CHÍNH
PHỦ
_______
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số:
97/2006/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2006
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT THEO THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định
này quy định về đối tượng bị trục xuất, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục
xuất, biện pháp quản lý người vi phạm trong thời gian làm thủ tục trục xuất,
quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và trách nhiệm
của các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thi hành hình thức xử phạt trục xuất.
2. Trục xuất
theo thủ tục hành chính là buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật
phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định
này áp dụng đối với người nước ngoài có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định
của pháp luật Việt Nam mà theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính phải bị trục xuất.
2. Người nước
ngoài phạm tội bị Toà án xử phạt trục xuất không thuộc phạm vi điều chỉnh của
Nghị định này mà thực hiện theo quy định của Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23
tháng 8 năm 2001 của Chính phủ.
3. Trong trường
hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy
định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc
tế đó.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
1. Việc áp dụng
hình thức xử phạt trục xuất phải bảo đảm đúng người, đúng thủ tục, thẩm quyền
và thời hạn quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định này và
các quy định khác của pháp luật.
2. Nghiêm cấm
mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản của
người bị trục xuất.
Điều 4. Kinh phí bảo đảm
1. Kinh phí lập
hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, quản lý người nước ngoài
trong thời gian làm thủ tục trục xuất, truy tìm người bị trục xuất bỏ trốn và
thi hành quyết định trục xuất do ngân sách nhà nước chi trả trong dự toán ngân
sách hàng năm của Bộ Công an.
2. Các khoản
chi cho ăn, ở tại nơi quản lý bắt buộc, khám, chữa bệnh; phương tiện xuất cảnh
do người bị trục xuất chi trả. Trong trường hợp đặc biệt mà người bị trục xuất
không có khả năng chi trả thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an (sau
đây gọi tắt là cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) yêu cầu cơ quan đại diện ngoại
giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan, tổ chức,
cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam chi trả. Trong trường hợp không thực
hiện được yêu cầu đó thì cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh hoặc Công an tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) nơi lập
hồ sơ, quản lý đối tượng chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Chương 2:
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC ÁP DỤNG
HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT
Điều 5. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
Bộ trưởng Bộ
Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục
hành chính.
Điều 6. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức
xử phạt trục xuất
1. Cơ quan
phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật
đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi ngay hồ sơ vụ vi phạm
đến cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký tạm trú, thường trú
hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt
trục xuất.
2. Trong thời
hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, Giám đốc Công an cấp tỉnh có
trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ
gồm có:
a) Tóm tắt lý
lịch và hành vi vi phạm của người bị đề nghị trục xuất;
b) Tài liệu,
chứng cứ về hành vi vi phạm;
c) Các hình
thức xử lý đã áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm);
d) Văn bản đề
nghị trục xuất.
3. Hồ sơ đề
nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được gửi tới cơ quan quản lý xuất, nhập
cảnh để xem xét trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
4. Trong thời
hạn năm ngày, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị trục xuất của Giám đốc Công an
cấp tỉnh, cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị
áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Nếu đủ điều kiện, thì làm báo cáo đề nghị
Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất; nếu không đủ điều kiện áp dụng
hình thức xử phạt trục xuất thì thông báo cho cơ quan phát hiện vi phạm và Công
an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ biết.
Điều 7. Quyết định xử phạt trục xuất
1. Trong thời
hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị trục xuất của cơ quan quản lý
xuất, nhập cảnh, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất
đối với người nước ngoài vi phạm hành chính.
2. Quyết định
xử phạt trục xuất phải ghi rõ những nội dung sau:
a) Ngày,
tháng, năm ra quyết định xử phạt trục xuất;
b) Họ, tên,
chức vụ của người ra quyết định xử phạt trục xuất;
c) Họ, tên,
ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu của người bị trục xuất;
d) Hành vi vi
phạm hành chính của người bị trục xuất;
đ) Điều khoản
của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức
xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
e) Thời gian
thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
g) Nơi bị trục
xuất đến;
h) Cửa khẩu
thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
i) Cơ quan chịu
trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
k) Chữ ký của
người ra quyết định xử phạt trục xuất.
3. Quyết định
trục xuất phải được gửi cho đương sự, Bộ Ngoại giao trước khi thi hành.
Chương 3:
THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ
PHẠT TRỤC XUẤT
Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất
1. Quyền của
người bị trục xuất
a) Được biết
mình bị trục xuất vì lỗi vi phạm gì. Được nhận quyết định trục xuất chậm nhất
24 giờ trước khi thi hành;
b) Được liên
hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được
bảo vệ, trợ giúp;
c) Được mang
theo tài sản hợp pháp của mình rời khỏi Việt Nam;
d) Được khiếu
nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Nghĩa vụ của
người bị trục xuất:
a) Thực hiện
đầy đủ các quy định ghi trong Quyết định Xử phạt trục xuất;
b) Xuất trình
giấy tờ tuỳ thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh;
c) Tuân thủ
các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong
thời gian làm thủ tục trục xuất;
d) Nhanh
chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định
của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế
thi hành theo Điều 66 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm
2002;
đ) Hoàn thành
các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
3. Người bị
trục xuất không tự giác chấp hành các quy định, quyết định của cơ quan Công an
thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau:
a) Áp giải đến
nơi ở bắt buộc trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
b) Quản lý,
giám sát tại nơi ở bắt buộc;
c) Áp giải ra
cửa khẩu để buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Điều 9. Hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất
1. Người bị trục
xuất được hoãn thi hành quyết định trong những trường hợp sau đây:
a) Bị ốm nặng,
phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khoẻ không thể thực hiện được quyết định xử phạt
trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên
hoặc các trường hợp bất khả kháng khác;
b) Phải thực
hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật.
2. Trên cơ sở đề nghị của Cơ quan quản lý xuất, nhập
cảnh, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định xử
phạt trục xuất.
3. Khi điều
kiện hoãn không còn thì quyết định xử phạt trục xuất được tiếp tục thi hành.
Điều 10. Nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian
làm thủ tục trục xuất
1. Tuỳ theo từng
trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh hoặc Giám đốc
Công an cấp tỉnh quyết định nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian
làm thủ tục trục xuất.
2. Không được
sử dụng nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước
ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Điều 11. Căn cứ áp dụng và biện pháp quản lý người nước ngoài
trong thời gian làm thủ tục trục xuất
1. Căn cứ áp
dụng biện pháp quản lý.
Thủ trưởng Cơ
quan quản lý xuất, nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ đề
nghị trục xuất) có quyền quyết định áp dụng các biện pháp quản lý đối với người
nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất trong những trường hợp sau
đây:
a) Khi có căn
cứ cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý thì người đó sẽ
trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
b) Để ngăn chặn
người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
2. Biện pháp
quản lý:
a) Hạn chế việc
đi lại, tiếp xúc của người bị quản lý;
b) Chỉ định
nơi ở bắt buộc của người bị quản lý;
c) Tạm giữ hộ
chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác thay hộ chiếu.
Điều 12. Trường hợp người bị trục xuất bị ốm hoặc chết trong
thời gian làm thủ tục trục xuất
1. Người nước
ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất bị ốm được điều trị tại nơi quản
lý. Trường hợp ốm nặng thì Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh hoặc Công an cấp tỉnh
có trách nhiệm đưa họ đến cơ sở y tế để điều trị; đồng thời thông báo cho Bộ
Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước
mà người đó là công dân biết.
2. Trường hợp
người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất bị chết thì Thủ trưởng
Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề
nghị trục xuất phải báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền;
đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại
giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân biết để phối hợp giải quyết.
3. Việc đưa
thi thể người nước ngoài bị chết trong thời gian làm thủ tục trục xuất về nước
và các chi phí cho việc mai táng, đưa thi thể về nước do thân nhân gia đình hoặc
cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước người đó là công dân chịu trách nhiệm.
Trong trường hợp không thực hiện được theo các cách đó thì cơ quan quản lý xuất,
nhập cảnh hoặc công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ chịu trách nhiệm thực hiện.
Điều 13. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh
1. Lập hồ sơ
thi hành quyết định xử phạt trục xuất, bao gồm:
a) Quyết định
xử phạt trục xuất của Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Bản sao hộ
chiếu hoặc bản sao giấy tờ tuỳ thân khác thay hộ chiếu của người bị trục xuất;
c) Giấy tờ chứng
nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có);
d) Các tài liệu
khác có liên quan.
2. Gửi quyết
định xử phạt trục xuất cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại
giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân; đồng thời, gửi một bản quyết
định cho người bị trục xuất để thi hành.
3. Thu thập,
tiếp nhận các thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tổ chức thi hành quyết định
xử phạt trục xuất.
4. Phối hợp với
các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị
trục xuất.
5. Tổ chức trục
xuất theo quyết định.
Điều 14. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề
nghị trục xuất
1. Quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị trục xuất
theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này.
2. Bàn giao đối tượng cho Cơ quan quản lý xuất, nhập
cảnh khi được yêu cầu.
3. Phối hợp với
Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh trong việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
4. Phối hợp với
các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị
trục xuất.
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mời
người nước ngoài vào Việt Nam hoặc xin gia hạn thị thực cho người nước ngoài bị
trục xuất
1. Phối hợp,
cộng tác với cơ quan chức năng thực hiện việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
2. Chịu mọi
chi phí hoặc bảo lãnh tài chính trong trường hợp người bị trục xuất không có khả
năng tài chính tại chỗ để thanh toán các chi phí theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
Chương 4:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, ỦY
BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH,THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG VIỆC ÁP DỤNG HÌNH
THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Công an
Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm:
1. Ban hành
các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành việc áp dụng hình thức xử phạt
trục xuất.
2. Ra quyết định
xử phạt trục xuất.
3. Chủ trì,
phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan để tổ
chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
4. Thống kê về việc áp dụng, tổ chức thi hành quyết
định xử phạt trục xuất.
5. Kiểm tra,
thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thi hành quyết định xử phạt trục
xuất; tiếp tục theo dõi, kiểm tra không để người bị trục xuất quay trở lại Việt
Nam trái phép.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
Bộ Ngoại giao
có trách nhiệm giải quyết các thủ tục đối ngoại liên quan đến việc thi hành quyết
định trục xuất và trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan cho các cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài, Cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của nước mà người
bị trục xuất là công dân.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính
có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
theo kế hoạch được giao trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Y tế
Bộ Y tế có
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan y tế và bệnh viện trực thuộc tổ chức
khám, chữa bệnh, giám định và cấp giấy chứng nhận tình trạng sức khoẻ đối với
người bị trục xuất trong trường hợp họ bị ốm nặng, phải điều trị theo quy định
tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương
Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước do pháp luật quy định
có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan chức
năng của địa phương trong việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Khiếu nại, tố cáo
Người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo
thủ tục hành chính có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật Việt
Nam về khiếu nại, tố cáo.
Trong thời
gian chờ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, người bị trục xuất vẫn phải chấp
hành quyết định xử phạt trục xuất.
Điều 22. Xử lý vi phạm
Người nào vi
phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên
quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm
hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi
thường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 23. Hiệu lực của Nghị định
Nghị định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành Nghị định
1. Bộ Công an
chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Y tế hướng dẫn thi hành
Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này ./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối
cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|