ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2055/2014/QĐ-UBND
|
Hải Phòng, ngày
29 tháng 9 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN NINH, TRẬT TỰ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP VSIP THUỘC DỰ
ÁN KHU ĐÔ THỊ, CÔNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ VSIP HẢI PHÒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008
của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày
12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế
xuất, Khu kinh tế;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 219/Ttr-BQL ngày
26/02/2014; Công văn số 976/Ttr-BQL ngày 25/7/2014 của Ban quản lý Khu kinh tế
Hải Phòng; Báo cáo thẩm định số 09/BCTĐ-STP ngày 20/02/2014 và Báo cáo thẩm định
lần 2 số 25/BCTĐ-STP của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp đảm bảo an
ninh, trật tự tại Khu công nghiệp VSIP thuộc Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch
vụ VSIP Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban quản
lý Khu kinh tế Hải Phòng, Giám đốc các Sở, ngành: Công an thành phố, Cảnh sát
phòng cháy chữa cháy, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài
nguyên và Môi trường, Y tế, Cục Hải quan Hải Phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện Thủy Nguyên, Công ty TNHH VSIP Hải Phòng; Thủ trưởng các ngành, cấp, các
cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đan Đức Hiệp
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP ĐẢM BẢO AN NINH, TRẬT TỰ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP VSIP THUỘC DỰ ÁN KHU ĐÔ THỊ,
CÔNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ VSIP HẢI PHÒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2055/2014/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2014
của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng:
1.1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về phối
hợp thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ tại Khu
Công nghiệp VSIP thuộc Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng
(dưới đây được gọi là Khu công nghiệp) giữa Công an thành phố, Cảnh sát Phòng
cháy chữa cháy thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng với các sở, ban,
ngành chức năng liên quan khác, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Công ty TNHH
VSIP Hải Phòng và các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp.
1.2. Đối tượng áp dụng của Quy chế này bao gồm:
Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Ban quản lý Khu kinh tế Hải
Phòng, Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Ủy ban nhân
dân các xã Trung Hà, Thủy Triều, An Lư, Ngũ Lão, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam
Hưng, Tân Dương, Thủy Sơn, Dương Quan, Thủy Đường; các Sở, ban, ngành liên
quan; Công ty TNHH VSIP Hải Phòng và các doanh nghiệp thứ cấp tại Khu công nghiệp
VSIP.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp:
2.1. Đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động sản
xuất kinh doanh là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan,
trong đó Công an thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Ủy ban nhân
dân huyện Thủy Nguyên, các xã liên quan là nòng cốt.
2.2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, các Ngành, cấp: Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Ban quản
lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Ủy ban nhân dân các xã và
các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết những vấn đề về
an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Khu
công nghiệp VSIP Hải Phòng.
2.3. Công tác phối hợp cần được thống nhất trên cơ
sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành, địa phương. Các Sỏ, ngành, địa
phương, đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân
công quy định tại Quy chế này và các quy định liên quan của pháp luật hiện
hành.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trách nhiệm chung:
3.1. Thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ trong
công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất
kinh doanh trong Khu công nghiệp VSIP; chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực
hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong nội bộ doanh nghiệp và toàn bộ
Khu công nghiệp.
3.2. Định kỳ hàng năm, Công an thành phố chủ trì,
phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Ủy ban
nhân dân các xã liên quan và Công ty TNHH VSIP Hải Phòng tổ chức tập huấn công tác
đảm bảo an ninh trật tự cho các doanh nghiệp; đề ra các biện pháp chủ động
phòng ngừa, khắc phục sơ hở, không để phần tử xấu lợi dụng để tổ chức các hoạt
động phá hoại, gây mất an ninh trật tự tại Khu công nghiệp.
Điều 4. Trách nhiệm của Ban quản
lý Khu kinh tế Hải Phòng:
4.1. Phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban nhân
dân huyện Thủy Nguyên, các Sở, ngành, đơn vị liên quan thống nhất nội dung trước
khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành các văn bản quản
lý nhà nước liên quan đến công tác an ninh, trật tự Khu công nghiệp.
4.2. Đôn đốc các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp
xây dựng và thực hiện nội quy bảo vệ doanh nghiệp; xây dựng phương án xử lý các
tình huống cụ thể khi xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, an
toàn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
4.3. Phối hợp, hướng dẫn Công ty TNHH VSIP Hải
Phòng, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn
giao thông trong Khu công nghiệp và trong từng doanh nghiệp.
4.4. Hướng dẫn Công ty TNHH VSIP Hải Phòng thành lập
đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp
luật; xây dựng phương án chữa cháy cho toàn Khu công nghiệp; tổ chức thực tập
phương án, xử lý các tình huống cháy xảy ra có nhiều lực lượng tham gia; hướng
dẫn các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp thành lập đội phòng cháy, chữa cháy
cơ sở, xây dựng nội quy phòng cháy chữa cháy, trang bị các phương tiện chữa
cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, tổ chức cho cán bộ, công nhân học
tập, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa
cháy. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về phòng
cháy chữa cháy; yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng công trình phải thực hiện
thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, khi cải tạo, mở rộng hoặc thay đổi công
năng phải thẩm duyệt lại về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
4.5. Thông báo kịp thời về Tổ công tác liên cấp -
ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên là Tổ trưởng khi xảy ra các
tranh chấp lao động tập thể, đình công tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp
để thực hiện Quy chế phối hợp giải quyết các vụ đình công, ngừng việc tập thể tại
các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố tại
Quyết định số 2189/2007/QĐ-UBND ngày 08/11/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố.
4.6. Chủ động phối hợp với các ngành: Giao thông vận
tải, Công an thành phố, Công ty TNHH VSIP trong việc phân luồng, tuyến, cắm biển
báo, quy định chỗ để xe, đảm bảo an toàn giao thông xung quanh và trong Khu
công nghiệp.
4.7. Tham gia, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện
Thủy Nguyên chỉ đạo khắc phục hậu quả các vụ cháy, nổ xảy ra trong Khu công
nghiệp.
Điều 5. Trách nhiệm của
Công an thành phố:
5.1. Phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế thống nhất
nội dung trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản
quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh trật tự có liên quan đến Khu công nghiệp.
5.2. Hướng dẫn Tổ công tác của Công an huyện Thủy
Nguyên tại Dự án VSIP Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại
Khu công nghiệp; hướng dẫn Công ty TNHH VSIP Hải Phòng, các doanh nghiệp trong
Khu công nghiệp xây dựng nội qui bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, đồng thời có
các phương án xử lý tình huống cụ thể theo quy định của pháp luật.
5.3. Khi nhận được thông tin xảy ra vụ việc về an
ninh trật tự, an toàn giao thông trong Khu công nghiệp phải cử ngay lực lượng
công an đến nơi xảy ra vụ việc, giải quyết theo quy định của pháp luật.
5.4. Thực hiện các nhiệm vụ khác được quy định theo
pháp luật hiện hành về công tác an toàn, an ninh trật tự.
Điều 6. Trách nhiệm của
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy:
Hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cơ sở,
xây dựng nội quy phòng cháy chữa cháy, xây dựng phương án chữa cháy và yêu cầu
các doanh nghiệp trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ thực tập phương án phòng
cháy, chữa cháy theo quy định; phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tổ chức hướng
dẫn các quy định về phòng cháy chữa cháy; kiểm tra công tác phòng cháy chữa
cháy của các doanh nghiệp và xử lý các vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo quy
định của pháp luật; tham gia diễn tập về phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp;
điều động các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tham gia chữa cháy khi có cháy
xảy ra và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa
cháy.
Điều 7. Trách nhiệm của
Sở Giao thông vận tải:
7.1. Phối hợp với Công an huyện Thủy Nguyên đảm bảo
an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường xung quanh Khu công
nghiệp; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Công an huyện Thủy
Nguyên, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-sắt, Công an thành phố kiểm tra, xử
lý các hành vi vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông và hành lang an
toàn giao thông.
7.2. Phối hợp với Công ty TNHH VSIP trong việc tư vấn
cắm biển bảo, quy định chỗ để xe, đảm bảo giao thông của Khu công nghiệp không ảnh
hưởng đến trật tự an toàn giao thông của các tuyến đường xung quanh Khu công
nghiệp và các tuyến đường giao cắt với tuyến đường tỉnh lộ, đảm bảo tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật của mạng lưới công trình giao thông.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân huyện Thủy Nguyên:
8.1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện các xã liên quan
phối hợp cùng Công ty TNHH VSIP Hải Phòng xây dựng và thực hiện các nội dung cụ
thể về liên kết bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trong và xung
quanh Khu công nghiệp.
8.2. Tham gia khắc phục hậu quả các vụ cháy, nổ
trong Khu công nghiệp.
Điều 9. Trách nhiệm của
Công ty TNHH VSIP Hải Phòng:
9.1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về an
toàn, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự; phối hợp tuyên truyền, phổ
biến, hướng dẫn doanh nghiệp trong Khu công nghiệp thực hiện đúng các quy định
liên quan của pháp luật.
9.2. Thường xuyên trao đổi, thông tin kịp thời, phối
kết hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa,
ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong Khu công nghiệp.
9.3. Khi nhận thấy có các hiện tượng, hành vi vi phạm
an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh môi trường, doanh
nghiệp cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng liên quan của thành phố để
có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Điều 10. Trách nhiệm của
các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp:
10.1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về an
toàn, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự; phối hợp với Công ty TNHH
VSIP, cơ quan an ninh, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên thực hiện chặt chẽ các
biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo
an toàn phòng chống cháy, nổ, an ninh trật tự cho từng doanh nghiệp và cho toàn
Khu công nghiệp. Tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại doanh nghiệp và điều động
lực lượng phương tiện đến chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các khu vực bên ngoài
doanh nghiệp khi có yêu cầu.
10.2. Khi xảy ra vụ việc liên quan đến an ninh trật
tự, an toàn phòng chống cháy, nổ, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ hiện trường,
cấp cứu người bị nạn (nếu có), thông báo ngay cho tổ công tác tại Khu công nghiệp
thuộc Công an huyện Thủy Nguyên và Công an thành phố để giải quyết kịp thời,
tránh tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự trong Khu công nghiệp, đảm bảo
hoạt động thông suốt của doanh nghiệp.
10.3. Phối hợp, tham vấn chặt chẽ với Công ty TNHH
VSIP Hải Phòng, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các cơ quan an ninh của huyện
Thủy Nguyên, Công an thành phố trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động
trong doanh nghiệp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những đối tượng xấu có những hoạt
động, hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an ninh trong hoạt động sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
10.4. Chủ động khắc phục hậu quả do cháy, nổ xảy ra
tại doanh nghiệp.
Điều 11. Trách nhiệm của các Sở,
ngành liên quan:
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở,
ngành theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
12.1. Căn cứ Quy chế phối hợp
đảm bảo an ninh trật tự tại Khu công nghiệp, các ngành, cấp, địa phương liên
quan có trách nhiệm xây dựng chương trình, phương án triển khai thực hiện nhiệm
vụ được quy định.
12.2. Định kỳ 06 tháng, hàng năm lãnh đạo Ban quản
lý Khu kinh tế chủ trì cùng Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Sở
Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Công ty TNHH VSIP Hải
Phòng, Ủy ban nhân dân các xã và các doanh nghiệp Khu công nghiệp tổ chức họp
đánh giá rút kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo an toàn, an ninh,
phòng chống cháy nổ trong Khu công nghiệp.
12.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc
hoặc cần sửa đổi, bổ sung những quy định nêu tại Quy chế này, Ban quản lý Khu
kinh tế có trách nhiệm tổng hợp, thống nhất với các ngành, cấp, đơn vị liên
quan báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.