Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2570/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Võ Đức Trong
Ngày ban hành: 14/08/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2570/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 14 tháng 8 năm 2023

KẾ HOẠCH

QUẢNG BÁ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2023-2025

Căn cứ Kế hoạch số 907/KH-TCTDL ngày 31/3/2023 của Tổ công tác về lĩnh vực du lịch về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh năm 2023;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 với các nội dung như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÚC TIẾN, QUẢNG BÁ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2016-2022

1. Kết quả đạt được

- Giai đoạn 2016 - 2022, hoạt động xúc tiến du lịch đạt được nhiều kết quả ấn tượng, trong đó lĩnh vực quảng bá, xúc tiến du lịch đã có những bước tiến quan trọng. Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên cả nước, tỉnh vẫn thu hút được lượng khách tham quan khu, điểm du lịch1 ấn tượng: đạt 4.504.749 lượt tăng 200,3% so với năm 2021 và tổng doanh thu du lịch đạt 1.465 tỷ tăng 140,7% so với năm 2021.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai thực hiện có trọng điểm, chiều sâu, định hình rõ về thị trường, tiềm năng, lợi thế, sản phẩm hiện có, tạo được sự lan tỏa rộng rãi hình ảnh du lịch tỉnh Tây Ninh đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

- Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực, không ngừng của tập thể, cán bộ, công chức trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với các hoạt động được triển khai bằng nhiều hình thức từ truyền thống đến hiện đại; có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các đối tượng mục tiêu cụ thể; đổi mới về ý tưởng và nội dung; thông tin được cập nhật kịp thời đã góp phần khôi phục thị trường khách du lịch đến với Tây Ninh. Qua đó góp phần tích cực cho tăng trưởng du lịch địa phương cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, tạo điều kiện để các thành phần tham gia trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, tạo mối liên kết giữa du lịch Tây Ninh với các tỉnh/thành trong và ngoài khu vực; tạo được sự quan tâm, đồng thuận của xã hội đối với công tác xúc tiến du lịch nói riêng và phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh nói chung, huy động được các nguồn lực xã hội hóa ngày càng cao cho công tác xúc tiến du lịch.

- Bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch; khai trương và triển khai thực hiện Cổng Thông tin điện tử Du lịch Tây Ninh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, phát triển du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch Tây Ninh; triển khai Ứng dụng "Tay Ninh Tourism"; đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các hạ tầng mạng xã hội: facebook, zalo, youtube; số hóa các tài liệu quảng bá, xúc tiến du lịch... giúp du khách khi đến tham quan Tây Ninh có thể tra cứu, thu thập dữ liệu về du lịch, nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí.

2. Hạn chế

- Một vài doanh nghiệp chưa tích cực tham gia vào hoạt động xúc tiến du lịch; còn thụ động trong liên kết xây dựng sản phẩm mới.

- Chi tiêu khách du lịch quốc tế còn thấp so với dự báo cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh. Chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế mặc dù có lợi thế về đường biên giới.

- Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng không cao nên chưa đủ sức thu hút khách du lịch và cạnh tranh với sản phẩm du lịch trong khu vực.

- Trong giai đoạn thử nghiệm năm 2020-2022, do tình hình dịch COVID-19, số lượt tải Ứng dụng "Tay Ninh Tourism" còn rất thấp, các chức năng trên cổng chỉ ở mức độ cơ bản, không được nâng cấp do đơn vị vận hành - Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh - chưa được toàn quyền quản lý, phụ thuộc vào máy chủ và quản trị của đơn vị VNPT, dẫn đến chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, từ đó không vận động xã hội hóa được kinh phí để thanh toán cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Đồng thời, kinh phí để tiếp tục duy trì cho hệ thống trong 03 năm là khá lớn, chưa tương xứng với giá trị mà Cổng thông tin và Ứng dụng “Tay Ninh Tourism” mang lại nên tỉnh đã tạm dừng việc triển khai Cổng Thông tin điện tử Du lịch Tây Ninh và ứng dụng "Tay Ninh Tourism" do VNPT xây dựng và quản trị kể từ năm 20222.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Xuất phát điểm của du lịch Tây Ninh tương đối thấp so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước.

- Tính chủ động, tích cực phối hợp trong công tác quản lý, khai thác tiềm năng, phát triển du lịch có nơi chưa cao.

- Năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm tham quan du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, ... tất cả các hoạt động phải tạm dừng hoạt động nhiều đợt, ảnh hưởng đến lượng khách và doanh thu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nguồn kinh phí của tỉnh nói chung và kinh phí dành cho công tác xúc tiến du lịch còn hạn chế; nguồn xã hội hóa huy động còn chưa được nhiều.

- Một vài doanh nghiệp còn chưa mạnh dạn tham gia các sự kiện; sản phẩm du lịch chào bán trong các sự kiện du lịch còn chưa phong phú, ít đổi mới. Chủ yếu bán sản phẩm hiện có chưa nghiên cứu quan tâm sản phẩm du khách cần.

- Thương hiệu du lịch Tây Ninh bước đầu mới định hình, bước đầu xây dựng nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh.

- Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Tây Ninh có đổi mới nhưng chưa đủ tầm, nội dung, giải pháp tuyên truyền quảng bá chưa đa dạng; kinh phí đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến chưa nhiều; chưa điều tra, khảo sát thị trường, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách nhằm nắm bắt xu hướng tiêu dùng để định hướng phát triển sản phẩm phát huy được tiềm năng thế mạnh hiện có.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2023 - 2025.

- Xác định các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa và hệ thống lại danh mục các Lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh nhằm đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hóa, lịch sử...bước đầu định hình và hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

- Đẩy mạnh và ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.

2. Yêu cầu

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, phối hợp đồng bộ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

- Bám sát chương trình kế hoạch, các quy định của Nhà nước có liên quan, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, tranh thủ vận động nguồn lực xã hội.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung về xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Tây Ninh

- Xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh.

- Phát triển đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh trên các công cụ quảng bá, xúc tiến du lịch.

- Định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh.

- Xác định nhóm điểm tham quan trọng điểm (04 điểm), gồm:

+ Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen.

+ Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

+ Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.

+ Hồ Dầu Tiếng.

- Xác định nhóm điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa (13 điểm), gồm:

+ Vườn Di sản Asean - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

+ Căn cứ kháng chiến Động Kim Quang.

+ Di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu.

+ Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City.

+ Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai.

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh.

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chót Mạt.

+ Di tích lịch sử Đình Thanh Phước.

+ Di tích lịch sử Đình An Tịnh.

+ Chùa Khmer Khedol Tây Ninh.

+ Chùa Thiền Lâm Gò Kén.

+ Khu du lịch Long Điền Sơn.

+ Trung tâm Thương mại Long Hoa.

(Kèm theo Phụ lục 1)

- Phát triển các giá trị di tích lịch sử văn hóa đang đón khách du lịch của tỉnh, chọn lọc và nâng tầm chất lượng trong công tác tổ chức các lễ hội có tính tiêu biểu cho du lịch lễ hội của Tây Ninh, tập trung quảng bá 10 lễ hội sau:

- Hội xuân Núi Bà Đen.

- Đại lễ Đức Chí tôn.

- Chol-ch’nam thmay.

- Lễ Hội Quan lớn Trà Vong.

- Lễ Kỳ yên Đình Gia Lộc.

- Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu.

- Lễ hội Dol - Ta.

- Hội yến Diêu Trì Cung.

- Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

- Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh.

(Kèm theo Phụ lục 2)

- Phát huy thương hiệu điểm đến Trung ương Cục miền Nam - Thủ đô Cách mạng miền Nam.

2. Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông

2.1. Tích hợp Cổng thông tin du lịch Tây Ninh với Bản đồ số du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh

- Nội dung:

+ Hoàn thiện và phát triển Cổng Thông tin du lịch Tây Ninh có tích hợp Bản đồ số du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh.

+ Cổng Thông tin du lịch Tây Ninh cung cấp các nội dung: tổng quan về tiềm năng du lịch tỉnh Tây Ninh; các dự án đầu tư du lịch; thông tin du lịch (lưu trú, ẩm thực, mua sắm, điểm tham quan, lễ hội, các sự kiện lớn, các tour, tuyến du lịch..,); các video, hình ảnh đẹp về du lịch Tây Ninh; thông tin các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy phép; thông tin các hướng dẫn viên du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cấp thẻ; các bài viết, phân tích, nhận định về du lịch tỉnh Tây Ninh; thông tin tuyên truyền, quảng bá; chuyên mục quảng cáo dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh...

+ Bản đồ số du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh có mô tả chi tiết toàn cảnh và các thông tin giới thiệu các điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tây Ninh theo hình thức thực tế ảo; trải nghiệm tổng thể bản đồ du lịch Tây Ninh và có thể trực tiếp chọn các điểm du lịch, hoặc các địa điểm theo mong muốn trên các nội dung về: Ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, gọi xe, khu vực nhà vệ sinh công cộng, ngân hàng, bưu điện, trụ sở công an...

- Yêu cầu:

+ Bản đồ thể hiện rõ các địa điểm và định vị khoảng cách từ người dùng đến địa điểm đó; thường xuyên cập nhật khi có thay đổi (nếu có).

+ Sử dụng ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh.

2.2. Xây dựng các kênh truyền thông du lịch của tỉnh

- Nội dung: quảng bá các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa; các lễ hội nổi bật, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh (bao gồm danh mục các sự kiện, lễ hội sắp diễn ra); các sản phẩm OCOP và sản phẩm, làng nghề truyền thống của địa phương.

- Thực hiện: khai thác các nền tảng mạng xã hội miễn phí như: Fanpage, Zalo Official, Youtube, Twitter, Instagram, Tiktok... để thu hút sự chú ý của du khách, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi.

- Yêu cầu: đồng bộ tên các nền tảng mạng xã hội mà tỉnh khai thác tạo sự nhất quán, chuyên nghiệp, giúp du khách dễ tìm kiếm.

2.3. Quản trị "Check-in"

- Nội dung: thống kê được số lượng truy cập của người dùng tới mỗi địa điểm du lịch, qua đó có thể đánh giá được mức độ ấn tượng, sự thu hút của điểm du lịch đối với du khách.

- Yêu cầu: hệ thống có thể hiện lượt truy cập, lượt yêu thích và lượt chia sẻ.

2.4. Vận hành App du lịch Tây Ninh

- Nội dung: Tích hợp và đồng bộ bản đồ du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh, các thông tin chỉ dẫn du lịch khác; tích hợp tính năng "Check-in" điểm du lịch Tây Ninh; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

- Yêu cầu:

+ Về tên gọi của App du lịch: đồng bộ với tên của các kênh quảng bá du lịch khác của tỉnh để tạo điểm nhấn.

+ Về logo của App du lịch: thiết kế hiện đại, màu sắc hài hòa, thể hiện được ưu thế du lịch của tỉnh và khát vọng vươn lên trong tương lai.

+ Sử dụng ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh.

3. Xây dựng hệ thống Chatbot3 hỗ trợ thông tin du lịch

- Nội dung: đưa ra gợi ý dành riêng cho khách hàng thông qua việc hỏi và phân tích câu trả lời của người dùng về các vấn đề như: điểm đến; thời gian; gợi ý khách sạn (giá phòng, loại phòng, các tiện ích kèm theo...); đề xuất các hoạt động thú vị để du khách trải nghiệm; thông báo các gói khuyến mãi giảm giá; hỗ trợ đổi vé máy bay, đổi phòng khách sạn...

- Yêu cầu: phong cách sử dụng ngôn ngữ gần gũi, vui tươi tạo sự thân thiện nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc, chỉn chu.

4. Xây dựng hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan

- Lập danh sách các điểm cần lắp đặt QR code.

- Biên tập các tài liệu, thông tin để tích hợp vào QR code.

- Thiết kế QR code và in QR.

- Thực hiện lắp đặt các điểm quét mã QR tại các di tích, điểm tham quan.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Tổng kinh phí thực hiện: 7.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ đồng), trong đó:

+ Kinh phí thuê phần mềm Cổng thông tin du lịch tỉnh Tây Ninh: 4.650.000.000 đồng (Bao gồm kinh phí thuê phần mềm Cổng thông tin du lịch tỉnh Tây Ninh có tích hợp Bản đồ số du lịch Tây Ninh và xây dựng Ứng dụng du lịch di động - App du lịch Tây Ninh, và các kinh phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ).

+ Kinh phí Xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ thông tin du lịch: 50.000.000 đồng.

+ Kinh phí Xây dựng hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan: 500.000.000 đồng.

+ Kinh phí thực hiện quảng bá trên các kênh truyền thông của tỉnh: 600.000.000 đồng.

+ Kinh phí thực hiện các hình thức quảng bá khác: 1.200.000.000 đồng.

- Nguồn kinh phí: từ nguồn ngân sách tỉnh.

(Kèm theo Phụ lục 3)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ về: các nhiệm vụ về truyền thông, các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ số theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; nhiệm vụ đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền các Lễ hội, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, các đặc sản ẩm thực, các làng nghề truyền thống; chọn lọc các lễ hội tiêu biểu, đặc trưng để quảng bá, kết hợp với du lịch.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông biên tập các thông tin, tài liệu về các điểm tham quan, lễ hội; cập nhật thông tin các sự kiện lớn thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, nâng tầm các lễ hội; chủ trì, phối hợp triển khai lễ hội hàng năm.

- Tham mưu tổng hợp báo cáo, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

- Trong quá trình thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật các điểm tham quan du lịch mới (đáp ứng đủ điều kiện) để tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung Kế hoạch.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về các hoạt động du lịch của tỉnh cho các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền.

- Tiếp tục chủ trì hợp tác với các cơ quan liên quan, báo chí từ trung ương đến địa phương để truyền thông, quảng bá du lịch Tây Ninh bằng phương pháp truyền thống (báo giấy) và trên các hạ tầng số theo Kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh về thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất UBND tỉnh hợp tác với các đơn vị mới (nếu có).

- Chủ trì thực hiện gói thầu thuê phần mềm Cổng Thông tin du lịch tỉnh Tây Ninh; thực hiện lắp đặt các điểm quét mã QR tại các di tích, điểm tham quan; tập huấn, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương sử dụng các ứng dụng công nghệ số, tăng cường thông tin, truyền thông vào hoạt động du lịch.

- Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh đề xuất huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện các nội dung có hiệu quả, tránh lãng phí, góp phần tiết kiệm nguồn ngân sách tỉnh.

3. Văn phòng UBND tỉnh

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc liên kết thông tin với các tỉnh và quốc tế về xúc tiến quảng bá tiềm năng, tài nguyên trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

4. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh

- Thường xuyên đăng tải các thông tin tuyên truyền về quảng bá, giới thiệu về du lịch Tây Ninh.

- Chủ động, tích cực phối hợp với Đài Truyền hình Trung ương, Đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố trong việc quảng bá, giới thiệu về du lịch Tây Ninh.

5. Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và Dự án đầu tư phát triển vùng đệm Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát giai đoạn 2023-20304.

6. Ban quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam

- Thực hiện nhiệm vụ: phát huy thương hiệu điểm đến Trung ương Cục miền Nam - Thủ đô Cách mạng miền Nam; phát triển du lịch về nguồn tại các di tích lịch sử cách mạng miền Nam trên địa bàn tỉnh; xây dựng, hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng phát triển các dịch vụ du lịch; thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang, trùng tu tôn tạo di tích, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.

- Đẩy mạnh sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng dẫn tự động (auto guide) bằng nhiều ngôn ngữ để phục vụ khách du lịch.

7. Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất các phương án, các biện pháp bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, tài nguyên du lịch, cảnh quan, môi trường tự nhiên thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá khu du lịch, ưu tiên các hoạt động mang tính truyền thống, đặc trưng của khu du lịch như: Hội Xuân Núi Bà, Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu.

- Ưu tiên đẩy mạnh sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng dẫn tự động (auto guide) bằng nhiều ngôn ngữ để phục vụ khách du lịch.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, triển khai, tận dụng sự hỗ trợ của các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để triển khai xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

9. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh trong tôn giáo theo quy định.

- Phối hợp tập huấn nâng cao kiến thức về tôn giáo, dân tộc gắn với du lịch tâm linh.

- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến nâng cao chất lượng, trình độ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; các đối tượng khác có liên quan (làm công tác ngoại giao, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, nhân viên khu, điểm du lịch...).

10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các trường dạy nghề đào tạo các lớp nghiệp vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn ...

11. Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch

- Phối hợp đề xuất cơ chế chính sách phát triển du lịch; xây dựng các chương trình sản phẩm du lịch phục vụ du khách; tham gia các hoạt động phát triển du lịch để nâng cao vai trò của Hiệp hội du lịch, giữ gìn môi trường du lịch tỉnh.

- Tích cực tham gia hoặc tài trợ các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường trong và ngoài nước; Phối hợp tiếp đón các đoàn quốc tế đến Tây Ninh khảo sát sản phẩm, viết bài quảng bá du lịch Tây Ninh; tăng cường thông tin, hình ảnh du lịch Tây Ninh trên các trang thông tin điện tử, ấn phẩm du lịch Tây Ninh.

- Chủ động sử dụng nền tảng số để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch.

- Chủ động sử dụng các nền tảng để chuyển đổi số hoạt động của đơn vị để tăng mật độ tìm kiếm thông tin, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, thu hút và thúc đẩy khách du lịch thực hiện các dịch vụ booking và các dịch vụ du lịch trực tuyến.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp

Phối hợp, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, chính sách phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025.

13. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

14. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Cục Hải quan

Nâng cao bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho nhân viên xuất nhập cảnh, cảnh sát giao thông.

15. Sở Tài chính

Căn cứ tình hình ngân sách hằng năm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ liên quan thực hiện Kế hoạch này.

16. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.

Đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ trước ngày 05 hàng tháng, quý (hoặc đột xuất), thực hiện báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp); trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- TT.TU;
- TT.HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Tổ Công tác về lĩnh vực Du lịch;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, KGVX;
- Lưu: VT, VP.
Lộc 8b

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Đức Trong

PHỤ LỤC 1

CÁC ĐIỂM THAM QUAN DU LỊCH TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm Kế hoạch số 2570/KH-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)

STT

Điểm du lịch

Vị trí

Điểm nổi bật/thu hút

Lượng khách du lịch đến tham quan (thống kê năm 2022)

Ghi chú

1. Nhóm điểm tham quan trọng điểm (04 điểm)

1

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen

Cách trung tâm TP.Tây Ninh 10km

• Núi Bà Đen có độ cao 986m, cao nhất Nam Bộ, được biết đến bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh.

• Tham quan Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, chiêm bái tượng Phật Bà: được xác lập 2 kỷ lục là “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”; ngắm hoa, không gian đầy màu sắc trên đỉnh núi và nhiều công trình khác.

• Khai thác: du lịch về nguồn, tìm hiểu di tích lịch sử gắn với lịch sử cách mạng

4.287.330

2

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Nằm ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thành phố Tây Ninh hơn 60km về hướng Bắc theo quốc lộ 22B

• Được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

• Di tích mang một ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào luôn hướng về nguồn cội của thế hệ trẻ.

• Được chia thành 3 phân khu chính là: Khu di tích, khu tưởng niệm, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên - du lịch.

• Có hệ thống sa bàn diễn biến chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction city của quân Mỹ vào Căn cứ Bắc Tây Ninh.

• Tận hưởng một bầu không khí trong lành dưới những hàng cổ thụ sừng sững và lắng nghe bản nhạc rừng du dương của tiếng chim hót líu lo và tiếng lá cây xào xạc.

• Phát triển về du lịch khám phá, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, trở về nguồn cội, thiên nhiên.

46.000

3

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh

Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh 5km, thuộc thị xã Hòa Thành

• Một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, riêng có của Tây Ninh, nơi hội tụ kiến trúc độc đáo của triết học Đông - Tây; nơi thờ phụng của Tôn Giáo Cao Đài tại Tây Ninh.

• Viếng thăm công trình kiến trúc Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, nhằm giúp du khách khám phá, tìm hiểu những giá trị tôn giáo, những giá trị kiến trúc điêu khắc hài hòa và độc đáo của tôn giáo Cao Đài. Du khách được tham dự lễ cúng tứ thời: (0 giờ, 6 giờ, 12 giờ và 18 giờ) là một sinh hoạt thường nhật hàng ngày trong đời sống tín đồ đạo Cao Đài.

• Vào các ngày đại lễ lớn (Đại lễ Đức Chí tôn và Hội yến Diêu Trì Cung) thu hút nhiều tín đồ và du khách dự lễ, du khách thập phương được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, các màn biểu diễn nghệ thuật phong phú, thi đấu võ thuật dân tộc, múa tứ linh, múa rồng nhang, các gian hàng trưng bày nhiều mô hình được kết bằng trái cây độc đáo...

• Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là điểm đến du lịch tâm linh, tôn giáo hấp dẫn, giúp du khách cảm nhận và thấm nhuần được những giá trị văn hóa - tín ngưỡng - kiến trúc độc đáo, hướng đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc sống của mỗi một con người.

Khoảng 60.000

4

Hồ Dầu Tiếng

Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh 20km về phía Đông Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 100 km về phía Bắc

• Hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hồ trải dài trên địa phận 03 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước.

• Hồ Dầu Tiếng có phong cảnh hữu tình và hệ sinh thái độc đáo, cảnh quan 2 bên bờ hồ thơ mộng. Hồ Dầu Tiếng với khoảng không gian rộng lớn, sơn thủy hòa quyện, các ốc đảo tự nhiên lạ mắt, không khí trong lành, thoáng mát sẽ tạo cho du khách cảm giác thoải mái trong một chuyến du lịch.

Trên 10.000

2. Nhóm điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa (13 điểm)

1

Vườn Di sản Ascan - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh 35km nằm trên địa bàn 6 xã huyện Tân Biên

• Có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đông bằng sông Cửu Long - nơi duy nhất tại Việt Nam có hệ sinh thái kết hợp này.

Khai thác các hoạt động: tham quan cảnh rừng đặc trưng của miền Đông Nam Bộ, khu vực Tràng Tà Nốt, Suối Đa Ha, sinh cảnh đất ngập nước, phù hợp cho giao lưu học tập, nghiên cứu khoa học; đi xe đạp xuyên rừng, tham quan cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia và các di tích lịch sử và sinh cảnh rừng ven sông; đi thuyền trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông; chinh phục tháp canh lửa cao 33m; thăm cây di sản Việt Nam hơn 200 năm tuổi; ngắm bình minh, hoàng hôn; dựng lều cắm trại qua đêm hòa mình với thiên nhiên hoang dã và thưởng thức tiệc ngoài trời; Thưởng thức ẩm thực rừng như bánh xèo rau rừng, canh chua chuối rừng, lá bứa nấu cùng cá lăng thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông.

9.119

2

Căn cứ kháng chiến Động Kim Quang

Khu vực Độne Kim quang, thuộc di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen

• Là địa điểm tổ chức họp mặt truyền thống kết hợp với việc mừng Đảng, mừng xuân hàng năm (vào Ngày 14 tháng giêng âm lịch hằng năm).

• Tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống "uống nước nhớ nguồn".

• Tổ chức các hoạt động: Dâng hương các anh hùng liệt sĩ, tái hiện lịch sử và ôn lại truyền thống cách mạng; Tổ chức Hội trại; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; thi tìm hiểu lịch sử; gặp gỡ, giao lưu các nhân chứng lịch sử.

9.000

3

Di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu

Tọa lạc tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh

• Là căn cứ địa cách mạng có vị trí quân sự khá đặc biệt, gắn liền với 02 cuộc kháng chiến của dân tộc, nơi tập kết, huấn luyện và ra đời các đơn vị chủ lực của miền Đông.

• Trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Căn cứ Dương Minh Châu trở thành nơi đứng chân của các lực lượng chủ lực của Phân liên khu Miền Đông - Tiểu đoàn 302, 304, Trung đoàn Đồng Nai, lực lượng tỉnh Gia Định Ninh - Tiểu đoàn 306, bộ đội địa phương huyện Dương Minh Châu - Đại đội 31; là nơi chiêu mộ, hội tụ các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam1. Trải qua hai cuộc kháng chiến gian nan, anh dũng, Căn cứ Dương Minh Châu vẫn tồn tại và phát triển và trở thành một biểu tượng của tinh thần cách mạng.

Hàng năm thu hút khoảng 5.000 lượt khách, riêng năm 2022 không có khách tham quan do sửa chữa.

4

Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City

Nằm cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoáng 30km, thuộc khu phố 2, Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

Là nơi từng diễn ra cuộc hành quân Junction City hết sức ác liệt mà đế quốc Mỹ dã thực hiện với quy mô: 45.000 quân, trên 1.200 xe tăng và thiết giáp, 256 khẩu pháo, 300 trực thăng, 160 máy bay chiến đấu cùng các loại vũ khí, hỏa lực mạnh, tuy nhiên đã thất bại trước bộ đội chủ lực, quân và dân ta.

3.500

5

Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai

Tọa lạc tại ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

• Trong trận đánh tại Tua Hai, lực lượng cách mạng đã bắt, giáo dục thả tại chỗ 500 tù binh, thu hơn 1.200 súng các loại và nhiều đạn.

• Một trong những trận đánh lịch sử, góp phần mở màn cho phong trào đồng khởi vũ trang ở miền Nam và trở thành mốc đánh dấu bước chuyển giai đoạn của cách mạng miền Nam, mở ra phương thức đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tạo ra thế chiến lược: Hai chân, ba mũi, ba vùng.

1.866

6

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh

Nằm ở phía hữu ngạn của con sông Vàm Cỏ Đông, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Phước Bình, Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 50 cây số về phía Đông Nam

• Được hình thành từ thế kỷ thứ VIII-IX, đến nay đã hơn 1.000 năm nhưng vẫn giữ được gần như vẹn nguyên kiến trúc đặc biệt.

• Có giá trị lịch sử lớn lao và vô cùng quý giá đối với di sản kiến trúc của dân tộc, vì đây chính là ngôi tháp di nhất vẫn còn giữ được tường đá gần như nguyên vẹn kể từ khi được phát hiện.

• Ẩn chứa nhiều giá trị đặc biệt về đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người xưa. Kỹ thuật xây dựng, điêu khắc tài tình đã phản ảnh sự phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo. Có lợi thế phát triển về tìm hiểu, nghiên cứu sử học, văn hóa học, khảo cổ học.

2.800

7

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chót Mạt

Tọa lạc tại ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 25km về hướng tây.

Là một trong ba ngọn tháp cổ của nền văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII thời kỳ hậu Óc Eo, được phát hiện từ giữa thế kỷ XIX.

287

8

Di tích lịch sử Đình Thanh Phước

Tọa lạc tại khu phố Nội Ô B, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

• Được xây dựng trên gò đất cao có nhiều cây dầu cổ thụ nên có tên gọi khác là Đình Gò Dầu, đây cũng là một trong những ngôi đình cổ có quy mô to lớn so với các ngôi đỉnh khác trong tỉnh Tây Ninh.

• Đình thờ linh thần húy Đặng Văn Châu - ông là người trung can nghĩa khí, đã cũng nhân dân và nghĩa binh lập căn cứ chống thực dân Pháp từ thời vua Tự Đức, gây ra cho quân Pháp nhiều tổn thất; đã được nhà vua sắc phong Thành hoàng bổn cảnh.

2.000

9

Di tích lịch sử Đình An Tịnh

Tọa lạc tại Phường An Tịnh, Thị xã Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh.

• Một trong những ngôi đình cổ được xây dựng sớm nhất ở Tây Ninh cách nay hơn 200 năm.

• Năm 1809, vua Gia Long đã ban sắc phong "Thành Hoàng Bổn Cảnh" cho đình.

• Đình An Tịnh là chứng tích đánh dấu cột mốc lịch sử đầu tiên trong thời kỳ Nam tiến, khai phá đất đai của người Việt vào cuối thế kỷ 18.

400

10

Chùa Khmer Khedol Tây Ninh

Được xây dựng trên gò đất cách ngã ba Khedol chừng 50 mét thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh

• Nơi cánh đồng Khedol có nhiều cây bịt mọi, thốt nốt, me...với nhiều kiểu dáng trông rất đẹp. Đặc biệt nơi đây còn nhiều dấu tích của làng xưa.

• Là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo Nam Tông của cộng đồng Khmer tại Tây Ninh, và là niềm tự hào của người dân trong vùng.

• Hằng năm chùa Khedol tổ chức những lễ hội lớn của dân tộc Khmer như là: Sen Dolta, Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, Dâng Y Kathinat... Ngày nay chùa Khedol không chỉ là nơi cho dân tộc Khmer đến sinh hoạt tôn giáo, mà là nơi cho du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái và chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt vời.

1.200

11

Chùa Thiền Lâm Gò Kén

Tọa lạc tại xã Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh

• Một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Tây Ninh, chùa Gò Kén được xây dựng lâu đời và cùng với kiến trúc cổ kính, độc đáo. Ngôi chùa này hiện đang sở hữu bức tượng Phật Quán Thế Âm lớn bậc nhất của miền Đông Nam Bộ.

• Tọa lạc ở một vùng đất được coi là yên bình nhất tại Tây Ninh. Quần thể chùa là sự kết hợp của hai nền văn hóa Đông và Tây, hòa quyện giữa nét kiến trúc cổ kính và hiện đại, khiến cho ngôi chùa có vẻ đẹp hiếm có.

• Vào các ngày lễ của Phật giáo, nhiều người dân và khách du lịch đã ghé thăm chùa để cầu nguyện, cầu phúc cho một năm may mắn, mưa thuận gió hòa.

Hàng ngàn lượt khách

12

Khu du lịch Long Điền Sơn

Cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5km

Với đa dạng loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn như: Chèo xuồng trên hồ, các trò chơi mạo hiểm, công viên nước, chương trình ca nhạc và ẩm thực được tổ chức hàng đêm.

162.300

13

Trung tâm Thương mại Long Hoa

Tọa lạc tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, Trung tâm Thương mại Long Hoa được xây dựng trên nền chợ Long Hoa trước đây

Nhìn từ trên xuống, Trung tâm Thương mại Long Hoa có hình vuông, với 8 cửa ra vào. Nằm giữa trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Tây Ninh, Trung tâm thương mại Long Hoa không chỉ là nơi mua bán thuần túy mà còn là điểm thu hút khách du lịch tới thưởng thức món ăn đặc sản truyền thống của địa phương, trong đó có nhiều món chay được chế biến đa dạng và phong phú.

Hàng ngàn lượt khách

PHỤ LỤC 2

CÁC LỄ HỘI GẮN VỚI QUẢNG BÁ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm Kế hoạch số /KH-UBND ngày tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)

TT

TÊN LỄ HỘI

TÍNH CHẤT

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC

HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI

Thời gian

Địa điểm

Phần lễ

Phần Hội

Ước Lượng khách dự

Cơ sở pháp lý

1

Hội xuân Núi Bà Đen

Lễ hội văn hóa trải nghiệm tìm hiểu di tích, danh lam thắng cảnh và tâm linh.

Tháng giêng âm lịch hằng năm. Khai mạc vào mùng 4 Tết.

Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen.

Khai mạc Hội xuân; Thắp hương cầu nguyện các chùa ở Núi Bà.

Chương trình văn hóa nghệ thuật, các trò chơi dân gian, phố ẩm thực, các hoạt động phục vụ khách du xuân.

1,7 triệu lượt khách

- Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

2

Đại lễ Đức Chí tôn

Lễ hội tôn giáo Cao Đài Tây Ninh.

Mùng 8 đến 16 tháng giêng hằng năm.

Trong khuôn viên Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh

Các nghi thức cúng tế trời, đất, Đức Chí tôn (Khởi lôi âm cổ; Hoán Đàn; Tế tam bửu).

Trưng bày triển lãm tái hiện lịch sử, văn hóa dân tộc.

100.00 lượt khách.

- Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016

3

Chol- ch’nam thmay

Văn hóa dân tộc (Lễ mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer),

Chuỗi các hoạt động của lễ hội được diễn ra từ ngày 15 đến hết ngày 30/3 âm lịch hằng năm.

Xã Tân Đông, huyện Tân Châu; xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh; xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên; xã Hòa Thạnh - Châu Thành và xã Trường Tây, Thị xã Hòa Thành. Trong đó nổi bật đặc sắc là xã Tân Đông, huyện Tân Châu và xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh. Riêng xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh, Lễ hội được gắn liền với di tích cấp tỉnh Chùa Khmer Tây Ninh và gắn kết với khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen.

Lễ tắm phật, tắm sư sãi; Lễ Đằng núi cát; Lễ lập bàn thờ tổ tiên; Lễ dâng cúng phẩm vật.

Múa hát dân tộc Khmer (dân ca, dân vũ Khmer, biểu diễn dàn nhạc ngũ âm...); Ẩm thực (các món ăn đặc sản Khmer); Các trò chơi dân gian; Tạt nước cầu phúc...

Hàng trăm ngàn lượt khách tại 06 điểm chùa Kh'mer.

- Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016

4

Lễ Hội Quan lớn Trà Vong (*)

Thực hành tín ngưỡng dân gian, thờ cúng, tưởng nhớ công đức của Quan Đại thần Huỳnh Công Giản.

ngày 15, 16/3 âm lịch hàng năm.

Dinh Quan lớn Trà Vong ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành; xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh và xã Trà Vong, huyện Tân Biên. Trong đó nổi bật và đặc sắc nhất là tại Dinh Mộ ông ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên (di tích lịch sử cấp tỉnh).

Lễ Thỉnh sắc, Lễ Tế thần, Lễ Dâng hương, Lễ Hồi sắc ấn thần.

Múa lân, hòa đàn, các trò chơi dân gian, hát tuồng cổ.

Hàng ngàn lượt khách tại 03 điểm.

- Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

- QĐ số 2975/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019 của Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia.

5

Lễ Kỳ yên Đình Gia Lộc (*)

Tín ngưỡng dân gian, thờ cúng, tưởng nhớ công đức của Thành Hoàng (ông Cả Trước/Đặng Văn Trước).

Ngày 15, 16/3 âm lịch hàng năm.

Đình Gia Lộc, phường Trảng Bàng, Thị xã Trảng Bàng.

Lễ rước sắc, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu, Lễ Đàn cả, Lễ Tôn vương, Lễ cầu nguyện, Lễ Hồi sắc.

Múa lân, hòa đàn, hát tuồng cổ, các trò chơi dân gian.

Hàng ngàn lượt khách

- Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

- QĐ số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012 của Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia.

6

Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (*)

Thực hành tín ngưỡng dân gian (thờ cúng Bà Đen).

Các ngày 04, 05, 06 tháng 5 âm lịch hằng năm.

Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Núi Bà Tây Ninh.

Lễ Phật khai chung bảng, Lễ Khoa nghênh, Lễ Khoa cấp thủy, Lễ Khoa trình, lễ tắm Bà và thay áo mới cho Bà, lễ thắp hương cầu khấn, lễ "Trình thập cúng", lễ cúng ngọ, lễ thí thực cô muối.

Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài "Địa Nàng", múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa lu, múa lục bình, múa bông huệ...

Hàng trăm ngàn lượt khách

- Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016

- Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

- QĐ số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018 của Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia.

7

Lễ hội Dol - Ta

Văn hóa dân tộc, thực hành tín ngưỡng dân gian dân tộc Khmer.

Từ 15 đến 30 tháng 8 âm lịch hằng năm.

Tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu tập trung nổi bật tại Di tích cấp tỉnh Chùa Khmer xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh.

Thuyết pháp, đọc kinh cầu siêu, thả Hoa đăng bằng bẹ chuối, Dựng cây hoa bánh.

Hát múa, dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian Khmer.

Hàng ngàn lượt khách

- Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016

8

Hội yến Diêu Trì Cung

Thực hành nghi thức tín ngưỡng dân gian và tôn giáo.

Từ ngày 14 đến 16 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Tại Điện thờ Phật Mẫu, khuôn viên Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.

Lễ Khởi Lôi âm cổ, Lễ Cầu nguyện, Lễ Dâng trà-hoa-rượu.

Trưng bày triển lãm hoa quả, múa long, lân, quy, phụng, cộ tiên, cộ đèn

200 ngàn lượt khách.

- Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016

9

Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (*)

Lễ hội làng nghề.

02 năm 01 lần.

Thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh.

Lễ khai mạc, bế mạc.

Trình diễn thực hành di sản văn hóa phi vật thể nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Biểu diễn nghệ thuật; ẩm thực; thương mại; vui chơi giải trí....

150 ngàn lượt

- Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

- QĐ số 3465/QĐ-BVHTTDL ngày 13/10/2015 của Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia.

10

Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh (*)

Lễ hội làng nghề.

Dự kiến vào tháng giêng hằng năm.

Khu vực trung tâm Thành phố Tây Ninh

Lễ khai mạc, bế mạc.

Trình diễn thực hành di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật chế biến các món ăn chay Tây Ninh; Biểu diễn nghệ thuật; ẩm thực; thương mại; vui chơi giải trí....

25 ngàn lượt

- Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

- QĐ số 75/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022 của Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia.

(*): Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

PHỤ LỤC 3

KINH PHÍ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TẠI KẾ HOẠCH QUẢNG BÁ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Ban hành kèm Kế hoạch số 2572/KH-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Nội dung thực hiện

Đơn vị chủ trì

Nguồn kinh phí

Thời gian thực hiện 2023-2025

Ngân sách tỉnh

Thời gian thực hiện (năm)

Tổng cộng

I. Kinh phí thuê phần mềm Cổng thông tin du lịch tỉnh Tây Ninh

4.650

1

Kinh phí vận hành nền tảng (bao gồm chi phí thuê sever lưu trữ, chi phí nhân sự vận hành,...)

Sở TTTT

1.300

3

3.900

2

Kinh phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ

Sở TTTT

250

3

750

II. Xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ thông tin du lịch

50

1

Mua gói dịch vụ Chatbot

Sở VHTTDL

20

1

20

2

Phí duy trì

Sở VHTTDL

15

2

30

III. Xây dựng hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan

500

1

Lập danh sách các điểm cần lắp đặt QR code. Biên tập các tài liệu, thông tin để tích hợp vào QR code (17 điểm).

Thực hiện cập nhật thường xuyên khi có thay đổi

Sở VHTTDL

20

3

60

2

Thiết kế QR code và in QR code;

Thực hiện lắp đặt các điểm quét mã QR tại các di tích, điểm tham quan (17 điểm)

Sở TTTT

340

1

340

3

Khảo sát lắp đặt thêm các điểm mới; duy trì bảo quản các điểm đã lắp đặt.

Sở TTTT

50

2

100

IV. Kinh phí thực hiện quảng bá trên các kênh truyền thông của tỉnh

600

1

Quảng bá qua Fanpage, Zalo Official, Youtube, Twitter, Instagram, Tiktok

Sở VHTTDL

200

3

600

V. Kinh phí thực hiện các hình thức quảng bá khác

1.200

1

Standee/màn hình cảm ứng quảng bá du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách trước gian hàng

Sở VHTTDL

100

3

300

2

Phối hợp cùng các MC, hoa hậu, người mẫu, KOLs ... tạo ra các trò chơi minigames tại gian hàng để thu hút du khách

100

3

300

3

Sách/Tờ rơi/tập gấp/postcard/tài liệu quảng bá du lịch Tây Ninh

100

3

300

4

Túi vải sinh học đựng tài liệu quảng bá du lịch/ bìa folder

100

3

300

TỔNG KINH PHÍ

7.000

Bằng chữ: Bảy tỷ đồng



1 Số khách đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh năm 2022: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen: 4.287.330 lượt; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam: 46.000 lượt; Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh: Khoảng 60.000 lượt; Hồ Dầu Tiếng: trên 10.000 lượt khách.

2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh tại Báo cáo số 155/BC-SVHTTDL ngày 03/6/2022.

3 Chatbot là một chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với con người. Công cụ này thay thế cho nhân viên để tư vấn trả lời thắc mắc của khách hàng.

4 Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh về Phê dụyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và Dự án đầu tư phát triển vùng đệm Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát giai đoạn 2023-2030.

1 Lịch sử lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951-2015). tr.23, 24.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2570/KH-UBND ngày 14/08/2023 về quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


615

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.116.142
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!