BỘ
CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
VỀ TỘI CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ VÀ TỘI RỬA
TIỀN
Để áp dụng đúng và thống
nhất các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội
chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền, Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
Điều
1. Giải thích từ ngữ quy định tại Điều 250, Điều 251 Bộ luật hình sự
1. “Tài sản do người
khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc
thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…)
hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được
trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc
dùng tiền tham ô để mua).
2. “Biết rõ tài sản
là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản
có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua
bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
3. Tài sản bao gồm:
vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi,
lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao,
vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.
Điều
2. Về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 Bộ luật hình sự)
1. Chứa chấp tài sản
là một trong các hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để
nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó.
2. Tiêu thụ tài sản là
một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế
chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các
hành vi đó.
3. Khi áp dụng tình
tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản
2 Điều 250 Bộ luật hình sự cần chú ý:
a) Chỉ áp dụng tình
tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Có từ 5 lần trở lên
thực hiện hành vi phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội
mà có, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết
thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
- Người phạm tội
không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm
nguồn sống chính.
b) Trường hợp trong
các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì
tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba
tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy
hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
4. “Tài sản, vật phạm
pháp có giá trị lớn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 250 Bộ luật
hình sự là tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới
hai trăm triệu đồng.
5. “Tài sản, vật phạm
pháp có giá trị rất lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 250 Bộ
luật hình sự là tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến
dưới năm trăm triệu đồng.
6. “Tài sản, vật phạm
pháp có giá trị đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 4 Điều
250 Bộ luật hình sự là tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu
đồng trở lên.
7. “Thu lợi bất chính
lớn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự là
thu lợi bất chính từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.
8. “Thu lợi bất chính
rất lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự là
thu lợi bất chính từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng.
9. “Thu lợi bất chính
đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 250 Bộ luật hình
sự là thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên.
10. Những vấn đề cần
chú ý khác:
a) Về mặt chủ quan của
tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp
hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc
thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có.
b) Trường hợp tài sản
do phạm tội mà có là ma túy, tiền chất ma túy, pháo nổ, thuốc pháo, vũ khí,
công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất
cháy, chất độc, hàng cấm, hàng giả, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm tương ứng
thì người thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản đó sẽ bị xử lý về tội
phạm tương ứng mà không xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người
khác phạm tội mà có.
Điều
3. Về tội rửa tiền (Điều 251 Bộ
luật hình sự)
1. Tham gia trực tiếp
hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan
đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc
thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực
hiện một trong các hành vi dưới đây nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền,
tài sản đó:
a) Gửi tiền và mở tài
khoản tại ngân hàng;
b) Cầm cố, thế chấp
tài sản;
c) Cho vay, ủy thác,
thuê, mua tài chính;
d) Chuyển tiền, đổi
tiền;
đ) Mua, bán cổ phiếu,
trái phiếu và các giấy tờ có giá khác;
e) Phát hành chứng
khoán;
g) Phát hành các
phương tiện thanh toán;
h) Bảo lãnh và cam kết
tài chính, kinh doanh ngoại hối, các công cụ thị trường tiền tệ, chứng khoán có
thể chuyển nhượng;
i) Quản lý danh mục đầu
tư của cá nhân, tập thể;
k) Quản lý tiền mặt
hoặc chứng khoán thanh khoản thay mặt cho cá nhân, tập thể;
l) Đầu tư vốn hoặc tiền
cho cá nhân, tập thể;
m) Tiến hành các hoạt
động bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến các khoản đầu tư khác;
n) Những hoạt động nhằm
tạo sự chuyển đổi, chuyển dịch hoặc thay đổi quyền sở hữu đối với tiền, tài sản
của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
2. Sử dụng tiền, tài
sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc
hoạt động khác là việc dùng tiền, tài sản đó vào các hoạt động kinh doanh, dịch
vụ, thành lập công ty, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản dưới các
hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ
nhân đạo.
3. “Phạm tội nhiều lần”
quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là trường
hợp rửa tiền từ hai lần trở lên và trong các lần đó chưa có lần nào bị truy cứu
trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Khi áp dụng tình
tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d
khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự cần chú ý:
a) Chỉ áp dụng tình
tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Có từ 5 lần trở lên
thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm
hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa
được xóa án tích;
- Người phạm tội
không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm
nguồn sống chính.
b) Trường hợp trong
các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì
tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba
tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy
hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5. “Tiền, tài sản có
giá trị lớn” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình
sự là tiền, tài sản phạm tội có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm
trăm triệu đồng.
6. “Tiền, tài sản phạm
tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm b
khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự là tiền, tài sản có giá trị từ năm trăm
triệu đồng trở lên.
7. “Thu lợi bất chính
lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là
thu lợi có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng
8. “Thu lợi bất chính
rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251
Bộ luật hình sự là thu lợi có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên.
9. “Gây hậu quả
nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình
sự là gây thiệt hại có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu
đồng.
10. “Gây hậu quả rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại điểm c
khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại có giá trị từ năm trăm triệu
đồng trở lên.
11. Khi áp dụng các
tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cần
xác định hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nằm ngoài giá trị tài sản
do phạm tội mà có.
Ngoài hậu quả là thiệt
hại về tài sản thì tội rửa tiền có thể còn có hậu quả khác ảnh hưởng xấu đến việc
thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng
đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đến an toàn hệ thống tài chính,
tiền tệ quốc gia và các hậu quả phi vật chất khác. Theo đó, phải tùy vào từng
trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm
trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều
4. Các quy định chuyển tiếp
1. Các hướng dẫn
trong Thông tư này nếu làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với trước đây thì được
áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc
thẩm hoặc tái thẩm đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước khi Thông tư
này có hiệu lực.
2. Trường hợp người
phạm tội đã bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng các
hướng dẫn trong Thông tư này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm,
trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác. Nếu theo Thông tư này, họ không
phải chịu trách nhiệm hình sự thì giải quyết theo thủ tục miễn chấp hành hình
phạt.
3. Đối với các trường
hợp đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử
giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà được áp dụng các hướng dẫn trong Thông tư này để
tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo thì Cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát, Tòa án cần giải thích rõ cho bị can, bị cáo biết trường hợp được miễn
trách nhiệm hình sự theo quy định của Thông tư này không phải là cơ sở của việc
bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây
ra.
Điều
5. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2011.
Điều
6. Trách nhiệm thi hành
Các cơ quan, đơn vị
liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm
thi hành và tổ chức thực hiện hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực
hiện Thông tư nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Trung tướng Đặng Văn Hiếu
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
Trung tướng Nguyễn Thành Cung
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Thế Liên
|
KT.
THỐNG ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ THỐNG ĐỐC
Trần Minh Tuấn
|
KT.
VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Hoàng Nghĩa Mai
|
KT.
CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC
Đặng Quang Phương
|
Nơi nhận:
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (để
b/c);
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo;
- Lưu: BCA, BQP, BTP, NHNNVN, VKSNDTC, TANDTC.
|
|