ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2226/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 13
tháng 7 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG THÔN NÔNG THÔN MỚI ĐIỂM CẤP TỈNH TẠI THÔN LÀNG MỚI,
XÃ MƯỜNG HOONG, HUYỆN ĐĂK GLEI, TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2022 - 2023
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH
ngày 30 tháng 9 năm 2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm
kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Chỉ thị số 12-CT/TU ngày
18 tháng 02 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp
ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân
tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-UBND
ngày 02 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường vai trò,
trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới năm 2022;
Căn cứ Quyết định số
147/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành bộ
tiêu chí “Thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa
bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2025”;
Căn cứ Thông báo số 223-TB/VPTU
ngày 28 tháng 6 năm 2022 của Văn phòng Tỉnh ủy về ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh
ủy tại buổi thăm, làm việc với Nhân dân thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện
Đăk Glei.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch tổ chức thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới điểm cấp tỉnh tại thôn Làng
Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng điểm cấp tỉnh về
Thôn nông thôn mới nhằm nâng cao vai trò chủ thể của người dân để vươn lên
thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm 3 không: Không chấp nhận
đói, nghèo; không trông chờ ỷ lại; không tự ti, thỏa mãn (bằng lòng, chấp nhận
cuộc sống hiện tại) để thực hiện xây dựng “thôn Làng Mới”: có
kinh tế hộ phát triển; có mô hình sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng kinh tế
- xã hội phù hợp; có cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh trật
tự được đảm bảo; hạn chế thấp nhất mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản
trong chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm
gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng và những nét đặc
thù của từng vùng, miền, tạo tiền đề để xã phấn đấu đạt nông thôn mới ở những
năm tiếp theo.
- Ưu tiên tập trung nguồn vốn
ngân sách nhà nước các cấp và triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động lồng
ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn, huy
động tham gia đóng góp của cộng đồng dưới hình thức huy động bằng ngày công, vật
liệu, hiện vật để thực hiện bảo đảm đúng tiến độ thời gian và hiệu quả, góp phần
phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến Quý IV năm 2023 thôn Làng mới đảm bảo đạt chuẩn
10/10 tiêu chí Thôn nông thôn mới và được công nhận thôn nông thôn mới theo quy
định.
- Làm cơ sở để rút kinh nghiệm,
triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh về xây dựng Thôn (làng) nông thôn mới
ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu đến cuối
năm 2025, toàn tỉnh có 50% thôn (làng) đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
2. Yêu cầu
- Việc xây dựng thôn nông thôn
mới điểm cấp tỉnh cần phải gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua”Cả nước
chung tay xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp
nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
vươn lên thoát nghèo bền vững” , “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh”, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng
thuận trong toàn xã hội; Phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục
khó khăn, loại bỏ tư tưởng trông, chờ, ỷ lại để thực hiện có hiệu quả Chương
trình xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên
địa bàn tỉnh.
- Các Sở, ngành, địa phương xác
định việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo
quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn đầu tư
để tổ chức thực hiện; Thường xuyên tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực
hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về
xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sát, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở đơn vị,
địa phương mình. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các
cấp và sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; có sự phân
công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể; huy động các tầng lớp Nhân dân tham gia thực
hiện.
II. PHẠM VI,
ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Phạm vi thực hiện:
Trên địa bàn “thôn Làng Mới” thuộc xã Mường Hoong, huyện Đăk
Glei.
2. Đối tượng thụ hưởng:
Người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế -
xã hội trên địa bàn thôn Làng Mới.
3. Đối tượng thực hiện:
Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn xã hội trong đó chủ thể là người
dân trên địa bàn tỉnh.
4. Thời gian thực hiện:
Từ năm 2022 đến 2023.
III. MỤC
TIÊU: Phấn đấu đến quý IV năm 2023 “thôn Làng Mới” đạt
chuẩn thôn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của tỉnh. Trong đó:
- Năm 2022: Phấn đấu cơ bản có
6/10 tiêu chí đạt chuẩn, gồm: Tiêu chí số 01 về giao thông, số 02 về điện, số
03 về cơ sở vật chất văn hóa, số 04 về thông tin và truyền thông, số 08 về Văn
hóa, giáo dục và y tế, số 10 về an ninh trật tự xã hội.
- Quý IV năm 2023: Có 10/10
tiêu chí đạt chuẩn và được công nhận thôn nông thôn mới.
IV. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
1. Nội dung thực hiện
Thực hiện theo các nội dung,
nhiệm vụ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện hoàn
thành các tiêu chí “Thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới” áp dụng trên địa bàn
các xã thuộc tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2022 - 2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành. Trong đó tập trung các nội dung để triển khai thực hiện đạt chuẩn 10/10
tiêu chí thuộc bộ tiêu chí thôn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 đã được Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm
2022, cụ thể:
- Đầu tư, xây dựng hoàn thiện
cơ sở hạ tầng trên địa bàn thôn (đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt,
cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống thông tin và truyền thông, công trình cấp nước
sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn).
- Tập trung triển khai cơ cấu lại
ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; trong đó ưu tiên thực hiện
các mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng phát triển hiệu quả các vùng
nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo
quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với
tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng
đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ
thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
- Triển khai hiệu quả các chính
sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng,
phát triển giáo dục ở nông thôn, trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm
duy trì 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1; hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp
tục học lớp 6.
- Thực hiện có hiệu quả công
tác đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây
nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng
cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của
hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt
động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu
vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ
và người cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức
khỏe, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương;
nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa truyền thống.
- Phát triển, nhân rộng các mô
hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh.
- Giữ gìn và khôi phục cảnh
quan truyền thống của khu vực nông thôn; tăng tỷ lệ trồng hoa, cây xanh bóng
mát; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
- Tăng cường quản lý an toàn thực
phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo vệ sinh
môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cải thiện vệ sinh hộ
gia đình.
- Tiếp tục tổ chức triển khai
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và
“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng
bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”...; nâng cao hiệu quả thực
hiện công tác giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tăng
cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn
mới; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây
dựng nông thôn mới;
- Triển khai hiệu quả phong trào
“Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm
nghèo bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề
nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”(1);
- Thực hiện Cuộc vận động “Xây
dựng gia đình 5 không 3 sạch” (2)
góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam.
- Tăng cường công tác bảo đảm
an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy
cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy
sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu
quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, xây dựng, nhân rộng
các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng
tự phòng, tự quản, tự vệ, tự hòa giải...; triển khai hiệu quả Chương trình nâng
cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng
nông thôn mới.
(Chi tiết thực trạng các
tiêu chí và phân công nhiệm vụ đơn vị chủ trì, đơn vị theo Phụ lục 01, 02 kèm
theo).
2. Nguồn kinh phí thực hiện
Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí đầu
tư, hỗ trợ để xây dựng thôn Làng Mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo Bộ tiêu
chí thôn nông thôn mới là 4.447 triệu đồng(3), trong đó dự kiến huy động từ các nguồn sau:
- Ngân sách tỉnh đầu tư, hỗ trợ
trực tiếp: 1.310 triệu đồng.
- Lồng ghép nguồn vốn từ các
Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình khác đang đầu tư trên địa
bàn: 1.487 triệu đồng.
- Huy động các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh hỗ trợ: 850 triệu đồng.
- Huy động người dân tham gia:
900 triệu đồng (thực hiện các hoạt động về phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà
cửa …).
- Huy động từ các nguồn lực hợp
pháp khác: 200 triệu đồng (hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và các hoạt động
khác …).
(Chi
tiết theo Phụ lục 03 kèm theo)
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn
- Là cơ quan chủ trì, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này; trực tiếp tổ
chức thực hiện và điều phối, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong quá
trình thực hiện.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh
hỗ trợ trực tiếp và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ thực hiện đạt chuẩn
theo Bộ tiêu chí.
- Trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn,
giúp đỡ địa phương thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong Bộ tiêu chí, gồm: Chỉ
tiêu số 9.1 về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn và chỉ tiêu số 9.6
về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, thuộc
tiêu chí số 9 về môi trường và an toàn thực phẩm.
- Tổ chức thực hiện công tác
truyền thông, tuyên truyền, vận động, tập huấn, cho đội ngũ cán bộ thôn, các hộ
gia đình về nâng cao kiến thức trong xây dựng thôn nông thôn mới.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm
tra, giám sát, kịp thời phát hiện vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển
khai thực hiện Bộ tiêu chí, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử
lý.
- Định kỳ 6 tháng (trước
ngày 20 tháng 6), hằng năm (trước ngày 15 tháng 12) xây dựng báo cáo
và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện.
2. Sở Tài chính: Chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách tỉnh hằng năm (kinh phí trực
tiếp) để xây dựng “Thôn làng mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới” theo mục
tiêu đề ra; hướng dẫn thanh, quyết toán nguồn vốn trong xây dựng “Khu dân cư nông
thôn mới kiểu mẫu” theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei và các cơ quan đơn vị có
liên quan xây dựng phương án lồng ghép, bố trí kinh phí thực hiện 03 Chương
trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí từ ngân sách nhà nước, kêu gọi xã hội
hóa và huy động Nhân dân đóng góp để xây dựng thôn Làng Mới đạt tiêu chí nông
thôn mới vào cuối năm 2023.
4. Sở Giao thông vận tải: Chủ
trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn tiêu chí số 1 về giao
thông trong Bộ Tiêu chí.
5. Sở Công Thương: Chủ
trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn: Tiêu chí số 2 về điện;
xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng các tuyến đường nhằm đạt chuẩn chỉ tiêu 1.3 về
đường trục thôn, ngõ xóm đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp thuộc tiêu chí số 1 về
giao thông; hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ để
nâng cao thu nhập người dân, góp phần thực hiện tiêu chí số 6 về thu nhập và số
7 về hộ nghèo.
6. Sở Xây dựng: Chủ trì
chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 5.1 về nhà tạm, nhà dột
nát và chỉ tiêu 5.2 về tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố thuộc tiêu
chí số 5 về nhà ở dân cư.
7. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội: Chủ trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn tiêu
chí số 7 về hộ nghèo.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch: Chủ trì chỉ đạo và thực hiện đạt chuẩn tiêu chí số 3 về cơ sở vật
chất văn hóa; chỉ tiêu 8.2, chỉ tiêu 8.3 thuộc tiêu chí số 8 về Văn hóa, giáo dục
và y tế và chỉ tiêu 10.1 thuộc tiêu chí số 10 về an ninh, trật tự xã hội.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ
trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 8.1 thuộc tiêu
chí số 8 về Văn hóa, giáo dục và y tế.
10. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Chủ
trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 thuộc tiêu
chí số 8 về Văn hóa, giáo dục và y tế.
11. Sở Y tế: Chủ trì chỉ
đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 và 9.7 thuộc tiêu chí
số 9 về môi trường và an toàn thực phẩm.
12. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì chỉ đạo và thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.2 và chỉ tiêu 9.3 thuộc
tiêu chí số 9 về môi trường và an toàn thực phẩm.
13. Sở Nội vụ: Chủ trì
hướng dẫn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu,
xuất sắc trong việc xây dựng thôn điểm cấp tỉnh “thôn Làng mới”; gắn với
khen thưởng tổng kết Phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông
thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định hiện hành”.
14. Công an tỉnh: Chủ
trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 10.2 thuộc tiêu
chí số 10 về An ninh, trật tự xã hội.
15. Cục Thống kê tỉnh: Chủ
trì hướng dẫn và hỗ trợ địa phương điều tra, tính thu nhập bình quân đầu người/năm
của thôn.
16. Tỉnh đoàn: Chủ trì
chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí: Chỉ tiêu 1.3 (nội
dung trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa), thuộc tiêu chí số 1 về giao
thông; chỉ tiêu 5.3 và 5.4 thuộc tiêu chí số 5 về nhà ở dân cư.
17. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:
Chủ trì chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.4 và chỉ
tiêu 9.5 (nội dung xây dựng đảm bảo 3 sạch) thuộc tiêu chí số 9 về môi
trường và an toàn thực phẩm.
15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, các Hội, đoàn thể các cấp: Tổ chức tuyên truyền, vận động
nhằm nâng cao nhận thức trong Nhân dân để Nhân dân thật sự là chủ thể xây dựng
“Thôn nông thôn mới”; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể tham gia thực hiện Bộ
tiêu chí ở các thôn đảm bảo kết quả.
16. Thủ trưởng các Sở, ban
ngành, hội đoàn thể của tỉnh: Theo nội dung, nhiệm vụ được phân công phụ
trách tại phụ lục 01 và 02, có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc,
hỗ trợ địa phương tổ chức thực hiện hoàn thành đạt chuẩn Bộ tiêu chí theo quy định;
kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những
khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.
17. Ủy ban nhân dân huyện
Đăk Glei
a) Chỉ đạo các Phòng, ban liên
quan phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ địa phương thực
hiện theo bộ tiêu chí đã ban hành.
b) Huy động các nguồn lực tại địa
phương, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn do địa phương quản lý để đầu tư xây dựng
“thôn Làng Mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới”.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân
xã Mường Hoong:
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam xã, các Hội, đoàn thể ở xã tuyên truyền, phổ biến cho mọi người
dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng “Thôn nông thôn mới”; về các nội
dung của Bộ tiêu chí; các chủ trương, cơ chế hỗ trợ, nhất là phát huy tối đa
vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện Bộ tiêu chí; tổ chức họp dân,
vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng “thôn nông thôn mới”, trình Hội đồng
nhân dân xã thông qua để làm cơ sở thực hiện.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát đánh giá, xây dựng kế hoạch, lộ trình
xây dựng “Thôn Làng Mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới” và phân công nhiệm vụ cụ
thể cho các cán bộ xã theo dõi, phối hợp thực hiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức
triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.
- Chịu trách nhiệm trực tiếp về
công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện và phối hợp thực hiện xây dựng thôn làng mới
theo Bộ tiêu chí; quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước các
cấp hỗ trợ để thực hiện Kế hoạch; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ
thực hiện Bộ tiêu chí. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội
dung Thông báo số 223-TB/VPTU ngày 28 tháng 6 năm 2022 của Văn phòng Tỉnh ủy, với
các nội dung chính như sau:
+ Thực hiện tốt công tác quy hoạch,
nhất là quy hoạch đất ở, đảm bảo diện tích để người dân làm nhà, có vườn, có
chuồng nuôi nhất gia súc, gia cầm, phù hợp với phong tục tập quán của Nhân dân
trên địa bàn.
+ Tập trung phát triển hợp tác
xã, tổ hợp tác trên địa bàn thôn để trồng và kết nối, tiêu thụ nông sản, dược
liệu cho người dân, phấn đấu cuối năm 2022 thôn Làng Mới hình thành được 01 Tổ
hợp tác.
+ Vận động Nhân dân xây dựng mô
hình sản xuất có hiệu quả, cải tạo đất đai, lựa chọn giống cây trồng phù hợp ,
phát triển chăn nuôi thành sản phẩm hàng hóa để có kinh phí đầu tư phát triển
kinh tế; trong đó chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt chuồng và phòng,
chống dịch bệnh. Mở rộng diện tích trồng Sâm Ngọc Linh và Đảng sâm để tăng thu
nhập, giảm nghèo bền vững; phấn đấu 100% hộ có đủ điều kiện nuôi được ít nhất
01 con trâu, 01 con bò và trồng ít nhất 5.000 m2 cà phê xứ lạnh; vận
động Nhân dân tổ chức canh tác 02 vụ lúa/năm.
+ Phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn
vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng và sử dụng có hiệu quả vốn vay để phát triển
kinh tế, phấn đấu 100% hộ dân có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn phát triển
sản xuất.
+ Tiếp tục triển khai có hiệu
quả công tác xây dựng nông thôn mới và xóa nhà tạm, giảm nghèo bền vững, trong
đó:
++ Phấn đấu đến tháng 8 năm
2022, hoàn thành việc trồng cây Thông hai bên đường giao thông trong thôn và
bàn giao cho các hộ gia đình quản lý, chăm sóc và bảo vệ.
++ Đến cuối năm 2022, đạt 6/10
tiêu chí thôn nông thôn mới; xóa 15 nhà tạm hiện có trên địa bàn; giảm 6% hộ
nghèo so với năm 2021; xây dựng, hoàn thiện cổng vào của thôn, đảm bảo quy
cách, thẩm mỹ; xây dựng và duy trì mô hình “con đường hoa, hàng rào xanh” trong
thôn.
++ Đến tháng 6 năm 2023, hoàn
thành xây dựng nhà Rông truyền thống của thôn để phục vụ đời sống, sinh hoạt cộng
đồng của Nhân dân.
++ Đến cuối năm 2023, toàn bộ
đường đi khu sản xuất của thôn được bê tông hóa; lắp đặt hệ thống điện thắp
sáng đối với tất cả các tuyến đường trong thôn; 100% số hộ có nhà ở khang
trang, sạch đẹp, có nhà vệ sinh, hàng rào, cổng ngõ, trong vườn nhà có trồng
cây xanh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, không để vườn tạp, đất trống;
tỷ lệ hộ nghèo giảm 7% so với năm 2022, thôn Làng Mới đạt tiêu chí thôn nông
thôn mới.
++ Tích cực bảo tồn, khôi phục
và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào các dân tộc thiểu số;
trong đó thành lập, duy trì đội biểu diễn cồng chiêng của thôn để phục vụ Nhân
dân.
++ Tiếp tục củng cố, kiện toàn,
nâng cao chất lượng hoạt động của Chi bộ thôn Làng Mới, gắn với thực hiện tốt
việc phân công đảng viên tiêu biểu, làm kinh tế giỏi để phân công phụ trách, hướng
dẫn trực tiếp cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới điểm cấp tỉnh tại “thôn Làng Mới,
xã Mường Hoong, huyệt Đăk Glei” giai đoạn 2022 - 2023”. Ủy ban nhân dân
tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan; các thành viên Ban
Chỉ đạo tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei và Chủ tịch Ủy ban nhân
dân xã Mường Hoong triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện
trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ các CT MTQG tỉnh;
- Tổ Công tác 262 của Tỉnh ủy;
- Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh;
- Huyện ủy, UBND huyện Đăk Glei;
- Đảng ủy, UBND xã Mường Hoong;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP, PCVP-Nguyễn Đăng Trình;
- Lưu: VT, NNTN.NLTA .
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|
(1)
Cụ thể: “5 tự” là tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và
“5 cùng” cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm,
cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ.
(2)
Cụ thể: “5 không” đó là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc
tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không
có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch
ngõ.
(3)
Tổng nhu cầu vốn trên chỉ là dự kiến, sau khi các ngành, địa phương rà soát,
xây dựng dự toán chi tiết thực hiện thì tổng nhu cầu kinh phí sẽ có sự thay đổi.