UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
14/2007/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 28 tháng 5 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG
VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 3 tháng12 năm
2004;
Căn cứ Nghị định số
11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế
hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng;
Căn cứ Quyết định số
308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hoá - Thông tin tại Tờ trình số 19/TTr-VHTT ngày 06 tháng 4 năm 2007 về việc
đề nghị ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện
nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Điều 2.
Giao trách nhiệm Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp
với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra
thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này thay thế Quyết định số 672/QĐ-UB, ngày 26
tháng 8 năm 1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành "Quy định về việc
cưới, việc tang, lễ hội, các hoạt động giao lưu tình cảm và bài trừ mê tín dị
đoan, hủ tục lạc hậu" và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
huyện, thị xã; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị căn
cứ Quyết định thi hành./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Lê Thị Quang
|
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ
LỄ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi, đối tượng điều chỉnh
1- Quy định này quy định về việc
thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội trên
phạm vi toàn tỉnh.
2- Cán bộ, công chức, viên chức
trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, Công ty Nhà nước; tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân
chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang
đóng trên địa bàn tỉnh phải gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động gia
đình, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thực hiện Quy định này.
3- Các lễ hội tín ngưỡng tôn
giáo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 22/2005/NĐ- CP ngày 01 tháng 3
năm 2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng,
tôn giáo.
4- Mọi gia đình, công dân có
trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Điều 2. Tổ
chức việc cưới, việc tang và lễ hội phải bảo đảm:
1- Không trái với thuần phong mỹ
tục của dân tộc; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu
như: trừ tà, xem số, xem bói, xóc thẻ và các hình thức mê tín, dị đoan khác.
2- Không gây mất trật tự, an
ninh xã hội, giữ gìn sự yên tĩnh, không gây ồn vào ban đêm; không lợi dụng để
truyền đạo trái pháp luật và có các hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc.
3- Không làm cản trở giao thông
và các hoạt động công cộng.
4- Không tổ chức hoặc tham gia
đánh bạc dưới mọi hình thức.
5- Các đối tượng quy định tại
khoản 2, Điều 1 của Quy định này không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc;
không lợi dụng việc cưới, việc tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân;
không sử dụng xe công vào việc đưa, đón dâu, phục vụ đám cưới; không sử dụng
công quỹ của cơ quan, đơn vị, tổ chức làm quà mừng cưới, viếng đám tang để phục
vụ cho mục đích cá nhân.
6- Không sử dụng thời gian làm
việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi dự lễ hội khi
không có nhiệm vụ.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. TỔ CHỨC
VIỆC CƯỚI
Điều 3.
1- Việc
cưới cần được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống
của mỗi dân tộc, mỗi dòng họ và điều kiện của từng gia đình, thể hiện nét đẹp
văn hoá của thôn, xóm, bản, tổ nhân dân (sau đây gọi chung là thôn, bản).
2- Lễ thức bắt buộc trong việc
cưới là Lễ đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn. Việc tổ chức Lễ
đăng ký kết hôn và trao Giấy chứng nhận kết hôn phải thực hiện theo đúng quy định
của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
3- Các thủ tục có tính phong tục,
tập quán, như: Chạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu không phải là lễ thức bắt buộc, vì vậy
nếu tổ chức thì cần đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm trong phạm vi gia đình, dòng họ.
4- Tổ chức cưới, phải bảo đảm:
a) Phù hợp với thuần phong mỹ tục
của dân tộc và điều kiện, hoàn cảnh của mỗi bên gia đình; tạo được không khí
vui tươi, phấn khởi, lành mạnh và tiết kiệm.
b) Trang trí lễ cưới, trang phục
của cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống của mỗi dân tộc và điều
kiện của từng gia đình; không dựng rạp, kê bàn ghế, đỗ xe ra lòng, lề đường làm
ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
c) Trường hợp tổ chức ăn uống cần
tiết kiệm, không kéo dài quá 01 (một) ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm.
d) Âm nhạc sử dụng trong đám cưới
phải là những ca khúc, bản nhạc có nội dung lành mạnh; âm thanh vừa phải, không
gây ồn vào ban đêm.
Điều 4. Khuyến
khích thực hiện các hình thức sau trong việc cưới:
1- Báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới,
tiệc cưới.
2- Tổ chức tiệc trà thay cho tổ
chức tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, nhà văn hoá.… Không sử dụng thuốc
lá trong đám cưới.
3- Cơ quan, tổ chức hoặc đoàn thể
xã hội đứng ra tổ chức lễ cưới.
4- Đặt hoa ở đài tưởng niệm,
nghĩa trang liệt sĩ hoặc trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới.
Điều 5. Tổ
chức cưới và đưa đón dâu phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao
thông và trật tự an toàn công cộng.
Mục 2. TỔ CHỨC
VIỆC TANG
Điều 6.
Tổ chức việc tang phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch,
môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; việc tang cần được tổ chức chu đáo,
trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm; khi đưa tang phải tuân thủ các quy định của
pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng; hạn chế tối đa việc
rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường; không rắc tiền giấy hoặc tiền xu trên đường;
thực hiện những quy định trong hương ước, quy ước của địa phương về việc tang.
Điều 7.
1- Khi có
người chết, gia đình hoặc thân nhân của người chết báo cho trưởng thôn, bản biết
để làm thủ tục khai tử và đề nghị được giúp đỡ. Trường hợp người chết không có
thân nhân thì những người hàng xóm, người cùng làm việc hoặc người phát hiện có
người chết có trách nhiệm báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời giải
quyết.
2- Lập Ban tổ chức lễ tang:
a) Trưởng thôn, bản; đại diện Hội
người cao tuổi, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở thôn, bản phối hợp với
gia đình có người chết để lập Ban tổ chức lễ tang.
b) Ban tổ chức lễ tang có trách
nhiệm giúp đỡ gia đình có người chết tổ chức chu đáo việc tang trên tinh thần
trang trọng, gọn nhẹ, tiết kiệm, tương trợ, đoàn kết cộng đồng.
c) Trường hợp người chết không
có gia đình, người thân thì chính quyền cơ sở hoặc cơ quan, đơn vị và bà con
hàng xóm nơi có người chết có trách nhiệm tổ chức, lo liệu đám tang chu đáo.
3- Về thời gian và các quy định
khác trong khi tổ chức việc tang:
a) Đối với người chết vì các
nguyên nhân thông thường, phải làm thủ tục khâm liệm và nhập quan trong thời
gian chậm nhất không quá 10 giờ sau khi chết. Trường hợp chết vì các bệnh truyền
nhiễm (theo xác định của cơ quan y tế) thì phải làm thủ tục khâm liệm và nhập
quan ngay sau khi chết.
b) Người chết vì các nguyên nhân
thông thường phải được mai táng trong thời gian chậm nhất không quá 36 giờ kể từ
khi chết. Trường hợp người chết vì các bệnh truyền nhiễm phải được mai táng
ngay hoặc chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi chết (theo xác định của cơ quan
y tế).
c) Trong việc tang, có thể cử nhạc
buồn nhưng không được khuếch đại qua tăng âm, không cử nhạc tang trước 5 giờ và
sau 22 giờ. Nên sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho phường bát âm.
d) Ban tổ chức lễ tang có trách
nhiệm hướng dẫn việc phúng, viếng theo phong tục của từng vùng, dân tộc, dòng họ.
Hạn chế phúng, viếng bằng vòng hoa, trướng để tránh lãng phí.
đ) Việc sử dụng tang phục, treo
cờ tang thực hiện theo phong tục truyền thống của từng vùng, từng dân tộc, tôn
giáo, dòng họ. Thời gian để tang tuỳ mỗi gia đình, nhưng không cản trở mọi người
trong gia đình có tang thực hiện nghĩa vụ công dân.
e) Việc quàn, chôn cất, hoả
táng, điện táng, bốc mộ và di chuyển thi hài, hài cốt phải thực hiện theo quy định
Điều lệ Vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/11/1991 của Hội
đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
g) Lễ cúng, giỗ và cải táng thực
hiện theo phong tục truyền thống của từng dân tộc, tôn giáo, dòng họ và chỉ tổ
chức trong phạm vi nội bộ gia đình, họ tộc, bạn thân.
Điều 8.
Tổ chức việc tang đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy
định tại Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước
khi từ trần ban hành kèm theo Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của
Chính phủ và quy định của tỉnh.
Mục 3. TỔ CHỨC
LỄ HỘI
Điều 9. Khi
tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải phải
thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hoá và Quy chế tổ chức lễ hội
do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành.
Điều 10. Khi
tổ chức lễ hội phải bảo đảm yêu cầu sau:
1- Giáo dục và nâng cao lòng tự
hào về truyền thống lịch sử, văn hoá nghệ thuật tốt đẹp của quê hương, đất nước,
dân tộc; nêu bật được ý nghĩa của lễ hội.
2- Phần lễ phải trang nghiêm, có
tính giáo dục, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi; các hoạt động vui chơi,
giải trí phải lành mạnh.
3- Bảo đảm tốt an ninh trật tự;
có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm
di tích, danh lam thắng cảnh; lừa đảo, trộm cắp; thương mại hoá và các hoạt động
mê tín dị đoan trong lễ hội theo phạm vi và thẩm quyền; có hệ thống dịch vụ về
y tế, ăn, ở, đi lại thuận tiện, sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh cho người dự lễ hội và
vệ sinh môi trường trong và sau khi kết thúc lễ hội.
4- Trang phục trong lễ hội: Ban tổ
chức lễ hội và những người hành lễ cần mặc trang phục lịch sự, nên mặc trang phục
truyền thống của dân tộc hoặc tôn giáo mình.
5- Việc thu các khoản lệ phí phải
theo đúng các quy định của Nhà nước. Nguồn thu từ công đức, từ thiện, tài trợ
và nguồn thu hợp pháp khác từ việc tổ chức lễ hội phải được quản lý và sử dụng
theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 11. Quản
lý, tổ chức lễ hội
1- Các lễ hội: Lễ hội dân gian,
lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hoá du lịch, lễ hội nghề nghiệp, lễ hội có
nguồn gốc từ nước ngoài khi tổ chức trên địa bàn tỉnh nếu thuộc các trường hợp
sau đây thì phải được phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh:
a) Lễ hội tổ chức lần đầu;
b) Lễ hội được khôi phục lại sau
nhiều năm gián đoạn;
c) Lễ hội đã được tổ chức định kỳ
nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống.
2- Thủ tục xin cấp giấy phép tổ
chức lễ hội: Cơ quan, tổ chức muốn tổ chức lễ hội quy định tại khoản 1 Điều này
phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới Sở Văn hoá - Thông tin trước ngày dự định
khai mạc lễ hội ít nhất 30 (ba mươi) ngày làm việc.
3- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ
chức lễ hội, gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép tổ
chức lễ hội (ghi rõ nội dung lễ hội hoặc nội dung thay đổi so với truyền thống,
thời gian, địa điểm tổ chức, dự kiến số người tham gia lễ hội, dự định thành lập
Ban Tổ chức lễ hội và các điều kiện cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự trong
lễ hội).
b) Bản cam kết khi tổ chức lễ hội
không vi phạm các quy định tại Điều 4, Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh
dịch vụ văn hoá công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày
18/01/2006 của Chính phủ).
4- Thời hạn giải quyết hồ sơ:
Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn
hoá - Thông tin có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp
giấy phép.
5- Trường hợp được Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền, Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện việc cấp phép.
Nếu không cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không cấp giấy phép.
6- Các lễ hội sau đây khi tổ chức
không phải xin giấy phép, nhưng trước khi tổ chức phải báo cáo bằng văn bản với
cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá - thông tin:
a) Lễ hội dân gian đã được tổ chức
thường xuyên, liên tục, định kỳ; lễ hội văn hoá du lịch.
b) Lễ hội quy định tại các điểm
a, b, c, khoản 1 Điều này được tổ chức từ lần thứ 2 liên tiếp trở đi.
7- Việc báo cáo bằng văn bản về
tổ chức các lễ hội quy định tại khoản 6 Điều này thực hiện, như sau:
a) Lễ hội do cấp xã tổ chức phải
báo cáo Phòng Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện, thị xã.
b) Lễ hội do cấp huyện tổ chức
phải báo cáo Sở Văn hoá - Thông tin.
c) Lễ hội do cấp tỉnh tổ chức phải
báo cáo Bộ Văn hoá - Thông tin.
8- Lễ hội do thôn, bản, xóm, tổ
nhân dân tổ chức không phải báo cáo cơ quan văn hoá - thông tin nhưng phải tuân
theo các quy định có liên quan tại Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hoá- Thông
tin và nội dung Quy định này.
9- Thành lập Ban tổ chức lễ hội:
a) Các lễ hội khi tổ chức đều phải
thành lập Ban tổ chức lễ hội:
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ hội đối với lễ hội cấp xã.
- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã
quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ hội đối với lễ hội cấp huyện.
- Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
thành lập Ban tổ chức lễ hội cấp tỉnh.
b) Ban tổ chức lễ hội phải có
thành viên là đại diện chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội; có trách nhiệm
điều hành, giám sát các hoạt động lễ hội và chịu trách nhiệm về tổ chức lễ hội
theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 12.
Các hoạt động trong lễ hội
1- Phần lễ: Ngoài các nghi thức
truyền thống mang nội dung, hình thức bảo đảm yếu tố lịch sử và có ý nghĩa giáo
dục, có thể tổ chức các nghi thức mới như: Rước ảnh Bác Hồ, diễu hành biểu
dương lực lượng nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và động
viên nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2- Phần hội: Tổ chức các hoạt động
văn hoá truyền thống; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ quần chúng và
thi đấu thể thao... có nội dung lành mạnh, bổ ích, phù hợp với quy mô, tính chất,
đặc điểm của lễ hội.
Điều 13.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi kết thúc lễ hội, Ban Tổ chức Lễ hội phải báo
cáo kết quả tổ chức lễ hội bằng văn bản với chính quyền cấp tổ chức lễ hội và
cơ quan văn hoá - thông tin cấp trên.
Điều 14.
Tổ chức lễ đón nhận Huân chương, danh hiệu cao quý và các ngày lễ kỷ niệm,
chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng quy định tại
Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về nghi thức
Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu
vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen
của Thủ tướng Chính phủ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1- Thủ trưởng cơ quan nhà nước,
đơn vị sự nghiệp, công ty của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm
phổ biến, giáo dục, động viên và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị của mình thực hiện Quy định này.
2- Ủy ban nhân dân các cấp có kế
hoạch phát huy các nguồn lực để xây dựng nhà Văn hoá, nhà Tang lễ, trang bị xe
tang của địa phương, góp phần thực hiện tốt việc cưới, việc tang cho nhân dân;
tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá ở khu dân cư", xây dựng gia đình văn hoá, thôn, bản, tổ nhân
dân văn hoá, đơn vị có đời sống văn hoá tốt và thực hiện nghiêm các nội dung tại
Quy định này.
3- Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Tư
pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang, Báo Tân Trào; Đài
Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã thường xuyên tuyên truyền, biểu
dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán
các biểu hiện tiêu cực về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội.
4- Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm
tra triển khai thực hiện các nội dung tại Quy định này. Không công nhận danh hiệu
gia đình văn hoá, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá và khu dân cư tiên tiến đối với
các gia đình và khu dân cư vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Điều 16.
Khen thưởng và xử lý vi phạm
1- Các tổ chức, cá nhân có thành
tích xuất sắc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội,
được đề nghị khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng.
2- Những tập thể, cá nhân vi phạm
hoặc cản trở thực hiện Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử
lý theo quy định của pháp luật./.