Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 26/2003/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ kiểm dịch thực vật

Số hiệu: 26/2003/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 19/03/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2003

 

 NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 26/2003/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2003 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 7 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật mà không phải là tội phạm bao gồm:

1. Vi phạm các quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật;

2. Vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật;

3. Vi phạm các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại pháp luật xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Tổ chức bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật do mình gây ra. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý của người đó theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân, tổ chức nước ngoài nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1.Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải do người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và tại các Điều 19, 20 của Nghị định này thực hiện.

2. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt, mức xử phạt và các biện pháp xử lý phù hợp với quy định tại Nghị định này.

Phạt cảnh cáo áp dụng đối với vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

5. Không xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc người vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ

1. Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi.

3. Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra.

4. Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần.

5. Người vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

6. Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra.

7. Vi phạm do trình độ lạc hậu.

Điều 5. Tình tiết tăng nặng

1. Vi phạm có tổ chức.

2. Vi phạm nhiều lần trong cùng một lĩnh vực hoặc tái phạm trong cùng lĩnh vực.

3. Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm.

4. Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm.

6. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm.

7. Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

8. Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó.

9. Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.

Điều 6. Thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong xuất khẩu, nhập khẩu hoặc vi phạm hành chính là hành vi sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cấm, thuốc bảo vệ thực vật giả là hai năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là qua một năm, kể từ ngày cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 7. Các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả

Khi thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này, người có thẩm quyền xử phạt chỉ được áp dụng những hình thức xử phạt chính, biện pháp bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau:

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật là 30.000.000 đồng.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt phạt bổ sung sau:

a) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới, giấy chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc tiêu huỷ đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ mà những đối tượng này không có khả năng bao vây tiêu diệt được tại Việt Nam;

d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, phương tiện bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ mà những đối tượng này không có khả năng bao vây tiêu diệt được tại Việt Nam;

đ) Buộc tiêu huỷ đối với những loại thuốc, nguyên liệu thuốc và bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật giả, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc bảo vệ thực vật quá hạn mà không còn giá trị sử dụng;

e) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với những loại thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc bảo vệ thực vật quá hạn mà không còn giá trị sử dụng, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hoạt chất thấp hơn so với quy định;

g) Buộc tái chế đối với những loại thuốc và nguyên liệu làm thuốc có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng theo quy định của Nhà nước.

Khi bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện các biện pháp đó.

Chương 2:

HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

MỤC A:

HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT VỀ BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 8. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật không đúng quy định;

b) Người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật không có trình độ chuyên môn về bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;

c) Không chấp hành các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật theo quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chỉ đạo và yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng đối với hành vi:

Đưa ra khỏi vùng dịch các loại tài nguyên thực vật nhiễm sinh vật gây hại nguy hiểm đã được công bố là dịch hại vùng đó nhưng chưa được xử lý.

3. Phạt tiền từ 700.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi:

Vận chuyển, buôn bán, sử dụng giống cây bị nhiễm sâu bệnh nặng hoặc sinh vật gây hại nguy hiểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật công bố là dịch hại tại các vùng trong nước.

4. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sản xuất, tàng trữ giống cây bị nhiễm sâu bệnh nặng;

b) Nhân nuôi sinh vật gây hại nguy hiểm đối với cây trồng.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu huỷ tài nguyên thực vật, sinh vật gây hại nguy hiểm, giống cây đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này.

b) Buộc khắc phục hậu quả gây ra do hành vi vi phạm quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này.

MỤC B:

HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 9. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Không làm thủ tục theo quy định về khai báo kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh tài nguyên thực vật;

b) Đưa vào lãnh thổ Việt Nam vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nước xuất khẩu (trừ những nước chưa có cơ quan kiểm dịch thực vật) hoặc chưa qua kiểm dịch tại cửa khẩu.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Không thực hiện việc kiểm tra, kiểm dịch tài nguyên thực vật;

b) Vận chuyển quá cảnh tài nguyên thực vật không được phép của cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của pháp luật Việt Nam;

c) Vận chuyển quá cảnh tài nguyên thực vật không thực hiện các biện pháp ngăn chặn sinh vật gây hại theo quy định của Việt Nam;

d) Vận chuyển quá cảnh tài nguyên thực vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật nơi xuất xứ cấp (trừ những nước chưa có cơ quan kiểm dịch thực vật).

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Khai man, giấu diếm hoặc đánh tráo vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong quá trình cơ quan kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm dịch cho những lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Đưa thêm hoặc thay thế hàng hoá đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật bằng hàng hoá chưa được kiểm dịch.

4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đưa vào lãnh thổ Việt Nam đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ còn sống mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Đưa đất có sinh vật gây hại vào Việt Nam.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2 và khoản 4 Điều này;

c) Buộc tiêu huỷ đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật gây hại lạ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 10. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật nội địa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm:

Không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở nơi xuất phát khi đưa tài nguyên thực vật thuộc diện kiểm dịch thực vật từ vùng có dịch ra khỏi vùng dịch.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm

Vận chuyển và bốc dỡ tài nguyên thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật không đúng với quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Đưa đối tượng kiểm dịch thực vật đến các vùng trong lãnh thổ Việt Nam;

b) Không chấp hành các quy định về xử lý đối với vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ;

c) Vận chuyển, lưu thông tài nguyên thực vật đã có kết luận bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ mà không thực hiện đúng quy định của cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền;

d) Không chấp hành các biện pháp khoanh vùng, bao vây, tiêu diệt ổ dịch sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã công bố.

4. Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm

Không chấp hành các biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật quy định;

5. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không xử lý triệt để mọt cứng đốt (T.G) trong kho mà cơ quan kiểm dịch thực vật đã phát hiện và chỉ định biện pháp diệt trừ;

b) Không xử lý triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật đã được cơ quan kiểm dịch thực vật công bố, phát hiện và chỉ định biện pháp diệt trừ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

6. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm:

Vận chuyển vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhiễm mọt cứng đốt (T.G) không được xử lý triệt để mà cơ quan kiểm dịch thực vật đã phát hiện và chỉ định biện pháp diệt trừ.

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan đối tượng kiểm dịch thực vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, điểm a, c khoản 3 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật thể bị nhiễm nặng mọt TG, đối tượng kiểm dịch thực vật khác đã được công bố cụ thể từng nơi, từng thời gian (nếu không xử lý được triệt để) đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.

Điều 11. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật giống cây trồng và sinh vật có ích nhập nội

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Gieo trồng giống cây trồng nhập nội không đúng địa điểm theo quy định của cơ quan kiểm dịch thực vật;

b) Không khai báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương khi đưa giống cây trồng nhập nội để làm giống đến gieo trồng hoặc sử dụng tại địa phương đó.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Đưa ra gieo trồng, sản xuất giống cây trồng mới, lần đầu tiên nhập khẩu khi chưa có kết luận của cơ quan kiểm dịch thực vật về tình trạng nhiễm dịch đối với giống cây trồng đó;

b) Không tuân thủ các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nhập khẩu, nhân nuôi và sử dụng sinh vật có ích;

c) Không tuân thủ các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời gian theo dõi sinh vật gây hại đối với từng nhóm cây trồng nhập nội.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đối với hành vi vi phạm

Nhập khẩu, quá cảnh giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại lạ hoặc nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu huỷ giống cây trồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu giống cây trồng nhập nội đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất giống cây nhập nội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 12. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về xông hơi khử trùng

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Không có chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng;

b) Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu về xông hơi khử trùng theo quy định;

c) Không có quy trình kỹ thuật, thiếu phương tiện, trang thiết bị hành nghề xông hơi khử trùng theo quy định;

d) Kho chứa hoá chất khử trùng không đúng tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sử dụng các loại thuốc xông hơi khử trùng chưa có tên thương mại trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam;

b) Sử dụng các loại thuốc xông hơi khử trùng không đảm bảo chất lượng, không có nhãn theo đúng quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ;

c) Tiến hành xông hơi khử trùng không đúng quy trình kỹ thuật về xông hơi khử trùng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sử dụng các loại thuốc xông hơi khử trùng thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam;

b) Sử dụng các loại thuốc xông hơi khử trùng sai quy định gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng vật thể được xông hơi khử trùng hoặc làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ con người và vật nuôi.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng nếu có tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động xông hơi khử trùng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này.

MỤC C:

HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT VỀ QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 13. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Người trực tiếp điều hành sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề đã hết hạn;

b) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không có hoặc trang thiết bị bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động, an toàn sức khoẻ cho người, vật nuôi, môi trường, phòng chống cháy nổ không bảo đảm theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không thực hiện quy trình công nghệ theo quy định;

b) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không có hoặc hệ thống xử lý chất thải không bảo đảm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về môi trường.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói các loại thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam;

b) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, khối lượng;

c) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như đã đăng ký và ghi trên bao gói;

d) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc không đúng xuất xứ nguyên liệu đã đăng ký;

đ) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc dưới dạng ống tiêm thủy tinh.

4. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng đến dưới 100 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

b) Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến dưới ba mươi triệu đồng.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, d, đ khoản 3 Điều này;

c) Tịch thu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và phương tiện sản xuất đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

d) Buộc tiêu huỷ thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

đ) Buộc tái chế thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều này.

Điều 14. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Buôn bán thuốc không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề đã hết hạn;

b) Buôn bán thuốc không có cửa hàng và kho chứa thuốc hoặc có cửa hàng và kho chứa thuốc không đúng quy định;

c) Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc chung với thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thuốc y tế, thuốc thú y và các hàng hóa vật tư tiêu dùng khác, trừ phân bón;

d) Buôn bán thuốc dưới dạng ống tiêm thủy tinh;

đ) Buôn bán thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có khối lượng đến dưới 5 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

e) Buôn bán thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng đến dưới 1kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có khối lượng từ 5 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 20 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

b) Buôn bán thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 1 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 3kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có khối lượng từ 20 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 100 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

b) Buôn bán thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 3 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 5 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

c) Buôn bán thuốc tự sang chiết lẻ từ bao thùng khối lượng lớn thành chai, gói nhỏ;

d) Buôn bán thuốc không đủ định lượng như đã ghi trên bao gói.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có khối lượng từ 100 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 300 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

b) Buôn bán thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 5 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 10 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm.

5. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có khối lượng từ 300 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 500 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

b) Buôn bán thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 10 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 50 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

c) Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng có khối lượng từ 500 kilôgam (hoặc lít) trở lên.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có khối lượng từ 500 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 1.000 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

b) Buôn bán thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 50 kilôgam (hoặc lít) đến dưới 100 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm;

c) Buôn bán thuốc giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến dưới ba mươi triệu đồng.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này;

b) Tịch thu thuốc đối với hành vi vi phạm nhiều lần quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này.

c) Tịch thu thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d, đ, khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này;

d) Buộc tiêu huỷ thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4, điểm b khoản 5 và điểm b, c khoản 6 Điều này.

Điều 15. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sử dụng, tàng trữ, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuôc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng;

b) Không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn về vận chuyển, bảo quản thuốc và nguyên liệu làm thuốc của phương tiện vận chuyển, kho tàng;

c) Bảo quản, vận chuyển thuốc và nguyên liệu làm thuốc chung với vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thuốc y tế, thuốc thú y và các hàng hóa vật tư tiêu dùng khác, trừ phân bón;

d) Vận chuyển thuốc trên các phương tiện giao thông công cộng;

đ) Sử dụng thuốc dưới dạng ống tiêm thủy tinh.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo đúng kỹ thuật và thời gian cách ly;

b) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ;

c) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng đối tượng phòng trừ đối với thuốc hạn chế sử dụng;

d) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nhằm mục đích phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật và thời gian cách ly gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm:

a) Vận chuyển thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam;

b) Vận chuyển thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng đến 100 kilôgam (hoặc lít) thuốc thành phẩm.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm b, d khoản 2 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc tiêu huỷ thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 16. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Không đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc;

b) Không đến đăng ký đúng hạn khi bị buộc phải đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam mà không có giấy phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc hết hạn sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc dưới dạng ống tiêm thủy tinh;

c) Nhập khẩu các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

d) Nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc có chất lượng thực tế thấp hơn mức chất lượng theo quy định của nhà nước;

đ) Thuốc và nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu không còn nguyên trạng khi lấy mẫu kiểm tra chất lượng;

e) Thuốc và nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu đã đưa vào sử dụng toàn bộ hoặc một phần trước khi có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước đạt chất lượng nhập khẩu;

g) Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới không đúng nội dung đã ghi trong giấy phép.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc có chất lượng kém, vi phạm các quy định bắt buộc về an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường;

b) Nhập khẩu các loại thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam không có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Cố tình trốn tránh việc kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc xuất, nhập khẩu;

d) Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới không có giấy phép.

4. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm

Nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng đến 100 kilôgam (hoặc lít).

5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu huỷ hoặc buộc tái xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 4 Điều này;

b) Buộc tái chế hoặc buộc tái xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 2 Điều này.

Điều 17. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về thông tin, quảng cáo và nhãn thuốc bảo vệ thực vật

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Thông tin, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông qua về nội dung;

b) Thông tin, quảng cáo thuốc không đúng về đối tượng phòng trừ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

c) Nhãn thuốc không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Thông tin, quảng cáo thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam;

b) Quảng cáo thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam;

c) Giả mạo nhãn thuốc, tên thuốc của các loại thuốc đang lưu hành trên thị trường đã được đăng ký.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, sai chất lượng thuốc đã đăng ký;

b) Quảng cáo có nội dung làm giảm uy tín, chất lượng thuốc của cá nhân, tổ chức khác.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000đồng đối với hành vi vi phạm:

Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

5. Những vi phạm khác về nhãn hàng hoá thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại.

6. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

Tịch thu nhãn thuốc, thuốc mạo nhãn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 18. Hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định quản lý hành chính về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật

1. Phạt tiền từ 1000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Sửa chữa, tẩy xoá các loại giấy sau:

- Giấy phép nhập khẩu thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam; giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để khảo nghiệm, để sử dụng trong các dự án đầu tư nước ngoài, để gia công và tái xuất theo hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký với nước ngoài;

- Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới;

- Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam;

- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật;

- Giấy chứng nhận kiểm nghiệm chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật;

- Giấy chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, hành nghề xông hơi khử trùng.

b) Ngăn cản và không chấp hành các yêu cầu của cán bộ bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật khi thi hành nhiệm vụ.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a) Cho người khác sử dụng giấy phép, giấy chứng chỉ hành nghề;

b) Đe doạ hoặc dùng vũ lực chống lại cán bộ kiểm dịch thực vật, bảo vệ thực vật, thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật đang thi hành nhiệm vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm:

Khai man hồ sơ để xin cấp các loại giấy quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm:

Làm giả các loại giấy quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng chỉ hành nghề đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Chương 3:

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Thanh tra viên bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong khi thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền:

a) Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Chánh Thanh tra chuyên ngành Cục Bảo vệ thực vật có quyền:

a) Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới, giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam, giấy chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp; giấy chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành.

Điều 20. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp

1.Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, cây trồng, vật nuôi.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính .

3. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Điều 21. Thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác

Ngoài những người quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý thì có quyền xử phạt theo thẩm quyền.

Điều 22. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan thì việc xử lý do cơ quan thụ lý đầu tiên thực hiện.

2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại Điều 19 và Điều 20 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính.

Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

Trong trường hợp ngoài hình thức phạt tiền còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, thuốc và nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật thì phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan hoặc Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan xử lý theo thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 30, điểm đ khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xẩy ra vi phạm.

Điều 23. Uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính

Trong trường hợp những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 19, Điều 20 của Nghị định này vắng mặt thì cấp phó được uỷ quyền có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chương 4:

THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 24. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Thủ tục, trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện theo quy định tại Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền phải nộp tiền tại nơi ghi trong quyết định xử phạt và được nhận biên lai ghi tiền phạt. Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền cho người có thẩm quyền xử phạt, nếu không có biên lai thu tiền phạt thì người bị phạt có quyền không nộp phạt.

3. Trừ trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt tại chỗ (theo thủ tục đơn giản), các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải được lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn theo quy định hiện hành.

4. Khi áp dụng các hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện đúng các thủ tục quy định tại Điều 60 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

5. Khi áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng chỉ hành nghề phải thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

6. Chế độ quản lý, sử dụng tiền phạt thu được do vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của nhà nước.

Điều 25. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp quy định tại Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan và người có thẩm quyền phải tuân theo trình tự, thủ tục cưỡng chế quy định tại Điều 67 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 26. áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính

1. Để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo Điều 43 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện theo quy định tại các Điều 44, 45, 46, 47, 48, 49 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương 5:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức, bị xử phạt hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Thẩm quyền, thủ tục, thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 28. Khen thưởng

Cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được khen thưởng theo chế độ chung của nhà nước.

Nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ vi phạm hành chính hoặc từ bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng.

Điều 29. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật mà có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định, chiếm đoạt sử dụng trái phép tiền bạc, hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm, làm cản trở lưu thông hàng hoá hợp pháp gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Xử lý vi phạm đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính

Người bị xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Nghị định này thay thế cho Nghị định số 78/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật .

Điều 32. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

THE GOVERNMENT

-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM

Independence - Freedom - Happiness

------------

No: 26/2003/ND-CP

Hanoi, March 19, 2003

 

DECREE

ON SANCTIONING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN THE DOMAIN OF PLANT PROTECTION AND QUARANTINE

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the July 25, 2001 Ordinance on Plant Protection and Quarantine;
Pursuant to the July 2, 2002 Ordinance on the Handling of Administrative Violations;
At the proposal of the Minister of Agriculture and Rural Development,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Violations of regulations on the prevention and elimination of organisms that are harmful to plant resources.

2. Violations of regulations on plant quarantine.

3. Violations of regulations on the management of plant protection drugs.

Article 2.- Objects of application

1. Those who are between full 14 years and under 16 years of age shall be administratively sanctioned for intentional administrative violations; those who are full 16 years of age or older shall be administratively sanctioned for all administrative violations committed by themselves in the domain of plant protection and quarantine prescribed in the legislation on sanctioning administrative violations and the provisions in Chapter II of this Decree.

2. Organizations shall be administratively sanctioned for all administrative violations committed by themselves in the domain of plant protection and quarantine. After abiding by the sanctioning decisions, the sanctioned organizations shall identify individuals at fault so as to determine their legal liability in accordance with law provisions.

3. Foreign individuals and organizations that commit administrative violations in the domain of plant protection and quarantine within the territory, exclusive economic zone and continental shelf of the Socialist Republic of Vietnam shall be administratively sanctioned under the provisions of this Decree, unless otherwise provided for by the international agreements which Vietnam has signed or acceded to.

Article 3.- Principles for sanctioning administrative violations

1. The sanctioning of administrative violations in the domain of plant protection and quarantine must be effected by persons competent to sanction as specified in the Ordinance on the Handling of Administrative Violations and in Articles 19 and 20 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. An act of administrative violation shall be sanctioned only once; an individual committing many acts of administrative violation shall be sanctioned for each violation act. If many individuals commit one act of administrative violation, each of the violators shall be sanctioned.

4. The sanctioning of administrative violations must be based on the nature and seriousness of the violations, personal identification of the violators, aggravating and extenuating circumstances so as to decide on the sanctioning form and level as well as handling measures in accordance with the provisions of this Decree.

Cautions shall apply to minor, first-time violations or violations involving extenuating circumstances or to all administrative violations committed by minors aged between full 14 and under 16 years.

5. No administrative sanction shall be imposed in cases of emergency, legitimate self-defense or sudden events or if the violators are suffering from mental illnesses or other diseases which render them incapable of being aware of or controlling their acts.

Article 4.- Extenuating circumstances

1. Administrative violators have stopped, mitigated the harms of their violations or voluntarily overcome consequences and pay compensation for the damage.

2. Administrative violators have voluntarily confessed and shown honest repentance.

3. Committing violations in the state of being mentally provoked by illegal acts of others.

4. Committing violations due to coercion or material or spiritual dependence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Committing violations due to exceptionally difficult plights not caused by the violators.

7. Committing violations due to ignorance.

Article 5.- Aggravating circumstances

1. Committing violations in an organized manner.

2. Committing repeated violations or recidivism in the same fields.

3. Inciting and dragging minors to commit violations, forcing materially or spiritually dependent persons to commit violations.

4. Committing violations in the state of drunkenness as a result of using alcohol, beer or other stimulants.

5. Abusing ones’ posts and powers to commit violations.

6. Taking advantage of war, natural calamity conditions or other exceptional difficulties of the society to commit violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. Continuing acts of administrative violation though competent persons have ordered the stoppage of such acts.

9. Hiding or concealing administrative violations after committing them.

Article 6.- Statute of limitations for sanctioning and time limit for being considered as not having been sanctioned for administrative violations

The statute of limitations for sanctioning in the domain of plant protection and quarantine is one year as from the date the administrative violations are committed.

The statute of limitations for sanctioning administrative violations in export, import or for administrative violations being acts of producing or trading in banned or fake plant protection drugs is two years as from the date the administrative violations are committed.

The time limit for being considered as not having been administratively sanctioned is one year as from the date the administratively sanctioned individuals or organizations completely serve the sanctioning decisions or the administratively sanctioned individuals or organizations shall be considered as not having been administratively sanctioned if they do not relapse into violations after the statute of limitations for executing the sanctioning decisions expires.

Article 7.- Sanctioning forms and remedial measures

When sanctioning administrative violations under this Decree, the persons with the sanctioning competence shall apply only the principal sanctioning forms, additional measures and remedial measures concretely as follows:

1. For each administrative violation, the violating individuals or organizations shall be subject to one of the following principal sanctioning forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Fine.

The maximum amount of fine in the domain of plant protection and quarantine is VND 30,000,000.

2. The organizations or individuals that commit administrative violations shall, depending on the nature and seriousness of their violations, also be subject to one or several of the following additional sanctioning forms:

a/ Stripping of the right to use assorted permits for assay of new plant protection drugs, certificates of practicing production, processing, rebottling, packaging and/or trading in plant protection drugs, or certificates of practicing steam disinfection;

b/ Confiscation of the material evidences and means used for committing administrative violations in the domain of plant protection and quarantine.

3. Apart from the sanctioning forms specified in Clauses 1 and 2 of this Article, organizations and individuals committing administrative violations may be also compelled to apply one or several of the following remedial measures:

a/ Forcible restoration of the original state which has been altered by the administrative violations;

b/ Forcible application of measures to overcome the environmental pollution or epidemic spread caused by administrative violations;

c/ Forcible destruction of the plant quarantine-liable articles, which have been infected with Vietnam’s plant quarantine objects or strange harmful organisms which cannot be isolated and eliminated in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Forcible destruction of drugs, raw materials thereof and plant protection drug packages banned from use, not on the list of those permitted for use or for restricted use in Vietnam; plant protection drugs which are faked, of unclear origin or useless due to expired use duration;

f/ Forcible bringing out of the Vietnamese territory or forcible re-export of plant protection drugs and raw materials thereof, which are banned from use, not on the lists of those permitted for use and restricted use in Vietnam; plant protection drugs which are fake, of unclear origin or useless due to expired use duration, and raw materials of plant protection drugs with active ingredient contents lower than the prescribed levels;

g/ Forcible re-processing of drugs and raw materials thereof of real quality inferior to that prescribed by the State.

Organizations and individuals committing administrative violations and thereby compelled to apply the remedial measures shall have to bear all expenses incurred therefrom.

Chapter II

SANCTIONING FORMS AND LEVELS FOR ACTS OF ADMINISTRATIVE VIOLATION IN THE DOMAIN OF PLANT PROTECTION AND QUARANTINE

Section A. SANCTIONING FORMS AND LEVELS REGARDING PLANT PROTECTION

Article 8.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating the regulations on prevention and elimination of organisms harmful to plant resources

1. A caution or a fine of between VND 100,000 and 300,000 for one of the following acts of violation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Persons who are directly providing plant protection services have no professional qualifications in plant protection as prescribed by law;

c/ Failing to apply the prescribed measures to prevent and eliminate organisms harmful to plant resources as directed and ordered by competent State agencies.

2. A fine of between VND 300,000 and 700,000 for the following act:

Bringing out of epidemic-hit areas plant resources infected with dangerously harmful organisms which have been announced as pests but not yet treated.

3. A fine of between VND 700,000 and 1,500,000 on the following act:

Transporting, trading in or using plant varieties seriously infected with pests or dangerous harmful organisms which have been announced by competent State bodies in charge of plant protection and quarantine as pests in various regions in the country.

4. A fine of between VND 1,500,000 and 5,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Producing and storing plant varieties seriously infected with pests;

b/ Multiplying and raising organisms dangerously harmful to plants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Forcible destruction of plant resources, dangerously harmful organisms or plant varieties, for acts of violation specified in Clauses 2 and 3, and at Point a, Clause 4 of this Article.

b/ Forcible remedy of consequences entailed by the acts of violation specified at Points a and c, Clause 1 of this Article.

Section B. SANCTIONING FORMS AND LEVELS REGARDING PLANT QUARANTINE:

Article 9.- Sanctioning forms and levels for acts of violating regulations on quarantine of exported, imported and transited plants

1. A fine of between VND 500,000 and 1,500,000 for one of the following acts of violation:

a/ Failing to complete the prescribed procedures for plant quarantine declaration before importing, exporting or transporting in transit plant resources;

b/ Bringing into the Vietnamese territory plant quarantine-liable articles without plant quarantine certificates issued by the exporting countries (except countries having no plant quarantine agencies) or not yet quarantined at the border gates.

2. A fine of between VND 1,500,000 and 3,000,000 for one of the following acts of violations:

a/ Failing to inspect and quarantine plant resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Transporting in transit plant resources without plant quarantine certificates issued by plant quarantine agencies of the places of origin (except countries having no plant quarantine agencies).

3. A fine of between VND 3,000,000 and 6,000,000 for one of the following acts of violations:

a/ Making false declaration, concealing or fraudulently exchanging plant quarantine-liable articles while the plant quarantine agencies are quarantining exported or imported goods lots;

b/ Putting additionally goods or substituting goods already granted the plant quarantine certificates with unquarantined ones.

4. A fine of between VND 6,000,000 and 10,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Bringing into the Vietnamese territory live objects of plant quarantine or live harmful organisms without permission of the Minister of Agriculture and Rural Development.

b/ Bringing into Vietnam soil infected with harmful organisms.

5. Additional sanctioning forms and remedial measures:

a/ Confiscation of plant quarantine certificates, for acts of violation specified in Clause 3 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Forcible destruction of plant quarantine objects or strange harmful organisms, for acts of violation specified at Point a, Clause 4 of this Article.

Article 10.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating the regulations on domestic plant quarantine

1. A caution or a fine of between VND 100,000 and 300,000 for the following act of violation:

Having no plant quarantine certificates issued by competent plant protection and quarantine State agencies of the departure places when bringing plant resources subject to plant quarantine out of epidemic-hit areas.

2. A fine of between VND 300,000 and 1,000,000 for the following act of violation:

Transporting, loading and unloading plant resources infected with plant quarantine objects at variance with regulations.

3. A fine of between VND 1,000,000 and 2,500,000 for one of the following acts of violation:

a/ Bringing plant quarantine objects to areas within the Vietnamese territory;

b/ Failing to observe the regulations on treatment of articles infected with Vietnam’s plant quarantine objects or strange harmful organisms;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Failing to abide by measures to zone off, block and eliminate niduses of harmful organisms subject to plant quarantine on orders of competent plant protection and quarantine State agencies.

4. A fine of between VND 2,500,000 and 5,000,000 for the following act of violation:

Failing to abide by the measures to treat plant quarantine-liable articles prescribed by plant quarantine agencies when exporting or importing them.

5. A fine of VND 15,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Failing to thoroughly treat T.G termites in storehouses, which plant quarantine agencies have detected and prescribed measures to kill them;

b/ Failing to thoroughly treat plant quarantine objects which plant quarantine agencies have announced, detected and prescribed measures to kill them in the process of production, processing, preservation and transportation

6. A fine of VND 30,000,000 for the following act of violation:

Transporting plant quarantine-liable articles which have been infected with T.G termites and not yet thoroughly treated though plant quarantine agencies have detected and prescribed measures to kill them.

7. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Forcible destruction of articles seriously infected with TG termites, other plant quarantine objects already announced in each particular place and at each particular time (if thorough treatment is impossible), for acts of violation specified in Clauses 5 and 6 of this Article.

Article 11.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating regulations on plant quarantine of imported plant varieties and useful organisms

1. A caution or a fine of between VND 200,000 and 500,000 for one of the following acts of violation:

a/ Growing imported plant varieties not at places prescribed by plant quarantine agencies;

b/ Failing to declare to competent plant protection and quarantine State agencies in the localities where imported plant varieties are grown or used

2. A fine of between VND 1,000,000 and 3,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Growing or producing new plant varieties which are imported for the first time pending the conclusions of plant quarantine agencies on their infection conditions;

b/ Failing to observe the regulations of the Ministry of Agriculture and Rural Development on the import, multiplication for raising and use of useful organisms;

c/ Failing to observe the regulations of the Ministry of Agriculture and Rural Development on the period for monitoring harmful organisms for each group of imported plants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Importing and transiting plant varieties infected with strange harmful organisms or plant quarantine objects on Vietnam’s list of plant quarantine objects.

4. Additional sanctioning forms and remedial measures:

a/ Forcible destruction of plant varieties, for acts of violation specified in Clause 3 of this Article;

b/ Confiscation of imported plant varieties, for acts of violation specified at Point a, Clause 2 of this Article;

c/ Forcible bringing out of the Vietnamese territory or forcible re-export of imported plant varieties, for acts of violation specified in Clause 3 of this Article.

Article 12.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating regulation on steam disinfection

1. A fine of between VND 2,000,000 and 5,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Failing to get a steam disinfection practice certificate;

b/ The contingent of officials and technical workers fails to meet the steam disinfection requirements as prescribed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Storehouses of disinfecting chemicals are not up to standards prescribed by competent agencies.

2. A fine of between VND 5,000,000 and 10,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Using steam disinfectants with their trade names not yet on the list of plant protection drugs permitted for use or restricted use in Vietnam;

b/ Using steam disinfectants of inferior quality, without labels as prescribed, or of unclear origin;

c/ Conducting steam disinfection at variance with prescribed technical processes.

3. A fine of between VND 10,000,000 and 20,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Using steam disinfectants on the list of plant protection drugs banned from use in Vietnam.

b/ Using steam disinfectants at variance with regulations, adversely affecting the quality of steam-disinfected articles or polluting the environment, adversely affecting the health of people and domestic animals.

4. Additional sanctioning forms and remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Forcible application of measures to overcome environmental pollution, for acts of violation specified in Clause 3 of this Article;

c/ Suspension of steam disinfection activities, for acts of violation of Clauses 1 and 2 of this Article.

Section C. SANCTIONING FORMS AND LEVELS APPLICABLE TO THE MANAGEMENT OF PLANT PROTECTION DRUGS

Article 13.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating the regulations on the production, processing, re-bottling and packaging of plant protection drugs:

1. A fine of VND 1,000,000 and 2,500,000 for one of the following acts of violation:

a/ Persons directly administering the production, processing, re-bottling and packaging of drugs have no practicing certificates or have expired practicing certificates;

b/ Producing, processing, re-bottling or packaging drugs without equipment and facilities to ensure hygiene, labor safety and health safety for people, domestic animals and environment and to prevent and fight fires and explosions or with such equipment and facilities but they fail to ensure prescribed requirements.

2. A fine of between VND 2,500,000 and 6,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs not according to prescribed technological processes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A fine of between VND 6,000,000 and 15,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs not on the list of plant protection drugs permitted for use or restricted use in Vietnam;

b/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs not up to qualitative and quantitative standards;

c/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs not up to technical standards as registered and inscribed on packages;

d/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs composed of raw materials not of registered origin;

e/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs in glass ampoules.

4. A fine of VND 30,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Producing, processing, re-bottling and packaging drugs on the list of plant protection drugs banned from use in Vietnam, with a quantity of under 100 kg (or liters) of finished drugs;

b/ Producing, processing, re-bottling and packaging fake drugs with a quantity equivalent to that of genuine drugs valued at up to under VND 30 million.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Stripping of the right to use practicing certificates, for acts of violation specified in Clause 4 of this Article;

b/ Confiscation of drugs and raw materials thereof, for acts of violation specified at Points a, d and e, Clause 3 of this Article;

c/ Confiscation of drugs, raw materials thereof and production means, for acts of violation specified in Clause 4 of this Article;

d/ Forcible destruction of drugs and raw materials thereof, for acts of violation specified in Clause 4 of this Article;

e/ Forcible re-processing of drugs, for acts of violation specified at Points b and c, Clause 3 of this Article.

Article 14.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating the regulations on trading in plant protection drugs and raw materials thereof:

1. A caution or a fine of between VND 200,000 and 500,000 for one of the following acts of violation:

a/ Trading in drugs without practicing certificates or with expired ones;

b/ Trading in drugs without drug stores and storehouses or with such shops and storehouses but they fail to ensure prescribed requirements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Trading in drugs in glass ampoules;

e/ Trading in drugs not on the lists of plant protection drugs permitted for use and restricted use in Vietnam, plant protection drugs which have expired use duration, fail to meet quality standards, or are of unclear origin, of a quantity of under 5 kg (or liters) of finished drugs;

f/ Trading in drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of under 1 kg (or liter) of finished drugs.

2. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Trading in drugs and raw materials thereof not on the lists of plant protection drugs permitted for use and restricted use in Vietnam, plant protection drugs which have expired use duration, fail to meet quality standards, or are of unclear origin, of a quantity of between 5 kg (or liters) and under 20 kg (or liters) of finished drugs;

b/ Trading in drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of between 1 and under 3 kg (liters) of finished drugs.

3. A fine of between VND 1,000,000 and 3,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Trading in drugs and raw materials thereof not on the lists of plant protection drugs permitted for use or restricted use in Vietnam, plant protection drugs which have expired use duration, fail to meet quality standards, or are of unclear origin, of a quantity of between 20 kg (or liters) and under 100 kg (or liters) of finished drugs;

b/ Trading in drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of between 3 kg (or liters) and under 5 kg (liters) of finished drugs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Trading in drugs with quantities less than those inscribed on packages.

4. A fine of between VND 3,000,000 and 6,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Trading in drugs and raw materials thereof not on the lists of plant protection drugs permitted for use or restricted use in Vietnam, plant protection drugs which have expired use duration, fail to meet quality standards, or are of unclear origin, of a quantity of between 100 kg (or liters) and under 300 kg (or liters) of finished drugs;

b/ Trading in drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of between 5 kg ( or liters) and under 10 kg (liters) of finished drugs.

5. A fine of between VND 6,000,000 and 15,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Trading in drugs and raw materials thereof not on the lists of plant protection drugs permitted for use or restricted use in Vietnam, plant protection drugs which have expired use duration, fail to meet quality standards, or are of unclear origin, of a quantity of between 300 kg (or liters) and under 500 kg (or liters) of finished drugs;

b/ Trading in drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of between 10 kg (or liters) and under 50 kg (or liters) of finished drugs;

c/ Trading in drugs with expired use duration, drug failing to meet quality standards, of a quantity of 500 kg (or liters) or over.

6. A fine of between VND 15,000,000 and 30,000,000 for one of the following acts of violation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Trading in drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of between 50 kg (or liters) and under 100 kg (or liters) of finished drugs;

c/ Trading in fake drugs of a quantity equivalent to that of genuine drugs valued at up to under VND 30 million.

7. Additional sanctioning forms and remedial measures:

a/ Stripping of the right to use practicing certificates, for acts of violation specified in Clauses 4, 5 and 6 of this Article;

b/ Confiscation of drugs, for repeated violation acts specified at Points a, b and c, Clause 1 of this Article;

c/ Confiscation of drugs, raw materials thereof, for acts of violation specified at Points d and e, Clause 1 and Point a, Clause 2, in Clause 3, Clause 4, Clause 5 and Clause 6 of this Article;

d/ Forcible destruction of drugs, for acts of violation specified at Point f of Clause 1, Point b of Clause 2, Point b of Clause 3, Point b of Clause 4, Point b of Clause 5 and Points b and c of Clause 6 of this Article.

Article 15.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating regulations on transportation, preservation and use of plant protection drugs

1. A caution or a fine of between VND 100,000 and 200,000 for one of the following acts of violation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Failing to ensure technical safety requirements on transportation and preservation of drugs and raw materials thereof, prescribed for transport means and storehouses;

c/ Preserving, transporting drugs and raw materials thereof together with domestic animals, animal feeds, food, foodstuff, drinks, medicines, veterinary drugs and other consumer goods and supplies, except fertilizers;

d/ Transporting drugs on public transport means;

e/ Using drugs contained in glass ampoules.

2. A fine of between VND 200,000 and 500,000 for one of the following acts of violation:

a/ Using plant protection drugs without ensuring technical requirements and isolation periods;

b/ Using plant protection drugs banned from use in Vietnam, drugs of unclear origin;

c/ Using plant protection drugs permitted for restricted use on wrong objects of prevention and elimination;

d/ Using plant protection drugs not for the purposes of preventing and eliminating organisms harmful to plant resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Using plant protection drugs at variance with technical requirements and prescribed isolation periods, thus causing danger to people, cattle and polluting the environment.

4. A fine of between VND 3,000,000 and 6,000,000 for the following acts of violation:

a/ Transporting drugs and raw materials thereof not on the lists of plant protection drugs permitted for use or restricted use in Vietnam;

b/ Transporting drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of up to 100 kg (or liters) of finished drugs.

5. Additional sanctioning forms and remedial measures:

a/ Confiscation of drugs, for acts of violation specified at Point a of Clause 1, Points b and d of Clause 2, and Clause 4 of this Article;

b/ Forcible destruction of drugs, for acts of violation specified at Point b, Clause 4 of this Article;

c/ Forcible application of measures to overcome the environmental pollution, for acts of violation specified in Clause 3 of this Article.

Article 16.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating regulations on import, export and assay of plant protection drugs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Failing to make registration for State inspection of quality when importing drugs and raw materials thereof;

b/ Failing to make registration on time when being forced to make registration for State inspection of quality within the prescribed time limit.

2. A fine of between VND 2,000,000 and 6,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Importing drugs or raw materials thereof not on the list of plant protection drugs permitted for use in Vietnam without import permits of the Ministry of Agriculture and Rural Development;

b/ Importing drugs or raw materials thereof with expired use duration, drugs of unclear origin, drugs contained in glass ampoules;

c/ Importing drugs on the list of plant protection drugs permitted for restricted use in Vietnam at variance with the permits’ contents;

d/ Importing drugs and raw materials thereof of actual quality lower than the State-prescribed quality.

e/ Drugs and raw materials thereof are not in their original conditions when samples are taken for quality inspection;

f/ Part of whole of imported drugs and raw materials thereof are put into use pending the notification that the State inspection results show that they are of import quality;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A fine of between VND 6,000,000 and 15,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Importing drugs and raw materials thereof of inferior quality, violating compulsory regulations on safety, hygiene and environmental protection;

b/ Importing drugs on the list of plant protection drugs permitted for restricted use in Vietnam without permits of the Ministry of Agriculture and Rural Development;

c/ Deliberately shirking the State inspection of the quality of imported or exported drugs and raw materials thereof;

d/ Assaying new plant protection drugs without permits.

4. A fine of VND 30,000,000 for the following act of violation:

Importing drugs or raw materials thereof on the list of plant protection drugs banned from use in Vietnam, of a quantity of up to 100 kg (or liters).

5. Additional sanctioning forms and remedial measures:

a/ Forcible destruction or re-export of drugs and raw materials thereof, for acts of violation specified at Points a and b of Clause 2, Point a of Clause 3 and Clause 4 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Stripping of the right to use permits, for acts of violation specified at Point g, Clause 2 of this Article.

Article 17.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating the regulations on information, advertisement and labels of plant protection drugs

1. A fine of between VND 1,000,000 and 3,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Information on and advertisements for plant protection drugs, with their contents not yet approved by competent State agencies in charge of plant protection and quarantine;

b/ Information on and advertisements for drugs not for the right prevention and elimination objects inscribed in the plant protection drug registration certificates;

c/ Drug labels at variance with the contents of plant protection drug registration certificates.

2. A fine of between VND 3,000,000 and 10,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Information on and advertisements for drugs not on the list of plant protection drugs permitted for use in Vietnam;

b/ Advertisements for drugs on the list of plant protection drugs permitted for restricted use in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A fine of between VND 10,000,000 and 20,000,000 for one of the following acts of violation:

a/ Untrue advertisements, advertisements for the wrong quality of registered drugs;

b/ Advertisements with contents lowering the prestige and quality of drugs of other individuals or organizations.

4. A fine of between VND 20,000,000 and 30,000,000 for the following act of violation:

Advertising plant protection drugs banned from use in Vietnam.

5. Other violations regarding goods labels shall be administratively sanctioned under the provisions of the Government’s decrees on administrative sanctions in the domain of trade.

6. Additional sanctioning forms and remedial measures:

Confiscation of drug labels and drugs with forged labels, for acts of violation specified at Point c, Clause 2 of this Article.

Article 18.- Sanctioning forms and levels applicable to acts of violating regulation on administrative management over plant protection, plant quarantine and plant protection drugs:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Correcting or erasing the following papers:

- Permits for import of drugs on the list of plant protection drugs permitted for restricted use in Vietnam; permits for import of drugs not on the list of plant protection drugs permitted for use in Vietnam for assay or for use in foreign-invested projects, for processing and re-export under contracts signed between enterprises and foreign partners;

- Permits for assay of new plant protection drugs;

- Certificates of registration of plant protection drugs in Vietnam;

- Plant quarantine certificates;

- Certificates of inspection of plant protection drug quality or residues;

- Certificates of practicing the production, processing, re-bottling, packaging or trading of plant protection drugs, practicing steam disinfection.

b/ Obstructing and failing to satisfy the requests of plant protection and plant quarantine officers or specialized plant protection and quarantine inspectors on duty.

2. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 VND for one of the following acts of violation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Threatening to use or using force against plant quarantine and plant protection officers, specialized plant protection and quarantine inspectors on duty, but not seriously enough to be examined for penal liability.

3. A fine of between VND 3,000,000 and 10,000,000 for the following act of violation:

Making false declaration in dossiers so as to apply for the granting of assorted papers specified at Point a, Clause 1 of this Article.

4. A fine of between VND 10,000,000 and 20,000,000 for the following act of violation:

Forging assorted papers specified at Point a, Clause 1 of this Article.

5. Additional sanctioning forms and remedial measures:

Stripping of the right to use permits and/or practicing certificates, for acts of violation specified at Point a, Clause 2, and Clause 3 of this Article.

Chapter III

COMPETENCE TO SANCTION ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN THE DOMAIN OF PLANT PROTECTION AND QUARANTINE

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The plant protection and quarantine inspectors on duty shall have the right:

a/ To issue cautions or impose fines of up to VND 200,000;

b/ To confiscate material evidences and means used for committing administrative violations, which are valued at up to VND 2,000,000 and apply remedial measures specified at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

2. The Chief Inspectors of the Plant Protection Sub-Departments of provinces and centrally-run cities shall have the right:

a/ To issue cautions or impose fines of up to VND 20,000,000;

b/ To strip of the right to use certificates of practicing the production, processing, re-bottling, packaging or trading of plant protection drugs, which are issued by the Plant Protection Sub-Departments of the provinces and centrally-run cities;

c/ To confiscate material evidences and means used for committing administrative violations and apply remedial measures specified at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

3. The Chief Inspectors of the Plant Protection Department shall have the right:

a/ To issue cautions or impose fines of up to VND 30,000,000 VND;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To confiscate material evidences and means used for committing administrative violations and apply remedial measures specified at Points a, b and d, Clause 3, Article 12 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

Article 20.- Sanctioning competence of the presidents of the People’s Committees of all levels

1. The presidents of the commune-level People’s Committees shall have the right to issue cautions or impose fines of up to VND 500,000, to confiscate material evidences and means used for committing administrative violations, which are valued at up to VND 500,000, force the application of measures to overcome environmental pollution or spread of epidemics caused by administrative violations, force the destruction of articles harmful to the health of people, plants and domestic animals.

2. The presidents of the district-level People’s Committees shall have the right to issue cautions or imposes fines of up to VND 20,000,000, to confiscate evidences and means used for committing administrative violations and apply remedial measures specified at Points a, b and d, Clauses 3, Article 12 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

3. The presidents of the provincial-level People’s Committees shall have the right to issue cautions or impose fines for acts of administrative violation specified in this Decree.

Article 21.- Sanctioning competence of other agencies:

Besides the persons specified in Articles 19 and 20 of this Decree, the persons competent to impose sanctions as prescribed in the Ordinance on the Handling of Administrative Violations, when detecting acts of administrative violation specified in this Decree that fall within the domain and scope of their respective management, shall have the right to impose sanctions according to their respective competence.

Article 22.- Principles for determining the competence to sanction administrative violations in the domain of plant protection and quarantine

1. Where an administrative violation comes under the handling competence of many agencies, it shall be handled by the agency which is the first to receive the dossier thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case of fines, the sanctioning competence shall be determined on the basis of the maximum level of the fine bracket prescribed for each specific act of violation.

Where, in addition to fines, remedial measures of forcing the bringing out of the Vietnamese territory or the re-export of plant quarantine-liable articles , plant protection drugs and raw materials thereof, may be applied, the dossiers of the administrative violations must be transferred to the provincial-level People’s Committee presidents, the directors of the provincial/municipal Customs Departments or the director of the Anti-Smuggling Investigation Department under the General Department of Customs for handling according to the competence specified in Clause 5 of Article 30, at Point e of Clause 3, Point e of Clause 4, Article 34 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

3. In case of sanctioning one person for committing many acts of administrative violation, the sanctioning competence shall be determined on the following principles:

a/ If the sanctioning forms and levels prescribed for each of such acts all fall under the competence of the sanctioning person, the sanctioning competence still rests with such person;

b/ If the sanctioning forms and levels prescribed for each of such acts are beyond the competence of the sanctioning person, such person must transfer the case of violation to the level competent to sanction;

c/ If such acts fall under the sanctioning competence of many persons of different branches, the sanctioning competence shall rest with the presidents of the People’s Committees of the levels competent to sanction, of the places where the violations are committed.

Article 23.- Authorization of the sanctioning of administrative violations

Where the persons competent to handle administrative violations, who are specified in Articles 19 and 20 of this Decree, are absent, their authorized deputies shall have the competence to handle administrative violations and must be responsible for their decisions.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 24.- Procedures for sanctioning administrative violations:

1. The procedure and order for sanctioning against administrative violations in the domain of plant protection and quarantine shall comply with the provisions of Articles 53, 54, 55, 56, 57 and 58 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

2. Organizations and individuals imposed with fines shall have to pay them at the places specified in the fining decisions and be entitled to get the fine receipts. In remote and isolated areas, on rivers or the sea, in areas where travel is difficult or when beyond the working hours, the sanctioned individuals and organizations may pay fines to the persons with the sanctioning competence, and they shall be entitled to refuse to pay fines if they are not given fine receipts

3. Except for cases of cautions or fines of up to VND 100,000, where the persons competent to sanction administrative violations shall issue on-spot fining decisions (according to simple procedures), acts of administrative violation must be recorded in dossiers made and archived fully at the agencies with the sanctioning competence within the concurrently prescribed time limits.

4. When applying the forms of confiscation of material evidences and means involved in administrative violations, the persons competent to sanction administrative violations shall have to strictly follow the procedures specified in Article 60 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations. The disposal of confiscated material evidences and means involved in administrative violations shall comply with the provisions in Article 61 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

5. The application of the sanctioning form of stripping of the right to use permits or practicing certificates must comply with the provisions in Article 59 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

6. The regime of management and use of the collected fines for administrative violations shall comply with the regulations of the State.

Article 25.- Implementation and forcible implementation of decisions on sanctioning administrative violations

1. Organizations and individuals that are sanctioned for administrative violations under this Decree shall have to strictly implement the sanctioning decisions made by the persons with the sanctioning competence within the time limits specified in Article 64 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 26.- Application of measures to prevent administrative violations

1. To prevent in time administrative violations and ensure the handling of administrative violations in the domain of plant protection and quarantine, the competent persons may apply measures to prevent administrative violations in accordance with Article 43 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

2. The competence, order and procedures for the application of measures to prevent administrative violations and to ensure the sanctioning of administrative violations in the domain of plant protection and quarantine shall comply with the provisions of Articles 44, 45, 46, 47, 48 and 49 of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations.

Chapter V

COMPLAINTS, DENUNCIATIONS AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 27.- Complaints and denunciations

1. Individuals and organizations that are sanctioned for administrative violations or their lawful representatives may complain about decisions to sanction administrative violations, decisions to apply measures to prevent and ensure the handling of administrative violations.

2. Citizens may denounce to competent State agencies illegal acts committed in the handling of administrative violations in the domain of plant protection and quarantine.

3. The procedures, order, statute of limitations for complaints, and time-limits for settling complaints and denunciations shall comply with the law provisions on complaints and denunciations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Individuals and organizations that record achievements in the prevention and combating of administrative violations in the domain of plant protection and quarantine shall be commended and/or rewarded according to the general regime of the State.

It is strictly forbidden to use money collected from administrative violations or from the sale of confiscated material evidences and means for rewarding.

Article 29.- Handling of violations committed by persons competent to sanction administrative violations

If persons competent to sanction administrative violations in the domain of plant protection and quarantine commit acts of harassment for bribes, tolerating or covering up violations, failing to handle, or handling them not in time, improperly or beyond their vested power, illegally possessing or using money, goods, material evidences and means involved in the violations, obstructing the lawful circulation of goods, thus causing damage to organizations or individuals, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be either disciplined or examined for penal liability; if causing damage, they shall have to pay compensations therefor in accordance with the law provisions.

Article 30.- Handling of violations committed by persons sanctioned for administrative violations

If persons sanctioned for administrative violations commit acts of opposing people on official duty, delaying or shirking the implementation of sanctioning decisions or other acts, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability; if causing damage, they shall have to pay compensations therefor in accordance with the law provisions.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 31.- Implementation effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Decree replaces the Government’s Decree No. 78/CP of November 29, 1996 on sanctioning administrative violations in the domain of plant protection and quarantine.

Article 32.- Guidance and implementation responsibilities

The Minister of Agriculture and Rural Development shall be responsible for guiding the implementation of this Decree.

The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government and the presidents of the People’s Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19/03/2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


15.926

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.89.8
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!