CÔNG ƯỚC
VỀ VIỆC BẢO VỆ DI SẢN VĂN HOÁ VÀ TỰ NHIÊN CỦA THẾ GIỚI
(Đã
được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris ngày
16-11-1972)
Đại Hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa
học và văn hoá của Liên Hợp Quốc họp tại Paris ngày 17-10 đến 21-11-1972, kỳ họp
thứ 17.
Nhận thấy rằng: di sản
văn hoá và di sản tự nhiên ngày càng có nguy cơ bị phá hoại không những bởi những
nguyên nhân cổ truyền là xuống cấp mà còn bởi sự tiến triển của đời sống xã hội
và kinh tế làm cho các nguyên nhân cổ truyền trầm trọng thêm do các hiện tượng
làm hư hỏng hoặc phá hoại ghê gớm hơn nữa.
Xét rằng: việc bảo vệ di
sản đó ở các cấp quốc gia thường không được hoàn chỉnh vì việc bảo vệ đó đòi hỏi
rất nhiều phương tiện và nước có tài sản phải bảo tồn đó trên lãnh thổ của mình
thì lại không có đủ các nguồn lực kinh tế, khoa học và ký thuật.
Nhắc nhở rằng: Văn bản
thành lập Tổ chức có dự kiến việc giúp đỡ duy trì, xúc tiến và phổ biến kiến thức
bằng cách chăm lo tới việc bảo tồn và bảo vệ di sản của thế giới và bằng cách
khuyến nghị với các dân tộc có liên quan những Công ước quốc tế nhằm mục đích
đó.
Xét rằng: các Công ước,
khuyến nghị và quyết định tế hiện có đối với cá tài sản văn hoá và tự nhiên chứng
minh tầm quan trọng, đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, của việc bảo tồn
các tài sản độc nhất và không thể thay thế được, mặc dù chúng thuộc về dân tộc
nào.
Xét rằng: một số tài sản
của di sản văn hoá và tự nhiên có một ý nghĩa đặc biệt cần thiết phải bảo tồn
như là một yếu tố của di sản thế giới của toàn thể nhân loại.
Xét rằng: trước những mối
nguy hiểm to lớn và trầm trọng mối đe doạ chúng, toàn thể cộng đồng quốc tế phải
tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên có giá trị quốc tế đặc biệt,
bằng cách viện trợ tập thể mà không phải là thay thế công việc của nước hữu
quan để hoàn thành một cách có hiệu quả.
Xét rằng: muốn như vậy phải
cần thiết có những điều khoản Công ước mới đặt ra một hệ thống có hiệu lực để
cùng nhau bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên có giá trị quốc tế đặc biệt, hệ thống
này phải được tổ chức một cách thường xuyên và theo cách phương pháp khoa học
và hiện đại.
Sau khi quyết định tại kỳ họp thứ
mười sáu rằng vấn đề này sẽ là đề tài của một Công ước quốc tế.
Thông qua bản Công ước này vào
ngày 16-11-1972.
I. ĐỊNH NGHĨA
DI SẢN VĂN HOÁ VÀ TỰ NHIÊN
Điều 1:
Theo Công
ước này, Di sản văn hoá là:
Các di tích: các công trình kiến
trúc, điêu khắc hoặc hội hoạ hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất
khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc
biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học.
Các quần thể: các nhóm công
trình xây dựng đứng một mình hoặc quần tụ có giá trị quốc tế đặc biệt về phương
diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, do kiến trúc, sự thống nhất của chúng hoặc
sự nhất thể hoá của chúng vào cảnh quan.
Các thắng cảnh: các công trình của
con người hoặc những công trình của con người kết hợp với các công trình của tự
nhiên, cũng như các khu vực, kể cả các di chỉ khảo cổ học, có giá trị quốc tế đặc
biệt về phương diện lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học.
Điều 2:
Theo Công
ước này, Di sản tự nhiên là:
Các di tích tự nhiên được tạo
thành bởi những cấu trúc hình thể và sinh vật học hoặc bởi các nhóm cấu trúc
như vậy, có một giá trị đặc biệt về phương diện thẩm mỹ hoặc khoa học.
Các cấu trúc địa chất học và địa
lý tự nhiên và các khu vực có ranh giới đã được xác định là nơi cư trú của các
giống động vật và thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt, có giá trị quốc tế đặc biệt
về phương diện khoa học bảo tồn.
Các cảnh vật tự nhiên hoặc các
khu vực tự nhiên có ranh giới đã được xác định cụ thể, có giá trị quốc tế đặc
biệt về phương diện khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên.
Điều 3:
Mỗi quốc
gia tham gia Công ước này cần phải xác định và phân định những tài nguyên khác
nhau nằm trên lãnh thổ của mình tương ứng với các Điều1 và 2 ở trên.
II. SỰ BẢO VỆ
CỦA QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ ĐỐI VỚI DI SẢN VĂN HOÁ VÀ TỰ NHIÊN
Điều 4:
Mối một quốc
gia tham gia Công ước này công nhận rằng trách nhiệm bảo đảm của việc xác định,
bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và truyền lại cho các thế hệ tương lai di sản văn hoá
và tự nhiên nêu trong Điều1 và 2 nằm trên lãnh thổ của mình, là trách nhiệm trước
tiên của mình. Quốc gia này phải nỗ lực hành động tối đa cho mục đích trên bằng
những nguồn lực mà mình sẵn có và nếu có, thì bằng cả sự viện trợ và hợp tác quốc
tế mà nó có thể có được hưởng nhất là về mặt tài chính, nghệ thuật, khoa học và
kỹ thuật.
Điều 5:
Để bảo đảm
việc bảo vệ và bảo tồn càng hiệu quả càng tốt và tôn tạo càng tích cực càng tốt
di sản văn hoá và tự nhiên nằm trên lãnh thổ của mỗi nước và theo những điều kiện
thích hợp của mỗi nước, các nước tham gia vào Công ước này sẽ cố gắng hết sức
mình để thực hiện các công tác sau đây:
a. Đề ra một chính sách chung để
trao cho di sản văn hoá và tự nhiên một chức năng nhất định trong đời sống tập
thể và đưa việc bảo vệ di sản đó vào các chương trình của việc kế hoạch hoá
chung;
b. Thành lập trên lãnh thổ của
mình (trong trường hợp chưa có) một hoặc một vài cơ quan bảo vệ, bảo tồn và tôn
tạo di sản văn hoá và tự nhiên, có số nhân viên thích hợp và có đủ phương tiện
thực hiện các nhiệm vụ được giao;
c. Phát triển các công trình
nghiên cứu và tìm tòi khoa học - kỹ thuật và cải tiến các phương pháp can thiệp
cho phép một quốc gia ứng phó với những tai hoạ đang đe doạ di sản văn hoá hay
tự nhiên của nó.
d. Áp dụng các biện pháp luật
pháp, khoa học - kỹ thuật, hành chính và tài chính thích hợp để xác định, bảo vệ,
bảo tồn, tôn tạo và tái sử dụng di sản đó;
e. Tạo điều kiện thuận lợi cho
việc thành lập hoặc phát triển các trung tâm quốc gia hoặc vùng về đào tạo cán
bộ trong lĩnh vực bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo di sản văn hoá và tự nhiên, khuyến
khích việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này.
Điều 6:
1. Với
tinh thần hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của các quốc gia có di sản văn hoá và tự
nhiên theo Điều1 và 2 nằm trên lãnh thổ của mình và không làm thiệt hại đến các
quyền lợi cụ thể dự kiến trong luật pháp quốc gia về di sản đó, các nước tham
gia Công ước này thừa nhận rằng đó là một di sản của thế giới mà toàn thể cộng
đồng quốc tế có nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ.
2. Các quốc gia tham gia Công ước
xin nguyện góp sức một cách tương xứng và căn cứ vào các điều khoản của bản Công
ước này, vào việc xác định, bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo di sản văn hoá và tự
nhiên nêu trong các phần 2 và 4 của Điều11 nếu quốc gia có di sản nằm trên lãnh
thổ của nó, yêu cầu.
3. Mỗi nước tham gia Công ước
xin nguyện kiên quyết không dùng bất cứ biện pháp nào có thể phương hại trực tiếp
hoặc gián tiếp đến di sản văn hoá và tự nhiên nêu trong các Điều1 và 2, nằm
trên lãnh thổ của các nước khác tham gia Công ước này.
Điều 7:
Trong Công
ước này, cần phải hiểu sự bảo vệ quốc tế đối với di sản văn hoá và tự nhiên của
thế giới là việc thành lập một hệ thống hợp tác và viện trợ quốc tế nhằm hỗ trợ
các nước tham gia Công ước trong các nỗ lực để bảo tồn và xác định di sản đó.
III. UỶ BAN
LIÊN CHÍNH PHỦ VỀ SỰ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HOÁ VÀ TỰ NHIÊN CỦA THẾ GIỚI
Điều 8:
1. Bên cạnh
Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá được thành lập một Ủy
ban liên chính phủ về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên có giá trị quốc tế
đặc biệt, được gọi là "Ủy ban ban di sản thế giới". Ủy ban này bao gồm
15 nước tham gia Công ước, được các nước tham gia Công ước họp thành Đại hội đồng
trong các kỳ họp thường kỳ của Hội nghị toàn thế giới Tổ chức Liên Hợp Quốc về
giáo dục, khoa học và văn hoá lựa chọn. Số lượng các nước thành viên của Ủy ban
sẽ tăng lên 21 kể từ kỳ họp thường kỳ của Hội nghị toàn thể sau khi Công ước
này có hiệu lực đối với ít nhất 40 quốc gia.
2. Việc bầu các thành viên của Ủy
ban đó cần phải bảo đảm một thành phần đại biểu công bằng của các vùng khác
nhau về các nền văn hoá khác nhau trên thế giới.
3. Tham gia vào các kỳ họp của Ủy
ban, với tư cách đại biểu tư vấn, còn có một đại biểu của trung tâm quốc tế về
bảo tồn và phục chế các tài sản văn hoá (trung tâm Roma), một đại biểu của Hội
đồng quốc tế các di tích và thắng cảnh (ICOMOS) và một đại biểu của Liên đoàn
quốc tế và bảo tồn tự nhiên và tài nguyên (UICN), và nếu các nước tham gia Công
ước họp toàn thể vào các kỳ họp thường kỳ có Hội nghị toàn thể của Tổ chức Liên
Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá yêu cầu, thì còn có thể có các đại biểu
của các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác cùng có những mục đích
tương tự.
Điều 9:
1. Các quốc
gia thành viên của Ủy ban ban di sản thế giới thực hiện nhiệm kỳ của mình từ
khi kết thúc kỳ họp thường kỳ của Hội nghị toàn thể tại đó họ đã được bầu cho đến
khi kết thúc kỳ họp thường kỳ thứ ba sau đó.
2. Tuy nhiên nhiệm kỳ của 1/3 số
thành viên được bầu tại cuộc bầu thứ nhất sẽ kết thúc vào cuối kỳ họp thường kỳ
lần thứ nhất của Hội nghị toàn thể tiếp theo sau kỳ họp tại đó họ đã được bầu
và nhiệm kỳ của 1/3 đại biểu thứ hai được bầu cùng lúc đó sẽ kết thúc vào cuối
kỳ họp thường kỳ thứ hai của Hội nghị toàn thể tiếp theo sau kỳ họp tại đó họ
đã được bầu. Tên của các thành viên sẽ do ông Chủ tịch Hội nghị toàn thể rút
thăm sau lần bầu thứ nhất.
3. Các nước thành viên Ủy ban lựa
chọn những người có khả năng về lĩnh vực di sản văn hoá hoặc di sản tự nhiên để
đại diện cho mình.
Điều 10:
1. Ủy ban
di sản thế giới thông qua nội quy của mình.
2. Bất kỳ lúc nào, Ủy ban này
cũng có thể mời các tổ chức công hoặc tư cũng như các tư nhân đến tham dự các
cuộc họp của Ủy ban để tham khảo ý kiến của họ về những vấn đề riêng.
3. Ủy ban có thể thành lập các
cơ quan tư vấn mà nó cho là cần thiết cho việc thực thi nhiệm vụ của nó.
Điều 11:
1. Mỗi một
nước tham gia vào Công ước này đề đạt cho Ủy ban di sản thế giới, trong phạm vi
có thể, một bản kiểm kê các tài sản của di sản văn hoá và tự nhiên nằm trên
lãnh thổ của mình và có thể ghi vào danh sách dự kiến ở phần 2 của Điều này. Bản
kiểm kê đó, chưa thể xem là đầy đủ, phải bao gồm tư liệu về địa điểm của các
tài sản nói tới và về tầm quan trọng của chúng.
2. Trên cơ sở những bản kiểm kê
tài sản mà các quốc gia đề đạt, khi họ thi hành phần 1 ở trên, Ủy ban sẽ soạn
thảo, chỉnh lý và phổ biến dưới cái tên "danh sách di sản thế giới" một
danh sách các di sản văn hoá và di sản tự nhiên như chúng được định nghĩa ở các
Điều1 và 2 của Công ước này, được Ủy ban xem như có một giá trị quốc tế đặc biệt
áp dụng theo những tiêu chuẩn mà Ủy ban đề ra. Một danh sách được chỉnh lý kịp
thời sẽ được phổ biến ít nhất hai năm một lần.
3. Việc ghi một tài sản vào danh
sách di sản thế giới chỉ có thể làm với sự đồng ý của quốc gia hữu quan. Việc
ghi một tài sản nằm trên lãnh thổ đang còn là mục tiêu tranh chấp chủ quyền hoặc
còn là mục tiêu chế định pháp luật của nhiều quốc gia; không hề là việc công nhận
quyền lợi của các bên trong sự tranh chấp.
4. Ủy ban sẽ soạn thảo, chỉnh lý
và phổ biến, mỗi khi hoàn cảnh bắt buộc, một bản danh sách mang tên "danh
sách di sản thế giới có nguy cơ" trong đó ghi các tài sản nằm trong danh
sách di sản thế giới hiện cần phải tôn tạo nhiều và đã có đơn xin viện trợ,
theo đúng những điều khoản của Công ước này. Danh sách đó còn bao gồm một dự
tính chi phí. Chỉ được ghi trong danh sách này những nguy cơ lớn và rõ ràng đe
doạ, ví dụ như nguy cơ tiêu vong do bị xuống cấp nhanh, do những đề án công
trình lớn của Nhà nước hoặc tự nhân, phát triển nhanh chóng về đô thị hoá và du
lịch, phá hoại do những thay đổi sử dụng đất hoặc sở hữu đất, những hư hỏng do
một nguyên nhân không rõ, bỏ hoan phế vì những nguyên nhân nào đó, tranh chấp
có vũ khí vừa mới xảy ra hoặc đe doạ xảy ra, thiên tai và thảm hoạ, hoả hoạn lớn,
động đất, sụt lở, núi lửa phun, thay đổi mực nước, lụt, sóng thần. Ủy ban có thể,
bất kỳ lúc nào, trong trường hợp cấp bách, ghi thêm vào danh sách di sản thế giới
bị nguy cơ và phổ biến ngay phần ghi mới đó.
5. Ủy ban xác định những tiêu
chuẩn mà dựa vào đó một tài sản của di sản văn hoá và tự nhiên có thể được ghi
vào danh sách này hay danh sách kia theo các phần 2 và 4 của Điều này.
6. Trước khi từ chối một đơn xin
ghi vào một trong hai danh sách ở các phần 2 và 4 của Điều này, Ủy ban tham khảo
ý kiến của quốc gia Công ước, mà trên lãnh thổ của nước này hiện có các di sản
văn hoá đó.
7. Ủy ban, với sự đồng ý của các
quốc gia có liên quan, phối hợp và khuyến khích các công cuộc nghiên cứu và tìm
tòi cần thiết cho việc thành lập các danh sách nêu ở các phần 2 và 4 của Điều
này.
Điều 12:
Một tài sản
văn hoá và tự nhiên nào không được ghi vào một trong hai danh sách nêu ở các phần
2 và 4 của Điều 11 không hề có nghĩa là nó không có một giá trị quốc tế đặc biệt
đối với các mục đích khác với mục đích của việc ghi tên vào các danh sách đó.
Điều 13:
1. Ủy ban
di sản thế giới nhận và nghiên cứu các đơn xin viện trợ quốc tế của các nước
tham gia Công ước, về các tài sản văn hoá và tự nhiên nằm trên lãnh thổ của
mình được ghi hoặc cần được ghi vào các danh sách ở các phần 2 và 4 của Điều
11. Các đơn đó có thể là để xin bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo hoặc hồi sinh các tài
sản đó.
2. Các đơn xin viện trợ quốc tế
theo phần 1 của Điều này cũng có thể là để xác định các tài sản của di sản văn
hoá và tự nhiên nói rõ ở các Điều 1 và 2, khi mà các cuộc nghiên cứu sơ bộ đã
cho phép khẳng định rằng cần phải tiếp tục.
3. Ủy ban sẽ quyết định trả lời
các đơn đó và trong trường hợp chấp nhận thì sẽ xác định tính chất và tầm quan
trọng của sự viện trợ của Ủy ban và cho phép thay mặt Ủy ban mà ký kết những điều
khoản cần thiết với chính phủ hữu quan.
4. Ủy ban quy định một trật tự
ưu tiên cho các việc can thiệp của mình. Ủy ban làm như vậy là có tính đến tầm
quan trọng của các tài sản phải bảo tồn cho di sản văn hoá và tự nhiên của thế
giới, đến sự cần thiết cung cấp viện trợ quốc tế cho những tài sản tiêu biểu nhất
của tự nhiên hoặc của tài năng, lịch sử của các dân tộc trên thế giới và tính đến
chất cấp bách của các công trình phải tiến hành, đến mức độ nguồn lực của các
quốc gia mà trên lãnh thổ của họ có các tài sản đang bị đe doạ và nhất là tính
đến mức độ mà các quốc gia đó có thể bảo đảm được việc bảo tồn các tài sản bằng
các phương tiện của chính mình.
5. Ủy ban sẽ thành lập, chỉnh lý
và phổ biến một danh sách những tài sản đã được sự viện trợ quốc tế.
6. Ủy ban quyết định việc sử dụng
các nguồn lực của công quỹ được thành lập theo Điều 15 của Công ước này, Ủy ban
sẽ tìm mọi cách tăng các nguồn lực đó và sẽ áp dụng nhiều biện pháp có ích nhằm
mục đích đó.
7. Ủy ban hợp tác với các tổ chức
quốc tế và quốc gia, tổ chức chính phủ và phi chính phủ có những mục tiêu tương
tự như các mục tiêu của Công ước này. Để thực hiện các chương trình và tiến
hành các đề án của mình, Ủy ban có thể kêu gọi các tổ chức đó, nhất là Trung
tâm nghiên cứu quốc tế về bảo tồn tài sản văn hoá (Trung tâm Roma), Hội đồng quốc
tế về di tích và thắng cảnh (ICOMOS) và Liên đoàn quốc tế bảo tồn tự nhiên và
tài nguyên (UICN) cũng như các tổ chức công hoặc tư khác và các tư nhân.
8. Những quyết định của Ủy ban
được biểu quyết theo đa số hai phần ba số thành viên hiện tại và có quyền bỏ
phiếu. Số đại biểu hợp lệ là đa số thành viên của Ủy ban.
Điều 14:
1. Ủy ban
di sản thế giới được một Ban thư ký giúp việc do Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục,
khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc đề cử.
2. Ông Tổng giám đốc Tổ chức
giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc chuẩn bị tài liệu cho Ủy ban,
chương trình nghị sự của các cuộc họp của Ủy ban và bảo đảm việc thực hiện các
nghị quyết của Ủy ban bằng cách tận dụng những dịch vụ của Trung tâm nghiên cứu
quốc tế và bảo tồn và phục chế tài sản văn hoá (Trung tâm Roma), của Hội đồng
quốc tế về di tích và thắng cảnh (ICOMOS) và liên đoàn quốc tế bảo tồn tự nhiên
và tài nguyên (UICN) trong các lĩnh vực chuyên môn và khả năng của các tổ chức
đó.
IV. QUỸ BẢO VỆ
DI SẢN VĂN HOÁ VÀ TỰ NHIÊN THẾ GIỚI
1. Đã được thành lập một quỹ cho
việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên thế giới có giá trị quốc tế đặc biệt gọi
là "Quỹ di sản thế giới".
2. Quỹ được tạo thành bằng quỹ
ký nộp căn cứ vào điều lệ tài chính của Tổ chức Liên Hợp Quốc, về giáo dục,
khoa học và văn hoá.
3. Các nguồn của quỹ bao gồm:
a. Những đóng góp bắt buộc và những
đóng góp tự nguyện của các quốc gia tham gia Công ước này.
b. Các khoản góp quà tặng hoặc
di sản có thể là của:
i. Các quốc gia khác.
ii. Tổ chức Liên Hợp Quốc về
giáo dục, khoa học và văn hoá và các tổ chức khác của hệ thống Liên Hợp Quốc nhất
là chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ
khác.
iii. Các tổ chức công hoặc tư
hay các tư nhân.
a. Mọi món lãi về các khoản tài
chính của quỹ.
b. Kết quả các khoản quyên góp
và thu của các cuộc biểu diễn giúp quỹ.
c. Tất cả các nguồn lực khác do
nội quy của U sẽ được soạn thảo, cho phép.
1. Những đóng góp vào quỹ và các
hình thức viện trợ khác cung cấp cho Ủy ban chỉ được dùng vào các mục đích do Ủy
ban xác định, Ủy ban có thể nhận những đóng góp chỉ dành riêng cho một chương
trình nào đó hoặc cho một đề án riêng, với điều kiện là việc tiến hành chương
trình đó hoặc thực hiện đề án đó đã được Ủy ban quyết định. Các đóng góp cho quỹ
không được kèm theo một điều kiện chính trị nào.
Điều 16:
1. Không
làm hại cho bất kỳ sự đóng góp tự nguyện bổ sung nào, các quốc gia thành viên của
Công ước nguyện đóng góp đều hoà, hai năm một lần vào quỹ di sản thế giới những
khoản đóng mà số tiền được tính theo một tỷ lệ chung áp dụng cho tất cả các nước
và sẽ do Đại hội đồng các nước tham gia Công ước quyết định, các Hội đồng này
được nhóm họp tại các kỳ họp của Hội nghị toàn thể tổ chức Liên Hợp Quốc về
giáo dục, khoa học và văn hoá. Quyết định đó của Đại hội đồng đòi hỏi đa số phiếu
của các nước thành viên có mặt và có quyền bầu cử đã không tuyên bố như trong
phần 2 của Điều này. Tuy nhiên, sự đóng góp bắt buộc của các quốc gia tham gia
Công ước không thể quá 1% sự đóng góp của họ và quỹ bình thường của tổ chức Liên
Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá.
2. Tuy nhiên một quốc gia nêu ở
Điều 31 hoặc 32 của Công ước này có thể tuyên bố khi nộp các văn bản chuẩn y,
chấp nhận hoặc gia nhập, rằng nước đó sẽ không bị ràng buộc bởi những điều khoản
của phần 1 Điều này.
3. Một quốc gia tham gia Công ước
này nếu đã từng tuyên bố như trong phần 2 của Điều này, bất kỳ lúc nào cũng có
thể rút lui lời tuyên bố đó chỉ cần sự ghi nhận băng văn bản của ông Tổng giám
đốc Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá. Tuy nhiên, sự rút
lui lời tuyên bố sẽ chỉ có tác dụng đối với sự đóng góp bắt buộc của nước đó từ
thời điển của Đại hội đồng tiếp theo của các nước thành viên.
4. Để cho Ủy ban có thể dự kiến
được các công tác của mình một cách có hiệu quả, các nước tham gia Công ước này
đã từng tuyên bố như theo phần 2 của Điều này phải nộp các khoản đóng góp của họ
một cách đều hoà, ít nhất hai năm một lần và các khoản đóng góp đó cũng không
thể thấp hơn những đóng góp mà họ phải nộp nếu họ bị ràng buộc bởi những điều khoản
của phần 1 Điều này.
5. Bất kỳ nước nào tham gia Công
ước mà chậm trễ trong việc nộp khoản đóng góp bắt buộc hay tự nguyện của mình
trong những năm hiện tại hoặc năm vừa qua, thì không có quyền ứng cử vào Ủy ban
di sản thế giới, điều khoản này không áp dụng khi bầu cử lần thứ nhất. Nhiệm kỳ
của một nước tham gia Công ước như vậy sẽ kết thúc vào lúc bắt đầu cuộc bầu cử
vào dự kiến ở Điều 8, phần 1 của Công ước này.
Điều 17:
Các quốc
gia tham gia Công ước này sẽ xem xét hay tạo thuận lợi cho việc thành lập các hội
quốc gia công hay tư có mục đích khuyến khích những sự hào phóng có lợi cho việc
bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên được định nghĩa trong các Điều 1 và 2 của
Công ước này.
Điều 18:
Các quốc
gia tham gia Công ước này sẽ hỗ trợ các chiến dịch quốc tế quyên góp được tổ chức
để ủng hộ quỹ di sản thế giới dưới sự bảo trợ của Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo
dục, khoa học và văn hoá. Các quốc gia này sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc lạc
quyên của các tổ chức nêu tên trong phần 3, Điều 15 nhằm mục đích đó.
V. CÁC ĐIỀU
KIỆN VÀ THỂ THỨC CỦA VIỆN TRỢ QUỐC TẾ
Điều 19:
Bất kỳ nước
nào tham gia Công ước này đều có quyền xin viện trợ quốc tế có lợi cho các tài
sản của di sản văn hoá hoặc tự nhiên có giá trị quốc tế đặc biệt nằm trên lãnh
thổ của mình. Nước đó phải kèm theo vào đơn xin của mình những yếu tố thông tin
và những tài liệu nêu ra trong Điều 21 mà nước đó hiện có và Ủy ban cần có để
ra quyết định.
Điều 20:
Với những
hạn chế của các điều khoản của phần 2 Điều 13, của đoạn c Điều 22 và của Điều
23, sự viện trợ quốc tế dự kiến bởi Công ước này chỉ có thể cấp cho những tài sản
của di sản văn hoá và tự nhiên mà Ủy ban di sản thế giới đã hoặc đang quyết định
ghi vào một trong hai bản danh sách thuộc phần 2 và 4 của Điều 11.
Điều 21:
1. Ủy ban
di sản thế giới xác định thể thức xem xét các đơn xin viện trợ quốc tế mà nó phải
cấp và nêu rõ những yếu tố cần phải ghi rõ trong tờ đơn, đơn nào cần phải miêu
tả công việc dự định làm, các công trình cần thiết, ước tính chi phí, tính cấp
thiết của chúng và những lý do tại sao các nguồn lực của quốc gia thỉnh cầu lại
không trang trải được toàn bộ chi phí. Các đơn xin, mỗi lần đều phải dựa vào ý
kiến của các chuyên viên.
2. Vì có những công trình phải
tiến hành không chậm trễ, các đơn có cơ sở là thiên tai và thảm hoạ phải được Ủy
ban cấp tốc và ưu tiên xét trước, như vậy Ủy ban cần phải có một quỹ dự trữ để
sử dụng trong những biến cố như vậy.
3. Trước khi quyết định Ủy ban
tiến hành nghiên cứu và tham khảo các ý kiến nếu xét thấy cần thiết.
Điều 22:
Viện trợ
mà Ủy ban di sản thế giới cấp có thể thuộc các dạng như sau:
a. Các nghiên cứu về các vấn đề
mỹ thuật, khoa học và kỹ thuật đặt ra bởi việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và hồi
sinh di sản văn hoá và tự nhiên, như đã được định nghĩa tại các phần 2 và 4 của
Điều 11 Công ước này.
b. Cung cấp chuyên viên, kỹ thuật
viên và nhân công chuyên nghiệp để đảm bảo việc thực hiện tốt đề án được chuẩn
y.
c. Đào tạo chuyên gia mọi trình
độ trong lĩnh vực xác định, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di sản văn hoá
và tự nhiên.
d. Cung cấp trang thiết bị mà quốc
gia hữu quan không có hoặc không thể mua được.
e. Cho vay lãi suất thấp hoặc
sau một thời gian dài mới phải hoàn trả.
f. Trong những trường hợp ngoại
lệ và có lý do đặc biệt, cấp những viện trợ không hoàn lại.
Điều 23:
Ủy ban di
sản thế giới cũng có thể cấp viện trợ quốc tế để đào tạo chuyên gia mọi trình độ
về lĩnh vực xác định, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và hồi sinh di sản văn hoá và tự
nhiên cho các trong tâm quốc gia và vùng.
Điều 24:
Một viện
trợ quốc tế rất quan trọng chỉ cần có thể được cấp sau khi đã nghiên cứu về mặt
khoa học, kinh tế và kỹ thuật. Việc nghiên cứu đó cần phải vận dụng các kỹ thuật
tiến bộ nhất của việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và hồi sinh di sản văn hoá và tự
nhiên và phù hợp với mục tiêu của Công ước này. Việc nghiên cứu cũng phải tìm
ra được các cách sử dụng hợp lý các nguồn lực có sẵn trong quốc gia hữu quan.
Điều 25:
Việc tài
trợ các công trình cần thiết, về nguyên tắc chỉ thuộc một phần vào cộng đồng quốc
tế. Việc tham gia của quốc gia được hưởng viện trợ quốc tế phải là phần chủ yếu
những nguồn lực dùng cho mỗi chương trình hoặc đề án, trừ khi quốc gia đó không
thể có được.
Điều 26:
Ủy ban di
sản thế giới và nước được hưởng viện trợ quốc tế sẽ xác định trong hiệp định mà
họ ký kết những điều kiện theo đó một chương trình hay một đề án được cấp viện
trợ quốc tế căn cứ vào Công ước này. Nước được nhận viện trợ quốc tế phải tiếp
tục bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo các tài sản đã được bảo tồn đó, theo đúng những
điều kiện nêu ra trong Hiệp định.
VI. CÁC CHƯƠNG
TRÌNH GIÁO DỤC
Điều 27:
1. Các nước
tham gia Công ước này cố gắng bằng mọi cách thích hợp, nhất là bằng các chương
trình giáo dục và thông tin để làm cho nhân dân nước họ củng cố lòng tôn trọng
và gắn bó đối với di sản văn hoá và tự nhiên như đã định nghĩa tại các Điều 1
và 2 của Công ước.
2. Họ xin nguyện thông tin rộng
rãi cho công chúng biết về những mối đe doạ đang đè nặng lên di sản đó và về những
hoạt động được tiến hành để vận dụng Công ước này.
Điều 28:
Các quốc
gia tham gia Công ước nhận được viện trợ quốc tế theo này thì họ sẽ thi hành những
biện pháp cần thiết để làm cho mọi người hiểu biết tầm quan trọng của những tài
sản đã được bảo tồn và vai trò của viện trợ đó.
VII. BÁO CÁO
Điều 29:
1. Các nước
tham gia Công ước phải nêu trong các báo cáo trình bày trước Hội nghị toàn thể
Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc vào thời điểm và dưới
hình thức do tổ chức quy định về những điều luật, quy định và về các biện pháp
mà các nước đó sẽ áp dụng để thi hành Công ước, cũng như về kinh nghiệm mà họ
đã thu được trong lĩnh vực này.
2. Các báo cáo đó sẽ được gửi
cho Ủy ban di sản thế giới.
3. Ủy ban sẽ trình bày một bản
báo cáo tại mỗi kỳ họp thường kỳ của Hội nghị toàn thể Tổ chức Liên Hợp Quốc về
giáo dục, khoa học và văn hoá.
VIII. CÁC ĐIỀU
KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 30:
Công ước
này được lập bằng tiếng Anh, ảrập, Tây Ban Nha, Pháp và Nga, cả năm bản đều có
giá trị pháp lý ngang nhau.
Điều 31:
1. Công ước
này sẽ được đưa ra để được sự chuẩn y hoặc chấp nhận của các quốc gia thành
viên của Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá, căn cứ vào các
thể thức Hiến pháp của từng nước.
2. Các văn kiện chuẩn y hoặc chấp
nhận sẽ được nộp cho ông Tổng giám đốc Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa
học và văn hoá.
Điều 32:
1. Công ước
này được mở ra cho sự tham gia của bất kỳ nước nào chưa phải là thành viên của
Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá được Hội nghị toàn thể của
tổ chức mời tham gia.
2. Việc tham gia được tiến hành bằng
cách nộp đơn xin tham gia cho ông Tổng giám đốc của Tổ chức giáo dục, khoa học
và văn hoá của Liên Hợp Quốc.
Điều 33:
Công ước
này sẽ có hiệu lực ba tháng sau ngày nộp văn kiện chuẩn ý, chấp thuận hoặc tham
gia thứ hai mươi, chỉ riêng đối với những quốc gia đã nộp các văn kiện chuẩn y,
chấp thuận hoặc tham gia vào thời điểm đó hoặc trước đó. Nó sẽ có hiệu lực với
một nước khác, ba tháng sau khi nước đó nộp văn kiện chuẩn y, chấp thuận hoặc
tham gia của mình.
Điều 34:
Những điều
khoản dưới đây áp dụng cho các quốc gia tham gia Công ước này nhưng lại có hệ
thống Hiến pháp liên bang hoặc không thống nhất:
a. Về các điều khoản của Công ước
này mà việc thi hành thuộc về công tác lập pháp của quyền lập pháp liên bang
hay Trung ương, thì các nghĩa vụ của chính phủ liên bang hay Trung ương cũng sẽ
giống như nghĩa vụ của các quốc gia thành viên mà không phải là những quốc gia
nằm trong một liên bang.
b. Về các điều khoản của Công ước
này mà việc thi hành thuộc về công tác lập pháp của mỗi một bang, nước, tỉnh hoặc
tổng mà không phụ thuộc vào hệ thống Hiến pháp của liên bang có nhiệm vụ đề ra
các biện pháp lập pháp, thì chính phủ liên bang sẽ chuyển các điều khoản này, với
ý kiến tán thành, cho các cơ quan có thẩm quyền của các bang, nước, tỉnh hoặc
xã.
Điều 35:
1. Mỗi một
quốc gia tham gia Công ước này sẽ có quyền từ bỏ Công ước.
2. Việc từ bỏ sẽ được báo bằng một
văn bản giấy trắng, mực đen nộp cho ông Tổng giám đốc Tổ chức Liên Hợp Quốc về
giáo dục, khoa học và văn hoá.
3. Việc từ bỏ sẽ có hiệu lực 12
tháng sau khi nhận được văn bản từ bỏ. Nó không hề làm thay đổi gì những nghĩa
vụ tài chính mà quốc gia xin từ bỏ phải đảm nhiệm cho tới thời điểm mà sự rút
lui có giá trị.
Điều 36:
Tổng giám
đốc Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá sẽ thông báo cho các
nước thành viên của Tổ chức, các nước không thành viên nêu trong Điều32 cũng
như cho Liên Hợp Quốc về việc nộp tất cả các văn kiện chuẩn y, chấp thuận hoặc
tham gia nêu trong các Điều31 và 32 cũng như những việc từ bỏ dự kiến trong Điều35.
Điều 37:
1. Công ước
này có thể được Hội nghị toàn thể Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học
và văn hoá chỉnh lý lại. Nhưng việc chỉnh lý chỉ ràng buộc các quốc gia sẽ trở
thành thành viên của Công ước chỉnh lý.
2. Trong trường hợp Hội nghị
toàn thể thông qua một Công ước mới có chỉnh lý toàn bộ hay từng phần Công ước
hiện tại mà Công ước mới không quy định khác thì Công ước hiện tại thôi không
đưa ra để chuẩn y, chấp thuận hay tham gia kể từ thời điểm có hiệu lực của Công
ước mới bổ sung, chỉnh lý.
Điều 38:
Căn cứ
vào Điều 102 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước này sẽ được vào số tại ban
thư ký Liên Hợp Quốc theo yêu cầu của ông Tổng giám đốc Tổ chức Liên Hợp Quốc về
giáo dục, khoa học và văn hoá. Làm tại Paris ngày 23-11-1972, thành hai bản
chính thức có chữ ký của ông Chủ tịch Hội nghị toàn thể họp kỳ thứ 17 và chữ ký
của ông Tổng giám đốc Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá và
các bản sao y bản chính sẽ được gửi cho tất cả các quốc gia nêu trong Điều 31
và 32 cũng như cho Liên Hợp Quốc.
Văn bản trên đây là văn bản
chính thức của Công ước đã được Hội nghị toàn thể Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo
dục, khoa học và văn hoá thông qua tại kỳ họp thứ 17 họp tại Paris và tuyên bố
bế mạc ngày 21-11-1972.
Để nhận thực việc này, ngày
23-11-1972 đã có chữ ký của ông Chủ tịch Hội nghị toàn thể.
Tổng
giám đốc UNESCO