Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 118/BC-UBTVQH12 Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Tòng Thị Phóng
Ngày ban hành: 13/05/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 118/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2008

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 558/NQ-UBTVQH12 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” (XHH công tác CSSKND), do đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn. Thành viên Đoàn giám sát gồm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, một số ĐBQH, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo trung ương Đảng. Đoàn giám sát đã làm việc với các Bộ, ngành hữu quan và một số địa phương, cơ sở; đã xem xét báo cáo kết quả giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe liên quan đến nhiều lĩnh vực, tuy nhiên phạm vi giám sát lần này chỉ giới hạn vào việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác CSSKND, trong đó tập trung vào lĩnh vực cốt yếu nhất, đó là phòng bệnh và khám chữa bệnh giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2007.

Tại phiên họp thứ 8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ và Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua xem xét các báo cáo của Chính phủ và của Đoàn giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND. Báo cáo tập trung vào hai nội dung sau:

Phần thứ nhất: Thực hiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND.  

Phần thứ hai: Một số kiến nghị liên quan đến XHH công tác CSSKND.

 

Phần thứ nhất.

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

1. Nội dung chính sách pháp luật XHH công tác CSSK nhân dân

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và tăng dần đầu tư nguồn lực cho công tác CSSK nhân dân. Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với sự quản lý của Nhà nước, xây dựng hệ thống y tế kết hợp công và tư, trong đó y tế công giữ vai trò chủ đạo, từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII,VIII, IX, X và gần đây nhất Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 về công tác CSSKND trong tình hình mới đều đề cập đến xã hội hóa CSSKND. Nội dung các nghị quyết của Đảng đã nêu rõ chủ trương huy động mọi nguồn lực tham gia công tác CSSKND theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Căn cứ các chủ trương đó, Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh để thể chế hoá chủ trương của Đảng. Mặc dầu khả năng tài chính còn khó khăn, nhưng Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư để ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, các loại thuốc mới và đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế để đảm bảo việc CSSK nhân dân ngày càng hiệu quả hơn.

Tuy hiện nay chưa có luật, pháp lệnh quy định về XHH công tác CSSKND, song vấn đề này được thể hiện trong nội dung của một số luật, pháp lệnh, các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội như: Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, Luật dược.. Đó là những văn bản có một số quy định trực tiếp và cụ thể về XHH công tác CSSKND. Ngoài ra, một số văn bản khác như Luật ngân sách Nhà nước, Luật đất đai, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật P/c nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật P/c bệnh truyền nhiễm, Nghị quyết hàng năm của Quốc hội... đã có những quy định liên quan đến XHH công tác CSSKND.

Mục tiêu của chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND là nhằm huy động, khai thác các nguồn lực xã hội để tăng thêm Điều kiện đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, người dân được chăm sóc sức khỏe thuận lợi, có hiệu quả; mọi người có cơ hội tham gia bình đẳng vào việc CSSKND. Nội dung cơ bản của chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND thể hiện ở các nội dung cụ thể như sau:

Chính sách pháp luật về tăng nguồn lực nhà nước đầu tư cho công tác CSSKND, thể hiện quan điểm coi CSSK là ưu tiên hàng đầu cũng như vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc CSSKND.

Chính sách pháp luật về huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, đoàn thể, xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo trong CSSKND thông qua tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức vệ sinh phòng bệnh, tham gia BHYT, tự giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Chính sách pháp luật về huy động cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng cơ sở y, dược tư nhân phục vụ CSSK.

Chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ cho các cơ sở y tế công lập, huy động thêm nguồn lực khác để cơ sở y tế công có Điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKND, cụ thể là tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết trong bệnh viện công.

2. Kết quả thi hành chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND

2.1. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh liên quan đến chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND

Căn cứ vào nội dung một số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều Nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Luật dược, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật dược, Luật P/c HIV/AIDS... Các văn bản hướng dẫn được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế, có những quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện các nội dung XHH công tác CSSKND, phù hợp với quy định của luật và pháp lệnh.

Trước nhu cầu đòi hỏi nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện công, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, nghị định chỉ đạo thực hiện XHH nói chung, trong đó có XHH công tác CSSKND nói riêng. Đó là Nghị quyết 90/1997/NQ-CP, Nghị định 73/1999/NĐ-CP; Nghị định 10/2002/NĐ-CP; Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 53/2006/NĐ-CP...  Nội dung của các nghị quyết và nghị định này quy định về cơ chế tự chủ cho cơ sở sự nghiệp công, trong đó có cơ chế thực hiện liên doanh liên kết. Thực tế những năm qua cho thấy nội dung các nghị định nêu trên đã phù hợp và tạo ra diện mạo mới cho bệnh viện công, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các tầng lớp dân cư. Những kết quả đó đã thể hiện sự năng động của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

2.2. Thi hành chính sách pháp luật về tăng nguồn lực cho CSSKND

a) Về chi ngân sách cho CSSKND

Trong những năm qua tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho CSSKND tuy tiếp tục tăng, nhưng tăng chậm[1]. Ngân sách đã tập trung đầu tư cho phòng bệnh, khám chữa bệnh, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nhân dân sống ở vùng khó khăn. Từ năm 2006, Chính phủ đã quy định mức đầu tư bình quân cho CSSK đối với người dân ở vùng khó khăn với hệ số ưu tiên tăng từ 1,8 đến 2,4 lần so với vùng đô thị. Mặc dù chưa đạt mức gấp 3 lần như đề nghị của Bộ Y tế, nhưng Điều đó đã thể hiện sự cố gắng lớn của Chính phủ trong khi Điều kiện ngân sách hạn hẹp. Chính phủ đã chỉ đạo đưa nhiều dự án ODA về CSSK đến các vùng nông thôn, miền núi. Chính sách ưu đãi CSSK đã được mở rộng diện áp dụng đối với người dân ở xã thuộc Chương trình 135, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, người nghèo và từ năm 2008 với cả hộ cận nghèo. Định mức hỗ trợ của ngân sách qua BHYT cho một số đối tượng ưu tiên đã tăng từ 80.000 đ/thẻ lên 130.000 đ/thẻ... Đến nay có những tỉnh miền núi, 80-90% dân số được chăm sóc sức khoẻ thông qua BHYT.

Hiện nay, nước ta chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về tỷ lệ chi ngân sách cho CSSK[2] để phù hợp với mục tiêu đặt ra của công tác CSSKND. Nghị quyết hàng năm của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội cũng chỉ ghi chung là tăng cường nguồn lực cho CSSKND và tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở y tế công, tập trung cho y tế huyện[3]. Bên cạnh đó, quy định của Luật ngân sách đã giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trong việc quyết định phân bổ ngân sách ở địa phương. Do vậy, tỷ lệ chi ngân sách cho CSSK ở địa phương là tùy thuộc quyết định của tỉnh, thành phố, chưa có cơ chế để các bộ ngành tham gia Điều chỉnh bảo đảm các mục tiêu CSSK được thực hiện trên phạm vi cả nước. Kết quả là, tỷ lệ ngân sách chi y tế rất khác nhau giữa các địa phương, có nơi chi 5,5%, có nơi chi 6%, có nơi chi 8% ngân sách cho CSSK. Mức chi cao hay thấp là tùy thuộc vào sự quan tâm cũng như nguồn tăng thu ở địa phương, bởi khi phân bổ ngân sách các địa phương đều phải tập trung cho các ưu tiên về hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề giáo dục, vấn đề môi trường nên nhiều địa phương khó có thể giành ưu tiên để tăng ngân sách cho CSSK, thậm chí có tỉnh còn cắt giảm kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch nguy hiểm để dành cho hoạt động khác[4].

Tuy vậy, việc phân cấp ngân sách cũng tạo ra cơ chế để nhiều địa phương chủ động quan tâm đầu tư cho CSSK, như hỗ trợ nâng cấp hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện huyện, đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các bệnh viện[5]; cung cấp trang thiết bị kỹ thuật y tế, cho vay vốn để nâng cấp thiết bị y tế[6], hỗ trợ đời sống cán bộ y tế ở cơ sở, cán bộ y tế dự phòng, mức độ quan tâm đầu tư phụ thuộc vào Điều kiện của từng tỉnh, thành phố.

b) Về đầu tư nguồn lực cho hoạt động y tế dự phòng

Đây là lĩnh vực Đoàn giám sát rất quan tâm. Qua thực tế cho thấy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội[7], Chính phủ vẫn tiếp tục giữ và tăng dần kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, trong đó hầu hết là các dự án thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Dự án phòng, chống sốt rét vẫn được tiếp tục duy trì để chủ động ngăn ngừa dịch sốt rét bùng phát, nhất là ở vùng kinh tế-xã hội rất khó khăn. Tuy nhiên, nên đưa dự án phòng, chống sốt xuất huyết trở lại Chương trình mục tiêu quốc gia, vì hiện nay dịch sốt xuất huyết vẫn đang bùng phát ở nhiều tỉnh phía Nam[8].

Tương tự như ngân sách chi CSSKND, tỷ lệ ngân sách chi hoạt động y tế dự phòng cũng chưa được quy định cụ thể. Tại nhiều tỉnh, tỷ lệ ngân sách cho phòng bệnh chỉ đạt 10-12%, trong khi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ này ít nhất phải là 30%. Một số tỉnh tuy có hỗ trợ thêm cho y tế dự phòng, nhưng chủ yếu là do cấp bách phải chi để chống dịch khi đã có dịch bệnh nguy hiểm xẩy ra ở trên địa bàn tỉnh[9]

Việc chưa quan tâm đúng mức đầu tư nguồn lực cho y tế dự phòng làm cho hoạt động y tế dự phòng ngày càng sa sút. Đa số cán bộ y tế dự phòng có kinh nghiệm và tâm huyết sẽ về hưu trong 5-10 năm tới[10], trong khi hiện nay không tuyển được cán bộ. Việc đầu tư cho y tế dự phòng theo hướng chống dịch là chính dẫn đến kết quả là khó có khả năng đảm bảo an toàn sức khỏe cho xã hội mỗi khi dịch bệnh bùng phát mạnh.

2.3. Kết quả thi hành chính sách pháp luật về huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, đoàn thể và xã hội trong các hoạt động CSSK.

a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe, khuyến khích lối sống vệ sinh, lành mạnh

Một số hoạt động nhằm huy động nhân dân tham gia CSSK đã được triển khai có hiệu quả từ những năm 1960, như việc khuyến khích nếp sống vệ sinh, diệt ruồi, diệt muỗi, xây dựng nhà tắm, hố tiêu, giếng nước có hỗ trợ một phần của Nhà nước. Chính nhờ phong trào đó, Việt Nam đạt được nhiều chỉ số sức khỏe tiến bộ hơn so với mức thu nhập và được quốc tế đánh giá cao về công tác chăm sóc sức khỏe trong khi Điều kiện kỹ thuật y tế còn hạn chế. Hiện nay, Nhà nước tiếp tục duy trì nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vệ sinh phòng bệnh. Các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân, cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí đã có nhiều chương trình, đề án tuyên truyền việc phòng, chống dịch bệnh. Nhiều địa phương đã có các hình thức sáng tạo, lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và gắn kết với các phong trào ở cộng đồng dân cư, ở trường học... Do đó, nhận thức của toàn dân về vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn và rèn luyện sức khỏe đã nâng lên một bước, góp phần thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhận thức của người dân và cộng đồng về phòng bệnh, giữ gìn và nâng cao sức khỏe chưa cao. Môi trường vệ sinh không đảm bảo, bệnh dịch dễ phát sinh[11], tình trạng lạm dụng bia, rượu[12], thuốc lá, chế độ dinh dưỡng không hợp lý còn phổ biến... đã gây nguy hại cho sức khỏe,  giảm năm sống khỏe mạnh của người dân. Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng về XHH công tác CSSK là nâng cao nhận thức để biết cách tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, để mỗi người tự lo, tự chuẩn bị cho mình cuộc sống khỏe mạnh[13], biết sơ cấp cứu ban đầu tránh nguy hiểm đến tính mạng[14], giảm gánh nặng cho y tế[15].

Để Điều chỉnh hành vi của mỗi người, để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia và thuốc lá, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với tuyên truyền vận động, rất cần phải có quy định pháp luật, nhưng cho đến nay, chưa có quy định pháp lý cụ thể về vấn đề này. Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân mới quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng, dự án Luật P/c tác hại thuốc lá đang soạn thảo, hiện vẫn chưa có kế hoạch xây dựng Luật P/c lạm dụng rượu, bia và Luật chăm sóc sức khỏe tâm thần[16].

Trong nội dung các luật, pháp lệnh liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân, đều có một số quy định về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, tuy nhiên mới chỉ là các quy định chung và chưa có chế tài cụ thể. Vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá các chủ trương chính sách xã hội nói chung và y tế nói riêng, chưa được quy định theo chuẩn mực hợp lý. Mặt khác do kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền hạn chế nên chưa đủ khả năng mở rộng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng[17].

Gần đây, với chỉ đạo kiên quyết của Quốc hội và Chính phủ, Luật P/c HIV/AIDS, Luật P/c bệnh truyền nhiễm đã có quy định cụ thể về việc các phương tiện thông tin đại chúng phải dành thời lượng hợp lý và tuyên truyền miễn phí về P/c HIV/AIDS, P/c bệnh truyền nhiễm... Tuy mới chỉ là quy định pháp lý trong phạm vi giới hạn về P/c HIV/AIDS và P/c bệnh truyền nhiễm, song đây là cơ sở pháp lý cụ thể để thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn và nâng cao sức khỏe.

Chính phủ đã quy định về cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện công tác CSSK. Tại nhiều địa phương, ban chỉ đạo CSSK các cấp được thành lập, hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tổ chức và hoạt động của ban CSSK vẫn còn mang tính hình thức, có khi còn khoán trắng cho y tế và chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có tình hình khẩn cấp do dịch bệnh phát sinh.

b) Về bảo hiểm y tế: Thực hiện BHYT là một trong giải pháp tài chính quan trọng của XHH công tác CSSKND. Bảo hiểm y tế là cơ chế tài chính chi trả trước cho khám chữa bệnh, là cơ chế chi trả tiến bộ, văn minh đã được thế giới khẳng định. Từ những năm 1989-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã trình dự án Pháp lệnh bảo hiểm Y tế. Tuy dự án chưa được thông qua, song Chính phủ đã có cơ sở pháp lý để triển khai thí điểm thực hiện BHYT. Đến nay, qua 4 lần Điều chỉnh chính sách và thay đổi mô hình về BHYT, chúng ta cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Theo báo cáo, hiện nay 42% dân số tham gia BHYT, quỹ BHYT đóng góp gần 50% cho hoạt động của bệnh viện, chiếm 35% ngân sách hoạt động ngành y tế.

Trong mấy năm vừa qua, rất nhiều ý kiến của cử tri về các vấn đề liên quan đến BHYT, Điều đó chứng tỏ chính sách này thực sự đã và đang là nhu cầu rất lớn của người dân. Dự án Luật bảo hiểm y tế sẽ được trình Quốc hội khóa XII, tại kỳ họp thứ 3. Nội dung dự án Luật BHYT đã thể hiện rõ quan điểm coi BHYT là chính sách xã hội và định hướng tiến tới BHYT toàn dân.

Việc ban hành Luật BHYT với lộ trình sớm tiến tới BHYT toàn dân sẽ là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển y tế tư nhân, đẩy nhanh thực hiện liên doanh, liên kết, khám chữa bệnh theo nhu cầu ở các bệnh viện công. Khi người dân được quỹ BHYT sẽ chi trả, họ có thể đi khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế, không phân biệt là công, tư hay cổ phần.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ban hành Luật bảo hiểm y tế, cần sớm khắc phục tình trạng lạm dụng BHYT từ bệnh nhân và từ bệnh viện gây mất cân đối thu chi quỹ BHYT, đảm bảo hài hoà quyền lợi của các bên tham gia BHYT.

c) Về thu một phần viện phí: Từ năm 1989, Nhà nước đã cho phép thu một phần viện phí tại các cơ sở y tế công. Chính sách thu một phần viện phí đã dần dần được hoàn chỉnh, đến nay việc quản lý viện phí đã đi vào nề nếp. Mặc dù giá một phần viện phí rất thấp và được quy định từ năm 1995, tuy năm 2005 có bổ sung giá của một số dịch vụ y tế, song về cơ bản nguồn thu một phần viện phí đã thể hiện cụ thể kết quả XHH công tác CSSK nhân dân. Nếu trong những năm qua không có nguồn từ thu một phần viện phí, thì nhiều bệnh viện công khó có thể duy trì hoạt động thường xuyên. Tuy vậy, về cơ bản viện phí không phải là hình thức chi trả phù hợp để xây dựng nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển y tế, do đó cần sớm thay thế thu một phần viện phí dần bằng cơ chế BHYT.

d) Về các hoạt động từ thiện, nhân đạo: Việc thực hiện XHH qua hoạt động từ thiện xã hội trong CSSKND đã và đang phát triển tích cực, đa dạng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và nhiều đoàn thể, cá nhân, các hội, các tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo thông qua nhiều hình thức rất đa dạng, đầy lòng nhân ái, giàu tính nhân văn, phát huy truyền thống của toàn dân ta như: cung cấp bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ mổ mắt, phẫu thuật Điều trị bệnh tim bẩm sinh cho hàng ngàn người; chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, chăm sóc trẻ em mồ côi nhiễm HIV, nuôi người già cô đơn. Cá biệt có trường hợp một gia đình ở Lâm đồng, đã nhận chăm sóc hàng trăm bệnh nhân tâm thần. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động do hàng trăm tổ chức của bạn bè quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã tổ chức và tham gia hỗ trợ CSSK cho người nghèo, trẻ em, người dân ở các vùng khó khăn... 

Hoạt động từ thiện, nhân đạo trong CSSK diễn ra rất khác nhau giữa các địa phương. Có nơi, như Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo ở t/p Hồ Chí Minh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ việc CSSK cho người nghèo; có bệnh viện thuộc chuyên ngành khó khăn như Bệnh viện tâm thần tỉnh Tiền Giang, đã huy động gần 500 triệu đ/năm để lo bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần. Các hoạt động từ thiện nhân đạo đã đóng góp không nhỏ vào việc CSSKND và giúp đỡ nhiều người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định đời sống.

Tuy nhiên, để các hoạt động từ thiện nhân đạo hỗ trợ CSSK phong phú và có hiệu quả hơn, rất cần hành lang pháp lý về vấn đề này[18].

2.4. Kết quả thi hành chính sách pháp luật phát triển cơ sở y, dược tư nhân

Đây là những nội dung quan trọng và cụ thể trong chính sách XHH, chính vì vậy báo cáo của nhiều địa phương và ngành y tế về thực hiện XHH công tác CSSK chủ yếu tập trung phân tích kết quả thực hiện các chính sách này.

Khuyến khích phát triển cơ sở y, dược tư nhân được quy định cụ thể trong một số luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội[19]. Các quy định pháp lý đã tạo Điều kiện thuận lợi để hình thành gần 70 bệnh viện tư nhân, gần 30.000 phòng khám y tế tư nhân; 21.600 quầy thuốc tư nhân và đại lý dược. Hoạt động y tế tư nhân đã chia sẻ một lượng lớn bệnh nhân trong khám bệnh ngoại trú với cơ sở y tế nhà nước, đã tạo thuận lợi hơn cho nhân dân  trong khám, chữa bệnh. Một số bệnh viện tư nhân đã phát triển kỹ thuật y tế hiện đại nên tạo Điều kiện cho bệnh nhân chữa trị bệnh ngay trong nước, giảm bớt sự tốn kém so với việc ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, số lượng và chất lượng cơ sở y tế tư nhân chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn cơ sở y tế tư nhân chỉ triển khai các dịch vụ dễ làm, các loại xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh dễ thu hồi vốn. Đa số bệnh viện tư quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp[20].

Thông tin từ một số cơ sở y tế tư nhân cho thấy, các quy định của pháp luật về Điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở y tế tư nhân được đánh giá là phù hợp. Những khó khăn hiện nay chủ yếu liên quan đến mức thuế cao[21], không có mặt bằng thuận lợi để xây dựng bệnh viện tư, hoặc những khó khăn liên quan đến các thủ tục hành chính. Có bệnh viện tư nhân cho biết họ phải chờ đợi 5 tháng để xin thẩm định hệ thống nước thải của bệnh viện, sự kéo dài đó không phải là do phức tạp của kỹ thuật mà do sự đùn đẩy giữa các cơ quan nhà nước; hoặc một số kiến nghị như việc tham gia xét thi đua khen thưởng; hoặc chưa được tham gia hội nghị tổng kết ngành một cách bình đẳng, chưa được gửi cán bộ đi đào tạo, hoặc việc bệnh viện tư nhân bị thanh tra nhiều.... Những phàn nàn đó chỉ liên quan đến thủ tục hành chính, bởi vì quy định pháp luật về thi đua khen thưởng, về giáo dục - đào tạo đều không thể hiện sự phân biệt đối xử giữa cơ sở y tế công với y tế tư nhân. Trên thực tế, nhà nước đã tặng nhiều bằng khen, huân chương, huy chương cho một số cơ sở y tế tư nhân để ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Sự thiếu hụt nhân lực y tế hiện nay, nhất là thiếu bác sĩ ở cả bệnh viện công và bệnh viện tư nhân cũng là khó khăn rất lớn để thực hiện chính sách XHH công tác CSSKND. Mặc dù nhu cầu nhân lực phục vụ cơ sở y tế tư nhân đã tăng ngay sau khi Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân được ban hành năm 1994, song việc dự báo, tạo Điều kiện và có cơ chế khuyến khích để tăng khả năng đào tạo nhân lực y tế, nhất là bác sĩ để đáp ứng nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế tư nhân chưa được quan tâm đúng mức[22]. Đến nay, nguồn nhân lực cơ sở y tế tư nhân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở y tế công lập. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế đáp ứng cho các địa phương, trong đó có các trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cần sớm được tổng kết và phải tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Y tế với Bộ Giáo dục – Đào tạo để sớm đáp ứng nguồn nhân lực y tế và yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

2.5. Kết quả thi hành chính sách pháp luật về tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết trong bệnh viện công

Trong nội dung các nghị quyết hàng năm Quốc hội đã ghi: Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, hoặc...  đổi mới cơ bản phương thức quản lý đối với các đơn vị giáo dục, y tế.  Hiện nay chưa có luật, pháp lệnh quy định cụ thể về đổi mới cơ chế hoạt động của cơ sở y tế công lập cũng như tổ chức khám chữa bệnh theo nhu cầu, liên doanh, liên kết ở bệnh viện công. Tuy nhiên trước nhu cầu thực tế về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, nghị định để hướng dẫn thực hiện hoạt động cơ sở sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở y tế nói riêng theo cơ chế tự chủ.

Thực tế cho thấy các hoạt động khám, chữa bệnh theo nhu cầu, liên doanh, liên kết tại bệnh viện công đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đổi mới trang bị kỹ thuật y tế, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, góp phần cải thiện đời sống cán bộ nhân viên y tế khi ngân sách còn hạn hẹp[23]. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn huy động phục vụ nâng cấp trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Các thiết bị y tế hiện đại nhất đã được áp dụng tại Việt Nam. Cán bộ y tế Việt nam đã vươn lên làm chủ được nhiều kỹ thuật y tế hiện đại; việc cung ứng, bảo hành, sửa chữa, mua sắm các thiết bị y tế hiện đại và xây dựng cơ sở vật chất đã thuận lợi hơn theo cơ chế liên doanh, liên kết[24].

Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý nên việc triển khai thi hành chính sách này gặp một số khó khăn, tiến độ chậm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Ví dụ mô hình y tế bán công, được hình thành và áp dụng một thời gian, sau đó đã bị loại bỏ bởi e ngại có sự lẫn lộn tài sản công và tài sản tư nhân. Nhiều bệnh viện công lúng túng khi triển khai liên doanh, liên kết sử dụng thiết bị y tế, bởi vì các cơ quan quản lý nhà nước chậm hướng dẫn về tỷ lệ chia lợi nhuận trong các hoạt động này. Có bệnh viện trình UBND tỉnh 5 tháng vẫn chưa phê duyệt xong tỷ lệ chia lợi nhuận. Do cơ chế pháp lý chưa rõ, có tỉnh phê duyệt chia lãi theo tỷ lệ là 3/7; có nơi tỷ lệ là 7/3; có nơi là 5/5, thậm chí có nơi quy định cụ thể bằng tiền cho mỗi lần sử dụng thiết bị, có nơi trả khoán cho bệnh viện 100 ngàn đồng/1 lần chụp CT. Để yên tâm về quản lý tài chính khi triển khai hoạt động liên doanh liên kết, hàng năm các bệnh viện đều thuê kiểm toán độc lập[25].

Hiện nay do chưa phân biệt rạch ròi giữa tài sản công với tài sản tư nhân, do những hình ảnh bệnh nhân ở khu khám chữa bệnh theo yêu cầu với đầy đủ tiện nghi, rộng rãi xen lẫn với cảnh bệnh nhân nằm chen chúc 2-3 người/giường trong cùng một bệnh viện công đã tạo ra những phản ứng trong xã hội. Vì vậy, ở một số địa phương, chưa có sự đồng thuận cao trong việc triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu và liên doanh liên kết trong bệnh viện công.

Việc triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh, liên kết chỉ thuận lợi với bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, bởi vì đây là bệnh viện tuyến cuối và có nhiều bệnh nhân. Đối với y tế tuyến huyện và cơ quan y tế dự phòng, triển khai XHH đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và có ít bệnh nhân[26]. Ngoài ra, việc thực hiện XHH tuy thúc đẩy bệnh viện tuyến trên đổi mới liên tục về kỹ thuật y tế, song XHH cũng làm xuất hiện hiện tượng ở một số nơi có sự sao nhãng việc thực hiện chức năng chỉ đạo và hỗ trợ kỹ thuật cho y tế tuyến dưới, ảnh hưởng đến sự liên kết, hỗ trợ trong hệ thống y tế công[27].

Qua giám sát ở cơ sở cho thấy, thực tế hoạt động ở các bệnh viện công đang rất cần những quy định pháp lý về sử dụng nhà, đất của các bệnh viện công để liên doanh liên kết, hoặc để xây dựng các khu Điều trị theo yêu cầu. Đa số ý kiến cho rằng nên tạo Điều kiện để bệnh viện công thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh, liên kết, nhưng đề nghị nên tách biệt khỏi bệnh viện công để tránh sự lẫn lộn tài sản công và tư.  Một số ý kiến đề nghị các bệnh viện công cần được nhà nước đầu tư đồng bộ hiện đại hơn, nhân lực cần vươn lên để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, đáp ứng được vai trò chủ đạo và chỉ làm nhiệm vụ của bệnh viện công. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích mạnh mẽ để phát triển bệnh viện tư. Như vậy sẽ phát huy được nhiều sự đóng góp của các thành phần kinh tế. Đây thực sự là những vấn đề lớn, bởi CSSK là dịch vụ công đặc biệt và bệnh viện công là cơ sở phúc lợi xã hội chung, vì vậy cần được tiếp tục đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện hơn.

3. Đánh giá chung thi hành chính sách pháp luật XHH công tác CSSK

3.1. Những mặt được

Quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND đã tác động tích cực đến nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị và người dân. Những kết quả vừa qua đã khẳng định chủ trương XHH công tác CSSKND thực sự mang lại lợi ích cho người dân và xã hội. Người dân biết cách giữ gìn và nâng cao sức khỏe, có cơ hội tham gia BHYT, dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ kỹ thuật y tế hiện đại; thầy thuốc được cập nhật và làm chủ kỹ thuật y tế tiến tiến để phục vụ CSSKND và đời sống được cải thiện một bước[28].

Thực hiện XHH qua liên doanh liên kết đã góp phần cải thiện đáng kể trang thiết bị y tế của bệnh viện công ở nhiều vùng trong thời gian ngắn, góp phần đưa kỹ thuật y tế Việt Nam dần theo kịp với các nước trong khu vực Đông Nam Á, hạn chế việc người Việt Nam phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, gần 70 bệnh viện tư nhân, trong đó có những bệnh viện tư nhân với trang thiết bị y tế hiện đại và đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp CSSKND.

Người nghèo, người cận nghèo, người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em, người dân ở vùng miền núi, các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được CSSK tốt hơn nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ qua hoạt động từ thiện nhân đạo.

Mục tiêu BHYT toàn dân đang dần dần trở thành hiện thực, đó là Điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thực hiện chính sách công bằng và hiệu quả trong CSSKND, thúc đẩy việc triển khai mạnh mẽ XHH công tác CSSKND.

Đạt được những kết quả trên là do định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của các cấp[29], các ngành; sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho công tác CSSK mặc dù ngân sách còn hạn hẹp; sự Điều hành tập trung, nỗ lực và vận dụng sáng tạo của Chính phủ đối với sự nghiệp CSSKND; bên cạnh đó nhờ kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đã góp phần thúc đẩy việc XHH công tác CSSKND.

3.2. Những tồn tại cần quan tâm để khắc phục trong thời gian tới

- Chính sách, pháp luật XHH công tác CSSKND chưa được triển khai toàn diện; chủ yếu mới tập trung vào chính sách huy động phát triển y tế tư nhân và khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết ở các bệnh viện công. Chưa thể hiện đúng mức vai trò chủ đạo của Nhà nước trong CSSK, chưa phát huy tính chủ động của mỗi người dân trong phòng chống dịch bệnh, giữ gìn và nang cao sức khỏe. Mức đầu tư thấp cho CSSK như hiện nay, kết hợp với việc đẩy mạnh liên doanh liên kết tại bệnh viện công thì tỷ lệ chi phí y tế do người dân tự chi trả sẽ ngày càng tăng cao[30].

- Tại địa phương có Điều kiện kinh tế xã hội khá, việc triển khai XHH công tác CSSKND thuận lợi, người dân dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ nhiều thành quả của XHH. Tuy nhiên một bộ phận người dân nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó có khả năng tài chính và Điều kiện để tiếp cận và hưởng thụ thành quả của XHH công tác CSSKND.

- Triển khai đồng loạt chính sách XHH thông qua việc giao quyền tự chủ tài chính ở tất cả địa phương, các cơ sở y tế công, kể cả chữa bệnh, dự phòng, bệnh viện lao, bệnh viện tâm thần, nhi khoa, trong khi chưa kịp thời Điều chỉnh cơ chế phân bổ ngân sách, đã phát sinh một số hậu quả tiêu cực. Đó là góp phần tạo ra sự cách biệt giữa các tuyến y tế, giữa các chuyên khoa và giữa các địa phương[31]; sự chuyển dịch cán bộ y tế giỏi từ miền núi về miền xuôi, từ nông thôn về thành thị, từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ y tế dự phòng sang Điều trị, kết quả này đã  ảnh hưởng không tốt đến hệ thống y tế, đặc biệt là y tế công.

- Việc thực hiện XHH qua tự chủ tài chính đã cho phép cơ cở y tế lấy nguồn thu để bù nguồn tăng lương cho cán bộ y tế, vì vậy các bệnh viện phải tận thu để tăng nguồn thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế[32].

- Việc tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết trong bệnh viện công như hiện nay, hoặc việc tiến hành cổ phần hóa các bệnh viện  công…là những vấn đề cần được tổng kết, đánh giá thận trọng, phân tích một cách khoa học để định hướng đúng, bảo đảm mục tiêu định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường.

Nguyên nhân của những tồn tại

- Nhận thức chưa đúng của một số cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo một số địa phương và xã hội về chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND, vì vậy ở một số địa phương chưa tạo ra sự đồng thuận cao trong việc thực hiện chính sách XHH.

- Chưa có đầy đủ hành lang pháp lý về XHH công tác CSSKND, nhất là pháp luật về tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu và liên doanh liên kết tại bệnh viện công, chủ trương XHH công tác CSSKND lại là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có tiền lệ và kinh nghiệm thực tiễn ở nước ta.

- Chính sách chăm sóc sức khỏe là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn dân[33], vì vậy khi thay đổi cơ chế chính sách cần có quá trình chuẩn bị kỹ các Điều kiện để từng bước chuyển đổi nhận thức và xây dựng kịp thời các quy định pháp luật, tránh các hiện tượng tiêu cực trong khám, chữa bệnh, lạm dụng kỹ thuật, hoặc lạm dụng các loại thuốc chữa trị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân (nhất là người nghèo).

- Công tác phòng, chống dịch bệnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức,  tuyên truyền giao dục sức khỏe hiệu quả chưa cao, chưa phát động được phong trào quần chúng tham gia thường xuyên vào hoạt động phòng, chống dịch  bệnh. Một số hoạt động tuyên truyền còn hình thức, kém hiệu quả.

- Việc chuyển đổi cơ chế hoạt động của cơ sở y tế công cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN[34] là đúng hướng, song do chưa có kinh nghiệm nên các cơ quan quản lý nhà nước chưa dự báo được những ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do thực hiện chính sách XHH; chưa thường xuyên thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhất là việc thanh tra, kiểm tra việc thi hành XHH công tác CSSKND ở địa phương[35].

Phần thứ hai.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN ĐẾN XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Thực hiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND trong những năm qua đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên cần hoàn thiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND làm cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm tạo ra sự chuyển biến đồng bộ của các ngành, các cấp trong việc thực hiện chủ trương và quan điểm của Đảng và Nhà nước về XHH, đó là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng với sự tham gia của người dân và xã hội, đổi mới cơ chế chi ngân sách cho các lĩnh vực xã hội; củng cố, mở rộng hệ thống an sinh xã hội, đổi mới cơ chế quản lý để đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện chế độ tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung ứng dịch vụ công. Trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát, xin kiến nghị Quốc hội một số vấn đề sau:

1. Đối với Quốc hội     

- Sớm ban hành các dự án luật liên quan đến lĩnh vực y tế, trước hết là các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, đồng thời bổ sung một số dự án luật vào chương trình như: Luật phòng chống lạm dụng rượu, bia; Luật chăm sóc sức khỏe tâm thần; sớm phục hồi dự án phòng chống sốt xuất huyết vào trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

- Ban hành Luật BHYT với lộ trình BHYT toàn dân sớm nhất, bởi vì BHYT góp phần hữu hiệu để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do thực hiện XHH qua khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết tại bệnh viện công.

- Giảm mức thuế đối với các hoạt động XHH ở các bệnh viện công, bệnh viện tư nhân; miễn thuế đối với hoạt động XHH của cơ sở y tế dự phòng[36].

- Khi thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, cần cân nhắc kỹ về các quy định cho thuê tài sản của các đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính (đặc biệt là bệnh viện công). Đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật việc giao Chính phủ quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản nhà nước tại các bệnh viện công để các cơ sở này thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.

- Ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết chuyên đề  nhằm xây dựng nền y tế Việt Nam công bằng hiệu quả và phát triển với nội dung chính như sau:

+ Khẳng định xây dựng nền y tế dựa trên BHYT toàn dân; chăm sóc sức khỏe là loại dịch vụ công đặc biệt; vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đảm bảo CSSKND; chuyển hướng dần từ đầu tư của Nhà nước cho bệnh viện sang đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng qua cơ chế BHYT. Dành tỷ lệ ít nhất 10% ngân sách đầu tư cho CSSK từ năm 2010, trong đó ít nhất dành 30% cho YTDP.

+ Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đầy đủ các nội dung của chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND, tạo sự chuyển biến cơ bản để tăng nhận thức của người dân và cộng đồng nhằm nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe; huy động các nguồn lực để phát triển và mở rộng các cơ sở y tế tư nhân, khắc phục hạn chế phát sinh khi thực hiện XHH để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện công.

+ Sửa đổi quy định về viện phí[37] trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí, trong đó quy định rõ phần nào do Nhà nước hỗ trợ, phần nào người dân tự chi trả; thay đổi cách thanh toán viện phí hợp lý. Trên cơ sở viện phí, quy định mức đóng BHYT cho phù hợp nhằm cân đối quỹ BHYT, đẩy nhanh BHYT toàn dân.

+ Thực hiện tốt hơn công bằng, hiệu quả và phát triển trong CSSK, thay đổi cơ cấu đầu tư ngân sách cho CSSK, trong đó giành ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có Điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và cho các lĩnh vực phòng bệnh và phòng chống bệnh xã hội.

+ Hoàn thiện chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế, kết hợp chấn chỉnh tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân.

2. Đối với Chính phủ

- Chỉ đạo sự phối hợp liên ngành và tăng đầu tư để thực hiện có kết quả công tác CSSKND, khẳng định CSSK là dịch vụ công đặc biệt và đầu tư cho CSSK là đầu tư phát triển; sớm thay đổi viện phí cho phù hợp, thực hiện các giải pháp để thúc đẩy BHYT toàn dân.

- Chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi một số quy định để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do liên doanh, liên kết ở các bệnh viện công.

- Chỉ đạo hai ngành y tế, giáo dục và đào tạo ban hành cơ chế huy động nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu nhu cầu về nguồn nhân lực cho CSSK nhân dân; hoàn thiện chế độ đãi ngộ cán bộ y tế, kết hợp với các biện pháp kiểm soát y đức.

- Chỉ đạo Bộ Y tế:

+ Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực CSSK, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật trong lĩnh vực CSSK, nhất là dự án luật liên quan đến XHH công tác CSSK để trình Chính phủ và Quốc hội, thường xuyên thanh tra kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND.

+ Tăng cường, cải tiến để nâng cao hiệu quả của thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về XHH công tác CSSK, truyền thông vận động nhân dân nâng cao sức khỏe; ban hành các quy định nhằm huy động và phát huy thế mạnh của nền y học cổ truyền Việt nam trong công tác CSSKND.

+ Ban hành quy chuẩn về xét nghiệm và dịch vụ y tế, nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội để luật hóa các quy định về liên doanh, liên kết tại bệnh viện công.

+ Thường xuyên kiểm tra việc đấu thầu thuốc để bệnh nhân được hưởng giá thuốc công bằng hơn[38]; tiến tới các biện pháp đấu thầu một số thuốc trên phạm vi cả nước.

+ Thành lập Hội đồng y khoa với sự tham gia của cán bộ y tế trong và ngoài công lập để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế và đảm bảo sự bình đẳng trong nền y tế kết hợp công và tư.

+ Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện quy định pháp luật về dân chủ cơ sở trong quá trình thực hiện XHH tại các bệnh viện công như công khai vốn vay, mua sắm, phân chia lợi ích; tuyển chọn thầu, mua máy móc thiết bị...

Trên đây là Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện XHH công tác CSSK nhân dân từ năm 2002 đến cuối năm 2007, xin kính trình Quốc hội.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thành viên Đoàn giám sát;
- Ủy ban về CVĐXH;
- HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT;
- Đoàn ĐBQH;HĐND tỉnh, thành phố;
- Lưu VP, Vụ CVĐXH, Tổng hợp.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
PHÓ CHỦ TỊCH QH, TRƯỞNG ĐOÀN GIÁM SÁT




T
òng Thị Phóng

 



[1] Ngân sách NN chi y tế: Năm 2002 là 4,4%; 2005 là 5,9%;  2007 là 5,6%; 2008 là 6,1%.

[2] Qua tham khảo, chỉ có Báo cáo nghiên cứu tài chính trung hạn (từ một dự án của Bộ Tài chính) đưa ra lộ trình tăng dần tỷ lệ ngân sách chi y tế giai đoạn 2005-2015.

[3] Nghị quyết QH, 2008:“.. Tăng cường đầu tư nâng cấp  y tế công, tập trung y tế huyện...”.

[4] Các Bộ, ngành đã thông báo với tỉnh rằng, nếu tỉnh cắt giảm kinh phí CTMTQG, nghĩa là tỉnh không có nhu cầu chi lĩnh vực đó, nếu vậy năm tới TƯ sẽ chỉ phân bổ cho tỉnh bằng số tiền còn lại sau khi tỉnh đã cắt giảm, từ năm 2005 đã chấm dứt việc cắt giảm. 

[5] HĐND tỉnh Hà Tây, Hải Dương đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở tất cả bệnh viện ở tỉnh.

[6] T/p HCM hỗ trợ cơ sở y tế vay mua thiết bị y tế không lấy lãi từ vốn kích cầu; Bến Tre cho vay với lãi suất thấp.

[7] Nghị quyết của  Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2007: ... Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

[8]   Năm 2007, hàng chục nghìn người bị sốt xuất huyết, vài chục người chết, chủ yếu là trẻ em.

[9] Tại 1 tỉnh phía Bắc, khi có dịch tả, tỉnh phải chi 4 tỷ để chống dịch, trong đó 0,5 tỷ dành cho YTDP, còn lại là mua thuốc, thiết bị y tế; theo anh em YTDP nếu đầu năm tỉnh cấp 1 tỷ để chủ động P/c dịch thì sẽ đỡ phải mất 4 tỷ để chống dịch.

[10]tỉnh, cả khoa Thực phẩm và dinh dưỡng của TT y tế dự phòng tỉnh chỉ có duy nhất 1 bác sĩ, làm sao có đủ sức thực hiện chính sách quốc gia Vệ sinh an toàn TP.

[11] Môi trường sống bẩn là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch tiêu chảy cấp.

[12] Nghiên cứu năm 2007 của Viện Nghiên cứu chiến lược và  chính  sách (Bộ Y tế) cho thấy: Đối tượng lạm dụng rượu bia nhiều nhất là cán bộ công chức;

[13] Tháng 04/2008, UBND t/p Hồ Chí Minh đã quy định hỗ trợ 1 triệu đ/hộ để xây hầm Bioga, 0,4 triệu/hộ để xây nhà vệ sinh tự hoại.

[14] Theo một báo cáo nghiên cứu: Các cơ sở y tế chỉ cấp cứu được được khoảng 12% số nạn nhân, số còn lại đã tử vong vì không được sơ cấp cứu tại chỗ kịp thời.

[15] Nếp sống của người dân ở nhiều nơi không hợp vệ sinh, gà chết dịch vứt ra nơi công cộng; sử dụng rượu, bia, thuốc lá tràn lan; tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh rất thấp (theo báo cáo ở nhiều nơi là 80%, nhưng thực tế Điều tra chỉ đạt 30-40%).

[16] Nhiều quốc gia đã có luật về khuyến khích nâng cao sức khỏe (Health promotion), hoặc luật riêng (P/c tác hại thuốc lá, P/c lạm dụng rượu bia, về dinh dưỡng, về sức khỏe tâm thần).

[17] Tại nhiều địa phương, cán bộ y tế đều cho rằng chi phí truyền thông về sức khỏe rất đắt, vì vậy các dự án, chương trình y tế không có đủ nguồn lực để thực hiện, bởi vì cơ quan truyền thông cũng tự chủ về tài chính nên họ cũng phải tìm cách để tăng nguồn thu. .

[18] Ví dụ trường hợp gia đình ở Lâm đồng đang chăm sóc bệnh nhân tâm thần, lỡ không may một bệnh nhân lên cơn làm chết người khác thì sẽ xử lý theo quy định của luật nào ?

[19] Nghị quyết Quốc hội năm 2007:  “..Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở.....bệnh viện, phòng khám tư”.

[20] Tại Hà Nội có 9 bệnh viện tư, chủ yếu 20-60 giường, tỷ lệ sử dụng giường bệnh rất thấp;

[21] Một số bệnh viện tư thành lập theo quy định Luật doanh nghiệp phải chịu mức thuế 28%

[22] Gần 60% bác sĩ ở cơ sở y tế tư là đang làm ở bệnh viện công; tại bệnh viện công có bác sĩ khám 100 bệnh nhân/ngày do đó không bảo đảm chất lượng khám bệnh. Các trường Đại học y không muốn tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, vì nguồn kinh phí quá thấp (6-7 triệu/SV/năm).

Việc thanh tra hoạt động y tế tư nhân rất khó, ví dụ tại T/p HCM có hàng chục ngàn cơ sở y tế tư nhân, nhưng chỉ có dưới 10 cán bộ thanh tra y tế thì làm sao hoạt động.

[23] Nhờ liên kết lắp đặt thiết bị y tế hiện đại, số bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh đã giảm.

[24] Tại bệnh viện công, khi máy chụp CT (mua bằng nguồn ngân sách) bị hỏng bóng đèn, phải đợi 3-4 tháng trình các cấp xin kinh phí để sửa. Đối với máy CT liên kết, nếu hỏng chỉ cần 4-5 ngày là hãng sẽ thay thế ngay và miễn phí. Theo các chuyên gia, cùng quy mô bệnh viện, cùng thiết bị y tế, nếu tư nhân đầu tư chỉ bằng 50-60% vốn so với Nhà nước đầu tư.

[25] Đã có một số cơ sở y tế mà lãnh đạo bị xử lý do thi hành XHH quá mức cho phép.

[26] Một số bệnh viện huyện liên kết đặt máy xét nghiệm song chỉ sau 1-2 tháng đã phải chấm dứt vì tỷ lệ sử dụng thấp, lỗ vốn nên nhà đầu tư rút lui.  

[27] Một số bệnh viện tỉnh cho biết, do mải thực hiện liên doanh liên kết để tăng thu nhập nên bệnh viện TƯ hạn chế nhiệm vụ hỗ trợ địa phương, mỗi năm kiểm tra tuyến dưới 1 lần, bác sĩ tuyến dưới cử lên học thì lấy tiền học phí cao.

[28] Tại nhiều bệnh viện, nhờ thực hiện XHH đã tăng thu nhập cho nhân viên, có nơi vài trăm ngàn đ/tháng, có nơi vài triệu đ/tháng/người.

[29] Nhiều tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã có nghị quyết chuyên đề về thực hiện XHH công tác CSSK

[30] Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004, Việt Nam được xếp thứ 183/194 nước về công bằng trong CSSK, bởi vì người dân phải tự chi trả 73% chi phí CSSK. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tỷ lệ này chỉ nên dưới mức 50%. 

[31] Hiện nay khoa nhi ở các bệnh viện khó khăn, nguyên nhân một phần là do cơ chế tự chủ kinh phí ở BV, do chính sách KCB miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; bất cập về đào tạo bác sĩ.

[32] Có Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện qua 1 năm thực hiện XHH thu 100 triệu, chi 40 triệu bù tiền lương, 10 triệu thuế. Do quá chú trọng XHH, tiết kiệm nguồn chi nên cán bộ YTDP đã hạn chế đi giám sát dịch bệnh ở cơ sở, bởi vì khoán công tác phí 150 ngàn/tháng.

[33] Khi có chủ trương thí điểm cổ phần hóa bệnh viện Bình dân ở t/p Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều ý kiến phản đối của xã hội. Khi tỉnh Thanh hóa vừa có chủ trương sắp xếp lại Bệnh viện thành phố Thanh hóa đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều..

[34] Cần khẳng định CSSK là một loại dịch vụ công đặc biệt.  

[35] Báo cáo của Chính phủ về thực hiện XHH rất ít số liệu và dẫn chứng từ địa phương, trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra các tỉnh là nhiệm vụ của Chính phủ.

[36] Vấn đề này đang được kỳ họp thứ 3 của Quốc hội xem xét trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

[37] Giá viện phí đã ban hành từ năm 1995 đến nay đã quá lạc hậu, trong khi các loại giá và tiền lương tối thiểu đã tăng vài lần.

[38] Có tỉnh đưa ra những quy định vô lý trong đấu thầu thuốc, như quy định doanh nghiệp phải có văn phòng đại diện ở tỉnh; phải kinh doanh 80 mặt hàng, phải có 10 dược sĩ đại học trở lên mới được tham gia đấu thầu cung ứng thuốc tại tỉnh.

Theo báo cáo giám sát của 1 số Đoàn Đại biểu QH; đến nay có tỉnh vẫn chưa thực hiện đấu thầu thuốc (đang thực hiện thỏa thuận giữa bệnh viện và công ty dược), có tỉnh đấu thầu theo từng bệnh viện; có tỉnh đấu thấu tập trung 1 đầu mối; có tỉnh đấu thầu thuốc theo 3-4 vùng trên địa bàn tỉnh).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo số 118/BC-UBTVQH12 ngày 13/05/2008 về việc kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.377

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.155.142
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!