ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
101/KH-UBND
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY
TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg
ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu
đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng, chống tội phạm
và ma túy giai đoạn 2016-2020; ngày 14/12/2018, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Quyết định số 8014/QĐ-BCA-H01 về việc phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả
công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường,
thị trấn”, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện trên địa bàn Thành phố với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn
thể, tổ chức, các lực lượng quần chúng, huy động các cơ quan, đơn vị đóng trên
địa bàn xã, phường, thị trấn tham gia phối hợp phòng, chống ma túy. Tạo chuyển
biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy, nâng
cao hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,
phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS cấp cơ sở.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa, kiềm chế, tiến tới kéo giảm
phát sinh người nghiện và người sử dụng ma túy nhất là ma
túy tổng hợp; hạn chế đến mức thấp nhất số đối tượng mới tham gia hoạt động phạm
tội về ma túy. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể các
cơ quan chủ trì, phối hợp tham gia tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma
túy; thực hiện phân loại đối tượng tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền cá biệt,
phân công phân cấp về đối tượng tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất.
3. Tăng cường độ bao phủ các hoạt động
của Dự án, tập trung vào lĩnh vực tuyên truyền, vận động cộng
đồng tham gia phòng, chống ma túy ở cơ sở, phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý
đối tượng, quản lý địa bàn và tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
4. Hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu
cụ thể trong Dự án theo đúng thời gian quy định với hiệu quả cao nhất, đảm bảo
nguyên tắc trong sử dụng và quản lý kinh phí theo quy định.
5. Đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất
từ khâu tổ chức triển khai đến việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Dự án ở tất
cả các xã, phường, thị trấn trên toàn Thành phố; Thành phố tạo cơ chế và hỗ trợ
nguồn lực nhằm duy trì vững chắc và tăng dần số xã, phường,
thị trấn “không tệ nạn ma túy”. Phát hiện và kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; tổ chức sơ kết
đúng thời hạn, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện Dự
án.
II. MỘT SỐ CHỈ
TIÊU CỤ THỂ
1. Đối với xã, phường, thị trấn có tệ
nạn ma túy: Giảm theo từng năm, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm 5% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, đồng thời giảm mức độ phức tạp
của xã, phường, thị trấn trọng điểm so với giai đoạn 2012 - 2015.
2. Đối với xã, phường không có tệ nạn
ma túy (không có người nghiện ma túy, không có đối tượng hoạt động phạm tội
ma túy - “xã trắng ”). Duy trì, không để phát sinh tệ nạn ma túy; đến năm 2020, nâng tổng số
xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy so với giai đoạn 2012-2015.
3. 100% người trong nhóm nguy cơ cao
được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy; kiềm chế, kéo giảm gia
tăng người nghiện ma túy. Phấn đấu mỗi quận, huyện, thị xã mỗi năm xây dựng được
một mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn.
4. 90% số người nghiện ma túy và sử dụng
ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện dưới
mọi hình thức; 100% người nghiện ma túy hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy
được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát
phù hợp. Phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh điểm phức tạp về ma túy, phấn đấu đến
năm 2020 không còn điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn Thành phố.
5. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh
doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để tồn
tại hoạt động sản xuất trái phép ma túy, tách chiết ma túy từ các loại thuốc có
chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma túy hoặc
trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn Thành phố.
III. NỘI DUNG VÀ
CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Tăng cường đẩy
mạnh và phát huy vai trò quản lý của UBND cấp xã về công tác phòng, chống ma
túy
- Tham mưu với các cấp ủy tiếp tục
quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của
Thành ủy, Chỉ thị, Kế hoạch của UBND Thành phố về công tác phòng, chống tội phạm,
phòng, chống ma túy. Kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho Ban
chỉ đạo 138 các cấp, chú trọng ở cấp cơ sở; trong đó, phân công, phân cấp trách
nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống ma túy.
- Ban hành các Kế hoạch chỉ đạo và
huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đơn vị trường
học trên địa bàn và nhân dân vào công tác phòng, chống ma túy.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các
chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chiến lược, chủ trương, chính sách,
kế hoạch về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn. Đưa nội dung nhiệm vụ
phòng, chống ma túy vào chương trình kế hoạch phát triển
kinh tế, xã hội của địa phương mình và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh
giá kết quả thực hiện của các tổ chức Đảng, Đảng viên đối với công tác phòng,
chống ma túy; định kỳ có bình xét làm căn cứ đê phân loại thi đua.
2. Tổ chức các hoạt
động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực chuyên
môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường thị trấn
- Triển khai đồng bộ các loại hình
thông tin, tuyên truyền của hệ thống cơ quan thông tin, tuyên truyền, tổ chức
chính trị - xã hội các cấp, chú trọng đổi mới nội dung, duy trì, phát huy loại
hình tuyên truyền có hiệu quả (tuyên truyền trực quan qua bảng tin, pano...
tại các địa điểm đông người, ở trung tâm các xã, phường, thị trấn; qua các
trang mạng internet, bảo điện tử, mạng xã hội
zalo, Facebook...). Thực hiện xã hội hóa công tác
tuyên truyền.
- Nội dung tuyên truyền tập trung chủ
yếu: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về
phòng, chống ma túy; hướng dẫn giúp nhân dân nhận diện tội phạm và các vi phạm
pháp luật, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và tệ nạn ma túy như: các dấu
hiệu của người nghiện ma túy, các phương thức, biện pháp đề phòng ngừa số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây án; cách nhận biết cây có chứa chất ma túy, tác hại của ma túy tổng hợp nhất là các loại ma túy mới để giúp người
dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phát
hiện, tố giác tội phạm...; tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin về Chương
trình điều trị Methadone, các chính sách, biện pháp cai nghiện ma túy Thành phố
đang triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào nhóm đối tượng nghiện,
sử dụng ma túy và gia đình người nghiện, người sử dụng ma túy.
- Tổ chức các cuộc thi về chủ đề
phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác tuyên truyền; tập huấn, bồi dưỡng kỹ
năng, nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt
ở cơ sở, trong đó, tập trung tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của Đội
công tác xã hội tình nguyện, Đội thanh niên tình nguyện, hội viên các đoàn thể,...
đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực tiếp trong các cơ quan, đơn vị, trường
học và trong nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm,
phức tạp về ma túy; phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ, chức sắc
trong các tổ chức tôn giáo, các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, người tiêu
biểu trong xã, phường, thị trấn, hình thành mạng lưới tuyên truyền viên trong cộng
đồng dân cư.
- Tuyên truyền trọng điểm vào số người
có nguy cơ cao về tội phạm và tệ nạn ma túy ở cộng đồng như: người nghiện, người
sử dụng ma túy, người sau cai nghiện ma túy; người làm trong nhà hàng, cơ sở
kinh doanh dịch vụ có điều kiện, người đang làm ăn xa, thanh thiếu niên bỏ học,
sống lang thang, học sinh trong trường học, cán bộ, công nhân, viên chức, người
lao động theo thời vụ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đối tượng tù tha
về ma túy, người đang quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang cai
nghiện trong các cơ sở cai nghiện, người phạm tội về ma túy trong cơ sở giam giữ...
Đồng thời, làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy ở
khu dân cư.
3. Rà soát, thống
kê, phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã, phường, thị trấn; phân loại người
nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, người nghỉ nghiện ma túy và lập hồ sơ quản
lý
- Thường xuyên rà soát địa bàn (từ
tổ dân phố, xóm,
thôn) xác định số người nghiện ma túy, người sử dụng
ma túy. Phát động quần chúng phát hiện, cung cấp thông tin về người sử dụng
trái phép chất ma túy, khuyến khích người nghiện, người sử dụng ma túy và gia
đình tự nguyện khai báo tình trạng nghiện. Xác minh thông tin về các trường hợp
nghi nghiện, rà soát, phát hiện người nghiện mới, thu thập thông tin về người
nghiện ma túy đang sinh sống ngoài xã hội, phân loại, lập hồ sơ quản lý. Thống kê, bổ sung, cập nhật thông tin kịp thời về người nghiện mới phát hiện,
đảm bảo 100% người nghiện có hồ sơ quản lý, phục vụ tốt công tác phòng ngừa, đấu
tranh, lập hồ sơ cai nghiện ma túy, xây dựng xã, phường, thị trấn “không có
tệ nạn ma túy”.
- Phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các
Cơ sở cai nghiện ma túy (gồm cả các cơ sở cai nghiện ma túy được thành lập
theo Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ), cơ sở điều
trị Methadone đóng trên địa bàn; trao đổi, cung cấp danh sách, theo dõi, quản
lý số người nghiện đang điều trị tại các cơ sở cai nghiện; các trường hợp kết
thúc điều trị nghiện tại các cơ sở khi về cộng đồng để có biện pháp quản lý sau
cai, lập hồ sơ theo dõi hiệu quả.
- Thường xuyên rà soát đánh giá tình
hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, số đối tượng có nguy cơ
liên quan đến hoạt động tội phạm ma túy, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá tính
chất mức độ phức tạp về tệ nạn ma túy trên địa bàn, chỉ rõ các nguyên nhân, điều
kiện làm phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy làm cơ sở đề xuất giải pháp phòng ngừa,
đấu tranh có hiệu quả, phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn.
- Xác định phân loại các địa bàn trọng
điểm theo Quyết định số 3122/2010/QĐ-BCA ngày 09/8/2010 của Bộ Công an về ban
hành tiêu chí phân loại.
4. Công tác điều
trị nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
- Thường xuyên rà soát, kiểm danh, kiểm
diện người nghiện ma túy, phân loại xác định những người nghiện đủ điều kiện
tham gia các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy thì tuyên truyền, tư vấn, vận
động đi cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc lập
hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc.
- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động
của Tổ công tác cai nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn
(theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của
Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng), tổ chức các lớp tập
huấn cho các thành viên Tổ công tác cai nghiện ở cơ sở về cách thức tư vấn, quản
lý người nghiện tại gia đình, cộng đồng. Chỉ đạo xây dựng các điểm cắt cơn, tư vấn cai nghiện
tại cộng đồng, tổ chức các điểm và tạo điều kiện cho gia
đình, người nghiện ma túy đến khai báo tình trạng nghiện ma túy của người thân,
của bản thân và đăng ký hình thức cai nghiện ma túy; nghiên cứu, triển khai,
nhân rộng các mô hình cai nghiện có hiệu quả, nhất là mô hình cai nghiện tại
gia đình, cộng đồng.
- Thực hiện quy hoạch mạng lưới và
triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm
sóc, hỗ trợ và điều trị nghiện tại cộng đồng” trên địa bàn Thành phố theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013
và Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai
thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý
và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”.
- Tiến hành xem xét, đánh giá về tình
trạng nghiện, hoàn cảnh gia đình, nhân thân của người nghiện ma túy để lập kế
hoạch cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; quản lý, theo dõi và hỗ trợ các đối
tượng cai nghiện tại gia đình. Tăng cường cai nghiện tại cộng đồng đối với những
người mới mắc nghiện.
- Quan tâm tổ chức dạy nghề và giải
quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, tạo điều kiện vay vốn, sản xuất
kinh doanh và tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, phòng, chống tái nghiện ma
túy; có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sử dụng lao động
là người sau cai nghiện ma túy nhằm khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho
cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận giải quyết việc làm, dạy nghề cho người
sau cai.
- Tiếp tục triển khai và từng bước
nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, hình thức quản lý sau cai nghiện
ở cộng đồng như mô hình Câu lạc bộ sau cai, hình thức phân công cho hội viên
các đoàn thể, tình nguyện viên, thanh niên tình nguyện đảm nhận quản lý giúp đỡ
người sau cai phòng, chống tái nghiện; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục,
thể thao và các hoạt động xã hội khác. Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả các
mô hình đó đề xuất tiếp tục triển khai nhân rộng.
5. Tổ chức các hoạt
động phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về ma túy; quản lý địa bàn không để
hình thành điểm nóng về ma túy ở cơ sở
a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa
xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ
- Làm tốt công tác điều tra cơ bản,
quản lý hành chính về nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thường
xuyên rà soát địa bàn (từ tổ dân phố, xóm, thôn), tăng cường kiểm tra các cơ sở
kinh doanh có điều kiện như nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường nhằm chủ động
phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng để hoạt động mua
bán, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nắm chắc di biến động của
người nghiện và người sử dụng ma túy, đặc biệt quản lý chặt chẽ, có hiệu quả
các đối tượng phạm tội về ma túy, đối tượng trọng điểm (chú trọng đối tượng
đã chấp hành xong bản án phạt tù, những người
từ các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện về địa phương).
- Tăng cường công tác tuần tra kiểm
soát, xây dựng các chốt lưu động kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp
về ma túy và địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy. Kịp thời phát hiện
và triệt xóa các tụ điểm, điểm mua bán lẻ ma túy trên địa bàn.
- Củng cố, duy trì nâng cao hiệu quả
thu thập thông tin liên quan tệ nạn ma túy qua các “đường dây nóng”, “hòm thư tố
giác tội phạm và tệ nạn ma túy” để động viên, tạo điều kiện
cho nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm ma túy và người nghiện ma túy tại
cộng đồng dân cư, đồng thời có những biện pháp đảm bảo bí mật, an toàn cho người
cung cấp tin. Mở rộng và nâng cao chất lượng của các mô hình hoạt động có hiệu
quả trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tệ nạn ma túy ở khu dân cư như: “Tổ
đoàn kết”, “Khu phố tự quản”, “Tổ An ninh nhân dân” và các mô hình Câu lạc bộ
phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
b) Tăng cường đấu tranh mạnh với tội
phạm về ma túy
- Tập trung mọi lực lượng, áp dụng đồng
bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, bắt giữ, xử lý triệt để số đối tượng
hoạt động ổ nhóm, đường dây ma túy lớn sử dụng phương thức, thủ đoạn phức tạp trên
địa bàn. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đặc biệt là tội phạm ma
túy; tăng cường lực lượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các địa bàn giáp
ranh, công cộng, xác định đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển trái phép chất
ma túy tập trung triệt xóa, bóc gỡ.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh
doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; quản lý, kiểm tra, giám sát ngăn chặn hiệu quả việc thất thoát, thẩm
lậu tiền chất, hóa chất, dược liệu vào việc sản xuất ma túy tổng hợp trên địa
bàn Thành phố. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động mua bán
liên quan đến các loại thuốc, thuốc thú y có chứa hoạt chất gây nghiện, chất hướng
thần, tiền chất ma túy được phép nhập khẩu, sản xuất lưu hành tại Việt Nam, phòng
ngừa hành vi chiết xuất, sản xuất trái phép chất ma túy...
- Lựa chọn các vụ án điểm điều tra,
truy tố, tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy
phục vụ công tác tuyên truyền.
6. Quan
tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị, phương tiện; tăng cường đào
tạo tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ và pháp luật cho lực lượng chuyên
trách làm công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội về ma túy,
công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy... nhằm đáp ứng yêu cầu thực
tiễn trong tình hình mới; đồng thời, đề xuất ban hành các chế độ đãi ngộ đặc
thù, hợp lý cho lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
về ma túy. Kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích
xuất sắc tham gia tích cực công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy;
phát hiện, phòng ngừa và phá bỏ cây có chứa chất ma túy.
IV. ĐỊA ĐIỂM ĐẦU
TƯ, THỜI GIAN THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Địa điểm đầu tư: Các Sở, ban,
ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 Thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn.
2. Thời gian thực hiện dự án: Giai đoạn
2016 - 2020.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN DỰ ÁN
- Nguồn kinh phí thực hiện Dự án: từ
nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu “Đảm bảo trật tự an toàn
giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy” của Bộ Công
an giai đoạn 2016 - 2022 và nguồn ngân sách của địa phương hoặc các nguồn huy động
hợp pháp khác.
- Nội dung và mức chi theo Thông tư
liên tịch số 96/2014/TTLT-BTC-BCA ngày 17/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công an
hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia
phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn khác theo quy định.
VI. PHÂN CÔNG NHIỆM
VỤ
1. Công an Thành phố (cơ quan thường
trực Ban Chỉ đạo 138 Thành phố)
a) Tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố,
Ban Chỉ đạo 138 Thành phố:
- Xây dựng, ban hành, triển khai các
văn bản về công tác phòng, chống ma túy theo các nội dung của Dự án đề ra; báo
cáo sơ, tổng kết các kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống ma túy và
chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy (theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia,
các Bộ, ngành Trung ương và Thành phố).
- Lựa chọn triển khai thí điểm, tập
trung chỉ đạo: xây dựng mô hình điểm ở một số phường trọng điểm về ma túy trên
địa bàn quận Đống Đa; xây dựng mô hình hình điểm về xây dựng xã, phường, thị trấn
không tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Đông Anh.
- Phân bổ, hướng dẫn về việc thực hiện
kinh phí Chương trình mục tiêu có hiệu quả; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND
Thành phố bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố để thực hiện Dự án.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát và định
kỳ tổng hợp kết quả thực hiện Dự án; khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy.
b) Tổ chức rà soát, hướng dẫn các quận,
huyện, thị xã: phân loại các địa bàn trọng điểm theo Quyết định số
3122/2010/QĐ-BCA ngày 09/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành tiêu chí
phân loại; tổ chức ký cam kết xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma
túy; tổ chức bình xét, cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị
trấn không tệ nạn ma túy.
c) Triển khai thực hiện đồng bộ các
biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng đấu tranh, triệt xóa các đường dây ma
túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia, các cơ sở sản xuất ma túy tổng
hợp trái phép, các điểm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép ma túy; giải quyết
điểm phức tạp về tệ nạn ma túy. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong
kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc tân dược, thuốc thú y chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma túy,...
2. Sở Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là
y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tốt việc phối hợp với các ngành và địa phương
trong việc xét nghiệm xác định tình trạng nghiện ma túy; tiếp tục phối hợp triển
khai tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng.
- Duy trì hoạt động các cơ sở điều trị
Methadone, phối hợp với các ngành chức năng quản lý tốt số người đang điều trị
bang Methadone. Chủ động phối hợp với cơ quan Công an nơi có Cơ sở điều trị
Methadone, để bảo vệ an ninh trật tự tại nơi cơ sở trú đóng.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tân dược, thuốc gây
nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai trên địa bàn Thành phố. Tích cực
triển khai, tập trung hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện và quản lý sau
cai tại gia đình và cộng đồng.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống
ma túy, các mô hình, điển hình về công tác cai nghiện có
hiệu quả, các xã, phường làm tốt công tác phòng, chống ma túy, Tình nguyện viên
Đội công tác xã hội tình nguyện giúp đỡ người cai nghiện thành công, thực hiện
tốt phong trào “Tình nguyện
viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện hòa nhập cộng đồng”.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới và triển khai thí điểm mô hình “Điểm
tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nghiện tại cộng đồng trên địa bàn Thành phố”
theo Quyết định số 2596/QĐ- TTg ngày 27/12/2013 và Quyết định số 1640/QĐ-TTg
ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai
nghiện ma túy” trên địa
bàn Thành phố; chỉ đạo, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thí
điểm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn cơ quan báo chí và chỉ đạo
hệ thống thông tin cơ sở nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội
phạm, phòng, chống ma túy với nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng.
- Tổ chức thực hiện Kế hoạch số
165/KH-UBND ngày 02/8/2018 của UBND Thành phố về thực hiện Đề án “Truyền
thông phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” thuộc Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Chính phủ trên
địa bàn thành phố Hà Nội.
5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư
- Thẩm định, trình UBND Thành phố báo
cáo HĐND Thành phố quyết định giao dự toán chi ngân sách
cho Công an Thành phố và các đơn vị phục vụ công tác phòng, chống ma túy theo
quy định của pháp luật; hướng dẫn đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo đúng quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Phối hợp với Công an Thành phố, các
đơn vị có liên quan tham mưu báo cáo UBND Thành phố quyết định phân bổ kinh phí
Chương trình mục tiêu “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phòng cháy, chữa
cháy, phòng, chống
tội phạm và ma túy” hàng năm cho các đơn vị thực hiện
theo quy định.
- Tham mưu UBND Thành phố cân đối, đảm
bảo các nguồn kinh phí phục vụ kịp thời nhiệm vụ đột xuất hoặc theo sự chỉ đạo
của Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Thành phố và UBND Thành phố phục vụ công tác phòng,
chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát phát hiện kịp thời các cơ quan, đơn
vị, cá nhân trồng trái phép các cây có chứa chất ma túy;
quản lý chặt chẽ thuốc thú y chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất
ma túy.
7. Cục Hải quan Thành phố: Chỉ đạo
các đơn vị trực thuộc phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm
soát tại các khu vực cửa khẩu thuộc các tuyến hàng không,
bưu điện, chú ý lĩnh vực xuất nhập khẩu tân dược, thuốc thú y, hóa chất, tiền
chất... liên quan đến ma túy. Thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp kiểm soát
các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn
Thành phố.
8. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân,
Tòa án nhân dân Thành phố: Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các
quận, huyện, thị xã và phối hợp chặt chẽ cơ quan điều tra cùng cấp, tăng cường
công tác truy tố, xét xử các vụ án phạm tội về ma túy; tăng cường công tác
nghiên cứu hồ sơ, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa
người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam thành phố Hà Nội: Chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chính quyền cùng
cấp chủ động lồng ghép các hoạt động Dự án với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận
động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện phòng, chống tội phạm và tệ nạn
ma túy, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý
giáo dục người nghiện sau cai nghiện ở xã, phường, thị trấn.
10. Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp Phụ
nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi
Thành phố: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy.
Tích cực vận động người nghiện và gia đình người nghiện tự nguyện cai nghiện tại
các cơ sở cai nghiện ma túy. Phân công hội viên đảm nhận, quản lý, giúp đỡ trực
tiếp người nghiện sau cai là con hội viên hoặc ở cộng đồng sau 02 năm không tái
nghiện. Tạo việc làm, hỗ trợ người sau cai nghiện vay vốn sản xuất, kinh doanh ổn
định đời sống... Tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
cơ sở; chỉ đạo xây dựng một số mô hình điểm Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tham
gia xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.
11. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà
Nội: Xây dựng các phóng sự, tài liệu tuyên truyền phòng, chống ma túy nâng cao
nhận thức trong các tầng lớp nhân dân; kịp thời cảnh báo phương thức thủ đoạn của
tội phạm ma túy, đồng thời nêu gương điển hình tiên tiến,
gương người tốt việc tốt trong đấu tranh phòng, chống ma túy... .
12. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể: Căn
cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo quy định của Luật Phòng, chống ma
túy, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và Thành phố xây dựng kế hoạch
cụ thể, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy
lồng ghép các hoạt động chuyên môn của đơn vị.
13. UBND các quận, huyện, thị xã
- Xây dựng kế hoạch, đề ra các giải
pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn của địa phương; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc
thực hiện.
- Chỉ đạo Công an cùng cấp tổ chức
phòng, ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi liên quan đến ma túy. Tổ
chức rà soát người nghiện, người sử dụng ma túy, lập hồ sơ theo dõi, quản lý và
làm tốt công tác quản lý người nghiện sau cai nghiện ma túy. Tăng cường hỗ trợ
vay vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy có việc
làm, có thu nhập ổn định cuộc sống và phòng, chống tái nghiện.
- Xây dựng nội dung, chương trình, hướng
dẫn xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phòng
chống ma túy cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy
xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn tuyên truyền viên ở
xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức phân loại tình trạng tệ nạn
ma túy tại xã, phường, thị trấn và chỉ đạo việc tổ chức ký cam kết xây dựng xã,
phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Định kỳ hàng năm tổ chức bình xét, cấp
giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.
- Thực hiện phân bổ kinh phí của Dự
án từ nguồn ngân sách Trung ương, Thành phố theo đúng mục đích, nội dung của Dự
án. Bố trí, bổ sung nguồn ngân sách của địa phương và các
nguồn huy động hợp pháp khác để thực hiện Dự án. Quản lý
và sử dụng hiệu quả kinh phí của Dự án.
14. UBND các xã, phường, thị trấn
a) Chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn
thực hiện các nhiệm vụ:
- Giúp Ban Chỉ đạo 138 cấp xã chủ
trì về công tác phòng, chống ma túy; xây dựng kế hoạch và tổ chức
triển khai các mặt công tác phòng, chống ma túy; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
ở các cụm dân cư, thôn, cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện rà soát, lập danh sách thống
kê người nghiện, người sử dụng ma túy và các đối tượng liên quan ma túy.
- Tổ chức phân công, quản lý, hỗ trợ
cho 100% người nghiện ma túy đã hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tại gia
đình, cộng đồng và tại các Cơ sở cai nghiện ma túy.
- Tổ chức tuần tra tại các tụ điểm phức
tạp về ma túy để ngăn ngừa việc tụ tập, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất
ma túy.
- Lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện
vào cơ sở cai nghiện ma túy; phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia quản
lý, giáo dục người nghiện ma túy và đối tượng sau cai nghiện, giữ gìn an ninh
trật tự tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở điều trị Methadone trú đóng trên địa
bàn.
- Tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động
của “hòm thư” tố giác tội phạm và người liên quan đến ma túy.
b) Chỉ đạo Trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng,
thực hiện tư vấn và tham gia quản lý cai nghiện ma túy tại gia đình cho các đối
tượng có nhu cầu cai nghiện.
c) Chỉ đạo cán bộ khối Văn hóa - Xã hội,
Tư pháp xã, phường, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ: Có kế hoạch cụ thể tuyên
truyền phòng, chống ma túy phù hợp với từng địa bàn dân cư, trình độ dân trí và
đến được các đối tượng có nguy cơ cao. Tham gia hướng dẫn, tư vấn về pháp luật,
hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và giải quyết các vấn đề
sau cai nghiện.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban,
ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đề nghị các đoàn thể Thành
phố căn cứ nội dung Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai đến các cấp
cơ sở để chỉ đạo tổ chức thực hiện; đồng thời, chấp hành
chế độ thông tin, báo cáo hàng năm (từ ngày 16/11 năm trước đến ngày 15/11
năm sau), đột xuất, báo cáo tổng kết Dự án theo quy định gửi Công an Thành
phố tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- V01, C04 (Bộ Công an);
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Lê Hồng Sơn, Ngô Văn Quý;
- Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- Các cơ quan, báo, đài của Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP P.C.Công, Đ.H.Giang, các Phòng KGVX, NC, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXt.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Sơn
|