Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1775/QĐ-TTg 2018 Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà Yên Bái

Số hiệu: 1775/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Vũ Đức Đam
Ngày ban hành: 19/12/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1775/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA HỒ THÁC BÀ, TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà (sau đây viết tắt là Khu DLQG Hồ Thác Bà), tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung cơ bản:

1. Vị trí, quy mô, ranh giới khu du lịch

a) Khu DLQG Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hành chính các xã: Ngọc Chấn, Phúc Ninh, Cẩm Nhân, Mỹ Gia, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Tân Hương, Thịnh Hưng, Hán Đà, Mông Sơn, thị trấn Yên Bình và thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; có diện tích khoảng 28.800 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển của Khu du lịch Hồ Thác Bà (không tính phần mặt nước) khoảng 1.200 ha.

b) Ranh giới của Khu DLQG được xác định như sau: Phía Bắc và phía Đông lấy theo tỉnh lộ 170 giới hạn từ thôn 5 xã Ngọc Chấn đến thôn Ba Chãng, xã Vĩnh Kiên; phía Tây Bắc giáp khu vực mặt nước, các đảo thuộc các xã Mông Sơn và Bảo Ái; phía Tây Nam giáp quốc lộ 70 và khu vực ven hồ thuộc các xã Tân Hương, Đại Đồng, Hưng Thịnh và thị trấn Yên Bình; phía Nam lấy hết mép nước của Hồ Thác Bà.

2. Quan điểm phát triển

a) Phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà dựa trên lợi thế cảnh quan mặt nước và vùng ven hồ, giá trị của danh thắng Hồ Thác Bà và bản sắc văn hóa vùng sông Chảy để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Hồ Thác Bà; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch liên quan đã được các cấp phê duyệt.

b) Phát triển du lịch hài hòa với lợi ích các ngành kinh tế khác và các chức năng khác của Hồ Thác Bà, bảo đảm an toàn tuyệt đối quá trình vận hành, bảo vệ chất lượng môi trường nước hồ, phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, lợi ích của các bên liên quan, an ninh quốc phòng, thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; phù hợp, thống nhất với các chiến lược, quy hoạch liên quan đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong khu vực.

c) Phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà trong không gian kết nối với các khu du lịch, điểm du lịch quan trọng của tỉnh Yên Bái, thủ đô Hà Nội; hình thành mối liên kết chặt chẽ với các khu du lịch quốc gia, trọng điểm phát triển du lịch khác trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

d) Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển, gắn với chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động nông thôn để phát triển bền vững Khu DLQG Hồ Thác Bà, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

3. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung: Đến trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu cho Khu DLQG Hồ Thác Bà.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về khách du lịch: Đến năm 2025 đón khoảng 380 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 140 nghìn lượt.

- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2025 đạt 300 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.

- Về việc làm: Năm 2025 tạo việc làm cho trên 1.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động trực tiếp.

- Phát triển cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2025 có khoảng 600 buồng lưu trú. Đến năm 2030 có khoảng 1.300 buồng lưu trú.

4. Các định hướng phát triển chủ yếu

a) Phát triển thị trường khách du lịch

- Thị trường khách nội địa: Đẩy mạnh khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội, các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Mở rộng khai thác thị trường khách cao cấp từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Chú trọng khách du lịch sinh thái hồ, nghỉ cuối tuần cho các gia đình và giới trẻ.

- Thị trường khách quốc tế: Ưu tiên khai thác thị trường khách truyền thống Pháp, Mỹ và Canada. Đồng thời mở rộng thị trường các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á (Thái Lan, Lào). Chú trọng phân khúc thị trường khách nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bản địa.

b) Phát triển sản phẩm du lịch

- Sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng:

+ Du lịch sinh thái Hồ Thác Bà: Trải nghiệm du lịch sinh thái trên mặt hồ và khám phá sinh thái các đảo nổi và vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp ven hồ (du lịch sinh thái theo chuyên đề);

+ Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, khám phá văn hóa sông Chảy.

+ Du lịch nghỉ dưỡng: Nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ cuối tuần, nghỉ trăng mật, điều dưỡng và du lịch chăm sóc sức khỏe.

+ Du lịch thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời: Các hoạt động thể thao trên cạn và mặt nước; công viên chuyên đề...

- Sản phẩm du lịch phụ trợ:

+ Du lịch MICE: Gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội đặc trưng của dân cư vùng Hồ Thác Bà, các giải thể thao quốc tế, đặc biệt thể thao địa hình.

+ Du lịch tham quan, tâm linh, tín ngưỡng: Tham quan núi Linh Sơn - Cao Biền, đền Thác Ông, đền Thác Bà, hệ thống di tích lịch sử, nhà máy thủy điện Thác Bà.

c) Tổ chức không gian phát triển du lịch

- Các khu trung tâm động lực phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà: Là khu vực tập trung đầu tư chuyên môn hóa cao về du lịch với tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm:

+ Trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng: (nằm phía Tây Hồ Thác Bà, giáp thị trấn Yên Bình và quốc lộ 70): Là trung tâm đầu mối quan trọng, động lực phát triển du lịch tổng hợp, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao và các dịch vụ phục vụ khai thác du lịch trên hồ, gắn kết với tuyến du lịch quốc tế theo tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

+ Trung tâm du lịch Linh Sơn - Cao Biền (nằm phía Đông Hồ Thác Bà, giáp thị trấn Thác Bà và đường tỉnh 170): Là trung tâm động lực phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - tâm linh, tín ngưỡng, gắn kết với các tuyến du lịch quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang).

+ Trung tâm du lịch Phúc Ninh - Cẩm Nhân (nằm phía Đông Bắc Hồ Thác Bà, dọc theo đường tỉnh 170 và giáp đường ven hồ): Là trung tâm du lịch đầu mối cung cấp các dịch vụ hậu cần và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch sinh thái, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, gắn kết với tuyến du lịch văn hóa sông Chảy, kết nối với thủ phủ đá quý Lục Yên.

- Các phân khu phụ trợ cho hoạt động du lịch:

+ Trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam Hồ Thác Bà (nằm phía Tây Nam Hồ Thác Bà, giáp quốc lộ 37): Phát triển thành trung tâm tổng hợp, đa chức năng kết hợp phát triển đô thị với các dịch vụ văn hóa, thương mại, vui chơi giải trí, lưu trú.

+ Vùng cảnh quan du lịch đặc thù (tại trung tâm lòng hồ và phía Đông Hồ Thác Bà, giáp đường tỉnh 170): Bao gồm cụm đảo nổi trung tâm hồ gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái đặc trưng của Hồ Thác Bà và khu cảnh quan, sinh thái ven hồ xã Yên Thành gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái nông nghiệp và văn hóa cộng đồng.

+ Vùng cảnh quan ven hồ (các khu vực đất dân cư, đất nông nghiệp, đất rừng cảnh quan sinh thái...): Phát triển các hoạt động trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng.

- Vùng hạn chế phát triển du lịch (khu vực đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và hành lang giao thông trên Hồ Thác Bà): Không hình thành các hạng mục công trình xây dựng phục vụ du lịch để bảo đảm duy trì chất lượng môi trường, hoạt động giao thông vận tải thủy và các quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan dưới sự kiểm soát, hướng dẫn chặt chẽ của Ban quản lý Khu DLQG.

- Các điểm du lịch vệ tinh của Khu DLQG Hồ Thác Bà: điểm du lịch dịch vụ phụ trợ (thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Thế), điểm du lịch cộng đồng (thôn Ngòi Tu, thôn Đồng Tý; thôn Tông Pắng; Bản Dao; Bản Ính), điểm du lịch sinh thái rừng (xã Khai Trung, Tân Phượng, Lâm Thương), hệ thống hang động, các điểm di tích lịch sử văn hóa.

d) Tổ chức tuyến du lịch

- Tuyến du lịch quốc tế kết nối Khu DLQG Hồ Thác Bà: với Lào Cai, Trung Quốc theo tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; với thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Chiềng Mai (Thái Lan), Luông Pha Băng (Lào) theo các tuyến quốc lộ 37, 32 và 279.

- Tuyến du lịch liên tỉnh: Kết nối Khu DLQG Hồ Thác Bà với Hà Nội, Lào Cai theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến kết nối với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Tuyến du lịch nội tỉnh: Kết nối Khu DLQG Hồ Thác Bà với các điểm đến tiêu biểu của tỉnh Yên Bái như Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Mường Lò, Trấn Yên, Văn Yên theo quốc lộ 37, quốc lộ 32 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

- Các tuyến nội bộ: Các tuyến kết nối Tân Hương - Đại Đồng, thị trấn Thác Bà, Linh Sơn - Cao Biền; Phúc Ninh - Cẩm Nhân, trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam Hồ Thác Bà, thị trấn Thác Bà theo tuyến đường thủy, đường bộ (quốc lộ 70 và tỉnh lộ 170).

đ) Định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

- Về cơ sở lưu trú:

+ Phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp, bugalow, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn tại các trung tâm du lịch động lực Tân Hương - Đại Đồng; Linh Sơn - Cao Biền; Phúc Ninh - Cẩm Nhân và nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tại thị trấn Thác Bà, Yên Thế.

+ Phát triển các hình thức lưu trú du lịch nhà nổi trên mặt nước, nhà sàn trên cụm đảo nổi trung tâm hồ; nhà nghỉ cộng đồng tại khu vực ven hồ xã Yên Thành và các điểm du lịch cộng đồng.

- Về hệ thống cơ sở vui chơi giải trí, thể thao:

+ Hình thành khu công viên chuyên đề tại các đảo nổi trung tâm hồ; công viên vui chơi giải trí tại trung tâm Tân Hương - Đại Đồng và Trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam Hồ Thác Bà;

+ Phát triển khu cắm trại, vui chơi giải trí, thể thao mặt nước tại cụm đảo nổi trung tâm hồ và trung tâm Linh Sơn - Cao Biền;

+ Đầu tư xây dựng sân tập golf và câu lạc bộ thể thao ngoài trời tại trung tâm Tân Hương - Đại Đồng.

- Về cơ sở phục vụ ăn uống: Phát triển hệ thống nhà hàng nổi tại Phúc Ninh - Cẩm Nhân, Tân Hương - Đại Đồng và cụm đảo nổi trung tâm hồ; làng ẩm thực tại trung tâm Tân Hương - Đại Đồng.

- Về cơ sở vật chất kỹ thuật khác: Xây dựng, nâng cấp trung tâm thông tin tại các thị trấn Yên Bình, Thác Bà, Yên Thế; hình thành các điểm dừng chân ngắm cảnh trên các tuyến đường ven hồ.

5. Định hướng đầu tư

a) Về cơ cấu vốn đầu tư: Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà, bao gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn huy động hợp pháp trong nước khác.

b) Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khung phục vụ du lịch trong phạm vi Khu DLQG; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái Hồ Thác Bà, nghỉ dưỡng và giải trí chất lượng cao và xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch cho Khu DLQG Hồ Thác Bà; bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường du lịch; phát triển nguồn nhân lực.

c) Các khu vực ưu tiên đầu tư: Khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch tại các trung tâm động lực (Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền, Phúc Ninh - Cẩm Nhân), trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam Hồ Thác Bà và các cụm đảo nổi trung tâm hồ.

6. Giải pháp thực hiện Quy hoạch

a) Giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch

- Tổ chức công bố quy hoạch. Triển khai rà soát, điều chỉnh các dự án đầu tư đã và đang đăng ký tại Khu DLQG Hồ Thác Bà theo đúng quy hoạch được duyệt, theo định hướng chú trọng phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thị trường khách du lịch cao cấp.

- Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch Khu DLQG Hồ Thác Bà theo quy định của Luật Du lịch và pháp luật liên quan.

- Xây dựng bộ chỉ số theo dõi phát triển du lịch bền vững tại Khu DLQG Hồ Thác Bà.

b) Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch tại Khu DLQG Hồ Thác Bà, bảo đảm hài hòa, cân bằng với các ngành kinh tế khác.

- Xem xét miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng trong Khu DLQG theo quy định tại khoản 10 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về tiền thuê đất, thuê mặt nước.

c) Giải pháp về đầu tư và thu hút vốn đầu tư

- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, đặc biệt chú trọng các nhà đầu tư chiến lược đối với các dự án có quy mô đầu tư lớn.

- Đề xuất bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng Khu DLQG Hồ Thác Bà theo đúng tiêu chí, định mức tại Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020 quy định tại Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú. Khuyến khích các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư du lịch, đặc biệt đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực phía Đông Hồ Thác Bà.

d) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch. Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực du lịch là người dân địa phương, đặc biệt dân tộc thiểu số.

- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương; hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch.

đ) Giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ

- Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nước trong dịch vụ du lịch và tăng cường tái chế các chất thải để có thể tiếp tục sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại để thúc đẩy du lịch thông minh tại Khu DLQG Hồ Thác Bà.

e) Giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch

- Đề xuất xây dựng hình ảnh Khu DLQG Hồ Thác Bà gắn với thương hiệu “Nghìn đảo nổi - vạn sự kỳ thú - triệu niềm vui”; “Biển Hồ - Biển Ngọc”; “Dòng chảy du lịch - dòng chảy văn hóa”.

- Biên soạn và phát hành ấn phẩm quảng bá về du lịch Hồ Thác Bà, lồng ghép hoạt động xúc tiến, quảng bá Khu du lịch trong kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch nói chung và kế hoạch xúc tiến đầu tư của tỉnh Yên Bái.

- Áp dụng các chương trình khuyến mại đặc biệt cho du khách trong nước, quốc tế tại Hồ Thác Bà khắc phục tính thời vụ du lịch.

g) Giải pháp phát triển thị trường và sản phẩm du lịch

- Xây dựng, xúc tiến quảng bá thương hiệu Khu DLQG Hồ Thác Bà nhằm mở rộng thu hút thị trường khách quốc tế.

- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và chọn lọc, tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính cạnh tranh cao của Khu DLQG Hồ Thác Bà trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng nổi bật, giá trị đặc trưng của vùng hồ nghìn đảo và văn hóa sông Chảy.

- Khai thác các lợi thế về nuôi trồng thủy sản, nuôi trai lấy ngọc, trồng cây dược liệu... kết hợp phát triển trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn của Khu DLQG Hồ Thác Bà.

h) Giải pháp hợp tác, liên kết phát triển du lịch

- Duy trì có hiệu quả “Chương trình liên kết, hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng”, hợp tác song phương về phát triển thị trường du lịch với các địa phương Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và các trung tâm du lịch lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ để kết nối thị trường khách du lịch đến và kết hợp quảng bá Khu DLQG Hồ Thác Bà.

- Đẩy mạnh liên kết giữa Khu DLQG Hồ Thác Bà với các khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các khu, điểm du lịch trên các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch khác trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai...) để hình thành chuỗi liên kết chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn.

- Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt với tỉnh ValdeMarne (Pháp) trong phát triển du lịch MICE và du lịch cộng đồng.

i) Giải pháp phát triển hạ tầng du lịch

- Đề xuất nâng cấp các tuyến đường kết nối từ đường tỉnh 170 và quốc lộ 70 đến các trung tâm động lực của Khu DLQG Hồ Thác Bà.

- Đề xuất xây dựng và bố trí bản đồ giao thông thủy nội địa tại các bến thuyền du lịch đồng thời đầu tư thiết bị cảnh báo trên hồ trong mùa cạn tránh tai nạn cho tàu bè.

- Đề xuất nâng cấp đường dây 35 KV khu vực phía Đông Hồ Thác Bà, đầu tư hệ thống đường dây, các trạm biến áp đến các điểm du lịch trung tâm và các đảo chính trên hồ.

k) Giải pháp phát triển du lịch phù hợp với biên độ dao động mực nước

- Bảo đảm hoạt động phát triển du lịch không làm ảnh hưởng, thay đổi chức năng, nhiệm vụ chính của Hồ Thác Bà; lắp đặt các công trình nổi trên hồ tại các khu vực có cốt nước sâu, diện tích mặt nước lớn, theo sự hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của Ban quản lý Khu DLQG, các cơ quan liên quan và tuyệt đối không ảnh hưởng đến luồng giao thông chính

- Lắp đặt các cảnh báo, phao báo hiệu tại các vị trí nguy hiểm, các mỏm đá để cảnh báo phương tiện trên các tuyến tham quan du lịch. Thực hiện việc trồng cây bảo vệ cảnh quan trong khu vực chênh cốt nước, vùng trên ngập, vùng bán ngập để phủ xanh và tạo cảnh quan ven hồ.

- Việc đầu tư, xây dựng các công trình dịch vụ ven hồ phải bảo đảm tuân thủ quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện. Trước khi tiến hành đầu tư xây dựng, các dự án phải xin phép, thỏa thuận về hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

l) Giải pháp bảo đảm sinh kế cộng đồng dân cư và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Khu DLQG Hồ Thác Bà.

- Nghiên cứu khôi phục các tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số như người Dao, Tày, Cao Lan, các lễ hội truyền thống, hỗ trợ quảng bá tuyên truyền về lễ hội dân gian.

- Thu hút cộng đồng dân cư bản địa tham gia vào phát triển du lịch bền vững, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa.

- Ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng của đồng bào dân tộc thiểu số theo mô hình lưu trú tại nhà dân. Ban hành các quy định về tiêu chí dịch vụ đối với các điểm nghỉ, khu lưu trú cộng đồng bảo đảm phù hợp với thuần phong và bản sắc văn hóa các dân tộc

m) Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai

- Tuyệt đối chấp hành khu vực khoanh vùng bảo vệ rừng tự nhiên, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm, hạn chế tối đa các tác động, chỉ triển khai các hoạt động du lịch tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm sinh thái.

- Các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tại khu vực thuộc đất rừng phải bảo đảm tuân thủ các quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

- Ưu tiên xây dựng các công trình xử lý chất thải, cấp nước sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tại các khu vực ưu tiên phát triển du lịch. Khuyến khích sử dụng công nghệ và sản phẩm sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch. Đến năm 2030, bảo đảm 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực có hệ thống thu gom nước thải tập trung và xử lý đạt chuẩn môi trường theo quy định.

- Tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.

- Các dự án đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, các khu chức năng khác, tùy phạm vi, quy mô đầu tư, phải thực hiện lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Triển khai các dự án trồng rừng nhằm hạn chế tác động trực tiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc, lũ lụt, hạn hán, sạt, lở đến hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Triển khai các dự án hệ thống đê, kè ven lòng hồ tại khu vực.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của dân cư và khách du lịch về bảo vệ môi trường nói chung và nguồn tài nguyên nước nói riêng. Không cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản tại các khu vực ven hồ và trong ranh giới Khu DLQG Hồ Thác Bà.

n) Giải pháp an toàn đập và bảo đảm quốc phòng, an ninh

- Phối hợp với nhà máy thủy điện Thác Bà trong hoạt động điều tiết nước để có lịch và công bố lịch xả nước phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh du lịch trên hồ.

- Đối với công trình đập là công trình thủy lợi quan trọng quốc gia, phạm vi bảo vệ kể từ chân đập chính trở ra 500 mét. Trong đó, vùng phụ cận không được xâm phạm kể từ chân đập chính trở ra là 150 mét, phần còn lại được sử dụng cho các hoạt động không gây mất an toàn đập.

- Quá trình lập các đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư cụ thể tại Khu DLQG Hồ Thác Bà phải có ý kiến tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 theo đúng quy định tại Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và thế trận phòng thủ, các khu vực địa hình được quản lý theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, các bộ, ngành liên quan thẩm định các dự án đầu tư thuộc phạm vi Quy hoạch hoặc các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu DLQG Hồ Thác Bà. Các dự án ưu tiên đầu tư thuộc phạm vi quy hoạch căn cứ vào quy mô, tính chất của từng dự án phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch Khu DLQG Hồ Thác Bà.

c) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

3. Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái:

a) Tổ chức công bố quy hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát thường xuyên; tiến hành sơ kết việc thực hiện quy hoạch để kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; bảo đảm việc tích hợp đồng bộ, thống nhất vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được lập theo các quy định của pháp luật về quy hoạch.

b) Ban hành quy chế quản lý Khu DLQG Hồ Thác Bà, trong đó có các quy định đối với đầu tư phát triển, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh.

c) Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; trong đó ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược đầu tư thực hiện các dự án phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Hồ Thác Bà theo đúng Quy hoạch được duyệt. Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án.

đ) Lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác và xúc tiến đầu tư phát triển khu du lịch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Quy hoạch này thực hiện cho đến khi được tích hợp đồng bộ, thống nhất vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được lập theo các quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP;
- HĐND, UBND tỉnh Yên Bái;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL);
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀO KHU DU LỊCH QUỐC GIA HỒ THÁC BÀ, TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Chương trình/Dự án đầu tư

Phân kỳ thực hiện

Đến 2025

Đến 2030

I

Nhóm dự án phát triển hạ tầng phục vụ du lịch

1

Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng bến thuyền du lịch tại các trung tâm động lực; trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam Hồ Thác Bà; Khu cảnh quan, sinh thái ven hồ xã Yên Thành; Núi Chàng Rể

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

2

Đầu tư hệ thống đường dây điện đến các cụm đảo nổi trung tâm hồ

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

3

Dự án điện năng lượng mặt trời trên Hồ Thác Bà

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

II

Nhóm các dự án phát triển sản phẩm du lịch

1

Các dự án phát triển các dịch vụ du lịch tại Trung tâm Tân Hương - Đại Đồng.

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

2

Các dự án phát triển các dịch vụ du lịch tại Trung tâm Linh Sơn - Cao Biền

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

3

Các dự án phát triển các dịch vụ du lịch tại Trung tâm Phúc Ninh - Cẩm Nhân

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

4

Các dự án đầu tư tại Trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam Hồ Thác Bà

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

5

Các dự án phát triển các dịch vụ du lịch tại Cụm đảo nổi trung tâm hồ

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

III

Nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch

1

Các dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực ven hồ xã Yên Thành; thôn Ngòi Tu; thôn Đồng Tý; thôn Tông Pắng; bản Ính

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

2

Dự án tuyên truyền quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Khu DLQG Hồ Thác Bà

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

3

Dự án nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

4

Dự án phát triển nguồn nhân lực

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

5

Dự án giáo dục cộng đồng và bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Tày, Nùng, Cao Lan...)

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

6

Dự án bảo vệ môi trường du lịch

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.964

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.207.192
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!