BỘ
TÀI CHÍNH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2007/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2007
|
THÔNG TƯ
SỐ 05/2007/TT-BTC CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG
QUYẾT ĐỊNH SỐ 212/2006/QĐ-TTG NGÀY 20/9/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TÍN DỤNG
ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ VÀ DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG NGƯỜI
LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ qui định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thi hành Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày
20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện
ma tuý, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:
I - QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Đối tượng áp dụng.
a. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai
nghiện ma tuý thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết
việc làm cho người sau cai nghiện" theo Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc Hội, có đủ
điều kiện vay vốn theo qui định tại Điều 3 Quyết định số
212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
b. Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Nguyên tắc của tín dụng đối với
các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai
nghiện ma tuý.
a. Ngân hàng Chính sách xã hội
có trách nhiệm cho vay đúng đối tượng, đúng qui định tại Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 của Thủ tướng
Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư này và hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí
điểm "Tổ chức quản lý dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện".
b. Đối tượng được vay vốn phải sử
dụng vốn vay vào những hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo qui định tại
Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày
20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi theo thoả thuận
trong hợp đồng tín dụng.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội
huy động vốn hoặc tiếp nhận vốn uỷ thác của Ngân sách các tỉnh, thành phố để
cho vay đối với các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động
là người sau cai nghiện ma tuý theo đề án thí điểm về tổ chức quản lý, dạy nghề
và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện phải được lập thành hợp đồng uỷ
thác. Hợp đồng uỷ thác qui định rõ nội dung uỷ thác, quyền hạn, trách nhiệm của
các bên trong việc thực hiện hợp đồng.
II – CÁC QUY
ĐỊNH CỤ THỂ.
1. Lập kế hoạch tín dụng đối với
các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai
nghiện ma tuý
a. Hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ
phát triển kinh tế xã hội và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma
tuý trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế
hoạch tín dụng đối với các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao
động là người sau cai nghiện ma tuý để giao cho các cơ quan có liên quan của tỉnh,
thành phố phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện.
Thời gian giao kế hoạch tín dụng
đối với các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau
cai nghiện ma tuý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước
Quí I của năm kế hoạch.
b. Kế hoạch tín dụng đối với các
hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện
ma tuý bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Kế hoạch về nguồn vốn để Ngân
hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm, trong đó chi tiết về nguồn vốn do
Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ thác cho Ngân hàng Chính
sách xã hội cho vay; nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động để cho
vay và các nguồn vốn khác.
- Kế hoạch về số vốn thu hồi nợ,
số vốn cho vay trong năm; chỉ tiêu về dư nợ cho vay đầu năm và cuối năm.
- Các chỉ tiêu về số lượng hộ
gia đình, cơ sở, doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma
túy được vay vốn; số lượng người sau cai nghiện ma túy được giải quyết việc làm
thông qua việc cho vay vốn đối với các hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp sử dụng
người lao động là người sau cai nghiện ma túy.
- Kế hoạch về cấp bù chênh lệch
lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội tương ứng với kế hoạch
về nguồn vốn và cho vay trong năm.
c. Ngân hàng Chính sách xã hội
thực hiện việc cho vay đối với các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng
người lao động là người sau cai nghiện ma tuý trong phạm vi kế hoạch tín dụng
đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao.
2. Hướng dẫn về việc cấp bù
chênh lệch lãi suất và phí quản lý.
a. Khi thực hiện nhiệm vụ cho
vay đối với các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động là
người sau cai nghiện ma tuý, Ngân hàng Chính sách xã hội được Ngân sách tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo
qui định của Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
- Việc cấp bù chênh lệch lãi suất
và phí quản lý được thực hiện theo phương thức tạm cấp hàng quí trong năm theo
kế hoạch và quyết toán số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cả năm sau
khi kết thúc năm tài chính. Thời hạn quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất và
phí quản lý do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
qui định phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước
và các văn bản hướng dẫn.
- Ngân hàng Chính sách xã hội có
trách nhiệm hạch toán riêng nguồn vốn và cho vay đối với các hộ gia đình, cơ sở
và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy để báo
cáo và quyết toán về số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý với Ngân sách
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng năm.
b. Trường hợp Ngân sách tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chuyển vốn để uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách
xã hội thực hiện cho vay:
- Ngân sách tỉnh, thành phố
không cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Phí quản lý của Ngân hàng
Chính sách xã hội do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy
định nhưng tối đa không quá 0,25%/tháng tính trên số dư nợ cho vay bình quân.
Nguồn chi trả phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội được trích từ số lãi
cho vay thu được, việc phân phối số lãi cho vay thu được còn lại do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
c. Trường hợp Ngân hàng Chính
sách xã hội huy động vốn để cho vay:
Số cấp bù bằng (=) số chênh lệch
lãi suất cộng (+) số phí quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong đó:
Số chênh lệch lãi suất bằng (=)
số chi phí trả lãi huy động vốn trừ (-) số lãi cho vay thực thu được. Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể phương pháp
xác định số chênh lệch lệch lãi suất; giao kế hoạch chi tiết về thời điểm huy động
vốn, lãi suất huy động vốn, kỳ hạn huy động vốn, số lượng huy động vốn để Ngân
hàng Chính sách xã hội thực hiện phù hợp với kế hoạch cho vay các hộ gia đình,
cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động là học viên sau cai nghiện ma tuý
trên địa bàn.
Số phí quản lý của Ngân hàng
Chính sách xã hội do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy
định nhưng tối đa không quá 0,32%/tháng tính trên số dư nợ cho vay bình quân.
Dư nợ cho vay bình quân là tổng số dư nợ cho vay bình quân đúng đối tượng, được
xác định theo công thức sau:
Dư
nợ cho vay
|
=
|
Dư
nợ cuối tháng 1 + ..... + Dư nợ cuối tháng 12
---------------------------------------------------------
|
bình
quân
|
12
|
3. Trách nhiệm thẩm định và phê duyệt
dự án, phương án sản xuất kinh doanh của đối tượng được vay vốn do Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qui định cho các cơ quan có liên quan
thực hiện phù hợp với đề án Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm
cho người sau cai nghiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Chính sách xã hội căn
cứ vào kết quả thẩm định, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về dự án, phương
án sản xuất kinh doanh của đối tượng được vay vốn, các điều kiện được vay vốn
qui định tại Điều 3 Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg để xem
xét, quyết định việc cho vay.
Trường hợp dự án, phương án sản
xuất kinh doanh của đối tượng được vay vốn đã được cơ quan có thẩm quyền phê
duyệt nhưng không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được vay vốn theo Quyết định
số 212/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
và các văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Chính sách xã hội được quyền từ chối cho
vay và thông báo lại với đối tượng được vay vốn, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
4. Hướng dẫn xử lý nợ bị rủi ro:
- Trường hợp đối tượng được vay
vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét xử lý dưới hình thức miễn
lãi, giảm lãi tiền vay hoặc xoá nợ theo qui định về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân
hàng Chính sách xã hội.
- Thẩm quyền quyết định xử lý rủi
ro, trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác nhận mức độ rủi ro đối với các dự
án, phương án vay vốn do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
hướng dẫn cụ thể phù hợp với đề án Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc
làm cho người sau cai nghiện ma tuý.
- Nguồn xử lý nợ bị rủi ro do
Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bù đắp và quyết toán với Ngân
hàng Chính sách xã hội.
5. Chế độ báo cáo, kiểm tra.
- Định kỳ hàng quí và kết thúc
năm tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội lập báo cáo kết quả thực hiện tín dụng
đối với các hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người
sau cai nghiện ma túy gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, các cơ quan liên quan của tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính.
- Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám
sát việc thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan về
cơ chế tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp
sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy ban hành theo Quyết định
số 212/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
và hướng dẫn tại Thông tư này. Kết quả kiểm tra, giám sát được gửi về Bộ Tài
chính sau 15 ngày khi kết thúc việc kiểm tra, giám sát.
III – TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- WEBSITE Chính phủ;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- UBND, Sở Tài chính các tỉnh;
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Vụ TCNH.
|
KT.BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|