ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1763/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày 01 tháng 9 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 11-KH/TU NGÀY 03/03/2016 CỦA
BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 50-CT/TW NGÀY
07/12/2015 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC
PHÁT TRIỂN, XỬ LÝ VỤ VIỆC, VỤ ÁN THAM NHŨNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ
Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TU
ngày 03/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số
50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện,
xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh
tại Công văn số 173/TTr-VP ngày 15/7/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực
hiện Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 03/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển
khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham
nhũng.
Điều 2. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ
chức thực hiện Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh
Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- TT TU, TT
HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Sở; Ban ngành tỉnh (3 hệ);
- UBND các huyện, TX, TP;
- CVP, PCVP NC;
- Phòng TH;
- Lưu: VT, NCNC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Kim Ngọc Thái
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 11-KH/TU NGÀY 03/03/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 50-CT/TW NGÀY 07/12/2015 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ
TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÁT HIỆN, XỬ LÝ VỤ VIỆC, VỤ
ÁN THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1763/QĐ-UBND ngày 01/9/2016 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Trà Vinh)
Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TU ngày
03/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số
50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác phát hiện, xử lý vụ việc vụ án tham nhũng; Ủy ban nhân dân tỉnh
xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của
các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân
dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện,
xử lý hành vi tham nhũng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm
hành vi tham nhũng, đẩy lùi tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai, thực hiện Kế hoạch số
11-KH/TU ngày 03/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế
hoạch này phải được tiến hành nghiêm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện đồng
bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống tham nhũng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm
chấn chỉnh những thiếu sót trong công
tác quản lý nhà nước để phòng ngừa tham nhũng; nâng cao
chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện,
xử lý vụ việc, vụ
án tham nhũng.
II. NỘI DUNG, NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tập trung vào
các nội dung: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận
Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng chống tham nhũng, lãng phí; Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc
kê khai tài sản”; Chỉ thị số
50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án
tham nhũng”; Chiến lược quốc gia
về phòng chống tham nhũng đến năm 2020, Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 29/8/2012 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí”, Kế hoạch
số 15/KH-UBND ngày 04/9/2014 thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU
ngày 07/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về
tăng cường lãnh, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một
số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
của Bộ Chính trị (khóa XII) “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
2. Tạo sự thống nhất về nhận thức và
hành động trong các Sở, Ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong tỉnh; xác định đây
là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các ngành, các cấp và của cả
hệ thống chính trị.
3. Người đứng đầu các cấp, các ngành,
cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc thực hiện và có trách nhiệm trực
tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động phát hiện vụ việc có dấu
hiệu tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Lấy kết quả công tác
phòng, chống tham nhũng làm thước đo để đánh giá phẩm chất,
năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản
lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với những trường hợp bao
che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
4. Kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có
thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định có liên quan về phòng, chống, xử lý tham nhũng; các trường hợp có dấu hiệu tội phạm qua thanh
tra, kiểm tra phải chuyển sang Cơ quan điều tra để điều
tra theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức
giám định tư pháp và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định
tư pháp phục vụ việc giải quyết các vụ án tham nhũng. Thiết lập đường dây nóng
tại cơ quan, đơn vị, địa phương để tiếp nhận thông tin và giải quyết kịp thời
những tố cáo, phản ánh về tiêu cực, tham nhũng.
5. Cơ quan Thanh tra Nhà nước cấp tỉnh,
cấp huyện và tổ chức Thanh tra các Sở, ngành thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa
tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường tham mưu, tổ chức thực hiện
các cuộc thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ
phát sinh tham nhũng, giải quyết đơn tố cáo tham nhũng, tiêu cực
theo thẩm quyền; kịp thời phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến
cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chú
trọng kiểm tra, xác minh việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo phân cấp
quản lý cán bộ, công chức, viên chức khi có đơn tố cáo hoặc các căn cứ, yêu cầu
của cơ quan có thẩm quyền.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm
tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị có
nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham
nhũng. Chú trọng rà soát, xử lý nghiêm việc thực hiện các kết luận sau kiểm
tra, thanh tra.
Tạo điều kiện và phát huy vai trò,
trách nhiệm của xã hội, nhất là của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên
các cấp, Ban thanh tra nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong phát
hiện, tố giác tham nhũng. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ
sở; tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
giám sát và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng. Bảo vệ, khen
thưởng xứng đáng tổ chức, cá nhân tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời, xử lý
nghiêm minh mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng
việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống
nhằm hạ uy tín và hãm hại người khác.
Đánh giá rút kinh nghiệm và kịp thời
sửa đổi, bổ sung việc thực hiện các quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
chức năng có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ
việc, vụ án tham nhũng.
Đối với những vụ việc, vụ án có dấu
hiệu tham nhũng thuộc diện cấp ủy theo dõi chỉ đạo xử lý hoặc trong quá trình
điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài, còn có ý kiến khác nhau giữa
các cơ quan chức năng thì các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động trao đổi theo
Quy chế phối hợp; kịp thời báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, đường hướng xử lý.
Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ
ràng, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các
biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có trong quá
trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm
minh những cán bộ không thực hiện hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham
nhũng.
Cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật
vi phạm pháp luật, tiêu cực, bao che trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng
phải được phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa
phương thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục,
rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống
tham nhũng. Bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức
tốt, tinh thông nghiệp vụ bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Trang bị phương tiện làm việc và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các
cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng.
Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát
của cơ quan dân cử, đại biểu Quốc hội đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong
công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đối với các cơ quan, đơn vị chức năng có
nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham
nhũng.
7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và
giáo dục về phòng, chống tham nhũng; công khai trên các
phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án
tham nhũng, các hành vi vi phạm trong công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án
tham nhũng và kết quả xử lý vi phạm đó. Đồng thời, lên án mạnh mẽ hành vi tham
nhũng đi đôi với việc biểu dương những tấm gương điển hình, dũng cảm tố giác hành vi tham nhũng; kiên quyết xử
lý những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, cung
cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền
về phòng, chống tham nhũng để bịa đặt, vu khống, làm sai lệch sự thật, gây mất
đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
8. Thanh tra tỉnh là cơ quan tham mưu
Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham
nhũng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kế hoạch này.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thanh tra tỉnh: Chủ trì, phối hợp
các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức
thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định; thống kê danh sách các cơ quan, đơn vị, địa phương không hoặc thực
hiện chế độ báo cáo không đầy đủ để gửi Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh làm cơ sở
xét khen thưởng hàng năm.
2. Các Sở, Ban, ngành tỉnh, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện
Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 03/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy và Kế hoạch này tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, chỉ đạo quán triệt,
thực hiện ở cấp dưới (thời gian hoàn thành trong tháng 10/2016); báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) kết quả thực hiện hàng quý, 6 tháng, năm hoặc
đột xuất khi có yêu cầu.
3. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với
các Sở, Ban, ngành tỉnh, địa phương tuyên truyền phổ biến các quy định về
phòng, chống tham nhũng; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng
kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham
nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân” giai đoạn 2012 - 2016
trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo
Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh: Xây dựng chuyên trang, chuyên
mục về công tác tuyên truyền Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 03/03/2016 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch này; kịp thời thông tin công khai kết quả
phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
và các tổ chức thành viên tăng cường phối hợp với các Sở, ngành tỉnh và hướng dẫn
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các huyện, thị xã, thành phố
phối hợp với chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh./.