ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2022/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm
2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRONG KHÔNG GIAN ĐI BỘ KHU VỰC HỒ HOÀN KIẾM VÀ
PHỤ CẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 12 năm
2012;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13
tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 6
năm 2012;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng
6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18
tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17
tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày
06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh
doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày
14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân quận
Hoàn Kiếm tại Tờ trình số 96/TTr-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2022 về dự thảo Quyết
định ban hành Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn
Kiếm và phụ cận.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ
khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5/2022.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm;
Giám đốc các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Thông
tin và Truyền thông, Y tế; Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội; Giám đốc
Công an Thành phố Hà Nội; Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội; Trưởng Công an
quận Hoàn Kiếm; Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; Chủ tịch UBND
các phường thuộc phạm vi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các
tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc Hội Thành phố;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- UBMTTQ Thành phố;
- Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các đ/c PCT UBND Thành phố;
- Văn phòng UBND Thành phố;
- Các cơ quan, báo đài Thành phố;
- Trung tâm Tin học Công báo;
- Cổng GTĐT Thành phố;
- Lưu: VT, UBND quận Hoàn Kiếm (05b).H(50b).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Chu Ngọc Anh
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ HOẠT ĐỘNG TRONG KHÔNG GIAN ĐI BỘ KHU VỰC HỒ HOÀN KIẾM VÀ PHỤ CẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2022 của
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy chế này quy định về trách nhiệm của
các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ; nguyên tắc, nội
dung quản lý, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Thành phố Hà Nội đối với công tác quản
lý toàn diện hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
b) Phạm vi và thời gian hoạt động của
không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực hiện theo quyết định của Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội.
2. Đối tượng áp dụng bao gồm:
a) Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động,
kinh doanh hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và
các hoạt động khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận;
b) Các Sở, ngành Thành phố Hà Nội, Ủy
ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm; Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm
và phố cổ Hà Nội; Ủy ban nhân dân, Công an các phường thuộc phạm vi không gian
đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi
được giao nhiệm vụ tham gia quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận.
Điều 2. Một số
nguyên tắc chung
1. Mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể
dục thể thao và các hoạt động khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
và phụ cận phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn,
hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và
bảo vệ môi trường.
2. Công tác quản lý không gian đi bộ khu
vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công
trách nhiệm, quyền hạn cụ thể phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan,
đơn vị đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành chuyên môn của
Thành phố Hà Nội với Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan
trên địa bàn quận.
3. Công tác quản lý không gian đi bộ khu
vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo, điều
hành và tuân theo quy định của pháp luật; Thực hiện hiệu quả, kịp thời, thường
xuyên, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo khách quan trong quá trình phối hợp.
4. Những hành vi vi phạm quy định về quản
lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải được phát hiện,
ngăn chặn kịp thời và bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Điều 3. Nội
dung quản lý
1. Hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà
nước trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được thực hiện theo
quy định của pháp luật trên các lĩnh vực, bao gồm: An ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trật tự đô thị, trật tự
an toàn giao thông; văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; an toàn thực phẩm,
phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan; quy hoạch, duy tu,
duy trì hệ thống kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kinh doanh, dịch
vụ, quảng cáo.
2. Các nội dung quản lý khác của các cơ quan nhà
nước liên quan trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực hiện
theo quy định pháp luật.
Chương II
NHỮNG
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy định đối với
các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn
Kiếm và phụ cận
1. Thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng
xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa; trang phục lịch sự; thực hiện các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố
Hà Nội; không có những hành vi, lời nói thô tục, thiếu văn hóa, không phù hợp với
thuần phong mỹ tục.
2. Không đi, để các phương tiện giao
thông đường bộ trên hè, lòng đường và các vị trí công cộng khác trong không
gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ đảm
bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố điện, xe
thu gom rác và các phương tiện thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền và xe lăn của người khuyết tật).
3. Không dừng, đỗ các phương tiện giao
thông trước các điểm chốt ra vào của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và
phụ cận.
4. Không tổ chức biểu tình, tuần hành, tụ
tập đông người trái pháp luật; tuyên truyền các nội dung trái pháp luật; tổ chức
các hoạt động gây mất trật tự công cộng.
5. Không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm
vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trừ các trường hợp
được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
6. Không thực hiện hành vi dẫm, nằm lên
thảm cỏ, ghế ngồi; ngắt hoa, trèo cây, bẻ cành, hái quả, chặt hạ, hủy hoại cây
xanh.
7. Không bơi lội, câu, đánh bắt cá và
sinh vật khác dưới lòng hồ Hoàn Kiếm.
8. Không tổ chức hoạt động đánh bạc dưới
mọi hình thức, không tổ chức đua xe trái phép, bói toán, mại dâm, sử dụng ma
túy, các chất kích thích khác, tổ chức ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh dịch
vụ ăn uống được phép theo quy định) và các hành vi gây mất trật tự công cộng.
9. Không xả rác thải, phóng uế, tiểu tiện,
chất thải của vật nuôi không đúng nơi quy định.
10. Không thực hiện hành vi di chuyển hoặc
làm hư hại các thiết bị tài sản, vật dụng, thiết bị kỹ thuật lắp đặt, trang trí
tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
11. Không viết, vẽ, chạm, khắc, bôi bẩn,
treo, dán tờ rơi quảng cáo, rao vặt lên tượng đài, ghế ngồi và các công trình kiến
trúc, cây xanh.
12. Không bán hàng rong, đánh giày, đeo
bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức.
13. Không sử dụng các thiết bị, dụng cụ
như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu
hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ. Các tổ chức, cá
nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong không gian đi bộ
khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động. Không thực hiện quảng
cáo dưới mọi hình thức khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền
14. Không phát tán, tuyên truyền, lưu
hành, phổ biến, trưng bày các sản phẩm văn hóa, xuất bản phẩm bị cấm, không phù
hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây hiểu nhầm và xung đột với các nền văn hóa
khác.
15. Đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh
theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội.
16. Không thực hiện các hành vi bị cấm
khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Quy định đối với
tổ chức, cá nhân kinh doanh
1. Thực hiện các quy định về văn minh
thương mại: Giao tiếp với khách hàng lịch sự, hòa nhã; trang phục bán hàng gọn đẹp,
không phản cảm; không tranh giành lôi kéo, ép giá đối với khách hàng; có bảng
niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; sử dụng biển hiệu đúng quy định.
2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong
thời gian hoạt động của không gian đi bộ phải kê khai, đăng ký kinh doanh, chỉ
được phép kinh doanh các mặt hàng phù hợp với quy hoạch theo phương án tổ chức
hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch được Thành phố Hà Nội phê duyệt (bao gồm:
các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền
thống; hoạt động tổ chức các chương trình, sự kiện về văn hóa, nghệ thuật, xúc
tiến thương mại, du lịch và đầu tư; dịch vụ văn hóa, thể thao, nghệ thuật, giải
khát, ăn nhanh), đóng nộp các khoản thuế, lệ phí theo quy định. Trong chiếu
sáng công cộng nên sử dụng đèn chiếu sáng LED có ánh sáng trắng tự nhiên. Trong
các không gian dịch vụ nên sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng (LED) có màu
sắc phù hợp với kiến trúc công trình và cảnh quan xung quanh.
3. Sử dụng đúng phạm vi diện tích kinh
doanh được phép; kinh doanh đúng giờ; không bày hàng hóa, vật dụng lấn chiếm vỉa
hè, lòng đường. Tổ chức, cá nhân trông giữ phương tiện giao thông phải được cấp
phép, không thu phí trông giữ xe quá giá quy định tại các các tuyến phố phụ cận
với các tuyến phố trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
4. Đảm bảo an toàn sử dụng điện; an toàn
phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường;
có dụng cụ đựng chất thải kín, có nắp đậy và thu gom hàng ngày. Đảm bảo điều kiện,
trang thiết bị, phương tiện và tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện phòng cháy,
chữa cháy. Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung
ương và Thành phố Hà Nội.
Điều 6. Quy định đối với
các tổ chức, cá nhân có hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các
hoạt động khác
1. Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật,
tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc
thi người đẹp, người mẫu trong không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ
cận thực hiện theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của
Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Hoạt động tổ chức triển lãm tác phẩm mỹ
thuật thực hiện theo Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ
về hoạt động mỹ thuật.
Hoạt động tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp
ảnh thực hiện theo Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về
hoạt động nhiếp ảnh.
Hoạt động tổ chức triển lãm khác ngoài triển
lãm mỹ thuật và triển lãm nhiếp ảnh thực hiện theo Nghị định số 23/2019/NĐ-CP
ngày 26/02/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm.
Việc tổ chức các hoạt động thể dục thể
thao trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm phải căn cứ theo nội dung Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL
ngày 19/11/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức giải thi đấu
thể thao quần chúng.
2. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ
nhiệm vụ chính trị, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh
doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn
nghệ thuật trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải thực hiện
thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 Nghị định số
144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật
biểu diễn ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn nghệ
thuật và đảm bảo tuân thủ về hoạt động kinh doanh, điều kiện an ninh, trật tự,
an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, môi trường và các quy
định khác của pháp luật liên quan. Tổ chức, cá nhân có hoạt động văn hóa, nghệ
thuật, thể dục thể thao và các hoạt động khác thông báo sản phẩm quảng cáo cho
các nhà tài trợ trong các sự kiện văn hóa - chính trị, biểu diễn nghệ thuật, thể
dục thể thao và các hoạt động khác ít nhất 05 ngày làm việc trước khi thực hiện
việc quảng cáo. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo như sau:
a) Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp nhận
thông báo của cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành trung ương, cơ quan
trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (hoạt
động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, quảng
cáo).
b) Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tiếp
nhận thông báo của các tổ chức, cá nhân khác.
3. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác
trong không gian đi bộ không thuộc hình thức tại Khoản 1 điều này phải đảm bảo
các điều kiện tổ chức biểu diễn nghệ thuật và phải có văn bản chấp thuận tổ chức
biểu diễn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 10 Nghị định
số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật
biểu diễn như sau:
a) Văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn
nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật
biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn
nghệ thuật thuộc Trung ương của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
b) Văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn
nghệ thuật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này của Sở Văn hóa
và Thể thao Hà Nội.
4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động tổ chức
biểu diễn nghệ thuật, lễ hội (có lắp dựng sân khấu, ánh sáng, pano, áp phích) tại
khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn sử dụng về
hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đúng các quy định quản lý công viên, vườn hoa.
5. Tổ chức, cá nhân có hoạt động văn
hóa, thể dục thể thao và các hoạt động khác thực hiện theo đúng nội dung cho
phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện nghiêm túc các quy định về nội
dung, trang phục, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác phòng
chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội và các quy
định khác của pháp luật có liên quan.
6. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật (biểu
diễn, trưng bày), kinh doanh, quảng cáo đảm bảo thẩm mỹ, cảnh quan khu vực
không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Chương III
TRÁCH
NHIỆM VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP CỦA CÁC ĐƠN VỊ
Điều 7. Trách nhiệm của
Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
1. Thực hiện quản lý các hoạt động trong
không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận theo phân cấp của Ủy ban nhân
dân thành phố Hà Nội.
2. Chủ trì, phối hợp các Sở ngành liên
quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt phương án tổ chức
hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp với điều kiện của các tuyến phố
đi bộ phục vụ nhu cầu khách du lịch, Nhân dân và tổ chức thực hiện phương án
sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan của
Thành phố Hà Nội thực hiện duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội, các công trình kiến trúc, bao gồm: các di tích, công trình kiến trúc,
cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, đèn
trang trí, nhà vệ sinh công cộng; trực tiếp quản lý, duy tu hè phố, cây xanh
trong khuôn viên trụ sở, nhà dân theo phân cấp quản lý.
4. Sắp xếp, bố trí các điểm giao thông
tĩnh cho cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận theo phân cấp của Thành phố Hà Nội.
5. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức,
trách nhiệm các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về
hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, thực hiện quy
tắc ứng xử nơi công cộng theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
6. Ban hành Nội quy quản lý hoạt động
trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
7. Chỉ đạo Công an quận Hoàn Kiếm, Ban quản
lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, Ủy ban nhân dân các phường trong phạm vi hoạt
động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các phòng, ban, đơn vị
liên quan thuộc quyền quản lý hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy
định đảm bảo về giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường,
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch
bệnh.
8. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
thành phố Hà Nội kiểm tra, giám sát và giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh
vực quản lý thuộc thẩm quyền.
9. Tiếp nhận và giải quyết các ý kiến phản
ánh, khiếu nại, tố cáo về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động trong không
gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
10. Những trường hợp vượt thẩm quyền giải
quyết có trách nhiệm báo cáo hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và
các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Điều 8. Trách nhiệm của
Công an Thành phố Hà Nội
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành
phố Hà Nội chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở, ngành có
liên quan đảm bảo an ninh trật tự khu vực diễn ra các hoạt động trong không
gian phố đi bộ và phụ cận.
2. Chỉ đạo Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp
với các phòng nghiệp vụ đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật
tự đô thị, trật tự công cộng, an toàn phòng cháy, chữa cháy; xử lý kịp thời các
vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm; tổ chức hướng dẫn,
phân luồng giao thông, giải quyết các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng
trong thời gian diễn ra hoạt động không gian phố đi bộ và phụ cận.
Điều 9. Trách nhiệm của
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
1. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành
thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm định kỳ hàng tháng tổ chức các
sự kiện có quy mô vào thời gian hoạt động của không gian đi bộ tại khu vực vườn
hoa Tượng đài Vua Lý Thái Tổ.
2. Chủ trì tiếp nhận các nhu cầu sắp xếp
bố trí lịch tổ chức các sự kiện trên tuyến phố đi bộ trong không gian đi bộ khu
vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phù hợp với không gian, thời gian và tình hình thực tế;
đồng thời phối hợp hỗ trợ và hướng dẫn các sở, ngành, quận huyện trên địa bàn
thành phố Hà Nội; các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trung ương và các địa phương;
các Đại sứ quán nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định, đảm bảo
việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, quảng bá xúc tiến hình ảnh,
sản phẩm, du lịch tổ chức trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận
thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
3. Tiếp nhận, giải quyết các thông báo sản
phẩm quảng cáo cho các nhà tài trợ trong các sự kiện văn hóa - chính trị, biểu
diễn nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động khác theo quy định.
4. Tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết đề
nghị treo cờ, sử dụng cờ Tổ quốc, cờ Đảng trong các sự kiện văn hóa, chính trị,
xã hội, thể dục thể thao.
5. Khi có văn bản chấp thuận các hoạt động
văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, lễ hội truyền thống theo chức năng, thẩm
quyền cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận, cần phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm nhằm tránh chồng
chéo về thời gian, địa điểm diễn ra các hoạt động và thông báo đến Ủy ban nhân
dân quận Hoàn Kiếm để thống nhất quản lý. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động
biểu diễn theo đúng quy định pháp luật.
6. Tuyên truyền nâng cao ý thức trách
nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển bền vững không
gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
7. Quản lý, bảo tồn, duy tu, duy trì các
công trình di tích, công trình văn hóa, công trình nghệ thuật kiến trúc được
giao quản lý.
Điều 10. Trách nhiệm Sở
Giao thông Vận tải Hà Nội
1. Phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Ủy
ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và các đơn vị chức năng tổ chức phân luồng giao
thông hợp lý trên các tuyến phố xung quanh khu vực tổ chức không gian đi bộ; hướng
dẫn Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn để phân vùng
giữa khu vực triển khai tuyến phố đi bộ và khu vực lưu thông bình thường theo
đúng các quy định hiện hành.
2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân
quận Hoàn Kiếm khảo sát, bố trí các điểm trông giữ xe hợp lý và xử lý các điểm
trông giữ xe không phép, quá diện tích được cấp phép, thu quá giá quy định
trong thời gian hoạt động của tuyến phố đi bộ theo thẩm quyền được phân cấp.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan xây dựng và tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết
nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để phục vụ nhu cầu đi
lại của nhân dân và du khách.
4. Duy tu, duy trì hệ thống đường giao
thông và các hạng mục công trình thuộc thẩm quyền quản lý trong không gian đi bộ
khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Điều 11. Trách nhiệm của
Sở Du lịch Hà Nội
1. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
quảng bá, giới thiệu không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tới du
khách trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, tuyên truyền
chung về du lịch Hà Nội tại quầy thông tin du lịch khu vực đường Lê Thạch, Hàng
Dầu và các điểm phù hợp; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phối hợp
xây dựng sản phẩm du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm để thu hút khách du lịch.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành
các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; phối hợp với Ủy ban
nhân dân quận Hoàn Kiếm và các ngành chức năng của Thành phố đảm bảo an ninh,
an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch trong các dịp lễ, tết,
các sự kiện lớn tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
3. Chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan thực hiện
khai thác hệ thống phát wifi miễn phí tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
và phụ cận.
4. Tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện,
hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, kích cầu
du lịch, hỗ trợ khách du lịch tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ
cận.
Điều 12. Trách nhiệm của
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
1. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
tuyên truyền trên trên hệ thống báo chí và thông tin cơ sở về chủ trương tổ chức
không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
2. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
và các đơn vị liên quan trong việc cấp phép và quản lý hoạt động trưng bày, triển
lãm, phát hành xuất bản phẩm cho các tổ chức, cá nhân tại không gian đi bộ khu
vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
3. Phối hợp các nhà mạng viễn thông triển
khai hệ thống wifi công cộng trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ
cận.
Điều 13. Trách nhiệm của
Sở Công Thương Hà Nội
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân
quận Hoàn Kiếm và các sở ngành có liên quan tổ chức các hoạt động giới thiệu sản
phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ; phối hợp Sở Y tế Hà Nội thực hiện
công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
và phụ cận.
2. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
lắp đặt và duy trì hoạt động các máy bán hàng tự động trong khu vực hồ Hoàn Kiếm
và phụ cận.
3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hoàn
Kiếm xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tổ chức hoạt động dịch vụ, thương
mại, du lịch được Thành phố Hà Nội phê duyệt.
Điều 14. Trách nhiệm của
Cục Quản lý thị trường Hà Nội
Chỉ đạo Đội quản lý thị trường số 2 kiểm
tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá cả hàng hóa của các cơ sở
kinh doanh trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đảm bảo quyền
lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Điều 15. Trách nhiệm của
Sở Xây dựng Hà Nội
1. Quản lý và duy trì hệ thống đèn chiếu
sáng đô thị đảm bảo đủ ánh sáng trên tuyến phố đi bộ; quản lý cây xanh đường phố,
vườn hoa, thảm cỏ, thoát nước, chiếu sáng theo phân cấp quản lý (trên hè và đường
phố công cộng).
2. Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân quận
Hoàn Kiếm thực hiện việc duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi (cây
xanh, vườn hoa, thảm cỏ, thoát nước, chiếu sáng) theo phân cấp quản lý, đảm bảo
cảnh quan, kiến trúc không gian đi bộ.
3. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành đúng quy định về
quản lý hạ tầng đô thị.
Điều 16. Trách nhiệm của
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Hà Nội
1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận Hoàn
Kiếm và các sở, ngành Thành phố Hà Nội trong việc đảm bảo kinh phí đối với các
hoạt động duy tu, duy trì, cải tạo, sửa chữa hệ thống kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận theo phân cấp quản lý của
Thành phố Hà Nội.
2. Sở Tài chính phối hợp với Ủy ban nhân
dân quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm của
các tổ chức, cá nhân thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện không đúng quy định
của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Điều 17. Trách nhiệm của
Sở Y tế Hà Nội
Chỉ đạo các đơn vị y tế tại các khu vực
lân cận bố trí cán bộ y tế thường trực tại đơn vị để sẵn sàng đáp ứng công tác
y tế trong thời gian các hoạt động diễn ra; phối hợp với Sở Công Thương, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Hoàn Kiếm và các ban, ngành liên
quan tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh,
kiểm tra phòng chống dịch bệnh trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và
phụ cận.
Điều 18. Trách nhiệm của
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội
1. Đảm bảo cung cấp nguồn điện thường
xuyên, ổn định, phục vụ cho các hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận
Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân
sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Điều 19. Trách nhiệm của
các sở, ngành liên quan
1. Chủ động thực hiện các công việc theo chức
năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm,
các tổ chức, cá nhân hoạt động trong không gian đi bộ thực hiện theo đúng quy định.
2. Phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
định kỳ kiểm tra, giám sát và giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản
lý nhằm đảm bảo phát triển bền vững không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ
cận.
Điều 20. Trách nhiệm của
đơn vị thực hiện công tác thu gom rác, vệ sinh môi trường
1. Duy trì không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận luôn sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị,
không để rác thải tồn đọng,
giữ gìn nhà vệ sinh sạch đẹp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, giải
trí của người dân, khách du lịch.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận
Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân giữ gìn vệ sinh môi trường.
Điều 21. Trách nhiệm của
đơn vị được giao trông giữ xe, phương tiện giao thông (Công ty khai thác điểm đỗ)
Các đơn vị, tổ chức được giao trông giữ
xe, phương tiện giao thông có trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định
của pháp luật về trông giữ xe, phương tiện giao thông tại các điểm trông giữ
thuộc quyền quản lý.
Điều 22. Trách nhiệm của
Công an quận Hoàn Kiếm
1. Chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp
vụ của Công an Thành phố Hà Nội, các phòng, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân quận
Hoàn Kiếm trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; trật tự đô thị; tổ chức hướng dẫn,
phân luồng giao thông trong thời gian diễn ra hoạt động của không gian đi bộ và
phụ cận.
2. Xây dựng phương án bố trí lực lượng đảm
bảo an ninh trật tự, trật tự giao thông đô thị trong không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận, chủ động kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc có liên
quan đến an ninh trật tự, trật tự giao thông đô thị. Bố trí lực lượng Công an
quận, Công an các phường tại các chốt xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và tuần
tra kiểm soát trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Điều 23. Trách nhiệm của
Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội
Chủ trì, phối hợp với các đội nghiệp vụ
Công an quận Hoàn Kiếm, Công an các phường quanh hồ Hoàn Kiếm đảm bảo giữ gìn
an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trong không gian đi bộ.
Bố trí lực lượng an ninh trật tự cắm chốt, tuần tra xử lý, không để xảy ra trường
hợp tổ chức hoạt động tự phát trái quy định; bán hàng rong; kinh doanh không
phép, không đúng khu vực được quy hoạch; các trường hợp mang vật nuôi, gia súc,
gia cầm và các hoạt động không đúng quy định khác.
Điều 24. Trách nhiệm của
Ủy ban nhân dân các phường thuộc phạm vi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
và phụ cận
1. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện
nhiệm vụ theo phân công, phân cấp trong việc quản lý không gian đi bộ khu vực hồ
Hoàn Kiếm và phụ cận.
2. Tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đôn
đốc, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các hộ gia
đình, công dân trên địa bàn chấp hành các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố
Hà Nội; chỉnh trang cửa hàng, cửa hiệu, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, trật tự
đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ góp phần tạo cảnh quan môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm và các
tuyến phố đi bộ luôn văn minh “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
3. Phân công lực lượng công an phường, lực
lượng tự quản lập chốt tại các điểm nút trước khi vào khu vực; bố trí hệ thống
rào chắn cấm tất cả các phương tiện đi vào phố đi bộ, trừ các phương tiện ưu
tiên theo quy định; thực hiện công tác giữ gìn an ninh, trật tự đô thị, trật tự
an toàn giao thông, giải quyết, xử lý các vi phạm triệt để, kịp thời theo thẩm
quyền hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 25. Điều khoản thi
hành
1. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được phân công, có trách nhiệm chủ động, tích cực phối hợp tổ chức quản lý các
hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nhằm đảm bảo
phát triển bền vững không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
2. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm có
trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Quy chế này, định kỳ 6 tháng, một năm báo
cáo kết quả hoạt động tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn vướng mắc, bất cập, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Ủy
ban nhân dân quận Hoàn Kiếm để tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quy định của
pháp luật.
4. Trường hợp có nội dung quy định tại
Quy chế này không còn phù hợp với các quy định pháp luật của Trung ương và Thành phố Hà
Nội do mới được ban hành thì thực hiện theo nội dung văn bản mới của Trung ương
và Thành phố Hà Nội.
Điều 26. Kiểm tra và xử
lý vi phạm
Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố
Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm,
Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
phường liên quan thuộc quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm
theo thẩm quyền và quy định của pháp luật./.