THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN VIỆC MIỄN, GIẢM NGHĨA VỤ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI KHOẢN THU, NỘP NGÂN SÁCH NHÀ
NƯỚC
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đã sửa đổi,
bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13
(sau đây gọi chung là Luật Thi hành án dân sự);
Căn cứ Luật Tổ chức Toà án nhân dân số 62/2014/QH13;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân
sách nhà nước.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định
nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề nghị và xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối
với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là miễn,
giảm thi hành án).
Điều 2. Các khoản
thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án
Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà
nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền,
tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước,
các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết
định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được
miễn, giảm (nếu có).
Điều 3. Nguyên tắc
xét miễn, giảm thi hành án
1. Việc xét miễn, giảm thi hành án phải
được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thời hạn
và các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật có liên quan.
2. Người được xét miễn, giảm thi hành
án không phải nộp chi phí liên quan đến việc xét miễn, giảm. Chi phí cho việc
xét miễn, giảm thi hành án được lấy từ kinh phí hoạt động của cơ quan thực hiện
việc miễn, giảm thi hành án.
Điều 4. Điều kiện
xét miễn, giảm thi hành án
1. Điều kiện xét miễn, giảm thi hành
án thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự.
Thi hành được một phần khoản thu, nộp
ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 hoặc một phần án phí quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật
Thi hành án dân sự là đã thi hành được ít nhất bằng một phần năm mươi khoản
thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết
định của Tòa án.
Trường hợp người đã được giảm một phần
hình phạt tiền mà lại phạm tội mới thì chỉ xét giảm tiếp khi đã thi hành được một
phần hình phạt tiền chung theo quy định của Bộ
luật Hình sự về giảm mức hình phạt tiền đã tuyên.
2. Việc miễn phần án phí, tiền phạt
còn lại quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự được
thực hiện khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện sau:
a) Đã tích cực thi hành được một phần
án phí quy định tại Khoản 1 Điều này; thi hành được một phần tiền phạt theo quy
định của Bộ luật Hình sự về miễn chấp hành
phần tiền phạt còn lại;
b) Lâm
vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài hoặc lập công lớn.
Người phải thi hành án lâm vào hoàn cảnh
kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài là người bị giảm sút hoặc mất thu nhập, mất
toàn bộ hoặc phần lớn tài sản do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến
không đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho bản thân người đó
và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng từ mười hai tháng trở lên, kể từ
thời điểm xảy ra sự kiện đó đến thời điểm xét miễn, giảm thi hành
án.
Người phải
thi hành án lập công lớn là người đã có hành động giúp cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong
tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công
dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc
sự kiện bất khả kháng khác;
có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xác nhận.
Chương II
THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ
VÀ XÉT MIỄN, GIẢM THI HÀNH ÁN
Điều 5. Xác minh
điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án
1. Việc xác minh điều kiện để xét miễn,
giảm thi hành án được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Thủ trưởng cơ quan thi hành
án đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với
người phải thi hành án quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án
dân sự; đủ điều kiện về thời hạn, mức tiền quy định tại Điều
61 Luật Thi hành án dân sự và điều kiện quy định tại Khoản 1
Điều 4 Thông tư liên tịch này hoặc đủ điều kiện quy định tại Khoản
2 Điều 4 Thông tư liên tịch này;
b) Cơ quan Thi hành án dân sự nhận được
đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của người phải thi hành án.
Đơn đề nghị xét miễn, giảm được gửi
trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ quan Thi hành án dân sự.
c) Cơ quan Thi hành án dân sự nhận được
yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện kiểm sát.
Viện kiểm sát yêu cầu lập hồ sơ đề
nghị xét miễn, giảm khi có căn cứ xác định rõ người phải thi hành án có đủ điều
kiện để được xét miễn, giảm thi hành án, nhưng cơ quan Thi hành án dân sự không
lập hồ sơ.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày
có căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này, Chấp hành viên tiến hành xác minh để lập
hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án; đối với trường hợp quy định tại Điểm
b Khoản 1 Điều này, nếu xét thấy người phải thi hành án chưa đủ các điều kiện
quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này thì cơ quan Thi hành án dân sự thông báo
cho người phải thi hành án đã có đơn đề nghị xét miễn, giảm
thi hành án biết và không phải tiến hành xác minh.
3. Việc xác minh điều kiện thi hành
án để xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều
44 Luật Thi hành án dân sự.
Đối với người phải thi hành án đang
chấp hành hình phạt tù, Chấp hành viên còn
phải xác minh điều kiện xét miễn, giảm tại Trại giam, Trại tạm giam, cơ
quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ sở giam giữ)
nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù. Nội dung xác minh làm
rõ trong quá trình chấp hành hình phạt tù, phạm nhân là người phải thi hành án
thuộc một hoặc các trường hợp: lập công lớn; bị bệnh hiểm nghèo; có tài sản gửi
ở bộ phận lưu ký của cơ sở giam giữ; kết quả thi hành khoản thu, nộp ngân sách
nhà nước do cơ sở giam giữ thu (nếu có). Chấp hành viên có thể trực tiếp xác
minh tại cơ sở giam giữ hoặc cơ quan Thi hành án dân sự gửi phiếu đề nghị xác
nhận. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào phiếu xác nhận
để chuyển trực tiếp cho Chấp hành viên hoặc gửi phiếu xác nhận cho cơ quan Thi
hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được phiếu đề nghị.
4. Trường hợp xác minh theo quy định tại Điểm b và Điểm
c Khoản 1 Điều này, nếu người phải thi hành án không đủ điều kiện xét miễn, giảm
thì trong thời hạn 05 ngày làm
việc, kể từ ngày có kết quả xác minh, cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo
bằng văn bản cho người phải thi hành
án đã có đơn đề nghị xét miễn,
giảm thi hành án hoặc Viện kiểm sát đã yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm
thi hành án biết, nêu rõ lý do chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm.
Điều 6. Lập hồ sơ
đề nghị xét miễn, giảm thi hành án
1. Trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác minh, nếu người phải thi hành án đủ
điều kiện xét miễn, giảm thi hành án, Chấp hành viên lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, báo
cáo Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự để chuyển Viện kiểm sát cùng cấp thực
hiện kiểm sát theo quy định pháp luật. Việc gửi hồ sơ cho
Viện kiểm sát được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 7 Thông
tư liên tịch này.
2. Hồ sơ chuyển Viện kiểm sát bao gồm
các tài liệu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 62 Luật Thi
hành án dân sự; văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ
trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; bản chụp quyết định giảm nghĩa vụ thi
hành án đối với trường hợp đã được giảm một phần nghĩa vụ thi hành án (nếu có).
Đối với hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm
được lập khi có căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông
tư liên tịch này thì phải kèm theo đơn đề nghị xét miễn, giảm của người phải
thi hành án.
3. Tài liệu khác chứng minh điều kiện
được xét miễn, giảm thi hành án của người phải thi hành án quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Thi hành án dân sự là một trong các loại
tài liệu sau:
a) Chứng từ thu - chi tiền thi hành
án (nếu có);
b) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh từ cấp huyện trở lên trong trường hợp người phải thi hành án bị tai nạn,
đau ốm kéo dài;
c) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân
cấp xã trong trường hợp người phải thi hành án bị thiệt hại tài sản do thiên
tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng
khác;
d) Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền trong trường hợp người phải thi hành án lập công lớn;
đ) Phiếu xác nhận của cơ sở giam giữ
nơi người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù đối với các thông tin được
quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch này;
e) Quyết định của Thủ trưởng cơ quan
Thi hành án dân sự về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án
quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự;
g) Tài liệu chứng minh khác liên quan
đến điều kiện xét miễn, giảm thi hành án (nếu có).
Điều 7. Kiểm sát
hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án
1. Vào tuần đầu của mỗi tháng, cơ
quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi
hành án được lập trong tháng trước để Viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát theo quy
định pháp luật.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày
nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét và chuyển lại hồ sơ cho
cơ quan Thi hành án dân sự kèm theo văn bản nêu rõ ý kiến của Viện kiểm sát về
hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đối với trường hợp xét miễn, giảm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch này, nếu nhất
trí với hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ cho Tòa án kèm theo
văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị miễn, giảm thi hành án và thông
báo cho cơ quan Thi hành án dân sự đã lập hồ sơ; nếu không nhất trí thì trả lại
hồ sơ cho cơ quan Thi hành án dân sự.
Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ
quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc bổ sung giấy tờ cần
thiết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, nếu cơ
quan Thi hành án dân sự không giải thích hoặc bổ sung giấy tờ cần thiết thì Viện
kiểm sát trả lại hồ sơ cho cơ quan Thi hành án dân sự.
Điều 8. Thủ tục đề
nghị xét miễn, giảm thi hành án
1. Đối với việc xét miễn, giảm thi
hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 61 Luật Thi hành
án dân sự; xét miễn phần án phí còn lại quy định tại Khoản
4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự, căn cứ ý kiến nhất trí bằng văn bản của
Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị Tòa án có thẩm quyền
quy định tại Khoản 1 Điều 63 Luật Thi hành án dân sự (sau
đây gọi là Tòa án có thẩm quyền) xét miễn, giảm thi hành án.
2. Đối với việc xét miễn tiền phạt
quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự, xét
giảm việc chấp hành phần tiền phạt còn lại đối với người chưa thành niên theo
quy định của Bộ luật Hình sự thì
thủ tục đề nghị xét miễn, giảm thực hiện như sau:
a) Trường hợp việc thi hành án đang
do cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện tổ chức thi hành thì căn cứ hồ sơ đề
nghị xét miễn, giảm của cơ quan Thi hành án dân sự, Viện trưởng Viện kiểm sát
cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền đề nghị Tòa án xét miễn, giảm thi hành án;
b) Trường hợp việc thi hành án đang
do cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan Thi hành án cấp quân khu tổ chức
thi hành, căn cứ ý kiến nhất trí bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ
quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan
Thi hành án cấp quân khu chuyển hồ sơ để Viện trưởng Viện kiểm sát cùng
cấp với Tòa án có thẩm quyền đề nghị Tòa án xét miễn, giảm thi hành án.
3. Hồ sơ đề nghị Tòa án xét miễn, giảm
thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Thi hành
án dân sự và Điều 6 Thông tư liên tịch này.
Điều 9. Thủ tục
xét miễn, giảm thi hành án
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể
từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, Chánh án Tòa án có thẩm
quyền xét miễn, giảm thi hành án phân công một Thẩm phán thụ lý hồ sơ và giải
quyết việc xét miễn, giảm thi hành án. Thẩm phán được phân công có quyền yêu cầu
Viện kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc
bổ sung giấy tờ cần thiết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
yêu cầu. Quá thời hạn nêu trên, nếu cơ quan được yêu cầu không giải thích hoặc
bổ sung giấy tờ cần thiết thì Thẩm phán trả lại hồ sơ cho cơ quan đã đề nghị.
Trường hợp hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm
bị Tòa án trả lại do chưa đầy đủ hoặc thực hiện không đúng thủ tục, Viện kiểm
sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và
đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét trong kỳ xét miễn, giảm gần nhất.
2. Tổ chức phiên họp xét miễn, giảm
thi hành án
Phiên họp xét miễn, giảm thi hành án
được tổ chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Thi hành án
dân sự.
Thẩm phán chủ trì phiên họp xét miễn,
giảm thi hành án có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm phiên họp xét
miễn, giảm cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan Thi hành án dân sự đã đề nghị
xét miễn, giảm.
3. Quyết
định miễn, giảm thi hành án của Tòa án phải có nội dung chính sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ, tên Thẩm phán và đại diện các
cơ quan tham gia phiên họp;
d) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi
đang chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án (nếu có) và khoản nộp
ngân sách nhà nước phải thi hành;
đ) Nhận định của Tòa án và những căn
cứ để chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn,
giảm thi hành án của Viện kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự;
e) Quyết
định miễn thi hành án khoản nộp ngân sách nhà nước, số tiền được miễn; quyết định
giảm một phần khoản nộp ngân sách nhà nước, số tiền được giảm, số tiền còn phải
thi hành; số tiền lãi chậm thi hành án được miễn (nếu có).
4. Quyết định miễn,
giảm thi hành án của Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng
nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp theo quy định tại Khoản
1 Điều 64 Luật Thi hành án dân sự mà Viện kiểm sát không kháng nghị.
Điều 10. Kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn,
giảm thi hành án
1. Kháng nghị quyết định của Tòa án về
miễn, giảm thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 64
của Luật Thi hành án dân sự.
Thẩm phán chủ trì phiên họp xét kháng
nghị quyết định của Tòa án về miễn, giảm thi hành án có trách nhiệm thông báo về
thời gian, địa điểm phiên họp xét kháng nghị cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ
quan Thi hành án dân sự đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm trong trường hợp
Tòa án xét thấy cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan Thi hành án dân sự.
2. Tại phiên họp
xét kháng nghị, đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị, căn cứ của
việc kháng nghị; có quyền bổ sung hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc kháng nghị;
phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc miễn, giảm thi hành án. Trường hợp
có sự tham gia của đại diện cơ quan Thi hành án dân sự thì họ trình bày ý kiến
về quyết định kháng nghị. Trên cơ sở xem xét hồ sơ, nghe ý kiến của đại diện Viện
kiểm sát, đại diện cơ quan Thi hành án dân sự (nếu có), Thẩm phán chủ trì phiên
họp ra quyết định giải quyết kháng nghị.
3. Quyết
định giải quyết kháng nghị của Tòa án phải có nội dung chính sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi
đang chấp hành hình phạt tù (nếu có) của người phải thi hành án và khoản nộp
ngân sách nhà nước phải thi hành;
c) Tên
Tòa án đã xét miễn, giảm và nội dung quyết định miễn, giảm bị kháng nghị;
d) Nội dung kháng nghị của Viện kiểm
sát;
đ) Nhận
định của Tòa án có thẩm quyền xét kháng nghị và các căn cứ để Tòa án ra quyết định;
e) Quyết định giữ nguyên, sửa đổi một
phần hoặc hủy toàn bộ quyết định của Tòa án về việc miễn, giảm thi hành án.
Điều 11. Thi hành quyết định của Tòa án về việc miễn,
giảm thi hành án
1. Căn cứ quyết định có hiệu lực của
Tòa án về việc miễn thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định đình
chỉ thi hành án.
Trường hợp Tòa án quyết định cho giảm
một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục thi hành đối
với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước còn lại.
2. Trường hợp Tòa án quyết định không
miễn, giảm khoản thu, nộp ngân sách nhà nước thì cơ quan Thi hành án dân sự có
trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi hành theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 12. Hiệu lực
thi hành và điều khoản chuyển tiếp
1. Thông
tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2015 và thay thế Thông
tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày
25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với
khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
2. Tòa án áp dụng
quy định của Thông tư liên tịch
này để xét miễn, giảm đối với hồ sơ đề
nghị xét miễn, giảm thi hành án đã được Tòa án thụ lý trước thời điểm Thông tư
liên tịch này có hiệu lực mà chưa tổ chức phiên họp xét miễn, giảm trong trường
hợp việc áp dụng có lợi cho người được xét miễn, giảm thi hành án./.