UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/KH-UBND
|
Tuyên Quang, ngày 01 tháng 02 năm
2012
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA
“TUYÊN QUANG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI”
Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước
chung sức xây dựng nông thôn mới”; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2011-2015, định hướng đến năm 2020; Thông báo số 236-TB/TU ngày 07/01/2012 của
Tỉnh ủy thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy
ngày 05 và 06/01/2012. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện
phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức thực hiện hiệu quả phong
trào thi đua, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các
ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp
trong và ngoài tỉnh tập trung thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc
gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức
sản xuất hợp lý; gắn sản xuất nông, lâm nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu
thủ công nghiệp, dịch vụ; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của
người dân nông thôn; xây dựng nông thôn ổn định, dân chủ được phát huy, giàu bản
sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ
vững.
Phấn đấu giai đoạn 2011 - 2015:
- Có ít nhất 7 xã (mỗi huyện, thành
phố 1 xã) đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông
thôn mới. 100% số xã đạt chuẩn các tiêu chí về: Quy hoạch, y tế, hệ thống chính
trị. 50% số xã đạt tiêu chí về giao thông; 50% kênh mương do xã quản lý được
kiên cố hoá; 85% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 30% trường
học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; trên 10% số xã đạt chuẩn về
cơ sở vật chất văn hoá; trên 10% số xã có chợ nông thôn đạt chuẩn; 100% số xã
có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; 30% số thôn có Internet; 100% số xã
không còn nhà tạm; 60% số hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn.
- Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01
xã đạt thu nhập bình quân đầu người/năm bằng 1,2 lần so với thu nhập bình quân
chung của tỉnh. Ít nhất 10% số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; trên 6% số xã có
tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dưới 45%; trên 50%
số xã có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
- Duy trì 100% đạt chuẩn phổ cập
giáo dục trung học cơ sở; trên 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp
tục học trung học (phổ thông, bổ túc hoặc học nghề); tỷ lệ lao động qua đào tạo
trên 45%; có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 70% số xã đạt tiêu chí về
văn hoá; 75% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ dân sử
dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; 20% số xã đạt chuẩn về môi trường.
- Trên 85% cán bộ, công chức xã đạt
chuẩn; hằng năm, trên 85% đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, chính quyền và
các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đạt vững mạnh; 100% số xã không
xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020:
- Duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn đến năm 2015 và thực hiện
hoàn thành các tiêu chí về: Thuỷ lợi, bưu điện, nhà ở dân cư.
- Toàn tỉnh có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ
tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thành phố Tuyên Quang đạt chuẩn
nông thôn mới cấp huyện.
- Trên 70% số xã đạt tiêu chí về giao thông; 95% số hộ dân
được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Trên 70% trường học các cấp có cơ sở vật
chất đạt chuẩn quốc gia. Trên 40% số xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hoá. Trên
80% số xã có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ lao động qua
đào tạo trên 60%; trên 70% số xã đạt tiêu chí về văn hoá; 90% số hộ dân được sử
dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% số hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn
quốc gia; trên 50% số xã đạt chuẩn về môi trường.
- Trên 95% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; hằng năm 100% đảng
bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị -
xã hội cấp xã đạt vững mạnh; 100% số xã không xảy ra điểm nóng về an ninh trật
tự.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới phải là
một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác hằng năm và kế hoạch 05 năm của
các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong giai đoạn 2011-2020.
- Từng cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch
tổ chức thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với
“Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những nội
dung, hình thức, biện pháp cụ thể, phong phú, thiết thực, sát thực tiễn và yêu
cầu nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong từng thời kỳ, đảm bảo đạt
hiệu quả cao.
- Định kỳ hằng năm tiến hành sơ kết, 5 năm (2011-2015) tổng
kết giai đoạn, bình xét khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong
phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA
1.
Các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh
nghiệp, lực lượng vũ trang phát huy cao độ khả năng, điều kiện của đơn vị mình,
tổ chức sâu rộng
các phong trào thi đua với chủ đề “Tuyên Quang
chung sức xây dựng nông thôn mới”, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành,
các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tập trung thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục
tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày
16/4/2009 và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mục
tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban chấp hành Đảng
bộ tỉnh (khoá XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến
năm 2020, Kế hoạch của Uỷ
ban nhân dân tỉnh về xây dựng nông thôn mới trong từng thời kỳ.
2. Tổ chức huy động
mọi nguồn lực, phát huy nội lực, trí tuệ, công sức, cơ sở vật chất để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, chú trọng các
phong trào thi đua: “Bê tông hoá đường giao thông
nông thôn”, kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá trường học, trạm xá, phát
triển mạng lưới điện, xây dựng cơ sở vật chất về văn hoá, làm nhà ở cho người
nghèo, thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
nông thôn theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và kế hoạch của Uỷ ban
nhân dân tỉnh.
3. Đẩy mạnh các phong
trào thi đua trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Phong trào nông dân sản xuất
kinh doanh giỏi; Phong trào trồng rừng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
nông, lâm nghiệp; Sản xuất nông nghiệp hàng hoá có năng suất, chất lượng gắn với
chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp
theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi và thủy sản gắn với an toàn dịch bệnh.
Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, từng bước cơ khí hóa sản xuất nông
nghiệp, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Mở rộng vùng sản xuất
hàng hóa tập trung có thị trường tiêu thụ ổn định; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông, lâm nghiệp, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào
lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích các
doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương trong các khu, cụm công nghiệp, phát
triển kinh tế hộ theo hướng gia trại, trang trại, phát triển hoạt động của các
Hợp tác xã, tổ hợp tác.
4. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất
lượng các hoạt động văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế; chú trọng tổ chức phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển văn hoá bền vững,
đậm bản sắc dân tộc. Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với bảo vệ môi trường;
vận động nhân dân xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo yêu cầu, các cơ sở sản
xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm
của cán bộ, đảng viên, nhân dân về bảo vệ môi trường.
5. Xây dựng và củng cố hệ thống chính
trị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh nông thôn, ổn định để phát triển kinh tế -
xã hội. Tiếp tục củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là
những địa phương, những nơi còn khó khăn, yếu kém. Nâng cao sức chiến đấu của tổ
chức cơ sở Đảng, gắn xây dựng Đảng với củng cố chính quyền, đổi mới hoạt động của
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của
nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, xây dựng khối đoàn kết thống nhất từ tỉnh đến
cơ sở, thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng thôn mới trên địa bàn tỉnh.
6. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng,
nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, thường
xuyên nêu gương “Người tốt - Việc tốt” để cán bộ, nhân dân học tập. Phấn đấu mỗi
xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp
đều có những phong trào thi đua tiêu biểu, từng cơ quan, đơn vị, địa phương đều
có những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong
phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHONG TRÀO
THI ĐUA
1. Hoàn thành quy hoạch chung 100% số
xã trong năm 2012; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cán bộ trong Ban chỉ đạo các cấp
và cán bộ xã, thôn, bản về xây dựng nông thôn mới.
2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền,
quán triệt trong các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tầng lớp nhân dân nhận thức
đúng về Chương trình xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lớn, có tác
động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường ở nông
thôn. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài trong công cuộc đổi mới hiện
nay. Từ đó tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở cơ sở tích cực tham gia thực hiện
nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn
mới, trong đó có lộ trình, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, từng địa
bàn và đối tượng dân cư, đồng thời phối hợp, liên kết với các ngành liên quan để
tổ chức thực hiện hoàn thành những tiêu chí, mục tiêu kế hoạch xây dựng nông
thôn mới tại địa phương.
4. Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh
nghiệp, lực lượng vũ trang, các cụm, khối thi đua căn cứ chức năng nhiệm vụ, đưa
việc tham gia xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương
trình công tác từng thời kỳ, đồng thời vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội
viên, tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình tích cực tham gia các phong trào thi
đua, chung sức xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
5. Chọn điểm chỉ đạo và tổ chức phong
trào thi đua:
- Tỉnh chỉ đạo điểm tại 07 xã: Thượng Lâm (Lâm Bình);
Năng Khả (Na Hang); Kim Bình (Chiêm Hoá); Bình Xa (Hàm Yên); Nhữ Hán (Yên Sơn);
Đại Phú (Sơn Dương); An Khang (thành phố Tuyên Quang) về xây dựng đề án nông
thôn mới và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới. Định kỳ tổ chức sơ kết, rút kinh
nghiệm để triển khai đồng bộ tại các xã trong tỉnh đảm bảo có hiệu quả.
- Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chọn ít nhất 01 xã
để làm điểm cấp huyện, đăng ký với Hội đồng thi đua - Khen thưởng tỉnh. Kết
thúc hằng năm có sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để chỉ đạo phong trào thi đua
tại địa phương.
IV. KHEN THƯỞNG
1. Tổng kết phong trào thi đua hằng
năm, các cấp, các ngành bình xét khen thưởng và đề nghị khen thưởng kịp thời những
tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông
thôn mới. Chú trọng khen thưởng đột xuất những tập thể, cá nhân có sáng kiến,
giải pháp hữu ích hoặc có đóng góp ủng hộ lớn về vật chất góp phần đẩy nhanh tiến
độ xây dựng nông thôn mới.
2. Khen thưởng tổng kết phong trào thi
đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015:
- Hội đồng thi đua - Khen thưởng tỉnh sẽ bình chọn 01
đơn vị cấp huyện, thành phố dẫn đầu tỉnh để đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
tặng Cờ thi đua và thưởng 01 công trình phúc lợi trị giá 2.000.000.000 đồng
(Hai tỷ đồng);
- Mỗi huyện, thành phố bình chọn 01 xã dẫn đầu huyện,
thành phố trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng thưởng Cờ thi đua và thưởng 01
công trình trị giá 500.000.000, đồng (Năm trăm triệu đồng);
- Các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị trong tỉnh
bình chọn những tập thể và cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trình Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng và đề nghị Thủ tướng chính phủ khen thưởng
theo quy định của luật Thi đua, Khen thưởng.
- Hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ). Sau khi thống nhất với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng
nông thôn mới), Ban Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng trình
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
- Kinh phí khen thưởng: Các hình thức khen thưởng
theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng được lấy từ quỹ thi đua, khen thưởng
tỉnh; thưởng công trình phúc lợi được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương hỗ
trợ triển khai chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang và
thực hiện theo trình tự quy định của Nhà nước về xây dựng cơ bản.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện từ năm 2011
đến năm 2020, chia thành các giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ năm 2011 - 2015):
Quý IV năm 2011 các cấp các ngành ban hành kế hoạch, tổ chức
phát động thi đua, đăng ký chỉ đạo điểm. Yêu cầu 100% các huyện, thành phố tổ
chức phát động và đăng ký thi đua; các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội
tổ chức phát động phong trào trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.
Năm 2012: Đánh giá việc chỉ đạo điểm, nhân rộng phong trào
thi đua.
Từ năm 2012 đến 2015: Triển khai sâu rộng các phong trào thi
đua thực hiện các nội dung kế hoạch và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hằng
năm tổ chức sơ kết ở cấp xã, cấp huyện, thành phố. Tổng kết giai đoạn 05 năm từ
cơ sở đến cấp tỉnh vào quý IV năm 2015.
Giai đoạn 2 (từ năm 2016 – 2020): Trên cơ sở đánh giá kết quả giai đoạn
I, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào
thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2 và tổng kết chuyên
đề công tác này vào năm 2020.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (cơ quan thường trực điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới) chủ
động phối hợp chặt chẽ với Ban Thi đua - Khen thưởng (cơ quan Thường trực của Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh) theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kế hoạch
này, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh dự toán kinh phí thưởng công trình phúc lợi cho
các đơn vị trong kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016. Sở Kế hoạch và Đầu
tư hướng dẫn tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ, thủ tục xây công trình phúc lợi
đối với những đơn vị được thưởng theo kế hoạch này.
4. Giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành,
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch này, định kỳ báo cáo với Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội
vụ)./.
Nơi nhận:
- Thủ
tướng Chính phủ;
- Hội đồng TĐKT Trung ương;
- Ban TĐKT Trung ương; Báo cáo
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ban Tỉnh uỷ, VP Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; Đảng uỷ Khối
Doanh nghiệp tỉnh;
- Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh;
- Uỷ ban Mặt trận TQ, các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hội DN Nhỏ và vừa; Hội DN trẻ của tỉnh;
- Lưu: VT
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Chẩu Văn Lâm
|