ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 91/2003/QĐ-UBBT
|
Phan Thiết, ngày 26 tháng 12 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VIỆC TẬP TRUNG, XỬ LÝ
CÁC ĐỐI TƯỢNG: NGƯỜI XIN ĂN, NGƯỜI LANG THANG SỐNG NƠI CÔNG CỘNG, NGƯỜI TÂM
THẦN LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa IX,
kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 9 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về
chính sách cứu trợ xã hội;
- Căn cứ Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về
ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;
- Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Ban Tổ chức
chính quyền Tỉnh, Sở Tài chính - Vật giá, Công an Tỉnh tại Tờ trình số
24/LS/LĐTBXH-YT-TCCQ-TCVG-CA ngày 29/9/2003 về việc tập trung và xử lý các đối
tượng lang thang trên địa bàn tỉnh Bình Thuận,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo
Quyết định này Bản Quy định việc tập trung, xử lý các đối tượng: người xin ăn,
người lang thang sống nơi công cộng, người tâm thần lang thang trên địa bàn
tỉnh Bình Thuận.
Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 2. Chánh Văn phòng
HĐND&UBND Tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh, Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an Tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở
Thương mại Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính - Vật
giá, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn
và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 2.
- Bộ Tư pháp (b/c)
- Bộ Lao động - TB&XH (b/c)
- TT Tỉnh ủy (b/c)
- TT HĐND Tỉnh (b/c)
- CT, các PCT UBND Tỉnh
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể Tỉnh
- Lưu: VP, VX, NC
|
T/M. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Tấn Thành
|
BẢN QUY ĐỊNH
VIỆC TẬP TRUNG, XỬ LÝ CÁC ĐỐI TƯỢNG: NGƯỜI XIN ĂN,
NGƯỜI LANG THANG SỐNG NƠI CÔNG CỘNG, NGƯỜI TÂM THẦN LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÌNH THUẬN
(ban hành kèm theo Quyết định số: 91 /2003/QĐ-UBBT ngày 26 tháng 12 năm 2003
của UBND tỉnh Bình Thuận)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1.
Đối tượng:
a.
Người xin ăn.
b.
Người lang thang sống nơi công cộng.
c.
Người tâm thần đi lang thang trên đường.
2.
Phạm vi áp dụng: tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ:
1.
Người xin ăn: Là những người trực tiếp đi xin ăn; người vừa kết hợp làm
việc khác với việc xin ăn như: đánh giày, bán báo, bán vé số, bàn hàng rong…,
hoặc người giả danh việc khác như: Tu sỹ khất thực không có giấy chứng nhận của
cơ quan Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thẩm quyền, tìm người thân, mất cắp trên
đường, nhỡ tàu xe... để xin ăn.
2.
Người lang thang sống nơi công cộng: Là những người bị cơ nhỡ do tàu xe,
bị mất cắp tạm thời phải ăn ở những nơi công cộng; những người có nơi cư trú
nhưng đi lang thang kiếm sống và ăn ngủ ở những nơi công cộng như: vỉa hè, chợ,
bến xe, nhà ga, công viên ...
3.
Người tâm thần lang thang trên đường phố: Là những người có dấu hiệu mắc
bệnh tâm thần đi lang thang, có hành vi gây nguy hiểm cho người khác, gây mất
trật tự xã hội.
Điều 3. Phương thức thực hiện
tập trung người xin ăn, người lang thang sống nơi công cộng, người tâm thần đi
lang thang (gọi tắt là người lang thang):
1.
Phương thức thứ nhất: Mở các đợt tập trung đối tượng lang thang vào những đợt
cao điểm (lễ, tết…).
2.
Phương thức thứ hai: Thực hiện tập trung thường xuyên trên các địa bàn xã,
phường, thị trấn khi phát hiện có người lang thang.
Điều 4. Biện pháp xử lý người
lang thang:
1.
Đưa về địa phương nơi cư trú đối với những người xác định được địa chỉ cư trú
trong huyện, thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận và không đủ điều kiện đưa vào nuôi
dưỡng tập trung ở Trung tâm Chăm sóc người có công và Bảo trợ xã hội Tỉnh (sau
đây gọi tắt là Trung tâm).
2.
Đưa vào Bệnh viện Tỉnh đối với người tâm thần (không phân biệt nơi cư trú).
3.
Đưa vào Trung tâm các đối tượng sau:
a.
Người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi không có người nuôi dưỡng,
người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không có nơi nương tựa.
b.
Người tâm thần mãn tính (sau khi có giám định của Bệnh viện Tỉnh).
c.
Người lang thang có nơi cư trú ở các tỉnh khác, các huyện, thành phố khác của
tỉnh trong thời gian chờ đưa về địa phương.
d.
Người lang thang không xác định được nơi cư trú.
Điều 5. Quy trình tập trung,
phân loại xử lý:
1.
Bước 1: Công an các huyện, thành phố và Công an xã, phường, thị trấn kết hợp
với Lực lượng Thanh niên xung kích, Dân quân tự vệ tổ chức tập trung người lang
thang, quản lý tạm thời; đồng thời có trách nhiệm lập hồ sơ phân loại ban đầu
theo từng đối tượng và xử lý theo quy định tại Điều 4 của Bản Quy định này.
Thời
gian quản lý, lập hồ sơ ban đầu và xử lý không quá 24 giờ. Hồ sơ ban đầu gồm:
+
Biên bản tập trung (Biểu 1-TTLT).
+
Biên bản ghi lời khai (Biểu 2-TTLT).
+
Sơ yếu lý lịch (Biểu 3-TTLT).
+
Biên bản bàn giao đối tượng (Biểu 4-TTLT).
2.
Bước 2: Đối với các đối tượng thuộc diện đưa vào Trung tâm, Công an các huyện,
thành phố, các xã, phường, thị trấn thông báo cho Tổ Thường trực tập trung và
xử lý người lang thang trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Tổ Thường trực) để
Tổ Thường trực tổ chức tiếp nhận kịp thời các đối tượng, chuyển về Trung tâm
quản lý tạm thời; đồng thời, tiến hành việc lập hồ sơ cá nhân từng người và
tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định tiếp
nhận đối tượng vào Trung tâm.
3.
Riêng đối với đối tượng là người tâm thần, sau khi lập đầy đủ hồ sơ ban đầu,
Công an các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thông báo cho Tổ Thường
trực đến tiếp nhận và đưa vào Bệnh viện Tỉnh để giám định. Nếu đối tượng không
phải là người tâm thần mãn tính thì Bệnh viện Tỉnh chịu trách nhiệm điều trị,
nếu là người tâm thần mãn tính thì Bệnh viện Tỉnh thông báo cho Tổ Thường trực
để đưa vào Trung tâm quản lý theo quy định.
Điều 6. Hồ sơ đối tượng tiếp
nhận vào Trung tâm và thời hạn xử lý như sau:
1.
Hồ sơ đối tượng: Khi chuyển đối tượng vào Trung tâm quản lý tạm thời, Tổ Thường
trực phải tiến hành lập hồ sơ cá nhân hoàn chỉnh của từng người và tham mưu cho
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội ra quyết định tiếp nhận đối tượng
vào Trung tâm. Hồ sơ gồm có:
a.
Hồ sơ ban đầu do Công an địa phương lập.
b.
Lý lịch tự khai của người lang thang (theo mẫu, có dán ảnh).
c.
Các giấy tờ tuỳ thân hoặc Danh chỉ bản của cơ quan Công an cấp (nếu không có
giấy tờ tuỳ thân).
d.
Hồ sơ bệnh án, kết luận của cơ quan Y tế có thẩm quyền (Bệnh viện Tỉnh nếu là
người tâm thần mãn tính).
đ.
Quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội.
2.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Tổ Thường trực xử lý và lập hồ sơ cá nhân trình Giám
đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định chậm nhất là 15 ngày kể
từ ngày tiếp nhận người lang thang. Nếu hồ sơ cần xác minh tại các tỉnh thì
phải xin ý kiến của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng không
quá 25 ngày.
Điều 7. Chế độ quản lý, chế
độ chính sách đối với người lang thang được áp dụng biện pháp đưa vào Trung
tâm:
Các
đối tượng được đưa vào Trung tâm quy định tại khoản 3, Điều 4 của Bản Quy định
này:
1.
Được quản lý theo quy định tại Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của
Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội và Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày
31/5/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế Thành lập và hoạt động của cơ sở bảo
trợ xã hội.
2.
Được hưởng mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng và các khoản trợ cấp khác theo
quy định của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính
sách cứu trợ xã hội; Quyết định số 14 ngày 28 tháng 3 năm 1998 của UBND Tỉnh về
việc điều chỉnh mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng cho đối tượng nuôi dưỡng
tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của các
cơ quan, Ban, Ngành:
1.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a.
Phối hợp với Công an Tỉnh sắp xếp nhân sự của Tổ Thường trực và ban hành quy
chế hoạt động của Tổ Thường trực.
b.
Quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ Thường trực.
c.
Xem xét và ra quyết định tiếp nhận các đối tượng vào nuôi dưỡng tại Trung Tâm
chăm sóc người có công và Bảo Trợ xã hội Tỉnh.
d.
Chủ trì, phối hợp với ngành Công an, UBND các huyện, chính quyền các tỉnh,
thành phố khác trong việc đưa các đối tượng ngoài tỉnh về nơi cư trú và quản lý
có hiệu quả các đối tượng này.
đ.
Chỉ đạo Trung tâm Chăm sóc người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức chăm
sóc, nuôi dưỡng các đối tượng lang thang sau khi Tổ Thường trực chuyển giao;
tiếp nhận, quản lý và sử dụng số tiền được quyên góp tại các thùng từ thiện vào
đúng mục đích và theo đúng quy định.
e.
Tổ chức, chỉ đạo các cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương,
các ngành chức năng thực hiện tốt chế độ cứu trợ xã hội đối với từng nhóm người
thuộc diện cứu trợ xã hội được quy định tại Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày
09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội.
f.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện
các nội dung của Bản Quy định này.
2.
Công an Tỉnh:
a.
Cử cán bộ, chiến sỹ tham gia Tổ Thường trực.
b.
Chỉ đạo Công an huyện, thành phố, xã phường, thị trấn tiến hành lập hồ sơ cá
nhân cho các đối tượng lang thang được đưa vào Trung tâm Chăm sóc người có công
và Bảo trợ xã hội Tỉnh (gồm biên bản ghi lời khai, sơ yếu lý lịch, danh chỉ bản
nếu đối tượng không có giấy tờ tuỳ thân).
c.
Chỉ đạo, hỗ trợ Công an huyện, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn thực
hiện thường xuyên việc tập trung các đối tượng.
3.
Sở Y tế:
Có
trách nhiệm chỉ đạo Bệnh viện Tỉnh tiếp nhận đối tượng tâm thần do Tổ Thường
trực chuyển giao để tiến hành kiểm tra, giám định, phân loại và điều trị (nếu
người tâm thần không phải là tâm thần mãn tính).
4.
Sở Tài chính - Vật giá:
Chủ
trì, phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên
quan tham mưu UBND Tỉnh trang bị các phương tiện cho Tổ Thường trực, ban hành
Chính sách, bảo đảm kinh phí phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý đối tượng: người
xin ăn, người lang thang sống nơi công cộng, người tâm thần lang thang trên địa
bàn Tỉnh.
5.
Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh:
-
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh trình
UBND Tỉnh quyết định thành lập Tổ Thường trực tập trung và xử lý người lang
thang trên địa bàn tỉnh và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ
thường trực.
-
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Tỉnh thống
nhất về nhân sự của Tổ Thường trực tập trung và xử lý người lang thang trên địa
bàn Tỉnh sau khi có quyết định thành lập của UBND Tỉnh.
6.
Sở Thương mại Du lịch:
Phối
hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và các ngành liên quan hướng dẫn Ban Quản lý các
Khu du lịch, Khu di tích, Trung tâm thương mại, Bến xe, Cảng cá... thực hiện
và chịu trách nhiệm một số việc sau:
-
Bằng nhiều hình thức thông báo thường xuyên, đề nghị khách du lịch và nhân dân
không cho tiền trực tiếp đối với người ăn xin. Trong đó, tại cổng chính đặt một
pa nô tuyên truyền với nội dung "Chính quyền đang tổ chức đưa người ăn xin
về nuôi dưỡng tập trung, đề nghị đồng bào và du khách không cho tiền trực tiếp
người ăn xin"; đặt một thùng quyên góp từ thiện với nội dung ghi
"Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh (phía trên), Nơi tiếp nhận tiền ủng người
nghèo, cơ nhỡ (phía dưới).
-
Ban Quản lý các địa điểm nói trên chịu trách nhiệm quản lý thùng quyên góp từ
thiện tại đơn vị mình, hàng tháng mở thùng và chuyển giao số tiền quyên góp
được cho Trung tâm Chăm só người có công và Bảo trợ xã hội Tỉnh.
-
Ban Quản lý các địa điểm nói trên phải chịu trách nhiệm không để người ăn xin
hoạt động trong phạm vi quản lý của mình; khi phát hiện có người xin ăn hoạt
động tại địa bàn quản lý thì phải thông báo kịp thời cho Công an xã, phường,
thị trấn hoặc Tổ Thường trực để giải quyết theo thẩm quyền.
7.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
-
Chỉ đạo Công an huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ
chức tập trung người lang thang theo quy định này trên địa bàn.
-
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng trong nhân dân
về tác động xã hội của việc đi xin ăn, đi lang thang, sống nơi công cộng, tạo
dư luận đồng tình với chủ trương tập trung, xử lý các đối tượng: người ăn xin,
người lang thang sống nơi công cộng .... Đưa vấn đề ngăn chặn tình trạng người
xin ăn, người lang thang sống nơi công cộng ... vào nội dung phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng xuộc sống văn hóa”; vận động nhân dân không cho tiền, quà
trực tiếp đối với người xin ăn. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm việc
từ thiện thì địa phương chọn và giới thiệu hoặc tổ chức để họ trực tiếp trao
tiền, quà cho số người có hoàn cảnh thực sự khó khăn.
-
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận số đối tượng của địa
phương do các địa phương khác chuyển giao và có kế hoạch quản lý, giáo dục, hỗ
trợ để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng
8.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
a.
Chỉ đạo Công an cùng cấp phối hợp với các đơn vị, lực lượng Dân quân tự vệ địa
phương kiên quyết thực hiện việc tập trung, xử lý các đối tượng lang thang.
Những xã, phường, thị trấn có điểm du lịch, các chùa có tổ chức lễ hội, công
viên, bến xe… có đông người xin ăn, người lang thang sinh sống thì thành lập Tổ
tập trung người xin ăn, người lang thang do Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch làm
Tổ trưởng, Công an làm Thường trực và một số ban, ngành, đoàn thể có liên quan,
hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
b.
Có trách nhiệm quản lý có hiệu quả người thuộc diện cứu trợ xã hội thường xuyên
và thực hiện việc trợ cấp theo đúng chế độ chính sách hiện hành. Những trường
hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không lo được cuộc sống thì UBND các xã,
phường, thị trấn có trách nhiệm lập hồ sơ đưa họ vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Nếu không quản lý, giải quyết đúng các chế độ chính sách theo quy định của pháp
luật (Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách bảo
trợ xã hội và các quy định khác), để người thuộc diện cứu trợ xã hội thường
xuyên của địa phương mình đi xin ăn, lang thang sống nơi công cộng ở bất cứ địa
phương nào thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tuỳ theo mức độ mà sẽ bị xử
lý kỷ luật.
9.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn thể Tỉnh:
Căn
cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức vận động, cảm hóa, giáo dục, phát động
toàn dân tham gia phòng ngừa và giải quyết tốt vấn đề người xin ăn, người lang
thang sống nơi cộng cộng ... tại cộng đồng dân cư; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt
động nhân đạo, từ thiện, vận động xã hội giúp đỡ người già cô đơn, người tàn
tật, trẻ em mồ côi và những gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn để họ ổn định cuộc sống.
Điều 9. Quá trình tổ chức
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành và các địa phương phản ánh kịp
thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tập hợp trình UBND Tỉnh xem xét
điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.