rừng (rừng phòng hộ,
rừng đặc dụng và rừng sản xuất) để tạo hệ sinh thái bền vững nhằm bảo vệ đất,
nguồn nước, quỹ gen, môi trường và cảnh quan thiên nhiên;
+ Đổi mới cơ chế quản lý lâm nghiệp, thực hiện triệt để giao
đất, khoán rừng phù hợp với từng địa bàn dân cư, tạo việc làm tại chỗ ở các
lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Từng bước ổn định đời sống dân cư, xoá đói giảm
nghèo;
+ Quản lý, bảo vệ 656.391 ha rừng hiện có;
+ Tạo các vùng trồng rừng tập trung quy mô lớn: rừng nguyên
liệu giấy 72.500 ha, rừng nguyên liệu MDF 5.000 ha, rừng sở 15.000 ha, quế
10.000 ha, cây chủ cánh kiến 7.000 ha, tre, trúc lấy măng 5.000 ha.
- Nông nghiệp: đảm bảo an ninh lương thực ở các huyện núi
cao, biên giới trên cơ sở thâm canh diện tích lúa nước hiện có kết hợp mở rộng
diện tích ở những nơi có công trình thuỷ lợi mới và giảm mạnh diện tích lúa
rẫy. Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả kết hợp với đầu tư phát triển thuỷ
lợi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thâm
canh, tăng năng suất.
+ Cây lương thực: đến năm 2010 khai hoang ruộng nước ở các
huyện núi cao 2.000 ha, giảm 6.000 ha diện tích rẫy. ổn định diện tích gieo
trồng lúa 57.610 ha (trong đó rẫy luân canh 10.000 ha), ngô 29.700 ha, đưa năng
suất lúa đạt 44 tạ/ha, ngô đạt 36 tạ/ha vào năm 2010. Tổng sản lượng lương thực
có hạt năm 2010 đạt 354.284 tấn;
+ Cây sắn nguyên liệu: đến năm 2010 bố trí diện tích sắn
5.000 ha, đảm bảo nguyên liệu cho 2 nhà máy sắn công suất 100 tấn bột/ngày. Đầu
tư thâm canh giống mới để đạt năng suất 500 tạ/ha;
+ Cây mía: ổn định diện tích trồng mía 25.000 ha vào năm
2010; thâm canh để đạt năng suất bình quân 70 - 80 tấn/ha;
+ Cây lạc: diện tích 9.000 ha vào năm 2010 trên cơ sở chuyển
từ đất trồng lúa, khoai kém hiệu quả. ứng dụng trồng lạc phủ nilông, đầu tư
thâm canh sử dụng các giống mới có năng suất cao như giống L14, L08, LVT v.v...
để đạt năng suất bình quân 25 tạ/ha;
+ Cây vừng: diện tích 6.000 ha, chủ yếu là vừng V6, năng
suất 7 tạ/ha, sản lượng 4.200 tấn;
+ Cây chè: quy mô diện tích 13.000 ha, hiện có 6.800 ha,
trồng mới thêm 5.200 ha (Phân bố dọc tuyến đường Hồ Chí Minh 4.500 ha chè búp, 500
- 700 ha chè tuyết ở huyện Kỳ Sơn); năng suất 15 tấn/ha;
+ Cây cà phê: quy mô diện tích 3.500 ha bằng giống cà phê
chè Catimor, năng suất 1,5 - 2 tấn/ha. Đã có 2.400 ha, trồng mới thêm 1.100 ha;
+ Cây cao su: quy mô diện tích 7.000 ha, hiện có 3.218 ha,
trồng mới thêm 3.382 ha (chủ yếu trồng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh). Sản phẩm
mủ đạt 5.200 tấn năm 2010;
+ Cây cam: quy mô diện tích 5.000 ha (chủ yếu ở 4 huyện:
Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông). Bình quân mỗi năm trồng 500 - 600 ha,
đưa năng suất lên 25 - 30 tấn quả/ha, vùng thâm canh đạt 40 - 50 tấn quả/ha;
+ Cây dứa: quy mô 10.000 ha, đã có 3.200 ha, trồng mới thêm
6.800 ha (mở rộng diện tích trồng dứa ở 3 huyện: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Anh Sơn),
đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy dứa ở Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) và dự kiến xây
dựng thêm 1 nhà máy nước dứa cô đặc ở huyện Tân Kỳ hoặc Yên Thành công suất
5.000 tấn/năm;
+ Phát triển chăn nuôi: tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong
nông nghiệp từ 30% năm 2005 và 40% năm 2010 (tập trung chăn nuôi trang trại
theo hướng công nghiệp hoá từ khâu sản xuất thức ăn đến chuồng trại).
. Đàn lợn: đẩy mạnh tốc độ phát triển đàn lợn lên 4,5 - 5%
giai đoạn (2006 - 2010) để có tổng đàn 583.660 con vào năm 2010. Trong đó tỷ lệ
lợn hướng nạc chiếm 60 - 70%;
. Đàn trâu, bò: đẩy mạnh tốc độ phát triển đàn trâu, bò. Đưa
tốc độ phát triển đàn trâu lên 3,2% giai đoạn (2006 - 2010) để có tổng đàn
244.000 con và tốc độ phát triển đàn bò đạt 5,6% để có tổng đàn 228.210 con vào
năm 2010, trong đó có 68% là bò lai Sind. Khuyến khích phát triển đàn bò sữa ở
các huyện có điều kiện và cân đối đủ diện tích trồng cỏ.
Ngoài ra, phát triển chăn nuôi một số loại đặc sản khác:
nuôi ong lấy mật, nuôi thả cánh kiến đỏ, nuôi ba ba v.v...
- Thuỷ sản: chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu
quả sang nuôi cá rô phi đơn tính và phát triển hình thức nuôi cá - lúa luân
canh trên diện tích trồng lúa chủ động nước. Tận dụng khai thác tốt các lòng hồ
sẵn có để nuôi trồng thuỷ sản. Đến năm 2010 diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt
14.900 ha, sản lượng đạt 12.140 tấn.
c) Công nghiệp - xây dựng: phát
triển các ngành công nghiệp có lợi thế và khả năng khai thác gắn với vùng
nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Công nghiệp mía đường: giữ nguyên công suất 2 nhà máy
đường: Sông Con (Tân Kỳ) 1.250 tấn/ngày, Sông Lam (Anh Sơn) 500 tấn/ngày, mở
rộng công suất nhà máy đường NAT&L lên 12.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường
đạt 180 - 200 nghìn tấn năm 2010;
- Chế biến chè: đầu tư thêm một số dây chuyền sản xuất và
nâng cấp các cơ sở sản xuất hiện có để đạt công suất chế biến chè búp khô đạt
12.000 tấn;
- Chế biến cà phê: xây dựng xí nghiệp chế biến công suất
2.000 tấn/năm với thiết bị đồng bộ vừa phục vụ tiêu dùng vừa xuất khẩu để đáp
ứng chế biến 6.000 tấn sản phẩm;
- Chế biến cao su: nâng cấp các cơ sở cũ đã có để đảm bảo
chế biến mủ khô đạt 5.000 tấn;
- Chế biến hoa quả: xây dựng mới nhà máy chế biến nước dứa
cô đặc công suất 5.000 tấn/năm tại huyện Tân Kỳ hoặc Yên Thành vào năm 2007 để
khai thác tiềm năng vùng đất trồng dứa ở Tân Kỳ và các xã miền núi huyện Yên
Thành dọc tuyến đường Hồ Chí Minh;
- Chế biến lâm sản: xúc tiến đầu tư và tìm đối tác xây dựng
nhà máy sản xuất bột giấy công suất 130.000 tấn/năm;
- Các sản phẩm chế biến khác: xúc tiến đầu tư xây dựng các
nhà máy, các cơ sở sản xuất nhỏ như: chế biến thức ăn gia súc tại Con Cuông,
nhà máy sơ chế bột giấy tại Khe Bố (Tương Dương), cơ sở chế biến tinh dầu quế
5.000 tấn/năm tại Mường Nọc (Quế Phong); nâng công suất nhà máy nước khoáng ở
Quỳ Hợp lên 5 triệu lít/năm;
- Khai thác khoáng sản: sản lượng khai thác thiếc tinh luyện
800 tấn/năm; đá trắng xuất khẩu 350.000 tấn/năm; đá bazan 150.000 tấn/năm; than
25.000 tấn/năm; đá xây dựng 300.000 m3/năm, cát sỏi sạn 1,0 triệu m3/năm;
- Vật liệu xây dựng: quy hoạch vùng Anh Sơn và Đô Lương
thành một trọng điểm sản xuất xi măng; mở rộng quy mô sản xuất và đổi mới công
nghệ sản xuất xi măng lò đứng của 2 nhà máy sản xuất xi măng Anh Sơn lên
400.000 tấn/năm bằng công nghệ lò quay, đồng thời chuẩn bị xây dựng thêm 1 nhà
máy xi măng lò quay công suất 1,4 triệu tấn/năm; xây dựng nhà máy chế biến đá
granit công suất 1 triệu m2/năm tại Tân Kỳ và một số cơ sở sản xuất tấm lợp với
tổng công suất 1 triệu m2/năm, xây dựng nhà máy xi măng Đô Lương công xuất 2,4
triệu tấn/năm; xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung ở huyện Anh Sơn, Tân
Kỳ, Nghĩa Đàn công suất 90 - 100 triệu viên/năm để đưa sản lượng gạch nung đạt
100 triệu viên, ngói 35 triệu viên/năm.
d) Dịch vụ thương mại, du lịch.
- Thương mại: hình thành các trung tâm thương mại tại các
huyện lỵ, các thị trấn, thị tứ, hệ thống chợ, hệ thống mạng lưới bán lẻ xăng,
dầu miền núi trên địa bàn vùng, xã, hệ thống chợ đường biên. Tăng cường sự hợp
tác toàn diện với các tỉnh bạn Lào để có thị trường trao đổi hàng hoá qua Lào
và vùng Đông Bắc Thái Lan;
Phấn đấu đạt nhịp độ phát triển bình quân về tổng mức luân
chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường 10 huyện miền núi tăng bình quân giai
đoạn (2006 - 2010) là 10,85%; tổng mức luân chuyển hàng hoá bán lẻ đạt 2.200 tỷ
đồng, giá trị xuất khẩu đạt 45 triệu USD vào năm 2010.
- Dịch vụ du lịch: khai thác tốt các nguồn tài nguyên thiên
nhiên, danh thắng, di tích văn hoá truyền thống, dân tộc, đưa miền Tây Nghệ An
trở thành các điểm du lịch sinh thái, danh thắng, văn hoá, dân tộc hấp dẫn gắn
với hệ thống du lịch chung của tỉnh. Đến năm 2010, lượng khách du lịch đến địa
bàn miền núi đạt 200.000 lượt khách; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 30.000 triệu
đồng.
đ) Văn hoá - xã hội:
- Dân số, lao động và đời sống xã hội:
+ Gắn các chương trình di dân, tái định cư, khu kinh tế quốc
phòng với các chương trình, dự án phát triển sản xuất để điều chỉnh lại dân cư;
+ Phát triển và hình thành các cụm dân cư mới tập trung theo
các tuyến giao thông trục chính và tuyến biên giới Việt - Lào. Các thị trấn,
thị tứ và khu dân cư dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, gắn với phát triển sản
xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ;
+ Tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ lên 30 -
40%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 90% vào năm 2010;
+ Giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống dưới 10% vào năm 2010.
- Giáo dục và đào tạo: thu hút 50 - 60% trẻ em trong độ tuổi
đến các nhà trẻ, nhóm trẻ. Ở các bản vùng sâu, vùng xa, tổ chức cho trẻ 5 tuổi
và trên 5 tuổi chưa đến lớp mầm non học chương trình mẫu giáo 36 buổi trước khi
vào lớp 1.
+ ổn định số trường mầm non hiện có, phát triển thêm các
nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo ở các bản. Đưa tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc
gia lên 10%;
+ ổn định hệ thống trường tiểu học trên địa bàn. Đến năm
2005 toàn vùng thực hiện phổ cập tiểu học đúng độ tuổi;
+ Đến năm 2007 phổ cập xong trung học cơ sở, năm 2010 có 10%
số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia;
+ Xây dựng hai trường trung học dạy nghề ở huyện Thái Hà và
Con Cuông để đào tạo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Y tế:
+ Đầu tư xây dựng mới 2 bệnh viện vùng ở thị xã Con Cuông
150 giường bệnh và thị xã Thái Hoà quy mô 250 giường bệnh;
+ Cơ bản giữ nguyên số giường bệnh ở các trung tâm y tế, các
phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã. Đầu tư xây dựng tăng số phòng khám
đa khoa khu vực một số huyện đông dân, vùng sâu, vùng xa. Nâng tỷ lệ số giường
bệnh lên 22 giường/ 1vạn dân.
. Kiên cố hoá 100% các phòng khám đa khoa khu vực và các
trạm y tế; các xã đều có bác sĩ, y sĩ sản nhi, y tá trung học, nữ hộ sinh. Đưa
tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế lên 40 - 50%;
. Hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 30%, hạ tỷ lệ
bướu cổ xuống dưới 10%.
- Văn hoá thông tin - phát thanh truyền hình:
+ Đưa tỷ lệ làng, bản được phủ sóng phát thanh lên 100%,
truyền hình lên 90%. Nâng cao chất lượng và thời lượng phát thanh bằng tiếng
Thái. Xây dựng thêm chương trình phát thanh tiếng Mông. Các huyện đều có đội
thông tin lưu động, 100% số xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh công cộng;
+ Tăng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá lên 85%;
+ Nâng tỷ lệ số xã có điểm bưu điện văn hoá lên 100%.
. Phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng,
xây dựng gia đình thể thao để có 15% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể
thao.
. Mỗi huyện có một sân vận động đa chức năng, 1 nhà tập
luyện và thi đấu. Các trung tâm cụm xã và các xã có sân vận động đa chức năng.
. Đảm bảo 100% số cán bộ văn hoá - thông tin - thể dục thể
thao miền núi được đào tạo.
- Khoa học và công nghệ: đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa
học và công nghệ vào sản xuất. Thành lập Trung tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học
- công nghệ vùng phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp: vừa là cơ quan nghiên cứu,
triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học trên địa bàn, vừa là nơi cung ứng các
nguồn giống và kỹ thuật cho nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông - lâm
nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
5. Các giải pháp chủ yếu
a) Tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch
phát triển các ngành, lĩnh vực, khu đô thị mới trên địa bàn các huyện miền Tây
tỉnh Nghệ An:
- Căn cứ quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, quy
hoạch các huyện miền núi đã được phê duyệt, điều chỉnh cơ cấu sản xuất cây con,
đặc biệt là chăn nuôi; từ đó điều chỉnh các dự án đầu tư phát triển cây trồng,
vật nuôi, điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị mới, các dự án phát triển du
lịch, kinh tế dịch vụ trên địa bàn.
b) Giải pháp phát triển nguồn lực:
- Phát triển nhân lực:
+ Có chính sách bổ sung phát triển nguồn nhân lực mới để đào
tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có. Trước hết đào tạo đội ngũ giáo viên, cán
bộ y tế, cán bộ cơ sở xã, bản;
+ Củng cố, nâng cấp các trường dạy nghề ở miền Tây Nghệ An,
để nâng cao chất lượng lao động được đào tạo nghề, đặc biệt là các ngành nghề
mây tre đan, chế biến nông, lâm sản. Hình thành 2 trung tâm dạy nghề cấp vùng
(Tây Bắc và Tây Nam) để đào tạo nguồn nhân lực cho cả khu vực miền Tây của
tỉnh;
+ Củng cố lại bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn,
có chất lượng. Gắn việc đào tạo với luân chuyển cán bộ về cơ sở. Chú trọng tăng
cường cán bộ ngành giáo dục, y tế, cán bộ và chiến sĩ bộ đội biên phòng. Tăng
cường thu hút sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng về làm việc tại cơ sở.
Quan tâm sử dụng các già làng, trưởng bản để vận động người
dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
+ Tăng cường cán bộ khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công bằng
hình thức luân chuyển cán bộ, tiếp nhận mới và đầu tư cho công tác khuyên nông,
khuyến lâm, khuyến ngư.
- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ:
+ Chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng
cây công nghiệp. Làm tốt công tác bảo vệ thực vật, nghiên cứu và phổ biến rộng
rãi quy trình dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y cho các loại cây, con hợp
lý;
+ Mở rộng việc cơ giới hoá các khâu làm đất, thu hoạch, chế
biến, nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thuỷ lợi và tiết kiệm sử dụng
điện, nước;
+ Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ tập trung vào một số
sản phẩm chủ yếu như: hoa quả, chế biến lâm sản và lĩnh vực giống cây trồng,
vật nuôi để tạo ra khâu đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh
của nông sản hàng hoá;
+ Tăng diện tích trồng lúa lai lên 80 - 90% diện tích chủ
động nước, 80 -90% đối với ngô lai; mở rộng diện tích lạc sen lai, mía Roc 10,
Roc 16, cà phê Catimor, giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, giống
cây ăn quả, giống cây rừng mọc nhanh phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng;
+ Tiếp tục cải tạo đàn bò, đàn lợn chăn nuôi theo hướng công
nghiệp, phát triển đàn gà, vịt v.v... đồng thời khôi phục và phát triển một số
loại vật nuôi quý hiếm như: vịt bầu Quỳ Châu, gà ác, nuôi ong lấy mật, nuôi thả
cánh kiến đỏ, nuôi ba ba v.v...
- Giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư:
+ Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút các nguồn đầu
tư, phát triển giao thông nông thôn, thuỷ lợi, khai thác quỹ đất.... để phát
triển kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi;
+ Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các vùng trọng điểm, vùng
biên giới, vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, khu vực có các điểm du
lịch để thu hút đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho các chương trình thực hiện kết luận
số 20 KL/TW ngày 02 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị, chương trình dự án trong
Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị, để hoàn thành
các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh;
+ Huy động mọi quyền lực để xây dựng các công trình hạ tầng
theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích người dân đầu tư
và liên doanh đầu tư phát triển sản xuất với các tổ chức kinh doanh;
+ Xây dựng và xúc tiến các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh
có nguồn thu lớn như: xi măng, khai thác và chế biến đá trắng, chế biến gỗ, lâm
sản... và các sản phẩm hàng hoá phục vụ xuất khẩu;
+ Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đề cao trách nhiệm
Chủ đầu tư. Xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý tạo ra khả năng chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nhanh.
+ Kêu gọi các dự án về bảo vệ tài nguyên môi trường và đa
dạng sinh học, bảo vệ quỹ đất, nguồn tài nguyên nước, kết hợp phát triển các ngành
du lịch và dịch vụ khác.
c) Củng cố, mở rộng quan hệ sản xuất
trên địa bàn miền núi:
- Tổ chức sản xuất theo hướng kinh tế hộ, kinh tế trang
trại. Có cơ chế thích hợp để khuyến khích các hộ nông dân, các chủ trang trại
và các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh;
- Tăng cường vai trò kinh tế nhà nước trong sản xuất nông,
lâm, công nghiệp và dịch vụ trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp công ích đảm
bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hoá tiêu dùng, các loại vật tư phục vụ sản xuất,
các loại hàng hoá tiêu dùng và làm tốt đại lý thu gom tiêu thụ sản phẩm cho
nông dân miền núi;
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi cơ chế quản lý
các nông, lâm trường để các đơn vị này trở thành trung tâm hướng dẫn khoa học
kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời giải quyết tốt các mối quan hệ: giữa nông, lâm
trường, trạm trại; các nhà máy chế biến; giữa các thành phần kinh tế trên địa
bàn;
- Thực hiện tốt các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và
các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, của tỉnh để giải quyết việc làm,
nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc.
d) Củng cố và phát triển thị trường
tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các huyện miền núi:
- Phát triển và củng cố các tổ chức kinh doanh xuất khẩu
mạnh, có thể khép kín từ khâu nguyên liệu - chế biến - xuất khẩu để ổn định đầu
vào và đầu ra. Dùng quỹ hỗ trợ xuất khẩu hỗ trợ cho doanh nghiệp khi gặp rủi
ro, bù lỗ các mặt hàng nông sản thực phẩm nhất là hàng của đồng bào miền núi,
dân tộc;
- Phát triển và củng cố mạng lưới chợ nông thôn và cơ sở
dịch vụ thu mua, hình thành nhanh các khu, cụm, điểm kinh tế tổng hợp trên các
địa bàn để tạo ra các mô hình phát triển kinh tế và các điểm thu mua và cung
ứng vật tư hàng hoá, dịch vụ cho đồng bào miền núi, dân tộc;
- Tiếp tục chuyển đổi và nâng cao hiệu quả các hợp tác xã
dịch vụ đảm bảo cung ứng đầu vào có chất lượng và tiêu thụ tốt sản phẩm cho
nông dân;
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần
kinh tế tìm kiếm, phát triển thị trường và kêu gọi đối tác đầu tư phát triển
sản xuất nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn.
đ) Đổi mới doanh nghiệp nhà nước,
khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế:
- Đẩy mạnh cổ phần hoá và chuyển đổi hình thức sở hữu các
doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn miền Tây Nghệ An, nhất là
các nông trường quốc doanh, các tổng đội Thanh niên xung phong;
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế
phát triển, đặc biệt là hình thành các công ty tư nhân trong lĩnh vực chế biến
nông, lâm sản và khai thác khoáng sản; hình thành các hợp tác xã cung cấp các
yếu tố đầu vào và giải quyết các yếu tố đầu ra cho bà con nông dân;
- Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào đầu tư các lĩnh vực
mà miền Tây Nghệ An có lợi thế nhằm góp phần phát triển kinh tế của vùng, từng
bước nâng cao đời sống nhân dân.
e) Ban hành một số cơ chế, chính
sách phát triển:
- Cải cách hành chính: tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách
hành chính, đổi mới chỉ đạo điều hành. Đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ
máy, bố trí sắp xếp luân chuyển đội ngũ cán bộ. Chăm lo bồi dưỡng đào tạo và sử
dụng cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật tạo bước chuyển biến về chất trong
việc phát huy nguồn nhân lực.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đề án “Một
cửa” ở tất cả các huyện trên địa bàn theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04
tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chính sách đầu tư:
+ Ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, hạ
tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc;
+ Giao thông: ưu tiên đầu tư các tuyến đường nối các vùng
trọng điểm, đường vùng nguyên liệu, đường nối các điểm du lịch và đường ra biên
giới;
+ Thuỷ lợi: ưu tiên đầu tư nâng cấp các hồ đập phục vụ tưới
tiêu vùng màu và cây công nghiệp tập trung. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào kiên
cố hoá kênh mương, xây dựng các công trình nước sạch cho nông thôn;
+ Điện: ưu tiên đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng thuỷ điện
Bản Vẽ, thuỷ điện Khe Bố và công trình thuỷ điện kết hợp thuỷ lợi Thác Muối.
Đầu tư cải tạo và nâng cấp các trạm biến áp và đường dây đã có, đồng thời phát
triển thuỷ điện nhỏ hoặc pin mặt trời.
Để thực hiện được các mục tiêu của đề án, tổng nhu cầu vốn
là 26.800 tỷ đồng. Trong đó vốn trong nước 22.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài 4.200
tỷ đồng.
Phân bố đầu tư cho các ngành:
. Nông, lâm, thuỷ sản: 5.966 tỷ đồng;
. Công nghiệp: 10.285 tỷ đồng;
. Dịch vụ, hạ tầng 10.549 tỷ đồng.
Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho 60 dự án với tổng số
vốn 23.276 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 7.446 tỷ đồng; ngân sách địa phương
1.564 tỷ đồng; doanh nghiệp 13.994 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài 272 tỷ đồng).
(Danh mục các dự án có biểu Phụ lục kèm theo).
- Chính sách dân tộc miền núi:
+ Thực hiện theo Quyết định số 134/2004/QĐ.TTg ngày 20 tháng
7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung sửa đổi một số chính sách phát
triển miền núi, dân tộc như: hỗ trợ vốn phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng
các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, các công trình phúc
lợi công cộng v.v... Trợ cước, trợ giá vận chuyển và bao cấp các mặt hàng thiết
yếu cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;
+ Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc nổi lên ở miền
núi như: buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý và nghiện hút ma tuý, nhiễm
HIV/AIDS, truyền đạo trái phép vào các vùng dân tộc, di dịch cư tự do qua Lào,
đơn thư khiếu kiện, tranh chấp đất đai.
g) Tiếp tục lồng ghép các chương
trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư cho
miền núi:
- Xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp gắn
với công nghiệp chế biến. Khuyến khích phát triển kinh tế trạng trại và phát
triển sản xuất vùng nguyên liệu có quy mô lớn cho công nghiệp chế biến;
- Củng cố và tăng cường hoạt động của hệ thống khuyến nông,
khuyến lâm, khuyến ngư cho phù hợp với từng địa bàn dân cư và tập quán sản xuất
để người dân thuận lợi trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và các dịch vụ
khác.
h) Tăng cường quản lý, khai thác, sử
dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên sẵn có gắn với bảo vệ môi trường:
- Tài nguyên đất: bố trí quỹ đất cho sản xuất và xây dựng
trên địa bàn có hiệu quả. Hạn chế đến mức tối đa bỏ đất hoang. Chú trọng làm
tốt công tác thuỷ lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hoàn thành việc giao đất, khoán rừng lâu dài cho hộ nông dân
gắn với công tác định canh, định cư ở các huyện vùng cao:
+ Đầu tư thâm canh diện tích lúa nước hiện có, tiếp tục khai
hoang mở rộng diện tích lúa nước ở những vùng có điều kiện xây dựng công trình
thủy lợi;
+ Đối với diện tích đất trống đồi núi trọc: khuyến khích các
thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo vùng nguyên
liệu gắn với công nghiệp chế biến.
- Tài nguyên khoáng sản: tăng cường công tác kiểm tra, tổ
chức tốt việc khai thác khoáng sản để hạn chế tác động xấu đến môi trường như
khai thác đá vôi, đá trắng, đá đen, đá granít, đá bazan, thiếc, đất gốm sứ
v.v...
- Tài nguyên rừng: hoàn chỉnh quy trình trồng rừng thâm
canh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường hoạt động bảo vệ, phát
triển lâm nghiệp thông qua việc xây dựng các dự án phát triển rừng. Tổ chức
khai thác rừng có kế hoạch để bảo vệ và phát triển vốn rừng bền vững;
- Tài nguyên nước: đầu tư nâng cấp các công trình thuỷ lợi
trên địa bàn, quản lý khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình cấp nước
cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư.
i) Giữ vững ổn định chính trị, bảo
đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “Diễn biến hoà bình” của
các thế lực thù địch. Thường xuyên thông tin cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế kết hợp với quốc phòng an
ninh. Tiếp tục bổ sung và triển khai phương án phòng thủ, xây dựng thế trận
quốc phòng - an ninh vững chắc trong mọi tình huống. Tổ chức xây dựng xã an
toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới
và tăng cường quản lý biên giới cửa khẩu (Nậm Cắn, Thanh Thuỷ, Thông Thụ). Tổ
chức tốt phong trào quân chúng bảo vệ an ninh biên giới và an toàn xã hội trên
địa bàn.
Điều 2. Giao Uỷ ban
nhân dân tỉnh Nghệ An
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Phó Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo thực hiện. Các ngành chức năng có
trách nhiệm tăng cường phối hợp với các huyện miền núi để xây dựng triển khai
thực hiện các Đề án.
2. Nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực
hiện bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình
thực hiện phải thường xuyên cập nhật thông tin. Khi có nhu cầu bổ sung, điều
chỉnh Đề án phải báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nghiên
cứu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp
với điều kiện của tỉnh nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát
triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, mở rộng thị trường, chủ động hội nhập kinh
tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh.
4. Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành
chính. Từng bước tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư trong và ngoài
nước. Phát huy mạnh mẽ tiềm năng và thế mạnh của vùng để từng bước phát huy
nhân tố tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực của cơ chế thị trường trong quá
trình phát triển.
5. Chỉ đạo đầu tư tập trung có trọng điểm để nhanh chóng
mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
phục vụ sản xuất và hạ tầng xã hội, tạo động lực phát triển các ngành và các
lĩnh vực.
6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương
các cấp, cùng với việc đổi mới công tác sắp xếp, luân chuyển cán bộ chủ chốt,
phân công phân cấp và đề cao trách nhiệm cá nhân, tổ chức bộ máy quản lý.
Điều 3. Các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có
trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An cụ thể hoá Đề án
"Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010" đã được
phê duyệt bằng các chương trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ
An; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lựa
chọn, phân loại cơ cấu vốn đầu tư cho từng Dự án để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ
An đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Điều 4. Quyết định
này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh Nghệ An, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.