Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 837/QĐ-TTg 2022 nâng cao công tác thông tin đối ngoại cơ quan đại diện ở nước ngoài

Số hiệu: 837/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Bình Minh
Ngày ban hành: 14/07/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 837/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 29 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao; Nghị định số 29/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác Thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Bám sát chủ trương, chiến lược, chính sách, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) là “một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng chuyên trách làm nòng cốt”. Theo đó, cần có “sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa thông tin đối nội và đối ngoại, giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động TTĐN”; trên cơ sở “đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, đa dạng hóa phương thức hoạt động TTĐN, thực hiện tốt phương châm chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp từng đối tượng”.

- Bám sát quan điểm, phương châm, mục tiêu, nội dung của dự thảo Chiến lược TTĐN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Chỉ đạo công tác TTĐN tnh Bộ Chính trị.

- Nằm trong chỉnh thể thống nhất của việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại nói chung và TTĐN nói riêng với 03 nhiệm vụ trọng tâm là: (i) Tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và thành tựu phát triển của Việt Nam; (ii) Chủ động, kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, nhất là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để bảo vệ hình ảnh đất nước; (iii) Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc ngoại giao Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đối ngoại trong kỷ nguyên số, phù hợp với thực lực và vị thế của một quốc gia tầm trung, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, góp phần hiện thực hóa khát vọng của dân tộc.

- Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện (CQĐD) là lực lượng tuyến đầu làm công tác TTĐN tại địa bàn ngoài nước, truyền tải thông tin trong nước đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); tiếp thu tinh hoa văn hóa, kinh nghiệm phát triển của các nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng vai trò của Thủ trưởng các CQĐD.

- Bảo đảm thông tin liên tục, thúc đẩy công tác TTĐN của các CQĐD trên mọi phương diện; tăng cường sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trong nước với các CQĐD, phát huy tối đa các cơ quan báo chí thường trú (Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...), các kênh truyền thông sở tại, các kênh thông tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) cũng như tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác TTĐN của đất nước nói chung và tại các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

- Khai thác tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai truyền thông số, triển khai công tác TTĐN qua các nền tảng mạng xã hội... nhằm đem lại hiệu quả và sức lan tỏa cao nhất.

II. MỤC TIÊU CHUNG CỦA ĐỀ ÁN

- Phục vụ việc quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thu thập những thông tin có chọn lọc về tình hình, sự phát triển của thế giới, khu vực, về các vấn đề được dư luận và nhân dân trong nước quan tâm; đu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, sự hợp tác hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tạo chuyển biến về nhận thức trong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc công tác TTĐN của CQĐD chỉ có thể làm tốt khi huy động được sức mạnh, sự hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị, trong đó CQĐD là đơn vị tuyến đầu triển khai công tác TTĐN tại nước ngoài.

- Củng cố mối quan hệ thường xuyên, liên tục với các nhóm đối tượng cần tranh thủ ở nước ngoài đã hiểu biết về Việt Nam cũng như ưu tiên xây dựng quan hệ và tạo thiện cảm của các đối tượng như giới báo chí, giới trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...

- Triển khai chuyển đổi số, tạo biến chuyển mạnh mẽ trong nội dung, cách thức TTĐN của các CQĐD.

III. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Đề án tiếp tục phát huy những giải pháp hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời đề ra những cách làm mới, giải pháp mới nhằm khắc phục hạn chế và tạo bứt phá với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

1. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về nâng cao nhận thức

Nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc cùng phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin, nguồn lực cho các CQĐD; nâng cao nhận thức của các trưởng CQĐD, cán bộ ngoại giao trong nước và ở nước ngoài về việc các CQĐD là lực lượng tuyến đầu trong việc triển khai TTĐN tại nước ngoài; coi công tác TTĐN là nhiệm vụ chung, thường xuyên, liên tục, phục vụ chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tại nước ngoài; nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của người đứng đầu, của Trưởng các CQĐD trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong triển khai công tác TTĐN tại địa bàn.

2. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý

Hoàn thiện các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước, trong đó có Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, một số địa phương, các cơ quan báo chí chủ chốt với Bộ Ngoại giao và các CQĐD; xây dựng hành lang pháp lý để triển khai các biện pháp truyền thông mới, qua đó bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong TTĐN.

3. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về phương thức thực hiện

Đẩy mạnh việc triển khai công tác TTĐN của các CQĐD trên mọi phương diện với sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, đa dạng hóa phương thức hoạt động TTĐN, chú trọng tạo điểm nhấn, nhằm truyền tải rộng rãi nhất các thông điệp và tạo được sự ủng hộ cũng như môi trường thuận lợi để triển khai các hoạt động đối ngoại.

4. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về nội dung

Tiếp tục đổi mới nội dung để tăng tính thông tin, tính thuyết phục, sức hấp dẫn, độ lan tỏa của TTĐN.

5. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng lực lượng truyền thông đối ngoại

Xây dựng lực lượng làm TTĐN vừa hồng vừa chuyên, tinh nhuệ, sáng tạo; huy động sức mạnh, sự tham gia của cộng đồng NVNONN, các nguồn lực tại địa bàn trong công tác TTĐN; kết hợp chặt chẽ công tác TTĐN với các mảng chính trị, kinh tế, văn hóa, cộng đồng, tạo thành khối thống nhất trong các chương trình hành động/hoạt động của CQĐD.

6. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về nguồn lực

Tăng cường đầu tư nguồn lực thích đáng cho công tác TTĐN của các CQĐD.

- Về nguồn lực con người: có cán bộ chuyên trách làm công tác TTĐN, đặc biệt tại những địa bàn quan trọng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm đáp ứng được những yêu cầu về nghiệp vụ (ứng dụng công nghệ thông tin, làm tin, bài, chụp ảnh, quay phim...); coi kiến thức, kỹ năng TTĐN là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ tại CQĐD. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ qua công việc cho cán bộ, nhân viên CQĐD để thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin, kỹ năng TTĐN.

- Về cơ sở vật chất: Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTĐN, nhất là phục vụ cho việc chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội, phát triển kho tư liệu và ấn phẩm số (máy tính, máy quay/máy ảnh kỹ thuật số, máy scan màu, các phần mềm dựng hình, ảnh...).

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

- Đối với các nhiệm vụ mang tính chất thường xuyên của cơ quan, đơn vị: các bộ, ngành, địa phương chủ động sử dụng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao hàng năm để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Đối với các nhiệm vụ đặc thù của Đán: căn cứ nội dung các đề án, chương trình về thông tin đối ngoại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Ngoại giao và bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán ngân sách thực hiện Đề án, tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.

- Chủ động huy động nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hp pháp khác để triển khai đề án.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Ngoại giao và các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài

a) Bộ Ngoại giao

- Là đơn vị chủ trì, triển khai hoạt động TTĐN ở nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương định hướng nội dung thông tin tuyên truyền chung; tạo sự kết nối, liên thông, gắn kết giữa tuyên truyền các hoạt động đối ngoại ở trong nước và ngoài nước.

- Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài triển khai công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, trong đó có việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác TTĐN của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”.

- Chủ trì xây dựng và triển khai các quy chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan trong công tác TTĐN; chủ trì xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm và chủ động thông tin tới các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan về kết quả thực hiện Đề án.

- Phối hợp với các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin định hướng cho các CQĐD về vấn đề dư luận quan tâm, các chủ đề cần quảng bá, tranh thủ, vận động ở địa bàn; đề xuất các nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế và kịp thời cung cấp tài liệu hướng dẫn cho các CQĐD triển khai.

- Chủ trì xây dựng, bổ sung, làm mới các chiến lược/kế hoạch/đề án bổ trợ, các quy chế/quy trình phục vụ công tác TTĐN của đất nước, Bộ Ngoại giao và của các CQĐD (Đề án xây dựng Hệ sinh thái mạng xã hội, Quy chế ứng dụng mạng xã hội, Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động TTĐN của CQĐD trong tình hình mới...).

- Chỉ đạo các CQĐD chủ động xây dựng và triển khai các đề án/kế hoạch/chương trình tuyên truyền/truyền thông hàng tháng/quý và đột xuất nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện đối nội, đối ngoại quan trọng, các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao ta... với các nội dung, biện pháp triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng kho ấn phẩm số, dữ liệu thông tin và cung cấp cho các CQĐD để sử dụng trong các chương trình/kế hoạch tuyên truyền.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các CQĐD; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác TTĐN trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ theo các chương trình, khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm, trước và trong khi đi công tác nhiệm kỳ công tác.

b) Các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài

- Là đơn vị thực hiện trực tiếp các hoạt động TTĐN tại địa bàn sở tại.

- Xây dựng các đề án, kế hoạch truyền thông định kỳ, đột xuất để triển khai tại địa bàn trên cơ sở định hướng từ các cơ quan chức năng trong nước.

- Chỉ đạo các bộ phận phụ trách, chuyên trách về chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ... và các cơ quan báo chí Việt Nam ở nước ngoài triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại.

- Theo dõi, nghiên cứu, phân tích dư luận sở tại, từ đó đề xuất nội dung và hình thức tuyên truyền, TTĐN cho phù hợp với đối tượng, thị hiếu, yêu cầu, bối cảnh tại địa bàn theo từng thời điểm và từng đợt tuyên truyền khác nhau.

- Thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường hỗ trợ địa phương quảng bá hình ảnh tới cộng đồng quốc tế, NVNONN thông qua các sự kiện, hội nghị giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch...; kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

- Hỗ trợ địa phương kết nối, hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông nước ngoài thực hiện các sản phẩm truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai quảng bá hình ảnh; xây dựng không gian quảng bá địa phương nhằm trưng bày các tài liệu, ấn phẩm, trình chiếu các phóng sự, tuyên truyền quảng bá về địa phương tại các CQĐD.

- Xây dựng dự trù kinh phí hàng năm cho công tác TTĐN; chủ động huy động các nguồn lực tại địa bàn, trong đó chú trọng cộng đồng NVNONN trong việc triển khai công tác TTĐN.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng các tài liệu định hướng, tuyên truyền tại các địa bàn ngoài nước, thống nhất các nội dung, biện pháp tuyên truyền TTĐN theo từng giai đoạn, thời kỳ, sự việc/sự kiện cụ thể.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong nước phối hợp chặt chẽ với các CQĐD trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền cả ở trong và ngoài nước. Đối với những địa bàn ngoài nước có cơ quan/văn phòng thường trú, báo chí trong nước và các CQĐD xây dựng các chương trình, kế hoạch thông tin tuyên truyền, kế hoạch tác nghiệp cụ thể tại địa bàn với nội dung, mục đích, yêu cầu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thông tin tại địa bàn.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng, triển khai việc ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, hiện đại vào công tác TTĐN tại các CQĐD.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tuyên truyền phục vụ công tác TTĐN phù hợp với từng địa bàn cụ thể, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các CQĐD về thị hiếu công chúng và văn hóa sở tại và trên cơ sở ứng dụng các phương tiện truyền thông mới.

- Hỗ trợ triển khai chuyển đổi số trong công tác TTĐN nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nội dung, cách thức thực hiện của các CQĐD và các bộ, ngành, địa phương.

3. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các CQĐD ta đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách, thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, hợp tác an ninh, bảo đảm quyền con người, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Liên hp quốc, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lưu vong về Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các CQĐD xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn và thành công các sự kiện đối ngoại giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với lãnh đạo các nước thông qua các cơ chế hợp tác chuyên ngành.

- Tăng cường chuyển tải thông điệp đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng NVNONN bằng các kênh, hình thức khác nhau.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao định kỳ tổ chức gặp mặt các Đại sứ, Trưởng CQĐD ở nước ngoài mới được bổ nhiệm nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và trên lĩnh vực an ninh trật tự nói riêng; xây dựng và triển khai các kế hoạch tập huấn cho cán bộ chuẩn bị triển khai địa bàn góp phần củng cố nhận thức, nhận diện các âm mưu, hoạt động chống phá hoạt động tuyên truyền đối ngoại của ta để kịp thời đấu tranh ngăn chặn.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các CQĐD trong việc phát hiện sớm, thanh lọc nguồn thông tin độc hại từ nước ngoài, các hoạt động tuyên truyền chống phá trên không gian mạng để kịp thời có các biện pháp đấu tranh phù hợp.

- Chỉ đạo các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia phối hợp chặt chẽ với các CQĐD trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và làm mới các hình thức vận động, tranh thủ cộng đồng người Việt tại sở tại cũng như các hoạt động chung tại địa bàn.

- Chỉ đạo các Văn phòng đại diện Bộ Công an, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các CQĐD trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Việt Nam trong khuôn khổ các chương trình TTĐN chung của CQĐD.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ động cung cấp thông tin các hoạt động/chương trình/sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, nghệ thuật... tại nước ngoài để có sự phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, quảng bá.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, sản xuất các ấn phẩm quảng bá, các sản phẩm truyền thông, nhất là truyền thông số để phục vụ các hoạt động trưng bày, triển lãm, trình chiếu ở nước ngoài.

- Chỉ đạo các Trung tâm văn hóa tại nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các CQĐD trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và các giá trị văn hóa, du lịch, nghệ thuật... tại địa bàn.

5. Bộ Tài chính

Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho việc thực hiện Đề án sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Các cơ quan báo chí Việt Nam

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, tư liệu (ảnh, hình...) cho các CQĐD.

- Các cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân chỉ đạo các cơ quan thường trú hợp tác chặt chẽ với các CQĐD trong việc triển khai các chương trình/kế hoạch truyền thông, các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, của lãnh đạo cấp cao, CQĐD tại địa bàn cũng như tích cực đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch.

- Đầu tư nâng cấp các kênh tuyên truyền đối ngoại, trong đó có các kênh tuyên truyền hướng tới đối tượng là người nước ngoài, cung cấp thông tin chính thống về Việt Nam; tối ưu hóa thế mạnh của các loại hình báo chí, của mạng xã hội để tiếp cận và tương tác mạnh với cộng đồng người Việt Nam tại sở tại.

7. Các bộ, ngành, địa phương khác

- Chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao kịp thời cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông, đặc biệt là những ấn phẩm số, ứng dụng công nghệ truyền thông mới cho các CQĐD nhằm quảng bá hình ảnh, thế mạnh của đất nước và địa phương tại các địa bàn ngoài nước, cho cộng đồng NVNONN.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa quan trọng, các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

- Đề xuất cơ chế hợp tác phù hợp với các cơ quan chức năng, báo chí sở tại trong việc thiết lập quan hệ, triển khai thực hiện các chương trình/kế hoạch tuyên truyền cụ thể.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc tranh thủ phóng viên nước ngoài vào Việt Nam nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam và các địa phương ra thế giới.

- Phối hợp với các CQĐD để thu thập và xử lý thông tin tại nước sở tại về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa bàn quản lý theo quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- T
nh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
-
VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 837/QĐ-TTg ngày 14/07/2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác Thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.995

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.52.77
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!