Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 152/2005/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ

Số hiệu: 152/2005/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 15/12/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 152/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02  tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28     tháng 01 năm 1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, giao thông đường bộ và quản lý, bảo vệ công trình đường bộ (sau đây gọi tắt là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ  là những hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ;

b) Các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

d) Các hành vi vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

đ) Các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ;

e) Các hành vi vi phạm khác có liên quan đến giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng  theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì bị xử lý theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Máy kéo là loại xe gồm phần đầu kéo được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ-moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo).

2. Các loại xe tương tự ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một sát xi, ví dụ như xe công nông đầu ngang, các xe lắp ráp tận dụng từ các tổng thành ô tô cũ...

3. Các loại xe tương tự mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh, có dung tích làm việc từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân tối đa là 400 kg.

4. Xe máy điện là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ điện, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h.

5. Xe đạp điện là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ điện, có vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 50 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được.

Điều 4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khác

1. Mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định                        số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, các quy định của Nghị định này và phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định này.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường               bộ phải do người có thẩm quyền được quy định tại các Điều 44, 45, 46 và Điều 47 của Nghị định này tiến hành.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

5. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt.

6. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

7.  Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, căn cứ hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt đối với hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định này để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

8. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 5. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đến 30 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Các biện pháp khác được quy định tại Nghị định này.

Điều 6. Đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe

1. Đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe quy định tại Nghị định này là biện pháp quản lý, theo dõi quá trình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần vi phạm thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, người lái xe phải thi lại Luật Giao thông đường bộ và thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe mới. Sau đây biện pháp này gọi tắt là đánh dấu số lần vi phạm. 

2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng của hai ngành trong việc theo dõi, quản lý giấy phép lái xe bị đánh dấu số lần vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 7. Tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính

1. Để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc xác minh tình tiết làm căn cứ cho việc xử lý, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện vi phạm phải ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:

a) Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 3 (ba) ngày đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13;

b) Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 10 (mười) ngày đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm e khoản 4, khoản 7, khoản 8 Điều 12; điểm c khoản 4, điểm a khoản 5, khoản 7, khoản 8, điểm d khoản 9 Điều 13; điểm a, điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 15; khoản 4, khoản 8 Điều 23; khoản 4 Điều 24; điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 27; khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28; khoản 2 Điều 30; điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 31; khoản 3 Điều 32; điểm a, điểm đ khoản 3 Điều 36;

c) Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 12; điểm a, điểm b, điểm c khoản 9, khoản 10 Điều 13; khoản 5 Điều 23; khoản 6 Điều 28; khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 38.

2. Ngoài những trường hợp tạm giữ phương tiện vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện vi phạm còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 46 và khoản 3    Điều 57 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 8. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

2. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Điều 9. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Trong thời hạn một năm, cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 10. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật; nếu lạm dụng quyền hạn  dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá quyền hạn quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải tuân thủ quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà có hành vi ngăn cản, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát hoặc xử lý vi phạm của người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 12. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy;

b) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h.

2. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định ở điểm a, điểm b, điểm c khoản 3; điểm g khoản 4; điểm a, điểm b khoản 5; điểm d, điểm e khoản 6 Điều này thì bị xử phạt theo các điểm, khoản đó;

b) Chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường hoặc cho người điều khiển xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho họ;

c) Lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước.

3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước;

b) Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

c) Lùi xe ở đường một chiều, ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao cắt đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, nơi cấm quay đầu xe;

d) Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn đường ngoài đô thị đã có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; đỗ xe trên dốc không chèn bánh;

e) Dừng xe, đỗ xe tại các vị trí: bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ; nơi đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất các biển báo hiệu đường bộ;

g) Rời vị trí lái khi dừng xe; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; không đặt báo hiệu cho người điều khiển phương tiện khác biết khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy;

h) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định của pháp luật; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện;

i) Không gắn biển báo hiệu ở phía trước xe kéo hoặc phía sau xe được kéo; không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo khi kéo nhau; xe kéo rơ-moóc không có biển báo hiệu theo quy định;

k) Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ  22 giờ đến 5 giờ; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

l) Không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước theo quy định khi xe chạy trên đường cao tốc.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định;

b) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định của pháp luật;

c) Vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép;

d) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

đ) Để người ngồi trên buồng lái quá số lượng quy định;

e) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

g) Quay đầu xe ở trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, đường ngầm, đường hẹp, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất;

h) Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

i) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông;

k) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính hoặc ngược lại.

5. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

b) Vượt tại nơi cấm vượt; không có báo hiệu trước khi vượt; chuyển hướng đột ngột ngay trước đầu xe khác;

c) Không sử dụng đủ đèn chiếu sáng về ban đêm hoặc sử dụng đèn chiếu xa khi tránh nhau về ban đêm;

d) Tránh xe không đúng quy định; không nhường đường theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;

đ) Xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên; xe được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên không đúng quy định;

e) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên;

g) Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

h) Xe ô tô kéo theo từ hai xe ô tô khác trở lên; xe ô tô đẩy xe khác; xe ô tô kéo xe thô sơ, mô tô, xe gắn máy hoặc kéo lê vật trên đường; xe kéo rơ- moóc, sơ mi rơ-moóc kéo theo rơ-moóc hoặc xe khác;

i) Chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển;

k) Chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi; chở quá 3 người trên xe 10 chỗ ngồi đến xe 15 chỗ ngồi; chở quá 4 người  trên xe 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi; chở quá 6 người trên xe trên 30 chỗ ngồi.  

6. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;

b) Dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;

c)  Dừng xe, đỗ xe, mở cửa xe không bảo đảm an toàn gây tai nạn;

d) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đủ đèn chiếu sáng hoặc sử dụng đèn chiếu xa; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;

đ) Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

e) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; không tuân thủ quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu khi chạy trên đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;

g) Chở quá từ 4 người trở lên trên xe 10 chỗ ngồi đến xe 15 chỗ ngồi; chở quá từ 5 người trở lên trên xe 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi; chở quá từ 6 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi.  

7. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:       

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h;

b) Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông;

c) Khi xảy ra tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

d) Chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ đúng khoảng cách an toàn giữa 2 xe theo quy định, gây tai nạn giao thông.

8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đuổi nhau trên đường bộ.

9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này mà gây tai nạn hoặc không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ.

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:            

a) Vi phạm điểm đ khoản 5 Điều này bị tịch thu còi, cờ, đèn trái quy định;

b) Vi phạm điểm a, điểm b, điểm c khoản 7; khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

c) Vi phạm khoản 9 Điều này hoặc tái phạm khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn;

d) Vi phạm điểm g, điểm h, điểm i khoản 5; khoản 6; điểm a, điểm b, điểm c khoản 7; khoản 8 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm.

Điều 13. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự mô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm.

3. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên  hè phố;

b) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định ở điểm a khoản 4; điểm c khoản 5; điểm c khoản 6; điểm đ khoản 7 Điều này thì bị xử phạt theo các điểm, khoản đó;

c) Không báo hiệu trước khi xin vượt;

d) Chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường hoặc cho người điều khiển xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho họ;

đ) Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;

e) Dùng đèn chiếu xa khi tránh nhau về ban đêm;

g) Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe;

h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động; người ngồi trên xe sử dụng ô;

i) Tụ tập từ 3 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ;

k)  Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; dừng xe, đỗ xe nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện; dừng xe, đỗ xe trên cầu; không thực hiện đúng các quy định dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

l) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

m) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao;

        n) Không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình theo quy định khi xe chạy trên đường cao tốc.

4. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;

b) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định của pháp luật;

c) Không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông tại nơi ùn tắc giao thông;

d) Chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người phạm tội;

đ) Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 (ba) xe trở lên;

e) Không sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn;

g) Tránh xe, vượt xe không đúng quy định; không nhường đường theo quy định tại các nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;

h) Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, sử dụng đèn chiếu xa  trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

i)  Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính hoặc ngược lại;

k) Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe kéo đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác, chở vật cồng kềnh.

5. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;

b) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên; vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;

c) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

d) Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

đ) Xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên; xe được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên không đúng quy định;

6. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;

b) Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông;

c) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc, không tuân thủ quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu khi chạy trên đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc.

7. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h;

b) Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá  quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông;

c) Khi xảy ra tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

d) Điều khiển xe vượt ngay trước đầu xe khác hoặc chuyển hướng đột ngột ngay trước đầu xe khác;

đ) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng hoặc sử dụng đèn chiếu xa; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ.

8. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;

b) Sử dụng xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên trái quy định;

c)  Chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông hoặc vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông.

9. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các  hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ trong, ngoài đô thị;

b) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, xe chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

c) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; đứng trên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy;

d) Điều khiển xe thành nhóm từ 2 (hai) xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.

10. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm khoản 9 Điều này mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn.

11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm điểm đ khoản 5 Điều này bị tịch thu còi, cờ, đèn;

b) Vi phạm khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm;

c) Vi phạm điểm c khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

d) Vi phạm điểm a, điểm b, điểm c khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày; tái phạm điểm a, điểm b, điểm c khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, tịch thu xe;

đ) Vi phạm khoản 10 Điều này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

Điều 14. Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường quy định;

 b) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định ở điểm a, điểm c khoản 2; điểm c khoản 3; điểm b khoản 5 Điều này thì bị xử phạt theo các điểm, khoản đó;

c) Chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường hoặc cho người điều khiển xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho họ;

d) Lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước.

2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe;

b)  Không sử dụng đèn chiếu sáng vào ban đêm;

c) Lùi xe ở đường một chiều, ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao cắt đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, nơi cấm quay đầu xe;

d) Tránh xe không đúng quy định; không nhường đường theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;

đ) Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

e) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn đường đã có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe;

g) Dừng xe, đỗ xe tại các vị trí: bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong và gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ; nơi đường giao nhau; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất các biển báo hiệu đường bộ; đỗ xe trên dốc không chèn bánh;

 h) Rời vị trí lái khi dừng xe; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; không đặt báo hiệu cho người điều khiển phương tiện khác biết khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy;

i) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện;

k) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các  hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên;

b) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc  người kiểm soát giao thông;

c) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều;

d) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông;

đ) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính hoặc ngược lại.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: 

a) Chạy quá tốc độ quy định;

b) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt;

b) Chạy xe trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ.

6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông;

b) Khi xảy ra tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

7. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Vi phạm điểm b khoản 3, điểm a khoản 4, khoản 5  Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), bằng hoặc chứng chỉ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 30 (ba mươi) ngày;

b) Vi phạm khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), bằng hoặc chứng chỉ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 60 (sáu mươi) ngày.

Điều 15. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp điện, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ 

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định;

b) Dừng xe đột ngột, chuyển hướng không báo hiệu trước;

c) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc khi ùn tắc giao thông;

d) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định ở điểm b khoản 3 Điều này thì bị xử phạt theo điểm, khoản đó;

đ) Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;

e) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị có lề đường;

g) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định của pháp luật;

h) Chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phản quang; dừng xe, đỗ xe trong hầm không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;

i) Xe đạp, xe đạp điện đi dàn hàng ngang từ ba xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ hai xe trở lên;

k) Người điều khiển xe đạp, xe đạp điện sử dụng ô, điện thoại di động, người ngồi trên xe đạp, xe đạp điện mang vác vật cồng kềnh, sử dụng ô;

l) Xe thô sơ đi ban đêm không có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông;

b) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

c) Không nhường đường hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên;

d) Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông;

đ) Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

e) Xe đạp, xe đạp điện, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu;

g) Hàng xếp trên xe không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông; che khuất tầm nhìn của người điều khiển.      

3. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đạp, xe đạp điện buông cả hai tay; rẽ đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp điện;

b) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều;

c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

d) Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác; mang vác, chở vật cồng kềnh.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường;

b) Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp điện; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô;

c) Khi xảy ra tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Điều 16. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: 

a) Không đi đúng phần đường quy định; 

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

3. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

b) Trèo qua giải phân cách; đi qua đường không bảo đảm an toàn;

c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Điều 17. Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

c)  Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới;

b) Để súc vật đi trên đường bộ; để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn;

c) Đi dàn hàng ngang từ  hai xe trở lên;

d) Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;

đ)  Không có báo hiệu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng  đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

b) Gây ồn ào hoặc tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh tại các khu dân cư  trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ;

c) Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

4. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với hành vi xếp hàng trên xe vượt quá giới hạn quy định.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này còn buộc phải xếp, dỡ hàng theo đúng quy định.

Điều 18. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ;

b) Đổ rác ra đường phố không đúng nơi quy định;

c) Họp chợ, bầy bán hàng trên đường bộ;

d) Tập trung đông người trái phép; nằm, ngồi trên đường gây cản trở giao thông;

đ) Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường giao thông.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ;

b) Để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông;

c) Xây, đặt bục bệ trái phép trên hè phố hoặc lòng đường;

d) Chiếm dụng hè phố, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, sửa chữa xe đạp, mô tô, xe gắn máy, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội;

b) Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý tháo, mở nắp cống trên đường giao thông;

 b) Ném gạch, đất, đá hoặc vật khác gây nguy hiểm cho người hoặc phương tiện đang tham gia giao thông;

c) Đặt, treo biển quảng cáo trên đất của đường bộ hoặc trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông;

d) Chiếm dụng  hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe, rửa xe; làm mặt bằng để sản xuất, gia công hàng hoá; đặt sạp hàng để kinh doanh; buôn bán vật liệu xây dựng;

đ) Chiếm dụng  hè phố, lòng đường làm nơi sửa chữa ô tô.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, chăng dây qua đường, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm điểm a, điểm b, điểm c khoản 1; khoản 2; điểm b khoản 3; điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ  khoản 4 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, thu dọn vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường;

b) Vi phạm khoản 5 Điều này phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn và làm sạch mặt đường giao thông.

Chương 3:

XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 19. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông;

b) Trồng cây trong phạm vi đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;

b) Dựng lều quán trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ;

b) Mở đường nhánh trái phép đấu nối vào đường chính.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp sau đây: buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, di dời cây trồng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Điều 20. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công hoặc có giấy phép thi công nhưng không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép thi công;       

b) Thi công trên đường bộ đang khai thác không bố trí đủ biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn theo quy định; không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đoạn đường thi công; không có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông thông suốt;        

c) Không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp hoặc ở hai đầu cầu, cống, đường ngầm đang thi công;

d) Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông;

đ) Thi công công trình trên đường đô thị không thực hiện theo phương án thi công hoặc thời gian quy định;

e) Không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định để xảy ra tai nạn giao thông.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây: buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Trường hợp không thực hiện được thì bị đình chỉ thi công hoặc tước quyền sử dụng giấy phép thi công (nếu có) cho đến khi thực hiện theo đúng quy định.

Điều 21. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, nơi đỗ xe

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo đúng quy mô thiết kế đã được duyệt.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch đã được phê duyệt.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm  khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe theo đúng quy mô thiết kế đã được phê duyệt;

b) Vi phạm khoản 2 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. 

Điều 22. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ;

b) Tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu;

c) Be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông, đặt ống bơm nước qua đường, đốt lửa trên mặt đường.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tự ý đốt lửa trên cầu, dưới gầm cầu; neo đậu tầu thuyền trong phạm vi hành lang an toàn cầu.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Di chuyển chậm trễ các công trình, nhà, lều quán hoặc cố tình trì hoãn việc di chuyển gây cản trở cho việc giải phóng mặt bằng để xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo vệ công trình đường bộ khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

b) Làm hư hỏng hoặc làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình  đường bộ;

c) Tự ý tháo dỡ, di chuyển hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, mốc chỉ giới, cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khoan, đào, xẻ đường, hè phố trái phép;

b) Tự ý phá dải phân cách trên đường bộ;

c) Nổ mìn hoặc khai thác cát, đá, sỏi trái phép làm ảnh hưởng đến công trình đường bộ.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại  điểm c khoản 1; điểm b, điểm c khoản 3; khoản 4 Điều này còn bị áp dụng biện pháp sau đây: buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Chương 4:

XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô không có kính chắn gió hoặc có nhưng vỡ, nứt, không có tác dụng.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thứ đó nhưng không có tác dụng; hoặc lắp thêm đèn chiếu sáng xa phía sau xe;

b) Không có còi hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn về âm lượng;

c) Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật;

d) Không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số mờ, biển số bị bẻ cong; biển số bị che lấp; biển số hỏng; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. 

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

b) Hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

c) Sử dụng bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy đăng ký xe, đăng ký rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc theo quy định;

b) Sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung hoặc số máy; giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Biển số không đúng với giấy đăng ký xe;

d) Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoặc có nhưng đã hết hạn, hoặc có nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ-moóc).

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng xe có tay lái bên phải mà không được phép; xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông.

6. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đủ đèn chiếu sáng hoặc có nhưng không có tác dụng;

b) Không có còi hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn về âm lượng;

c) Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

7. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

b) Hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

8. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy đăng ký xe theo quy định, không có biển số hoặc biển số không đúng với giấy đăng ký xe (nếu có quy định phải đăng ký, lắp biển số);

b) Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định).

9. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển loại xe tự sản xuất, lắp ráp.

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm khoản 1, khoản 2, khoản 6, khoản 7 Điều này bị buộc phải lắp đầy đủ hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định;

b) Vi phạm khoản 3 Điều này buộc phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; bị đánh dấu số lần vi phạm;

c) Vi phạm khoản 4 Điều này bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe không đúng quy định; tịch thu biển số; bị đánh dấu số lần vi phạm;

d) Vi phạm điểm b khoản 5 Điều này bị thu hồi biển số, giấy đăng ký phương tiện, sổ đăng kiểm và tịch thu phương tiện; vi phạm khoản 5 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm;

đ) Vi phạm khoản 8 Điều này bị tịch thu biển số không đúng với giấy đăng ký xe;

e) Vi phạm khoản 9 Điều này bị đình chỉ hoạt động và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có còi, đèn chiếu sáng gần, xa; đèn soi biển số; đèn báo hãm; đèn tín hiệu; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;

b) Không gắn biển số; gắn biển số không đúng quy định; biển số mờ; biển số bị bẻ cong; biển số bị che lấp; biển số bị hỏng.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng còi ô tô hoặc còi vượt quá âm lượng quy định;

b) Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

4. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có giấy đăng ký xe theo quy định;

b) Sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xoá; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

b) Điều khiển xe tự sản xuất, lắp ráp.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm điểm a khoản 3 Điều này bị tịch thu còi;

b) Vi phạm điểm b, điểm c khoản 4 Điều này bị tịch thu giấy đăng ký, biển số không đúng quy định; vi phạm điểm a khoản 4 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm;

c) Vi phạm điểm b khoản 5 bị đình chỉ hoạt động và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn; vi phạm điểm a khoản 5 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm.

Điều 25. Xử phạt người điều khiển xe thô sơ vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với hành vi không có đăng ký, không gắn biển số (nếu địa phương có quy định đăng ký và gắn biển số).

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng;

b) Xe thô sơ chở khách, chở hàng không bảo đảm tiêu chuẩn về tiện nghi và vệ sinh theo quy định của địa phương.

Điều 26. Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không có đèn chiếu sáng; không có bộ phận giảm thanh theo thiết kế.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có giấy đăng ký xe; không gắn biển số đúng vị trí quy định; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Hệ thống hãm hoặc hệ thống chuyển hướng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật;

c) Các bộ phận chuyên dùng không được lắp đặt đúng vị trí; không bảo đảm chắc chắn khi di chuyển;

d) Hoạt động không đúng phạm vi quy định;

đ) Không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng tự sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm khoản 3 Điều này còn bị buộc phải đình chỉ lưu hành phương tiện.

Điều 27. Xử phạt người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe bẩn đi vào thành phố, thị xã.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi thải khói quá giới hạn, mùi hôi thối vào không khí.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để dầu nhờn, hoá chất độc hại rơi vãi xuống đường bộ;

b) Chở hàng rời, chất phế thải dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đổ phế thải xuống lòng đường, hè phố.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Chương 5:

XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 28. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

c) Người điều khiển xe mô tô không mang theo giấy phép lái xe.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xoá;

b) Người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn;

b) Điều khiển xe ô tô không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)  Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển;

b) Không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xoá.

7. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: vi phạm điểm a khoản 3, điểm b khoản 6 Điều này bị tịch thu giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xoá.

Điều 29. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển  xe máy chuyên dùng không đúng độ tuổi hoặc tuổi không phù hợp với ngành nghề theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển  xe máy chuyên dùng không có bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Điều 30. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với giáo viên dạy thực hành có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để học viên không có giấy phép tập lái lái xe tập lái;

b) Chở người, hàng trên xe tập lái trái quy định;

c) Chạy sai tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép tập lái.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bố trí giáo viên dạy thực hành ngồi bên cạnh người tập lái xe;

b) Xe không có biển "Tập lái" theo quy định;

c) Xe tập lái không trang bị thêm bộ phận hãm phụ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe không có giấy phép hoạt động; không có đủ điều kiện theo quy định; không thực hiện đúng nội dung, chương trình đào tạo;

b) Trung tâm sát hạch lái xe không đủ điều kiện hoạt động.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe vi phạm điểm a khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép và đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện đúng quy định;

b) Trung tâm sát hạch lái xe vi phạm điểm b khoản 3 Điều này bị đình chỉ hoạt động cho đến khi có đủ điều kiện theo quy định.

Chương 6:

XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 31. Xử phạt người điều khiển xe ô tô khách

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí quy định trong xe.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy;

b) Để khách ngồi trên xe khi xe lên, xuống phà, cầu phao hoặc khi xe đang ở trên phà; trừ người già yếu, người bệnh, người tàn tật;

c) Sắp xếp chằng buộc hành lý, hàng không bảo đảm an toàn; để rơi hàng trên xe xuống đường.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đón, trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định  nơi đón trả khách;

b) Để khách lên, xuống xe khi xe đang chạy;

c) Đón, trả khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất. 

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chạy đúng tuyến, lịch trình, hành trình vận tải quy định;

b) Để người ngồi trên mui hoặc đu bám ở cửa xe, bên ngoài thành xe khi xe đang chạy;

c) Sang khách, nhượng khách dọc đường cho xe khác mà không được khách đồng ý;

d) Xuống khách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền;

đ) Chở hành lý, hàng vượt quá trọng tải theo thiết kế của xe hoặc quá kích thước bao ngoài của xe; để hàng trong khoang chở khách;

e) Vận chuyển hàng có mùi hôi thối, súc vật hoặc hàng có ảnh hưởng tới sức khoẻ của khách;

g) Xếp hàng trên xe khách làm lệch xe;

h) Xe vận chuyển khách theo hợp đồng không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc có nhưng đã hết hạn; không có hợp đồng vận chuyển theo quy định;

        i) Vận chuyển khách theo tuyến cố định không có phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” hoặc không có “sổ nhật trình chạy xe” hoặc có nhưng không có đủ xác nhận của bến xe hai đầu tuyến theo quy định.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ trên xe khách.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm khoản 4 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm;

b) Vi phạm khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 (chín mươi) ngày, bị đánh dấu số lần vi phạm.

Điều 32. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không được chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe;

b) Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe mà chưa đến mức vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chở hàng vượt trên 10% trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 5% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên;

b) Xếp hàng trên nóc thùng xe; xếp hàng vượt quá bề rộng thùng xe; xếp hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe;

c) Xếp hàng với chiều cao tính từ mặt đất trở lên quá 4,2 m  đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên; quá 3,5 m đối với xe có trọng tải từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn; quá 2,8 m đối với xe có trọng tải dưới 2,5 tấn; riêng chiều cao xe chở container do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể trên từng tuyến đường;             

d) Chở người trên thùng xe trái quy định; để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng trái pháp luật.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm khoản 2 Điều này bị buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định và bị đánh dấu số lần vi phạm;

b) Vi phạm khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày; tái phạm khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

Điều 33. Xử phạt người điều khiển xe ô tô có các hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng siêu trường, siêu trọng không thực hiện đúng quy định trong giấy lưu hành; không có báo hiệu kích thước của hàng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy lưu hành theo quy định.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm.

Điều 34. Xử phạt người điều khiển xe ô tô có các hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm mà dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, khu dân cư,  công trình quan trọng hoặc nơi dễ xảy ra nguy hiểm; không có báo hiệu hàng nguy hiểm theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm không có giấy phép hoặc có nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm .

Điều 35. Xử phạt người điều khiển xe buýt, xe vệ sinh, xe chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác có các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe buýt chạy không đúng tuyến đường, không đúng lịch trình; dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định; không trao vé cho khách, thu tiền vé cao hơn quy định; người điều khiển xe vệ sinh công cộng, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác không chạy đúng tuyến, phạm vi, thời gian quy định.

Điều 36. Xử phạt người điều khiển xe taxi, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi không có chứng chỉ tập huấn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi có hành vi tranh giành khách.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi vi phạm một trong các hành vi sau đây:         

a) Sử dụng loại xe ô tô chở người có thiết kế từ 10 chỗ ngồi trở lên làm xe taxi;

b) Xe không có hộp đèn taxi hoặc đồng hồ tính tiền theo quy định;

c) Mầu sơn của xe, biểu trưng của doanh nghiệp, số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký của doanh nghiệp;

d) Có xe chở khách theo hình thức taxi mà không có đăng ký kinh doanh taxi;

đ) Sử dụng người chưa đủ 21 tuổi điều khiển xe taxi.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Người điều khiển xe taxi có hành vi phạm khoản 1 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

b) Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều này bị buộc phải lắp hộp đèn taxi, đồng hồ tính tiền hoặc thực hiện theo đúng quy định trong đăng ký của doanh nghiệp; trường hợp phát hiện doanh nghiệp có nhiều xe (từ 5 xe trở lên) vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều này hoặc doanh nghiệp vi phạm điểm d khoản 3 Điều này thì đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Chương 7:

XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM KHÁC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 37. Xử phạt người sản xuất, người bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất biển số không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này bị tịch thu biển số và đình chỉ hoạt động.

Điều 38. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

b) Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xoá, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước của xe.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn;

b) Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe; không  thực hiện  đúng quy định về  biển số và kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;

c) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục lại số khung; số máy;

b) Tẩy xoá hoặc sửa chữa giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện;

c) Không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe; biển số xe theo quy định;

d) Vẽ quảng cáo trên xe không đúng quy định hoặc vượt quá 50% diện tích thành xe.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;

b) Cải tạo các loại xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

7.  Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe hoặc thực hiện đúng quy định về biển số và kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;

b) Vi phạm điểm b khoản 2, điểm b khoản 4 Điều này bị tịch thu hồ sơ đăng ký xe giả mạo;

c) Vi phạm điểm a khoản 3, điểm a khoản 6 Điều này buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước hoặc tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe.    

Điều 39. Xử phạt khách đi xe vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành nội quy đi xe;

b) Gây mất trật tự trên xe.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mang hoá chất độc hại, dễ cháy, nổ, hàng nguy hiểm hoặc hàng trái pháp luật trên xe khách;

b) Đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ hoặc xâm phạm tài sản của người khác đi xe;

c) Đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên nóc xe; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy.

Điều 40. Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường         

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng xe khi có tín hiệu yêu cầu kiểm tra tải trọng xe.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chở hàng với tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe vượt quá tải trọng của cầu, đường  từ 10% đến 20%;

b) Không thực hiện đúng quy định trong giấy lưu hành.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ;

b) Không có giấy lưu hành; giấy lưu hành quá hạn;

c) Chở hàng mà tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe vượt quá tải trọng của cầu, đường trên 20%;

d) Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy lưu hành.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp sau: Vi phạm quy định khoản 2, khoản 3 Điều này bị đình chỉ lưu hành cho đến khi thực hiện đúng quy định hoặc bị buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; vi phạm khoản 3 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm.

Điều 41. Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;

b) Đua xe đạp, đua xe đạp điện, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện mà chống người thi hành công vụ;

b) Tổ chức đua xe trái phép.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: vi phạm điểm b khoản 1 Điều này bị tịch thu phương tiện vi phạm (trừ súc vật kéo, cưỡi); vi phạm khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe.

Điều 42. Xử phạt người vi phạm có hành vi cản trở hoặc đưa tiền cho người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cản trở việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

2. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây: vi phạm điểm b khoản 1 Điều này còn bị tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; nếu người vi phạm là người điều khiển phương tiện thì còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 (chín mươi) ngày.

Điều 43. Xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài vi phạm Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam với nước ngoài

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài có một trong các hành vi sau đây:

a) Lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định;

b) Hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động;

c) Điều khiển phương tiện không có giấy phép liên vận; không có phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng;

d) Vận chuyển khách hoặc hàng không đúng với quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ, Nghị định thư đã ký kết hoặc xuất, nhập cảnh không đúng cửa khẩu.

2. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài còn bị áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Vi phạm điểm a, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này bị tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam;

b) Vi phạm khoản 1 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm (trừ trường hợp lái xe sử dụng giấy phép lái xe do nước ngoài cấp có hiệu lực tại Việt Nam).

Chương 8:

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 44. Phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

1. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Trưởng công an các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

2. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được quy định trong Nghị định này.

3. Lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

a) Điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k khoản 3; điểm b,  điểm i khoản 4; điểm a, điểm g khoản 5; điểm b, điểm c, điểm đ khoản 6; điểm c khoản 7 Điều 12;

b) Điểm a, điểm i, điểm k khoản 3; điểm b, điểm c, điểm g, điểm h,          điểm k khoản 4; điểm c, điểm d khoản 5; điểm b khoản 6; điểm c khoản 7; khoản 9; khoản 10 Điều 13;

c) Điểm a, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 2;            điểm c, điểm d, điểm đ khoản 3; điểm b khoản 4; khoản 5; điểm b khoản 6 Điều 14;

d) Điểm c, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1; khoản 2; khoản 3;  khoản 4 Điều 15;

đ) Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 ;

e) Khoản 2 Điều 21;

g) Điều 22, Điều 25, Điều 27;

h) Điểm a, điểm c khoản 3; điểm b, điểm c, điểm d khoản 4; khoản 5 Điều 31;

       i) Điều 34, Điều 37, Điều 39, Điều 41, Điều 42.

4. Lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ tại các điểm giao thông tĩnh, hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

a) Điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 3; điểm b, điểm i khoản 4;  điểm b, điểm d, điểm đ khoản 6 Điều 12;

b) Điểm i, điểm k, điểm m, khoản 3; điểm b, điểm c khoản 4; điểm đ khoản 7 Điều 13;

c) Điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 2; điểm b, điểm d  khoản 3; điểm b khoản 4; khoản 5 Điều 14;

d) Điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 1; điểm a, điểm b, điểm d khoản 2 Điều 15;

đ) Khoản 1; khoản 2; điểm a, điểm b khoản 3; điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 4; khoản 5 Điều 18;

        e) Điều19, Điều 20, Điều 21, Điều 22;

g) Điểm d khoản 4; điểm b khoản 8 Điều 23;

h) Điều 26;

i) Khoản 3, khoản 4 Điều 27;

k) Điều 29, Điều 30;

l) Khoản 1; điểm b, điểm c khoản 2; điểm a, điểm c khoản 3; điểm a, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 4 Điều 31;

m) Điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 32;

n) Điều 33; Điều 34; Điều 35; Điều 36; khoản 6 Điều 38; Điều 40.

Điều 45. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

3. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Điều 46. Thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân

1. Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Đội trưởng, trạm trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Trưởng công an cấp xã được áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 44 của Nghị định này.

4. Trưởng công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;         

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

5. Trưởng Phòng cảnh sát giao thông, Trưởng Phòng cảnh sát trật tự, Trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng đơn vị đặc nhiệm, Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập có thẩm quyền xử phạt như Trưởng công an cấp huyện quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;         

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 47. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông đường bộ

1. Thanh tra viên giao thông đường bộ đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chánh Thanh tra giao thông đường bộ cấp Sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

3. Chánh Thanh tra giao thông đường bộ cấp Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Điều 48. Thu, nộp tiền phạt

1. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về giao thông đường bộ bị phạt tiền thì phải nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật.

2. Việc thu, nộp tiền xử phạt tuân theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 49. Trình tự, thủ tục xử phạt

Trình tự, thủ tục xử phạt phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 50. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

Điều 51. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp sau đây:

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

b) Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế.

3. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

4. Việc cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này phải được thông báo bằng văn bản trước khi thi hành cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

5. Các cơ quan chức năng của ủy ban nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp theo sự phân công của Chủ tịch ủy ban nhân dân.

6. Lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan khác của Nhà nước khi được các cơ quan đó yêu cầu.

7. Thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại  Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 52. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo những vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức và những vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về khiếu nại, tố cáo.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 53. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ và Nghị định số 92/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 của Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 54. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Căn cứ các mẫu biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tư pháp  biên tập các mẫu biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phù hợp với thực tế công tác của các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 55. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
 Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo (2b);
- Lưu: Văn thư, CN (5b), A.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


17.460

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.127.13
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!