VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 231/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 5 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ, THỊ TRƯỜNG
VÀNG, TỶ GIÁ, LÃI SUẤT VÀ HUY ĐỘNG VỐN CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Ngày 16 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp bàn về chính sách tài khóa,
chính sách tiền tệ, trong đó có các vấn đề thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và
huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái,
Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Tư pháp,
Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, Bộ Tài chính, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của Phó Thủ tướng
Lê Minh Khái, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài
chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kịp thời, có chất
lượng các Báo cáo phục vụ cuộc họp. Các đại biểu dự họp đã phát biểu, đóng góp
nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc, phù hợp với tình hình, sát thực tiễn.
2. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu
năm cho thấy nhiều kết quả tích cực, nhất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm
phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ
công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; chính
trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và
tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và tăng lên.
3. Thời gian tới, nền kinh tế nước ta tiếp tục có
những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách
thức nhiều hơn, đòi hỏi phải bản lĩnh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
nhưng cũng không bi quan, lo sợ và đặc biệt chú ý phải chủ động theo dõi sát
tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả,
từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát để tiếp tục điều hành hài hòa, đồng bộ, hiệu
quả các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài
khóa với tinh thần kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ
mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định
chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện
tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống buôn lậu, găm
hàng, đội giá...
4. Trong những tháng còn lại của năm 2024, yêu cầu
các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng
tâm sau:
a) Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có
trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển
khai đẩy mạnh chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng
dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng
cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống,
nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…;
cương quyết và triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi
chưa thực sự cấp bách như đi công tác trong và ngoài nước, tiếp khách, chiêu
đãi, sử dụng phương tiện công, tích cực rà soát và cương quyết cắt giảm các khoản
chi sự nghiệp có tính chất đầu tư... để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất theo thẩm quyền việc giảm thuế, phí, lệ phí cho
người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công; nghiên cứu phát hành
trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng chiến lược,
chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội...
b) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,
kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài
khóa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa
phương và các cơ quan liên quan:
(i) Điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với
điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, trong đó lưu ý bám sát
diễn biến, tình hình kinh tế thế giới và việc điều hành chính sách tiền tệ của
các ngân hàng trung ương; làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước, các
ngân hàng thương mại lớn ngoài nhà nước để chỉ đạo, yêu cầu thực hiện có hiệu
quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp,
tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,
chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các
động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
(ii) Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, cung ứng tiền...
hiệu quả, linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản,
an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
(iii) Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị
trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các kịch bản,
phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các biến động của
thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.
(iv) Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp
với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ
trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống
tổ chức tín dụng. Triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng
tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng;
kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu
quả. Quyết tâm có giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng
toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5 - 6%.
c) Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, điều
hành và bình ổn thị trường vàng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả hơn nữa; chú trọng
công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan:
(i) Tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy
đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và
lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính
phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm
thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch,
đúng quy định pháp luật, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, không để vàng hóa
nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và việc điều hành chính sách
tiền tệ. Thống đốc và các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát huy
tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ, trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức
triển khai các giải pháp theo quy định, hành động vì lợi ích chung của quốc
gia, dân tộc, nhân dân.
(ii) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy
định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về
quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Điều 18 Nghị định số
50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại
hối nhà nước (trong đó đã quy định rõ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết
định phương án can thiệp cụ thể bao gồm: thời điểm, khối lượng, giá vàng, hình
thức can thiệp...) và quy định pháp luật có liên quan thực hiện ngay các biện
pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng theo quy định và phải bảo đảm
hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, cách thức
triển khai không phù hợp, giảm hiệu quả các công cụ điều hành của Nhà nước; có
giải pháp hiệu quả, kịp thời, khắc phục ngay và luôn tình trạng chênh lệch cao
giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bằng các công cụ hiện hành và đề
cao trách nhiệm theo thẩm quyền; đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương
công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong
chỉ đạo điều hành; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ về kết quả điều hành, bình ổn thị trường vàng.
(iii) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ các
quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vàng; làm việc với các doanh
nghiệp, tổ chức kinh doanh vàng, các ngân hàng thương mại có hoạt động kinh
doanh, mua bán vàng, vàng miếng SJC để chỉ đạo, nghiêm cấm việc lợi dụng thao
túng thị trường và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.
(iv) Khẩn trương thực hiện ngay công tác thanh tra,
kiểm tra thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại
các văn bản có liên quan, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024; xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp
có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các
cơ quan chức năng theo quy định.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định pháp
luật về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong hoạt động
kinh doanh, mua, bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15 tháng 6 năm 2024;
xử lý nghiêm, kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các
doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử và xử lý
theo pháp luật hiện hành.
d) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư
công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Phát hành trái phiếu
Chính phủ để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tập trung cho đầu tư hạ tầng
chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội; trước mắt nghiên cứu
phát hành thêm khoảng 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các
công trình trọng điểm quốc gia.
đ) Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất Đề án 06
và công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến trong việc cung cấp
dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây
dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm tối đa thủ tục hành
chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 2024.
e) Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh
tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương theo
chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát tình hình, tăng cường
thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, phát hiện
và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, găm hàng, thao túng giá và các hành vi vi
phạm pháp luật.
g) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là công
tác truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ,
ngành, địa phương, tạo khí thế, niềm tin, động lực và sự đồng thuận của người
dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc,
ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ
tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên
quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, PCN Đỗ Ngọc Huỳnh,
các Vụ, Cục: TH, TKBT, QHQT, KSTT;
- Lưu: VT, KTTH (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|