ỦY BAN DÂN TỘC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/2022/TT-UBDT
|
Hà Nội, ngày 26 tháng
5 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH QUY TRÌNH GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT
TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2021-2030; GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Luật Đầu
tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban
Dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính
phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc
gia;
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai
đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Theo đề nghị của Chánh văn phòng Điều phối Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi;
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
Thông tư quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định quy
trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế-xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi là Chương trình).
2. Đối tượng áp dụng
a) Chủ chương trình, chủ dự
án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần, chủ đầu tư các dự án, hoạt động
thuộc Chương trình;
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.
Điều 2. Giải thích
từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Chủ chương trình”
là Ủy ban Dân tộc, được giao chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình.
2. “Chủ dự án, chủ tiểu dự
án, chủ nội dung thành phần” là cơ quan, tổ chức được giao chủ trì quản lý một
hoặc một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình; bao gồm
chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần ở cấp trung ương được nêu
tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng
10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, và chủ dự án, chủ tiểu
dự án, chủ nội dung thành phần ở cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi và địa bàn
quản lý.
3. “Đơn vị thực hiện” là tổ
chức, cá nhân được chủ đầu tư giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng để triển khai thực
hiện dự án, hoạt động cụ thể thuộc Chương trình.
4. “Giám sát Chương trình”,
"theo dõi Chương trình”, “kiểm tra thực Chương trình”, “đánh giá Chương
trình” và “giám sát đầu tư của cộng đồng” được hiểu như giải thích từ ngữ tại
các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 10 Điều 3 Nghị
định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định về
trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu
tư (sau đây gọi là Nghị định số 29/2021/NĐ-CP).
Điều 3. Theo dõi Chương
trình
1. Trách nhiệm và nội dung
theo dõi Chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 71 Luật
Đầu tư công; Điều 43, Điều 44, Điều 45 và Điều 46 Nghị định
số 29/2021/NĐ-CP; Điều 30 và Điều 32 Nghị định số
27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản
lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi là Nghị
định số 27/2022/NĐ-CP) và các quy định
trong Thông tư này.
2. Quy trình theo dõi Chương
trình
a) Thu thập thông tin, cập
nhật số liệu, báo cáo của đơn vị thực hiện
Đơn vị thực hiện thu thập
thông tin, số liệu, tiến độ về quá trình đầu tư, kết quả dự án và các hoạt động
được giao thực hiện 03 tháng 1 lần; báo cáo năm, báo cáo kết thúc dự án, hoạt
động được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã (qua Ban quản lý xã) nơi thực hiện dự
án, hoạt động; Ủy ban nhân dân cấp xã ký xác thực báo cáo của chủ đầu tư trước
ngày 10 tháng 9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước
ngày 25 tháng 1 năm sau và gửi báo cáo kết thúc dự án, hoạt động đã được Ủy ban
nhân dân cấp xã ký xác thực cho chủ đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
kết thúc đầu tư.
Đơn vị thực hiện cập nhật số
liệu, lập báo cáo hằng năm và báo cáo kết thúc dự án, hoạt động theo biểu mẫu
tương ứng tại Phụ lục số 02 và theo yêu cầu của chủ
đầu tư về nội dung dự án, hoạt động được phê duyệt;
Việc cập nhật số liệu, chế
độ báo cáo là tiêu chí để đơn vị thực hiện hoàn thành các thủ tục giải ngân,
thanh toán, quyết toán dự án, hoạt động với chủ đầu tư”.
b) Thu thập, tổng hợp thông
tin, báo cáo ở cấp xã
Ủy ban nhân dân cấp xã (Ban
quản lý xã) thu thập, tổng hợp thông tin về các dự án, hoạt động do cấp xã làm
chủ đầu tư và do các đơn vị thực hiện triển khai trên địa bàn xã theo biểu mẫu
tương ứng tại Phụ lục số 02, gửi Ủy ban nhân dân
cấp huyện (qua phòng Dân tộc hoặc đơn vị phụ trách công tác dân tộc cấp huyện)
trước ngày 15 tháng 9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm trước ngày 31
tháng 01 năm sau.
c) Tổng hợp thông tin, báo
cáo ở cấp huyện
Chủ đầu tư ở cấp huyện tổng
hợp thông tin hằng năm về dự án, hoạt động do mình làm chủ đầu tư trên địa bàn
huyện theo các mẫu tại Phụ lục số 02 gửi chủ dự
án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp huyện trước ngày 10 tháng 9 năm
thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 25 tháng 01 năm
sau;
Chủ dự án, chủ tiểu dự án,
chủ nội dung thành phần cấp huyện lập báo cáo kết quả thực hiện dự án, tiểu dự
án, nội dung thành phần của Chương trình hằng năm thuộc phạm vi chủ trì quản lý
trên địa bàn huyện theo Phụ lục số 03 gửi chủ dự án,
chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện
(qua phòng Dân tộc hoặc đơn vị phụ trách công tác dân tộc cấp huyện) trước ngày
15 tháng 9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 31
tháng 1 năm sau;
UBND cấp huyện tổng hợp
thông tin từ cấp xã và các chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần
cấp huyện lập báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hằng năm trong phạm vi
được phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện theo Phụ lục số 03 gửi Ban Dân tộc hoặc cơ quan phụ trách
công tác dân tộc cấp tỉnh (sau đây gọi là Ban Dân tộc) trước ngày 20 tháng 9
năm thực hiện; đồng thời cập nhật bổ sung số liệu năm theo Phụ lục số 01 trước ngày 05 tháng 02 năm sau.
d) Tổng hợp thông tin, báo
cáo ở cấp tỉnh
Chủ đầu tư cấp tỉnh tổng hợp
thông tin hàng năm về dự án, hoạt động do mình làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh
theo mẫu tại Phụ lục số 02 gửi chủ dự án, chủ tiểu
dự án, chủ nội dung thành phần cấp tỉnh trước ngày 15 tháng 9 năm thực hiện,
cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 31 tháng 01 năm sau;
Chủ dự án, chủ tiểu dự án,
chủ nội dung thành phần cấp tỉnh tổng hợp thông tin, lập báo cáo kết quả thực
hiện dự án thành phần của Chương trình hàng năm thuộc phạm vi chủ trì quản lý
trên địa bàn tỉnh theo Phụ lục số 03 gửi chủ dự
án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp trung ương, Ban Dân tộc trước
ngày 20 tháng 9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước
ngày 05 tháng 02 năm sau;
UBND tỉnh tổng hợp thông tin
từ cấp huyện và các chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp
tỉnh, lập báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hàng năm trong phạm vi được
phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh theo Phụ lục số 03 gửi Ủy ban Dân tộc (Văn phòng điều phối
Chương trình) trước ngày 25 tháng 9 năm thực hiện; đồng thời cập nhật bổ sung
số liệu năm theo Phụ lục số 01 trước ngày 10 tháng
02 năm sau.
đ) Tổng hợp thông tin, báo
cáo ở cấp trung ương
Chủ đầu tư ở cấp trung ương
tổng hợp thông tin hàng năm về dự án, hoạt động do mình làm chủ đầu tư theo Phụ lục số 02 gửi chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội
dung thành phần cấp trung ương trước ngày 20 tháng 9 năm thực hiện, cập nhật bổ
sung số liệu năm thực hiện trước ngày 05 tháng 02 năm sau;
Chủ dự án, chủ tiểu dự án,
chủ nội dung thành phần cấp trung ương lập báo cáo kết quả thực hiện dự án
thành phần của Chương trình hàng năm trong phạm vi chủ trì quản lý trên cả nước
theo Phụ lục số 03 gửi về Ủy ban Dân tộc (Văn
phòng điều phối Chương trình) trước ngày 25 tháng 9 năm thực hiện, cập nhật bổ
sung số liệu năm theo Phụ lục số 01 trước ngày 10
tháng 02 năm sau;
Chủ chương trình - Ủy ban
Dân tổng hợp thông tin từ cấp tỉnh và các chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội
dung thành phần ở cấp trung ương, lập báo cáo kết quả thực hiện Chương trình
hàng năm theo Phụ lục số 03, gửi về Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo
Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 30 tháng 9 năm thực
hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 15 tháng 02 năm sau;
gửi báo cáo cho các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền theo qui định.
3. Các thông tin, số liệu,
báo cáo kết quả thực hiện Chương trình ở cấp xã được chia sẻ giữa cơ quan đầu
mối nhận báo cáo ở cấp huyện với các cơ quan, đơn vị liên quan cùng cấp, không
yêu cầu cấp xã phải gửi nhiều báo cáo cho nhiều cơ quan, đơn vị quản lý cấp
trên.
4. Cơ quan, đơn vị, chính
quyền địa phương các cấp cập nhật số liệu, báo cáo kết quả thực hiện Chương
trình đột xuất hoặc theo chủ đề theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 4. Kiểm tra Chương
trình
1. Trách nhiệm và nội dung
kiểm tra Chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 71 Luật
Đầu tư công; Điều 43, Điều 44, Điều 45 và Điều 46 Nghị định
số 29/2021/NĐ-CP; Điều 30 và Điều 32 Nghị định số
27/2022/NĐ-CP và các quy định trong Thông tư này.
2. Quy trình kiểm tra Chương
trình
a) Lập kế hoạch kiểm tra Chương
trình
Cơ quan có thẩm quyền quyết
định nội dung kiểm tra thực hiện Chương trình; ban hành kế hoạch kiểm tra;
thông báo kế hoạch kiểm tra đến đơn vị được kiểm tra;
Cơ quan có thẩm quyền quyết
định thành lập đoàn kiểm tra, phân công trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm
tra.
b) Tiến hành kiểm tra Chương
trình
Đoàn kiểm tra phối hợp với
các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra theo kế hoạch. Thu thập các văn bản,
hướng dẫn, báo cáo của địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện Chương
trình. Tham vấn cán bộ các cấp; khảo sát thực tế ở xã và thôn bản về các nội
dung kiểm tra; đối thoại, tham vấn người dân hưởng lợi về mức độ tham gia và
hưởng lợi trong quá trình thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình.
c) Báo cáo kiểm tra Chương
trình
Đoàn kiểm tra gửi báo cáo
kiểm tra trong vòng mười (10) ngày làm việc sau khi kết thúc đợt kiểm tra cho
cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.
3. Các cơ quan, đơn vị,
chính quyền địa phương các cấp kiểm tra thực hiện Chương trình định kỳ theo kế
hoạch hoặc kiểm tra đột xuất theo yêu cầu cụ thể của cơ quan có thẩm quyền khi
cần thiết.
Điều 5. Đánh giá Chương
trình
1. Trách nhiệm và nội dung
đánh giá Chương trình
Trách nhiệm và nội dung đánh
giá Chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 72 và Điều 73
Luật Đầu tư công; Điều 49 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP; Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các quy định
trong Thông tư này.
2. Quy trình đánh giá Chương
trình (bao gồm đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc giai đoạn 5 năm, đánh giá
tác động)
a) Thu thập, tổng hợp thông
tin và báo cáo ở cấp xã
Ủy ban nhân dân cấp xã (đầu
mối là Ban quản lý xã) thu thập, tổng hợp thông tin về các dự án, hoạt động do
cấp xã làm chủ đầu tư và do các đơn vị thực hiện triển khai trên địa bàn xã
theo các biểu mẫu tương ứng tại Phụ lục số 02, gửi
Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua phòng Dân tộc hoặc đơn vị phụ trách công tác dân
tộc cấp huyện).
b) Tổng hợp thông tin và báo
cáo ở cấp huyện
Chủ dự án, chủ tiểu dự án,
chủ nội dung thành phần cấp huyện tổng hợp thông tin, lập báo cáo đánh giá thực
hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình thuộc phạm vi quản
lý trên địa bàn huyện theo mẫu tại Phụ lục số 04 gửi
chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân
cấp huyện (qua phòng Dân tộc hoặc đơn vị phụ trách công tác dân tộc cấp huyện);
Phòng Dân tộc tổng hợp thông
tin từ cấp xã và các chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp
huyện, lập báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình cấp huyện theo mẫu tại Phụ lục số 04, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký
duyệt, gửi về Ban Dân tộc; đồng thời cập nhật bổ sung số liệu giữa kỳ, cuối kỳ
tại Phụ lục số 01.
c) Tổng hợp thông tin và báo
cáo ở cấp tỉnh
Chủ dự án, chủ tiểu dự án,
chủ nội dung thành phần cấp tỉnh tổng hợp thông tin, lập báo cáo đánh giá thực
hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình thuộc phạm vi quản
lý trên địa bàn tỉnh theo mẫu tại Phụ lục số 04
gửi chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp trung ương, Ban Dân
tộc;
Ban Dân tộc tổng hợp thông
tin từ cấp huyện và các chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp
tỉnh, lập báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình cấp tỉnh theo mẫu tại Phụ lục số 04, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký
duyệt, gửi về Ủy ban Dân tộc (Văn phòng điều phối Chương trình); đồng thời cập
nhật bổ sung số liệu giữa kỳ, cuối kỳ tại Phụ lục số
01.
d) Tổng hợp thông tin và báo
cáo ở cấp trung ương
Chủ dự án, chủ tiểu dự án,
chủ nội dung thành phần cấp trung ương tổng hợp thông tin, lập báo cáo đánh giá
thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình thuộc phạm vi
quản lý theo mẫu tại Phụ lục số 04 gửi về Ủy ban
Dân tộc (Văn phòng điều phối Chương trình); đồng thời cập nhật bổ sung số liệu
giữa kỳ, cuối kỳ tại Phụ lục số 01.
Chủ chương trình - Ủy ban
Dân tộc (Văn phòng điều phối Chương trình) tổng hợp thông tin từ cấp tỉnh và
các chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp trung ương, lập báo
cáo đánh giá thực hiện Chương trình trên cả nước theo mẫu tại Phụ lục số 04, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương
trình mục tiêu quốc gia.
đ) Thời hạn báo cáo đánh giá
thực hiện Chương trình của các cơ quan cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung
ương theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Các cơ quan, đơn vị,
chính quyền địa phương các cấp đánh giá đột xuất thực hiện Chương trình theo
yêu cầu cụ thể của cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết.
Điều 6. Giám sát đầu
tư của cộng đồng
1. Quyền, nội dung, tổ chức
thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án, hoạt động thuộc Chương
trình thực hiện theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 Luật Đầu
tư công; Điều 85, Điều 86 và Điều 87 Nghị định số
29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự,
thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; Điều 33 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, các quy định liên quan và
quy định trong Thông tư này.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã
(Ban quản lý xã) phối hợp với Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ chức
chính trị-xã hội, các thôn, bản, tổ chức tham vấn cộng đồng và hộ gia đình,
người dân hưởng lợi để rà soát, xác thực các thông tin, số liệu, báo cáo của
đơn vị thực hiện về dự án, hoạt động cụ thể triển khai trên địa bàn xã nhằm
phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Điều 7. Hệ thống
thông tin quản lý, báo cáo số liệu ứng dụng các giải pháp số hóa của Chương
trình
1. Các cơ quan, đơn vị ở các
cấp trung ương và địa phương có trách nhiệm vận hành hệ thống thông tin quản
lý, báo cáo số liệu ứng dụng các giải pháp số hóa (báo cáo theo thời gian thực
bằng phần mềm ứng dụng trên nền tảng di động), theo hướng dẫn của Ủy ban Dân
tộc khi hệ thống đi vào hoạt động.
2. Số liệu cập nhật chính
thức lên hệ thống thông tin quản lý, báo cáo số liệu ứng dụng các giải pháp số
hóa của Chương trình phải được người có thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị phê
duyệt, theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
3. Việc cập nhật số liệu báo
cáo tiến độ, giám sát, đánh giá vào hệ thống thông tin quản lý được thực hiện
thường xuyên ngay khi có phát sinh về tiến độ, giải ngân và khi hoàn thành dự
án, tiểu dự án, nội dung hoạt động và các cuộc giám sát, đánh giá.
4. Các cơ quan, đơn vị phân
công cụ thể bộ phận, cán bộ chịu trách nhiệm cập nhật số liệu và sử dụng hệ
thống thông tin quản lý.
6. Trường hợp gửi báo cáo
bằng văn bản đến Ủy ban Dân tộc theo địa chỉ: Ủy ban Dân tộc (Văn phòng điều
phối Chương trình), số 349 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; gửi bản mềm của báo
cáo qua hòm thư điện tử theo địa chỉ: chuongtrinhmtqg3@cema.gov.vn.
Điều 8. Tổ chức thực
hiện
1. Trách nhiệm của các Bộ,
cơ quan trung ương
a) Ủy ban Dân tộc chủ trì,
xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá; phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương
tổ chức giám sát, đánh giá tại các địa phương; xây dựng hệ thống quản lý, báo
cáo số liệu ứng dụng các giải pháp số hóa của Chương trình; tổng hợp, báo cáo
chung kết quả giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn quốc
gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia;
b) Các Bộ, cơ quan trung
ương (chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần ở cấp trung ương) chỉ
đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giám sát, đánh giá trên địa bàn;
tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin, cơ sở dữ liệu theo chức năng và phạm vi
quản lý các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc Chương trình, gửi
báo cáo cho Ủy ban Dân tộc (đầu mối là Văn phòng điều phối Chương trình);
c) Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giám sát, đánh giá công
tác lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn theo chức năng, nhiệm
vụ được giao trong thực hiện Chương trình.
2. Trách nhiệm của các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Chương trình chỉ đạo các Sở, ban,
ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương
trình, trong đó:
a) Ban Dân tộc
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh trong việc
xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình;
Tổng hợp chung kết quả giám
sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, Ủy ban Dân
tộc và các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan theo quy định;
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân
cấp huyện, xã và các cơ quan tham gia thực hiện Chương trình trên địa bàn tổ
chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá theo quy định.
b) Các Sở, ban, ngành cấp
tỉnh (chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp tỉnh)
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân
cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung
thành phần cấp huyện, chủ đầu tư triển khai công tác giám sát, đánh giá theo
chức năng và phạm vi quản lý;
Tổng hợp kết quả giám sát,
đánh giá thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do Sở, ban, ngành chủ
trì quản lý, gửi báo cáo cho Ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban chỉ đạo
các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, các Bộ, cơ quan trung ương có liên
quan theo chức năng và phạm vi quản lý.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện
(đầu mối phòng Dân tộc hoặc đơn vị phụ trách công tác dân tộc cấp huyện), các
phòng, ban cấp huyện (chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp
huyện), Ủy ban nhân dân cấp xã (đầu mối là Ban quản lý xã) xây dựng kế hoạch,
tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định
tại Thông tư này và hướng dẫn chi tiết (nếu có) của Ban Dân tộc, các Sở, ban,
ngành cấp tỉnh có liên quan theo chức năng và phạm vi quản lý.
3. Chủ đầu tư, đơn vị thực
hiện xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá, cập nhật số liệu và báo cáo
các dự án, hoạt động cụ thể theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn chi tiết
(nếu có) của cơ quan quản lý cấp trên theo chức năng và phạm vi quản lý.
Điều 9. Kinh phí
thực hiện
Kinh phí thực hiện các hoạt
động giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán kinh
phí hàng năm của Tiểu dự án 3 “Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn
tổ chức thực hiện Chương trình” thuộc Dự án 10 của Chương trình; và nguồn kinh
phí huy động hợp pháp khác.
Điều
10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2022.
2. Trong quá trình tổ chức
thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Ủy ban Dân tộc (qua Văn phòng điều
phối Chương trình) để kịp thời xem xét, điều chỉnh./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chương
trình;
- Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chương
trình;
- Ủy ban Dân tộc: Bộ trưởng, Chủ nhiệm; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm; và các
vụ, đơn vị trực thuộc;
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo và Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc;
- Lưu: VT, VPĐPCTMTQG (05b).
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Hầu A Lềnh
|