BỘ CÔNG AN - BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24 /2014/TTLT-BVHTTDL-BCA
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ,
VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ LÀM ĐẠO CỤ HOẶC ĐỂ TRƯNG BÀY, TRIỂN LÃM TRONG HOẠT
ĐỘNG VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT
Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ
trợ năm 2011 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử
dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2013;
Căn cứ Nghị định số
25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh
quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số
26/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí
phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số
76/2013/NĐ-CP ngày 16/7/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số
106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Công an
ban hành Thông tư liên tịch quy định
quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ làm đạo cụ hoặc để trưng
bày, triển lãm trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định
về nguyên tắc, điều kiện, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, kiểm tra, thanh tra
và xử lý vi phạm việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ làm
đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
2. Việc quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm
trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật
khác.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối
với:
1. Tổ chức, cá nhân Việt
Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam.
2. Công an các đơn vị,
địa phương.
3. Cơ quan Văn hóa, Thể
thao và Du lịch các cấp.
4. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đạo cụ là vũ khí, vật
liệu nổ, công cụ hỗ trợ được sử dụng để biểu diễn hoặc trang trí, tạo cảnh
trong sản xuất phim và trình diễn nghệ thuật.
2. Hoạt động văn hoá,
nghệ thuật là hoạt động sản xuất phim, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời
trang, trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật.
3. Hãng phim bao gồm
cơ sở sản xuất phim và cơ sở dịch vụ sản xuất phim.
Điều
4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong hoạt
động văn hóa, nghệ thuật
1. Tuân thủ quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, pháp luật
về điện ảnh, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
2. Bảo đảm an toàn,
không gây thiệt hại đến người, tài sản và môi trường.
3. Vũ khí, công cụ hỗ
trợ được phép sử dụng làm đạo cụ chỉ được người có trách nhiệm quản lý giao cho
diễn viên, người biểu diễn để đóng phim, biểu diễn tại địa điểm có cảnh quay,
sân khấu theo đúng kịch bản phim, nội dung chương trình hoạt động văn hóa, nghệ
thuật và nộp lại ngay sau khi sử dụng.
4. Việc sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ làm đạo cụ chỉ được thực hiện tại trường quay,
sân khấu, được tổ chức cảnh giới và có phương án bảo vệ an ninh, an toàn trước,
trong và sau khi thực hiện.
Điều
5. Trình tự, thủ tục tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ
vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để trưng bày, triển
lãm văn hóa, nghệ thuật
1. Cục Di sản văn hóa,
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mang vũ
khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam để trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân để đề
nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an cấp Giấy
phép.
2. Trình tự, thủ tục cấp
Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam để trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật thực hiện theo
quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều
6. Điều kiện, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng
vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ làm
đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm
1. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật có trách nhiệm sử dụng kỹ xảo điện ảnh để
tạo cảnh cháy, nổ thật thay thế việc sử dụng vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí
thể thao, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ làm đạo cụ trong hoạt động sản xuất
phim, biểu diễn nghệ thuật.
2. Vũ khí quân dụng,
súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển
lãm được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm một trong
những điều kiện sau:
a) Vũ khí quân dụng,
súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ không còn tính năng, tác dụng;
b) Vũ khí quân dụng,
súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ được tạm thời làm mất tính năng, tác
dụng;
c)
Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn
tính năng, tác dụng chỉ được sử dụng làm đạo cụ khi không còn biện pháp thay thế
và phù hợp với kịch bản phim, nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật. Cơ
quan chủ quản trực tiếp của cơ quan, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải
có văn bản đồng ý triển khai thực hiện; trường hợp cơ quan, tổ chức hoạt động
văn hóa, nghệ thuật không có cơ quan chủ quản trực tiếp thì phải được Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tại nơi cơ quan, tổ chức đó đặt trụ sở chính đồng ý bằng
văn bản. Đồng thời, việc triển khai thực hiện cần có sự phối hợp giữa cơ quan,
tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật với cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 4
Điều này hoặc cơ quan, đơn vị khác có chức năng và đủ điều kiện bảo đảm an
ninh, an toàn trong quá trình sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
3. Đối tượng quy định
tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm bố trí người có chứng chỉ chuyên môn do cơ
quan có thẩm quyền cấp để quản lý, hướng dẫn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và
công cụ hỗ trợ làm đạo cụ trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này theo
quy định của pháp luật.
4. Tổng cục Cảnh sát,
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ
quan, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật để thực hiện quy định tại khoản 3
Điều này.
Điều
7. Quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm văn
hoá, nghệ thuật
1. Đối tượng được
trang bị, sử dụng vũ khí thô sơ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm văn
hóa, nghệ thuật bao gồm:
a) Các hãng phim hoạt
động theo quy định của Luật Điện ảnh;
b) Bảo tàng công lập
và bảo tàng ngoài công lập hoạt động theo quy định của pháp luật về di sản văn
hóa;
c) Đơn vị biểu diễn
nghệ thuật hoạt động theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.
2. Vũ khí thô sơ làm đạo
cụ hoặc để trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật phải được khai báo và báo
cáo định kỳ hằng năm về tình hình quản lý, sử dụng với Công an xã, phường, thị
trấn nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở hoặc cá nhân cư trú theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi
tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và
công cụ hỗ trợ và Điều 12 Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày
29/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của
Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số
25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012. Trường hợp tổ chức trưng bày, triển lãm ngoài bảo
tàng thì Ban tổ chức chương trình trưng bày, triển lãm phải có phương án bảo đảm
an toàn và khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi diễn ra chương trình
trưng bày, triển lãm.
3. Cơ quan, tổ chức sử
dụng vũ khí thô sơ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật
phải lập hồ sơ, có sổ theo dõi, ghi chép nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng.
Sau khi sử dụng vũ khí thô sơ phải được lau chùi, bảo quản theo quy định và phải
được đưa vào kho, nơi cất giữ.
4. Vũ khí thô sơ là cổ
vật, bảo vật quốc gia khi sử dụng để trưng bày, triển lãm văn hoá, nghệ thuật
phải được bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá. Vũ khí thô sơ
làm đạo cụ khi chưa có nhu cầu sử dụng phải đưa vào bảo quản tại kho hoặc nơi cất
giữ và phải sắp xếp, bảo quản theo đúng quy định.
Điều
8. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ
khí thô sơ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật
1. Người đứng đầu cơ
quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí thô sơ làm đạo cụ hoặc để trưng
bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật có trách nhiệm theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ
trợ và quy định của pháp luật về điện ảnh, pháp luật về di sản văn hóa và
pháp luật khác có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ
quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí thô sơ quyết định việc sử dụng vũ
khí thô sơ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật của cơ
quan, tổ chức mình.
3. Hằng năm, báo cáo Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an (đối với cơ quan, tổ chức thuộc Trung
ương), báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (đối với cơ quan, tổ chức thuộc địa phương) về công tác quản
lý, sử dụng vũ khí thô sơ để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Bộ Công an.
Điều
9. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Thanh tra Văn hoá, Thể
thao và Du lịch phối hợp với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự
xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá
nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Điều
10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
Điều
11. Trách nhiệm thi hành
1. Vụ Pháp chế Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và
Du lịch, Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an; Giám đốc Sở Văn
hoá, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông
tư này.
Trong quá trình thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Văn hoá,
Thể thao và Du lịch (qua Vụ Pháp chế), Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để kịp
thời hướng dẫn./.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Đại tướng Trần Đại Quang
|
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ,
THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Hoàng Tuấn Anh
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Sở VHTTDL, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
- Các hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Lưu VT: Bộ VHTTDL, Bộ Công an; V19, LTL (400b).
|