Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 số 02/2016/QH14 áp dụng 2024

Số hiệu: 02/2016/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 18/11/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

1. Các hành vi bị nghiêm cấm

Theo Luật số 02/2016, các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo:

+ Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia; xâm hại đạo đức, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ tín ngưỡng.

+ Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

2. Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo

- Luật số 02/QH14 quy định các điều kiện để đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung như có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo; nhóm sinh hoạt có người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích, không đang trong thời gian bị xử lý hành chính; nội dung sinh hoạt đáp ứng theo quy định.

- Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi có các điều kiện như có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; có tôn chỉ, quy chế, mục đích hoạt động không trái pháp luật; có trụ sở hợp pháp; tên của tổ chức không được trùng với tên của tổ chức khác và điều kiện đối với người đại diện, nội dung sinh hoạt.

3. Điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016

- Tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ được công nhận là tổ chức tôn giáo khi có đủ các điều kiện sau:

+ Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;

+ Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật số 02/2016;

+ Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong thời gian bị xử lý hành chính, không có án tích và không phải là người đang bị buộc tội theo quy định;

+ Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương;

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

+ Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

4. Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo khi đáp ứng các điều kiện như có cơ sở vật chất, địa điểm hợp pháp đảm bảo cho việc đào tạo; có chương trình, nội dung đào tạo, có môn học lịch sử và pháp luật Việt Nam, có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Luật số 02/2016/QH14 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 02/2016/QH14

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2016

LUẬT

TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

2. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

2. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

3. Lễ hội tín ngưỡng là hoạt động tín ngưỡng tập thể được tổ chức theo lễ nghi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng.

4. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

5. Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.

6. Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.

7. Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.

8. Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức.

9. Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức.

10. Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.

11. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.

12. Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.

13. Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo.

14. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

15. Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

16. Người đại diện là người thay mặt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo tập trung, hoạt động tôn giáo của nhóm người hoặc tổ chức mà mình đại diện.

Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.

3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Điều 4. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Chương II

QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 7. Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và văn bản có nội dung tương tự (sau đây gọi chung là hiến chương) của tổ chức tôn giáo.

2. Tổ chức sinh hoạt tôn giáo.

3. Xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo.

4. Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo.

5. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo.

6. Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho.

7. Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền:

a) Sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;

b) Sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung;

c) Mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo;

d) Vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;

đ) Mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.

Điều 9. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật.

Chương III

HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG

Điều 10. Nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng

1. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Điều 11. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng

1. Cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng.

2. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý. Căn cứ kết quả bầu, cử và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu, cử.

4. Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

5. Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý nhà thờ dòng họ không phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 12. Đăng ký hoạt động tín ngưỡng

1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

3. Hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã được đăng ký thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng.

Điều 13. Tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ

1. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng diễn ra định kỳ chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm tiếp nhận thông báo đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã);

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm tiếp nhận thông báo đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là huyện);

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm tiếp nhận thông báo đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).

2. Văn bản thông báo nêu rõ tên lễ hội tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, dự kiến thành viên ban tổ chức và các điều kiện cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong lễ hội.

3. Việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ tại cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm bảo đảm việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng theo nội dung thông báo.

Điều 14. Tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi

1. Trước khi tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục sau thời gian gián đoạn hoặc lễ hội tín ngưỡng được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức lễ hội.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên lễ hội, nội dung lễ hội hoặc nội dung thay đổi so với trước, quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, dự kiến thành viên ban tổ chức và các điều kiện cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong lễ hội.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

Điều 15. Quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng

1. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch khoản thu từ việc tổ chức lễ hội.

2. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này.

Chương IV

ĐĂNG KÝ SINH HOẠT TÔN GIÁO TẬP TRUNG, ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

Điều 16. Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung

1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;

b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này.

2. Những người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:

a) Có giáo lý, giáo luật;

b) Tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.

Điều 17. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo.

2. Hồ sơ đăng ký gồm:

a) Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký; tên tôn giáo; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện; nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt tôn giáo, số lượng người tham gia;

b) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để làm nơi sinh hoạt tôn giáo;

c) Sơ yếu lý lịch của người đại diện nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung;

d) Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật đối với việc đăng ký quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

Điều 18. Điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo

Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

2. Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;

3. Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;

4. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

5. Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;

6. Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này.

Điều 19. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18 của Luật này gửi hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hồ sơ đăng ký gồm:

a) Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức; tên tôn giáo; tôn chỉ, mục đích; nội dung, địa bàn hoạt động; nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển ở Việt Nam; họ và tên người đại diện tổ chức; số lượng người tin theo; cơ cấu tổ chức, địa điểm dự kiến đặt trụ sở;

b) Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức;

c) Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

d) Quy chế hoạt động của tổ chức;

đ) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

3. Thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo:

a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh) cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối cấp chứng nhận đăng ký phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối cấp chứng nhận đăng ký phải nêu rõ lý do.

Điều 20. Hoạt động của tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý;

b) Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc;

c) Sửa chữa, cải tạo trụ sở;

d) Tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo;

đ) Tổ chức đại hội thông qua hiến chương.

2. Khi thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương V

TỔ CHỨC TÔN GIÁO

Mục 1. CÔNG NHẬN TỔ CHỨC TÔN GIÁO; THÀNH LẬP, CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT TỔ CHỨC TÔN GIÁO TRỰC THUỘC

Điều 21. Điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo

Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;

2. Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

3. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

4. Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương;

5. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

6. Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Điều 22. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo

1. Tổ chức đủ điều kiện theo quy định tại Điều 21 của Luật này gửi hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức đề nghị công nhận, tên giao dịch quốc tế (nếu có); tên tôn giáo; họ và tên người đại diện tổ chức; số lượng tín đồ, địa bàn hoạt động của tổ chức tại thời điểm đề nghị; cơ cấu tổ chức, trụ sở của tổ chức;

b) Văn bản tóm tắt quá trình hoạt động của tổ chức từ khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;

c) Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức;

d) Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

đ) Hiến chương của tổ chức;

e) Bản kê khai tài sản hợp pháp của tổ chức;

g) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

3. Thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận tổ chức tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không công nhận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương quyết định công nhận tổ chức tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không công nhận phải nêu rõ lý do.

Điều 23. Hiến chương của tổ chức tôn giáo

Hiến chương của tổ chức tôn giáo có những nội dung cơ bản sau đây:

1. Tên của tổ chức;

2. Tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động;

3. Địa bàn hoạt động, trụ sở chính;

4. Tài chính, tài sản;

5. Người đại diện theo pháp luật, mẫu con dấu;

6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;

7. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;

8. Điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, cách thức phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

9. Điều kiện, thẩm quyền, cách thức giải thể tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc;

10. Việc tổ chức hội nghị, đại hội; thể thức thông qua quyết định, sửa đổi, bổ sung hiến chương; nguyên tắc, phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ của tổ chức;

11. Quan hệ giữa tổ chức tôn giáo với tổ chức tôn giáo trực thuộc, giữa tổ chức tôn giáo với tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 24. Sửa đổi hiến chương

1. Tổ chức tôn giáo khi sửa đổi hiến chương phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này. Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, người đại diện, nội dung, lý do sửa đổi kèm theo hiến chương sửa đổi.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

3. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo hiến chương sửa đổi kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 25. Tên của tổ chức tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo phải có tên bằng tiếng Việt.

2. Tên của tổ chức tôn giáo không trùng với tên tổ chức tôn giáo khác hoặc tổ chức khác đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.

3. Tên của tổ chức tôn giáo được sử dụng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân khác.

4. Tên của tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận và bảo vệ.

5. Tổ chức tôn giáo thay đổi tên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này chấp thuận.

6. Tổ chức tôn giáo trực thuộc thay đổi tên thì tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này chấp thuận.

Điều 26. Thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo khi thay đổi trụ sở phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở mới và phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này.

2. Tổ chức tôn giáo trực thuộc khi thay đổi trụ sở phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở mới và thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này.

Điều 27. Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc thành nhiều tổ chức tôn giáo trực thuộc mới; sáp nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc vào một tổ chức tôn giáo trực thuộc khác; hợp nhất các tổ chức tôn giáo trực thuộc thành một tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

2. Sau khi chia, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia được chuyển giao cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

3. Sau khi tách, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị tách và tổ chức tôn giáo trực thuộc được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

4. Sau khi sáp nhập, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sáp nhập được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mà tổ chức đó được sáp nhập vào.

5. Sau khi hợp nhất, các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

Điều 28. Điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Hiến chương của tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc;

2. Hoạt động của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này;

3. Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

Điều 29. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Trước khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có tách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ lý do; tên tổ chức đề nghị; tên tổ chức tôn giáo trực thuộc dự kiến thành lập; tên tổ chức, người đại diện tổ chức trước và sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; địa bàn hoạt động, số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc tại thời điểm thành lập; địa bàn hoạt động, số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước và sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; cơ cấu tổ chức, địa điểm dự kiến đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

b) Văn bản tóm tắt quá trình hoạt động của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

c) Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức tôn giáo trực thuộc;

d) Hiến chương của tổ chức tôn giáo trực thuộc (nếu có);

đ) Bản kê khai tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo trực thuộc;

e) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

3. Thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có văn bản thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Hết thời hạn 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.

Điều 30. Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

2. Tổ chức tôn giáo đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 21 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Điều 31. Giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Theo quy định của hiến chương;

b) Không hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; ngừng hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm liên tục;

c) Hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo có quyền giải thể tổ chức tôn giáo.

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này có quyền giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Trước khi giải thể, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản. Tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo về việc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể.

4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Mục 2. PHONG PHẨM, BỔ NHIỆM, BẦU CỬ, SUY CỬ, THUYÊN CHUYỂN, CÁCH CHỨC, BÃI NHIỆM CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH

Điều 32. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương của tổ chức tôn giáo.

2. Người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

3. Việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật này.

Điều 33. Thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc

1. Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành; phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài; giảng sư trở lên của Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử.

2. Đối với các trường hợp phong phẩm hoặc suy cử chức sắc không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức sắc cư trú và hoạt động tôn giáo chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử.

3. Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, họ và tên, phẩm vị, địa bàn hoạt động, tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo kèm theo sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của chức sắc.

4. Trường hợp người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 34. Đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc

1. Tổ chức tôn giáo trước khi bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc sau đây có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương:

a) Thành viên ban lãnh đạo tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh;

b) Người đứng đầu tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động trong nhiều tỉnh;

c) Người đứng đầu cơ sở đào tạo tôn giáo.

2. Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức việc cư trú và hoạt động tôn giáo.

3. Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này.

4. Hồ sơ đăng ký gồm:

a) Văn bản đăng ký nêu rõ họ và tên người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; phẩm vị, chức vụ, địa bàn phụ trách trước và sau khi được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử;

b) Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử;

c) Bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

6. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

7. Đối với người dự kiến lãnh đạo tổ chức quy định tại các điều 19, 22, 29 và 38 của Luật này sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chỉ thực hiện thông báo kết quả về người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Điều 35. Thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là 20 ngày.

Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức thông báo, họ và tên, phẩm vị, chức vụ của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, địa bàn hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển, địa bàn hoạt động sau khi được thuyên chuyển đến.

2. Trước khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người đang bị buộc tội hoặc chưa được xóa án tích, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thuyên chuyển đến.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký, họ và tên, phẩm vị, chức vụ của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, địa bàn hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển, địa bàn hoạt động sau khi được thuyên chuyển đến.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

Điều 36. Cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc theo hiến chương của tổ chức.

2. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có văn bản về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33, khoản 1 và khoản 2 Điều 34 của Luật này.

Văn bản thông báo nêu rõ họ và tên, phẩm vị, chức vụ của người bị cách chức, bãi nhiệm; lý do cách chức, bãi nhiệm kèm theo văn bản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc về việc cách chức, bãi nhiệm.

3. Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này.

Mục 3. CƠ SỞ ĐÀO TẠO TÔN GIÁO, LỚP BỒI DƯỠNG TÔN GIÁO

Điều 37. Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

Tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo;

2. Có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo;

3. Có chương trình, nội dung đào tạo; có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo;

4. Có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Điều 38. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

1. Trước khi thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, tên cơ sở đào tạo, họ và tên người đại diện cơ sở đào tạo, sự cần thiết thành lập cơ sở đào tạo;

b) Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo cơ sở đào tạo;

c) Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo gồm các nội dung cơ bản: tên cơ sở đào tạo; địa điểm đặt trụ sở; chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức, nhân sự; trình độ, loại hình đào tạo; chương trình, nội dung giảng dạy và chuẩn đào tạo của từng trình độ đào tạo; tài chính, tài sản;

d) Dự thảo quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo;

đ) Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo; ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa điểm đặt cơ sở đào tạo tôn giáo.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tổ chức tôn giáo có văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo.

Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu tổ chức tôn giáo không thành lập cơ sở đào tạo thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.

5. Cơ sở đào tạo tôn giáo không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 39. Hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo

1. Chậm nhất là 20 ngày trước khi cơ sở đào tạo tôn giáo bắt đầu hoạt động, người đại diện cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo kèm theo văn bản thành lập, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh, danh sách thành viên ban lãnh đạo, báo cáo về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động.

2. Việc tổ chức đào tạo, tuyển sinh của cơ sở đào tạo tôn giáo thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh đã thông báo.

3. Cơ sở đào tạo tôn giáo khi sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Văn bản đăng ký nêu rõ lý do, nội dung thay đổi kèm theo quy chế sửa đổi.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Cơ sở đào tạo tôn giáo được hoạt động theo quy chế sửa đổi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả đào tạo của từng khóa học với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc khóa học. Văn bản thông báo nêu rõ tên cơ sở đào tạo tôn giáo, khóa đào tạo, số học viên tốt nghiệp.

5. Việc theo học của người nước ngoài tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Luật này.

Điều 40. Hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam.

Điều 41. Mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc mở lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi mở lớp. Văn bản đăng ký nêu rõ tên lớp, địa điểm, lý do, thời gian học, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách giảng viên.

Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

2. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi mở lớp chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai giảng. Văn bản thông báo nêu rõ tên lớp, địa điểm, lý do, thời gian học, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách giảng viên.

Trường hợp việc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo có hành vi quy định tại Điều 5 của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không tổ chức hoặc dừng việc mở lớp bồi dưỡng.

Điều 42. Giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo

1. Cơ sở đào tạo tôn giáo giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của tổ chức tôn giáo;

b) Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo;

c) Hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

2. Tổ chức tôn giáo có quyền giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có quyền giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo trong trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo về việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày giải thể.

3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

Chương VI

HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO; HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN, GIÁO DỤC, Y TẾ, BẢO TRỢ XÃ HỘI, TỪ THIỆN, NHÂN ĐẠO CỦA TỔ CHỨC TÔN GIÁO

Mục 1. HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

Điều 43. Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được công nhận, chấp thuận hoặc được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo theo quy định sau đây:

a) Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở một xã gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều xã thuộc một huyện gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều huyện thuộc một tỉnh gửi thông báo đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh;

d) Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh gửi thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức, tên các hoạt động tôn giáo, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.

3. Việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chỉ thực hiện một lần. Đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động.

Điều 44. Hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức hội nghị thường niên có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.

Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức; dự kiến thành phần, số lượng người tham dự; nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị.

2. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức hội nghị liên tôn giáo, hội nghị có yếu tố nước ngoài có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức; lý do tổ chức; dự kiến thành phần, số lượng người tham dự; nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị.

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 45. Đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước khi tổ chức đại hội có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức; lý do tổ chức; dự kiến thành phần, số lượng người tham dự; nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức đại hội;

b) Báo cáo tổng kết hoạt động của tổ chức;

c) Dự thảo hiến chương hoặc hiến chương sửa đổi (nếu có).

3. Thẩm quyền chấp thuận tổ chức đại hội:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một huyện trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều huyện thuộc một tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

c) Đối với việc tổ chức đại hội không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 46. Cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp

1. Trước khi tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức đề nghị, tên cuộc lễ, người chủ trì, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, quy mô, thành phần tham dự cuộc lễ.

2. Trước khi giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

Văn bản đề nghị nêu rõ họ và tên người đề nghị, nội dung, lý do, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, thành phần tham dự.

3. Thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có quy mô tổ chức ở một huyện trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi dự kiến tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có quy mô tổ chức ở nhiều huyện thuộc một tỉnh hoặc ở nhiều tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có trách nhiệm hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc lễ, giảng đạo.

Mục 2. HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Điều 47. Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt tôn giáo tập trung.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ họ và tên, quốc tịch, tôn giáo của người đại diện; lý do, thời gian, nội dung sinh hoạt, số lượng người tham gia, cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt;

b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc cư trú hợp pháp tại Việt Nam của người đại diện;

c) Văn bản đồng ý của người đại diện cơ sở tôn giáo hoặc giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 48. Hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức mời; tên tổ chức, cá nhân được mời; mục đích, nội dung các hoạt động; danh sách khách mời; dự kiến chương trình, thời gian và địa điểm tổ chức;

b) Bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Văn bản chứng minh chức danh hoạt động tôn giáo của người được mời.

3. Thẩm quyền chấp thuận hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo ở một tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh hoặc hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

6. Trong quá trình giảng đạo, chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài phải tôn trọng quy định của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo ở Việt Nam và tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 49. Người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam

1. Người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam phải là người cư trú hợp pháp ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tự nguyện đăng ký học và được cơ sở đào tạo tôn giáo gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ tên cơ sở đào tạo tôn giáo; họ và tên, quốc tịch của người đăng ký học, khóa học, thời gian học;

b) Bản dịch hộ chiếu của người đăng ký học sang tiếng Việt có công chứng.

c) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 50. Tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức, mục đích, chương trình, thời gian, địa điểm hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài;

b) Giấy mời hoặc văn bản chấp thuận tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo của tổ chức tôn giáo ở nước ngoài.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 51. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài

1. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

b) Tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho công dân Việt Nam ở Việt Nam.

2. Người được đề nghị phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đề nghị phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được đào tạo tôn giáo tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam;

b) Tuân thủ pháp luật Việt Nam.

3. Việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải được sự chấp thuận trước của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

4. Công dân Việt Nam được tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử ở nước ngoài khi về Việt Nam làm chức sắc, chức việc thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quản lý trực tiếp có trách nhiệm đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

5. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều này.

Điều 52. Hoạt động quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế theo hiến chương của tổ chức tôn giáo phù hợp với pháp luật Việt Nam.

2. Khi thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia có liên quan.

Điều 53. Gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài

1. Trước khi gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, mục đích, thời điểm gia nhập; tên, hiến chương, tôn chỉ, mục đích hoạt động, trụ sở chính của tổ chức tôn giáo nước ngoài;

b) Văn bản chấp thuận hoặc văn bản mời gia nhập của tổ chức tôn giáo nước ngoài.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Khi chấm dứt tham gia tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chấm dứt.

Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, tên tổ chức tôn giáo nước ngoài đã gia nhập, lý do chấm dứt, thời điểm bắt đầu chấm dứt.

Mục 3. HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC XUẤT BẢN, GIÁO DỤC, Y TẾ, BẢO TRỢ XÃ HỘI, TỪ THIỆN, NHÂN ĐẠO

Điều 54. Hoạt động xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm

Được thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo theo quy định của pháp luật về xuất bản và quy định khác của pháp luật.

Điều 55. Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo

Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VII

TÀI SẢN CỦA CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG, TỔ CHỨC TÔN GIÁO

Điều 56. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo

1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

4. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Điều 57. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo

Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 58. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo

1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.

3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.

Điều 59. Di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo

Việc di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng.

Chương VIII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Mục 1. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Điều 60. Nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

1. Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

7. Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 61. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại Luật này.

Điều 62. Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo

1. Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước.

2. Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban nhân dân các cấp;

b) Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 63. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo

1. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Mục 2. XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Điều 64. Xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ quy định của Luật này và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 65. Xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ

Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm sau đây:

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

2. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;

3. Vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 66. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 67. Điều khoản chuyển tiếp

1. Nhóm người đã được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực không phải làm thủ tục đăng ký, công nhận lại theo quy định tại các điều 17, 19 và 22 của Luật này.

2. Tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; hội đoàn tôn giáo, dòng tu và tổ chức tu hành tập thể đã được cấp đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực không phải làm thủ tục đề nghị, đăng ký lại theo quy định tại Điều 29 và Điều 38 của Luật này.

3. Đối với tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thì thời gian để công nhận là tổ chức tôn giáo theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này được tính từ khi tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

4. Tổ chức tôn giáo đã được công nhận trước ngày Luật này có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Các tổ chức tôn giáo này có trách nhiệm điều chỉnh hiến chương tại đại hội gần nhất theo quy định tại Điều 23 và đăng ký hiến chương sửa đổi theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

5. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực có trách nhiệm thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 của Luật này.

6. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cơ sở tín ngưỡng đã thông báo hoạt động tín ngưỡng hằng năm trước ngày Luật này có hiệu lực có trách nhiệm đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này.

Điều 68. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

NATIONAL ASSEMBLY
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 02/2016/QH14

Hanoi, November 18, 2016

 

LAW

ON RELIGION AND FOLK BELIEF

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

National Assembly promulgates the Law on religion and folk belief.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. The Law provides for the right to freedom of religion or belief; religious activities, practices of folk beliefs; religious organizations; rights and obligations of the agencies, organizations and individuals concerning religious activities and practices of folk beliefs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Terminology

In this Law, the following words and expressions shall bear the following meanings:

1. Folk belief represents the human’s faith manifested through rituals in connection with traditional custom to bring about individual and communal spiritual peace.

2. Practice of folk beliefs means the activities of worshiping ancestors and sacred symbols, of commemorating and honoring people with meritorious contributions to the country or a community; and folk rituals typical of historical, cultural, ethical and social values.

3. Folk belief festival is a congregational practice of belief(s) that proceeds with traditional rites to gratify a community’s spiritual aspirations.

4. Folk religious establishment is a place where a community practices folk beliefs, such as communal house, temple, shrine, ancestral house and similar establishments.

5. Religion represents the human's faith whose existence is accompanied by a system of notions and activities encompassing the objects of worship, tenets, religious law, rites and organization.

6. Follower means an adherent who professes a religion and is admitted by such religion.

7. Monastic is a renunciate who regularly exercises an exclusive way of life in adherence to a religious organization's tenets, religious law and rules.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Sub-dignitary is appointed, elected or selected by a religious organization, a religious affiliate or an organization with certified registration of religious activities to operate religiously to hold a position in such organization.

10. Religious practice means the manifestation of a religious faith, the exercise of religious tenets and law, and the performance of religious rites.

11. Religious activities comprise the missionary work, the practice of religion and the management of the organization of a religion.

12. Religious organization is a multitude of followers, dignitaries, sub-dignitaries and monastics organized under a certain structure that the government acknowledges to carry out religious activities.

13. Religious affiliate is an institute that belongs directly to a religious organization and is established under the charter and regulations of such religious organization.

14. Religious establishment refers to a pagoda, church, chapel, holy temple, cathedral, office or legitimate facility of a religious organization.

15. Legitimate location means a land lot, residential house or building that an organization or individual has the lawful right to use pursuant to the law.

16. Representative is a person who represents and assumes liability to the law for the practice of folk beliefs, congregational practice of religion and religious activities of a congregation or organization for which that person acts.

Article 3. Responsibilities of the government for maintaining the right to freedom of religion and belief

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The government upholds and defends the virtuous and cultural values of folk beliefs, religions, worshiping of ancestors and honoring of individuals with meritorious contributions to the country or the public to gratify the people’s spiritual pursuits.

3. The government protects folk religious and religious establishments and their legitimate assets.

Article 4. Responsibilities of Vietnam Fatherland Front

1. Assemble practicing and non-practicing compatriots as a congregation of great national unity to develop and defend the country.

2. Present promptly the people’s opinions, desires and recommendations on religion and folk belief to competent government authorities.

3. Participate in drafting legislative documents on folk belief and religion; provide social counsels against the government’s drafts of legislative documents, plans, programs and economic - social development projects that concern folk belief and religion as per the law.

4. Participate in propagandizing and exhorting dignitaries, sub-dignitaries, monastics, followers and practitioners of religions and folk beliefs, religious organization and the people to abide by the legislation on folk belief and religion.

5. Supervise the activities of bodies, organizations, elected representatives, state officials and state employees in relation to the implementation of policies and legal regulations on folk belief and religion.

Article 5. Prohibitions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Coerce, entice or obstruct people to or not to practice a religion or folk belief.

3. Insult a religion or folk belief.

4. Practices of folk beliefs or religious activities:

a) That encroach on national security, national defense, national sovereignty, social order and safety, environment;

b) That violate social ethics or people's body, health, life, assets or dignity;

c) That obstruct the exercise of a citizen’s rights and obligations;

d) That sow divisions among the people or religions; between practicing and non-practicing people; and among the followers of different folk beliefs or religions.

5. Abuse the practice of folk beliefs or religious activities for profiteering.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 6. Right to freedom of religion and folk belief for every person

1. Every person has the right to freedom of religion and folk belief and the right to follow or not to follow a religion.

2. Every person has the right to manifest the faith of religion or folk belief and to perform religious and folk religious rites; participate in festivals; learn and exercise religious law and tenets.

3. Every person has the right to pursue a monastic life in religious establishments and pursue education in religious educational institutions and religious organizations’ supplementary courses. Adolescents require the permission of their parents or guardians for pursuing a monastic life in a religious establishment or pursuing education in a religious educational institution.

4. Dignitaries, sub-dignitaries and monastics have the right to perform religious rites, to preach and to do missionary work in religious establishments or at legitimate locations.

5. People held in detention pursuant to the legislation on temporary detention, people serving time in prison, people sent to a reformatory, compulsory education institution or compulsory rehabilitation center have the right to read scriptures and manifest their faith of religion or folk belief.

6. The government shall stipulate detail on the maintenance of the rights defined in Section 5 of this Article.

Article 7. Rights of religious organizations and religious affiliates

1. Carry out religious activities pursuant to the religious organization’s charter, regulations and similar literature (hereinafter referred to as the charter).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Publish religious scriptures and publications.

4. Produce, import and export religious cultural products and articles.

5. Overhaul, upgrade and construct religious establishments.

6. Receive legitimate assets that domestic and foreign organizations and individuals donate voluntarily.

7. Have other rights defined in this Law and in relevant legislative documents.

Article 8. Right to freedom of religion and folk belief for foreigners residing lawfully in Vietnam

1. The government of Vietnam respects and protects the right to freedom of religion and folk belief of the foreigners who reside lawfully in Vietnam.

2. Foreigners residing lawfully in Vietnam have the right to:

a) Practice religion, practice folk beliefs and participate in religious activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Invite Vietnamese dignitaries, sub-dignitaries and monastics to perform religious rites and preach; invite foreign dignitaries and monastics to deliver sermon;

d) Pursue a monastic life in religious establishments, pursue education in religious educational institutions and attend supplementary courses in religious establishments in Vietnam;

dd) Carry religious publications and articles to practice religion pursuant to the laws of Vietnam.

3. Foreign dignitaries and monastics who reside lawfully in Vietnam are permitted to give sermon in religious establishments or at legitimate locations in Vietnam.

Article 9. Obligations of organizations and individuals when exercising the right to freedom of religion and folk belief

1. Organizations and individuals practicing folk beliefs and participating in religious activities shall adhere to the Constitution, this Law and other relevant legal regulations.

2. Dignitaries, sub-dignitaries, monastics, representatives and the managements of folk religious establishments shall be responsible for guiding followers and participants in the practice of folk beliefs and religious activities to abide by the law when practicing folk beliefs and conducting religious activities.

Chapter III

PRACTICE OF FOLK BELIEFS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Folk belief activities and folk belief festivals shall conserve and uphold the country's fine cultural and traditional values.

2. The organization of folk belief activities and folk belief festivals shall maintain security, order, social safety, thrift and environmental protection.

Article 11. Representatives and the managements of folk religious establishment

1. A folk religious establishment shall have a representative or the management that assumes liability to the law for the establishment’s activities.

2. The representative(s) or members of the management of a folk religious establishment shall be Vietnamese citizen(s) residing permanently in Vietnam, possess full capacity for civil acts and have prestige among the residential community.

3. People’s Committee of the commune where the folk religious establishment exists shall cooperate with the equivalent Vietnam Fatherland Front Committee in organizing the residential community’s election of the representative(s) or members of the management. People’s Committee of the commune shall base on the result of election and Section 2 of this Article to validate in writing the representative(s) or members of the management of the folk religious establishment in 05 working days from the date of election.

4. The election of the representative(s) or the formation of the management of a folk religious establishment ranked as a historic - cultural vestige or scenic sight shall be subject to the legislation on cultural heritage.

5. The election of the representative(s) or the formation of the management of an ancestral house shall not be subject to Section 3 of this Article.

Article 12. Registration of the practice of folk beliefs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The representative(s) or the management of a folk religious establishment shall be responsible for applying in writing to the People’s Committee of the commune where such establishment is located for registration in at least 30 days prior to the date that the establishment commences its folk belief activities, except for the circumstance defined in Article 14 herein.

The application shall specify the name of the folk religious establishment, folk belief activities, contents, scope, time and locations of such activities.

People’s Committee of the commune shall be responsible for reverting in writing in 15 days upon receiving the valid application. If such application is rejected, reason(s) shall be notified.

3. The representative(s) or the management of the folk religious establishment shall be responsible for applying for additional registration of the folk belief activities not indicated in the registered list pursuant to Section 2 of this Article in at least 20 days prior to the occurrence of such activities.

Article 13. Organization of periodic folk belief festivals

1. The representative(s) or the management of a folk religious establishment shall be responsible for notifying competent government authorities in writing of its organization of a periodic folk belief festival in at least 20 days prior to the occurrence of such festival in the following manner:

a) People’s Committee of the commune where the festival occurs shall be responsible receiving notifications of folk belief festivals whose scope is limited to a commune, ward or town (hereinafter referred to as commune);

b) People’s Committee of the district where the festival occurs shall be responsible for receiving notifications of folk belief festivals that proceed in multiple communes in a district, township, provincial city or city within a centrally-affiliated city (referred to as district);

c) People’s Committee of the province where the festival occurs shall be responsible for receiving notifications of folk belief festivals that proceed in multiple districts in a province or centrally-affiliated city (referred to as province).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The organization of periodic folk belief festivals in a folk religious establishment that is a ranked historic - cultural vestige or scenic sight shall be subject to the legislation on cultural heritage.

4. Competent government authorities defined in Section 1 of this Article shall be responsible for maintaining the adherence of folk belief festivals to the notifications.

Article 14. Organization of folk belief festivals that occur for the first time, resume or proceed periodically but undergo a revision

1. The representative(s) or the management of a folk religious establishment shall be responsible for applying in writing to the People’s Committee of the province where its folk belief festival takes place if such festival ensues for the first time, resumes after a period of inactivity or proceeds periodically but undergoes a revision to its scope, content, time or location.

The application shall specify the name, content or revised content, scope, time and location of the festival, the planned members of the organizing committee and the essential conditions for maintaining order, social safety and environment protection during the festival.

2. Provincial People’s Committee shall be responsible for reverting in writing in 30 days upon receiving the valid application. If such application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 15. Management and use of revenues from the organization of folk belief festivals

1. The representative(s) or the management of a folk religious establishment shall be responsible for managing and spending revenues from the festivals that it has organized in appropriate, public and transparent manner.

2. In no more than 20 days upon the end of a festival, the representative(s) or the management of the folk religious establishment shall be responsible for notifying competent government authorities in writing of the revenues and their uses pursuant to Section 1, Article 13 herein.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

REGISTRATION OF RELIGIOUS PRACTICE AND RELIGIOUS ACTIVITIES

Article 16. Requirements for registration of congregational religious practice

1. A religious organization shall apply for registration of its followers' congregational practice of religion at the locations ineligible for the establishment of a religious affiliate or an organization with certified registration of religious activities shall apply for registration of its members’ congregational practice of religion on the following conditions:

a) Have a legitimate location for religious practice;

b) The congregational practicing group has a representative who holds Vietnamese citizenship, resides permanently in Vietnam, possess full capacity for civil acts, is not bound by any remedial administrative measures concerning folk belief or religion, is not associated with any conviction records or is not accused of any crimes pursuant to the legislation on criminal procedure;

c) The content of the religious practice is not prohibited pursuant Article 5 herein.

2. Followers of a religion, who do not fit in with the definition in Section 1 of this Article shall apply for registration of their congregational religious practice upon satisfying the requirements defined in Section 1 of this Article and the following conditions:

a) Observe religious tenets and law;

b) The name of the congregational practicing group does not overlap with those of the religious organizations or the organizations with certified registration of religious activities, of the political organizations, of the socio-politic organizations or of the national heroes or men of greatness.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A religious organization, an organization with certified registration of religious activities or the representative(s) of a group of followers as stated in Section 2 of Article 16 herein shall apply in writing to the People’s Committee of the commune where the legitimate location for religious practice exists for registration of congregational religious practice.

2. The application includes:

a) The form of application, which specifies the name of the applicant organization; the name of the religion; the full name and residential address of the representative; the content, location and time of religious practice, quantity of participants;

b) The written evidences of the possession of a legitimate location for religious practice;

c) The resume(s) of the representative(s) of the congregational practicing group;

d) The written summary of the religious tenets and law if the registration is subject to Section 2, Article 16 herein.

3. People’s Committee of the commune shall be responsible for reverting in writing in 20 days upon receiving the valid application. If such application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 18. Requirements for certification of an organization’s registration of religious activities

An organization's registration of religious activities shall be certified on the following conditions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Its principles, objectives and operational regulations are not contrary to the law;

3. The name of the organization does not overlap with those of the religious organizations or the organizations with certified registration of religious activities, of the political organizations, of the socio-politic organizations or of the national heroes or men of greatness;

4. The representative(s) or head of the organization holds Vietnamese citizenship, resides permanently in Vietnam, possess full capacity for civil acts, is not bound by any remedial administrative measures concerning folk belief or religion, is not associated with any conviction records or is not accused of any crimes pursuant to the legislation on criminal procedure;

5. It is based at a legitimate location;

6. The content of its religious activities is not prohibited pursuant to Article 5 herein.

Article 19. Procedure and authority to certify the registration of religious activities

1. An organization that qualifies pursuant to Article 18 herein shall apply in writing to competent government authority defined in Section 3 of this Article for registration of religious activities.

2. The application includes:

a) The form of application, which specifies the name of the organization; the name of the religion; the principles and objectives; the contents and area of operation; the origin and progress of development in Vietnam; the full name of the representative; the quantity of followers; the organizational structure and expected location of its base;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The written summary of the religious tenets, laws and rites;

d) The operational regulations of the organization;

dd) The written evidences of the availability of a legitimate location for its facilities.

3. Authority to certify the registration of religious activities:

a) The body of the People's Committee of a province, which is specialized in state management of folk belief and religion (hereinafter referred to as the provincial bodies specialized in folk belief and religion), shall issue certificates of registration of religious activities to the organizations operating solely in such province in 60 days upon receiving a full and valid application. If an application is rejected, reason(s) shall be notified;

b) The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall issue certificates of registration of religious activities to the organizations operating in multiple provinces in 60 days upon receiving a full and valid application. If an application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 20. Operations of the organizations with certified registration of religious activities

1. An organization, after the certification of its registration of religious activities, can carry out the following operations:

a) Organize religious ceremonies, religious practices, sermons and courses of training in religious tenets;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Repair and overhaul its base;

d) Participate in charitable and humanitarian activities;

dd) Organize general meetings by its charter. 

2. When conducting the operations defined in Section 1 of this Article, the organization shall adhere to this Law and other relevant legal regulations.

Chapter V

RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Part 1. ACCREDITATION OF RELIGIOUS ORGANIZATIONS; ESTABLISHMENT, SPLIT-UP, SPIN-OFF, MERGER AND CONSOLIDATION OF RELIGIOUS AFFILIATES

Article 21. Requirements for accreditation of religious organizations

An organization with certified registration of religious activities shall be accredited as a religious organization on the following conditions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. It has a charter pursuant to Article 23 of this Law;

3. The representative(s) or head of the organization holds Vietnamese citizenship, resides permanently in Vietnam, possess full capacity for civil acts, is not bound by any remedial administrative measures concerning folk belief or religion, is not associated with any conviction records or is not accused of any crimes pursuant to the legislation on criminal procedure;

4. Its organizational structure adheres to its charter;

5. It has assets independent from other organizations and individuals, and it assumes liabilities with its own assets.

6. It engages in legal relations independently.

Article 22. Procedure and authority to accredit religious organizations

1. An organization that qualifies pursuant to Article 21 herein shall apply in writing to competent government authority defined in Section 3 of this Article for accreditation as a religious organization.

2. The application includes:

a) The form of application, which specifies the name of the applicant organization, the international transaction name (if available); the name of the religion; the full name of the representative(s); the quantity of followers, the area of operation at the time of application; the organizational structure and its base;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The list, resumes, judicial records and summaries of religious activities of the representative and expected leaders of the organization;

d) The written summary of the religious tenets, laws and rites;

dd) The charter of the organization;

e) The written declaration of the organization's legitimate assets;

g) The written evidences of the availability of a legitimate location for its facilities.

3. Authority to accredit a religious organization:

a) People’s Committee of a province shall decide on the accreditation of religious organizations that operate solely in such province in 60 days upon receiving a full and valid application. If an application is rejected, reason(s) shall be notified;

b) The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall decide on the accreditation of religious organizations operating in multiple provinces in 60 days upon receiving a full and valid application. If an application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 23. Charter of a religious organization

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The name of the organization;

2. Principles, objectives and rules of operation;

3. Area of operation, headquarter;

4. Finance, assets;

5. Legal representative, sample of the official seal;

6. Functions, missions, authority and organizational structure of the religious organization and religious affiliates;

7. Missions and authority of the management of the religious organization and religious affiliates;

8. Conditions, criteria, authority, methods of ordination, appointment, election, selection, relocation, dismissal, deposition of dignitaries, sub-dignitaries and monastics;

9. Conditions, authority and methods of dissolution of the religious organization; the establishment, split-up, spin-off, merger, consolidation and dissolution of the religious affiliates;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11. The relations between the religious organization with religious affiliates and with other relevant organizations and individuals.

Article 24. Amendment to the charter

1. A religious organization shall register the amendments to its charter with competent government authority defined in Section 3, Article 22 herein. Its application for registration shall specify the name of the religious organization and representative(s), content and reason of amendment. The amended charter shall be also included in the application.

2. Competent government authorities shall be responsible for reverting in writing in 30 days upon receiving the valid application. If such application is rejected, reason(s) shall be notified.

3. The religious organization shall operate according to the amended charter upon acquiring the competent government authority's approval.

Article 25. Name of a religious organization

1. A religious organization shall be named in Vietnamese.

2. The name of the organization does not overlap with those of other religious organizations or the organizations with certified registration of religious activities, of the political organizations, of the socio-politic organizations or of the national heroes or men of greatness.

3. The religious organization shall use its name when interacting with other organizations and individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The religious organization shall apply to the competent government authority defined in Section 3, Article 22 herein for changing its name.

6. The religious organization shall be responsible for applying to the competent government authority defined in Section 3, Article 29 herein for changing the names of its religious affiliates.

Article 26. Relocation of a religious organization’s base

1. A religious organization, when relocating its base, shall apply to the People’s Committee of the province where its base is relocated to for approval. Moreover, it shall notify in writing the competent government authority defined in Section 3, Article 22 herein.

2. A religious affiliate, when relocating its base, shall apply to the People’s Committee of the province where its base is relocated to for approval. Moreover, it shall notify in writing the competent government authority defined in Section 3, Article 29 herein.

Article 27. Establishment, split-up, spin-off, merger and consolidation of religious affiliates

1. A religious organization or religious affiliate can establish its religious affiliates, split them up, spin them off, merge them into another, or have them consolidate.

2. A religious affiliate, when split up, shall cease to exist and its rights and obligations shall be transferred to the new religious affiliates.

3. A religious affiliate, which is spun off, and the newly formed one shall carry out their rights and obligations in accordance with the purposes of operation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Religious affiliates, when consolidating, shall cease to exist upon the formation of the consolidated religious affiliate; and their rights and obligations shall be transferred to the one newly formed.

Article 28. Requirements for establishment, split-up, spin-off, merger and consolidation of religious affiliates

A religious organization’s or religious affiliate’s establishment, split-up, spin-off, merger and consolidation of religious affiliates are subject to the following conditions:

1. The charter of the religious organization stipulates the establishment, split-up, spin-off, merger and consolidation of religious affiliates;

2. The activities of the religious affiliate, before being split up, being spun off, being merged or consolidating, are not prohibited pursuant to Article 5 herein;

3. It is based at a legitimate location.

Article 29. Procedure and authority to approve the establishment, split-up, spin-off, merger and consolidation of religious affiliates

1. A religious organization or religious affiliate shall apply in writing to competent government authority defined in Section 3 of this Article for establishing, splitting up, spinning off, merging or consolidating religious affiliate(s).

2. The application includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The written summary of operation of the religious affiliate(s) before the split-up, spin-off, merger or consolidation;

c) The list, resumes, judicial records and summaries of religious activities of the representative(s) and expected leaders of the religious affiliate(s);

d) The charter, if available, of the religious affiliate(s);

dd) The written declaration of legitimate assets of the religious affiliate(s);

e) The written evidences of the availability of legitimate location(s) for its (their) facilities.

3. The following authorities shall approve the establishment, split-up, spin-off, merger and consolidation of religious affiliates:

a) People’s Committee of a province shall be responsible for responding in writing to a full and valid application for the establishment, split-up, spin-off, merger or consolidation of religious affiliate(s) operating solely in such province in 60 days upon receiving such application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified;

b) The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall respond in writing to a full and valid application for the establishment, split-up, spin-off, merger or consolidation of religious affiliate(s) operating in multiple provinces in 60 days upon receiving such application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

4. Upon the approval of the competent government authority, the religious organization or religious affiliate shall initiate in writing the establishment, split-up, spin-off, merger or consolidation of religious affiliate(s).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 30. Juridical personality of religious organizations and religious affiliates

1. A religious organization becomes a non-commercial juridical person upon its accreditation by the competent government authority.

2. A religious organization shall apply in writing to the competent government authority defined in Section 3, Article 29 herein for registration of non-commercial juridical personality of a religious affiliate upon satisfying the requirements defined in Section 5 and 6, Article 21 herein.

3. The government shall stipulate detail on the procedure for registration of juridical personality of religious affiliates.

Article 31. Dissolution of religious organizations and religious affiliates

1. A religious organization or religious affiliate shall dissolve:

a) In adherence to its charter;

b) In the event that it has not conducted religious activities for 01 year upon being accredited or permitted by the competent government authority for its establishment, split-up, spin-off, merger or consolidation; or in the event that it has discontinued religious activities continuously for 01 year;

c) In the event that it has not rectified the cause of the full suspension of its religious activities when such suspension expires.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The religious organization or religious affiliate shall be entitled to dissolve its religious affiliates. Competent government authorities defined in Section 3, Article 29 herein shall be entitled to dissolve or to request a religious organization or religious affiliate to dissolve its religious affiliates in the events prescribed in Point b and Point c, Section 1 of this Article.

3. A religious organization or religious affiliate, before dissolving, shall fulfill every of its asset-related obligations. The assets of the religious organization or religious affiliate dissolved shall be handled pursuant to the legislation on civil matters.

A religious organization or religious affiliate shall be responsible for notifying the dissolution of its religious affiliates to the competent government authority defined in Section 3, Article 29 herein in no more than 20 days from the date of dissolution of the religious affiliates.

4. The government shall stipulate detail on the procedure for dissolution of religious organizations and religious affiliates.

Part 2.  ORDINATION, APPOINTMENT, ELECTION, SELECTION, RELOCATION, DISMISSAL AND DEPOSITION OF DIGNITARIES, SUB-DIGNITARIES AND MONASTICS

Article 32. Ordination, appointment, election and selection of dignitaries and sub-dignitaries

1. The processes of ordination, appointment, election and selection in a religious organization or its religious affiliates shall be subject to the charter of the religious organization.

2. The individuals ordained, appointed, elected or selected shall possess full capacity for civil acts, is not bound by any remedial administrative measures concerning folk belief or religion, is not associated with any conviction records or is not accused of any crimes pursuant to the legislation on criminal procedure.

3. The processes of ordination, appointment, election or selection that involve foreigners shall be subject to Article 51 herein.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A religious organization shall be responsible for notifying the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion in writing of the individuals ordained or selected as “hoà thượng” (most venerable), “thượng toạ” (venerable), “ni trưởng” (master of nuns) or "ni sư” (abbess) in Vietnam Buddhist Sangha; as “mục sư" (pastor) in Evangelical orders; as "phối sư” (archbishop) or holders of a higher rank in caodaist churches; as "giảng sư" (expounder) in Vietnamese Pure Land Buddhist Association and as holders of equivalent ranks in other religions in no more than 20 days from the date of ordination or selection.

2. The religious organization shall be responsible for delivering a notification of the ordination or selection of the dignitaries not prescribed in Section 1 of this Article in writing to the body specialized in folk belief and religion in the province where such dignitaries reside and conduct religious activities in no more than 20 days from the date of ordination or selection.

3. The notification shall specify the name of the religious organization, the full name, rank, area of operation and summarized history of religious activities of the dignitaries. In addition, such notification shall be attached with their resumes and judicial records.

4. If a dignitary ordained or selected does not meet the requirements in Section 2, Article 32 herein, the competent government authority shall request the religious organization in writing to annul the result of ordination or election.

In 20 days upon receiving the written request, the religious organization shall be responsible for rescinding the result of ordination or selection of the dignitary and for notifying the competent government authorities defined in Section 1 and Section 2 of this Article in writing of such annulment.

Article 34. Registration of sub-dignitaries appointed, elected or selected

1. A religious organization shall be responsible for applying to the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion for registration of the appointment, election or selection of the following sub-dignitaries:

a) Members of the management of a religious organization that operates in multiple provinces;

b) Leader of a religious affiliate that operates in multiple provinces;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Before appointing, electing or selecting sub-dignitaries not prescribed in Section 1 of this Article, a religious organization or religious affiliate shall be responsible for applying thereof in writing to the body specialized in folk belief and religion in the province where the sub-dignitaries reside and conduct religious activities.

3. An organization with certified registration of religious activities shall apply in writing to the competent government authority defined in Section 3, Article 19 herein for registration before appointing, electing or selecting sub-dignitaries.

4. The application includes:

a) The application form, which specifies the full name of the individuals appointed, elected or selected; their ranks and area of operation before and after appointed, elected or selected;

b) The resumes and judicial records of the individuals to be appointed, elected or selected;

c) The written summary of religious activities of the individuals to be appointed, elected or selected;

5. Competent government authorities defined in Section 1, 2 and 3 of this Article shall be responsible for reverting in writing in 20 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

6. Religious organizations, religious affiliates and organizations with certified registration of religious activities shall be responsible for notifying the competent government authorities defined in Section 1 and Section 2 of this Article and Section 3, Article 19 herein in writing of the individuals appointed, elected and selected in no more than 20 days from the date of appointment, election or selection.

7. The notification of the appointment, election or selection of the expected leaders of the organizations prescribed in Article 19, 22, 29 and 38 herein, after the competent government authorities grant approval, shall be subject to Section 6 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for notifying the bodies specialized in folk belief and religion in the provinces of departure and destination in at least 20 days prior to the relocation of a dignitary, sub-dignitary or monastic.

The notification shall specify the name of the notifying organization, the full name, rank and position of the individuals relocated, the reason of relocation, the area of religious operation before and after relocation.

2. The religious organization or religious affiliate shall be responsible for applying in writing to the People’s Committee of the province of destination for registration before relocating a dignitary, sub-dignitary or monastic against whom a charge is being pressed or on whom a criminal record exists.

The application shall specify the name of the applicant organization, the full name, rank and position of the individuals relocated, the reason of relocation, the area of religious operation before and after relocation.

Provincial People’s Committee shall be responsible for reverting in writing in 30 days upon receiving a valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 36. Dismissal and deposition of dignitaries and sub-dignitaries

1. A religious organization or its religious affiliate shall dismiss or depose a dignitary or sub-dignitary in accordance with its charter.

2. In no more than 20 days upon issuing the written decision on dismissal or deposition of a dignitary or sub-dignitary, the religious organization or religious affiliate shall be responsible for sending a written notification to the competent government authorities defined in Section 1 and Section 2, Article 33 and in Section 1 and Section 2, Article 34 herein.

The notification shall specify the full name, rank and position of the individual(s) dismissed or deposed and the reason(s) of dismissal or deposition. In addition, the notification shall be enclosed with the written decision of the religious organization or religious affiliate on the dismissal or deposition.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Part 3. RELIGIOUS EDUCATIONAL INSTITUTIONS AND RELIGIOUS TRAINING COURSES

Article 37. Requirements for establishment of a religious educational institution

A religious organization can establish a religious education institution on the following conditions:

1. Have adequate educational infrastructure;

2. Have a legitimate location for the educational institution;

3. Have educational curricula and programs, which include the study of the history and law of Vietnam;

4. Have managerial and instructing personnel who meet educational requirements.

Article 38. Procedure and authority to approve the establishment of a religious educational institution

1. Before establishing a religious educational institution, a religious organization shall be responsible for applying in writing to the local agency responsible for state management of folk belief and religion.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The application form, which specifies the names of the religious organization and the religious educational organization, the full name of the representative(s) of the religious educational organization, and the necessity of establishment of the educational institution;

b) The list, resumes, judicial records and summaries of religious activities of the representative and expected leaders of the educational institution;

c) The draft of the religious educational institution's regulations of organization and operation, which basically states the name of the educational institution; its location, functions and mission; organizational structure, personnel; levels and form of education; programs, curricula and standards of each educational level; finance and assets;

d) The draft of the educational institution’s enrollment regulations;

dd) The written evidences of the availability of a legitimate location and facilities for educational activities; and the written approval by the provincial People’s Committee of the location of the educational institution.

3. The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall respond in writing to a full and valid application for the establishment of a religious educational institution in 60 days upon receiving such application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

4. After obtaining the approval of the competent government authority, the religious organization shall initiate the establishment of the religious educational institution in writing.

The written approval of the competent government authority shall lose effect after 03 years during which the religious organization has not established an educational institution.

5. Religious educational institutions are not a part of the national education system.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. In at least 20 days prior to the commencement of a religious educational institution's operations, the representative(s) of a religious educational institution shall be responsible for notifying the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion in writing of the religious educational institution's operations. In addition, the notification shall be enclosed with the written statement of establishment, regulations of organization and operation, regulations of enrollment, list of members of the management, and report on financial resources and facilities for sustaining operations.

2. The religious educational institution shall organize its training and enrollment according to the announced regulations of organization, operation and enrollment.

3. The religious educational institution shall apply to the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion for registration when amending its regulations of organization, operation and enrollment. The application shall specify the reason(s) and content of amendment and shall be enclosed with the amended regulations.

The competent government authority shall be responsible for reverting in writing in 45 days upon receiving a valid application. If such application is rejected, reason(s) shall be notified.

The religious educational institution shall operate according to the amended regulations upon the competent government authority's approval.

4. The religious educational institution shall be responsible for notifying the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion in writing of the academic result of each training course in no more than 20 days from the final date of the course. The notification shall specify the name of the religious educational institution, the training course and the quantity of graduates.

5. Foreigners’ pursuit of education in a religious educational institution in Vietnam shall be subject to Article 49 herein.

Article 40. Guidance on the teaching of the history and law of Vietnam

The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall lead and cooperate with the Ministry of Education and Training, Ministry of Justice and relevant agencies in providing guidelines for the curricula and content of instruction of the history of Vietnam and the law of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for applying for registration in writing to the body specialized in folk belief and religion in the province where it offers supplementary courses to religious practitioners. The application shall specify the name of the course(s), reason(s), timetable, content, curriculum, attendants and instructors.

The provincial body specialized in folk belief and religion shall be responsible for reverting in writing in 30 days upon receiving the valid application. If such application is rejected, reason(s) shall be notified.

2. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for notifying the People’s Committee of the district where it offers a supplementary course in religion beyond the scope of Section 1 of this Article in at least 20 days prior to the starting date of the course. The notification shall specify the name of the course(s), reason(s), timetable, content, curriculum, attendants and instructors.

If the provision of a supplementary course in religion involves a prohibition defined in Article 5 herein, the district-level People's Committee shall request the religious organization or religious affiliate in writing not to provide or to cancel the supplementary course.

Article 42. Dissolution of a religious educational institution

1. A religious educational institution shall dissolve:

a) At the discretion of the religious organization;

b) Upon the expiration of the 3-year period, during which the religious educational institution has not organized any educational activities, from the date of the competent government authority's approval of its establishment;

c) In the event that it has not rectified the cause of the suspension of its religious activities when such suspension expires.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The religious organization shall be responsible for notifying the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion of the dissolution of a religious educational institution in no more than 20 days from the date of dissolution.

3. The government shall elaborate the procedure for dissolution of religious educational institutions.

Chapter VI

RELIGIOUS ACTIVITIES; PUBLICATION, EDUCATION, HEALTH CARE, SOCIAL PROTECTION, CHARITABLE AND HUMANITARIAN ACTIVITIES OF RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Part 1. RELIGIOUS ACTIVITIES

Article 43. Notification of the list of religious activities

1. A religious organization, religious affiliate or organization with certified registration of religious activities shall be responsible for notifying the following bodies in writing of the list of annual religious activities in no more than 30 days from the date of accreditation, approval or certification of registration of religious activities:

a) An organization whose religious activities occur solely in one commune shall notify the People's Committee of the commune;

b) An organization whose religious activities occur in multiple communes of a district shall notify the People's Committee of the district;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) An organization whose religious activities occur in multiple provinces shall notify the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion.

2. The notification shall specify the name of the organization, the name, time and location of the religious activities.

3. The notification of the list of annual religious activities shall be sent only once. The representative(s) of the organization shall be responsible for sending an additional notification of a religious activity not defined in the announced list, pursuant to Section 1 and Section 2 of this Article, in at least 20 days prior to the occurrence of the activity.

Article 44. Conferences of religious organizations and religious affiliates

1. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for notifying its organization of an annual conference in writing to the competent government authority defined in Section 3, Article 45 herein in at least 20 days prior to the date of conference.

The notification shall specify the name of the organization, expected participants, quantity of attendants; content, agenda, time and venue of the conference.

2. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for filing a written request to the central government's body responsible for state management of folk belief and religion when holding an inter-religious conference or a conference that involves foreign elements. The request shall specify the name of the organization; reason(s), expected participants, quantity of attendants; content, agenda, time and location of the conference.

The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall revert in writing in 45 days upon receiving a valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 45. General meetings of religious organizations, religious affiliates and organizations with certified registration of religious activities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The application includes:

a) The application form, which specifies the name of the organization; reason(s), expected participants, quantity of attendants; content, agenda, time and location of the conference;

b) The organization’s activity conclusion report;

c) The draft of the charter or the amended charter (if available).

3. The authority to approve the organization of general meetings:

a) People’s Committee of a district shall be responsible for responding in writing to the organization of a general meeting of a religious affiliate that operates solely in the district in 25 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

b) The body specialized in folk belief and religion in a province shall be responsible for responding in writing to the organization of a general meeting of a religious organization, religious affiliate or organization with certified registration of religious activities which operates in multiple districts of the province in 30 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

c) The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall be responsible for responding in writing to the organization of general meetings beyond the scope of Point a and Point b, Section 3 of this Article in 45 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 46. Ceremonies and sermons outside religious establishments and legitimate locations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The application shall specify the name of the applicant organization, the name of the ceremony, the presiding person(s), the ceremony’s content, agenda, time, location, scope and participants.

2. A dignitary, sub-dignitary or monastic shall be responsible for applying in writing to the competent government authority defined in Section 3 of this Article before delivering a sermon outside his area of operation or a registered religious establishment or legitimate location.

The application shall specify the applicant’s full name, content, agenda, time, location, scope and participants.

3. The authority to approve the organization of a ceremony or sermon outside a religious establishment or legitimate location:

a) People’s Committee of a district shall be responsible for responding in writing to the organization of a ceremony or sermon solely in the district in 25 days upon receiving a valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

b) The body specialized in folk belief and religion in (a) province(s) where the ceremony or sermon expectedly occurs shall be responsible for responding in writing to the organization of such ceremony or sermon in multiple districts of the province or in multiple provinces in 30 days upon receiving the valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

4. The governmental body that has authority over the area where the ceremony or sermon proceeds shall be responsible for supporting the maintenance of order and security of such ceremony or sermon.

Part 2. RELIGIOUS ACTIVITIES THAT INVOLVE FOREIGN ELEMENTS

Article 47. Congregational religious practice of foreigners residing lawfully in Vietnam

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The application includes:

a) The application form, which specifies the full name, nationality and religion of the representative; reason(s), time, agenda, quantity of participant, religious establishment or location at which the event expectedly occurs;

b) The certified copies of the written evidences of the representative's lawful residency in Vietnam;

c) The written approval of the representative(s) of the religious establishment or the written evidences of the availability of a legitimate location for congregational religious practice.

3. Province People’s Committee shall be responsible for reverting in writing in 30 days upon receiving a valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 48. Religious activities and international religious relations activities of foreign individuals and organizations in Vietnam

1. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for applying in writing to the competent government authority defined in Section 3 of this Article for inviting a foreign organization or individual to Vietnam to carry out religious activities or international religious relations activities.

2. The application includes:

a) The application form, which specifies the name of the inviting organization; the name of the organization or individual invited; purpose(s) and content of the activities; the list of invitees; the expected agenda, time and location;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The written evidences of the religious title of the person(s) invited.

3. The authority to approve religious activities or international religious relations activities of foreign organizations and individuals in Vietnam:

a) People’s Committee of a province shall be responsible for responding in writing to a full and valid application for inviting a foreign organization or individual to Vietnam to conduct religious activities solely in the province in 30 days upon receiving such application. If the application is rejected, reason(s) shall be specified;

b) The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall be responsible for responding in writing to a full and valid application for inviting a foreign organization or individual to Vietnam to conduct religious activities in multiple provinces or to conduct international religious relations activities in 45 days upon receiving such application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

4. An organization with certified registration of religious activities shall be responsible for applying in writing to the competent government authorities defined in Section 2 and Section 3 of this Article for inviting a foreign dignitary or monastic to deliver sermon.

5. A group of foreigners practicing religion in congregation shall be responsible for applying in writing, pursuant to Section 2 of this Article, to the central government's body responsible for state management of folk belief and religion for inviting a foreign dignitary or monastic to deliver sermon.

The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall revert in writing in 45 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

6. During their delivery of sermon, the foreign dignitaries and monastics shall abide by the regulations of the religious organization, religious affiliate or organization with certified registration of religious activities in Vietnam and shall adhere to the law of Vietnam.

Article 49. Foreign learners in religious educational institutions in Vietnam

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The application includes:

a) The application form, which specifies the name of the religious educational institution; the full name and nationality of the learner, the course and timetable;

b) The notarized Vietnamese translation of the learner’s passport.

c) The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall revert in writing in 45 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

Article 50. Participation in overseas religious activities and religious education

1. A religious organization or religious affiliate shall be responsible for applying in writing to the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion for assigning a dignitary, sub-dignitary, monastic or follower to participating in a religious activity or to pursue religious education abroad.

2. The application includes:

a) The application form, which specifies the name of the organization, purpose(s), agenda, time, location of the overseas religious activity or religious education;

b) The letter of invitation or the written approval by the overseas religious organization of the participation in its religious activity or education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 51. Ordination, appointment, election and selection that involve foreign elements

1. A process of ordination, appointment, election or selection involves foreign elements in the following circumstances:

a) A Vietnamese religious organization ordains or selects a foreigner residing lawfully in Vietnam for a hierarchical rank;

b) A foreign religious organization ordains, appoints, elects or selects a Vietnamese citizen in Vietnam.

2. The individuals for whom ordination, appointment, election or selection is proposed shall be subject to the requirements in Section 2, Article 32 herein. A foreigner residing lawfully in Vietnam, for whom ordination or selection for hierarchical rank is proposed, shall also be subject to the following requirements:

a) Be permitted to teach religion in religious educational institutions in Vietnam;

b) Adhere to the law of Vietnam.

3. The process of ordination, appointment, election or selection, which involves foreign elements pursuant to Section 1 of this Article, shall attain the approval of the central government's body responsible for state management of folk belief and religion before it occurs.

4. The religious organization or religious affiliate that directly manages a Vietnamese citizen ordained, appointed, elected or selected abroad by a foreign religious organization shall be responsible for applying to the central government's body responsible for state management of folk belief and religion for such person’s return to Vietnam to assume the role of a dignitary or sub-dignitary.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 52. International relations activities of religious organizations, religious affiliates, dignitaries, sub-dignitaries, monastics and followers

1. A religious organization, its religious affiliates, dignitaries, sub-dignitaries, monastics and followers shall carry out international relations activities in abidance by the charter of the religious organization in accordance with the law of Vietnam.

2. When conducting international relations activities, a religious organization, its religious affiliates, dignitaries, sub-dignitaries, monastics and followers shall adhere to the law of Vietnam and the law of the related country.

Article 53. Accession to foreign religious organizations

1. Before joining a foreign religious organization, a religious organization shall be responsible for applying in writing to the central government’s body responsible for state management of folk belief and religion.

2. The application includes:

a) The application form, which specifies the name of the religious organization, purpose(s) and time of accession; the name, charter, principles, objectives and headquarter of the foreign religious organization;

b) The written approval or letter of invitation of the foreign religious organization.

3. The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall revert in writing in 60 days upon receiving a full and valid application. If the application is rejected, reason(s) shall be notified.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The notification shall specify the name of the religious organization, the name of the foreign religious organization that the former joined, reason(s) and time of withdrawal.

Part 3. PUBLICATION, EDUCATION, HEALTH CARE, SOCIAL PROTECTION, CHARITABLE AND HUMANITARIAN ACTIVITIES

Article 54. Publishing, production, exportation and importation of cultural products

It is permitted to publish scriptures and other publications on folk belief and religion; to produce, export and import cultural products concerning folk belief and religion and religious articles pursuant to the legislation on publication and other legal regulations.

Article 55. Education, health care, social protection, charitable and humanitarian activities

It is permitted to participate in the activities of education, health care, social protection, charity and humanitarian pursuant to relevant laws.

Chapter VII

ASSETS OF FOLK RELIGIOUS ESTABLISHMENTS AND RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Article 56. Management and use of the assets of folk religious establishments and religious organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The assets of a folk religious establishment or religious organization shall be managed and used for correct and appropriate purposes as per legal regulations.

3. A folk religious establishment or religious establishment that derives from custom, contribution or donation of members of a community or other lawful sources to serve communal needs for folk belief and religion is considered a collective asset of the community.

4. The conversion, transfer, donation, lease, mortgage or contribution of land use rights as capital shall be subject to relevant legal regulations.

5. The government shall stipulate detail on the religious organizations' and religious affiliates' receipt and management of financial aids from foreign organizations and individuals; and on the donation to folk religious establishments, religious organizations and religious affiliates.

Article 57. Lands of folk religious and religious establishments

The management and use of the lands that belong to folk religious establishments and religious establishments shall be subject to the legislation on land.

Article 58. Overhaul, upgrade and construction of folk religious and religious buildings

1. The overhaul, upgrade and construction of folk religious and religious buildings shall be subject to the legislation on construction.

2. The overhaul, upgrade and construction of auxiliary facilities of a folk religious or religious establishment shall be subject to the legislation on construction applicable to the buildings and individual houses in urban areas, communal centers, conservation zones, sites of historic - cultural - revolutionary vestiges.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 59. Relocation of folk religious and religious buildings

The relocation of folk religious and religious buildings for national security, national defense, social - economic development, national benefit and public benefit shall be subject to the legislation on land and on construction.

Chapter VIII

STATE MANAGEMENT AND SETTLEMENT OF VIOLATIONS OF THE LEGISLATION ON FOLK BELIEF AND RELIGION

Part 1. STATE MANAGEMENT OF FOLK BELIEF AND RELIGION

Article 60. Content of state management of folk belief and religion

1. Set up policies and promulgate legislative documents on folk belief and religion.

2. Regulate the system for state management of folk belief and religion.

3. Organize the implementation of policies and legal regulations on folk belief and religion.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Conduct research in folk belief and religion; providing training to state officials and state employees who work in the sector of folk belief and religion.

6. Inspect and settle complaints, denunciations and violations of the legislation on folk belief and religion.

7. Uphold international relations in the sector of folk belief and religion.

Article 61. Responsibility for state manage of folk belief and religion

1. The government unifies the state management of folk belief and religion on nation-wide scale.

2. The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall be held liable to the government for exercising the state management of folk belief and religion.

3. Ministries, ministerial-level agencies, People’s Committees shall exercise the state management of folk belief and religion under the scope of their missions and authority.

People’s Committees of the districts where communal and town-level administration divisions are not available shall concurrently exercise the missions and authority of a commune People’s Committee as prescribed herein.

Article 62. Inspection specialized in folk belief and religion

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The central government’s body responsible for state management of folk belief and religion shall be liable for directing and organizing the inspection specialized in folk belief and religion on nationwide scale.

2. The missions of inspection specialized in folk belief and religion are:

a) Inspect the People’s Committees' implementation of policies and laws on folk belief and religion;

b) Inspect the cases suspected of violating the legislation on folk belief and religion.

Article 63. Complaint, denunciation and litigation regarding folk belief and religion

1. The representative(s) or the management of a religious establishment, religious organization or religious affiliate, the dignitaries, sub-dignitaries, monastics, followers, organizations and individuals who have relevant rights and obligations shall have the right to file a complaint, an administrative lawsuit or civil lawsuit and to petition a Court for settling a civil matter in order to defend their legitimate rights and benefits as per relevant laws.

2. Individuals shall have the right to denounce violations of the legislation on folk belief and religion. The settlement of a denunciation against violation(s) of the legislation on folk belief and religion shall be subject to the legislation on denunciation.

Part 2. SETTLEMENT OF VIOLATIONS OF THE LEGISLATION ON FOLK BELIEF AND RELIGION

Article 64. Settlement of violations of the legislation on folk belief and religion

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Pursuant to this Law and the Law of actions against administrative violations, the government shall define the acts of administrative violation, forms and levels of penalty, remedial solutions against each act of administrative violation; authority to impose penalty, specific levels of penalty, authority to make written records of the acts of administrative violation; application of administrative measures in the sector of folk belief and religion.

Article 65. Handling of state officials and stat employees violating the legislation on folk belief and religion

A state official or state employee who commits a following act of violation of the legislation on folk belief and religion during his official assignment shall incur disciplinary actions or face criminal prosecution, on the basis of the nature and degree of such violation, as per the law:

1. Abuse the position and authority to act against this Law and relevant laws;

2. Neglect management and lead to a violation of the legislation on folk belief and religion;

3. Violate the regulations on the administrative procedure for state management of folk belief activities and religious activities.

Chapter IX

IMPLEMENTATION

Article 66. Effect

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ordinance No. 21/2004/UBTVQH11 on folk belief and religion shall lose effect from the date this Law comes into force.

Article 67. Transition

1. The groups of individuals who have obtained approval of their registration of congregational religious practice, and the organizations that have acquired certification of their registration of religious activities or that have gained accreditation before the effective date of this Law shall not be subject to re-registration or re-accreditation to adhere to Article 17, 19 and 22 herein.

2. Religious affiliates that have been established, split up, spun off, merged or have consolidating; religious associations, orders and congregational monastic organizations that have registered their activities before the effective date of this Law shall not be subject to re-application or re-registration to adhere to Article 29 and Article 38 herein.

3. The required duration of operation for the organizations that have obtained certification of their registration of religious activities before the effective date of this Law to be accredited as a religious organization pursuant to Section 1, Article 21 herein shall be recorded from the date of certification of their registration of religious activities.

4. The religious organizations accredited before the effective date of this Law shall be non-commercial juridical persons from the date this Law takes effect. Such religious organizations shall be held responsible for amending their charters in the nearest general meeting pursuant to Article 23 and register their amended charters pursuant to Article 24 herein.

5. In no more than 30 days from the effective date of this Law, the religious organizations, religious affiliates and organizations that have obtained certification of registration of religious activities prior to the effective date of this Law shall be responsible for notifying the competent government authorities defined in Section 1 and Section 2, Article 43 herein of the list of annual religious activities.

6. In no more than 30 days from the effective date of this Law, the folk religious establishments that have notified their annual folk belief activities before the effective date of this Law shall be held responsible for registering their folk belief activities pursuant to Section 2, Article 12 herein.

Article 68. Detailing

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Law was passed by the 14th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in the 2nd meeting session on November 18, 2016.

 

 

CHAIRWOMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Thi Kim Ngan

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


328.332

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.59.167
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!