Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 19/2003/QH11

Số hiệu: 19/2003/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 26/11/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 19/2003/QH11

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2003

BỘ LUẬT

TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Bộ luật này quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương I

NHIỆM VỤ VÀ HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bộ luật tố tụng hình sự góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Điều 2. Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự

Mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công dân nước thành viên của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thì được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo tập quán quốc tế, thì vụ án được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Chương II

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 3. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự

Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Điều 4. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân

Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

Điều 5. Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật

Tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 6. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Điều 7. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

Điều 9. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật

Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 11. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình.

Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 13. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.

Điều 14. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 15. Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia

Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của Bộ luật này. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 16. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 17. Toà án xét xử tập thể

Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Điều 18. Xét xử công khai

Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.

Điều 19. Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Điều 20. Thực hiện chế độ hai cấp xét xử

1. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

2. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 21. Giám đốc việc xét xử

Toà án cấp trên giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

Điều 22. Bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án

1. Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn, tổ chức và công dân phải phối hợp với cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.

Các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.

Điều 23. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự

1. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Toà án.

2. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này.

3. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Điều 24. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch.

Điều 25. Trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm

1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết.

3. Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Điều 26. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng

1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Các cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người có hành vi phạm tội.

Thủ trưởng các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

2. Cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

3. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và phải trả lời kết quả giải quyết cho cơ quan nhà nước đã báo tin hoặc kiến nghị biết.

Điều 27. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời về việc thực hiện yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án.

Điều 28. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 29. Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan

Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi.

Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra

Người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại.

Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự phải bồi thường cho người bị thiệt hại; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục.

Trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.

Điều 32. Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.

Chương III

CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ VIỆC THAY ĐỔI NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

Điều 33. Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng gồm có:

a) Cơ quan điều tra;

b) Viện kiểm sát;

c) Toà án.

2. Những người tiến hành tố tụng gồm có:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên;

c) Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án.

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra;

b) Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên trong việc điều tra vụ án hình sự;

c) Kiểm tra các hoạt động điều tra của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên;

d) Quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên;

đ) Quyết định thay đổi Điều tra viên;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

Khi Thủ trưởng Cơ quan điều tra vắng mặt, một Phó Thủ trưởng được Thủ trưởng uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được giao.

2. Khi thực hiện việc điều tra vụ án hình sự, Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án;

b) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn;

c) Quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng;

d) Quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi;

đ) Kết luận điều tra vụ án;

e) Quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra;

g) Trực tiếp tiến hành các biện pháp điều tra; cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên

1. Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Lập hồ sơ vụ án hình sự;

b) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;

c) Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng;

d) Thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản;

đ) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;

e) Tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

2. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát

1. Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức và chỉ đạo các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự;

b) Quyết định phân công Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự;

c) Kiểm tra các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên;

d) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định của pháp luật;

đ) Quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên;

e) Quyết định rút, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới;

g) Quyết định thay đổi Kiểm sát viên;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Khi Viện trưởng Viện kiểm sát vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về nhiệm vụ được giao.

2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;

b) Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên;

c) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định gia hạn điều tra, quyết định gia hạn tạm giam; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;

d) Quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra;

đ) Quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra;

e) Quyết định chuyển vụ án;

g) Quyết định việc truy tố, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định trưng cầu giám định;

h) Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi điều tra, quyết định xử lý vật chứng;

i) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án;

k) Cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

3. Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;

b) Đề ra yêu cầu điều tra;

c) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;

d) Kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam;

đ) Tham gia phiên toà; đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên toà;

e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án;

g) Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án;

h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.

2. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án

1. Chánh án Toà án có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức công tác xét xử của Toà án;

b) Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự;

c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;

d) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định của Bộ luật này;

đ) Ra quyết định thi hành án hình sự;

e) Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù;

g) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;

h) Quyết định xoá án tích;

i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Khi Chánh án Tòa án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ được giao.

2. Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam; quyết định xử lý vật chứng;

b) Quyết định chuyển vụ án;

c) Cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

3. Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Toà án có các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chánh án, Phó Chánh án Toà án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán

1. Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà;

b) Tham gia xét xử các vụ án hình sự ;

c) Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

d) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

2. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều này còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

d) Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà;

đ) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Toà án theo sự phân công của Chánh án Toà án.

3. Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa.

4. Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm

1. Hội thẩm được phân công xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà;

b) Tham gia xét xử các vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm;

c) Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

2. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Phổ biến nội quy phiên toà;

b) Báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên toà;

c) Ghi biên bản phiên toà;

d) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

2. Thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về những hành vi của mình.

Điều 42. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

1. Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo;

2. Họ đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 43. Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng

Những người sau đây có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng:

1. Kiểm sát viên;

2. Bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ;

3. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

Điều 44. Thay đổi Điều tra viên

1. Điều tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Điều tra viên do Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.

Nếu Điều tra viên là Thủ trưởng Cơ quan điều tra mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì việc điều tra vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành.

Điều 45. Thay đổi Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên toà do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định.

Nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Trong trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

Việc cử Kiểm sát viên khác do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Điều 46. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm

1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định. Nếu Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án thì do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định.

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

Việc cử thành viên mới của Hội đồng xét xử do Chánh án Toà án quyết định.

Điều 47. Thay đổi Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán hoặc Hội thẩm.

2. Việc thay đổi Thư ký Tòa án trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định.

Việc thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định.

Trong trường hợp phải thay đổi Thư ký Toà án tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

Việc cử Thư ký Tòa án khác do Chánh án Toà án quyết định.

Chương IV

NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG

Điều 48. Người bị tạm giữ

1. Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

2. Người bị tạm giữ có quyền:

a) Được biết lý do mình bị tạm giữ;

b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

c) Trình bày lời khai;

d) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Bị can

1. Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.

2. Bị can có quyền:

a) Được biết mình bị khởi tố về tội gì;

b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

c) Trình bày lời khai;

d) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

đ) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

e) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

g) Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Điều 50. Bị cáo

1. Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử.

2. Bị cáo có quyền:

a) Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

b) Tham gia phiên toà;

c) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

d) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

g) Trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa;

h) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

i) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án;

k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Điều 51. Người bị hại

1. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.

2. Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Được thông báo về kết quả điều tra;

c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

d) Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;

đ) Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

3. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà.

4. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.

5. Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này.

Điều 52. Nguyên đơn dân sự

1. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Được thông báo về kết quả điều tra;

c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

d) Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;

đ) Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn;

e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

g) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.

3. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại.

Điều 53. Bị đơn dân sự

1. Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

2. Bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Khiếu nại việc đòi bồi thường của nguyên đơn dân sự;

b) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

c) Được thông báo kết quả điều tra có liên quan đến việc đòi bồi thường;

d) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

đ) Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn;

e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

g) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.

3. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

Điều 54. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Tham gia phiên toà; phát biểu ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

c) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình;

d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Điều 55. Người làm chứng

1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;

b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

Điều 56. Người bào chữa

1. Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Bào chữa viên nhân dân.

2. Những người sau đây không được bào chữa:

a) Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;

b) Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch.

3. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

4. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Điều 57. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa

1. Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

3. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

Điều 58. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa

1. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

2. Người bào chữa có quyền:

a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can;

c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

d) Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác;

đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam;

g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;

h) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà;

i) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

k) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật này.

3. Người bào chữa có nghĩa vụ:

a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Việc giao nhận các tài liệu, đồ vật đó giữa người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này;

b) Giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

c) Không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, nếu không có lý do chính đáng;

d) Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;

đ) Có mặt theo giấy triệu tập của Toà án;

e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

4. Người bào chữa làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 59. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự

1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình.

2. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

3. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà; xem biên bản phiên tòa;

d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này.

Đối với đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

4. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có nghĩa vụ:

a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật của vụ án;

b) Giúp đương sự về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Điều 60. Người giám định

1. Người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu theo quy định của pháp luật.

2. Người giám định có quyền:

a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định;

b) Yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận;

c) Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;

d) Từ chối việc thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

đ) Ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do một nhóm người giám định tiến hành.

3. Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; không được tiết lộ bí mật điều tra mà họ biết được khi tham gia tố tụng với tư cách là người giám định.

Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự. Người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

4. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 42 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó.

Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu quyết định.

Điều 61. Người phiên dịch

1. Người phiên dịch do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt.

2. Người phiên dịch phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và phải dịch trung thực; không được tiết lộ bí mật điều tra; nếu dịch gian dối thì người phiên dịch phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

3. Người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 42 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định trong vụ án đó.

Việc thay đổi người phiên dịch do cơ quan yêu cầu quyết định.

4. Những quy định của Điều này cũng được áp dụng đối với người biết dấu hiệu của người câm và người điếc.

Điều 62. Trách nhiệm giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng

Cơ quan, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản.

Chương V

CHỨNG CỨ

Điều 63. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Điều 64. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Điều 65. Thu thập chứng cứ

1. Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2. Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Điều 66. Đánh giá chứng cứ

1. Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.

2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.

Điều 67. Lời khai của người làm chứng

1. Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 68. Lời khai của người bị hại

1. Người bị hại trình bày về những tình tiết của vụ án, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 69. Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự

1. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày về những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 70. Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày về những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 71. Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ

Người bị bắt, bị tạm giữ trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo

1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Điều 73. Kết luận giám định

1. Người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận đó.

Kết luận giám định phải được thể hiện bằng văn bản.

Nếu việc giám định do một nhóm người giám định tiến hành thì tất cả các thành viên đều ký vào bản kết luận chung. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung.

2. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung.

Điều 74. Vật chứng

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Điều 75. Thu thập và bảo quản vật chứng

1. Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.

2. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Việc niêm phong, bảo quản vật chứng được thực hiện như sau:

a) Đối với vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong phải được tiến hành theo quy định của pháp luật và phải lập biên bản để đưa vào hồ sơ vụ án;

b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác;

c) Đối với vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;

d) Đối với vật chứng là hàng hoá mau hỏng hoặc khó bảo quản nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 76 của Bộ luật này thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại kho bạc nhà nước để quản lý;

đ) Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

3. Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại vật chứng của vụ án, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 310 của Bộ luật hình sự; trong trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 300 của Bộ luật hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 76. Xử lý vật chứng

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 77. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử

Những tình tiết được ghi trong các biên bản bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, biên bản phiên toà và biên bản về các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ.

Điều 78. Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án

Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu cũng như đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ.

Trong trường hợp những tài liệu, đồ vật này có những dấu hiệu quy định tại Điều 74 của Bộ luật này thì được coi là vật chứng.

Chương VI

NHỮNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

Điều 79. Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn

Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này.

Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

3. Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 của Bộ luật này.

4. Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.

Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.

Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã

1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Điều 83. Những việc cần làm ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt

1. Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

2. Đối với người bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để đến nhận người bị bắt.

Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã. Trong trường hợp xét thấy cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết.

Sau khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt có trách nhiệm giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất.

Điều 84. Biên bản về việc bắt người

1. Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

2. Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên giao và nhận phải lập biên bản.

Ngoài những điểm đã quy định tại khoản 1 Điều này, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật, tài liệu đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận.

Điều 85. Thông báo về việc bắt

Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.

Điều 86. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ.

Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

Điều 87. Thời hạn tạm giữ

1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Điều 88. Tạm giam

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

3. Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

4. Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.

Điều 89. Chế độ tạm giữ, tạm giam

Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.

Nơi tạm giữ, tạm giam, chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 90. Việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam

1. Khi người bị tạm giữ, tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi hoặc có người thân thích là người tàn tật, già yếu mà không có người chăm sóc, thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho người thân thích chăm nom. Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho chính quyền sở tại chăm nom.

2. Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom, bảo quản thì cơ quan ra quyết tạm giữ, lệnh tạm giam phải áp dụng những biện pháp trông nom, bảo quản thích đáng.

3. Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết những biện pháp đã được áp dụng.

Điều 91. Cấm đi khỏi nơi cư trú

1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó.

3. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Điều 92. Bảo lĩnh

1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.

4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Điều 93. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm

1. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

3. Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản.

4. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.

5. Trình tự, thủ tục, mức tiền hoặc giá trị tài sản phải đặt để bảo đảm, việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hoặc tài sản đã đặt được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 94. Huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn

1. Khi vụ án bị đình chỉ thì mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải được huỷ bỏ.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc huỷ bỏ hoặc thay thế phải do Viện kiểm sát quyết định.

Chương VII

BIÊN BẢN, THỜI HẠN, ÁN PHÍ

Điều 95. Biên bản

1. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất.

Trong biên bản ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

2. Biên bản phiên toà phải có chữ ký của chủ toạ phiên toà và Thư ký Tòa án. Biên bản các hoạt động tố tụng khác phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định trong từng trường hợp. Những điểm sửa chữa trong biên bản cũng phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.

Điều 96. Tính thời hạn

1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày và tháng. Đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.

Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì một tháng được tính là ba mươi ngày.

2. Trong trường hợp có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua bưu điện thì thời hạn được tính theo dấu bưu điện nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, trại giam thì thời hạn được tính từ ngày Ban giám thị trại tạm giam, trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.

Điều 97. Phục hồi thời hạn

Nếu quá hạn mà có lý do chính đáng thì cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi lại thời hạn.

Điều 98. Án phí

án phí là tất cả chi phí để tiến hành tố tụng hình sự bao gồm tiền thù lao cho người làm chứng, người bị hại, người giám định, người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật; án phí dân sự trong vụ án hình sự.

Điều 99. Trách nhiệm chịu án phí

1. án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật.

2. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Toà án.

3. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu Toà án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại phải trả án phí.

Phần thứ hai

KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRUY TỐ

Chương VIII

KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Điều 100. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:

1. Tố giác của công dân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;

3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;

4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;

5. Người phạm tội tự thú.

Điều 101. Tố giác và tin báo về tội phạm

Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Điều 102. Người phạm tội tự thú

Khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và những lời khai của người tự thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú có trách nhiệm báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

Điều 103. Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Điều 104. Quyết định khởi tố vụ án hình sự

1. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và Thủ trưởng các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 111 của Bộ luật này.

Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan quy định tại khoản này và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án.

Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

2. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định.

3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; quyết định khởi tố kèm theo tài liệu liên quan đến việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được gửi tới Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra; yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử được gửi cho Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc khởi tố.

Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Điều 106. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự

1. Khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc còn có tội phạm khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

2. Trong trường hợp Cơ quan điều tra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra phải gửi cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố.

Trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Điều 108. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự

1. Khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rõ lý do; nếu xét cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết.

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu liên quan phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định tại Chương XXXV của Bộ luật này.

Điều 109. Quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc khởi tố vụ án hình sự

1. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố, việc khởi tố vụ án có căn cứ và hợp pháp.

2. Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố đó; nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan đó không có căn cứ, thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án.

3. Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên.

Chương IX

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐIỀU TRA

Điều 110. Thẩm quyền điều tra

1. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.

3. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực; Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

5. Tổ chức bộ máy, thẩm quyền cụ thể của các Cơ quan điều tra do ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 111. Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

1. Khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng, thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2. Trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm, thì có quyền khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

3. Khi tiến hành hoạt động điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan này.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 112. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;

2. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;

3. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của Bộ luật này; nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự;

4. Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp không phê chuẩn thì trong quyết định không phê chuẩn phải nêu rõ lý do;

5. Huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;

6. Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Điều 113. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra

Khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng;

3. Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra;

4. Yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra;

5. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Điều 114. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát. Đối với những yêu cầu và quyết định quy định tại các điểm 4, 5 và 6 Điều 112 của Bộ luật này, nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.

Điều 115. Trách nhiệm thực hiện quyết định và yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát

Những quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự phải được cơ quan, tổ chức và công dân nghiêm chỉnh chấp hành.

Điều 116. Chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền

Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án.

Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra

1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.

2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.

Điều 118. ủy thác điều tra

Khi cần thiết, Cơ quan điều tra có thể ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu cụ thể. Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác theo thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu.

Điều 119. Thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

3. Thẩm quyền gia hạn điều tra của Viện kiểm sát được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn điều tra thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết, nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá bốn tháng.

Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

6. Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát được quy định như­ sau:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.

Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho ng­ười bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Điều 121. Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại

1. Trong trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 165 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.

Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá ba tháng.

Thẩm quyền gia hạn điều tra đối với từng loại tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.

3. Trong trường hợp vụ án được trả lại để điều tra lại thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Điều 119 của Bộ luật này.

Thời hạn điều tra được tính từ khi Cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.

4. Khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này.

Trong trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, để điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại Điều 120 của Bộ luật này.

Điều 122. Giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng

Khi người tham gia tố tụng có yêu cầu về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình, giải quyết yêu cầu của họ và báo cho họ biết kết quả. Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lý do.

Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXV của Bộ luật này.

Điều 123. Sự tham dự của người chứng kiến

Người chứng kiến được mời tham dự hoạt động điều tra trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung và kết quả công việc mà Điều tra viên đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. ý kiến này được ghi vào biên bản.

Điều 124. Không được tiết lộ bí mật điều tra

Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến không được tiết lộ bí mật điều tra. Việc báo này phải được ghi vào biên bản.

Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng, người chứng kiến tiết lộ bí mật điều tra thì tùy trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự theo các điều 263, 264, 286, 287, 327 và 328 của Bộ luật hình sự.

Điều 125. Biên bản điều tra

1. Khi tiến hành điều tra phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

Điều tra viên lập biên bản phải đọc lại biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ biết quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Nhận xét đó được ghi vào biên bản. Người tham gia tố tụng và Điều tra viên cùng ký tên vào biên bản.

2. Trong trường hợp người tham gia tố tụng từ chối ký vào biên bản, thì việc đó phải được ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

3. Nếu người tham gia tố tụng vì nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do; Điều tra viên và người chứng kiến cùng xác nhận.

Người không biết chữ thì điểm chỉ vào biên bản.

Chương X

KHỞI TỐ BỊ CAN VÀ HỎI CUNG BỊ CAN

Điều 126. Khởi tố bị can

1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

2. Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.

Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.

3. Sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh chỉ bản của bị can và đưa vào hồ sơ vụ án.

4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.

5. Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

6. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

Điều 127. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1. Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi các quyết định này và tài liệu có liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

3. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

Điều 128. Tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm

Khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức này phải trả lời bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã kiến nghị biết.

Điều 129. Triệu tập bị can

1. Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.

2. Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cho cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.

Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận, có ghi rõ ngày, giờ nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can; nếu bị can không ký nhận thì phải lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đã thành niên trong gia đình để ký xác nhận và chuyển cho bị can. Bị can đang bị tạm giam được triệu tập thông qua Ban giám thị trại tạm giam.

3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.

4. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Điều 130. Áp giải bị can tại ngoại

1. Quyết định áp giải bị can ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can; tội danh mà bị can đã bị khởi tố; thời gian, địa điểm bị can phải có mặt.

2. Người thi hành quyết định áp giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

3. Không được áp giải bị can vào ban đêm.

Điều 131. Hỏi cung bị can

1. Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.

Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.

Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can tự viết lời khai của mình.

2. Không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

3. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can. Việc hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

4. Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 298 của Bộ luật hình sự.

Điều 132. Biên bản hỏi cung bị can

1. Biên bản hỏi cung bị can phải được lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.

Mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

2. Sau khi hỏi cung, Điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.

Nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận.

Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

3. Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện hợp pháp cùng ký vào biên bản hỏi cung.

Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.

4. Trong trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì phải thực hiện theo quy định của Điều này.

Chương XI

LẤY LỜI KHAI NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI BỊ HẠI, NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ, BỊ ĐƠN DÂN SỰ, NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ ÁN. ĐỐI CHẤT VÀ NHẬN DẠNG

Điều 133. Triệu tập người làm chứng

1. Khi triệu tập người làm chứng, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập người làm chứng phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của người làm chứng, ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm có mặt; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.

2. Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc. Các cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ.

Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận.

3. Giấy triệu tập người làm chứng chưa đủ 16 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của họ.

4. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập người làm chứng. Việc triệu tập người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều này.

Điều 134. Dẫn giải người làm chứng

1. Trong trường hợp người làm chứng đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải.

2. Quyết định dẫn giải người làm chứng ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.

3. Người thi hành quyết định dẫn giải phải đọc, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng và lập biên bản về việc dẫn giải theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

4. Không được dẫn giải người làm chứng vào ban đêm.

Điều 135. Lấy lời khai người làm chứng

1. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó.

2. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.

3. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ. Việc này phải được ghi vào biên bản.

4. Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên cần xác minh mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên cần yêu cầu người làm chứng kể hoặc viết lại những gì mà họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi. Không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý.

5. Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi phải mời cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự.

6. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Điều 136. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng

Biên bản ghi lời khai của người làm chứng phải được lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này.

Điều 137. Triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Việc triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định tại các điều 133, 135 và 136 của Bộ luật này.

Điều 138. Đối chất

1. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất.

2. Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải được ghi vào biên bản.

3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.

Điều tra viên cũng có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải được ghi vào biên bản.

Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ.

4. Biên bản đối chất phải lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này.

5. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Điều 139. Nhận dạng

1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể mời người hoặc đưa vật, ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

2. Số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và về bề ngoài phải tương tự giống nhau. Đối với việc nhận dạng tử thi thì không áp dụng nguyên tắc này.

Trong trường hợp đặc biệt có thể cho xác nhận người qua tiếng nói.

3. Nếu người làm chứng hay người bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc giải thích đó phải được ghi vào biên bản.

4. Trong khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận người, vật hay ảnh đó.

Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến.

5. Biên bản nhận dạng phải được lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này. Trong biên bản cần ghi rõ nhân thân của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; những đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng.

Chương XII

KHÁM XÉT, THU GIỮ, TẠM GIỮ, KÊ BIÊN TÀI SẢN

Điều 140. Căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm

1. Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.

2. Khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.

Điều 141. Thẩm quyền ra lệnh khám xét

1. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 142. Khám người

1. Khi bắt đầu khám người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.

Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.

2. Khi khám người thì nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

3. Có thể tiến hành khám người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật, tài liệu cần thu giữ.

Điều 143. Khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm

1. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các điều 140, 141 và 142 của Bộ luật này.

2. Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

3. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.

5. Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

Điều 144. Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện

Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản và sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.

Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.

Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.

Điều 145. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét

Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.

Điều 146. Kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

2. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 310 của Bộ luật hình sự.

3. Khi tiến hành kê biên tài sản, phải có mặt đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản phải lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này, đọc cho đương sự và những người có mặt nghe và cùng ký tên. Những khiếu nại của đương sự được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.

Biên bản kê biên được lập thành ba bản: một bản được giao ngay cho đương sự sau khi kê biên xong; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.

4. Khi xét thấy việc kê biên không còn cần thiết thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên.

Điều 147. Trách nhiệm bảo quản đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong

Đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong theo quy định tại các điều 75, 144 và 145 của Bộ luật này phải được bảo quản nguyên vẹn.

Người được giao bảo quản mà phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản được giao bảo quản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 310 của Bộ luật hình sự.

Điều 148. Biên bản khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm

Khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.

Điều 149. Trách nhiệm của người ra lệnh và thi hành lệnh khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm

Người ra lệnh, người thi hành lệnh khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương XIII

KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI, XEM XÉT DẤU VẾT TRÊN THÂN THỂ, THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA, GIÁM ĐỊNH

Điều 150. Khám nghiệm hiện trường

1. Điều tra viên tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.

2. Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

3. Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

Điều 151. Khám nghiệm tử thi

Việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến.

Trong trường hợp cần phải khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và phải thông báo cho gia đình nạn nhân biết trước khi tiến hành. Việc khai quật tử thi phải có bác sỹ pháp y tham gia.

Khi cần thiết có thể triệu tập người giám định và phải có người chứng kiến.

Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm tử thi phải được thông báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

Điều 152. Xem xét dấu vết trên thân thể

1. Điều tra viên tiến hành xem xét thân thể người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng để phát hiện trên người họ dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y.

2. Việc xem xét thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết thì có bác sĩ tham gia.

Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc sức khỏe của người bị xem xét thân thể.

Điều 153. Thực nghiệm điều tra

1. Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ.

2. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia.

Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra.

3. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Điều 154. Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra

Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.

Điều 155. Trưng cầu giám định

1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.

3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;

d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.

Điều 156. Việc tiến hành giám định

1. Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định.

Điều tra viên, Kiểm sát viên có quyền tham dự giám định, nhưng phải báo trước cho người giám định biết.

2. Trong trường hợp việc giám định không thể tiến hành theo thời hạn mà cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu thì cơ quan giám định hoặc người giám định phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan đã trưng cầu giám định biết.

Điều 157. Nội dung kết luận giám định

1. Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể.

2. Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu giám định có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Điều 158. Quyền của bị can và những người tham gia tố tụng đối với kết luận giám định

1. Sau khi đã tiến hành giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định.

Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những việc này được ghi vào biên bản.

2. Trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết.

Điều 159. Giám định bổ sung hoặc giám định lại

1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó.

2. Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.

3. Việc giám định bổ sung hoặc giám định lại được tiến hành theo thủ tục chung quy định tại các điều 155, 156, 157 và 158 của Bộ luật này.

Chương XIV

TẠM ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA VÀ KẾT THÚC ĐIỀU TRA

Điều 160. Tạm đình chỉ điều tra

1. Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra. Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra.

Trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Nếu không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.

2. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bị hại.

Điều 161. Truy nã bị can

Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.

Quyết định truy nã phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo, nếu có; tội phạm mà bị can đã bị khởi tố.

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã.

Điều 162. Kết thúc điều tra

1. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra.

2. Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

3. Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.

4. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa.

Điều 163. Đề nghị truy tố

1. Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lý do và căn cứ đề nghị truy tố.

2. Kèm theo bản kết luận điều tra có bản kê về thời hạn điều tra, biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng có ghi rõ thời gian tạm giữ, tạm giam, vật chứng, việc kiện dân sự, biện pháp để bảo đảm việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản, nếu có.

Điều 164. Đình chỉ điều tra

1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.

2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:

a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

3. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan.

Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này.

Điều 165. Phục hồi điều tra

1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 107 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra.

Chương XV

QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRUY TỐ

Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố

1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra một trong những quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết; giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu.

2. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án.

4. Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Điều 167. Bản cáo trạng

1. Nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.

2. Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

Điều 168. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phát hiện thấy:

1. Còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

2. Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác;

3. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Những vấn đề cần được điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

Điều 169. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án

1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự.

2. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:

a) Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y;

b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

3. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.

4. Trong trường hợp quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát cấp dưới không có căn cứ và trái pháp luật, thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền huỷ bỏ quyết định đó và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định truy tố.

Phần thứ ba

XÉT XỬ SƠ THẨM

Chương XVI

THẨM QUYỀN CỦA TOÀ ÁN CÁC CẤP

Điều 170. Thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp

1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây :

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

c) Các tội quy định tại các điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.

Điều 171. Thẩm quyền theo lãnh thổ

1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử.

Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì do Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

Điều 172. Thẩm quyền xét xử những tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải của Việt Nam

Những tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam, nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký.

Điều 173. Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của các Tòa án khác cấp

Khi bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên, thì Tòa án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án.

Điều 174. Chuyển vụ án

Khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử. Việc chuyển vụ án cho Tòa án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định.

Chỉ được chuyển vụ án cho Tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Chánh án Tòa án quyết định. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hoặc Tòa án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Hội đồng xét xử quyết định.

Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Tòa án phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, báo cho bị cáo và những người có liên quan trong vụ án.

Điều 175. Giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử

1. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp quyết định.

2. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi kết thúc việc điều tra quyết định.

3. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Tòa án quân sự do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.

Chương XVII

CHUẨN BỊ XÉT XỬ

Điều 176. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử ;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Điều 177. Áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định.

Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Điều 178. Nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ:

1. Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;

2. Tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát áp dụng đối với hành vi của bị cáo;

3. Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;

4. Xử công khai hay xử kín;

5. Họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Hội thẩm dự khuyết, nếu có;

6. Họ tên Kiểm sát viên tham gia phiên toà; họ tên Kiểm sát viên dự khuyết, nếu có;

7. Họ tên người bào chữa, nếu có;

8. Họ tên người phiên dịch, nếu có;

9. Họ tên những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên toà;

10. Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà.

Điều 179. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;

c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

2. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết.

Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

Điều 180. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án

Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 của Bộ luật này; ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 164 của Bộ luật này.

Điều 181. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố

Nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.

Điều 182. Việc giao các quyết định của Tòa án

1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa.

Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.

2. Quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án phải được giao cho bị can, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo; những người khác tham tố tụng thì được gửi giấy báo.

3. Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn phải được gửi ngay cho bị can, bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, trại tạm giam nơi bị can, bị cáo đang bị tạm giam.

Điều 183. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa.

Chương XVIII

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI PHIÊN TÒA

Điều 184. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục

1. Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa.

2. Việc xét xử phải tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ.

Điều 185. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì Hội đồng xét xử có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.

Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều khiển việc xét xử tại phiên tòa và giữ kỷ luật phiên tòa.

Điều 186. Thay thế thành viên của Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt

1. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.

2. Trong quá trình xét xử, nếu có Thẩm phán, Hội thẩm không tiếp tục tham gia xét xử được thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết. Thẩm phán hoặc Hội thẩm dự khuyết phải có mặt tại phiên tòa từ đầu thì mới được tham gia xét xử. Trong trường hợp Hội đồng xét xử có hai Thẩm phán mà Thẩm phán chủ toạ phiên toà không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên toà và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử.

3. Trong trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ toạ phiên toà mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều này thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

Điều 187. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

2. Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

Điều 188. Giám sát bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ tọa phiên tòa.

2. Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án.

Điều 189. Sự có mặt của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai Kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên tòa. Trong trường hợp cần thiết có thể có Kiểm sát viên dự khuyết.

2. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt, bị thay đổi mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa và báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 190. Sự có mặt của người bào chữa

Người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án. Nếu người bào chữa vắng mặt Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.

Trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.

Điều 191. Sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ

1. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

2. Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 192. Sự có mặt của người làm chứng

Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trong trường hợp người làm chứng được Toà án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải. Thủ tục dẫn giải người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.

Điều 193. Sự có mặt của người giám định

1. Người giám định tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập.

2. Nếu người giám định vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Điều 194. Thời hạn hoãn phiên tòa

Trong trường hợp phải hoãn phiên tòa theo quy định tại các điều 45, 46, 47, 187, 189, 190, 191, 192 và 193 của Bộ luật này, thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 195. Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên toà

Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn, nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án.

Điều 196. Giới hạn của việc xét xử

Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Điều 197. Nội quy phiên tòa

1. Trước khi bắt đầu phiên tòa, Thư ký Tòa án phải phổ biến nội quy phiên tòa.

2. Mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

3. Mọi người ở trong phòng xử án đều phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án. Những người được Tòa án triệu tập để xét hỏi được trình bày ý kiến và người nào muốn trình bày phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Người trình bày ý kiến phải đứng khi được hỏi, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để trình bày.

4. Những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập để xét hỏi.

Điều 198. Những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa

Những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tùy trường hợp, có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ.

Người bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành lệnh của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự tại phiên tòa.

Điều 199. Việc ra bản án và các quyết định của Tòa án

1. Bản án của Tòa án quyết định việc bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Bản án phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.

2. Quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và về việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản.

3. Quyết định về các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Điều 200. Biên bản phiên tòa

1. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm của phiên tòa và mọi diễn biến ở phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi tuyên án. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa.

2. Những câu hỏi và những câu trả lời đều phải được ghi vào biên bản.

3. Sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.

4. Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên tòa, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.

Chương XIX

THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TÒA

Điều 201. Thủ tục bắt đầu phiên tòa

Khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi nghe Thư ký Tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước của những người đó và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.

Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 182 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.

Điều 202. Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch

Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng phải được chủ toạ phiên toà hỏi xem họ có đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

Điều 203. Giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, người giám định

Nếu có người phiên dịch, người giám định tham gia phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ tên, nghề nghiệp hoặc chức vụ của những người đó và giải thích rõ những quyền và nghĩa vụ của họ. Những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.

Điều 204. Giải thích quyền, nghĩa vụ và cách ly người làm chứng

1. Sau khi đã hỏi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của từng người làm chứng, chủ tọa phiên tòa giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ. Người làm chứng phải cam đoan không khai gian dối. Riêng người làm chứng chưa thành niên không phải cam đoan.

2. Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ tọa phiên tòa có thể quyết định những biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trong trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa có thể quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.

Điều 205. Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt

Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì chủ tọa phiên tòa cũng phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

Chương XX

THỦ TỤC XÉT HỎI TẠI PHIÊN TÒA

Điều 206. Đọc bản cáo trạng

Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung, nếu có.

Điều 207. Trình tự xét hỏi

1. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý.

2. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định.

3. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét những vật chứng có liên quan trong vụ án.

Điều 208. Công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra

1. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên không được nhắc hoặc công bố lời khai của họ tại Cơ quan điều tra trước khi họ khai tại phiên tòa về những tình tiết của vụ án.

2. Chỉ được công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:

a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa có mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra;

b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa;

c) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

Điều 209. Hỏi bị cáo

1. Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.

2. Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

3. Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội bị cáo. Người bào chữa hỏi về những tình tiết liên quan đến việc bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hỏi về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên toà có quyền đề nghị với chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.

4. Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Điều 210. Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ

Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó trình bày về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

Điều 211. Hỏi người làm chứng

1. Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó.

2. Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ tọa phiên toà yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng.

3. Nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ tọa phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi.

4. Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

5. Trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người làm chứng và những người thân thích của họ, Hội đồng xét xử phải quyết định thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 212. Xem xét vật chứng

1. Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa.

Khi cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được. Việc xem xét tại chỗ phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

2. Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày những nhận xét của mình về vật chứng. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm về những vấn đề có liên quan đến vật chứng.

Điều 213. Xem xét tại chỗ

Nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên toà có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án.

Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm những người tham gia phiên toà về những vấn đề có liên quan đến những nơi đó.

Việc xem xét tại chỗ phải được lập biên bản theo thủ tục chung quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

Điều 214. Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức

Nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức về những tình tiết của vụ án do đại diện của cơ quan, tổ chức đó trình bày; trong trường hợp không có đại diện của cơ quan, tổ chức đó tham dự thì Hội đồng xét xử công bố nhận xét, báo cáo tại phiên tòa.

Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.

Điều 215. Hỏi người giám định

1. Người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định.

2. Tại phiên tòa, người giám định có quyền giải thích bổ sung trên cơ sở kết luận giám định.

3. Nếu người giám định vắng mặt, thì chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định.

4. Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định.

5. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Điều 216. Kết thúc xét hỏi

Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc xét hỏi.

Chương XXI

TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TÒA

Điều 217. Trình tự phát biểu khi tranh luận

1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.

Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.

2. Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.

3. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền lợi cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.

Điều 218. Đối đáp

Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến.

Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.

Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.

Điều 219. Trở lại việc xét hỏi

Nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.

Điều 220. Bị cáo nói lời sau cùng

Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận.

Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án, nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo.

Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.

Điều 221. Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn

1. Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

2. Trong trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút truy tố đó.

Chương XXII

NGHỊ ÁN VÀ TUYÊN ÁN

Điều 222. Nghị án

1. Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

2. Trong trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

3. Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.

4. Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được tất cả các thành viên Hội đồng xét xử ký tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

Điều 223. Trở lại việc xét hỏi và tranh luận

Qua việc nghị án nếu thấy có tình tiết của vụ án chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi và tranh luận.

Điều 224. Bản án

1. Toà án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Toà án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.

3. Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.

Điều 225. Kiến nghị sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý

1. Cùng với việc ra bản án, Tòa án ra kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan, tổ chức đó. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Tòa án, cơ quan, tổ chức đó phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết những biện pháp được áp dụng.

2. Kiến nghị của Tòa án có thể được đọc tại phiên tòa cùng với bản án hoặc chỉ gửi riêng cho cơ quan, tổ chức hữu quan.

Điều 226. Tuyên án

Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.

Điều 227. Trả tự do cho bị cáo

Trong những trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:

1. Bị cáo không có tội;

2. Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;

3. Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù;

4. Bị cáo bị xử phạt tù, nhưng được hưởng án treo;

5. Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

Điều 228. Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án

1. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam ngay bị cáo nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày tuyên án.

4. Đối với bị cáo bị phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.

Điều 229. Việc giao bản án

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc.

Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 187 của Bộ luật này thì trong thời hạn nêu trên bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.

Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.

Phần thứ tư

XÉT XỬ PHÚC THẨM

Chương XXIII

TÍNH CHẤT CỦA XÉT XỬ PHÚC THẨM VÀ QUYỀN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ

Điều 230. Tính chất của xét xử phúc thẩm

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Điều 231. Những người có quyền kháng cáo

Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

Người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.

Điều 232. Kháng nghị của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Điều 233. Thủ tục kháng cáo và kháng nghị

1. Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.

Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

2. Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị bằng văn bản, có nêu rõ lý do. Kháng nghị được gửi đến Tòa án đã xử sơ thẩm.

Điều 234. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị

1. Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.

2. Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.

Điều 235. Kháng cáo quá hạn

1. Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng.

2. Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.

Điều 236. Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị

1. Việc kháng cáo, kháng nghị phải được Toà án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị.

2. Người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm. ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 237. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị

1. Những phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án thì toàn bộ bản án chưa được đưa ra thi hành.

2. Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Điều 238. Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị

1. Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị.

2. Trong trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Điều 239. Kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

1. Thời hạn kháng nghị đối với các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

2. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

Điều 240. Hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị

Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Chương XXIV

THỦ TỤC XÉT XỬ PHÚC THẨM

Điều 241. Phạm vi xét xử phúc thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.

Điều 242. Thời hạn xét xử phúc thẩm

Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn sáu mươi ngày; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày mở phiên toà, Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án.

Điều 243. Việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao quyết định.

Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 của Bộ luật này.

2. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.

Thời hạn tạm giam là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày tuyên án.

Điều 244. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm

Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm.

Điều 245. Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm

1. Tại phiên tòa phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp là bắt buộc, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.

2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa.

Thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này hoặc tại các điều 45, 46, và 47 của Bộ luật này không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

3. Sự tham gia phiên tòa của những người khác do Tòa án cấp phúc thẩm quyết định, nếu xét thấy sự có mặt của họ là cần thiết.

Điều 246. Bổ sung, xem xét chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm

1. Trước khi xét xử hoặc trong khi xét hỏi tại phiên tòa, Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Tòa án bổ sung chứng cứ mới; người đã kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng có quyền bổ sung tài liệu, đồ vật.

2. Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa. Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và mới.

Điều 247. Thủ tục phiên toà phúc thẩm

Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Điều 248. Bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm

1. Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên tòa; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.

Trong bản án phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 Điều này. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án.

2. Toà án cấp phúc thẩm có quyền quyết định:

a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b) Sửa bản án sơ thẩm;

c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Điều 249. Sửa bản án sơ thẩm

1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo;

b) áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

2. Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

Điều 250. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

1. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

2. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong những trường hợp sau đây:

a) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng;

b) Người được Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.

4. Khi huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Toà án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản Bộ luật hình sự và hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng.

5. Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 251. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 107 của Bộ luật này thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này thì hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Điều 252. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự

Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì Cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, Viện kiểm sát truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

Điều 253. Phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

1. Đối với những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng nghị hoặc kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên toà, nhưng nếu xét cần thì có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết để nghe ý kiến của họ trước khi Tòa án ra quyết định.

2. Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định giải quyết việc kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

3. Khi xét những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm có những quyền hạn quy định tại Điều 248 của Bộ luật này.

4. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Điều 254. Việc giao bản án và quyết định phúc thẩm

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an nơi đã xử sơ thẩm, người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn nhưng không quá hai mươi lăm ngày.

Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.

Phần thứ năm

THI HÀNH BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN

Chương XXV

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THI HÀNH BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Điều 255. Những bản án và quyết định được thi hành

1. Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:

a) Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;

b) Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;

c) Những quyết định của Tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

2. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo.

Điều 256. Thủ tục đưa ra thi hành bản án và quyết định của Toà án

1. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

2. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành bản án hoặc quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án; bản án hoặc quyết định mà người bị kết án phải chấp hành.

Trong trường hợp người bị kết án đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan Công an để thi hành án.

3. Quyết định thi hành án, trích lục bản án hoặc quyết định phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp nơi thi hành án, cơ quan thi hành án và người bị kết án.

4. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn, thì Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu Cơ quan công an cùng cấp ra quyết định truy nã.

Điều 257. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án và quyết định của Toà án

1. Cơ quan Công an thi hành hình phạt trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia Hội đồng thi hành hình phạt tử hình theo quy định tại Điều 259 của Bộ luật này.

2. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có nhiệm vụ theo dõi, giáo dục, giám sát việc cải tạo của những người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ.

3. Việc thi hành hình phạt quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định do chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi thi hành án đảm nhiệm.

4. Cơ sở chuyên khoa y tế thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh.

5. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp.

6. Việc thi hành bản án và quyết định của Toà án quân sự do các tổ chức trong Quân đội đảm nhiệm, trừ hình phạt trục xuất.

7. Các cơ quan thi hành án phải báo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được thì phải nêu rõ lý do.

Chương XXVI

THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

Điều 258. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành

1. Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

2. Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Toà án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, thì Toà án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình.

Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

Điều 259. Thi hành hình phạt tử hình

1. Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án, Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự. Nếu có căn cứ người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Trước khi thi hành án đối với người bị kết án là phụ nữ thì Hội đồng thi hành án ngoài việc kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình được quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp Hội đồng thi hành án phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

2. Trước khi thi hành án phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

3. Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn.

4. Việc thi hành hình phạt tử hình phải được lập biên bản ghi rõ việc đã giao các quyết định cho người bị kết án xem, những lời nói của họ và những thư từ, đồ vật mà họ gửi lại cho người thân thích.

5. Trong trường hợp có tình tiết đặc biệt, Hội đồng thi hành án hoãn thi hành và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Chương XXVII

THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ VÀ CÁC HÌNH PHẠT KHÁC

Điều 260. Thi hành hình phạt tù

1. Trong trường hợp người bị kết án đang bị tạm giam thì theo yêu cầu của người thân thích người bị kết án, cơ quan Công an phải cho phép người bị kết án gặp người thân thích trước khi thi hành án.

Ban giám thị trại giam phải thông báo cho gia đình người bị kết án biết nơi người đó chấp hành hình phạt.

2. Trong trường hợp người bị kết án đang tại ngoại, nếu quá thời hạn mà không có mặt tại cơ quan Công an để chấp hành án thì người bị kết án sẽ bị áp giải.

3. Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải theo dõi việc thi hành án. Cơ quan Công an phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án về việc bắt người bị kết án để thi hành án hoặc lý do chưa bắt được và biện pháp cần áp dụng để bảo đảm việc thi hành án.

4. Trong trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù trốn khỏi trại giam thì cơ quan Công an ra quyết định truy nã.

Điều 261. Hoãn chấp hành hình phạt tù

1. Đối với người bị xử phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan Công an cùng cấp hoặc người bị kết án cho hoãn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 61 của Bộ luật hình sự.

2. Chậm nhất là bảy ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, Chánh án Toà án đã cho hoãn chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành án và phải gửi ngay quyết định thi hành án cùng bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan Công an cùng cấp và người bị kết án trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù.

Nếu quá thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, người bị kết án không có mặt tại cơ quan Công an để đi chấp hành hình phạt tù mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan Công an phải áp giải người bị kết án đi chấp hành hình phạt tù.

Điều 262. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

1. Theo đề nghị của Viện kiểm sát hoặc của Ban giám thị trại giam nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù:

a) Chánh án Tòa án cấp tỉnh nơi người đang chấp hành hình phạt tù có thể cho người đó được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật hình sự;

b) Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể cho người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật hình sự.

Chậm nhất là bảy ngày trước khi hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, Chánh án Toà án đã cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành án đối với phần hình phạt còn lại và phải gửi ngay quyết định đó cho cơ quan Công an cùng cấp nơi Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và người bị kết án.

Nếu quá thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người bị kết án không có mặt tại cơ quan Công an để đi chấp hành hình phạt tù mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan Công an phải áp giải người bị kết án đi chấp hành hình phạt tù.

2. Việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm phải do người đã kháng nghị hoặc do Tòa án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định.

Điều 263. Quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

1. Người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc quản lý. Họ không được tự ý đi nơi khác, nếu không được phép của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức quản lý họ.

2. Nếu trong thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà người bị kết án có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã cho hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định thi hành án để bắt họ đi chấp hành hình phạt tù. Quyết định thi hành án được gửi cho cơ quan Công an cùng cấp nơi Tòa án đã ra quyết định. Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan Công an phải tổ chức bắt, áp giải người bị kết án đi chấp hành hình phạt tù.

Điều 264. Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ

Người bị phạt tù được hưởng án treo và người bị phạt cải tạo không giam giữ được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc để giám sát, giáo dục.

Điều 265. Thi hành hình phạt trục xuất

Người bị phạt trục xuất phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định thi hành án. Trong trường hợp người bị phạt trục xuất phải chấp hành các hình phạt khác hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ khác thì thời hạn họ rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do pháp luật quy định.

Điều 266. Thi hành hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú

Đối với người bị phạt quản chế thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù, người bị kết án được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú để thi hành hình phạt quản chế. Người bị phạt cấm cư trú thì không được tạm trú, thường trú ở những địa phương bị cấm cư trú.

Điều 267. Thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản

Quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, chấp hành viên, người bị kết án và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú.

Việc tịch thu tài sản được tiến hành theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật hình sự.

Chương XXVIII

GIẢM THỜI HẠN HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT

Điều 268. Điều kiện để được giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt

1. Người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú hoặc quản chế có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điều 57, 58, 59 và 76 của Bộ luật hình sự; nếu họ chưa chấp hành hình phạt thì có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 57 của Bộ luật hình sự.

Người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại theo quy định tại khoản 4 Điều 57 của Bộ luật hình sự.

Người đã chấp hành được một phần hình phạt tiền có thể được miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 58 và khoản 3 Điều 76 của Bộ luật hình sự.

2. Người bị phạt tù được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật hình sự.

Điều 269. Thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt

1. Tòa án có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt.

Tòa án có thẩm quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành các hình phạt khác hoặc giảm thời gian thử thách thuộc thẩm quyền quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nơi người bị kết án chấp hành hình phạt hoặc chịu thử thách.

2. Hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần hình phạt tù còn lại, miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp.

Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải có đề nghị của cơ quan thi hành hình phạt tù.

Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải có đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát, giáo dục.

Hồ sơ đề nghị xét giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt khác hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo phải có đề nghị hoặc nhận xét của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án quy định tại Điều 257 của Bộ luật này.

3. Khi Tòa án xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, một thành viên của Tòa án trình bày vấn đề cần được xem xét, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, Tòa án ra quyết định chấp nhận hoặc bác đề nghị giảm thời hạn, miễn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách.

Chương XXIX

XÓA ÁN TÍCH

Điều 270. Đương nhiên xóa án tích

Theo yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích quy định tại Điều 64 của Bộ luật hình sự, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận là họ đã được xóa án tích.

Điều 271. Xóa án tích do Toà án quyết định

1. Trong những trường hợp quy định tại Điều 65 và Điều 66 của Bộ luật hình sự, việc xóa án tích do Toà án quyết định. Người bị kết án phải có đơn gửi Toà án đã xử sơ thẩm vụ án kèm theo nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc.

2. Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp để phát biểu ý kiến bằng văn bản. Nếu xét thấy đủ điều kiện thì Chánh án ra quyết định xóa án tích; trong trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.

Phần Thứ sáu

XÉT LẠI BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Chương XXX

THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM

Điều 272. Tính chất của giám đốc thẩm

Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.

Điều 273. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Điều 274. Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

Điều 275. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.

Điều 276. Tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Những người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đó.

Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án phải gửi cho Toà án, Viện kiểm sát nơi đã xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Điều 277. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải nêu rõ lý do và được gửi cho:

a) Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị;

b) Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm;

c) Người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị.

2. Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thì trước khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 278 của Bộ luật này, người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan, tổ chức đã phát hiện biết rõ lý do của việc không kháng nghị.

3. Trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền bổ sung kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 278 của Bộ luật này hoặc rút kháng nghị.

Điều 278. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 279. Thẩm quyền giám đốc thẩm

1. ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.

2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án quân sự trung ương giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.

3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự trung ương, của Toà hình sự, các Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị.

4. Những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này thì cấp có thẩm quyền cấp trên giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.

Điều 280. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm

Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.

Điều 281. Thành phần Hội đồng giám đốc thẩm

1. Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án quân sự trung ương gồm ba Thẩm phán. Nếu Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán tham gia xét xử.

Quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán tán thành.

2. Tại phiên tòa giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi biểu quyết về nội dung kháng nghị thì phải biểu quyết theo trình tự những ý kiến đồng ý với kháng nghị, những ý kiến không đồng ý với kháng nghị. Nếu không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành, thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên.

Điều 282. Chuẩn bị phiên tòa và thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi trước cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

2. Tại phiên tòa, một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Nếu đã triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Trong trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng giám đốc thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử.

Điều 283. Thời hạn giám đốc thẩm

Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị.

Điều 284. Phạm vi giám đốc thẩm

Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

Điều 285. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định :

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

2. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án ;

3. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Điều 286. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án

Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này.

Điều 287. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại

Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 273 của Bộ luật này. Nếu cần xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm.

Trong trường hợp hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc để xét xử lại và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng giám đốc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.

Điều 288. Hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm và việc giao quyết định giám đốc thẩm

1. Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an nơi đã xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Điều 289. Điều tra lại, xét xử lại vụ án sau khi Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định

Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại, thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra lại theo thủ tục chung.

Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại vụ án ở cấp sơ thẩm hoặc ở cấp phúc thẩm thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền để xét xử lại theo thủ tục chung.

Chương XXXI

THỦ TỤC TÁI THẨM

Điều 290. Tính chất của tái thẩm

Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Điều 291. Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:

1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

Điều 292. Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và báo cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

2. Nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 291 của Bộ luật này thì Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền. Nếu không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết rõ lý do của việc không kháng nghị.

Điều 293. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.

4. Bản kháng nghị của những người quy định tại Điều này phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.

Điều 294. Tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đã bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Những người đã kháng nghị theo thủ tục tái thẩm có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị.

Điều 295. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 296. Thẩm quyền tái thẩm

1. ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.

2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án quân sự trung ương tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.

3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự trung ương, Toà hình sự, các Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 297. Việc tiến hành tái thẩm

Những quy định tại các điều 280, 281, 282 và 283 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc tái thẩm.

Điều 298. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

Hội đồng tái thẩm có quyền ra quyết định:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

2. Hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại;

3. Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án.

Điều 299. Hiệu lực của quyết định tái thẩm và việc giao quyết định tái thẩm

1. Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm phải gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an nơi đã xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Điều 300. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án

1. Nếu Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.

2. Nếu Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại vụ án thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền để xét xử lại theo thủ tục chung.

Phần thứ bảy

THỦ TỤC ĐẶC BIỆT

Chương XXXII

THỦ TỤC TỐ TỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Điều 301. Phạm vi áp dụng

Thủ tục tố tụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này.

Điều 302. Điều tra, truy tố và xét xử

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên.

2. Khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử cần phải xác định rõ:

a) Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên;

b) Điều kiện sinh sống và giáo dục;

c) Có hay không có người thành niên xúi giục;

d) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Điều 303. Bắt, tạm giữ, tạm giam

1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

3. Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam.

Điều 304. Việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó.

Điều 305. Bào chữa

1. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

2. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.

Điều 306. Việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức

1. Đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

2. Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.

3. Tại phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức.

Đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức tham gia phiên toà có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Toà án.

Điều 307. Xét xử

1. Thành phần Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín.

2. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Tòa án áp dụng một trong những biện pháp tư pháp quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự.

Điều 308. Chấp hành hình phạt tù

1. Người chưa thành niên phạm tội chấp hành hình phạt tù theo chế độ giam giữ riêng do pháp luật quy định.

Không được giam giữ chung người chưa thành niên với người thành niên.

2. Người chưa thành niên bị kết án phải được học nghề hoặc học văn hóa trong thời gian chấp hành hình phạt tù.

3. Nếu người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù đã đủ mười tám tuổi thì phải chuyển người đó sang chế độ giam giữ người đã thành niên.

4. Đối với người chưa thành niên đã chấp hành xong hình phạt tù, Ban giám thị trại giam phải phối hợp với chính quyền và tổ chức xã hội ở xã, phường, thị trấn để giúp người đó trở về sống bình thường trong xã hội.

Điều 309. Chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt

Người chưa thành niên bị kết án có thể được chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 hoặc Điều 76 của Bộ luật hình sự.

Điều 310. Xóa án tích

Việc xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 77 của Bộ luật hình sự được tiến hành theo thủ tục chung.

Chương XXXIII

THỦ TỤC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH

Điều 311. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật hình sự thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y.

2. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Điều 312. Điều tra

1. Đối với vụ án có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 311 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ:

a) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra;

b) Tình trạng tâm thần và bệnh tâm thần của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội;

c) Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình hay không.

2. Khi tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra phải bảo đảm có người bào chữa tham gia tố tụng từ khi xác định là người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần. Đại diện hợp pháp của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết.

Điều 313. Quyết định của Viện kiểm sát sau khi kết thúc điều tra

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát có thể ra một trong những quyết định sau đây:

1. Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án;

2. Đình chỉ vụ án và quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

3. Truy tố bị can trước Tòa án.

Điều 314. Xét xử

1. Tòa án có thể ra một trong những quyết định sau đây:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

b) Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

c) Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

d) Trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.

2. Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án.

Điều 315. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người chấp hành hình phạt tù

Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng người đang chấp hành hình phạt tù mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt phải trưng cầu giám định pháp y.

Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở chuyên khoa y tế để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt.

Điều 316. Khiếu nại, kháng nghị, kháng cáo

1. Khi quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bị khiếu nại thì vụ án phải được đưa ra xét xử sơ thẩm ở Tòa án cùng cấp.

2. Việc kháng nghị hoặc kháng cáo đối với quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm.

3. Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án vẫn có hiệu lực thi hành mặc dù có khiếu nại, kháng nghị, kháng cáo.

Điều 317. Thực hiện, đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh

1. Biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện ở một cơ sở chuyên khoa y tế do Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định.

2. Khi có báo cáo của cơ sở chữa bệnh, đơn yêu cầu của người thân thích người bị bắt buộc chữa bệnh hoặc yêu cầu của Viện kiểm sát thì trên cơ sở kết luận của Hội đồng giám định y khoa, Viện kiểm sát hoặc Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có thể ra quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời có thể quyết định phục hồi tố tụng đã bị tạm đình chỉ.

Chương XXXIV

THỦ TỤC RÚT GỌN

Điều 318. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này.

Điều 319. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

2. Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

3. Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

4. Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Điều 320. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

1. Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

3. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Điều 321. Điều tra

1. Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là mười hai ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

Điều 322. Tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố

1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.

2. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

3. Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá mười sáu ngày.

Điều 323. Quyết định việc truy tố

1. Trong thời hạn bốn ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Tạm đình chỉ vụ án;

d) Đình chỉ vụ án.

2. Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này, thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 324. Xét xử

1. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Tạm đình chỉ vụ án;

d) Đình chỉ vụ án.

2. Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.

3. Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.

4. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc xét xử. Thời hạn tạm giam không được quá mười bốn ngày.

5. Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

Chương XXXV

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Điều 325. Người có quyền khiếu nại

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, khiếu nại đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì không giải quyết theo quy định tại Chương này mà được giải quyết theo quy định tại các chương XXIII, XXIV, XXX và XXXI của Bộ luật này.

Điều 326. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại

1. Người khiếu nại có quyền:

a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;

b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người khiếu nại có nghĩa vụ:

a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;

b) Chấp hành kết quả giải quyết khiếu nại.

Điều 327. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại

1. Người bị khiếu nại có quyền:

a) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại;

b) Được nhận văn bản giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của mình.

2. Người bị khiếu nại có nghĩa vụ:

a) Giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành kết quả giải quyết khiếu nại;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 328. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Điều 329. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Điều 330. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Điều 331. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Thẩm phán, Phó Chánh án và Chánh án Toà án

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Phó Chánh án trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Toà án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Toà án cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Toà án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Toà án trước khi mở phiên tòa do Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Toà án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Điều 332. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định tố tụng đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định đó giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Điều 333. Thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam

Khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Điều 334. Người có quyền tố cáo

Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 335. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

1. Người tố cáo có quyền:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.

2. Người tố cáo có nghĩa vụ:

a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Điều 336. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo

1. Người bị tố cáo có quyền:

a) Được thông báo về nội dung tố cáo;

b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

c) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.

2. Người bị tố cáo có nghĩa vụ:

a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành kết quả xử lý tố cáo của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

Điều 337. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Trong trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Toà án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố xem xét, giải quyết.

Thời hạn giải quyết tố cáo không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá chín mươi ngày.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật này.

3. Tố cáo liên quan đến hành vi bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá ba ngày.

Điều 338. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo và thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo biết; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm kết quả giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết của mình.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 339. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

a) Ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương này;

b) Kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới; thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát;

c) Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.

2. Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan điều tra, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Phần thứ tám

HỢP TÁC QUỐC TẾ

Chương XXXVI

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Điều 340. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự

Hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.

Hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Điều 341. Thực hiện tương trợ tư pháp

Khi thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam áp dụng những quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của Bộ luật này.

Điều 342. Từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp

Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Yêu cầu tương trợ tư pháp không phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2. Việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương XXXVII

DẪN ĐỘ VÀ CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, TÀI LIỆU, VẬT CHỨNG CỦA VỤ ÁN

Điều 343. Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án

Căn cứ vào các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể:

1. yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài dẫn độ một người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt;

2. Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang ở trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho quốc gia yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt.

Điều 344. Từ chối dẫn độ

1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ chối dẫn độ, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Toà án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của Bộ luật này;

d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở quốc gia yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị.

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể từ chối dẫn độ, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Theo pháp luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ thực hiện không phải là tội phạm;

b) Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ chối dẫn độ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài đã gửi yêu cầu dẫn độ biết.

Điều 345. Việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án

1. Đối với vụ án có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu việc tiến hành tố tụng không thể thực hiện được vì người đó đã ra nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền tố tụng đang thụ lý vụ án có thể chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài.

2. Khi chuyển giao hồ sơ vụ án cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể chuyển giao cả vật chứng của vụ án.

Điều 346. Việc giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật, tiền liên quan đến vụ án

1. Việc giao nhận tài liệu liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ luật này.

2. Việc chuyển giao đồ vật, tiền liên quan đến vụ án ra ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Văn An

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 19/2003/QH11

Hanoi, November 26, 2003

 

CRIMINAL PROCEDURE CODE
(No. 19/2003/QH11 of November 26, 2003)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001 of the Xth National Assembly, the 10th session;
This Code prescribes the order and procedures of instituting, investigating, prosecuting and adjudicating criminal cases and executing criminal judgments.

Part One

GENERAL PROVISIONS

Chapter I:TASKS AND EFFECT OF THE CRIMINAL PROCEDURE CODE

Article 1.- Tasks of the Criminal Procedure Code

The Criminal Procedure Code prescribes the order and procedure of instituting, investigating, prosecuting and adjudicating criminal cases and executing criminal judgments; functions, tasks and powers of, as well as relationships among procedure-conducting bodies; tasks, powers and responsibilities of procedure-conducting persons; rights and obligations of participants in the procedure and of various agencies, organizations and citizens; international cooperation in the criminal procedure, in order to take initiative in preventing and precluding crimes, detecting accurately and quickly and handling justly and in time all criminal acts, not leaving criminals unpunished and the innocent punished unjustly.

The Criminal Procedure Code contributes to protecting the socialist regime, safeguarding the interests of the State, the legitimate rights and interests of citizens, organizing and protecting the socialist legal order, and at the same time educating all people in the sense of law observance, struggling to prevent and fight crimes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



All criminal proceedings on the territory of the Socialist Republic of Vietnam must be conducted in accordance with the provisions of this Code.

Criminal proceedings against foreigners who commit offenses on the territory of the Socialist Republic of Vietnam and who are citizens of the member states of the international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to shall be carried out in accordance with the provisions of such international agreements.

For foreigners committing offenses on the territory of the Socialist Republic of Vietnam, who are entitled to diplomatic privileges or consular preferential treatment and immunities in accordance with Vietnamese laws, international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to or in compliance with international practices, their cases shall be settled through diplomatic channels.

Chapter II: FUNDAMENTAL PRINCIPLES

Article 3.- Guarantee of the socialist legislation in the criminal procedure

All criminal proceedings of procedure-conducting bodies and persons and participants in the procedure must be carried out in accordance with the provisions of this Code.

Article 4.- Respect for, and defense of, fundamental rights of citizens

When conducting the procedure, the heads and deputy heads of investigating bodies, investigators, chairmen and deputy chairmen of procuracies, procurators, presidents and vice-presidents of courts, judges and jurors must, within the scope of their respective responsibilities, respect and protect the legitimate rights and interests of citizens, regularly examine the lawfulness and necessity of the applied measures, promptly cancel or change such measures if deeming that they are in violation of law or no longer needed.

Article 5.- Guarantee of all citizens’ right to equality before law

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 6.- Guarantee of citizens’ right to body inviolability

Nobody shall be arrested without a court decision, decision made or approved by the procuracies, except for cases where offenders are caught red-handed.

Arrest and detention of people must comply with the provisions of this Code.

All forms of coercion and corporal punishment are strictly forbidden.

Article 7.- Protection of life, health, honor, dignity and property of citizens

Citizens have the right to have their life, health, honor, dignity and property protected by law.

All acts of infringing upon the life, health, honor, dignity and/or property shall be handled according to law.

Victims, witnesses and other participants in the procedure as well as their relatives, when their life and health are endangered, their honor, dignity and/or property are infringed upon, shall be protected by competent procedure-conducting bodies through applying necessary measures according to law.

Article 8.- Guarantee of the citizens’ right to residence inviolability, safety and confidentiality of correspondence, telephone conversations and telegraphs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



While conducting the procedure, the search of residence, search, seizure and forfeiture of correspondence and telegraphs must comply with the provisions of this Code.

Article 9.- No person shall be considered guilty until a court judgment on his/her criminality takes legal effect

No person shall be considered guilty and be punished until a court judgment on his/her criminality takes legal effect.

Article 10.- Determination of facts of criminal cases

Investigating bodies, procuracies and courts must apply every lawful measure to determine the facts of criminal cases in an objective, versatile and full manner, to make clear evidences of crime and evidences of innocence, circumstances aggravating and extenuating the criminal liabilities of the accused or defendants.

The responsibility to prove offenses shall rest with the procedure-conducting bodies. The accused or defendants shall have the right but not be bound to prove their innocence.

Article 11.- Guarantee of the right to defense of detainees, accused and defendants

The detainees, accused and defendants shall have the right to defend by themselves or ask other persons to defend them.

Investigating bodies, procuracies and courts shall have the duty to ensure that the detainees, accused and defendants exercise their right to defense under the provisions of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In the course of conducting the procedure, the procedure-conducting bodies and persons must strictly implement law provisions and take responsibility for their acts and decisions.

Those who act against law in making arrest, detention, seizure, instituting, investigating, prosecuting and/or adjudicating criminal cases and/or executing judgments shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability.

Article 13.- Responsibility to institute and handle criminal cases

Upon detecting criminal signs, the investigating bodies, procuracies or courts shall, within the scope of their respective tasks and powers, have to institute criminal cases and apply measures provided for by this Code to determine offenses and handle offenders.

Criminal cases must not be instituted except on the grounds and in the order provided for by this Code.

Article 14.- Guarantee of the impartiality of persons conducting or participating in the procedure

The heads and deputy heads of investigating bodies, investigators, chairmen and vice-chairmen of procuracies, procurators, presidents and vice-presidents of courts, judges, jurors and court clerks must not conduct the procedure or interpreters and experts must not participate in the procedure if there are plausible grounds to believe that they may not be impartial while performing their duties.

Article 15.- Implementation of the regime of trial with the participation of jurors

The trial by people’s courts or military courts shall be participated by people’s jurors or military jurors respectively in accordance with the provisions of this Code. In the course of trial, jurors shall be equal in rights to judges.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



During trial, judges and jurors are independent and abide by law only.

Article 17.- Courts conduct trial collectively

Courts shall conduct trial collectively and make decisions by majority.

Article 18.- Public trial

Courts shall conduct trial in public, everybody shall have the right to attend such trial, unless otherwise prescribed by this Code.

In special cases where State secrets should be kept or the fine national customs and practices should be preserved or the involved parties’ secrets must be kept at their legitimate requests, courts shall conduct trial behind closed door but must pronounce the judgments publicly.

Article 19.- Guarantee of equal right before court

Procurators, defendants, defense counsels, victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases and their lawful representatives and defense counsels of interests of the involved parties shall all have the equal rights to present evidences, documents and objects, make claims and argue democratically before court. Courts shall have to create conditions for them to exercise these rights with a view to clarifying the objective truths of the cases.

Article 20.- To implement the two-level trial regime

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



First-instance judgments and decisions of courts may be appealed or protested against under the provisions of this Code.

First-instance judgments and decisions, if not appealed or protested against within the time limits prescribed by this Code, shall be legally valid. For first-instance judgments or decisions which are appealed or protested against, the cases must be brought to appellate trial. Appellate judgments and decisions shall be legally valid.

2. For legally valid court judgments and decisions, if law violations are detected or new circumstances emerge, they shall be reviewed according to the cassation or re-opening procedures.

Article 21.- Trial supervision

Superior courts shall supervise the trial by subordinate courts. The Supreme People’s Court shall supervise the trial by people’s courts and military courts at all levels in order to ensure the strict and uniform application of laws.

Article 22.- Guarantee of the validity of court judgments and decisions

1. Legally valid court judgments or decisions must be executed and respected by agencies, organizations and all citizens. The concerned individuals, agencies and organizations must, within the scope of their respective responsibilities, strictly execute or serve the court judgments and decisions and take responsibility before law for their execution or serving.

2. Within the scope of their respective responsibilities, State agencies, commune, ward and township administrations, organizations and citizens must coordinate with the agencies and organizations tasked to execute court judgments and decisions in the execution thereof.

State agencies and commune, ward and township administrations shall have to create conditions for, and comply with the requests of, agencies and organizations tasked to execute court judgments and decisions in the execution thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Procuracies shall exercise their right to prosecute in the criminal procedure and decide to prosecute offenders before court.

2. Procuracies shall supervise the law observance in the criminal procedure and have the duty to detect in time law violations committed by procedure-conducting bodies or persons as well as participants in the procedure, and apply measures prescribed by this Code to preclude law violations by these bodies or individuals.

3. Procuracies shall exercise their right to prosecute and supervise the law observance in the criminal procedure in order to ensure that all criminal acts be handled in time; the institution, investigation, prosecution and trial of criminal cases as well as execution of judgments be conducted against the right persons and right offenses, not omitting offenses and offenders, not letting injustice be done on the innocent.

Article 24.- Spoken and written language used in the criminal procedure

Spoken and written language used in the criminal procedure is Vietnamese. Participants in the criminal procedure may use spoken and written languages of their own nationalities; in this case, interpreters shall be required.

Article 25.- Responsibilities of organizations and citizens in the struggle to prevent and fight crimes

1. Organizations and individuals shall have the right as well as obligation to detect and denounce criminal acts; participate in the struggle to prevent and fight crimes, contributing to protecting the interests of the State, the legitimate rights and interests of citizens and organizations.

2. Procedure-conducting bodies shall have to create conditions for organizations and citizens to participate in the criminal procedure; must inform the results of processing the reported information on and denunciations of crimes to the reporting organizations or denouncers.

3. Organizations and citizens shall have to abide by the requests of, and create conditions for, the procedure-conducting bodies and persons to perform their duties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within the scope of their respective responsibilities, State agencies must apply measures to prevent crimes; coordinate with investigating bodies, procuracies and courts in the struggle to prevent and fight crimes.

State agencies must constantly examine and inspect the performance of their assigned functions and tasks; detect in time law violation acts for handling and immediately inform the investigating bodies or procuracies of all criminal acts committed in their agencies and in their management domains; have the right to propose and send related documents to the investigating bodies and procuracies to consider and initiate criminal proceedings against persons committing criminal acts.

The heads of State agencies shall take responsibility for their failure to report criminal acts happening in their agencies and in their management domains to the investigating bodies or procuracies.

State agencies shall have to comply with the requests of, and create conditions for, the procedure-conducting bodies and persons to perform their duties.

All acts of obstructing the activities of the procedure-conducting bodies and persons while performing their duties are strictly forbidden.

2. Inspection agencies must coordinate with investigating bodies, procuracies and courts in detecting and handling crimes. When detecting cases with criminal signs, they must immediately transfer related documents to and propose investigating bodies or procuracies to consider and institute criminal cases.

3. Within the scope of their responsibilities, investigating bodies and procuracies must consider and settle reported information on crimes, propose the institution of criminal cases and must inform the settling results to the reporting or proposing State agencies.

Article 27.- Detection and remedy of causes and conditions for crime commission

In the course of carrying out the criminal procedure, investigating bodies, procuracies and courts shall have to find out crime commission causes and conditions; request the concerned agencies and organizations to apply remedial and preventive measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 28.- Settlement of civil matters in criminal cases

The settlement of civil matters in criminal cases shall be carried out together with the settlement of criminal cases. Where a criminal case involves the compensation or indemnification matter which cannot be proved yet and does not affect the settlement of the criminal case, such civil matter may be separated and settled according to civil procedures.

Article 29.- Guarantee of the right to damage compensation and restoration of honor and interests of unjustly handled persons

Persons who have been unjustly handled by competent persons in criminal proceedings shall have the right to damage compensation and restoration of their honor and interests.

The competent bodies which have handled persons unjustly in criminal proceedings shall have to pay damage compensation to, and restore the honor and interests of, the unjustly punished persons; persons who have caused damage shall have to reimburse the compensated amounts to the competent bodies according to law.

Article 30.- Guarantee of the right to damage compensation of persons suffering from damage caused by the criminal procedure-conducting bodies or persons

Persons suffering from damage caused by competent bodies or persons in criminal proceedings shall have the right to damage compensation.

The bodies competent in criminal proceedings shall have to pay compensation to the damaged persons; the damage-causing persons shall have to reimburse the compensated amounts to the competent bodies according to law provisions.

Article 31.- Guarantee of the right to complain and denounce in the criminal procedure

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Competent bodies must receive, consider and settle in a timely and lawful manner complaints and denunciations, then send notices on the settlement results to the complainants and denouncers for knowledge and taking remedial measures.

The order, procedures and competence to settle complaints and denunciations are provided for by this Code.

Article 32.- Supervision by agencies, organizations and people-elected deputies of activities of the procedure-conducting bodies and persons

State agencies, the Vietnam Fatherland Front Committees, the Front’s member organizations and people-elected deputies shall have the right to supervise activities of the procedure-conducting bodies and persons; supervise the settlement of complaints and denunciations by such bodies and persons.

If detecting any illegal acts committed by the procedure-conducting bodies or persons, the State agencies and people-elected deputies shall have the right to request, or the Vietnam Fatherland Front Committees and the Front’s member organizations shall have the right to propose, the competent procedure-conducting bodies to consider and settle them in accordance with the provisions of this Code. The competent procedure-conducting bodies must consider, settle and reply such proposals or requests according to law.

Chapter III : PROCEDURE-CONDUCTING BODIES, PROCEDURE-CONDUCTING PERSONS AND THE CHANGE OF PROCEDURE-CONDUCTING PERSONS

Article 33.- Procedure-conducting bodies and procedure-conducting persons

1. Procedure-conducting bodies include:

a/ Investigating bodies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Courts.

2. Procedure-conducting persons include:

a/ The heads and deputy heads of investigating bodies, investigators;

b/ Chairmen, vice-chairmen of procuracies, procurators;

c/ Presidents and vice-presidents of courts, judges, jurors, court clerks.

Article 34.- Tasks, powers and responsibilities of heads and deputy heads of investigating bodies

1. The heads of investigating bodies shall have the following tasks and powers:

a/ To directly organize and direct the investigating activities of investigating bodies;

b/ To decide to assign tasks to their deputies and investigators in investigating criminal cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ To decide to change or cancel ungrounded and illegal decisions of their deputies and investigators;

e/ To decide to change investigators;

f/ To settle complaints and denunciations falling under the competence of investigating bodies.

When the head of an investigating body is absent, one deputy authorized by such head shall perform the tasks and exercise the powers of the latter. Deputy heads shall be accountable to their heads for their assigned tasks.

2. When investigating criminal cases, the heads of investigating bodies shall have the following tasks and powers:

a/ To decide to institute criminal cases and initiate criminal proceedings against the accused, to decide not to institute criminal cases; to decide to incorporate or separate criminal cases;

b/ To decide to apply, change or cancel deterrent measures ;

c/ To decide to pursue the accused, to search, forfeit, seize, distrain properties, and handle exhibits;

d/ To decide to solicit expertise and exhume corpses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To decide to suspend investigation, to decide to cease investigation, to decide resume investigation;

g/ To directly carry out investigating measures; to grant or withdraw defense counsel’s certificates; to issue other decisions and carry out other proceedings falling under the competence of investigating bodies.

3. When being assigned to investigate criminal cases, the deputy heads of the investigating bodies shall have the tasks and powers defined in Clause 2 of this Article.

4. The heads, deputy heads of investigating bodies shall take responsibility before law for their acts and decisions.

Article 35.- Tasks, powers and responsibilities of investigators

1. The investigators assigned to investigate criminal cases shall have the following tasks and powers:

a/ To compile files of criminal cases;

b/ To summon and interrogate the accused; to summon and take testimonies from witnesses, victims, civil plaintiffs, civil dependants and persons with interests and obligations related to the cases;

c/ To decide to escort the accused, decide to escort witnesses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To conduct scene examination, autopsy, confrontation, identification and investigative experiments;

f/ To conduct other investigating activities falling under the competence of investigating bodies according to the assignment of the heads of investigating bodies.

2. Investigators shall take responsibility before law and the heads of investigating bodies for their acts and decisions.

Article 36.- Tasks, powers and responsibilities of chairmen, vice-chairmen of procuracies

1. The chairmen of procuracies shall have the following tasks and powers:

a/ To organize and direct activities of exercising the right to prosecute and supervise the law observance in criminal proceedings;

b/ To decide to assign their vice-chairmen and procurators to exercise the right to prosecute and supervise the law observance in criminal proceedings for criminal cases;

c/ To examine their vice-chairmen and procurators in activities of exercising the right to prosecute and supervise their law observance in criminal proceedings;

d/ To protest according to cassation or reopening procedures the legally valid court judgments or decisions in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To decide to withdraw, suspend or cancel ungrounded and illegal decisions of the subordinate procuracies;

g/ To decide to change procurators;

h/ To settle complaints and denunciations falling under the competence of procuracies.

When the chairman of a procuracy is absent, one vice-chairman authorized by the chairman shall perform the chairman’s tasks and powers. Vice-chairmen shall be accountable to their chairmen for their assigned tasks.

2. When exercising the right to prosecute and supervising the law observance in the proceedings for criminal cases, the chairmen of procuracies shall have the following tasks and powers:

a/ To decide to institute criminal cases, to decide not to institute criminal cases, to decide to initiate criminal proceedings against the accused; to request investigating bodies to institute criminal cases or change decisions to institute criminal cases or initiate criminal proceedings against the accused in accordance with this Code;

b/ To request the heads of investigating bodies to change investigators;

c/ To decide to apply, change or cancel deterrent measures; to decide to extend the investigation period; to decide to prolong the temporary detention period; to request investigating bodies to pursue the accused;

d/ To decide to approve or disapprove decisions of investigating bodies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To decide to transfer cases;

g/ To decide to prosecute, to decide to return the files for additional investigation; to decide to solicit expertise;

h/ To decide to suspend or cease criminal cases, to decide to resume investigation; to decide to handle exhibits;

i/ To protest according to appellate procedures court judgments and decisions;

j/ To grant and withdraw the defense counsel’s certificates; to issue other decisions and conduct other proceedings falling under the competence of procuracies.

3. When being assigned to exercise the right to prosecute and supervise the law observance in the proceedings for criminal cases, vice-chairmen of procuracies shall have the tasks and powers defined in Clause 2 of this Article.

4. The chairmen and vice-chairmen of procuracies shall take responsibility before law for their acts and decisions.

Article 37.- Tasks, powers and responsibilities of procurators

1. Procurators assigned to exercise the right to prosecute and supervise the law observance in the proceedings for criminal cases shall have the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To set investigation requirements;

c/ To summon and interrogate the accused; to summon and take testimonies of witnesses, victims, civil plaintiffs, civil defendants, and persons with interests and obligations related to the cases;

d/ To supervise arrests, custody and temporary detention;

e/ To participate in court sessions; to read the procuracies’ indictments and decisions related to the case settlement; to ask questions, present evidences and make arraignments; to express their views on the case settlement and argue with the participants in the procedure at court sessions;

f/ To supervise the law observance by courts in their adjudicating activities, by participants in the procedure, and to supervise court judgments and decisions;

g/ To supervise the execution of court judgments and decisions;

h/ To perform other tasks and exercise other powers falling under the procuracies’ scope of competence as assigned by their chairmen.

2. Procurators shall take responsibility before law and the chairmen of the procuracies for their acts and decisions.

Article 38.- Tasks, powers and responsibilities of presidents, vice-presidents of courts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To organize the adjudicating work of their courts;

b/ To decide to assign their vice-presidents, judges and jurors to settle and adjudicate criminal cases; to decide to assign court clerks to conduct the procedure for criminal cases;

c/ To decide to change judges, jurors and court clerks before opening court sessions;

d/ To protest according to cassation procedures legally valid court judgments and decisions in accordance with the provisions of this Code;

e/ To issue decisions to execute criminal judgments;

f/ To decide to postpone the serving of imprisonment penalties;

g/ To decide to suspend the serving of imprisonment penalties;

h/ To decide to remit criminal records;

i/ To settle complaints and denunciations falling under the jurisdiction of their courts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When settling criminal cases, the presidents of courts shall have the following tasks and powers:

a/ To decide to apply, change or cancel the temporary detention measure; to decide to handle exhibits;

b/ To decide to transfer criminal cases;

c/ To grant, withdraw the defense counsel’s certificates; to issue decisions and conduct other proceedings falling under the jurisdiction of their courts.

3. When being assigned to settle or adjudicate criminal cases, vice-presidents of courts shall have the tasks and powers defined in Clause 2 of this Article.

4. Presidents and vice-presidents of courts shall take responsibility before law for their acts and decisions.

Article 39.- Tasks, powers and responsibilities of judges

1. The judges assigned to settle, adjudicate criminal cases shall have the following tasks and powers:

a/ To study the case files before the opening of court sessions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To conduct proceedings and vote on matters falling under the jurisdiction of the trial panels;

d/ To conduct other proceedings falling under the jurisdiction of their courts according to the assignment of the presidents of their courts.

2. The judges assigned to preside over court sessions shall have, apart from the tasks and powers defined in Clause 1 of this Article, the following tasks and powers:

a/ To decide to apply, change or cancel deterrent measures in accordance with the provisions of this Code;

b/ To decide to return files for additional investigation;

c/ To decide to bring cases for trial; to decide to cease or suspend cases;

d/ To decide to summon persons whom they need to inquire to court sessions;

e/ To conduct other proceedings falling under the competence of their courts according to the assignment of the presidents of their courts.

3. The judges holding the post of president or vice-president of the Court of Appeal of the Supreme People’s Court shall have the right to grant and withdraw the defense counsel’s certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 40.- Tasks, powers and responsibilities of jurors

1. When being assigned to adjudicate criminal cases, jurors shall have the following tasks and powers:

a/ To study case files before the opening of court sessions;

b/ To participate in adjudicating criminal cases according to first-instance or appellate procedures;

c/ To conduct proceedings and vote on matters falling under the jurisdiction of the trial panels.

2. Jurors shall take responsibility before law for their acts and decisions.

Article 41.- Tasks, powers and responsibilities of court clerks

1. Court clerks assigned to carry out the procedure for criminal cases shall have the following tasks and powers:

a/ To announce the internal rules of court sessions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To write minutes of court sessions;

d/ To conduct other proceedings falling under the jurisdiction of their courts according to the assignment by the presidents of their courts.

2. Court clerks shall take responsibility before law and the presidents of courts for their acts.

Article 42.- Cases of refusal or change of procedure-conducting persons

Procedure-conducting persons must refuse to conduct the procedure or be changed if:

1. They are concurrently victims, civil plaintiffs, civil defendants; persons with interests and obligations related to the cases; lawful representatives or next of kin of such persons or of the accused or defendants;

2. They have participated as defense counsels, witnesses, experts or interpreters in such cases;

3. There are explicit grounds to believe that they may not be impartial while performing their duties.

Article 43.- Right to request to change procedure-conducting persons

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Procurators;

2. The accused, defendants, victims, civil plaintiffs, civil defendants and their lawful representatives;

3. Defense counsels, defense counsels of interests of victims, civil plaintiffs or civil defendants.

Article 44.- Change of investigators

1. Investigators must refuse to conduct the procedure or be changed if:

a/ They fall into one of the cases prescribed in Article 42 of this Code;

b/ They have conducted the procedure in such cases in the capacity as procurator, judge, juror or court clerk.

2. The change of investigators shall be decided by the heads of investigating bodies.

If the investigators being the heads of investigating bodies fall into one of the cases prescribed in Clause 1 of this Article, the investigation of the cases shall be conducted by the immediate superior investigating bodies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Procurators must refuse to conduct the procedure or be changed if:

a/ They fall into one of the cases prescribed in Article 42 of this Code;

b/ They have conducted the procedure in such cases in the capacity as investigator, judge, juror or court clerk.

2. The change of procurators before the opening of court sessions shall be decided by the chairmen of the procuracies of the same level.

If the to be-changed procurators are procuracy chairmen, such change shall be decided by the chairmen of the immediate superior procuracies.

In cases where the procurators must be changed at court sessions, the trial panels shall issue decisions to postpone the court sessions.

The appointment of other procurators shall be decided by the chairmen of the procuracies of the same level or the chairmen of the immediate superior procuracies.

Article 46.- Change of judges, jurors

1. Judges or jurors must refuse to participate in the trial or be changed if:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ They sit on the same trial panel and are next of kin;

c/ They have participated in the first-instance trial or appellate trial, or conducted the procedure in such cases in the capacity as investigator, procurator or court clerk.

2. The change of judges and/or jurors before the opening of court sessions shall be decided by the presidents of the courts. If the to be-changed judges are the presidents of the courts, such change shall be decided by the presidents of the immediate superior courts.

The change judges and/or jurors at court sessions shall be decided by the trial panels before starting the inquiry by voting at the deliberation chambers. When a member is considered, he/she may present his/her opinions; the panels shall make decisions by majority.

In case of change of judges and/or jurors at court sessions, the trial panels shall issue decisions to postpone the court sessions.

The appointment of new trial panel members shall be decided by the presidents of the courts.

Article 47.- Change of court clerks

1. Court clerks must refuse to conduct the procedure or be changed if:

a/ They fall into one of the cases prescribed in Article 42 of this Code;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The change of court clerks before the opening of court sessions shall be decided by the presidents of the courts.

The change of court clerks at court sessions shall be decided by the trial panels.

In cases where court clerks must be changed at court sessions, the trial panels shall issue decisions to postpone the court sessions.

The appointment of other court clerks shall be decided by the presidents of the courts.

Chapter IV: PARTICIPANTS IN THE PROCEDURE

Article 48.- Persons held in custody

1. Persons held in custody are persons arrested in urgent cases, offenders caught red-handed, persons arrested under pursuit decisions, or confessing or self-surrendering offenders against whom custody decisions have been issued.

2. Persons held in custody shall have the following rights:

a/ To be informed of the reasons for their custody;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To present their statements;

d/ To defend by themselves or ask other persons to defend them;

e/ To present documents, objects as well as claims;

f/ To complain about their custody, procedural decisions or acts of the bodies and/or persons with procedure-conducting competence.

3. Persons held in custody shall have the obligation to observe the law provisions on custody.

Article 49.- The accused

1. The accused are persons against whom criminal proceedings have been initiated.

2. The accused shall have the following rights:

a/ To be informed of the offenses which they have been accused of;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To present their statements;

d/ To present documents, objects as well as claims;

e/ To request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with the provisions of this Code;

f/ To defend by themselves or ask other persons to defend them;

g/ To receive decisions to institute the criminal cases; decisions to apply, change or cancel deterrent measures; written investigation conclusions; decisions to cease investigation or suspend investigation; decisions to cease or suspend the criminal cases; indictments; decisions on their prosecution; and other procedural decisions as prescribed by this Code;

h/ To complain about procedural decisions and acts of the bodies and persons with procedure-conducting competence.

3. The accused must appear in response to the summonses of investigating bodies or procuracies; in case of non-appearance without plausible reasons, they may be escorted; if they escape, they shall be pursued.

Article 50.- Defendants

1. Defendants are persons whom the courts have decided to bring for trial.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To receive decisions to bring the cases for trial; decisions to apply, change or cancel deterrent measures; decisions to cease the cases; judgments and/or decisions of the courts; and other procedural decisions as prescribed by this Code;

b/ To participate in court sessions;

c/ To be explained on their rights and obligations;

d/ To request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with this Code;

e/ To present documents, objects as well as claims;

f/ To defend by themselves or ask other persons to defend them;

g/ To present opinions, argue at court sessions;

h/ To have final words before the judgment deliberation;

i/ To appeal against judgments and decisions of the courts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Defendants must appear in response to the subpoenas of the courts; in case of non-appearance without plausible reasons, they may be escorted; if they escape, they shall be pursued.

Article 51.- Victims

1. Victims are persons suffering from physical, spiritual and/or property damage caused by offenses.

2. Victims or their lawful representatives shall have the following rights:

a/ To present documents, objects as well as claims;

b/ To be informed of the investigation results;

c/ To request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with the provisions of this Code;

d/ To suggest the compensation levels and measures to secure such compensation;

e/ To participate in court sessions; present their opinions and arguments at court sessions in order to protect their legitimate rights and interests;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where the criminal cases are instituted at the requests of victims as prescribed in Article 105 of this Code, the victims or their lawful representatives shall present their accusations at court sessions.

4. Victims must appear in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or courts; if they refuse to give testimonies without plausible reasons, they may bear penal liability according to Article 308 of the Penal Code.

5. In cases where victims are deceased, their lawful representatives shall have the rights defined in this Article.

Article 52.- Civil plaintiffs

1. Civil plaintiffs are individuals, agencies or organizations suffering from damage caused by offenses and file claims for damages.

2. Civil plaintiffs or their lawful representatives shall have the following rights:

a/ To present documents, objects as well as claims;

b/ To be informed of the investigation results;

c/ To request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with the provisions of this Code;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To participate in court sessions; to present their opinions and arguments at court sessions in order to protect their legitimate rights and interests;

f/ To complain about procedural decisions and acts of the bodies and persons with procedure-conducting competence;

g/ To appeal against court judgments and decisions regarding damage compensation.

3. Civil plaintiffs must appear in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts, and present honestly details related to their claims for damages.

Article 53.- Civil defendants

1. Civil defendants are individuals, agencies or organizations prescribed by law to pay compensation for damage caused by criminal acts.

2. Civil defendants or their lawful representatives shall have the following rights:

a/ To complain about the civil plaintiffs’ claims for damages;

b/ To present documents, objects as well as claims;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ To request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with this Code;

e/ To participate in court sessions; to present their opinions and arguments at court sessions to protect their legitimate rights and interests;

f/ To complain about procedural decisions and acts of the bodies and persons with procedure-conducting competence;

g/ To appeal against court judgments and decisions regarding damage compensation.

3. Civil defendants must appear in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts, and present honestly details related to the damage compensation.

Article 54.- Persons with interests and obligations related to criminal cases

1. Persons with interests and obligations related to criminal cases or their lawful representatives shall have the following rights:

a/ To present documents, objects as well as claims;

b/ To participate in court sessions; to present their opinions and arguments at court sessions in order to protect their legitimate rights and interests;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ To complain about procedural decisions and acts of the bodies and persons with procedure-conducting competence;

2. Persons with interests and obligations related to criminal cases must be present in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts, and present honestly details directly related to their interests and obligations.

Article 55.- Witnesses

1. Those who know details pertaining to criminal cases may all be summoned to give testimonies.

2. The following persons shall not be allowed to act as witnesses:

a/ Defense counsels of the accused or defendants;

b/ Persons with physical or mental defects which render them incapable of perceiving details of the criminal cases or incapable of giving truthful statements.

3. Witnesses shall have the following rights:

a/ To ask the bodies which have summoned them to protect their life, health, honor, dignity, property and other legitimate rights and interests when participating in the procedure;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To be paid by the summoning agencies the travel and other expenses as prescribed by law.

4. Witnesses shall have the following obligations:

a/ To appear in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts; in case of deliberate absence without plausible reasons and their absence causes impediments to the investigation, prosecution or trial, they may be escorted;

b/ To honestly state all details they know about the cases.

Witnesses who refuse or shirk to testify without plausible reasons shall bear penal liability according to Article 308 of the Penal Code; if giving false testimonies, they shall bear penal liabilities according to Article 307 of the Penal Code.

Article 56.- Defense counsels

1. Defense counsels may be:

a/ Lawyers;

b/ Lawful representatives of the persons in custody, the accused or defendants;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The following persons shall not be allowed to act as defense counsels:

a/ Persons who have conducted the procedure in such cases; are next of kin of persons who conducted or are conducting the procedure in such cases;

b/ Persons who participate in such cases in the capacity as witness, expert or interpreter.

3. One defense counsel may defend many persons in custody, accused or defendants in the same case provided that the rights and interests of such persons are not conflicting. Many defense counsels may defend one person held in custody, accused or defendant.

4. Within three days counting from the date of receiving the requests of the defense counsels enclosed with papers related to the defense, the investigating bodies, procuracies or courts must consider and grant them the defense counsel’s certificates so that they can perform the defense. If refusing to grant such certificates, they must state clearly the reasons therefor.

In case of keeping persons in custody, within 24 hours as from the time of receiving the requests of the defense counsels enclosed with the papers related to the defense, the investigating bodies must consider and grant them the defense counsel’s certificates so that they can perform the defense. If refusing to grant such certificates, they must state clearly the reasons therefor.

Article 57.- Selection and change of defense counsels

1. Defense counsels shall be selected by persons kept in custody, the accused, defendants or their lawful representatives.

2. In the following cases, if the accused, defendants or their lawful representatives do not seek the assistance of defense counsels, the investigating bodies, procuracies or courts must request bar associations to assign lawyers’ offices to appoint defense counsels for such persons or request the Vietnam Fatherland Front Committees or the Front’s member organizations to appoint defense counsels for their organizations’ members:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The accused or defendants being minors or persons with physical or mental defects.

In the cases specified at Point a and Point b, Clause 2 of this Article, the accused or defendants and their lawful representatives stall have the right to request the change of, or refuse to have, defense counsels.

3. The Vietnam Fatherland Front Committees and the Front’s member organizations shall have the right to appoint people’s advocates to defend the persons kept in custody, the accused or defendants who are their organizations’ members.

Article 58.- Rights and obligations of defense counsels

1. Defense counsels shall participate in the procedure from the initiation of criminal proceedings against the accused. In case of arresting persons under the provisions of Article 81 and Article 82 of this Code, defense counsels shall participate in the procedure from the time the custody decisions are issued. In case of necessity to keep secret the investigation of the crimes of infringing upon national security, the chairmen of procuracies shall decide to allow defense counsels to participate in the procedure from the time of termination of investigation.

2. Defense counsels shall have the following rights:

a/ To be present when testimonies are taken from the persons in custody, when the accused are interrogated, and, ask questions to the persons in custody or the accused if so consented by investigators; and to be present in other investigating activities; to read the minutes of the proceedings in which they have participated, and procedural decisions related to the persons whom they defend;

b/ To request investigating bodies to inform them in advance of the time and places of interrogating the accused so as to be present when the accused are interrogated;

c/ To request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with the provisions of this Code;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To present documents, objects as well as claims;

f/ To meet the persons kept in custody; to meet the accused or defendants being under temporary detention;

g/ To read, take notes of and copy records in the case files, which are related to their defense, after the termination of investigation according to law provisions;

i/ To participate in questioning and arguing at court sessions;

j/ To complain about procedural decisions and acts of the bodies and persons with procedure-conducting competence;

k/ To appeal against court judgments or decisions if the defendants are minors or persons with physical or mental defects as prescribed at Point b, Clause 2 of Article 57 of this Code.

3. Defense counsels shall have the following obligations:

a/ To apply every measure prescribed by law to clarify the details to prove the innocence of the persons in custody, the accused or defendants as well as circumstances to mitigate the penal liability of the accused or defendants.

Depending on each stage of the procedure, when collecting documents and/or objects related to the cases, defense counsels shall have to deliver them to investigating bodies, procuracies or courts. The delivery and receipt of such documents and objects between defense counsels and the procedure-conducting bodies must be recorded in a minutes according to Article 95 of this Code;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Not to refuse to defend the persons in custody, the accused or defendants whom they have undertaken to defend if they have no plausible reasons therefor.

d/ To respect truth and law; not to bribe, force or incite other persons to give false statements or supply untruthful documents;

e/ To appear in response to court subpoenas;

d/ Not to disclose investigation secrets they know while performing the defense; not to use notes taken and/or copied from the case files for the purpose of infringing upon the State’s interests; the legitimate rights and interests of agencies, organizations and individuals;

4. Defense counsels who act against laws shall, depending on the nature and seriousness of their violations, have their defense counsel’s certificates revoked, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability; if causing damage, they shall have to pay compensation therefor according to law provisions.

Article 59.- Defense counsels of interests of involved parties

1. Victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to criminal cases shall all have the right to ask lawyers, people’s advocates or other persons, who are accepted by investigating bodies, procuracies or courts, to protect their interests.

2. Defense counsels of the interests of the involved parties may participate in the procedure from the time when criminal proceedings are initiated against the accused.

3. Defense counsels of the interests of the involved parties shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ After the investigation completes, to read, take note of and copy documents in the case files, which are related to the protection of the interests of the involved parties according to law provisions;

c/ To participate in questioning and arguing at court sessions; to read the minutes of court sessions;

d/ To complain about procedural decisions and acts of the bodies and persons with procedure-conducting competence.

Defense counsels of the interests of victims, civil plaintiffs, civil defendants shall have the right to request the change of procedure-conducting persons, experts and/or interpreters in accordance with the provisions of this Code.

For involved parties being minors or persons with physical or mental defects, the defense counsels of their interests shall have the right to be present when the procedure-conducting bodies are taking statements from the persons whom they protect; to appeal parts of court judgments or decisions regarding the interests and obligations of the persons whom they protect.

4. The defense counsels of the interests of the involved parties shall have the following obligations:

a/ To apply all measures prescribed by law to contribute to clarifying the truths of the cases;

b/ To provide the involved parties with legal assistance in order to protect their legitimate rights and interests.

Article 60.- Experts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Experts shall have the following rights:

a/ To study documents of the cases, which are related to the to be-expertized objects;

b/ To request the expertise-soliciting bodies to supply documents necessary for the conclusion;

c/ To join the interrogation, taking of statements and to ask questions about matters related to the to be-expertized objects;

d/ To refuse to expertise in cases if they are not given enough time for the expertise; are supplied with documents which are inadequate or invalid for making conclusions; or the contents asked to be expertised are beyond their expert knowledge;

e/ To write their own conclusions in the written general conclusions if disagreeing with the general conclusions in cases where the expertise has been conducted by a group of experts.

3. Experts must appear in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts; they must not disclose investigation secrets which they know while participating in the procedure in the capacity as expert.

Experts who refuse to make expertise conclusions without plausible reasons shall bear penal liability under Article 308 of the Penal Code. If making false conclusions, they shall bear penal liability under Article 307 of the Penal Code.

4. Experts must refuse to participate in the criminal procedure or be changed if:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ They have conducted the procedure in the capacity as head, deputy head of the investigating body, investigator, chairman or vice-chairman of the procuracy, procurator, president or vice-president of the court, judge, juror or court clerk, or have participated in the capacity as defense counsel, witness or interpreter in such cases.

The change of experts shall be decided by the expertise-soliciting agencies.

Article 61.- Interpreters

1. Interpreters shall be required by investigating bodies, procuracies or courts in cases where the procedures are participated by persons who cannot use Vietnamese.

2. Interpreters must appear in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts and must interpret truthfully, must not disclose investigation secrets; if they interpret falsely, the interpreters shall bear penal liability according to Article 307 of the Penal Code.

3. Interpreters must refuse to participate in the procedure or be changed if:

a/ They fall into one of the cases defined in Clause 1 and Clause 3, Article 42 of this Code;

b/ They have conducted the procedure in the capacity as head, deputy head of the investigating body, investigator, chairman or vice-chairman of the procuracy, procurator, president or vice-president of the court, judge, juror or court clerk, or have participated in the capacity as defense counsel, witness or expert in such cases.

The change of interpreters shall be decided by the requesting agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 62.- Responsibility to explain and guarantee the exercise of the rights and the performance of obligations of participants in the procedure

The procedure-conducing bodies and persons shall have to explain and guarantee the exercise of the rights and the performance of obligations of participants in the procedure in accordance with of this Code. The explanation must be recorded in a minutes.

Chapter V: EVIDENCES

Article 63.- Matters to be proved in criminal cases

When investigating, prosecuting and adjudicating criminal cases, the investigating bodies, procuracies and courts must prove:

1. Whether or not criminal acts have occurred, time, places and other circumstances of the criminal acts;

2. Who have committed the criminal acts; being at fault or not, intentionally or unintentionally, whether or not they have the penal liability capacity; purposes and motives of the commission of such crimes;

3. Circumstances aggravating and circumstances extenuating the penal liability of the accused or defendants, and personal details of the accused or defendants;

4. The nature and extent of damage caused by the criminal acts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Evidences are facts which are collected in the order and procedure prescribed by this Code, which are used by the investigating bodies, procuracies and courts as grounds to determine whether or not criminal acts have been committed, persons committing such acts as well as other circumstances necessary for the proper settlement of the cases.

2. Evidences are determined by:

a/ Exhibits;

b/ Testimonies of witnesses, victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases, the arrestees, persons kept in custody, the accused or defendants;

c/ Expertise conclusions;

d/ Minutes of investigating and adjudicating activities, and other documents and things.

Article 65.- Collection of evidences

1. In order to collect evidences, the investigating bodies, procuracies and courts may summon persons who know about the cases to ask and listen to their statements on the matters pertaining to the cases, solicit expertise, conduct searches, examinations and other investigating activities according to the provisions of this Code; request agencies, organizations and individuals to supply documents, objects and relate circumstances to clarify the cases.

2. Participants in the procedure, agencies, organizations or any individuals may all present documents, as well as matters related to the cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Each evidence must be evaluated in order to determine its legality, authenticity and relevance to the cases. The collected evidences must be sufficient for the successful settlement of criminal cases.

2. Investigators, procurators, judges and jurors shall identify and evaluate all evidences with a full sense of responsibility after studying generally, objectively, comprehensively and fully all circumstances of the cases.

Article 67.- Statements of witnesses

1. Witnesses shall present what they know about the cases, personal details of the arrestees, persons in custody, the accused or defendants, victims, their relationships with the arrestees, persons in custody, the accused or defendants, and/or victims, with other witnesses, and answer questions put to them.

2. Circumstances presented by witnesses must not be used as evidences if the witnesses cannot say clearly why they have known such circumstances.

Article 68.- Statements of victims

1. Victims shall present circumstances of the cases, their relationships with the arrestees, persons in custody, the accused or defendants, and answer questions that are raised.

2. Circumstances presented by victims must not be used as evidences if they cannot say clearly why they have known such circumstances.

Article 69.- Statements of civil plaintiffs, civil defendants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Circumstances presented by civil plaintiffs or civil defendants must not be used as evidences if they cannot say clearly why they have known such circumstances.

Article 70.- Statements of persons with interests and obligations related to criminal cases

1. Persons with interests and obligations related to criminal cases shall present circumstances directly related to their interests and obligations.

2. Circumstances presented by persons with interests and obligations related to criminal cases must not be used as evidences if they cannot say clearly why they have known such circumstances.

Article 71.- Statements of arrestees, persons in custody

Arrestees, persons in custody shall present circumstances related to their being suspected of having committed criminal acts.

Article 72.- Statements of the accused or defendants

1. The accused or defendants shall present circumstances of the cases.

2. Confessions of the accused or defendants shall only be regarded as evidences if they are consistent with other evidences of the cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 73.- Expertise conclusions

1. Experts shall conclude on the matters required to be expertised and bear personal responsibility for their conclusions.

Expertise conclusions must be expressed in writing.

If the expertise has been conducted by a group of experts, all the group members shall sign the written general conclusions. In cases where their opinions are divergent, each person shall write his/her own conclusion therein.

2. In cases where the procedure-conducting bodies disagree with the expertise conclusions, they must clearly state the reasons, if such conclusions are unclear or incomplete, the procedure-conducting bodies shall decide to solicit additional expertise or re-expertise according to general procedures.

Article 74.- Exhibits

Exhibits are articles which have been used as tools or means for the commission of crimes; items carrying traces of crimes, things being the targets of crimes, as well as money and other things which can be used to prove the crimes and criminals.

Article 75.- Collection and preservation of exhibits

1. Exhibits should be collected in time, fully and described according to their actual conditions in the minutes and inserted in the case files.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Exhibits must be preserved intact, not letting them be lost, confused or damaged. The sealing and preservation of exhibits shall be as follows:

a/ Exhibits required to be sealed up must be sealed up immediately after being collected. The sealing and unsealing must comply with law provisions and recorded in a minutes to be inserted in the case file;

b/ Exhibits being money, gold, silver, precious metals, gems, antiques, explosives, inflammables, toxins or radioactive substances must be expertized immediately after being collected and delivered to banks or other specialized agencies for preservation;

c/ Exhibits which cannot be taken to the offices of the procedure-conducting bodies for preservation shall be handed over by the procedure-conducting bodies to the owners or lawful managers of objects or properties, their relatives or local administrations, agencies or organizations where the exhibits exist for preservation.

d/ For exhibits being easy-to-deteriorate or difficult-to-preserve goods, if they do not fall into the case prescribed in Clause 3, Article 76 of this Code, competent bodies defined in Clause 1, Article 76 of this Code shall, within the scope of their powers, decide to sell them according to law and remit the proceeds therefrom into their custody accounts at State treasuries for management;

e/ For exhibits brought to the offices of the procedure-conducting bodies for preservation, the police agencies shall have to preserve them at the investigating and prosecuting stages; the judgment-executing agencies shall have to preserve them at the adjudicating and judgment-executing stages.

3. If the persons responsible for preserving exhibits of criminal cases let them lost or damaged, break the seals, consume, transfer, fraudulently swap, conceal or destroy them, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability according to Article 310 of the Penal Code; if they add, appropriate, modify, fraudulently swap, destroy or damage exhibits of criminal cases in order to distort the case files, they shall bear penal liability according to Article 300 of the Penal Code; if causing damage, they shall have to pay compensation therefor according to law provisions.

Article 76.- Handling of exhibits

1. The handling of exhibits shall be decided by investigating bodies if the criminal cases are ceased at the investigating stage; by the procuracies if the cases are ceased at the prosecuting stage; or by courts or trial panels at the adjudicating stage. The execution of decisions on handling exhibits must be recorded in minutes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Exhibits being tools and means used for the commission of crimes, or articles banned from circulation shall be confiscated and forfeited into the State fund or be destroyed.

b/ Exhibits being items, money owned by the State, organizations or individuals but appropriated by offenders or used as tools and means for the commission of crimes shall be returned to their owners or lawful managers; in cases where their owners or lawful managers are unidentifiable, they shall be forfeited into the State fund;

c/ Exhibits being money or property acquired from the commission of crimes shall be confiscated and forfeited into the State fund;

d/ Exhibits being easy-to-deteriorate or difficult-to-preserve goods may be sold according to law;

e/ Exhibits of no value or no use shall be confiscated and destroyed.

3. In the course of investigation, prosecution or adjudication, competent bodies defined in Clause 1 of this Article shall have the right to decide to return the exhibits stated at Point b, Clause 2 of this Article to their owners or lawful managers if they deem that such will not affect the handling of the cases.

4. Disputes over the right to own exhibits shall be settled according to civil procedures.

Article 77.- Minutes of investigating and adjudicating activities

The circumstances recorded in the minutes of arrests, searches, scene examinations, autopsies, confrontations, identification and investigation experiments, in the minutes of court sessions and the minutes of other proceedings conducted in accordance with this Code may be regarded as evidences.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The circumstances related to criminal cases, which are recorded in documents as well as objects supplied by agencies, organizations and individuals may be regarded as evidences.

Where these documents and objects show signs specified in Article 74 of this Code, they shall be regarded as exhibits.

Chapter VI: DETERRENT MEASURES

Article 79.- Grounds for application of deterrent measures

In order to stave off crimes in time or when there are grounds proving that the accused or defendants would cause difficulties to the investigation, prosecution or adjudication, or they would continue committing offenses, as well as when it is necessary to secure the judgment execution, the investigating bodies, procuracies or courts, within the scope of their procedural jurisdiction, or competent persons defined by this Code may apply one of the following deterrent measures: arrest, custody, temporary detention, ban from travel outside one’s residence, guaranty, deposit of money or valuable property as bail.

Article 80.- Arresting the accused or defendants for temporary detention

1. The following persons shall have the right to order the arrest of the accused or defendants for temporary detention:

a/ Chairmen and vice- chairmen of people’s procuracies and military procuracies at all levels;

b/ Presidents, vice-presidents of people’s courts and military courts at all levels;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Heads, deputy heads of investigating bodies at all levels. In this case, arrest warrants must be approved by the procuracies of the same level before they are executed.

2. An arrest warrant must be clearly inscribed with the date, full name and post of the warrant issuers, the full name, address of the arrestee and the reason for the arrest. Arrest warrants must be signed by the issuers and stamped.

The executors of arrest warrants must read the warrants, explain the warrants, rights and obligations of the arrestees, and make minutes of the arrests.

When arresting persons at their residences, representatives of the commune, ward or township administrations and the neighbors of the arrestees must be present as witnesses. When arresting persons at their working places, representatives of the agencies or organizations where such persons work must be present as witnesses. When arresting persons at other places, representatives of the commune, ward or township administrations of the places where the arrests are made must be present as witnesses.

3. It is forbidden to arrest persons at night, except for cases of urgent arrest, arrest of offenders red-handed or arrest of wanted persons as prescribed in Article 81 and Article 82 of this Code.

Article 81.- Arresting persons in urgent cases

1. In the following cases, urgent arrests can be made:

a/ When there exist grounds to believe that such persons are preparing to commit very serious or exceptionally serious offenses;

b/ When victims or persons present at the scenes where the offenses occurred saw with their own eyes and confirmed that such persons are the very ones who committed the offenses and it is deemed necessary to immediately prevent such persons from escaping;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The following persons shall have the right to order the arrest of persons in urgent cases:

a/ Heads, deputy heads of investigating bodies at all levels;

b/ Commanders of independent military units of the regiment or equivalent level; commanders of border posts in islands or border areas;

c/ Commanders of aircraft, sea-going ships which have left airports or seaports.

3. The contents of arrest warrants in urgent cases and the execution thereof must comply with the provisions of Clause 2, Article 80 of this Code.

4. In all cases, the urgent arrests must be immediately notified in writing to the procuracies of the same level, enclosed with documents related to the urgent arrests, for consideration and approval.

The procuracies must closely supervise the grounds for urgent arrest prescribed in this Article. In case of necessity, the procuracies must meet and question the arrestees in person before considering and deciding to approve or not to approve the arrests.

Within 12 hours after receiving the requests for approval of, and documents related to, the urgent arrests, the procuracies must issue decisions to approve or not to approve such arrests. If the procuracies decide not to approve the arrests, the issuers of arrest warrants must immediately release the arrestees.

Article 82.- Arresting offenders red-handed or wanted offenders

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When arresting offenders red-handed or wanted persons, any persons shall have the right to deprive the arrestees of their weapons and/or dangerous tools.

Article 83.- Actions to be taken promptly after arresting persons or receiving arrestees

1. Immediately after arresting persons in urgent cases or offenders red-handed or receiving such arrestees, the investigating bodies must take their statements and must, within 24 hours, issue decisions to keep the arrestee in custody or release them.

2. For arrestees being wanted persons, after taking their statements, the investigating bodies that have received them must immediately notify such to the bodies which have issued the pursuit decisions for coming to receive the arrestees.

After receiving the arrestees, the bodies which have issued the pursuit decisions must immediately issue decisions to cease the pursuit. In cases where the investigating bodies which have received the arrestees deem that the bodies which have issued the pursuit decisions cannot immediately come to receive the arrestees, they shall, after taking their statements, immediately issue custody decisions and at the same time immediately notify such to the agencies which have issued the pursuit decisions.

After receiving the notices, the agencies which have issued the pursuit decisions and have jurisdiction to arrest persons for temporary detention must immediately issue temporary detention warrants and send them, after being approved by the procuracies of the same level, to the investigating bodies which have received the arrestees. After receiving the temporary detention warrants, the investigating bodies which have received the arrestees shall have to escort such persons to the nearest temporary detention centers.

Article 84.- Arrest minutes

1. The persons executing arrest warrants must make minutes in all cases.

A minutes must clearly state the date, hour and place of arrest, minute-making place; actions already taken, the developments when the arrest warrant is being executed, objects and documents seized and complaints of the arrestee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The seizure of articles and documents of the arrestees must comply with the provisions of this Code.

2. When delivering and receiving the arrestees, the delivering and receiving parties must make the minutes thereof.

Apart from the points stated in Clause 1 of this Article, the delivery and receipt minutes must clearly state the handing of the minutes of the statements, objects and documents already collected, the health conditions of the arrestees and all happenings at the time of the delivery and receipt.

Article 85.- Notices on arrests

The arrest warrant issuers and the arrestee-receiving investigating bodies must immediately notify the arrests to the arrestees’ families, the administrations of the communes, wards or townships where the arrestees reside or the agencies or organizations where they work. If such notification can impede the investigation, after the impediment no longer exists, the arrest warrant issuers or the arrestee-receiving investigating bodies must immediately effect such notification.

Article 86.- Custody

1. Custody may apply to persons arrested in urgent cases, offenders caught red-handed, offenders who confessed or surrendered themselves or persons arrested under pursuit warrants.

2. The persons with the right to issue urgent arrest warrants, who are defined in Clause 2, Article 81 of this Code, and regional coast guard commanders shall have the right to issue custody decisions.

The executors of custody decisions must explain to the persons kept in custody their rights and obligations defined in Article 48 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Custody decisions must clearly state the custody reasons and the custody expiry dates, and one copy must be handed to the persons kept in custody.

Article 87.- Custody time limits

1. The custody time limit must not exceed three days, counting from the time the investigating bodies receive the arrestees.

2. In case of necessity, the custody decision issuers may extend the custody time limit but for no more than three days. In special cases, the custody decision issuers may extend the custody time limit for the second time but for no more than three days. All cases of extension of the custody time limit must be approved by the procuracies of the same level; within 12 hours after receiving the extension requests and documents related to the custody time limit extension, the procuracies must issue decisions to approve or disapprove such requests.

3. In the custody period, if there are insufficient grounds to initiate criminal proceedings against the accused, the persons kept in custody must be released immediately.

4. The custody duration shall be subtracted from the temporary detention duration. A custody day shall be counted as one temporary detention day.

Article 88.- Temporary detention

1. Temporary detention may apply to the accused or defendants in the following cases:

a/ The accused or defendants have committed especially serious offenses or very serious offenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The accused or defendants being women who are pregnant or nursing children aged under thirty six months, being old and feeble people, or suffering from serious diseases and having clear residences shall not be detained but be applied other deterrent measures, except for the following cases:

a/ The accused or defendants who escaped but then were arrested under pursuit warrants;

b/ The accused or defendants who were subject to other deterrent measures but then continue committing offenses or intentionally seriously obstruct the investigation, prosecution or adjudication;

c/ The accused or defendants who committed offenses of infringing upon national security and there are sufficient grounds to believe that if they are not detained, they shall be detrimental to national security.

3. The persons with competence to issue arrest warrants, who are defined in Article 80 of this Code, shall have the right to issue temporary detention warrants. Temporary detention warrants issued by the persons defined at Point d, Clause 1, Article 80 of this Code must be approved by the procuracies of the same level before being executed. Within three days after receiving the temporary detention warrants, requests for consideration and approval, files and documents related to the temporary detention, the procuracies must issue decisions to approve or disapprove the temporary detention. The procuracies must return the files to the investigating bodies immediately after finishing the consideration and approval.

4. The bodies which have issued the temporary detention warrants must examine the detainees’ identity cards and immediately notify such to their families and the administrations of the communes, wards or townships where such persons reside or agencies or organizations where they work.

Article 89.- Regime of custody and temporary detention

The regime of custody and temporary detention is different from the regime applicable to persons serving imprisonment penalties.

The temporary detention and custody places, the regimes of daily life, receipt of gifts, contact with families and other regimes shall comply with the regulations of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When the persons in custody or temporary detention have children aged under 14 years or relatives being disabled, old and feeble without anyone to look after, the bodies which have issued the custody decisions or temporary detention warrants shall assign such persons to their relatives for care. Where the persons in custody or temporary detention have no relatives, the bodies which have issued the custody decisions or temporary detention warrants shall assign such persons to the administrations of the places where they live for care.

2. In cases where the persons in custody or temporary detention have houses or other properties guarded or preserved by nobody, the bodies which have issued the custody decisions or temporary detention warrants shall apply appropriate guard or preservation measures.

3. The bodies which have issued the custody decisions or temporary detention warrants shall notify the persons in custody or temporary detention of the applied measures.

Article 91.- Ban from travel outside one’s residence place

1. Ban from travel outside one’s residence place is a measure applicable to the accused or defendants with clear residence places in order to ensure their appearance in response to the summonses of investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts.

2. The persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code, judges assigned to preside over court sessions shall have the right to order the ban from travel outside one’s residence place.

The accused or defendants must make written pledges not to travel outside their residence places, to appear on time and at the place stated in the summonses.

The persons who have ordered the ban from travel outside one’s residence place must notify the application of this measure to the administrations of the communes, wards or townships where the accused or defendants reside and assign the accused or defendants to the commune, ward or township administrations for management and supervision. Where the accused or defendants have plausible reasons to temporarily travel outside their residence places, they must obtain the consent of the administrations of the communes, wards or townships where they reside as well as permits of the bodies which have applied such deterrent measure.

3. The accused or defendants who violate the orders on ban from travel outside their residence places shall be subject to the application of other deterrent measures .

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Guarantee is a deterrent measure to replace the temporary detention measure. Depending on the criminal acts’ nature and extent of danger to the society and the personal details of the accused or defendants, the investigating bodies, procuracies or courts may decide to let them be guaranteed.

2. Individuals who may stand guarantee for the accused or defendants are their relatives. For this case at least two persons are required. Organizations may stand guarantee for the accused or defendants being their members. When standing guarantee, individuals or organizations must make written pledges not to let the accused or defendants continue committing offenses and ensure their appearance in response to the summonses of the investigating bodies, procuracies or subpoenas of courts. When making such written pledges, the guaranteeing individuals or organizations shall be informed of the circumstances of the cases related to their guarantee.

3. The persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code, judges assigned to preside over court sessions shall have the right to issue decisions on the guarantee.

4. Individuals standing guarantee for the accused or defendants must have good conduct and qualities, and have strictly observed law. The guarantee must be certified by the local administrations of the places where the guaranteeing persons reside or the agencies or organizations where they work. For organizations standing guarantee, the certification of their heads shall be required .

5. If guaranteeing individuals or organizations violate the pledged obligations, they must bear responsibility for such pledged obligations and in this case the guaranteed accused or defendants shall be subject to the application of other deterrent measures .

Article 93.- Depositing money or valuable property as bail

1. Depositing money or valuable property as bail is a deterrent measure to replace the temporary detention measure. Depending on the criminal acts’ nature and extent of danger to the society, personal details and property status of the accused or defendants, the investigating bodies, procuracies or courts may decide to allow them to deposit money or valuable property as security for their appearance in response to summonses.

2. The persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code, judges assigned to preside over court sessions shall have the right to issue decisions on the deposit of money or property as bail. Decisions of the persons defined at Point d, Clause 1, Article 80 of this Code must be approved by the procuracies of the same level before being executed.

3. The bodies which have issued decisions on depositing money or valuable property as bail must make the minutes clearly stating the sum of money, names and conditions of property deposited, and hand one copy of the minutes to the accused or defendants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Where the accused or defendants have fulfilled all pledged obligations, the procedure-conducting bodies shall have to return to them the deposited money sum or property.

5. The order, procedures, the money amounts or value of property required to be deposited as bail, the custody, return or non-return of the deposited money sums or property put as bail shall comply with law provisions.

Article 94.- Cancellation or replacement of deterrent measures

1. When the cases are ceased, all applied deterrent measures shall be canceled.

2. Investigating bodies, procuracies and courts shall cancel deterrent measures when they are deemed no longer needed or may be replaced by another one.

For deterrent measures which have been approved by the procuracies, the cancellation or replacement thereof must be decided by the procuracies.

Chapter VII: MINUTES, TIME LIMITS, LEGAL COSTS

Article 95.- Minutes

1. When carrying out proceedings, it is compulsory to make minutes thereon according to set forms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Minutes of court sessions must be signed by the presiding judges and court clerks. Minutes of other proceedings must be signed by the persons prescribed by this Code for each specific case. Any corrections made in minutes must be also confirmed by the signatures of such persons.

Article 96.- Calculation of time limits

1. Time limits prescribed by this Code shall be counted in hours, days and months. Night time shall be counted from 22:00 hrs to 6:00 hrs of the following day.

When a time limit is counted in days, it shall expire at 24:00 hrs of its last day. When a time limit is counted in months, it shall expire on the same date of the subsequent month; if that month has no same date, the time limit shall expire on the last day of that month; if a time limit expires on a holiday, the first following working day shall be counted as the last day of that time limit.

When calculating a custody or temporary detention time limit, the expiry date of that time limit shall be inscribed in the order. If a time limit is counted in months, a month shall consist of thirty days.

2. Where applications or papers are sent by post, the time limit shall be counted according to the postmarks of the sending places. If applications or papers are sent through the superintendence boards of the temporary detention centers or prisons, the time limit shall be counted from the date the superintendence boards of the temporary detention centers or prisons receive such applications or papers.

Article 97.- Restoration of time limits

For expired time limits, if plausible reasons do exist, the procedure-conducting bodies must restore such time limits.

Article 98.- Legal costs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 99.- Responsibility to incur legal costs

1. Legal costs shall be incurred by the convicts or by the State according to law provisions.

2. The convicts must pay legal costs under court decisions.

3. Where a case is instituted at the request of the victim, if the defendant is pronounced not guilty by the court or the case is ceased under the provisions of Clause 2, Article 105 of this Code, the victim shall have to pay legal costs.

Part Two

INSTITUTION, INVESTIGATION OF CRIMINAL CASES AND DECISION ON PROSECUTION

Chapter VIII: INSTITUTION OF CRIMINAL CASES

Article 100.- Grounds for instituting criminal cases

Criminal cases shall be instituted only when criminal signs have been identified. The identification of criminal signs shall be based on the following grounds:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Information reported by agencies or organizations;

3. Information reported on the mass media;

4. Criminal signs directly detected by investigating bodies, procuracies, courts, border guard, customs, ranger, coast guard forces and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities;

5. Confession by offenders.

Article 101.- Denunciations and information on offenses

Citizens may denounce offenses to investigating bodies, procuracies, courts or other bodies, organizations. If a denunciation is made orally, the receiving agency or organization must make a minutes thereof with the signature of the denouncer.

Agencies, organizations, when detecting or receiving denunciations of citizens, must promptly report such information in writing to the investigating bodies.

Article 102.- Confession by offenders

When offenders come to give confessions, the receiving agencies or organizations must make minutes thereof, clearly inscribing the full names, ages, occupations, residences and statements of the confessors. They shall have to immediately inform the investigating bodies or procuracies thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Investigating bodies and procuracies shall have the responsibility to receive all offense denunciations and information from individuals, agencies and organizations as well as criminal case institution proposals transferred by State agencies. Procuracies shall have the responsibility to immediately transfer offense denunciations and information and criminal case institution proposals enclosed with relevant documents they have received to competent investigating bodies.

2. Within twenty days after receiving offense denunciations, information, and/or criminal case institution proposals, the investigating bodies must, within the scope of their responsibilities, examine and verify the information sources and decide to institute or not to institute criminal cases.

In cases where the denounced events, offense information or criminal case institution proposals involve many complicated circumstances or where the examination and verification thereof must be conducted at many different places, the time limit for settling denunciations and information may be longer, but must not exceed two months.

3. The results of settlement of offense denunciations or information or criminal case institution proposals of State bodies must be sent to the procuracies of the same level and be notified to the reporting agencies, organizations or the offense denouncers.

The investigating bodies must apply necessary measures to protect the offense denouncers.

4. The procuracies shall have to supervise the settlement by the investigating bodies of offence denunciations and information or criminal case institution proposals.

Article 104.- Decisions to institute criminal cases

1, When determining that criminal signs have existed, the investigating bodies must issue decisions to institute criminal cases. The heads of border guard units, customs or ranger offices, the coast guard force and the heads of other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, shall issue decisions to institute criminal cases in the cases specified in Article 111 of this Code.

The procuracies shall issue decisions to institute criminal cases in cases where they cancel decisions not to institute criminal cases, which have been issued by the bodies stated in this Clause, and in cases where the trial panels request to institute the criminal cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Decisions to institute criminal cases must clearly state the time and grounds for institution, the applicable articles of the Penal Code, and the full names and positions of the decision issuers.

3. Within 24 hours after issuing decisions to institute criminal cases, the procuracies must send such decisions to the investigating bodies for investigation; institution decisions enclosed with documents related to the institution of criminal cases, which have been issued by the investigating bodies, border guard, customs and ranger, coast guard force, or other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, must be sent to the procuracies for procuration of the institution; institution decisions of the trial panels must be sent to the procuracies for consideration and decision on the investigation; institution requests of the trial panels shall be sent to the procuracies for consideration and decision on the institution.

Article 105.- Institution of criminal cases at victims’ requests

1. The cases involving the offenses prescribed in Clauses 1 of Articles 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 and 171 of the Penal Code shall only be instituted at the requests of victims or lawful representatives of victims who are minors or persons with physical or mental defects.

2. In cases where the criminal case institution requesters withdraws their requests before the opening of court sessions of first-instance trial, the cases must be ceased.

Where exist grounds to determine that the institution requesters have withdrawn their requests against their own will due to force or coercion, the investigating bodies, procuracies or courts may, though such institution requesters have withdrawn their requests, still continue conducting the procedure for the cases.

Victims who have withdrawn their criminal case institution requests shall have no right to file their requests again, except for cases where their withdrawal is due to force or coercion.

Article 106.- Change or supplementation of decisions to institute criminal cases

1. When they have grounds to determine that the instituted criminal cases are not true to the committed criminal acts or there remain other offences, the investigating bodies or procuracies shall issue decisions to change or supplement the decisions to institute the criminal cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Where the procuracies decide to change or supplement the decisions to institute criminal cases, within 24 hours after issuing such decisions, the procuracies must send them to the investigating bodies for investigation.

Article 107.- Grounds for not instituting criminal cases

Criminal cases shall not be instituted when one of the following grounds exists:

1. There is no offence;

2. The committed acts do not constitute an offence;

3. The persons committing acts dangerous to the society have not yet reached the age to bear penal liability;

4. The persons committing criminal acts have got the legally valid judgments or decisions to cease their cases.

5. The statute of limitations for penal liability examination has expired;

6. The offenses have been granted general amnesty;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 108.- Decisions not to institute criminal cases

1. When there exists one of the grounds prescribed in Article 107 of this Code, the persons with competence to institute criminal cases shall issue decisions not to institute criminal cases; if they have instituted criminal cases, they must issue decisions to cancel such institution decisions and notify the offense-denouncing or reporting agencies, organizations or individuals of the reasons therefor; if deeming it necessary to handle the cases by other measures, they shall send the files thereof to the concerned agencies or organizations for settlement.

Within 24 hours after their issuance, decisions not to institute criminal cases, decisions to cancel decisions to institute criminal cases and related documents must be sent to the procuracies of the same level.

2. The agencies, organizations or individuals that have denounced or reported on the offenses shall have the right to complain about the decisions not to institute criminal cases. The competence and procedures for settling such complaints shall comply with the provisions of Chapter XXXV: OF THIS CODE.

Article 109.- Powers and responsibilities of procuracies in instituting criminal cases

1. The procuracies shall exercise the right to prosecute and supervise the law observance in the institution of criminal cases, ensuring that criminal cases be instituted for all detected offenses and the institution of criminal cases be grounded and lawful.

2. In cases where the decisions to institute criminal cases, which are issued by investigating bodies, border guard, customs, ranger, the coast guard force, or other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, are ungrounded, the procuracies shall issue decisions to cancel such decisions; if the decisions not to institute criminal cases, which are issued by such agencies, are ungrounded, the procuracies shall cancel them and issue decisions to institute criminal cases.

3. Where the decisions to institute criminal cases, which are issued by the trial panels, are ungrounded, the procuracies shall file protests against them with the superior courts.

Chapter IX: GENERAL PROVISIONS ON INVESTIGATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Investigating bodies of the People’s Police shall investigate all kinds of offenses, excluding ones falling under the investigating competence of the investigating bodies in the People’s Army or the investigating body of the Supreme People’s Procuracy.

2. Investigating bodies of the People’s Army shall investigate offenses falling under the adjudicating competence of military courts.

3. The investigating body of the Supreme People’s Procuracy shall investigate some kinds of offenses of infringing upon judicial activities, which are committed by officials of judicial bodies.

4. Investigating bodies shall have competence to investigate criminal cases of offenses occurring in their respective geographical areas. Where the places where the offenses were committed are unknown, the investigation thereof shall fall under the competence of the investigating bodies of the places where the offenses were detected or where the accused reside or are arrested.

The district-level investigating bodies, regional military investigating bodies shall investigate criminal cases of offenses falling under the adjudicating competence of the district-level people’s courts or regional military courts; the provincial-level and military zone-level military investigating bodies shall investigate criminal cases of offenses falling under the adjudicating competence of the provincial-level people’s courts or military zone-level military courts or cases falling under the investigating competence of the subordinate investigating bodies, which they deem it necessary to directly investigate. The central investigating body shall investigate criminal cases of especially serious and complicated offenses falling under the investigating competence of the provincial-level investigating bodies or military zone-level military investigating bodies, which they deem it necessary to directly investigate such cases.

5. The apparatus organization and specific competence of investigating bodies shall be provided for by the National Assembly Standing Committee.

Article 111.- Investigating powers of the border guard, customs, ranger, the coast guard forces and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities

1. When detecting criminal acts for which penal liability must be examined in their respective management domains, the border guard, customs, ranger and the coast guard forces shall have the competence:

a/ For less serious offenses committed by offenders who are caught red-handed , evidences and the offenders’ personal details are clear, to issue decisions to institute criminal cases and initiate criminal proceedings against the accused, conduct investigation and transfer the case files to the competent procuracies within twenty days after the date of issuing the decisions to institute criminal cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In the People’s Police and the People’s Army, apart from the investigating bodies prescribed in Article 110 of this Code, if other agencies assigned to conduct a number of investigating activities detect cases showing criminal signs while performing their tasks, they shall have the right to institute criminal cases, conduct initial investigating activities and transfer the case files to competent investigating bodies within seven days after issuing the decisions to institute criminal cases.

3. When conducting investigating activities, the border guard, customs, ranger, the coast guard force, and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, must, within the scope of their respective procedural competence, comply with the procedural principles, order and proceedings for investigating activities as prescribed by this Code. The procuracies shall have to supervise the law observance by these agencies in their investigating activities.

4. The specific tasks and powers of the border guard, customs, ranger, the coast guard force, and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, in investigating activities shall be prescribed by the National Assembly Standing Committee.

Article 112.- Tasks and powers of procuracies in exercising the right to prosecute at the investigating stage

When exercising the right to prosecute at the investigating stage, the procuracies shall have the following tasks and powers:

1. To institute criminal cases, to initiate criminal proceedings against the accused; to request the investigating bodies to institute criminal cases or change the decisions to institute criminal cases or initiate criminal proceedings against the accused in accordance with this Code;

2. To set investigation requirements and request the investigating bodies to conduct investigation; when deeming it necessary, to directly conduct a number of investigating activities under the provisions of this Code;

3. To request the heads of investigating bodies to change investigators under the provisions of this Code; if the investigators’ acts show criminal signs, to institute criminal cases against such investigators;

4. To decide to apply, change or cancel arrest, custody, temporary detention and other deterrent measures; to decide to approve or disapprove the decisions of investigating bodies under the provisions of this Code. In case of disapproval, the disapproval decision must clearly state the reasons therefor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To decide to prosecute the accused; to decide to cease or suspend criminal cases.

Article 113.- Tasks and powers of procuracies in supervising investigation

In performing the work of supervising the investigation, the procuracies shall have the following tasks and powers:

1. To supervise the institution of criminal cases, supervise investigating activities and the compilation of case files by investigating bodies;

2. To supervise the law observance by participants in the proceeding;

3. To settle disputes over the investigating competence;

4. To request the investigating bodies to remedy law violations in their investigating activities; to request investigating bodies to supply necessary documents on the law violations committed by investigators; to request the heads of investigating bodies to strictly handle the investigators who have committed law violations while conducting investigation;

5. To propose concerned agencies and organizations to apply measures to preclude offenses and law violations.

Article 114.- Responsibilities of investigating bodies in complying with requests and decisions of procuracies

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 115.- Responsibilities to comply with decisions and requests of investigating bodies and procuracies

Decisions and requests of investigating bodies and procuracies at the stage of investigating criminal cases must be strictly complied with by agencies, organizations and citizens.

Article 116.- Transfer of cases for investigation according to competence

Where cases do not fall under their investigating competence, the investigating bodies shall propose the procuracies of the same level to issue decisions to transfer the cases to the competent investigating bodies for further investigation; within three days after receiving such proposals of the investigating bodies, the procuracies of the same level shall have to issue decisions to transfer the cases.

The transfer of cases outside the territories of provinces or centrally run cities or military zones shall be decided by the provincial-level procuracies or military zone-level military procuracies.

Article 117.- Joinder or separation of criminal cases for investigation

1. Investigating bodies may join in the same case for investigation several offenses committed by a person, several persons together committing an offense or offenders and other persons harboring or not denouncing the offenses as prescribed in Article 313 and Article 314 of the Penal Code.

2. Investigating bodies may only separate cases in case of extreme necessity when the investigation of all offenses cannot be completed early, provided that such separation would not affect the determination of the objective and comprehensive truths of the cases.

3. Decisions to join or separate criminal cases must be sent to the procuracies of the same level within 24 hours after their issuance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case of necessity, investigating bodies may entrust other investigating bodies to conduct a number of investigating activities. Investigation entrustment decisions must clearly state the specific requirements. The entrusted investigating bodies shall have to perform fully the entrusted work within the time limits set by the entrusting investigating bodies.

Article 119.- Investigation time limits

1. The time limits for investigating criminal cases shall not exceed two months for less serious offenses, not exceed three months for serious offenses, not exceed four months for very serious offenses and especially serious offenses, counting from the time of institution of criminal cases to the time of termination of investigation.

2. In case of necessity to prolong investigation due to the complexity of the cases, at least ten days before the expiry of the investigation time limit, the investigating bodies must request in writing the procuracies to extend the investigation time limit.

The extension of investigation time limits is prescribed as follows:

a/ For less serious offenses, the investigation time limit may be extended once for no more than two months;

b/ For serious offenses, the investigation time limit may be extended twice, for no more than three months for the first time and no more than two months for the second time;

c/ For very serious offenses, the investigation time limit may be extended twice, for no more than four months each;

d/ For especially serious offenses, the investigation time limit may be extended three times, for no more than four months each.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For less serious offenses, the district-level people’s procuracies or regional Military Procuracies shall extend investigation time limits. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies shall extend investigation time limits;

b/ For serious offenses, the district-level people’s procuracies or regional military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone level military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time;

c/ For very serious offenses, the district-level people’s procuracies or regional military procuracies shall extend investigation time limits for the first time; the provincial-level people’s procuracies or the military zone-level military procuracies shall extend investigation time limits for the second time. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time.

d/ For especially serious offenses, the provincial-level people’s procuracies or military zone level military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time; the Supreme People’s Procuracy or the central Military Procuracy shall extend investigation time limits for the third time

4. Where the cases are received for investigation at the central level, the extension of investigation time limits shall fall under the competence of the Supreme People’s Procuracy or the central Military Procuracy.

5. For especially serious offenses for which the extended investigation time limit has expired but, due to the very complicated nature of the cases, the investigation cannot be completed, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may extend the investigation time limit once for no more than four months.

For the offenses of infringing upon national security, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall have the right to extend the investigation time limit once more for no more than four months.

6. Upon the expiry of the extended investigation time limit but it is impossible to prove the accused to have committed the offenses, the investigating bodies must issue decisions to cease the investigation.

Article 120.- Time limits of temporary detention for investigation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where the cases involving many complicated circumstances and it is deemed that the investigation should take a longer time and there exists no ground to change or cancel the temporary detention measure, at least ten days before the temporary detention time limit expires, the investigating bodies must send written requests to the procuracies to extend the such temporary detention time limit.

The extension of temporary detention time limits is prescribed as follows:

a/ For less serious offenses, the temporary detention time limit may be extended once for no more than one month;

b/ For serious offenses, the temporary detention time limit may be extended twice, for no more than two months for the first time and no more than one month for the second time;

c/ For very serious offenses, the temporary detention time limit may be extended twice, for no more than three months for the first time and no more than two months for the second time;

d/ For especially serious offenses, the temporary detention time limit may be extended three times, for no more than four months each.

3. The competence of procuracies to extend temporary detention time limits is prescribed as follows:

a/ The district-level people’s procuracies or regional military procuracies shall have the right to extend temporary detention time limits for less serious offenses, extend temporary detention time limits for the first time for serious offenses and very serious offenses. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies shall have the right to extend temporary detention time limits for less serious offenses, extend temporary detention time limits for the first time for serious offenses, very serious offenses and especially serious offenses.

b/ In cases where the first-time extended temporary detention time limits prescribed at Point a of this Clause have expired but the investigation cannot be completed and there emerges no ground to change or cancel the temporary detention measure, the district-level people’s procuracies or the regional military procuracies may extend the temporary detention time limits for the second time for serious offenses. The provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies may extend temporary detention time limits for the second time for serious offenses, very serious offenses or especially serious offenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. For especially serious offenses, in cases where the second-time extended temporary detention time limits prescribed at Point b, Clause 3 of this Article have expired and the cases involve many very complicated circumstances while there emerges no ground to change or cancel the temporary detention measure, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may extend the temporary detention time limits for the third time.

In case of necessity for offenses of infringing upon national security, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may extend the temporary detention time limits once more for no more than four months.

6. When keeping persons in temporary detention, if deeming it unnecessary to continue the temporary detention, the investigating bodies must propose in time the procuracies to cancel the temporary detention in order to release the detainees or shall, if deeming it necessary, apply other deterrent measures.

Upon the expiry of the temporary detention time limits, the temporary detention order issuers must release the detainees or shall, if deeming it necessary, apply other deterrent measures.

Article 121.- Time limits for investigation resumption, additional investigation and re-investigation

1. In case of investigation resumption prescribed in Article 165 of this Code, the time limit for further investigation shall not exceed two months for less serious offenses, serious offenses or very serious offenses, not exceed three months for especially serious offenses, counting from the time of issuance of the investigation resumption decisions to the time of termination of investigation.

Where it is necessary to extend investigation time limits due to the complicated nature of the cases, at least ten days before the investigation time limits expire, the investigating bodies must send written requests to the procuracies to extend the investigation time limits. The extension of investigation time limits is prescribed as follows:

a/ For serious offenses and very serious offenses, the investigation time limit may be extended once for no more than two months.

b/ For especially serious offenses, the investigation time limit may be extended once for no more than three months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where the cases are returned by the procuracies for additional investigation, the time limit for additional investigation shall not exceed two months; if the cases are returned by courts for additional investigation, the time limit for additional investigation shall not exceed one month. The procuracies or courts may only return the case files for additional investigation for no more than twice. The time limit for additional investigation shall be counted from the date the investigating bodies receive back the case files and investigation requests.

3. Where the cases are returned for re-investigation, the investigation time limit and the extension thereof shall comply with the general procedures prescribed in Article 119 of this Code.

The investigation time limit shall be counted from the time when the investigating bodies receive the files and re-investigation requests.

4. When resuming investigation, conducting additional investigation or re-investigation, the investigating bodies shall have the right to apply, change or cancel the deterrent measures under the provisions of this Code.

In cases where there exist grounds prescribed by this Code for temporary detention, the temporary detention time limit for investigation resumption or additional investigation must not exceed the time limit for investigation resumption or additional investigation prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

The temporary detention time limit and the extension thereof in the cases of re-investigation shall comply with general procedures prescribed in Article 120 of this Code.

Article 122.- Settlement of requests of participants in the procedure

When participants in the procedure make requests on matters related to the cases, the investigating bodies or procuracies shall, within the scope of their respective responsibilities, settle their requests and inform them of the settlement results. If rejecting such requests, the investigating bodies or procuracies must reply, clearly stating the reasons therefor.

If disagreeing with the settlement results of the investigating bodies or procuracies, participants in the procedure shall have the right to complain. Complaints and the settlement thereof shall comply with the provisions of Chapter XXXV of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Witnesses shall be invited to participate in investigating activities in the cases prescribed by this Code.

Witnesses shall have the duty to confirm the contents and results of the work performed by investigators in their presence and may present their personal opinions. These opinions shall be recorded in the minutes.

Article 124.- Non-disclosure of investigation secrets

In case of necessity to keep investigation secrets, investigators and procurators must notify in advance the participants in the procedure and witnesses not disclose investigation secrets. Such notification must be recorded in the minutes.

Investigators, procurators, participants in the procedure or witnesses who disclose investigation secrets shall, on a case-by-case basis, bear penal liability under Articles 263, 264, 286, 287, 327 and 328 of the Penal Code.

Article 125.- Investigation minutes

1. In conducting investigation, the minutes thereof must be made according to Article 95 of this Code.

Investigators who have made the minutes must read them to the participants in the procedure, explain to them the right to supplement and give comments on the minutes. Such comments shall be recorded in the minutes. Participants in the procedure and investigators shall all sign the minutes.

2. Where the participants in the procedure refuse to sign the minutes, such refusal must be written in the minutes with reasons therefor clearly stated.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Illiterate persons may put their fingerprints on the minutes.

Chapter X: INITIATION OF CRIMINAL PROCEEDINGS AGAINST THE ACCUSED AND INTERROGATION OF THE ACCUSED

Article 126.- Initiation of criminal proceedings against the accused

1. When having sufficient grounds to determine that persons have committed criminal acts, the investigating body shall issue decisions to initiate criminal proceedings against the accused.

2. A decision to initiate criminal proceedings against the accused shall contain the time and place of its issuance; full name and position of its issuer; full name, birth date, occupation and family conditions of the accused; which offense the accused is charged with, under which articles of the Penal Code; time and place of commission of the offense, and other circumstances of the offense.

If the accused is charged with many different offenses, the decision to initiate criminal proceedings against him/her must contain the title of each offense and the applicable articles of the Penal Code.

3. After initiating proceedings against the accused, investigating bodies must take photographs and compile personal records of the accused and put them in the case files.

4. Within 24 hours after issuing the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must send them to the procuracies of the same level for consideration and approval. Within three days after receiving such decisions, the procuracies must issue decisions to approve or cancel them and immediately send their decisions to the investigating bodies.

5. Where they detect that there are offenders against whom criminal proceedings have not yet been initiated, the procuracies shall request the investigating bodies to issue the decisions to initiate criminal proceedings against such offenders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. The investigating bodies must immediately hand their decisions or the procuracies’ decisions to initiate criminal proceedings against the accused or such to the accused and explain on their rights and obligations prescribed in Article 49 of this Code. After receiving the procuracies’ decisions to approve or cancel the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must immediately hand them to the persons against whom criminal proceedings are initiated. The handing and receipt of these decisions must be recorded in the minutes prescribed in Article 95 of this Code.

Article 127.- Change or supplementation of decisions to initiate criminal proceedings against the accused

1. While conducting investigation, if having grounds to determine that the criminal acts committed by the accused do not constitute the offenses for which criminal cases have been instituted against them or there remain other criminal acts, the investigating bodies or procuracies shall issue decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused.

2. Within 24 hours after issuing the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must send their decisions together with documents related to such change or supplementation to the procuracies of the same level for consideration and approval. Within three days after receiving the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the procuracies must decide to approve or cancel such decisions.

Within 24 hours after issuing the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the procuracies must send them to the investigating bodies for investigation.

3. The investigating bodies must immediately hand to the accused the decisions to change or supplement their decisions to initiate criminal proceedings against the accused or the procuracies’ decisions to change or supplement their decisions to initiate criminal proceedings against the accused and explain on their rights and obligations prescribed in Article 49 of this Code. After receiving the procuracies’ decisions to approve or cancel the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must immediately hand them to the accused. The handing and receipt of the above-said decisions must be recorded in the minutes prescribed in Article 95 of this Code.

Article 128.- Suspension of the accused from their current positions

When deeming that the accused’s continued holding of their positions would cause difficulties to the investigation, the investigating bodies or procuracies shall have the right to propose the agencies or organizations with competence to manage the accused to suspend the accused from their positions. Within seven days after receiving such proposals, these agencies or organizations must reply in writing the proposing investigating bodies or procuracies.

Article 129.- Summoning of the accused

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The summonses to the accused shall be sent to the administrations of the communes, wards or townships where the accused reside or to the agencies or organizations where they work. The agencies or organizations receiving the summonses shall have to immediately deliver them to the accused.

Upon receiving the summonses, the accused must sign for certification of the receipt thereof, clearly writing the hour and date of receipt thereon. The deliverers of the summonses must deliver the portions of the summonses containing the signatures of the accused to the summoning bodies; if the accused refuse to sign, the minutes thereof must be made and sent to the summoning bodies; if the accused are absent, the summonses may be handed to an adult member of their families to sign for certification and hand the summonses to the accused. For the accused being in temporary detention, they shall be summoned through the superintending boards of the detention centers.

3. The accused must appear in response to the summonses. If they are absent without plausible reasons or show signs of escape, investigators may issue decisions to escort them.

4. In case of necessity, procurators may summon the accused. The summoning of the accused shall comply with the provisions of this Article.

Article 130.- Escort of the accused on bail

1. A decision to escort the accused shall contain the time and place of its issuance; full name and position of its issuer; full name, birth date and residence of the accused; the offense with which the accused has been charged; the time and the place for the accused to appear;

2. Executors of the escort decisions must read, explain the decisions, and make minutes of the escort as prescribed in Article 95 of this Code.

3. It is forbidden to escort the accused at night.

Article 131.- Interrogation of the accused

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Before conducting the interrogation, investigators must read the decisions to initiate criminal proceedings against the accused and clearly explain to the accused about their rights and obligations prescribed in Article 49 of this Code. This must be recorded in the minutes.

If a case involves many accused, each of them shall be questioned separately and they shall not be allowed to contact one another. The accused may be allowed to write by themselves their statements.

2. It is forbidden to conduct interrogation at night, except for cases where interrogation cannot be delayed, provided that the reasons therefor must be clearly recorded in the minutes.

3. In case of necessity, procurators may interrogate the accused. The interrogation of the accused shall comply with the provisions of this Article.

4. Investigators or procurators who extort statements from the accused or apply corporal punishment to the accused must bear penal liability prescribed in Article 299 or Article 298 of the Penal Code.

Article 132.- Minutes of interrogation of the accused

1. The minutes of interrogation of the accused must be made according to Article 95 and Article 125 of this Code.

A minutes must be made for each time of interrogation. It must contain all statements of the accused, questions and answers. Investigators are strictly forbidden to add, cut or modify by themselves the statements of the accused.

2. After the interrogation, investigators shall read the minutes to the accused or let the accused read them. In case of supplementing or modifying the minutes, the accused and investigators both sign for certification. If the minutes consist of many pages, the accused shall sign every page. Where the accused write their statements by themselves, the investigators and the accused shall sign such written statements for certification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Where the interrogation of the accused is conducted with the aid of interpreters, the investigators must explain the interpreters’ rights and obligations, and also inform the accused of their right to request change of the interpreters. The interpreters and the accused shall both sign every page of the interrogation minutes.

3. When conducting interrogations in the presence of the defense counsels and/or lawful representatives of the accused, the investigators must explain to these persons their rights and obligations in the course of interrogation of the accused. The accused, the defense counsels and/or lawful representatives shall all sign the interrogation minutes.

Where the counsel defenses are allowed to question the accused, the minutes must contain fully the questions of the defense counsels and the answers of the accused.

4. In cases where procurators interrogate the accused, they must observe the provisions of this Article.

Chapter XI: TAKING STATEMENTS OF WITNESSES, VICTIMS, CIVIL PLAINTIFFS, CIVIL DEFENDANTS, PERSONS WITH INTERESTS AND OBLIGATIONS RELATED TO THE CASES, CONFRONTATION AND IDENTIFICATION

Article 133.- Summoning of witnesses

1. To summon witnesses, investigators must send to them summonses. Such a summons must contain the full name and residence of the witness, the date, hour and place for his/her appearance; the person whom he/she will meet and his/her responsibility for non-appearance without plausible reasons.

2. Summonses shall be handed directly to the witnesses or through the administrations of the communes, wards or townships where they reside or the agencies or organizations where they work. These agencies or organizations shall have to create conditions for the witnesses to perform their obligations.

Under all circumstances, signatures shall be required for the handing and receipt of summonses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. In case of necessity, procurators may summon witnesses. The summoning of witnesses shall comply with the provisions of this Article.

Article 134.- Escort of witnesses

1. Where witnesses have been summoned by investigating bodies, procuracies or courts but they deliberately refuse to appear without plausible reasons and their absence causes obstruction to the investigation, prosecution or adjudication, the bodies which have summoned them may issue decisions to escort them.

2. Decisions to escort witnesses must contain the time and place of their issuance; full names and positions of their issuers; full names, birth dates and residential places of the witnesses; the time and places for their appearance.

3. The executors of escort decisions must read the decisions to the witnesses, explain their rights and obligations, and make the minutes of the escort as prescribed in Article 95 of this Code.

4. It is forbidden to escort witnesses at night.

Article 135.- Taking statements of witnesses

1. Statements of witnesses shall be taken at the places of investigation or at their residences or working places.

2. If a case involves many witnesses, the statements of each witness must be taken separately and the witnesses shall not be let contact one another in the course of taking statements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Before inquiring into the contents of the cases, investigators should verify the relationships between the witnesses and the accused, victims and other details related to the witnesses’ personal identity. Before asking questions, investigators should request witnesses to relate or write what they know about the cases. Raising questions of suggestive nature shall not be allowed.

5. When taking statements of witnesses aged under 16 years, their parents, other lawful representatives or their teachers must be invited to attend.

6. In case of necessity, procurators may take statements of witnesses. The taking of statements of witnesses shall comply with the provisions of this Article.

Article 136.- Minutes of witnesses’ statements

Minutes of witnesses’ statements must be made according to Articles 95, 125 and 132 of this Code.

Article 137.- Summoning, and taking statements of, victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases

The summoning, and taking statements of, victims, civil plaintiffs, civil defendants and persons with interests and obligations related to the cases shall comply with the provisions of Articles 133, 135 and 136 of this Code.

Article 138.- Confrontation

1. Where exist contradictions in the statements of two or more persons, investigators shall conduct confrontation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To begin the confrontation, investigators shall ask about the relationships between persons participating in the confrontation, then about circumstances required to be clarified. After hearing statements in the confrontation, investigators may further put questions to each person.

Investigators may also let persons participating in the confrontation ask one another and their questions and answers must be recorded in the minutes.

Only after persons participating in the confrontation give their statements shall their previous statements be repeated.

4. Confrontation minutes must be made according to the provisions of Articles 95, 125 and 132 of this Code.

5. In case of necessity, procurators may conduct confrontation. Such confrontation shall comply with the provisions of this Article.

Article 139.- Identification

1. When necessary, investigators may invite persons or give objects or photos to witnesses, victims or the accused for identification.

Investigators must ask in advance the identifying persons about details, traces and characteristics owing to which they may make identification.

2. The number of persons, things or photos presented for identification must be at least three and their appearances must be similar. For identification of corpses, this principle shall not be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. If witnesses or victims act as identifying persons, before conducting the identification, investors must explain to them their responsibility for refusing or shirking to give statements or deliberately giving false statements. Such explanation must be recorded in the minutes.

4. In the course of identification, investigators must not put questions of suggestive nature. After the identifying persons have identified a person, an object or a photo among those presented for identification, investigators shall request them to explain which traces or characteristics they have relied on for identifying such person, object or photo.

Identification must be conducted in the presence of witnesses.

5. Identification minutes must be made according to Articles 95, 125 ad 132 of this Code. Such a minutes should contain the personal details of identifying persons and persons shown for identification; characteristics of objects or photos presented for identification; statements and presentations given by identifying persons.

Chapter XII: SEARCH, FORFEITURE, SEIZURE, DISTRAINMENT OF PROPERTY

Article 140.- Grounds for body search, search of residences, working places, premises, objects, correspondence, telegraphs, postal parcels and matters

1. Body search, search of residences, working places and premises shall be conducted only when there are grounds to judge that on the bodies, in the residences, working places and/or premises of persons there are instruments and means of offense commission, objects and property acquired from offense commission or other objects and documents related to the cases.

Search of residences, working places or premises shall also be conducted in case of necessity to detect wanted persons.

2. In case of necessity to collect documents and objects related to the cases, correspondence, telegraphs, postal parcels and matters may be searched.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code shall have the right to issue search warrants in all cases. Search warrants of the persons defined at Point d, Clause 1, Article 80 of this Code must be approved by the procuracies of the same level before they are executed.

2. In case of urgency, the persons defined in Clause 2, Article 81 of this Code shall have the right to issue search warrants. Within 24 hours after the completion of the search, the search warrant issuers must notify in writing the procuracies of the same level thereof.

Article 142.- Body search

1. To start a body search, the search warrant must be read and handed to the to be-searched person for reading; the to be-searched person and other persons present shall be informed of their rights and obligations.

The persons conducting the search must request the to be-searched persons to give out objects and documents related to the cases; if the to be-searched persons disobey, they shall be searched.

2. The search of a person must be conducted by a person of the same sex and to the witness of a person also of the same sex.

3. Body search may be conducted without a search warrant in case of arrest or when there are grounds to confirm that the person present at the searched place hides on his/her body objects and documents required to be seized.

Article 143.- Search of residences, working places, premises

1. Search of residences, working places or premises shall be conducted in accordance with the provisions of Articles 140, 141 and 142 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Search of residences must not be conducted at night, except where it cannot be delayed, provided that the reasons therefor must be clearly stated in the minutes.

4. Search of working places must be conducted in the presence of such persons, except where it cannot be delayed, provided that the reason therefor must be clearly stated in the minutes.

Search of working places of persons must be witnessed by the representatives of the agencies or organizations where such persons work.

5. When the search of residences, working places or premises is taking place, the persons present must neither leave the searched places without permission nor contact, discuss with one another or with other persons until the search completes.

Article 144.- Forfeiture of correspondence, telegraphs, postal parcels and matters at post offices

In case of necessity to forfeit correspondence, telegraphs, postal parcels and matters at post offices, the investigating bodies shall issue forfeiture warrants. These warrants must be approved by the procuracies of the same level before they are executed, except for cases where the execution thereof cannot be delayed, provided that the reasons therefor must be clearly stated in the minutes and the forfeiture, once completed, be immediately notified to the procuracies of the same level.

Before effecting the forfeiture, the executors of forfeiture warrants must notify such to the persons in charge of the post offices concerned. The persons in charge of the post offices concerned must assist the executors of seizure warrants in fulfilling their tasks.

The forfeiture of correspondence, telegraphs, postal parcels and matters must be witnessed by the representatives of the post offices, who shall sign for certification the minutes thereof.

The forfeiture warrant-issuing bodies must notify the persons having the to be forfeited correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters of the forfeiture warrants. If such notification will impede the investigation, immediately after such impediment no longer exists, the forfeiture warrant-issuing bodies must make such notification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



While conducting search, investigators may seize objects which are exhibits as well as documents directly related to the cases. For objects falling into the categories banned from storage or circulation, they must be forfeited and immediately delivered to competent management bodies. In case of necessity to seal objects up, such sealing must be conducted in the presence of the owners of such objects or their families’ representatives, the administration’s representatives as well as witnesses.

The seizure of objects and documents during a search must be recorded in a minutes. Seizure minutes must be made in four copies, one of which to be handed to the owner of the objects and/or documents, one to be put in the case files; one to be sent to the procuracy of the same level, and one to the agency managing the seized objects and/or documents.

Article 146.- Distrainment of property

1. Distrainment of property shall only apply to the accused or defendants charged with offenses which, as prescribed by the Penal Code, may be subject to property confiscation or fine penalty as well as to persons liable to pay damage compensation according to law provisions.

The competent persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code shall have the right to issue property distrainment warrants. Distrainment warrants of persons defined at Point d, Clause 1, Article 80 of this Code must be immediately notified to the procuracies of the same level before they are executed.

2. Distrainment shall be made only of a portion of property corresponding to the amount likely to be confiscated, to the pecuniary fine or the damage compensation.

Distrained property shall be assigned to their owners or their relatives for preservation. If the persons assigned to preserve such property commit acts of consuming, transferring, fraudulently swapping, concealing or destroying the distrained property, they shall bear penal liability under the provisions of Article 310 of the Penal Code.

3. Property distrainment must be witnessed by the involved persons or their families’ adult members, representatives of the commune, ward or township administrations and neighbors. The distraining persons must make the minutes, clearly stating the name and condition of each distrained property item. Such minutes must be made according to Articles 95 and 125 of this Code, read to the involved persons and other present persons, and signed by these persons. Any complaints of the involved persons shall be recorded in the minutes, with the signatures for certification of such persons and the distraining persons.

A distrainment minutes shall be made in three copies, one to be handed to the involved person immediately after the distrainment is completed, one to be sent to the procuracy of the same level, and one to be put in the case file.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 147.- Responsibility to preserve objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters which are forfeited, seized or sealed up

Objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters which are forfeited, seized or sealed up under the provisions of Articles 75, 144 and 145 of this Code must be preserved intact.

If persons assigned to preserve property break up seals, consume, transfer, fraudulently swap or destroy such property, they shall bear penal liability under Article 310 of the Penal Code.

Article 148.- Minutes of search, forfeiture, seizure of objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and matters

The search, forfeiture or seizure of objects, documents, telegraphs, postal parcels and/or matters must be recorded in the minutes prescribed in Articles 95 and 125 of this Code.

Article 149.- Responsibilities of issuers and executors of warrants to search, distrain property, forfeit or seize objects, documents, correspon-dence, telegraphs, postal parcels and matters

Persons who have illegally issued and persons who have illegally executed warrants to search or distrain property, forfeiture or seize objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters shall, depending on the seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability.

Chapter XIII: SCENE EXAMINATION, AUTOPSY, EXAMINATION OF TRACES ON HUMAN BODIES, INVESTIGATION EXPERIMENTS, EXPERTISE

Article 150.- Scene examination

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Scene examination may be conducted prior to the institution of criminal cases. Under all circumstances, before conducting the examination, investigators must notify the procuracies of the same level thereof. Procurators must come to supervise the scene examination. In the course of examination, there must be witnesses; the accused, victims and/or witnesses may be allowed to attend, and specialists may be invited to participate in, the examination.

3. While conducting scene examination, investigators shall take photos, draw plans describing the scenes, take measurements, make mock-ups, collect and examine on spot traces of offense, objects, documents related to the cases; and clearly write the examination results in the scene examination minutes.

Where the collected objects and documents cannot be scrutinized immediately, they must be preserved, kept intact or sealed up and taken to the investigation places.

Article 151.- Autopsy

Autopsy shall be conducted by investigators with the participation of forensic doctors and in the presence of eyewitnesses.

In case of necessity to exhume corpses, decisions of investigating bodies shall be required and the deceased persons’ families must be notified thereof before the exhumation starts. The corpse exhumation must be participated by forensic doctors.

When necessary, experts may be summoned to and there must be witnesses at the exhumation.

Under all circumstances, autopsy must be notified in advance to the procuracies of the same level. Procurators must come to supervise the autopsy.

Article 152.- Examination of traces on human bodies

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Examination of the body of a person must be conducted by a person of the same sex and witnessed by a person also of the same sex. In case of necessity, medical doctors may participate in body examination.

It is forbidden to infringe upon the honor, dignity or the health of the examined persons.

Article 153.- Investigation experiments

1. In order to check and verify documents and circumstances of significance to the cases, the investigating bodies shall have the right to conduct investigation experiments by reproducing the scenes, replaying acts, circumstances or all other details of certain facts, and conduct necessary experiments. They may, when deeming it necessary, take measurements, photographs, video and draw plans.

2. Investigation experiments must be conducted in the presence of witnesses. In case of necessity, the persons in custody, the accused, victims and/or witnesses may participate therein.

It is forbidden to infringe upon the honor and dignity or cause harm to the health of persons participating in investigation experiments.

3. In case of necessity, the procuracies may conduct investigation experiments. Investigation experiments shall be conducted in accordance with the provisions of this Article.

Article 154.- Minutes of scene examination, autopsy, examination of traces on human bodies and investigation experiments

Scene examination, autopsy, examination of traces on human bodies and investigation experiments must be recorded in the minutes as prescribed in Article 95 and Article 125 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When arise matters which need to be determined under Clause 3 of this Article or when deeming it necessary, the procedure-conducting bodies shall issue decisions to solicit expertise.

2. Decisions to solicit expertise must clearly state the matters required to be examined, full names of experts requested to examine or names of the expertising agencies as well as the rights and obligations of experts as prescribed in Article 60 of this Code.

3. Expertise is compulsory when it is necessary to determine:

a/ Causes of human death, injury nature, degree of harm to the health or working capability;

b/ The psychiatric state of the accused or defendants in cases where there is suspicion about their penal liability capacity;

c/ The psychiatric state of witnesses or victims in cases where there is suspicion about their perception capacity and truthful statements on circumstances of the cases;

d/ The ages of the accused or defendants or victims if such is significant to the cases and there are no documents proving their ages or there is suspicion about the authenticity of such documents;

e/ Noxious substances, narcotics, radioactive substances, counterfeit currencies.

Article 156.- Conducting expertise

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Investigators and procurators shall have the right to participate in the expertise provided that they must notify in advance the experts thereof.

2. In cases where the expertise cannot be conducted within the time limit requested by the expertise-soliciting agencies, the expertising agencies or experts must immediately notify such in writing and clearly state the reasons therefor to the expertise-soliciting agencies.

Article 157.- Contents of expertise conclusions

1. Expertise conclusions must clearly state the time and place of the conducted expertise; full names, educational levels and professional qualifications of experts; participants in the expertise; traces, objects, documents and all other things already examined, applied methods and answers with specific grounds to the raised matters.

2. In order to clarify or supplement expertise conclusions, the expertise-soliciting agencies may put additional questions to the experts about necessary circumstances and may decide on additional expertise or re-expertise.

Article 158.- Rights of the accused and participants in the procedure with regard to expertise conclusions

1. After the expertise completes, the agencies which have solicited the expertise must notify the contents of the expertise conclusions to the accused and other participants in the procedure if the latter so request.

The accused, other participants in the procedure may express their opinions on the expertise conclusions and requests for additional expertise or re-expertise. These opinions and requests shall be recorded in the minutes.

2. Where the investigating bodies or procuracies reject the requests of the accused or other participants in the procedure, they must clearly state the reasons therefor and inform such persons thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Additional expertise shall be conducted in cases where the contents of the expertise remain unclear, incomplete or when arise new matters related to the cases’ circumstances already concluded earlier.

2. Re-expertise shall be conducted where there is suspicion about the expertise results or there are contradictions in the expertise conclusions on the same expertised matter. The re-expertise must be conducted by other experts.

3. Additional expertise or re-expertise shall be conducted according to general procedures prescribed in Articles 155, 156, 157 and 158 of this Code.

Chapter XIV: SUSPENSION OF INVESTIGATION AND TERMINATION OF INVESTIGATION

Article 160.- Suspension of investigation

1. When the accused suffer from mental diseases or other dangerous ailments with certification by the forensic examination councils, the investigation may be suspended ahead of the investigation time limit. In cases where the accused are not yet identified or their whereabouts are unknown, the investigation shall be suspended only upon the expiry of the investigation time limit.

Where expertise has been solicited but the expertise results are not yet available upon the expiry of the investigation time limit, the investigation shall be suspended while the expertise shall still continue till its results are obtained.

Where a case involves many accused while the reason for suspension of investigation does not relate to all of the accused, the investigation may be suspended for each of them.

If the accused’s whereabouts are unknown, the investigating bodies must issue pursuit warrants before suspending the investigation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 161.- Pursuit of the accused

When the accused abscond or their whereabouts are unknown, investigating bodies shall issue warrants to pursue them.

A pursuit warrant must clearly state the date, hour and place of its issuance; full name and position of its issuer; full name, age and residence of the accused, characteristics for identification of the accused, affixed with the accused’s photo, if any; and the offense with which the accused has been charged.

Pursuit warrants shall be announced on the mass media for everyone to detect, arrest and detain the wanted persons.

Article 162.- Termination of investigation

1. Upon the termination of investigation, the investigating bodies must make investigation conclusion reports

2. The investigation shall be terminated when the investigating bodies issue investigation conclusion reports proposing the prosecution or investigation conclusion reports and decisions to cease the investigation.

3. An investigation conclusion report must clearly state the date, full name, position and signature of the conclusion maker.

4. Within two days after issuing the investigation conclusion reports, the investigating bodies must send the investigation conclusion reports proposing the prosecution or the investigation conclusion reports enclosed with the decisions to cease the investigation together with the case files to the procuracies of the same level; send the investigation conclusion reports proposing the prosecution or decisions to cease the investigation to the accused and defense counsels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When having sufficient evidences to determine the offenses and the accused, the investigating bodies shall make investigation conclusion reports proposing the prosecution. An investigation conclusion report shall describe the development of the criminal act, evidences proving the offense, proposals on solving the case, including reasons and grounds for the prosecution proposal.

2. An investigation conclusion report shall be enclosed with the statement on the investigation periods, deterrent measures already applied, clearly stating the duration of custody or temporary detention, exhibits, civil suits, measures to secure the payment of fines, compensations and confiscation of assets, if any.

Article 164.- Investigation cessation

1. In case of investigation cessation, the investigation conclusion reports shall clearly describe the investigation process, reasons and grounds for investigation cessation.

2. The investigating bodies shall issue investigation cessation decisions in the following cases:

a/ There exists one of the grounds prescribed in Clause 2 of Article 105, and Article 107 of this Code or in Article 19, Article 25 and Clause 2 of Article 69 of the Penal Code.

b/ The investigation time limits have expired but it cannot be proved that the accused have committed the offense.

3. An investigation cessation decision shall contain the date and place of its issuance, reasons and grounds for investigation cessation, the cancellation of the deterrent measure, the return of seized objects, documents, if any, and other related matters.

If a case involves many accused while the grounds for investigation cessation are not related to all of them, the investigation may be ceased for each of them.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 165.- Investigation resumption

1. Where there exist grounds to cancel the decisions to cease or suspend the investigation, the investigating bodies shall issue decisions to resume investigation if the statute of limitations for penal liability examination has not yet expired. Within two days after issuing the decisions to resume investigation, the investigating bodies must send them to the procuracies of the same level.

2. If the investigation is ceased under Points 5 and 6, Article 107 of this Code but the accused disagree and request re-investigation, the investigating bodies or procuracies of the same level shall issue decisions to resume the investigation.

Chapter XV: PROSECUTION DECISION

Article 166.- Time limit for prosecution decision

1. Within twenty days for less serious offenses and serious offenses, within thirty days for very serious offenses and especially serious offenses, after receiving the case files and investigation conclusion reports, the procuracies must issue one of the following decisions:

a/ To prosecute the accused before court by an indictment.

b/ To return the file for additional investigation;

c/ To cease or suspend the case.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within three days after issuing one of the above-said decisions, the procuracies must notify the accused and defense counsels thereof; and hand the indictments, decisions to cease the cases or decisions to suspend the cases to the accused. Defense counsels may read the indictments, take notes and copy documents in the case files related to the defense under the provisions of law and put forward requests.

2. After receiving the case files, the procuracies shall be entitled to decide to apply, change or cancel deterrent measures or to request the investigating bodies to pursue the accused. The temporary detention duration must not exceed the time limit prescribed in Clause 1 of this Article.

3. In case of prosecution, within three days after issuing the prosecution decisions in the form of indictment, the procuracies must send the files and indictments to the courts.

4. For cases not falling under their prosecuting competence, the procuracies shall immediately issue decisions to transfer them to the competent procuracies.

Article 167.- Indictments

1. An indictment must contain the date, hour and place of occurrence of the offense; trick, purpose and motive of the commission of the offense; its consequences and other important circumstances; evidences for determining the criminality of the accused, circumstances aggravating and extenuating the penal liability, personal details of the accused, and all other circumstances of significance to the case.

The indictment’s conclusion section shall clearly state the title of the offense committed and applicable articles and clauses of the Penal Code.

2. An indictment must contain the date of its making, full name, position and signature of its maker.

Article 168.- Return of files for additional investigation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Important evidences of the cases are insufficient, which the procuracies cannot supplement by themselves;

2. There are grounds to initiate criminal proceedings against the accused for other offenses or there are other accomplices;

3. There are serious violations of the criminal procedure.

The matters required to be additionally investigated must be clearly stated in the decisions requesting the additional investigation.

Article 169.- Cessation or suspension of cases

1. The procuracies shall issue decisions to cease the cases when there exists one of the grounds prescribed in Clause 2 of Article 105 and Article 107 of this Code or in Article 19, Article 25, and Clause 2 of Article 69 of the Penal Code.

2. The procuracies shall issue decisions to suspend the cases in the following cases:

a/ When the accused suffer from mental diseases or other dangerous ailments, which has been certified by the forensic examination councils;

b/ When the accused escape and their whereabouts are unknown; in this case, they must request the investigating bodies to pursue the accused.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. In cases where the subordinate procuracies have issued ungrounded and illegal decisions to cease the cases, the chairmen of the superior procuracies shall have the right to cancel such decisions and request the subordinate procuracies to issue prosecution decisions.

Part Three

FIRST-INSTANCE TRIAL

Chapter XVI: JURISDICTION OF COURTS AT ALL LEVELS

Article 170.- Adjudicating jurisdiction of courts at all levels

1. The district-level people’s courts and the regional military courts shall conduct first-instance trial of criminal cases involving less serious offenses, serious offenses and very serious offenses, excluding the following offenses:

a/ Offenses of infringing upon national security;

b/ Offenses of undermining peace, against humanity, and war crimes;

c/ Offenses prescribed in Articles 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 and 323 of the Penal Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 171.- Territorial jurisdiction

1. The courts competent to adjudicate criminal cases are the courts of the places where the offenses were committed. Where an offense is committed in different places or if the place where an offense was committed is unknown, the court competent to adjudicate the case shall be the one of the place where the investigation is completed.

2. For defendants committing offenses abroad, if they are to be adjudicated in Vietnam, the provincial-level people’s courts of their last residences in the country shall adjudicate them. If the defendants’ last residences in the country cannot be determined, the President of the Supreme People’s Court shall on a case-by-case basis issue decisions to assign the People’s Court of Hanoi city or Ho Chi Minh City to adjudicate such cases.

For defendants committing offenses abroad, if they fall under the adjudicating jurisdiction of a military court, they shall be adjudicated by the Military Court of the military-zone or higher level under decisions of the President of the Central Military Court.

Article 172.- Jurisdiction to adjudicate offenses committed on board aircraft or sea-going ships of the Socialist Republic of Vietnam, which are operating outside the airspace or the territorial sea of Vietnam

Offenses committed on board aircraft or sea-going ships of the Socialist Republic of Vietnam which are operating outside the airspace of the territorial sea of Vietnam shall fall under the jurisdiction of the Vietnamese courts of the places of the first return airports or seaports or the places where such aircraft or sea-going ships are registered.

Article 173.- Adjudication of defendants committing many offenses falling under the jurisdiction of courts at different levels

For defendants committing many offenses, one of which falls under the adjudicating jurisdiction of the superior court, the superior court shall adjudicate the entire cases.

Article 174.- Transfer of cases

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The transfer of a case to another court shall be effected only when the case has not been adjudicated yet. In this case, the transfer of the case shall be decided by the president of the court. If a case which falls under the jurisdiction of a Military Court or a superior court has been adjudicated, it must still be transferred to the competent court. In this case, the transfer of the case shall be decided by the trial panel.

Within two days after issuing decisions to transfer the cases, the courts must notify the procuracies of the same level and inform the accused and persons involved in the cases thereof.

Article 175.- Settlement of disputes over adjudicating jurisdiction

1. The settlement of disputes over adjudicating jurisdiction shall be decided by the presidents of the immediate superior courts.

2. The settlement of disputes over adjudicating jurisdiction between district-level people’s courts of different provinces or centrally run cities shall be decided by the presidents of the provincial-level people’s courts of the places where the investigation is completed.

3. The settlement of disputes over the adjudicating jurisdiction between people’s courts and military courts shall be decided by the President of the Supreme People’s Court.

Chapter XVII: TRIAL PREPARATION

Article 176.- Trial preparation time limits

1. After receiving the case files, the judges assigned to preside over the court sessions shall have to study the files, settle complaints and requests of the participants in the procedure and perform other tasks necessary for opening court sessions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To bring the case for trial;

b/ To return the file for additional investigation;

c/ To cease or suspend the case.

For complicated cases, the presidents of courts may decide to prolong the trial preparation time limits for no more than fifteen days for less serious offenses and serious offenses, and for no more than thirty days for very serious offenses and especially serious offenses. Such prolongation must be immediately notified to the procuracies of the same level.

Within fifteen days after issuing decisions to bring the cases for trial, the courts must open court sessions; where they have plausible reasons, the courts may open court sessions within thirty days.

For the cases returned for additional investigation, within fifteen days after receiving back the files, the judges assigned to preside over the court sessions must issue decisions to bring the cases for trial.

Article 177.- Application, change or cancellation of deterrent measures

After receiving the case files, the judges assigned to preside over the court sessions shall have the right to decide to apply, change or cancel deterrent measures, excluding the application, change or cancellation of the temporary detention measure, which shall be decided by the presidents or vice-presidents of courts.

The time limits for temporary detention for trial preparation shall not exceed the trial preparation time limits defined in Article 176 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 178.- Contents of decisions to bring cases for trial

A decision to bring a case for trial must contain:

1. The full name, birth date, birth place, occupation and residence of the defendant;

2. The title of the offense and articles of the Penal Code applied by the procuracy to the act committed by the defendant;

3. The date, hour and venue of opening the court session;

4. Public or closed-door trial;

5. The full names of the judge, jurors and court clerk; the full names of alternate judge and jurors, if any;

6. The full name of the procurator to participate in the court session; the full name of the alternate procurator, if any;

7. The full name of the defense counsel, if any;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. The full names of persons summoned for questioning at the court session;

10. Exhibits to be presented for examination at the court session.

Article 179.- Decisions to return files for additional investigation

1. Judges shall issue decisions to return files to procuracies for additional investigation in the following cases:

a/ Where important evidences in the cases need to be further examined, which cannot be supplemented at the court session;

b/ Where there are grounds to believe that the defendant has committed another offense or there is another accomplice;

c/ Where serious violations of the procedure are detected.

The matters required to be additionally investigated must be clearly stated in the decisions requesting the additional investigation.

2. If the additional investigation results lead to the cessation of the cases, the procuracies shall issue decisions to cease the cases and notify the courts thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 180.- Decisions to suspend or cease cases

Judges shall issue decisions to cease cases when there are grounds prescribed in Article 160 of this Code; issue decisions to cease cases when there is one of the grounds prescribed in Clause 2 of Article 105 and Points 3, 4, 5, 6 and 7 of Article 107 of this Code, or when the procuracies withdraw the entire prosecution decisions before the opening of court sessions.

Where a case involves many accused or defendants while the grounds for suspension or cessation of the case do not relate to all of the accused or defendants, the case may be suspended or ceased for each of them.

A decision to cease a case must contain the contents specified in Clause 3, Article 164 of this Code.

Article 181.- Withdrawal of prosecution decisions by procuracies

If deeming that there is one of the grounds prescribed in Article 107 of this Code or there are grounds to exempt the accused or defendants from penal liability under the provisions of Article 19, Article 25, and Clause 2 of Article 69 of the Penal Code, the procuracies shall withdraw prosecution decisions before the opening of court sessions and propose the courts to cease the cases.

Article 182.- Handing of court decisions

1. Decisions to bring the cases for trial must be handed to the defendants, their lawful representatives and defense counsels at least ten days before the opening of court sessions.

In case of adjudicating defendants in absentia, the decisions to bring the cases for trial and indictments shall be handed to the defendants’ defense counsels or lawful representatives; such decisions must be also posted up at the head offices of the administrations of the communes, wards or townships where the defendants reside or at their last working places.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Decisions to bring the cases for trial, decisions to cease the cases, decisions to suspend the cases must be immediately sent to the procuracies of the same level.

4. Decisions to apply, change or cancel deterrent measures must be immediately sent to the accused or defendants, the procuracies of the same level, detention centers where the accused or defendants are being held.

Article 183.- Summoning of persons to be questioned at court sessions

Basing themselves on the decisions to bring the cases for trial, judges shall summon persons who need to be questioned at court sessions.

Chapter XVIII: GENERAL PROVISIONS ON PROCEDURES AT COURT SESSIONS

Article 184.- Direct, oral and uninterrupted trial

1. The courts must directly determine the circumstances of the cases by asking questions and listening to opinions of the defendants, victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases, witnesses and experts, examine exhibits and listen to the opinions of the procurators and defense counsels. Judgments shall be based only on the evidences examined at court sessions.

2. The trial must be conducted uninterruptedly, excluding break time.

Article 185.- Composition of first-instance trial panels

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For cases where the defendants brought for trial are charged with offenses punishable by death as the highest penalty, the trial panel shall be composed of two judges and three jurors.

The judges presiding over court sessions shall conduct the trial and maintain the court order.

Article 186.- Replacement of trial panel members in special cases

1. The members of trial panels must hear the cases from the beginning to the end.

2. In the course of trial, if a judge or juror discontinues hearing the case, the court may still hear the case with the alternate judge or juror. Only alternate judges and jurors who are present at the court sessions from the beginning may participate in adjudicating the cases. Where a trial panel consists of two judges but the judge presiding over the court session cannot continue hearing the case, the judge being member of the trial panel shall preside over the court session and the alternate judge shall be added to the trial panel as a member.

3. Where there is no alternate judge or juror for replacement or if the presiding judge of a court session must be replaced while there is no substitute judge as prescribed in Clause 2 of this Article, the case must be re-tried from the beginning.

Article 187.- Appearance of defendants at court sessions

1. Defendants must appear at court sessions in response to court summonses; if they are absent without plausible reasons, they shall be escorted according to the procedure prescribed in Article 130 of this Code; if they are absent for plausible reasons, the court sessions must be postponed.

If the defendants suffer from mental diseases or other dangerous diseases, the trial panels shall suspend the cases till the defendants recover from their illnesses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Courts may try the defendants in absentia in the following cases:

a/ The defendant has escaped and his/her pursuit has been in vain;

b/ The defendant stays abroad and cannot be summoned to the court session;

c/ The absence of the defendant causes no obstacle to the trial and he/she has been handed the summons properly.

Article 188.- Supervision of defendants at court sessions

1. Defendants being held in temporary detention, when appearing at court sessions, shall only be allowed to meet with their defense counsels. Their contacts with other persons must be permitted by the presiding judges of the court sessions.

2. Defendants who are not held in temporary detention must be present at the court sessions throughout the period of adjudication.

Article 189.- Appearance of procurators

1. Procurators of the procuracies of the same level must participate in court sessions. For serious and complicated cases, two procurators may together participate in court sessions. In case of necessity, there may be alternate procurators.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 190.- Appearance of defense counsels

Defense counsels shall be obliged to participate in court sessions. They may send in advance their written defenses to the courts. If defense counsels are absent, the courts shall still open the court sessions.

Where defense counsels are compulsorily required under the provisions of Clause 2, Article 57 of this Code but they are absent, the trial panels must postpone the court sessions.

Article 191.- Appearance of victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases or their lawful representatives

1. If victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases or their lawful representatives are absent, the trial panels shall decide, on a case by-case basis, to postpone the court session or proceed with the trial.

2. If deeming that the absence of victims, civil plaintiffs or civil defendants would cause obstacles only to the settlement of compensation questions, the trial panels may sequester the compensation for later trial according to civil procedures.

Article 192.- Appearance of witnesses

Witnesses shall participate in court sessions in order to clarify the circumstances of the cases. If an witness is absent but has earlier given his/her statements at the investigating body, the judge presiding the court session shall announce such statements. If a witness to important matters is absent, the trial panel shall decide, on a case-by-case basis, to postpone the court session or proceed with the trial.

If an witness has been subpoenaed by the court but deliberately refuses to appear without plausible reasons and their absence impedes the trial, the trial panel may issue an escort decision. The procedure for escorting witnesses shall comply with the provisions of Article 134 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When being subpoenaed by courts, experts shall participate in court sessions.

2. If experts are absent, the trial panel shall decide, on a case-by-case basis, to postpone the court session or proceed with the trial.

Article 194.- Time limit for postponement of court sessions

For the cases where court sessions must be postponed under Articles 45. 46, 47, 187, 189, 190, 191, 192 and 193 of this Code, the time limit for postponement of court sessions of first-instance trial shall not exceed thirty days, counting from the date of issuance of the decisions to postpone the court sessions.

Article 195.- Withdrawal of prosecution decisions or conclusion on lesser offenses by procurators at court sessions

During court sessions, after inquiring, procurators may withdraw part or whole of the prosecution decsions or conclude on lesser offenses, but the trial panels must try the whole cases.

Article 196.- Limits of trial

Courts shall only adjudicate defendants and acts of the offenses which have been prosecuted by the procuracies and decided by the courts to be brought for trial.

Courts may adjudicate defendants according to clauses other than those in the same articles which the procuracies have applied to prosecute them, or for other offenses equal to or lesser than the ones prosecuted by the procuracies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Before starting court sessions, the court clerks must announce the internal rules of the court sessions.

2. All people in the courtrooms must show respect for the trial panels, keep order and obey the instructions of the presiding judges.

3. All people in the courtrooms must stand up when the members of the trial panels enter the courtrooms. Those who have been summoned for inquiry may present their opinions provided that their presentation is permitted by the presiding judges. The persons presenting opinions must stand while being questioned, except where they are permitted by the presiding judges to sit and present their statements due to their poor health.

4. Persons aged under 16 years shall not be allowed to enter the courtrooms, except where they are summoned by the courts for inquiry.

Article 198.- Measures against persons violating order at court sessions

Persons who violate order at court sessions shall be warned, fined, forced to leave the court rooms by the presiding judges or arrested on a case-by-case basis.

The security guards of court sessions shall have to keep order at court sessions and execute the orders of the presiding judges to force the persons disturbing order at court sessions to leave the courtrooms or arrest them.

Article 199.- Making court judgments and decisions

1. Court judgments shall decide on whether or not the defendants have committed the offenses, penalties and other judicial measures. Judgments must be discussed and adopted in the deliberation chambers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Decisions on other matters shall be discussed and adopted by the trial panels at the courtrooms, are not required to be made in writing but must be recorded in the minutes of the court sessions.

Article 200.- Minutes of court sessions

1. The minutes of a court session must contain the date, hour and venue of the court session and all developments thereat from commencement of trial to pronouncement of judgment. Apart from being recorded in the minutes, developments at a court session may be audio- and/or video-recorded,

2. All questions and answers must be recorded in the minutes.

3. At the end of court sessions, the judges presiding over the court sessions must examine the minutes and sign them together with the court clerks.

4. Procurators, defendants, defense counsels, victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases, defense counsels of the interests of the involved persons or lawful representatives of such persons may read the minutes of the court sessions and have the right to request the writing of amendments and/or supplements in such minutes and certify them with their signatures.

Chapter XIX: PROCEDURES FOR OPENING COURT SESSIONS

Article 201.- Procedures for opening court sessions

To open a court session, the presiding judge shall read the decision to bring the case for trial.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Where a defendant has not yet been handed the indictment under the provisions of Clause 2, Article 49 and decision to bring the case for trial within the time limit defined in Clause 1, Article 182 of this Code, and if he/she requests, the trial panel must postpone the court session.

Article 202.- Settlement of requests for change of judges, jurors, procurators, court clerk, experts and/or interpreters

Procurators and participants in the procedure must be asked by the presiding judges whether or not they request to change judges, jurors, procurators, court clerks, experts and/or interpreters. If any of them makes such a request, the trial panel shall consider it and make a decision thereon.

Article 203.- Explanation of the rights and obligations of interpreters and experts

If there are interpreters and/or experts participating in the court sessions, the presiding judges shall introduce their full names, occupations or positions and clearly explain their rights and obligations. These persons must pledge to properly perform their tasks.

Article 204.- Explanation of the rights, obligations of witnesses, and isolation of witnesses

1. After asking the full name, age, occupation and residence place of each witness, the presiding judges shall clearly explain their procedural rights and obligations. Witnesses must pledge not to give false testimonies. Particularly, minor witnesses shall not be required to make such pledge.

2. Before witnesses are questioned about the cases, the presiding judges may decide to apply various measures in order to prevent witnesses from hearing each other’s testimonies or meeting with other concerned persons. In cases where the testimonies of defendants and witnesses may influence one another, the presiding judges may decide to separate defendants from witnesses before questioning witnesses.

Article 205.- Settlement of requests for examination of evidences and postponement of court sessions due to the absence of persons concerned

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XX: PROCEDURES FOR INQUIRY AT COURT SESSIONS

Article 206.- Reading of indictments

Before inquiring, procurators shall read the indictments and present additional opinions, if any.

Article 207.- Inquiring order

1. The trial panels must determine fully all circumstances of each fact and each offense in the cases in a rational inquiring order.

2. When inquiring each person, the presiding judge shall put questions first, then procurators, defense counsels and defense counsels of interests of the involved persons. Participants in the court sessions shall also have the right to request the presiding judges to ask more questions about the circumstances required to be clarified. Experts may ask questions about matters related to the expert examination.

3. While inquiring, the trial panels shall examine related exhibits in the cases.

Article 208.- Announcement of statements at investigating bodies

1. If the persons inquired are present at the court sessions, the trial panels and procurators must not repeat or announce their statements at the investigating bodies before they give their statements on the circumstances of the cases at the court sessions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Statements of the persons inquired at the court sessions are contradictory to theirs at the investigating bodies;

b/ Inquired persons refuse to give statements at the court sessions;

c/ The persons to be inquired are absent or deceased.

Article 209.- Inquiry of defendants

1. The trial panels must inquire each defendant separately. If the statements of this defendant may affect those of another, the presiding judge must isolate them. In this case, the isolated defendants shall be informed of the statements of the previous defendants and have the right to put questions to such defendants.

2. Defendants shall present their opinions on the indictments and circumstances of the cases. The trial panels shall further inquire about insufficient or contradictory points in the defendants’ statements.

3. Procurators shall inquire about circumstances of the cases which are related to the accusation or exculpation of defendants. Defense counsels shall inquire about circumstances related to the defense, defense counsels of the interests of the involved parties shall inquire about circumstances related to the protection of interests of the involved parties. Participants at court sessions shall have the right to propose the presiding judges to further ask about circumstances related to them.

4. If defendants refuse to answer questions, the trial panels, procurators, defense counsels and defense counsels of the interests of the involved parties shall continue to inquire other persons and examine exhibits and documents related to the cases.

Article 210.- Inquiry of victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases or their lawful representatives

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 211.- Inquiry of witnesses

1. The trial panels must inquire each witness separately and not let other witnesses know the contents of such inquiry.

2. While inquiring witnesses, the trial panels must ask questions to clarify their relationships with the defendants and involved parties in the cases. The presiding judges shall request witnesses to state clearly the circumstances of the cases they know, then inquire further about those insufficient or contradictory points in their testimonies. Procurators, defense counsels, defense counsels of the interests of the involved parties then may further ask the witnesses.

3. If witnesses are minor, the presiding judges may seek the help of their parents, mentors or teachers in inquiring them.

4. After giving their testimonies, witnesses shall stay on in the courtrooms for possible further inquiry.

5. In case of necessity to ensure safety for witnesses and their relatives, the trial panels must decide to apply measures to protect them according to law.

Article 212.- Examination of exhibits

1. Exhibits, photos or minutes certifying exhibits shall be presented for examination at court sessions.

When necessary, the trial panels may together with procurators, defense counsels and other participants in court sessions, come to examine on the spot exhibits which cannot be brought to the court sessions. The on-spot examination must be recorded in a minutes according to the provisions of Article 95 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 213.- On-spot examination

When deeming it necessary, the trial panels may together with procurators, defense counsels and other participants in court sessions come to examine the scenes of offenses or other places related to the cases. Procurators, defense counsels and other participates at court sessions shall have the right to present their remarks on the scenes of offenses or other places related to the cases.

The trial panels may inquire other participants in court sessions further about matters related to such places.

The on-spot examination must be recorded in a minutes according to general procedures prescribed in Article 95 of this Code.

Article 214.- Presentation and announcement of documents of the cases and comments and reports of agencies or organizations

Comments and reports of agencies or organizations on circumstances of the cases shall be presented by the representatives of such agencies or organizations; if no representatives of such agencies or organizations are present, the trial panels shall announce such comments and reports at the court sessions.

Documents contained in the case files or just presented during the inquiry shall all have to be announced at court sessions.

Procurators, defendants, defense counsels and other participants in court sessions shall have the right to give their remarks on such documents and inquire further about related matters.

Article 215.- Inquiry of experts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. At court sessions, experts shall have the right to give additional explanations on the basis of the expertise conclusions.

3. If experts are absent, the presiding judges shall announce the expertise conclusions.

4. Procurators, defense counsels and other participants in court sessions shall have the right to give remarks on the expertise conclusions, inquire about unclear or contradictory matters in such conclusions.

5. When deeming it necessary, the trial panels shall decide to solicit additional expertise or re-expertise.

Article 216.- Termination of inquiry

When deeming that all circumstances of the cases have been examined fully, the presiding judges shall ask procurators, defendants, defense counsels and other participants in the court sessions whether they request to inquire about any matters. If any of them makes such a request and deeming that such request is justifiable, the presiding judges shall decide to continue the inquiry.

Chapter XXI: ARGUMENT AT COURT SESSIONS

Article 217.- Order of presentation of arguments

1. At the end of the inquiry at the court sessions, procurators shall present the arraignments, proposing the charges against the defendants on the basis of the whole or part of the indictments or conclusions on lesser offenses; if deeming that there are no grounds for conviction, they shall withdraw the whole prosecution decisions and propose the trial panels to pronounce the defendants not guilty.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Defendants shall present their defense, if they have defense counsels, such defense counsels shall defend the defendants. Defendants shall have the right to add defense opinions.

3. Victims, civil plaintiffs, civil defendants and persons with interests and obligations related to the cases or their lawful representatives may present their opinions to protect their rights and interests; if they have defense counsels of their interests, such defense counsels shall have the right to present and add opinions.

Article 218.- Counter-argument

Defendants, defense counsels and other participants in the procedure shall have the right to present their opinions on the arraignments made by procurators and put forward their requests. Procurators must present their arguments on each opinion.

Participants in the arguing process shall have the right to respond to opinions of others. The presiding judges must not restrict the arguing time, must create conditions for participants in the arguing process to present all opinions, but they shall, however, have the right to cut out opinions irrelevant to the cases.

The presiding judges shall have the right to request procurators to respond to opinions related to the cases, which are presented by defense counsels and other participants in the procedure but have not yet been touched upon by procurators in their arguments.

Article 219.- Reopening of inquiry

If, through the arguing process, they deem it necessary to further examine evidences, the trial panels may decide to reopen the inquiry. The arguing process must be continued once the inquiry ends.

Article 220.- Final words of defendants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Defendants shall then be allowed to say their final words. Questions must not be put while the defendants are saying their final words. The trial panels shall have the right to request the defendants not to dwell on matters irrelevant to the cases but must not restrict the time for them to say.

If, in their final words, the defendants additionally present new circumstances of important significance to the cases, the trial panels must decide to re-open the inquiry.

Article 221.- Consideration of withdrawal of prosecution decisions or conclusions on lesser offenses

1. When procurators withdraw part of their prosecution decisions or conclude on lesser offenses, the trial panels shall still continue adjudicating the cases.

2. Where procurators withdraw the whole of the prosecution decisions, the trial panels, before deliberating the judgments, shall request the participants in the procedure at the court sessions to give their opinions on such withdrawal.

Chapter XXII: DELIBERATION AND PRONUNCIATION OF JUDGMENTS

Article 222.- Deliberation of judgments

1. Only judges and jurors shall have the right to deliberate judgments. Members of the trial panels must settle all matters of the cases by majority vote on each matter. Judges shall vote last. Persons holding minority opinions shall have the right to present their opinions in writing for inclusion in the case files.

2. Where procurators withdraw the whole prosecution decisions, the trial panels shall still settle matters of the cases in the order prescribed in Clause 1 of this Article. If there are grounds to confirm that defendants are not guilty, the trial panels shall declare the defendants not guilty; if deeming that the withdrawal of the prosecution decisions is ungrounded, they shall decide to cease the cases and make proposals to the immediate superior procuracies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. All opinions and decisions of the trial panels made in the process of deliberating judgments must be recorded in the minutes. Judgment deliberation minutes must be signed by all members of the trial panels at the deliberation chambers before the judgments are pronounced.

Article 223.- Reopening of inquiry and argument

If they find, through judgment deliberation, that some circumstances of the cases have not yet been inquired into or have been insufficiently inquired into, the trial panels shall decide to reopen the inquiry and argument.

Article 224.- Judgments

1. The courts shall hand down judgments in the name of the Socialist Republic of Vietnam.

2. A judgment should contain the date, hour and venue of the court session; full names of members of the trial panel and court clerk; full names of procurators; full name, birth date, birth place, residence, occupation, educational level, social status and previous criminal records of the defendant; the date the defendant is held in custody and/or temporary detention; full name, age, occupation, birth place and residence of the defendant’s lawful representative; full name of the defense counsel; full names, ages, occupations, residences of the victim, civil plaintiff, civil defendant, persons with interests and obligations related to the case, and their lawful representatives.

3. A judgment must describe the commission of the offense by the defendant, analyze evidences arraigning and exculpating the defendant, determine where or not the defendant is guilty, and if guilty, which offense he/she has committed under which article and clause of the Penal Code, circumstances aggravating and extenuating his/her penal liability and how should they be handled. If the defendant is not guilty, the judgment must clearly state the grounds to confirm that the defendant is not guilty and deal with the restoration of his/her honor, legitimate rights and interests. The last part of a judgment shall contain the court’s decisions and the right to appeal against the judgment.

Article 225.- Proposal to remedy mistakes in the managerial work

1. Together with handing down judgments, the courts shall issue proposals to the concerned agencies and organizations to apply necessary measures to overcome crime causes and conditions at their agencies and organizations. Within thirty days after receiving the courts’ proposals, such agencies and organizations must notify in writing the courts of the measures already applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 226.- Pronouncement of judgments

All people present in the courtrooms must stand up when a judgment is pronounced. The presiding judge or another member of the trial panel shall read the judgment and may, after reading, explain further the execution of the judgment and the right to appeal.

If the defendant does not know Vietnamese, after the judgment is pronounced, the interpreter must read to the defendant the whole judgment in the language which the defendant knows.

Article 227.- Release of defendants

In the following cases, the trial panels must declare the immediate release at the court sessions of the defendants who are temporarily detained, provided that they are not temporarily detained for another offense:

1. The defendants are not guilty;

2. The defendants are exempt from penal liability or from serving the penalty;

3. The defendants are punished with penalties other than imprisonment.

4. The defendants are entitled to suspended judgments;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 228.- Arrest of defendants for temporary detention after the pronouncement of judgments

1. For defendants who are being temporarily detained and sentenced to imprisonment but their temporary detention time limits expire on the date the court sessions end, the trial panels shall issue decisions to hold the defendants in temporary detention in order to secure the judgment execution, except for the cases prescribed in Clause 4 and Clause 5 of Article 227 of this Code.

2. Where the defendants who are not held in temporary detention are sentenced to imprisonment, they shall only be arrested for temporary detention in order to serve the penalties when the judgments become legally valid. The trial panels may issue decisions to immediately arrest the defendants for temporary detention if they have grounds to believe that the defendants may escape or continue to commit other offenses.

3. The time limit for temporary detention of defendants prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article is forty five days as from the date of pronouncement of the judgments.

4. For defendants punished by capital punishment, the trial panels shall decide in the judgments on the continued temporary detention of the defendants to secure the execution of the judgments.

Article 229.- Handing of judgments

Within ten days after the date of pronouncement of the judgments, the first-instance courts must hand copies of the judgments to the defendants, the procuracies of the same level, and defense counsels, send them to persons tried in absentia and the police agencies of the same level; notify such in writing to the administrations of the communes, wards or townships where the defendants reside or the agencies or organizations where they work.

In case of trying defendants in absentia under the provisions of Point a or Point b, Clause 2, Article 187 of this Code, within the above-said time limit, copies of the judgments must be posted up at the offices of the administrations of the communes, wards or townships where the defendants last reside or of the agencies or organizations where they last work.

Victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases or their lawful representatives shall have the right to request the courts to provide them extracts or copies of the judgments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



APPELLATE TRIAL

Chapter XXIII: NATURE OF APPELLATE TRIAL AND RIGHTS TO APPEAL AND PROTEST

Article 230.- Nature of appellate trial

Appellate trial means the re-trial of the cases or the review of first-instance decisions by immediate superior courts when the first-instance judgments or decisions in such cases are appealed or protested against before they become legally valid.

Article 231.- Persons entitled to appeal

Defendants, victims and their lawful representatives shall have the right to appeal against first-instance judgments or decisions.

Defense counsels shall have the right to appeal in order to protect the interests of minors or persons with physical or mental defects.

Civil plaintiffs, civil defendants and their lawful representatives shall have the right to appeal against part of the judgments or decisions, which is related to damage compensation.

Persons with interests and obligations related to the cases and their lawful representatives shall have the right to appeal against part of the court judgment or decisions, which is related to their interests and obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Persons who are declared not guilty by the courts shall have the right to appeal against part the first-instance judgments declaring them not guilty regarding the reasons for such declaration.

Article 232.- Protests by procuracies

The procuracies of the same level and the immediate superior procuracies shall have the right to protest against first-instance judgments or decisions.

Article 233.- Procedures for lodging appeals and protests

1. Appellants must send their written appeals to the courts which have conducted first-instance trial or to the courts of appeal. If the defendants are under temporary detention, the superintendence boards of the detention centers must guarantee the defendants to exercise their right to appeal.

Appellants may also present their appeals directly to the courts which have conducted first-instance trials. The courts must make minutes of such appeals as prescribed in Article 95 of this Code.

2. The procuracies of the same level or immediate higher procuracies shall lodge written protests, clearly stating the reasons therefor. Written protests shall be addressed to the courts which have conducted first-instance trials.

Article 234.- Time limits for lodging appeals and protests

1. The time limit for lodging appeals is fifteen days after the date of pronouncement of judgments. For defendants or involved parties absent at the court sessions, the time limit for lodging appeals is counted from the date the copies of the judgments are handed to them or posted up.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. If written appeals are sent by post, the date of such appeals shall be the date of the postmarks affixed by the sending post offices on the envelops. Where written appeals are sent via the superintendence boards of the detention centers, the date of such appeals shall be the date the superintendence boards of the detention centers receive such written appeals.

Article 235.- Late appeals

1. Late appeals may be accepted if plausible reasons can be given.

2. The courts of appeal shall set up trial panels each consisting of three judges to consider the reasons for late appeals. Such trial panels shall have the right to decide to accept or reject late appeals.

Article 236.- Notification of appeals or protests

1. Appeals and protests must be notified in writing by the courts of first instance to the procuracies of the same level and participants in the procedure within seven days after their receipt.

2. Persons notified of the appeals or protests shall have the right to send their written opinions on the contents of such appeals or protests to the courts of appeal. Their opinions shall be included in the case files.

Article 237.- Consequences of appeals and protests

1. Parts of the judgments, which are appealed or protested against, shall not be executed, except for the cases prescribed in Clause 2, Article 255 of this Code. When the whole judgments are appealed or protested against, the whole judgments shall not be executed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 238.- Supplementation, change and withdrawal of appeals or protests

1. Before the opening of or during the appellate-court sessions, the appellants or procuracies shall have the right to supplement or change their appeals or protests, provided that such supplementation or change must not aggregate the situation of the defendants; or to withdraw part or the whole of their appeals or protests.

2. In cases where the whole appeals or protests are withdrawn at the court sessions, the appellate trial must be ceased. First-instance judgments shall become legally valid from the date the courts of appeal issue decisions to cease the appellate trial.

Article 239.- Appeals and protests against decisions of the courts of first instance

1. The time limit for the procuracies of the same level to protest against decisions of the courts of first instance is seven days and for immediate higher procuracies fifteen days, counting from the date of issuance of such decisions.

2. Decisions of the courts of first instance to suspend or cease the cases may be appealed against within seven days, counting from the date the persons with the right to appeal receive such decisions.

Article 240.- Validity of courts’ first-instance judgments or decisions which are not appealed or protested against

The courts’ first-instance judgments and decisions and parts thereof which are not appealed or protested against, shall become legally valid from the expiry date of the time limit for lodging appeals or protests.

Chapter XXIV: APPELLATE TRIAL PROCEDURES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The court of appeal shall consider the contents of appeals or protests. If deeming it necessary, they may examine other parts of the judgments, which are not appealed or protested against.

Article 242.- Time limit for appellate trial

The provincial-level people’s courts and the military zone-level military courts must open appellate court sessions within sixty days; the Court of Appeal of the Supreme People’s Court or the Central Military Court must open appellate court sessions within ninety days after receiving the case files.

At least fifteen days before opening court sessions, the courts of appeal must notify in writing the procuracies of the same level and participants in the procedure of the time and venue of the appellate trial of the cases.

Article 243.- Application, change or cancellation of deterrent measures by courts of appeal

1. After receiving the case files, the courts of appeal shall have the right to decide to apply, change or cancel deterrent measures. The application, change or cancellation of the temporary detention measure shall be decided by the presidents or vice-presidents of the provincial-level people’s courts or the military zone-level military courts or by the judges holding the post of president or vice-president of the Court of Appeal of the Supreme People’s Court.

The temporary detention time limit must not exceed the time limit for appellate trial prescribed in Article 242 of this Code.

2. For defendants being under temporary detention whose detention periods end on the date of opening the appellate court sessions, if deeming it necessary to continue their temporary detention in order to complete the trial, the courts shall issue orders to keep them in temporary detention until the end of the court sessions.

3. For defendants being under temporary detention and sentenced to imprisonment and whose temporary detention periods end on the date of completion of the court sessions, the trial panels shall issue decisions to keep them in temporary detention in order to secure the execution of their judgments, except for the cases prescribed in Clause 4 and Clause 5, Article 227 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The temporary detention time limit shall be forty five days after the date of pronouncement of the judgments.

Article 244.- Composition of the appellate trial panels

An appellate-trial panel shall be composed of three judges and possibly added two jurors in case of necessity.

Article 245.- Participants in appellate court sessions

1. At appellate court sessions, the participation by procurators of the procuracies of the same level is compulsory, if they do not appear, the court sessions must be postponed.

2. Defense counsels, defense counsels of the interests of the involved parties, appellants, persons with interests and obligations related to the appeals or protests shall be summoned to attend the court sessions. If any of them is absent for plausible reasons, the trial panels may still proceed with the trial but shall refrain from issuing judgments or decisions unfavorable to the absent defendant or involved party. Court sessions must be postponed in other cases.

The time limit for postponing a court session as prescribed in Clause 1 or Clause 2 of this Article or in Articles 45, 46 and 47 of this Code shall not exceed thirty days, counting from the date of issuance of the decision to postpone the court session.

3. The participation in court sessions by other persons shall be decided by the courts of appeal if they deem their appearance necessary.

Article 246.- Supplementation and examination of evidences at the courts of appeal

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Previous evidences, new evidences, newly added materials and/or objects must all be examined at the court sessions. Judgments of the courts of appeal must be based on both previous and new evidences.

Article 247.- Procedures at appellate court sessions

Appellate court sessions shall be conducted like first-instance ones but before the inquiry, one trial panel member must briefly present the case contents, decision(s) of the first-instance judgment, contents of the appeal or protest. In the arguing process, procurators must present the procuracies’ viewpoints on the settlement of the cases.

Article 248.- Appellate judgments and jurisdiction of courts of appeal

1. The courts of appeal shall hand down the judgments in the name of the Socialist Republic of Vietnam. A judgment should contain the date, hour and venue of the court session; full names of the members of the trial panel and the court clerk; the full names of the procurators; the full name, birth date, birth place, residence, occupation, educational level, social status and previous criminal records of the defendant; the date of custody or temporary detention of the defendant; the full name of the defense counsel; full names, ages, occupations and residences of the victim, civil plaintiff, civil defendant, persons with interests and obligations related to the case, and their lawful representatives.

A judgment must contain the brief content of the case, the process of settling the case, decisions of the first-instance judgment, the contents of the appeal or protest, and grounds to make one of the decisions defined in Clause 2 of this Article. The last part of a judgment shall contain the court decisions.

2. The courts of appeal shall have the right to decide:

a/ To reject the appeal or protest and keep the first-instance judgment unchanged;

b/ To amend the first-instance judgment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ To cancel the first-instance judgment and cease the case.

3. Appellate judgments shall become legally valid from the date of their pronouncement.

Article 249.- Amendment of first-instance judgments

1. The courts of appeal shall have the right to amend the first-instance judgments as follows:

a/ To exempt defendants from penal liability or penalty;

b/ To apply the Penal Code’s article and clauses on lesser offenses;

c/ To commute penalties for defendants;

d/ To reduce the levels of damage compensation and amend decisions on handling exhibits;

e/ To shift to lighter penalties; to retain the imprisonment term and hand down suspended sentences.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where the protesting procuracies or the appealing victims request, the courts of appeal may also increase penalties, apply the Penal Code’s articles and clauses on more serious offenses; increase the damage compensation levels; if the procuracies protest or the victims, civil plaintiffs or civil defendants appeal; if having grounds, the courts may also commute penalties, apply the Penal Code’s articles and clauses on lesser offenses, shift to lighter penalties; retain the imprisonment terms and hand down suspended sentences, or reduce the damage compensation levels.

Article 250.- Dismissal of first-instance judgments for re-investigation or re-trial

1. The courts of appeal shall dismiss the first-instance judgments when they find that the investigation at the first-instance level is insufficient and cannot be supplemented at the appellate level.

2. The courts of appeal shall dismiss the first-instance judgments for re-trial at the first-instance level with a new composition of the trial panel in the following cases:

a/ The composition of the first-instance trial panel did not conform to law provisions or showed other serious violations of the criminal procedure.

b/ There are grounds to believe that the persons who were declared not guilty by the first-instance courts had committed offences.

3. When dismissing the first-instance judgments for re-investigation or re-trial, the courts of appeal must clearly state in writing the reasons therefor.

4. When dismissing the first-instance judgments for re-trial, the courts of appeal shall neither decide in advance on evidences which the courts of first instance must accept or reject nor decide in advance on the Penal Code’s articles and clauses as well as penalties the courts of first instance must apply.

5. In case of dismissing the first-instance judgments for re-investigation or re-trial but the defendants’ temporary detention period has expired and if deeming it necessary to continue holding the defendants in temporary detention, the appellate trial panels shall issue decisions to continue keeping the defendants in temporary detention till the procuracies or the courts of first instance re-handle the cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 251.- Dismissal of first-instance judgments and cessation of cases

When having one of the grounds prescribed at Points 1 and 2, Article 207 of this Code, the courts of appeal shall dismiss the first-instance judgments, declare the defendants not guilty and cease the cases; if having one of the grounds prescribed at Points 3, 4, 5, 6 and 7, Article 107 of this Code, they shall dismiss the first-instance judgments and cease the cases.

Article 252.- Re-investigation or re-trial of criminal cases

After the courts of appeal dismiss the first-instance judgments for re-investigation or re-trial, the investigating bodies shall re-investigate, the procuracies re-institute and courts of first instance re-try the cases according to general procedures.

Article 253.- Appellate trial of decisions of courts of first instance

1. For appealed or protested decisions of the courts of first instance, the courts of appeal shall not have to open court sessions but may, if deeming it necessary, summon the necessary participants in the procedure and listen to their opinions before issuing decisions.

2. The courts of appeal shall have to issue decisions to settle appeals or protests within ten days after receiving the case files.

3. When examining the appealed or protested decisions of the courts of first instance, the courts of appeal shall have the powers defined in Article 248 of this Code.

4. Appellate decisions shall become legally valid from the date of their issuance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within ten days counting from the date of pronouncing the judgments or issuing the decisions, the courts of appeal must hand copies of the appellate judgments or decisions to the appellants, the courts, procuracies and police agencies of places where the cases were tried at the first-instance level, and to persons with interests and obligations related to the appeals or protests or their lawful representatives, the competent civil judgment-executing agencies in cases where the appellate judgments pronounce penalties of pecuniary fines, property confiscation and civil decisions; and notify in writing the administrations of the communes, wards or townships where the defendants reside or the agencies or organizations where they work. Where the appellate trial is conducted by the Court of Appeal of the Supreme People’s Court, this time limit may be longer but must not exceed twenty five days.

Victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases or their lawful representatives shall have the right to request the courts to provide them with extracts or copies of the judgments.

Part Five

EXECUTION OF COURT JUDGMENTS AND DECISIONS

Chapter XXV: GENERAL PROVISIONS ON EXECUTION OF COURT JUDGMENTS AND DECISIONS

Article 255.- Judgments and decisions to be executed

1. Judgments and decisions to be executed are those which have become legally valid, including:

a/ Judgments and decisions of the courts of first instance, which are not appealed or protested against according to the appellate procedures;

b/ Judgments and decisions of the courts of appeal;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For cases where defendants are kept in temporary detention but the courts of first instance decide to cease the cases, not to convict them, exempt them from penal liability or penalty, to hand down non-custodial penalties or suspended sentences or where the imprisonment terms are equal to or shorter than the temporary detention periods, the court judgments or decisions shall be immediately executed though they may be protested or appealed against.

Article 256.- Procedures for execution of court judgments and decisions

1. Within seven days after the court judgments or decisions become legally valid or after receiving the appellate judgments or decisions, the cassation-trial or reopening trial decisions, the presidents of the courts which have conducted the first-instance trials shall have to issue decisions to execute the judgments or entrust other courts of the same level to issue decisions to execute the judgments.

2. A decision to execute a judgment must contain the full name of its issuer; the name of the agency tasked to execute the judgment or decision; the full name, birth date and residence of the convict; the judgment or decision the convict must serve.

Where the convicts are on bail, the decisions to execute the imprisonment sentences must clearly state that within seven days after receiving the decisions, the convicts must appear at the police offices to serve their sentences.

3. Decisions to execute judgments and judgment or decision extracts must be sent to the procuracies of the same level of the places where the judgments are to be executed, the judgment-executing agencies and the convicts.

4. If the persons on bail escape after being sentenced to imprisonment, the presidents of the courts which have issued the decisions to execute the judgments shall request the investigating bodies of the same level to issue pursuit warrants.

Article 257.- Agencies, organizations tasked to execute court judgments and decisions

1. The police agencies shall execute the penalties of expulsion, termed imprisonment, life imprisonment and join the councils for execution of death penalties as prescribed in Article 259 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The execution of penalties of probation, residence ban, deprivation of a number of civic rights, ban from holding certain positions, ban from practicing certain occupations or doing certain jobs shall be undertaken by the commune, ward or township administrations or agencies or organizations, where the judgments are executed.

4. Specialized medical establishments shall execute decisions on compulsory medical treatment.

5. Civil judgment-executing agencies shall execute penalties of pecuniary fine or property confiscation and civil decisions in criminal cases. The commune, ward or township administrations or agencies or organizations shall be tasked to assist executors in executing the judgments. If it is necessary to apply forcible measures to execute the judgments, the police and other concerned agencies shall have to coordinate therein.

6. The execution of judgments and decisions of military courts shall be undertaken by organizations in the army, except for the penalty of expulsion.

7. Judgment-executing agencies must report to the presidents of the courts which have issued decisions to execute the judgments on the execution of the judgments or decisions; and state clearly the reasons if they cannot execute them yet.

Chapter XXVI: EXECUTION OF DEATH PENALTY

Article 258.- Procedures for consideration of death judgments before execution

1. After the death judgments become legally valid, the case files must be immediately sent to the President of the Supreme People’s Court and the judgments must be immediately sent to the Chairman of the Supreme People’s Procuracy.

Within two months after receiving the judgments and case files, the President of the Supreme People’s Court and the Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall have to decide to protest or not to protest against the judgments according to cassation or reopening procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Death judgments shall be executed if they are not protested against by the President of the Supreme People’s Court and the Chairman of the Supreme People’s Procuracy according to cassation or reopening procedures.

Where the death judgments are protested against according to cassation or reopening procedures but the cassation trial panel or the reopening trial panel of the Supreme People’s Court decides to reject such protests and retain the death judgments, the Supreme People’s Court must immediately notify the convicts thereof so that the latter can make petitions for commutation of their death penalties.

Where the convicts have made petitions for commutation of their death penalties, the death penalties shall be executed after the State President rejects their petitions.

Article 259.- Execution of death penalty

1. The presidents of the courts which have conducted first-instance trials shall issue execution decisions and set up the councils for execution of death penalty, each consisting of representatives of the court, procuracy and police. The judgment-executing councils must check the identity cards of the convicts before executing the judgments.

Where the convicts are women, before issuing decisions to execute the judgments, the presidents of the courts which have conducted first-instance trials shall have to examine the conditions for non-application of death penalty, prescribed in Article 35 of the Penal Code. If there are grounds that the convicts meet the conditions prescribed in Article 35 of the Penal Code, the presidents of the courts which have conducted first-instance trial shall not issue decisions to execute the judgments and report such to the President of the Supreme People’s Court for consideration and commutation of the death penalty to life imprisonment for the convicts.

Before executing women convicts, the judgment-executing councils shall, apart from checking their identity cards, have to check the documents related to the conditions for non-application of the death penalty prescribed in Article 35 of the Penal Code.

Where the judgment-executing councils detect that the convicts meet the conditions prescribed in Article 35 of the Penal Code, they shall postpone the execution and report such to the presidents of the courts which have conducted first-instance trial for reporting to the President of the Supreme People’s Court for consideration and commutation of the death penalty to life imprisonment for the convicts.

2. Before the execution, the convicts must be handed and read the decisions to execute the judgments, decisions not to protest against the judgments, made by the President of the Supreme People’s Court and decisions not to protest against the judgments, made by the Chairman of the Supreme People’s Procuracy; if the convicts have made petitions for commutation of their death penalty, they must be handed and read the State President’s decisions to reject their commutation petitions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The execution of death penalty must be recorded in a minutes which must clearly state the handing of decisions to the convicts for reading, their words, correspondence and articles they have left to their relatives.

5. In special circumstances, the judgment-executing councils shall postpone the execution and report such to the presidents of the courts which have issued the execution decisions for further reporting to the President of the Supreme People’s Court.

Chapter XXVII: EXECUTION OF IMPRISONMENT PENALTIES AND OTHER PENALTIES

Article 260.- Execution of imprisonment penalties

1. If the convicts are under temporary detention, the police agencies must permit them to meet their relatives before serving their sentences at the requests of the convicts’ relatives.

The superintendence boards of the prisons must notify the convicts’ families of the places where such convicts shall serve their penalties.

2. Where the convicts are on bail, past the time limit if they do not appear at the police offices to serve their penalties, they shall be escorted.

3. The presidents of the courts which have issued judgment execution decisions must monitor the execution of the judgments. The police agencies must notify the courts of the arrest of the convicts for execution of the judgments or of the reasons for failure to arrest them and measures to be taken to ensure the execution of the judgments.

4. Where the persons who are serving their imprisonment penalties escape from the prisons, the police agencies shall issue pursuit warrants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. For persons who are sentenced to imprisonment but on bail, the presidents of the courts which have issued judgment execution decisions may permit on their own or at the requests of the procuracies or police agencies of the same level or the convicts to postpone the serving of imprisonment penalties in the cases prescribed in Clause 1, Article 61 of the Penal Code.

2. At least seven days before the expiry of the period of postponement of the serving of imprisonment penalties, the presidents of the courts which have permitted the postponement must issue judgment execution decisions and immediately send them together with the copies of the legally valid imprisonment judgments and/or decisions to the police agencies of the same level and the convicts before the expiry of the period of postponement of the serving of imprisonment penalties.

Past seven days after the expiry of the period of postponement of the serving of imprisonment penalties, if the convicts do not appear at the police offices without plausible reasons in order to go to serve their imprisonment penalties, the police agencies shall have to escort them to go to serve their imprisonment penalties.

Article 262.- Suspension of serving of imprisonment penalties

1. At the requests of the procuracies or the superintendence boards of the prisons where the convicts are serving their imprisonment penalties:

a/ The presidents of the provincial-level courts of the places where the convicts are serving their imprisonment penalties may allow such convicts to temporarily stop serving their imprisonment penalties in the cases prescribed at Point a, Clause 1 of Article 61, and in Article 62 of the Penal Code.

b/ The presidents of the courts which have issued judgment execution decisions may allow the persons serving their imprisonment penalties to temporarily stop serving their imprisonment penalties in the cases prescribed at Points b, c and d, Clause 1 of Article 61, and in Article 62 of the Penal Code.

At least seven days before the expiry of the period of suspension of imprisonment penalties, the presidents of the courts which have permitted the suspension of serving of imprisonment penalties must issue judgment execution decisions with regard to the remaining part of their penalties and immediately send such decisions to the police agencies of the same level in the same places of the courts which have issued the suspension decisions and to the convicts.

Past seven days after the expiry of the period of suspension of the serving of imprisonment penalties, if the convicts do not appear at the police offices without plausible reasons in order to go to serve their imprisonment penalties, the police agencies shall have to escort them to go to serve their imprisonment penalties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 263.- Management of persons enjoying postponement or suspension of serving of imprisonment penalties

1. Persons enjoying the postponement or suspension of the serving of imprisonment penalties shall be assigned to the commune, ward or township administrations of the places where they reside or the agencies or organizations where they work for management. They must not go elsewhere without the permission of the commune, ward or township administrations or the agencies or organizations that manage them.

2. During the period of postponement or suspension of the serving of imprisonment penalties, if the convicts commit serious law violations or there emerge grounds to believe that they may abscond, the presidents of the courts which have permitted the postponement or suspension of the serving of imprisonment penalties shall cancel such decisions then issue judgment execution decisions to force them to serve their imprisonment penalties. Such judgment execution decisions shall be sent to the police agencies of the same level in the same localities of the decision-issuing courts. Immediately after receiving the judgment execution decisions, the police agencies must organize the arrest and escort of the convicts to go to serve their imprisonment penalties.

Article 264.- Execution of suspended sentences and non-custodial reform penalty

Persons subject to suspended sentence and persons subject to non-custodial reform penalty shall be assigned to the commune, ward or township administrations of the places where they reside or the agencies or organizations where they work for supervision and education.

Article 265.- Execution of expulsion penalty

Persons subject to expulsion must get out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam within fifteen days after the execution decisions are issued. Where the persons subject to expulsion penalty must also serve other penalties or perform other obligations, the time limit for them to get out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam shall be prescribed by law.

Article 266.- Execution of probation or residence ban penalty

For persons subject to probation, after they have completely served their imprisonment penalties, they shall be assigned to the commune, ward or township administrations of the places where they reside for execution of the probation penalty. Persons subject to residence ban shall not be allowed to temporarily or permanently reside in the localities where they are banned from residing in.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Decisions to execute fine or property confiscation judgments must be sent to the procuracies of the same level, executors, convicts and the administrations of the communes, wards or townships where the convicts reside.

Property confiscation shall be conducted under the provisions of Article 40 of the Penal Code.

Chapter XXVIII: REDUCTION OF PENALTY TERMS OR EXEMPTION FROM SERVING PENALTIES

Article 268.- Conditions for reduction of penalty terms or exemption from serving penalties

1. Persons who are serving imprisonment, non-custodial reform, residence ban or probation penalties may have the terms of serving such penalties reduced under the provisions of Articles 57, 58, 59 and 76 of the Penal Code; if they have not yet served their penalties, they may be exempt from serving the whole penalties under the provisions of Clauses 1, 2, 3 and 5, Article 57 of the Penal Code.

Persons who are allowed to temporarily stop serving their imprisonment penalties may be exempt from serving the remainder of their penalties under the provisions of Clause 4, Article 57 of the Penal Code.

Persons who have served part of their fine penalties may be exempt from paying the remaining amounts of fine under the provisions of Clause 2, Article 58 and Clause 3, Article 76 of the Penal Code.

2. Persons subject to suspended sentence may have their testing periods shortened under the provisions of Article 60 of the Penal Code.

Article 269.- Procedures for reduction of penalty terms or exemption from serving penalties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The courts competent to decide on the exemption from serving imprisonment penalties shall be provincial-level people’s courts or military zone-level military courts of the places where the convicts reside or work.

The reduction of the terms of, or exemption from serving, other penalties or reduction of the testing periods shall be decided by the district-level people’s courts or the regional military courts of the places where the convicts are serving their penalties or undergoing the test.

2. Dossiers of application for exemption from serving non-custodial reform penalties, exemption from serving the whole or remainder of imprisonment penalties, exemption from paying remaining fine amounts must contain the proposals of the chairmen of the procuracies of the same level.

Dossiers of application for reduction of imprisonment terms must contain the proposals of the agencies executing the imprisonment penalties.

Dossiers of application for reduction of the terms of non-custodial reform penalties must contain the proposals of the agencies, organizations or local administrations assigned to directly supervise and educate the convicts.

Dossiers of application for reduction of, or exemption from serving, other penalties or shortening of the testing periods of suspended sentences must contain the proposals or comments of the agencies or organizations tasked to execute the judgments as prescribed in Article 257 of this Code.

3. While a court considers the reduction of penalty terms or exemption from serving penalties, one member of the court shall present the matters to be considered, then a representative of the procuracy shall express his/her opinions. The court shall issue a decision to accept or reject the application for reduction of penalty terms or exemption from serving penalties or for shortening of the testing period.

Chapter XXIX: REMISSION OF CRIMINAL RECORDS

Article 270.- Automatic remission of criminal records

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 271.- Remission of criminal records by court decisions

1. In the cases prescribed in Article 65 and Article 66 of the Penal Code, the remission of criminal records shall be decided by courts. The convicts must file their applications with the courts which have conducted the first-instance trial of their cases together with the comments of the commune, ward or township administrations of the places where they reside or the agencies or organizations where they work.

2. The presidents of the courts which have conducted the first-instance trial shall transfer the case files to the procuracies of the same level for the latter to state in writing their opinions on the applications for remission of criminal records. If deeming that all conditions are satisfied, the presidents shall issue decisions to remit the criminal records; if conditions are not fully met, the presidents of the courts shall decide to reject such applications.

Part Six

REVIEW OF LEGALLY VALID JUDGMENTS AND DECISIONS

Chapter XXX: CASSATION PROCEDURES

Article 272.- Nature of cassation procedures

Cassation mean the review of a legally valid judgment or decision which is protested against because of serious law violations detected in the handling of the case.

Article 273.- Grounds to lodge protests according to cassation procedures

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The inquiry at the court session is one-sided or insufficient;

2. The conclusion in the judgment or decision does not suit the objective circumstances of the case;

3. Serious violations of criminal procedures are committed in the investigation, prosecution or trial;

4. Serious mistakes are made in the application of the Penal Code.

Article 274.- Discovery of legally valid judgments or decisions which need to be reviewed according to cassation procedures

The convicts, agencies, organizations and all citizens shall have the right to discover law violations in legally valid court judgments and decisions and notify them to the persons with the right to protest as prescribed in Article 275 of this Code.

If discovering law violations in the legally valid court judgments or decisions, the procuracies or courts must notify such to the persons with the right to protest as prescribed in Article 275 of this Code.

Article 275.- Persons with the right to protest according to cassation procedures

1. The President of the Supreme People’s Court and the Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall have the right to protest according to cassation procedures against the legally valid judgments or decisions of the courts of different levels, except for decisions of the Judges’ Council of the Supreme People’s Court.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The presidents of the provincial-level people’s courts and the chairmen of the provincial-level people’s procuracies, the presidents of the military zone-level military courts and the chairmen of the military zone-level military procuracies shall have the right to protest according to cassation procedures against legally valid judgments or decisions of their respective subordinate courts.

Article 276.- Suspension of execution of judgments or decisions which have been protested against according to cassation procedures

Those who have protested against legally valid judgments or decisions shall have the right to decide to suspend the execution of such judgments or decisions.

Decisions to suspend the execution of judgments must be sent to the courts and procuracies which have been in charge of the first-instance trial and the competent judgment-executing agencies.

Article 277.- Protests according to cassation procedures

1. Protests according to cassation procedures must clearly state the reasons and sent to:

a/ The courts which have issued the protested judgments or decisions;

b/ The courts which will conduct the cassation trial;

c/ The convicts, and the persons with rights and interests related to the protests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Before the start of a court session of cassation, the protestors shall have the right to supplement their protests provided that the time limit for lodging protests prescribed in Article 278 of this Code has not yet expired, or withdraw their protests.

Article 278.- Time limit for lodging protests according to cassation procedures

1. Protests unfavorable to the convicts must be lodged only within one year counting from the date the judgments or decisions become legally valid.

2. Protests favorable to the convicts may be lodged at any time, even in the cases where the convicts are deceased and it is necessary to prove their innocence.

3. Civil protests in criminal cases against civil plaintiffs, civil defendants or persons with interests and obligations related to the cases shall be lodged in accordance with the provisions of civil procedure legislation.

Article 279.- Jurisdiction to review cases according to cassation procedures

1. The Judges’ Committees of the provincial-level people’s courts shall review according to cassation procedures legally valid judgements or decisions of the district-level people’s courts. The Judges’ Committees of the military zone-level military courts shall review according to cassation procedures legally valid judgements or decisions of the regional military courts.

2. The Criminal Tribunal of the Supreme People’s Court shall review according to cassation procedures legally valid judgments or decisions of the provincial-level people’s courts. The Central Military Court shall review according to cassation procedures legally valid judgements or decisions of the military zone-level military courts.

3. The Judges’ Council of the Supreme People’s Court shall review according to cassation procedures legally valid judgements or decisions of the Central Military Court, of the Criminal Tribunal or the courts of appeal of the Supreme People’s Court, which have been protested against.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 280.- Participants in court sessions of cassation

A court session of cassation must be participated by the procuracy of the same level.

When deeming it necessary, the court must summon the convict, defense counsel and possibly persons with interests and obligations related to the protest to participate in the court session of cassation

Article 281.- Composition of cassation panels

1. The cassation panel of the Criminal Tribunal of the Supreme People’s Court or the Central Military Court shall consist of three judges. If the Judges’ Committees of the provincial-level people’s courts, the Judges’ Committees of the military zone-level military courts or the Judges’ Council of the Supreme People’s Court review the cases according to cassation procedures, at least two thirds of the total numbers of the Judges’ Committees or Judges’ Council shall participate in the trial.

Cassation decisions of the Judges’ Committees or Judges’ Council must be approved by more than half of the total number of members of the Judges’ Committees or Judges’ Council.

2. At the court sessions of cassation conducted by the Judges’ Committees of the provincial-level people’s courts, the Judges’ Committees of the military zone-level military courts, of the Judges’ Council of the Supreme People’s Court, the voting on the contents of the protests must be in the order that opinions for the protests are followed by opinions against the protests. If neither opinions for or against are approved by more than half of the total number of the Judges’ Committees or Judges’ Council, the court sessions must be postponed. Within thirty days after the issuance of the decisions to postpone the court sessions, the Judges’ Committees or Judges’ Council must open court sessions to re-try the cases with the participation of all of their members.

Article 282.- Preparation for and proceedings at court sessions of cassation

1. The president of the court shall assign one judge to make a presentation on the case at the court session. The presentation shall summarize the contents of the case, judgments and decisions of the courts at different levels, and the contents of the protest. The presentation must be sent to the members of the panel at least seven days before the date of opening the court session of cassation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the convict, defense counsel, persons with interests and obligations related to the protests are summoned, these persons shall present their opinions before the representative of the procuracy. If they are absent, the cassation panel may still conduct the trial.

Article 283.- Time limit for cassation

Court sessions of cassation must be conducted within four months counting from the date of receipt of the protests.

Article 284.- Scope of cassation

The cassation panels must examine the whole cases without restricting the review to the contents of the protests.

Article 285.- Competence of cassation panels

The cassation panels shall have the right to issue decisions:

1. To reject the protests and retain the legally valid judgments or decisions;

2. To dismiss the legally valid judgments or decisions and cease the cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 286.- Dismissal of judgments or decisions and cessation of cases

The cassation panels shall dismiss legally valid judgments or decisions if they have one of the grounds prescribed in Article 107 of this Code.

Article 287.- Dismissal of legally valid judgments or decisions for re-investigation or re-trial

The cassation panels shall dismiss legally valid judgments or decisions which are protested against for re-investigation or re-trial if they have one of the grounds prescribed in Article 273 of this Code. If they find re-trial necessary, the cassation panels may, on a case-by-case basis, decide on the re-trial from the first-instance level or at the appellate level.

In case of dismissing the protested judgments or decisions for re-investigation or re-trial, if deeming it necessary to continue the temporary detention of defendants, the cassation panels shall issue orders to keep such defendants in temporary detention until the procuracies or courts re-handle the cases.

Article 288.- Effect of cassation decisions and handing of cassation decisions

1. Decisions of the cassation panels shall become legally valid as from the date of their issuance.

2. Within ten days as from the date of issuing the cassation decisions, the cassation panels must send them to the convicts, protestors, courts and police agencies which have been involved in the first-instance trial, persons with interests and obligations related to the protests or their lawful representatives, and competent judgment-executing agencies; and send notices thereon to the administrations of the communes, wards or townships where the convicts reside or the agencies or organizations where they work.

Article 289.- Re-investigation, re-trial of cases after the cassation panels dismiss judgments or decisions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the cassation panels decide to dismiss legally valid judgments or decisions for re-trial of the cases at the first-instance level or appellate level, within fifteen days after the date of issuance of such decisions, the case files must be transferred to the competent courts for re-trial according to general procedures.

Chapter XXXI: REOPENING PROCEDURES

Article 290.- Nature of reopening procedures

Reopening procedures shall be applied to legally valid judgments or decisions which are protested against due to newly discovered new circumstances which may substantially change the contents of such judgments or decisions but were unknown to the courts when they issued such judgments or decisions.

Article 291.- Grounds to protest according to reopening procedures

Circumstances to be used as grounds to protest according to reopening procedures include:

1. Statements of witnesses, expertise conclusions, oral interpretations of interpreters contain important contents discovered to be untruthful;

2. Investigators, procurators, judges or jurors made incorrect conclusions, thus leading to the wrong trial of the cases;

3. Exhibits, investigation records, records of other proceedings or other documents in the cases are forged or not truthful;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 292.- Notification and verification of newly discovered circumstances

1. The convicts, agencies, organizations and all citizens shall have the right to discover new circumstances of the cases and report them to the procuracies or courts. The chairmen of the procuracies competent to protest according to reopening procedures shall issue decisions to verify such circumstances.

2. If there exists one of the grounds prescribed in Article 291 of this Code, the chairmen of the procuracies shall issue decisions to protest according to reopening procedures and transfer the case files to the competent courts. If none of such grounds exists, the chairmen of the procuracies shall reply the discovering agencies, organizations or persons, clearly stating the reasons for not lodging protests.

Article 293.- Persons with the right to protest according to reopening procedures

1. The Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall have the right to protest according to reopening procedures against legally valid judgments or decisions of courts of different levels, except for decisions of the Judges’ Council of the Supreme People’s Court.

2. The Chairman of the Central Military Procuracy shall have the right to protest according to reopening procedures against legally valid judgments or decisions of subordinate military courts.

3. The chairmen of the provincial-level people’s procuracies shall have the right to protest according to reopening procedures against legally valid judgments or decisions of the district-level people’s courts. The chairmen of the military zone-level military procuracies shall have the right to protest according to reopening procedures against legally valid judgments or decisions of the regional military courts.

4. Written protests of the persons prescribed in this Article must be sent to the convicts and persons with interests and obligations related to the protests.

Article 294.- Suspension of execution of judgments or decisions which are protested against according to reopening procedures

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 295.- Time limit for lodging protests according to reopening procedures

1. Review according to reopening procedures unfavorable to the convicts must be conducted within the statute of limitations for penal liability examination prescribed in Article 23 of the Penal Code and the time limit for lodging such protests shall not exceed one year after the date the procuracies receive information on newly discovered circumstances.

2. Review according to reopening procedures favorable to the convicts shall not be restricted temporally and shall be conducted even in the cases where the convicts are deceased and it is necessary to prove their innocence.

3. Civil protests in criminal cases against civil plaintiffs, civil defendants or persons with interests and obligations related to the cases shall be lodged in accordance with the provisions of civil procedure legislation.

Article 296.- Jurisdiction to review cases according to reopening procedures

1. The Judges’ Committees of the provincial-level people’s courts shall review according to reopening procedures legally valid judgements or decisions of the district-level people’s courts. The Judges’ Committees of the military zone-level military courts shall review according to reopening procedures legally valid judgements or decisions of the regional military courts.

2. The Criminal Tribunal of the Supreme People’s Court shall review according to reopening procedures legally valid judgments or decisions of the provincial-level people’s courts. The Central Military Court shall review according to reopening procedures legally valid judgements or decisions of the military zone-level military courts.

3. The Judges’ Council of the Supreme People’s Court shall review according to reopening procedures legally valid judgements or decisions of the Central Military Court, of the Criminal Tribunal or the court of appeal of the Supreme People’s Court.

Article 297.- Conducting of reopening procedures

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 298.- Jurisdiction of reopening procedure panels

The reopening procedure panels shall have the right to issue decisions:

1. To reject the protests and retain the legally valid judgments or decisions;

2. To dismiss the protested judgments or decisions for re-investigation or re-trial.

3. To dismiss the protested judgments or decisions and cease the cases;

Article 299.- Effect of reopening procedure decisions and handing of reopening procedure decisions

1. Decisions of the reopening procedure panels shall take legal effect as from the date of their issuance.

2. Within ten days after issuing the reopening procedure decisions, the reopening procedure panels must send them to the convicts, protestors, courts and police agencies which have been involved in the first-instance trial, persons with interests and obligations related to the protests or their lawful representatives, and competent judgment-executing agencies; and send notices thereon to the administrations of the communes, wards or townships where the convicts reside or the agencies or organizations where the convicts work.

Article 300.- Re-investigation, re-trial of cases

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. If the reopening procedure panels decide to dismiss legally valid judgments or decisions for first-instance re-trial of the cases, within fifteen days as from the date of issuance of such decisions, the case files must be transferred to the competent courts for re-trial according to general procedures.

Part Seven

SPECIAL PROCEDURES

Chapter XXXII: PROCEDURES APPLICABLE TO MINORS

Article 301.- Scope of application

The criminal procedure applicable to arrestees, persons kept in custody, accused and defendants, who are minors, shall comply with the provisions of this Chapter, and concurrently with other provisions of this Code which are not contrary to those of this Chapter.

Article 302.- Investigation, prosecution and trial

1. Investigators, procurators and judges who carry out the criminal procedure towards minor offenders must possess necessary knowledge about the psychology and education of minors as well as activities of preventing and fighting crimes committed by minors.

2. In the process of investigation, prosecution and trial, the following information must be clarified:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Living and education conditions;

c/ Whether or not they are incited by adults;

d/ Causes and conditions of the commission of offenses.

Article 303.- Arrest, custody and temporary detention

1. Persons aged between full 14 years and under 16 years may be arrested, held in custody or temporary detention if there are sufficient grounds prescribed in Articles 80, 81, 82, 86, 88 and 120 of this Code, but only in cases where they commit very serious offenses intentionally or commit especially serious offenses.

2. Persons aged between full 16 years and under 18 years may be arrested, held in custody or temporary detention, if there are sufficient grounds prescribed in Articles 80, 81, 82, 86, 88 and 120 of this Code, but only in cases where they commit serious offenses intentionally or commit very serious or especially serious offenses.

3. The bodies ordering the arrest, custody or temporary detention of minors must notify their families or lawful representatives thereof immediately after the arrest, custody or temporary detention is effected.

Article 304.- Supervision of minor offenders

1. The investigating bodies, procuracies or courts may issue decisions to assign minor offenders to their parents or guardians for supervision so as to secure their appearance in response to the summonses of the procedure-conducting bodies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 305.- Defense

1. Lawful representatives of persons kept in custody, the accused or defendants who are minors may select defense counsels to defend or defend by themselves the persons kept in custody, the accused or defendants.

2. Where the accused or defendants are minors or their lawful representatives refuse to select defense counsels for them, the investigating bodies, procuracies or courts must request bar associations to assign lawyers’ offices to appoint defense counsels for them or propose the Vietnam Fatherland Front Committee or the Front’s member organizations to appoint defense counsels for their organizations’ members.

Article 306.- Participation in the procedure by families, schools and organizations

1. Representatives of the families of the persons kept in custody, the accused or defendants, teachers or representatives of schools, the Ho Chi Minh Communist Youth Union or other organizations where the persons kept in custody, the accused or defendants study, work and live shall have the right as well as obligation to participate in the procedure under decisions of the investigating bodies, procuracies or courts.

2. Where the persons kept in custody or the accused are between full 14 years and under 16 years old or minors with mental or physical defects, or in other necessary cases, the taking of their statements and interrogation must be attended by their families’ representatives, except for the cases where their families’ representatives are deliberately absent without plausible reasons. The families’ representatives may inquire the persons kept in custody or the accused, if the investigators so agree; they may produce documents, objects, make requests or complaints, and read the case files upon the termination of the investigation.

3. At the court sessions to try minor defendants, the presence of their families’ representatives, except for the cases where their families’ representatives are deliberately absent without plausible reasons, of their schools’ and/or organizations’ representatives is compulsory.

Representatives of the defendants’ families and representatives of their schools and/or organizations attending the court sessions shall have the rights to produce documents, exhibits, to request or propose to change the procedure-conducting persons; to join in the arguing process, and lodge complaints about procedural acts of the persons with procedure-conducting competence, and court decisions.

Article 307.- Trial

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case of necessity, the courts may decide to conduct the trial behind closed door.

2. In the course of trial, if deeming it unnecessary to impose penalties on the defendants, the courts may apply one of the judicial measures prescribed in Article 70 of the Penal Code.

Article 308.- Serving of imprisonment penalties

1. Minor offenders shall serve their imprisonment penalties according to a separate detention regime prescribed by law.

It is forbidden to keep minor offenders together with adult offenders.

2. The minor convicts must be provided with job training or general education while they are serving their imprisonment penalties.

3. If the minors reach the age of full 18 years while serving their imprisonment penalties, they shall be shifted to be subject to the imprisonment regime applicable to adults.

4. For minors who have completely served their imprisonment penalties, the superintendence boards of their prisons shall have to coordinate with the administrations and social organizations in the communes, wards or townships in helping them to lead a normal life in the society.

Article 309.- Termination of serving of judicial measures, commutation of penalties or exemption from serving of penalties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 310.- Remission of criminal records

The remission of criminal records for minor offenders who fully meet the conditions specified in Article 77 of the Penal Code shall comply with general procedures.

Chapter XXXIII: PROCEDURES FOR APPLICATION OF THE COMPULSORY MEDICAL TREATMENT MEASURE

Article 311.- Conditions for application of, and competence to apply, the compulsory medical treatment measure

1. Where there are grounds to believe that the persons having committed acts dangerous to the society have no capacity for penal liability as provided for in Article 13 of the Penal Code, depending each particular proceeding stage, the investigating bodies, procuracies or courts must solicit forensic examination.

2. Basing themselves on the conclusions of the forensic examination councils, the procuracies shall decide to apply the compulsory medical treatment measure at the investigation and prosecution stages; the courts shall decide to apply the compulsory medical treatment measure at the trial and judgment execution stages.

Article 312.- Investigation

1. For the cases involving grounds specified in Clause 1, Article 311 of this Code, the investigating bodies must clarify:

a/ Committed acts dangerous to the society;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Whether or not the persons having committed acts dangerous to the society have lost their capacity to perceive or control their acts.

2. When conducting the procedure, the investigating bodies must ensure the participation by defense counsels in the procedure from the time it is determined that the persons having committed acts dangerous to the society suffer from mental diseases. In case of necessity, lawful representatives of such persons may participate in the proceedings.

Article 313.- Decisions of procuracies upon termination of investigation

After receiving the case files and the written investigation conclusions, the procuracies may issue one of the following decisions:

1. To suspend or cease the case;

2. To cease the case and decide to apply the compulsory medical treatment measure.

3. To prosecute the accused before court.

Article 314.- Trial

1. The courts may issue one of the following decisions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To cease the case and decide to apply the compulsory medical treatment measure;

c/ To suspend the case and decide to apply the compulsory medical treatment measure;

d/ To return the file for re-investigation or additional investigation.

2. Apart from deciding to apply the compulsory medical treatment measure, the courts may settle the issue of damage compensation or other matters related to the cases.

Article 315.- Application of the compulsory medical treatment measure to persons serving imprisonment penalties

Where there are grounds to believe that the persons who are currently serving imprisonment penalties suffer from mental diseases or other ailments which have deprived them of the capacity to perceive or control their acts, at the requests of the imprisonment penalty-executing agencies, the presidents of the provincial-level people’s courts or the presidents of the military zone-level military courts in the localities where the convicts are serving their penalties must solicit forensic examination.

Basing themselves on the conclusions of the forensic examination councils, the presidents of the provincial-level people’s courts or the presidents of the military zone-level military courts in the localities where the convicts are serving their penalties may decide to send them into specialized medical establishments for compulsory medical treatment. After recovery, such persons shall have to continue serving their penalties if they have no reasons for exemption from serving their penalties.

Article 316.- Complaints, protests, appeals

1. When the procuracies’ decisions to apply the compulsory medical treatment measure are complained about, the cases must be brought for first-instance trial by the courts of the same level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Despite complaints, protests or appeals, the courts’ decisions to apply the compulsory medical treatment measure shall still take implementation effect.

Article 317.- Implementation, suspension of implementation of the compulsory medical treatment measure

1. The compulsory medical treatment measure shall be implemented at specialized medical establishments designated by the procuracies or courts.

2. When there are reports of the medical treatment establishments and written requests of the relatives of the persons subject to compulsory medical treatment or requests of the procuracies, on the basis of the conclusions of the forensic medicine examination councils, the procuracies or courts which have issued the decisions to apply the compulsory medical treatment measure may issue decisions to cease the implementation of the compulsory medical treatment measure and may concurrently decide to resume the suspended proceedings.

Chapter XXXIV: SUMMARY PROCEDURES

Article 318.- Scope of application of summary procedures

The summary procedures for investigation, prosecution as well as first-instance trial shall be applied under the provisions of this Chapter, and concurrently under other provisions of this Code which are not contrary to those of this Chapter.

Article 319.- Conditions for application of summary procedures

Summary procedures shall be applied only when the following conditions are fully met:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The offenses are simple with obvious evidences;

3. The committed offences are less serious ones;

4. The offenders have clear personal identifications and records.

Article 320.- Decisions to apply summary procedures

1 After the criminal cases are instituted, at the requests of the investigating bodies or if deeming that the cases fully meet the conditions prescribed in Article 319 of this Code, the procuracies may issue decisions to apply summary procedures.

2. Decisions to apply summary procedures must be sent to the investigating bodies and the accused or their lawful representatives within 24 hours after their issuance.

3. Decisions to apply summary procedures may be complained about. The accused or their lawful representatives shall have the right to complain about the decisions to apply summary procedures; the statute of limitations for lodging such complaints is three days after the decisions are received. Complaints shall be sent to the procuracies which have issued the decisions to apply summary procedures and must be settled within three days after they are received.

Article 321.- Investigation

1. The time limit of investigation according to summary procedures is twelve days after the issuance of the decisions to institute the criminal cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 322.- Custody and temporary detention for investigation and prosecution

1. The grounds, competence and procedures for custody and temporary detention shall comply with the provisions of this Code.

2. The time limit for custody shall not exceed three days as from the date the investigating bodies receive the arrestees.

3. The time limit for temporary detention for investigation and prosecution shall not exceed sixteen days.

Article 323.- Decision on prosecution

1. Within four days after receiving the case files, the procuracies shall have to issue one of the following decisions:

a/ To prosecute the accused before court by a prosecution decision;

b/ To return the file for additional investigation;

c/ To suspend the case;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In case of returning the files for additional investigation or suspending the cases prescribed at Point b or c, Clause 1 of this Article, the procuracies must issue decisions to cancel the decisions to apply the summary procedures and the cases shall then be settled according to general procedures

Article 324.- Trial

1. Within seven days after receiving the case files, the judges assigned to preside over the court sessions shall have to issue one of the following decisions:

a/ To bring the case for trial;

b/ To return the file for additional investigation;

c/ To suspend the case;

d/ To cease the case.

2. In case of issuing decisions to bring the cases for trial prescribed at Point a, Clause 1 of this Article, within seven days as from the date of issuing such decisions, the courts must open court sessions to try the cases. The first-instance trial shall be conducted according to general procedures.

3. In case of returning the files for additional investigation or suspending the cases as prescribed at Point b or c, Clause 1 of this Article, the courts shall transfer the files to the procuracies and the cases shall then be settled according to general procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The appellate trial, the review according to cassation or reopening procedures of the cases which underwent first-instance trial according to summary procedures, shall be conducted according to general procedures.

Chapter XXXV: COMPLAINTS, DENUNCIATIONS IN CRIMINAL PROCEDURE

Article 325.- Persons with the right to complain

Agencies, organizations and individuals shall have the right to complain about procedural decisions and acts of bodies and persons with procedure-conducting competence when they have grounds to believe that such decisions or acts are contrary to law, infringe upon their legitimate rights and interests.

Appeals against legally valid first-instance judgments or decisions, complaints about legally valid judgments or decisions shall not be settled under the provisions of this Chapter but under the provisions of Chapters XXIII, XXIV, XXX and XXXI of this Code.

Article 326.- Rights and obligations of complainants

1. Complainants shall have the following rights:

a/ To lodge complaints by themselves or through their lawful representatives;

b/ To lodge complaints at any stage of the process of settling criminal cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ To receive written replies on the settlement of their complaints;

e/ To have their infringed legitimate rights and interests restored; and receive damage compensation in accordance with law.

2. Complainants shall have the following obligations:

a/ To present truthfully the facts, supply information and documents to the complaint settlers; to take responsibility before law for such presentation and supply of information and documents.

b/ To abide by the complaint settlement results.

Article 327.- Rights and obligations of complained persons

1. Complained persons shall have the following rights:

a/ To produce evidences on the lawfulness of their procedural decisions or acts which are complained about;

b/ To receive documents on the settlement of complaints about their procedural decisions or acts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To explain the complained procedural decisions or acts, supply relevant information and documents when competent bodies, organizations or individuals so request;

b/ To abide by the complaint settlement results;

c/ To pay compensation for damage and overcome consequences caused by their illegal procedural decisions or acts according to law provisions.

Article 328.- Statute of limitations for complaining

The statute of limitations for complaining is fifteen days after the complainants receive or know about the procedural decisions or acts which they deem unlawful.

In case where due to illness, natural calamities, enemy sabotage, working or studying in distant places or other objective obstacles the complainants cannot exercise their right to complain within the prescribed statute of limitations, the period when such obstacles exist shall not be included in the statute of limitations for complaining.

Article 329.- Competence and time limit for settling complaints against investigators, deputy heads and heads of investigating bodies

Complaints about procedural decisions and acts of investigators, deputy heads of investigating bodies shall be considered and settled by the heads of the investigating bodies within seven days after receiving the complaints. If disagreeing with the settlement results, the complainants shall have the right to lodge further complaints with the procuracies of the same level. Within seven days after receiving the complaints, the procuracies of the same level must consider and settle them. The procuracies of the same level shall have the competence to make final settlement.

Complaints about procedural decisions or acts of the heads of investigating bodies and procedural decisions of investigating bodies, which have been approved by the procuracies of the same level, shall be settled by the procuracies of the same level within seven days after receiving the complaints. If disagreeing with the settlement results, the complainants shall have the right to lodge further complaints with the immediate superior procuracies. Within fifteen days after receiving the complaints, the immediate superior procuracies must consider and settle them. The immediate superior procuracies shall have the competence to make final settlement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Complaints about procedural decisions and acts of vice-chairmen of procuracies or procurators shall be settled by the chairmen of the procuracies within seven days after receiving the complaints. If disagreeing with the settlement results, the complainants shall have the right to lodge further complaints with the immediate superior procuracies. Within fifteen days after receiving the complaints, the immediate superior procuracies must consider and settle them. The immediate superior procuracies shall have the competence to make final settlement.

Complaints about procedural decisions or acts of chairmen of procuracies shall be settled by the immediate superior procuracies within fifteen days after receiving the complaints. The immediate superior procuracies shall have the competence to make final settlement.

Article 331.- Competence and time limits for settling complaints against judges, vice-presidents and presidents of courts

Complaints about procedural decisions and acts of judges or vice-presidents of courts before the opening of court sessions shall be settled by the presidents of courts within seven days after receiving the complaints. If disagreeing with the settlement results, the complainants shall have the right to lodge further complaints with the immediate superior courts. Within fifteen days after receiving the complaints, the immediate superior courts must consider and settle them. The immediate superior courts shall have the competence to make final settlement.

Complaints about procedural decisions or acts of presidents of courts shall be settled by the immediate superior courts within fifteen days after receiving the complaints. The immediate superior courts shall have the competence to make final settlement.

Article 332.- Competence and time limits for settling complaints against persons with competence to conduct a number of investigating activities

Complaints about procedural decisions and acts of persons with competence to conduct a number of investigating activities shall be considered and settled by the procuracies with prosecuting competence within seven days after receiving the complaints. If disagreeing with the settlement results, the complainants shall have the right to lodge further complaints with the immediate superior procuracies. Within fifteen days after receiving the complaints, the immediate superior procuracies must consider and settle them. The immediate superior procuracies shall have the competence to make final settlement.

Complaints about procedural decisions or acts which have been approved by the procuracies shall be settled by such procuracies within seven days after receiving the complaints. If disagreeing with the settlement results, the complainants shall have the right to lodge further complaints with the immediate superior procuracies. Within fifteen days after receiving the complaints, the immediate superior procuracies must consider and settle them. The immediate superior procuracies shall have the competence to make final settlement.

Article 333.- Time limits for settling complaints related to the application of arrest, custody and temporary detention measures

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 334.- Persons with the right to denounce

Citizens shall have the right to denounce to competent bodies or individuals law violation acts of any persons with procedure-conducting competence, which cause damage or threaten to cause damage to the interests of the State, the legitimate rights and interests of citizens, agencies or organizations.

Article 335.- Rights and obligations of denouncers

1. Denouncers shall have the following rights:

a/ To send written denunciations or denounce in person to competent bodies or individuals;

b/ To request the confidentiality of their full names, addresses and autographs;

c/ To request to be notified of the denunciation settlement results;

d/ To request the bodies with procedure-conducting competence to protect them when they are intimidated, harassed or revenged.

2. Denouncers shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To clearly state their full names and addresses;

c/ To take responsibility before law for untruthful denunciation.

Article 336.- Rights and obligations of denounced persons

1. Denounced persons shall have the following rights:

a/ To be informed of the denunciation contents;

b/ To produce evidences to prove that the denunciation contents are untruthful;

c/ To have their infringed legitimate rights and interests restored, their honor restored, and to receive compensation for damage caused by untruthful denunciation;

d/ To request competent bodies, organizations or individuals to handle slanderers.

2. Denounced persons shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To abide by the denunciation-handling results of competent bodies or individuals;

c/ To pay compensation for damage and overcome consequences caused by their illegal acts.

Article 337.- Competence and time limit for settling denunciations

1. For denunciations of law violation acts of persons with procedure-conducting competence of an agency with procedure-conducting competence, the head of such agency shall have the responsibility to settle them.

Where the denounced persons are heads of investigating bodies, chairmen of procuracies or presidents of courts, the immediate superior investigating bodies, procuracies or courts shall have the responsibility to settle them. Denunciations of procedural acts of persons with competence to conduct a number of investigating activities shall be considered and settled by the procuracies with prosecuting competence.

The time limit for settling denunciations is sixty days counting from the date of receipt of denunciations; for complicated cases, it may be longer but must not exceed ninety days.

2. Denunciations of law violation acts with criminal signs shall be settled under the provisions of Article 103 of this Code.

3. Denunciations related to arrest, custody or temporary detention must be immediately considered and settled by the procuracies. If further verification is required, the time limit shall not exceed three days.

Article 338.- Responsibilities of persons with competence to settle complaints or denunciations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Persons who are competent to settle complaints or denunciations but fail to settle them, have settled irresponsibly or illegally such complaints or denunciations shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability; if causing damage, they must pay compensation therefor according to law.

Article 339.- Tasks and powers of procuracies in supervising the settlement of complaints and denunciations in the criminal procedure

1. The procuracies shall request the investigating bodies and courts of the same and subordinate levels, the border guard, customs, ranger and coast guard forces, and other agencies of the people’s police and people’s army, which are assigned to conduct a number of investigating activities:

a/ To issue written settlements of complaints or denunciations according to the provisions of this Chapter;

b/ To examine the settlement of complaints or denunciations by their level and subordinate levels; notify the examination results to the procuracies;

c/ To supply dossiers and documents related to the settlement of complaints and denunciations to the procuracies.

2. The procuracies shall directly supervise the settlement of complaints and denunciations at the investigating bodies, courts, border guard, customs, ranger offices, coast guard offices and other agencies of the people’s police and army’s police, which are assigned to conduct a number of investigating activities.

Part Eight

INTERNATIONAL COOPERATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 340.- Principles for international cooperation in criminal proceedings

International cooperation in criminal proceedings between the bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam and foreign authorities with corresponding competence shall be effected on the principles of respect for each other’s national independence, sovereignty and territorial integrity, non-intervention in each other’s internal affairs, equality and mutual benefit, compliance with the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam and fundamental principles of international laws.

International cooperation in criminal proceedings shall be carried out in conformity with the international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to and the laws of the Socialist Republic of Vietnam.

Where the Socialist Republic of Vietnam has not yet signed or acceded to relevant international agreements, the international cooperation in criminal proceedings shall be effected on the principle of reciprocity but in contravention of the laws of the Socialist Republic of Vietnam, international laws and international practices.

Article 341.- Provision of judicial assistance

When rendering judicial assistance, the bodies as well as persons with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam shall apply the provisions of relevant international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to and the provisions of this Code.

Article 342.- Refusal to implement judicial assistance requests

The bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam may refuse to implement judicial assistance requests in criminal proceedings in one of the following cases:

1. Judicial assistance requests fail to comply with the international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to and the laws of the Socialist Republic of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XXXVII:EXTRADITION AND TRANSFER OF DOSSIERS, DOCUMENTS AND EXHIBITS OF CASES

Article 343.- Extradition in order to examine penal liability or execute judgments

Basing themselves on the international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to on the principle of reciprocity, the bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam may:

1. Request the foreign authorities with corresponding competence to extradite persons who have committed criminal acts or convicted under legally valid judgments to the Socialist Republic of Vietnam for being examined for penal liability or serving their penalties.

2. Extradite foreigners who have committed criminal acts or convicted under legally valid judgments, who are being in the territory of the Socialist Republic of Vietnam, to the requesting nations for being examined for penal liability or serving their penalties.

Article 344.- Refusal to extradite

1. The bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam may refuse to extradite persons in one of the following cases:

a/ The persons requested to be extradited are citizens of the Socialist Republic of Vietnam;

b/ Under the provisions of the laws of the Socialist Republic of Vietnam, the persons requested to be extradited cannot be examined for penal liability or serve penalties as the statute of limitations therefor has expired or for other lawful reasons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The persons requested to be extradited are residing in Vietnam for reasons of being possibly ill-treated in the extradition-requesting countries on the grounds of racial discrimination, religion, nationality, ethnicity, social status or political views.

2. The bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam may refuse to extradite in one of the following cases:

a/ Under the criminal legislation of the Socialist Republic of Vietnam, the acts taken by the persons requested to be extradited do not constitute offenses;

b/ The persons requested to be extradited are being examined for penal liability in Vietnam for the acts stated in the extradition requests.

3. The bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam which refuse to extradite under the provisions of Clause 1 and Clause 2 of this Article shall have to notify such to the foreign authorities with corresponding competence, which have sent the extradition requests.

Article 345.- Transfer of files and exhibits of criminal cases

1. For cases involving foreigners who have committed offenses on the territory of the Socialist Republic of Vietnam, if the procedure cannot be conducted because such persons have left the country, the bodies with procedure-conducting competence which are handling the cases may transfer the case files to the Supreme People’s Procuracy for carrying out the procedures to transfer them to the foreign authorities with corresponding competence.

2. When transferring the case files to the foreign authorities with corresponding competence, the bodies with procedure-conducting competence of the Socialist Republic of Vietnam may transfer also exhibits of the cases.

Article 346.- Delivery, receipt and transfer of documents, objects and money related to criminal cases

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The transfer of objects and money related to criminal cases out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam shall comply with the laws of the Socialist Republic of Vietnam.

This Code was adopted on November 26, 2003 by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session.

Chairman of the National Assembly

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


311.578

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.67.97
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!