BỘ QUỐC PHÒNG -
BỘ CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/2021/TTLT-BQP-BCA-VKSNDTC
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 01 năm 2021
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY
ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP TRONG VIỆC BẮT, TẠM GIỮ VÀ KIỂM SÁT VIỆC BẮT, TẠM GIỮ CỦA CƠ
QUAN, NGƯỜI ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA CỦA BỘ ĐỘI
BIÊN PHÒNG, LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN
Căn cứ Bộ luật Tố
tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi
hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức
Viện kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Tổ chức
Cơ quan điều tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên tịch quy định về phối hợp trong việc
bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát
biển.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định về phối hợp giữa
các cơ quan thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
trong việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng
Cảnh sát biển.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của
Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển.
2. Nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Công an nhân
dân, Quân đội nhân dân và buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng.
3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân cấp huyện kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh
sát biển.
4. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan
đến việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng
Cảnh sát biển.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, quy định tại
Thông tư liên tịch này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm quyền con người, các quyền và lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Bộ đội
Biên phòng là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, những vụ án xảy ra trong
khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội
Biên phòng quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Tổ chức
cơ quan điều tra hình sự.
2. Vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của lực lượng
Cảnh sát biển là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, những vụ án xảy ra
trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
do lực lượng Cảnh sát biển quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều
35 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
3. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ đội Biên
phòng là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của
Bộ đội Biên phòng.
4. Người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng
là người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên
phòng.
5. Cơ quan có thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát
biển là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của
lực lượng Cảnh sát biển.
6. Người có thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát biển
là người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh
sát biển
Điều 5. Kinh phí bảo đảm cho hoạt
động quản lý, thi hành tạm giữ đối với người bị tạm giữ do cơ quan, người được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng
Cảnh sát biển quyết định tạm giữ
1. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm bảo đảm các chế độ
cho người bị tạm giữ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội
Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển như đối với các trường hợp khác bị tạm giữ
theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm
giam, Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06
tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (viết gọn là
Nghị định số 120/2017/NĐ-CP) và các quy định
của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động quản lý, thi hành
tạm giữ đối với người bị cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực
lượng Cảnh sát biển quyết định tạm giữ được ngân sách nhà nước bảo đảm cho cơ sở
giam giữ. Việc quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy
định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
3. Hằng năm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Điều
tra hình sự Bộ Quốc phòng và đơn vị nghiệp vụ được Bộ Công an giao có trách nhiệm
lập dự toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ đối với cơ
sở giam giữ của ngành mình theo quy định tại khoản 1 Điều này báo cáo cấp có thẩm
quyền quyết định.
Chương II
PHỐI HỢP TRONG THỰC HIỆN
VIỆC BẮT, TẠM GIỮ
Điều 6. Phối hợp trong việc tiếp
nhận người bị bắt, tạm giữ trong các vụ việc, vụ án không thuộc thẩm quyền điều
tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
1. Khi phát hiện, tiếp nhận người phạm tội quả
tang, người đang bị truy nã, người phạm tội tự thú, đầu thú thì cơ quan, người
có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển phải lập biên bản
bắt giữ người phạm tội quả tang, người bị truy nã, lập biên bản tiếp nhận người
phạm tội tự thú, đầu thú, bảo vệ hiện trường (nếu có), thu giữ, tạm giữ vũ khí,
hung khí và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lấy lời khai ban đầu; giải
ngay người đó đến hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Nếu chưa
xác định được Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì giải ngay người đó đến Cơ quan
điều tra Công an nơi gần nhất.
2. Cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc Cơ quan điều
tra Công an nơi gần nhất có trách nhiệm tiếp nhận người và tài liệu, vật chứng
liên quan trong vụ việc, vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên
phòng, lực lượng Cảnh sát biển bàn giao để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Phối hợp thực hiện
trình tự, thủ tục bắt, tạm giữ trong trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền
điều tra của cơ quan có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
1. Sau khi bắt người phạm tội quả tang, bắt người
đang bị truy nã thì cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng
Cảnh sát biển quy định tại điểm b khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng
hình sự ra quyết định tạm giữ; thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về bắt,
giao nhận người bị tạm giữ, bị bắt tại các điều 111, 112, 114,
115, 116, 117 và 133 Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật
về trình tự, thủ tục bắt, tạm giữ.
2. Quyết định tạm giữ và các tài liệu liên quan đến
việc bắt, tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để kiểm
sát, xét phê chuẩn theo đúng thời hạn quy định tại Điều 117 và
Điều 134 Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Hồ sơ khi bàn giao người bị tạm giữ cho cơ sở
giam giữ gồm các loại tài liệu theo quy định tại các điểm a, b,
c và đ khoản 1 Điều 17 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các tài liệu sau:
Giấy giới thiệu, quyết định tạm giữ người, quyết định phân công Cán bộ điều
tra.
Điều 8. Phối hợp trong công tác
quản lý tạm giữ của đồn Biên phòng
1. Buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng được tổ chức
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh có trách nhiệm
thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về danh mục đồn Biên phòng được tổ
chức buồng tạm giữ trên địa bàn. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
thông báo và chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện kiểm sát việc
tuân theo pháp luật đối với buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng trên địa bàn.
2. Buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng có trách nhiệm
tiếp nhận, quản lý người bị tạm giữ theo quyết định tạm giữ của người có thẩm
quyền được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình
sự và quyết định điều chuyển của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Khi thực hiện công tác tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ
có nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý người bị tạm giữ như Trưởng nhà tạm giữ
theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm
giam và các quy định khác của pháp luật về tạm giữ.
3. Phối hợp trong thi hành tạm giữ
a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh thực hiện
quản lý tạm giữ đối với buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 và khoản 4 Điều 12 Luật Thi hành tạm giữ, tạm
giam; khi thực hiện quản lý việc tạm giữ đối với buồng tạm giữ thì sử dụng
con dấu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
b) Đồn trưởng đồn Biên phòng có thẩm quyền và chịu
trách nhiệm về việc phân công, chỉ đạo, kiểm tra Trưởng buồng tạm giữ và các lực
lượng thuộc quyền trong việc canh gác, bảo vệ buồng tạm giữ, thực hiện chế độ
quản lý giam giữ và các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Trưởng buồng tạm giữ theo
quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam,
Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ,
tạm giam (viết gọn là Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC)
và các quy định khác của pháp luật về thi hành tạm giữ;
c) Buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng chịu sự quản
lý về nghiệp vụ tạm giữ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và sự quản lý
trực tiếp của Đồn trưởng đồn Biên phòng. Khi thực hiện nhiệm vụ, Trưởng buồng tạm
giữ được sử dụng con dấu của đồn Biên phòng;
d) Trưởng buồng tạm giữ chịu sự quản lý của Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh về công tác quản lý tạm giữ; chịu sự chỉ huy trực
tiếp của Đồn trưởng đồn Biên phòng về công tác của buồng tạm giữ.
Trưởng buồng tạm giữ có nhiệm vụ, quyền hạn theo
quy định tại Điều 13 và Điều 15 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
và trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung của chế độ quản lý giam giữ quy định
tại Chương III Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 9. Thực hiện chế độ quản
lý người bị tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng
Khi tiếp nhận, quản lý người bị tạm giữ, Trưởng buồng
tạm giữ phải thực hiện đúng các quy định tại Chương III Luật
Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định dưới đây:
1. Việc khám sức khỏe người bị tạm giữ do Quân y đồn
Biên phòng thực hiện. Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ do người cùng giới
với người bị tạm giữ thực hiện. Trường hợp đồn Biên phòng không có cán bộ, nhân
viên nữ thì khi khám người bị tạm giữ là nữ giới phải phối hợp với chính quyền
địa phương mời một công dân nữ ở địa phương thực hiện và được tiến hành ở nơi
kín đáo.
2. Biên bản, tài liệu về khám sức khỏe, kiểm tra
thân thể người bị tạm giữ và các tài liệu khác trong hồ sơ tạm giữ người phải
được lập theo mẫu và thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật
Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định pháp luật có liên quan.
Tài liệu trong hồ sơ quản lý người bị tạm giữ phải
được đánh số thứ tự, có bản thống kê tài liệu có trong hồ sơ. Chế độ quản lý,
lưu trữ, khai thác, sử dụng hồ sơ quản lý tạm giữ đối với buồng tạm giữ thuộc đồn
Biên phòng được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Trưởng buồng tạm giữ cỏ trách nhiệm báo cáo Đồn
trưởng đồn Biên phòng để giải quyết hoặc trực tiếp thông báo bằng văn bản cho
cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia
hạn tạm giữ.
Trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan thụ lý vụ
việc, vụ án không giải quyết thì Trưởng buồng tạm giữ kiến nghị ngay với Viện
kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đặt trụ sở để xử lý theo quy định
của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 10. Phối hợp thực hiện điều
chuyển người bị tạm giữ tại Buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng đến cơ sở giam
giữ khác
1. Trường hợp điều chuyển người bị tạm giữ từ buồng
tạm giữ thuộc đồn Biên phòng đến cơ sở giam giữ khác, Trưởng buồng tạm giữ có
trách nhiệm bàn giao người có quyết định điều chuyển cùng hồ sơ, đồ vật, tư
trang, tiền, tài sản khác đã gửi lưu ký cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải
để bàn giao cho cơ sở giam giữ mới.
2. Việc bàn giao người bị tạm giữ và hồ sơ, đồ vật,
tư trang, tiền, tài sản khác đã gửi lưu ký được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
và phải lập biên bản.
Điều 11. Phối hợp giữa cơ sở
giam giữ với cơ quan có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
trong việc tiếp nhận, tạm giữ người
1. Trách nhiệm của Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng
tạm giữ, Giám thị trại tạm giam
Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ, Giám thị
trại tạm giam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản
3 Điều 13, khoản 2 Điều 15 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các nhiệm vụ
cụ thể dưới đây:
a) Tiếp nhận, quản lý, thực hiện việc tạm giữ người
theo quyết định tạm giữ hoặc quyết định điều chuyển của cơ quan, người có thẩm
quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển;
b) Bàn giao người bị tạm giữ cho cơ quan, người có
thẩm quyền đã ra quyết định tạm giữ người khi có đầy đủ thủ tục theo quy định tại
khoản 2 Điều 19, Điều 20 và khoản 1 Điều 21 Luật Thi hành tạm
giữ, tạm giam;
c) Phối hợp, tạo điều kiện để cán bộ của cơ quan đã
ra quyết định tạm giữ lấy lời khai hoặc tiến hành các hoạt động điều tra khác đối
với người bị tạm giữ;
d) Thực hiện chế độ quản lý, ăn, mặc, ở, chăm sóc y
tế cho người bị tạm giữ theo quy định của Luật
Thi hành tạm giữ, tạm giam, Nghị định số 120/2017/NĐ-CP
và quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
đ) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định
tạm giữ trong trường hợp người bị tạm giữ trốn khỏi nơi giam giữ; trước khi hết
thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ 01 (một) ngày; người bị tạm giữ bị ốm đau,
thương tích hoặc chết tại buồng tạm giữ, nhà tạm giữ, trại tạm giam; người bị tạm
giữ vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ để giải quyết theo quy định
của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định
khác của pháp luật về tạm giữ. Nếu cơ quan đã ra quyết định tạm giữ không giải
quyết thì kiến nghị ngay với Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát quản
lý, thi hành tạm giữ, tạm giam xử lý và thông báo ngay với cấp trên trực tiếp của
cơ quan đã ra quyết định tạm giữ.
2. Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền của
Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
a) Tổ chức lực lượng, phương tiện áp giải, bàn giao
người bị tạm giữ và hồ sơ, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến việc tạm giữ
cho cơ sở giam giữ theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch
số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC; việc bàn giao phải lập biên bản;
b) Phối hợp với cơ sở giam giữ truy bắt người mà cơ
quan mình quyết định tạm giữ bỏ trốn và giải quyết các trường hợp hết thời hạn
tạm giữ, người bị tạm giữ chết hoặc bị ốm đau, thương tích phải đưa đi khám, chữa
bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ;
c) Người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực
lượng Cảnh sát biển khi đến cơ sở giam giữ để tiến hành hoạt động điều tra đối
với người bị tạm giữ do cơ quan mình ra quyết định tạm giữ phải xuất trình quyết
định phân công thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án hoặc văn bản đồng ý của người
có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án.
3. Việc giao, nhận và tạm giữ người cùng hồ sơ, vật
chứng, tài sản liên quan đến việc tạm giữ thực hiện theo quy định tại các điều 13, 16, 17 và 21 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Thông
tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
Điều 12. Phối hợp giải quyết
trường hợp đưa người bị tạm giữ trong vụ việc, vụ án đang thuộc thẩm quyền điều
tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển đi khám, chữa bệnh tại cơ sở
y tế ngoài cơ sở giam giữ hoặc người bị tạm giữ chết
Việc đưa người bị tạm giữ đi khám, chữa bệnh tại cơ
sở y tế ngoài cơ sở giam giữ hoặc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ chết
thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm
giữ, tạm giam và các quy định dưới đây:
1. Đối với buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng
a) Trường hợp người bị tạm giữ bị ốm đau, thương
tích vượt quá khả năng điều trị của Quân y thì đồn Biên phòng làm thủ tục chuyển
họ đến cơ sở y tế địa phương hoặc bệnh viện tuyến trên để điều trị; Đồn trưởng
đồn Biên phòng phải tổ chức canh giữ đảm bảo an toàn;
b) Trường hợp người bị tạm giữ chết trong thời gian
bị tạm giữ, Đồn trưởng đồn Biên phòng phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông
báo ngay cho cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ việc, vụ án; Viện kiểm sát nhân
dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đặt trụ sở; Viện kiểm sát nhân dân đang thực
hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án; Cơ quan điều tra
Công an cấp huyện nơi đồn Biên phòng đặt trụ sở; Cơ quan điều tra hình sự Bộ đội
Biên phòng; Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng.
2. Đối với nhà tạm giữ, trại tạm giam
a) Trường hợp người bị tạm giữ bị ốm đau, thương
tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở giam giữ thì chuyển người bệnh đến cơ
sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện Quân đội hoặc bệnh viện trung ương để
khám, điều trị; đồng thời, thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội
Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển đang thụ lý vụ việc, vụ án biết để phối hợp
giải quyết, tổ chức canh giữ;
b) Trường hợp người bị tạm giữ chết thì nhà tạm giữ,
trại tạm giam có trách nhiệm giải quyết và thông báo cho Thủ trưởng cơ quan có
thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển đang thụ lý vụ việc,
vụ án biết để phối hợp giải quyết;
c) Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền của Bộ đội Biên
phòng, lực lượng Cảnh sát biển đang thụ lý vụ việc, vụ án phải cử ngay cán bộ đến
nhà tạm giữ, trại tạm giam để phối hợp giải quyết.
Điều 13. Chuyển hồ sơ và người
bị bắt, bị tạm giữ để giải quyết theo thẩm quyền
1. Sau khi thực hiện tiếp nhận người phạm tội tự
thú, đầu thú hoặc sau khi thực hiện bắt người phạm tội quả tang, người đang bị
truy nã, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, nếu có căn cứ xác định không
thuộc thẩm quyền thì cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng
Cảnh sát biển phải bàn giao ngay người bị bắt, người bị tạm giữ và hồ sơ cho Cơ
quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại các điều 110,
111, 112 và 145 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu chưa xác định được Cơ quan điều
tra có thẩm quyền thì chuyển cho Cơ quan điều tra Công an nơi gần nhất.
2. Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội
Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển đã ra quyết định tạm giữ người mà sau đó
xác định vụ việc, vụ án không thuộc thẩm quyền thì chuyển hồ sơ vụ việc, vụ án
cùng người bị tạm giữ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc Cơ quan điều tra
Công an nơi gần nhất để giải quyết.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc Cơ quan điều
tra Công an nơi gần nhất có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và người bị tạm giữ do
cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển bàn
giao.
3. Cơ quan điều tra đã tiếp nhận người bị tạm giữ
quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc hủy bỏ biện
pháp tạm giữ.
Chương III
PHỐI HỢP TRONG KIỂM SÁT
VIỆC BẮT, TẠM GIỮ
Điều 14. Phối hợp trong việc
xác định thẩm quyền kiểm sát việc bắt, tạm giữ
1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc cơ quan,
người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển bắt, tạm giữ
người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn mình quản lý.
Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi
khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì thẩm quyền kiểm
sát thuộc Viện kiểm sát nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi thực hiện việc bắt, tạm
giữ, nơi phương tiện áp giải người bị bắt của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh
sát biển cập bến đầu tiên, nơi đặt trụ sở của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh
sát biển.
2. Trường hợp không xác định được Viện kiểm sát
nhân dân cấp huyện nào trong một tỉnh có thẩm quyền thì Viện kiểm sát nhân dân
cấp huyện đã tiếp nhận thông tin về việc bắt, tạm giữ báo cáo Viện kiểm sát
nhân dân cấp tỉnh để xác định Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm
quyền.
Trường hợp không xác định được Viện kiểm sát nhân
dân cấp huyện ở tỉnh nào có thẩm quyền thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã
tiếp nhận thông tin về việc bắt, tạm giữ báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
trực tiếp quản lý để trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
có liên quan xác định Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền; nếu
không thống nhất được, thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh báo cáo Viện kiểm
sát nhân dân tối cao để xác định Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền.
Trường hợp không xác định được Viện kiểm sát nhân
dân cấp tỉnh nào có thẩm quyền thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã tiếp nhận
thông tin về việc bắt, tạm giữ báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xác định
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền.
3. Khi xác định được vụ việc, vụ án không thuộc thẩm
quyền kiểm sát của mình thì Viện kiểm sát nhân dân thực hiện kiểm sát ban đầu
có trách nhiệm thông báo và bàn giao ngay hồ sơ, tài liệu kiểm sát cho Viện kiểm
sát có thẩm quyền.
Điều 15. Phối hợp kiểm sát quản
lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng
1. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kiểm sát quản
lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng đóng quân trên địa
bàn.
2. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện khi thực hiện
công tác kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên
phòng có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều
42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và có trách nhiệm:
a) Trực tiếp kiểm sát buồng tạm giữ; kiểm sát hồ sơ
tạm giữ; gặp hỏi người bị tạm giữ về việc tạm giữ; xác minh, thu thập tài liệu
để làm rõ vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ;
b) Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong
thi hành tạm giữ;
c) Yêu cầu Trưởng buồng tạm giữ thông báo tình hình
chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan,
tự kiểm tra và thông báo kết quả về thi hành tạm giữ cho Viện kiểm sát, trả lời
về vi phạm pháp luật trong việc thi hành tạm giữ;
d) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đình chỉ việc thi
hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ;
yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và xử lý người vi phạm pháp luật; phát hiện và
xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; quyết định trả
tự do ngay cho người bị tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật;
đ) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ
án hình sự hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo
quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi
hành tạm giữ;
e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm
sát việc tạm giữ theo quy định của pháp luật.
3. Đồn trưởng đồn Biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ
và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quyết định và yêu cầu của Viện
kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Điều 16. Trực tiếp kiểm sát việc
tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng
1. Trực tiếp kiểm sát định kỳ, đột xuất
a) Định kỳ một năm một lần, Viện kiểm sát nhân dân
cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với buồng tạm giữ thuộc
đồn Biên phòng trên địa bàn khi có hoạt động tạm giữ;
b) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực tiếp kiểm
sát đột xuất việc tạm giữ tại đồn Biên phòng khi người bị tạm giữ trốn, chết
trong thời gian tạm giữ; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc
tạm giữ hoặc khi xét thấy cần thiết.
2. Nội dung trực tiếp kiểm sát
a) Kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ và hồ
sơ quản lý tạm giữ;
b) Việc thực hiện chế độ quản lý tạm giữ, chế độ đối
với người bị tạm giữ;
c) Việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và
những việc khác trong việc tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng theo
quy định của pháp luật.
3. Thủ tục trực tiếp kiểm sát
a) Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát theo định
kỳ phải có quyết định, kế hoạch. Nội dung quyết định, kế hoạch theo hướng dẫn của
Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Kết thúc cuộc kiểm sát, Viện kiểm sát công bố dự
thảo kết luận trước Chỉ huy đồn Biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ và những người
có liên quan;
c) Việc trực tiếp kiểm sát do Viện trưởng, Phó Viện
trưởng hoặc Kiểm sát viên được phân công chủ trì tiến hành;
d) Trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất không phải
gửi trước quyết định và không cần kế hoạch kiểm sát.
Điều 17. Thực hiện quyền yêu cầu,
quyết định, kháng nghị, kiến nghị trong việc thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ
thuộc đồn Biên phòng
1. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật
trong việc thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng, nếu không
trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ban hành văn bản yêu cầu
Trưởng buồng tạm giữ tự kiểm tra việc tạm giữ và thông báo kết quả cho Viện kiểm
sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ; thông báo
tình hình thi hành tạm giữ; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi
phạm pháp luật trong việc tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản
2 Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Khi xác định có vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát
nhân dân cấp huyện ban hành quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu theo quy
định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ,
tạm giam.
3. Trưởng buồng tạm giữ, những người liên quan có
trách nhiệm thực hiện quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm
sát theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 18. Phối hợp giải quyết
và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ của
cơ quan, người có thẩm quyền thuộc Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
Công tác phối hợp giải quyết và kiểm sát việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người có
thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển được thực hiện theo
quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự, Chương IX Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định khác
của pháp luật liên quan đến giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong tố tụng hình sự và thi hành tạm giữ.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 09 tháng 3 năm 2021.
2. Những văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu
trong Thông tư liên tịch này nếu bị thay thế hoặc sửa đổi bằng văn bản mới thì
thực hiện theo văn bản mới.
3. Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSNDTC-BQP ngày 17 tháng 02 năm
2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng
dẫn thực hiện việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại
các đồn Biên phòng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư liên tịch này có
hiệu lực.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có liên quan đến việc bắt, tạm giữ và kiểm
sát việc bắt, tạm giữ của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển chịu trách
nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các
cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Huy Tiến
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng
Lê Quý Vương
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng
Lê Chiêm
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Công an;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử BQP, BCA, VKSNDTC;
- Bộ Tư pháp (02b);
- Lưu: VT (BQP, BCA, VKSNDTC), VKSQSTW.31.
|
|
|