THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 872/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH
THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01
năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh
Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây
gọi tắt là điều chỉnh Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:
A. QUAN ĐIỂM
PHÁT TRIỂN
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; thống nhất với quy
hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước.
2. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh,
bền vững trên cơ sở tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo
chiều sâu, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu nhằm
nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo
phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
3. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư để
phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, các vùng kinh tế động lực tạo bước đột
phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, đầu tư trở lại để tạo
sự phát triển hài hòa và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền
trong tỉnh.
4. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực
nhất là nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công
nghệ, xem đây là động lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
5. Kết hợp phát triển kinh tế với từng
bước thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của
nhân dân, chăm lo phát triển các hoạt động văn hóa, xã hội hóa các hoạt động
văn hóa, xã hội. Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường, ứng phó hiệu
quả biến đổi khí hậu.
6. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với
củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội
và chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế;
tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh khu vực biên giới Việt - Lào.
B. ĐIỀU CHỈNH
QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2020
I. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, từng
bước tạo sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh hiệu quả của
nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp,
có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện
đại.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm
trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 12 - 13%; GRDP bình quân đầu người đạt
từ 3.600 USD trở lên; thu nhập thực tế của dân cư năm 2020 gấp 4,4 lần năm
2010.
- Cơ cấu ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy
sản chiếm 12,1%; công nghiệp, xây dựng chiếm 53,7% và dịch vụ chiếm 34,2%. Tổng
giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt
trên 610 nghìn tỷ đồng.
- Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và
sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP chiếm trên 30%.
b) Về xã hội
- Tốc độ tăng quy mô dân số bình quân
khoảng 0,65%/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2% trở lên.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%,
trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 25%; hàng năm giải quyết việc làm trên
6,5 vạn lao động; tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt 35 - 38%; số sinh viên bình quân
đạt 285 sinh viên/10.000 dân; 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên; tỷ lệ trường học
đạt chuẩn quốc gia là 70%.
- Số giường bệnh bình quân đạt 28,4
giường/10.000 dân; số bác sỹ bình quân đạt 10 bác sỹ/10.000 dân; tỷ lệ trẻ em
suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi dưới 13%; tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; tỷ lệ
xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 50%; tỷ lệ đường tỉnh, đường huyện được rải
nhựa hoặc bê tông đạt 100%; 99,5% số hộ dân cư được dùng điện sinh hoạt và 100%
dân số được phủ sóng truyền hình trước năm 2020.
c) Về môi trường
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được
thu gom và xử lý tại đô thị theo tiêu chuẩn môi trường đạt 91%; tỷ lệ chất thải
rắn thông thường được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn là 85%; tỷ lệ chất thải rắn
nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn là 80%; tỷ lệ chất thải y tế được xử
lý đạt tiêu chuẩn là 100%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp
nước hợp vệ sinh theo chuẩn mới đạt 95%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước
sạch đạt 95%.
- Tỷ lệ các cơ sở kinh doanh hiện có
đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 75%.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,5% vào
năm 2020.
d) Về quốc phòng, an ninh
Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên
giới, ổn định chính trị, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội. Đến năm 2020, cơ bản
hoàn thành hệ thống đường tuần tra biên giới; nâng cấp đường vành đai biên giới,
đường ra biên giới đạt tiêu chuẩn đường cấp V, cấp VI miền núi.
II. HƯỚNG ĐỘT PHÁ VÀ ƯU
TIÊN PHÁT TRIỂN
1. Hướng đột phá
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
trọng tâm là cải cách hành chính để thu hút vốn cho đầu tư phát triển.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công
nghệ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh
tranh của sản phẩm.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng
thị trường lao động.
2. Khu vực ưu tiên phát triển
Phát triển các vùng kinh tế động lực gồm khu kinh tế
Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn - Thạch
Thành. Giai đoạn 2016 - 2020, tập trung đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng
khu kinh tế Nghi Sơn và thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, từng bước đầu tư phát
triển khu vực Bỉm Sơn - Thạch Thành và khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng gắn với
hình thành đô thị Lam Sơn - Sao Vàng. Coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn
nhất là vùng miền núi và các huyện nghèo, tập trung phát triển sản xuất để giảm
nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
3. Phát triển các ngành, sản phẩm trọng điểm
- Công nghiệp: Lọc hóa dầu và hóa chất; may mặc,
giày da; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện. Khuyến khích
phát triển: Cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm; dược phẩm
và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân bón, thức ăn chăn nuôi.
- Dịch vụ: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển
cao cấp; dịch vụ cảng biển và logistics; các dịch vụ đào tạo, dạy nghề, y tế chất
lượng cao; dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin, nội dung số; dịch vụ khoa học
công nghệ; kinh doanh bất động sản.
- Nông nghiệp: Lúa, ngô, rau an toàn, hoa, cây cảnh,
mía thâm canh, cây thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả; bò sữa, bò thịt chất lượng
cao, lợn hướng nạc, gà lông màu; trồng rừng gỗ lớn, luồng thâm canh, quế, cây
dược liệu, cây mắc ca; nuôi trồng thủy sản có giá trị hàng hóa cao (tôm he chân
trắng, ngao Bến Tre, cá rô phi,…); khai thác hải sản.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN
CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển nông, lâm, thủy sản
Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp,
phát triển các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa quy mô lớn gắn với chế
biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản có
lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Từng bước hình thành các khu sản xuất và chế biến
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng và dọc
đường Hồ Chí Minh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình
quân đạt khoảng 2,9%/năm; đến năm 2020, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao chiếm khoảng 30% giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
- Phát triển trồng trọt ưu tiên lúa chất lượng cao,
ngô năng suất cao, rau an toàn, hoa - cây cảnh, mía thâm canh, cây thức ăn chăn
nuôi, cây ăn quả; ổn định sản xuất lương thực hàng năm đạt 1,5 triệu tấn. Đến
năm 2020, diện tích trồng lúa khoảng 223.000 ha; diện tích ngô khoảng 72.000
ha; diện tích rau củ thực phẩm đạt khoảng 40.000 ha, vùng sản xuất rau quả xuất
khẩu khoảng 5.000 ha và diện tích cây ăn quả khoảng 16.300 ha; duy trì diện
tích mía nguyên liệu cho 03 nhà máy sản xuất mía đường của tỉnh.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập
trung gắn với các cơ sở chế biến, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Ưu tiên phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà
lông màu. Hình thành các vùng chăn nuôi bò sữa khoảng 50.000 con, tạo nguồn
nguyên liệu cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam và Công ty TH True Milk. Đến năm
2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm
khoảng 45%.
- Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng xã hội
hóa nghề rừng kết hợp với các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phấn
đấu, mỗi năm trồng mới 10.000 - 12.000 ha rừng. Tập trung phát triển rừng sản
xuất theo hướng thâm canh, sản xuất cây có giá trị kinh tế cao gắn với công
nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, luồng thâm
canh, quế, cây dược liệu, cây mắc ca. Phấn đấu đến năm 2020, đạt khoảng 56.000
ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và 30.000 ha vùng thâm canh luồng tập trung.
- Phát triển ngành thủy sản toàn diện cả về nuôi trồng,
đánh bắt, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; ưu tiên phát triển nuôi trồng các
loại thủy sản có giá trị hàng hóa cao (tôm he chân trắng, ngao Bến Tre, cá rô
phi,...) và khai thác hải sản xa bờ. Tăng cường hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới
tàu công suất lớn, hiện đại phục vụ khai thác xa bờ đi đôi với phát triển dịch
vụ hậu cần nghề cá; từng bước hình thành và phát triển các nghiệp đoàn nghề cá,
các tổ, đội sản xuất trên biển. Đến năm 2020, sản lượng thủy sản khoảng 190.000
tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65,7% sản lượng.
2. Phát triển công nghiệp
Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ
trọng các ngành sản phẩm công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và
ngành có tác động xấu đến môi trường; tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm
lượng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất thân thiện môi trường, sản phẩm hướng
vào xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực gồm lọc hóa dầu và hóa
chất; may mặc, giày da; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện.
Khuyến khích phát triển các ngành cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông
tin, phần mềm; dược phẩm và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân
bón, thức ăn chăn nuôi. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng
năm đạt 18 - 19%.
a) Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu
- Công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ
hóa dầu: Hoàn thành Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động năm
2017; tiếp tục thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ lọc hóa dầu như sản xuất
Poly Propylyne, sợi tổng hợp PET, phân bón DAP và Polyethylen.
- Công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và cơ
khí: Thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; khuyến
khích thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ
tùng máy nông nghiệp, máy xây dựng, máy kéo và phương tiện vận tải.
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu: Ưu
tiên thu hút các dự án đầu tư từ khâu sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã
đến hoàn chỉnh sản phẩm; hình thành các cụm công nghiệp dệt may, cụm công nghiệp
sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu ở nông thôn và vùng trung du miền núi.
- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực
phẩm: Khai thác thế mạnh của khu vực miền núi để thu hút đầu tư các nhà máy chế
biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đưa công nghiệp
chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp chính tại khu vực này. Hình thành các
khu công - nông nghiệp, khu công - lâm nghiệp, các cụm sản xuất và chế biến
nông, lâm, thủy sản phù hợp với các địa bàn trong tỉnh.
- Công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất
mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm cao cấp và các chế phẩm sinh học: Nghiên cứu phương
án sớm hình thành phân khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sinh học trong
khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.
- Công nghiệp sản xuất kim loại: Thu hút đầu tư các
dự án sản xuất thép nhất là các loại thép đang phải nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ
thực hiện Nhà máy luyện thép Nghi Sơn công suất 1.750.000 tấn/năm.
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Thu hút
các dự án sản xuất vật liệu không nung, thân thiện môi trường; vật liệu xây dựng
từ nguyên liệu hợp kim và nhựa như thiết bị vệ sinh, tấm lợp, khung cửa, ống nhựa
cấp thoát nước.
- Công nghiệp sản xuất điện: Chuẩn bị mặt bằng để
triển khai Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW; hoàn
thành đưa vào hoạt động Nhà máy thủy điện Hồi Xuân công suất 102 MW, thủy điện
Trung Sơn công suất 260 MW, thủy điện Bá Thước I công suất 60 MW.
b) Phát triển các khu, cụm công nghiệp
Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, lấp đầy các khu
công nghiệp hiện có như Lễ Môn (87,6 ha), Đình Hương - Tây Bắc Ga (180 ha), Bỉm
Sơn (566 ha), Hoàng Long (286 ha); mở rộng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng
lên 550 ha; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới gồm Thạch Quảng, Ngọc Lặc,
Bãi Trành để chuẩn bị điều kiện cho thu hút các dự án đầu tư giai đoạn sau
2020.
Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng hình
thành các cụm chuyên ngành; đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 57 cụm công nghiệp
với tổng diện tích 1.647 ha.
3. Phát triển dịch vụ, du lịch
Phát triển nhanh, đa dạng và nâng cao chất lượng
các loại dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm
dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Ưu tiên phát triển các dịch vụ
du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; dịch vụ cảng biển và
logistics; dịch vụ đào tạo, dạy nghề, y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế; dịch
vụ phần mềm công nghệ thông tin, nội dung số; dịch vụ khoa học công nghệ; kinh
doanh bất động sản. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành một trong những
trung tâm du lịch, cảng biển của vùng Bắc Trung bộ và cả nước; tốc độ tăng trưởng
dịch vụ bình quân hàng năm đạt trên 8,9%.
a) Thương mại
Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thương mại,
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, đưa Thanh Hóa
trở thành trung tâm thương mại, đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa khu vực Bắc
bộ với Bắc Trung bộ, một phần khu vực Tây Bắc và Bắc Lào. Phát triển mạnh hệ thống
siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị, thu hút các tập đoàn bán lẻ đa
quốc gia vào đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng các chợ đầu mối
rau quả, thực phẩm; nâng cấp chợ xã gắn với xây dựng nông thôn mới. Thành lập
khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo làm trung tâm giao thương với nước Cộng hòa dân chủ
nhân dân Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch
vụ bình quân hàng năm tăng 23,5 - 24%.
b) Du lịch
Phát triển du lịch dựa vào thế mạnh của tỉnh, đưa
du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm với 05 loại hình du lịch chủ yếu
gồm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản, du lịch thương mại công vụ, du lịch
sinh thái và du lịch tâm linh. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu, điểm
du lịch; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao, các
khu resort, khu vui chơi giải trí tại thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, Khu
kinh tế Nghi Sơn và một số khu vực du lịch khác trong tỉnh; đẩy nhanh tiến độ
thực hiện dự án sân golf tại Quảng Cư để thu hút du khách. Phấn đấu, đến năm
2020 đón được 9.000.000 lượt khách trong đó có 230.000 lượt khách du lịch quốc
tế.
c) Vận tải, kho bãi
Kết hợp phát triển hiệu quả giữa vận tải đường bộ với
đường sắt, đường thủy và hàng không. Phát triển đồng bộ các dịch vụ vận tải - cảng
biển - logistics để thu hút các luồng hàng xuất, nhập khẩu khai thác lợi thế cảng
nước sâu Nghi Sơn và các khu cửa khẩu của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh
vực vận tải đường bộ, đường thủy; kêu gọi đầu tư hệ thống cảng Nghi Sơn theo
quy hoạch và thực hiện duy tu, nạo vét luồng tàu nhằm nâng cao năng lực thông
luồng và tiếp nhận tàu tải trọng lớn ra vào cảng. Khai thác hiệu quả cảng hàng
không Thọ Xuân, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảng
hàng không Thọ Xuân.
d) Thông tin, truyền thông
Phát triển dịch vụ thông tin và truyền thông theo
hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng, chất lượng cao, đa dạng các
dịch vụ thông tin công ích phục vụ các thành phần kinh tế và đời sống nhân dân,
xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Phấn đấu đến năm 2020, các dịch vụ công
cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp.
Đầu tư nâng cấp trang thiết bị ứng dụng công nghệ
hiện đại, nâng cao chất lượng hoạt động phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất
bản. Từng bước thực hiện lộ trình số hóa phát thanh, truyền hình; tiếp tục đổi
mới nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình, tăng thời lượng phát
sóng bằng tiếng dân tộc.
đ) Tài chính - ngân hàng
Phát triển hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng hoạt
động theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các dịch vụ kinh doanh và tiện ích ngân
hàng theo chuẩn quốc tế. Khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay vốn đầu
tư vào các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
4. Các lĩnh vực xã hội
a) Khoa học và công nghệ
Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ
chế quản lý, cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ. Lựa chọn một
số tổ chức khoa học và công nghệ công lập để thí điểm chuyển đổi hình thức hoạt
động sang mô hình doanh nghiệp. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo
hướng ưu tiên nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới và ứng dụng công nghệ mới.
Tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động
khoa học, công nghệ. Nghiên cứu thành lập Viện nghiên cứu phát triển thuộc tỉnh
trước năm 2020.
b) Giáo dục và đào tạo
Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, xã hội
hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy nhanh
tiến độ kiên cố hóa trường mầm non công lập, khuyến khích thành lập các cơ sở
giáo dục mầm non tư thục. Xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn
thành trường chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia. Khuyến khích thành lập
các trường phổ thông quốc tế, trường phổ thông tư thục chất lượng cao ngoài
công lập.
Tiếp tục phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy
nghề, củng cố các trung tâm giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề cấp huyện nhất là
các huyện miền núi. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Trường Đại học
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học Hồng Đức, phát triển một số trường cao đẳng
nghề đào tạo các nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia và khu vực ASEAN. Đến năm
2020, ngoài 03 trường đại học hiện có thành lập 02 phân hiệu đại học tại Thanh
Hóa, gồm: 01 phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng
Y Thanh Hóa và 01 phân hiệu Học Viện Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở Khoa Nông
Lâm Trường Đại học Hồng Đức và Trường Cao đẳng Nông lâm; 16 trường cao đẳng; 21
trường trung cấp nghề.
c) Y tế và chăm sóc sức khỏe
Tập trung đầu tư các trung tâm kỹ thuật cao tại một
số bệnh viện tuyến tỉnh, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa
khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Phụ sản, đưa Thanh Hóa trở thành trung
tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao trong vùng. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất và
nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thành lập Khoa khám bệnh đạt tiêu chuẩn
quốc tế trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; thành lập Bệnh viện Ung bướu, Bệnh
viện Chấn thương chỉnh hình. Đến năm 2020 tuyến tỉnh có khoảng 16 bệnh viện
công lập; nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện và y tế cơ sở.
d) Văn hóa, thể dục thể thao
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn
hóa, thể thao và từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành
thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong tỉnh. Đầu tư xây dựng mới các công
trình thiết chế văn hóa cấp tỉnh như Nhà hát Dân tộc, Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo
tàng tỉnh, làng văn hóa các dân tộc thiểu số tại Ngọc Lặc; đầu tư các công
trình thiết chế văn hóa tổng hợp đa chức năng tại các thị xã và khu đô thị;
nâng cấp các trung tâm văn hóa huyện. Xây dựng thiết chế văn hóa xã, thôn bản gắn
với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, khu phố, thôn, bản có
nhà văn hóa 100% ở các huyện đồng bằng, ven biển và 60% ở các huyện miền núi.
đ) Lao động, việc làm và giảm nghèo
Tiếp tục thực hiện các chương trình dạy nghề cho
người lao động; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các cơ sở dạy
nghề để đào tạo nghề cho lao động; bình quân hàng năm đào tạo cho khoảng 7 - 8
vạn lao động; huy động các nguồn lực cho chương trình giảm nghèo.
5. Tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên,
khoáng sản và bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát,
ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các khu vực có nguy cơ ô
nhiễm cao như: Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp,
làng nghề. Đầu tư xây dựng hệ thống các khu xử lý chất thải công nghiệp, rác thải
sinh hoạt. Từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị, khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; trong đó xây dựng 02 trạm xử lý nước thải tập
trung tại thành phố Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn trước năm 2020.
Triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi
khí hậu, đầu tư nâng cấp hệ thống đê, kè biển ở các khu vực bị ảnh hưởng mạnh của
biến đổi khí hậu; hoàn chỉnh các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ven biển, nâng cao
khả năng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục phát triển thảm rừng và cây
xanh để tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu.
6. Phát triển kết cấu hạ tầng
a) Giao thông
- Đầu tư nâng cấp hoàn thành các tuyến quốc lộ trên
địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu từ cấp IV, 2 làn xe trở lên; đoạn qua đô
thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh khu vực đồng bằng
tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, IV; vùng miền núi đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp
V, đồng thời đầu tư cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và xây dựng một số cầu mới
trên tuyến đường tỉnh. Đến năm 2020, 100% đường tỉnh được cứng hóa mặt; tiếp tục
nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường giao thông nông thôn cơ bản đạt 100% các tuyến
đường huyện và 85% đường xã được cứng hóa mặt.
- Đầu tư xây dựng một số tuyến đường mới như: Đường
từ Cảng hàng không Thọ Xuân - khu kinh tế Nghi Sơn, tuyến nối quốc lộ 1A - quốc
lộ 10, đường Cầu Đò Lèn - Cầu Nguyệt Viên, đường từ cảng hàng không Thọ Xuân -
Ninh Bình, đường ven biển Nga Sơn - Tĩnh Gia, cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa;
nâng cấp các tuyến quốc lộ 217, 15A, 15C, 47B...
- Huy động đầu tư xây dựng cảng hàng không Thọ Xuân
đáp ứng công suất 600 hành khách/giờ cao điểm và 4.500 tấn hàng hóa/năm. Mở rộng
cảng Nghi Sơn theo quy hoạch đảm bảo tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, chuyên dùng đến
50.000 DWT; xây dựng một số cảng thủy (cảng Quảng Châu, bến du lịch Hàm Rồng,...).
Nghiên cứu lập phương án xây dựng tuyến đường sắt Nghi Sơn - Thọ Xuân.
b) Thông tin - viễn thông
Nâng cấp, mở rộng hạ tầng viễn thông đến năm 2020
đáp ứng thuê bao điện thoại di động và cố định đạt 80 - 85 thuê bao/100 dân; tỷ
lệ thuê bao Internet băng rộng cố định 15 - 20 thuê bao/100 dân, tỷ lệ thuê bao
băng rộng di động 35 - 40 thuê bao/100 dân.
Từng bước số hóa hệ thống truyền dẫn, phát thanh,
truyền hình mặt đất, tạo điều kiện cho phát triển hệ thống truyền hình vệ tinh,
truyền hình cáp trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, sử dụng cáp quang.
c) Cấp nước
Đầu tư hệ thống cấp nước đô thị đến năm 2020 có tổng
công suất các nhà máy nước đạt khoảng 452.000 m3/ngày đêm, trong đó:
Nâng công suất Nhà máy nước Hàm Rồng lên 80.000 m3/ngày đêm, các nhà
máy nước trong khu kinh tế Nghi Sơn đạt công suất 90.000 m3/ngày
đêm. Xây dựng mới các Nhà máy nước Hoàng Long, Nhà máy nước Lam Sơn và nhà máy
nước ở các thị trấn; đến năm 2020, các đô thị trong tỉnh có hệ thống cấp nước sạch
đạt 100%. Tiếp tục thực hiện và mở rộng chương trình cấp nước sạch nông thôn.
d) Thủy lợi
Đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống công trình thủy
lợi phục vụ đa mục tiêu (nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, ứng phó biến đổi khí
hậu,...). Tập trung hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động hệ thống kênh Bắc Hồ
Cửa Đạt; nâng cấp kênh Bái Thượng, hệ thống thủy lợi sông Lèn, hệ thống thủy lợi
vùng III Nông Cống, nâng cấp các hệ thống tiêu Quảng Châu, sông Lý, sông Hoàng,
sông Nhơm; đầu tư hệ thống đê sông; nâng cấp và cứng hóa các tuyến đê biển đảm
bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.
đ) Cấp điện
Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống truyền tải,
phân phối điện phù hợp với nhu cầu phụ tải điện của tỉnh. Đầu tư lưới cao thế
chủ yếu cấp điện chống quá tải cho khu vực kinh tế trọng điểm, các huyện, thị
xã dọc quốc lộ 1A, ven biển và mở rộng mạng lưới cấp điện các huyện miền núi
vùng cao, biên giới. Cải tạo lưới điện hạ thế các khu dân cư, nhất là khu vực
vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC
KHÔNG GIAN LÃNH THỔ
1. Phát triển hệ thống đô thị và nông thôn
- Phát triển hệ thống đô thị có tính cân đối giữa
các vùng trong tỉnh đồng thời gắn kết chặt chẽ với hệ thống đô thị của khu vực
Bắc Trung bộ và cả nước. Đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 70 đô thị, gồm: 1 đô
thị loại I (thành phố Thanh Hóa), 3 đô thị loại III (thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm
Sơn, đô thị mới Nghi Sơn), 3 đô thị loại IV (đô thị Ngọc Lặc, đô thị Rừng
Thông, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng) và 63 đô thị loại V.
- Xây dựng nông thôn mới theo hướng ổn định, có cơ
cấu kinh tế hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp
và dịch vụ, phát triển nông thôn với đô thị.
2. Phát triển các vùng kinh tế
- Vùng đồng bằng: Phát triển công nghiệp gắn với
các khu công nghiệp tập trung; ưu tiên các ngành chủ lực như: Lắp ráp ô tô, xi
măng, công nghiệp nhẹ và chế biến, điện tử tin học, công nghiệp ứng dụng công
nghệ cao. Phát triển dịch vụ chú trọng các ngành có giá trị gia tăng cao như
tài chính, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông, đào tạo, y tế. Phát triển
nông nghiệp sản xuất sạch; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển
khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Vùng ven biển: Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với
bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn.
Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: Lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu,
xi măng, nhiệt điện, chế biến nông, thủy sản. Đầu tư hệ thống cảng biển để phát
triển mạnh dịch vụ cảng, vận tải biển. Phát triển đa dạng các loại dịch vụ, nhất
là logictics, thương mại, du lịch, ngân hàng, tài chính. Hình thành vùng chuyên
canh nông nghiệp gắn với chế biến. Phát triển thủy sản gắn với phát triển dịch
vụ hậu cần nghề cá.
- Vùng trung du miền núi: Đẩy mạnh phát triển kinh
tế rừng, trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh gắn với chế biến; phát triển
các vùng chuyên canh cây công nghiệp có lợi thế. Khuyến khích phát triển các
trang trại chăn nuôi lợn, bò thịt chất lượng cao; hình thành các vùng chăn nuôi
bò sữa; phát triển chăn nuôi các con đặc sản. Ưu tiên phát triển các ngành công
nghiệp có thế mạnh như: Thủy điện, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu
xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Khai thác hiệu quả lợi thế để phát
triển du lịch và kinh tế cửa khẩu.
3. Phát triển mối liên kết vùng
Đẩy mạnh liên kết giữa các vùng trong tỉnh và giữa
Thanh Hóa với các tỉnh lân cận trong phát triển kinh tế - xã hội; xác định 5 trục
phát triển gồm: Trục Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - Lam Sơn - Sao Vàng; trục
thành phố Thanh Hóa - khu kinh tế Nghi Sơn; trục khu kinh tế Nghi Sơn - Lam Sơn
- Sao Vàng; trục Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Quảng; trục Thạch Quảng - Ngọc Lặc -
Lam Sơn - Sao Vàng - Bãi Trành.
C. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN
NĂM 2030
1. Mục tiêu chung
Phát triển Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh
tế theo chiều sâu; hướng mạnh vào phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh và
kinh tế xuất khẩu với các ngành, sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ và giá
trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa có nền
công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tốc độ đô thị hóa cao; đến năm 2030 là một
trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể
thao, khoa học công nghệ của khu vực Bắc Trung bộ, an ninh chính trị ổn định,
tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
2. Một số mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn
(GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8 - 9%/năm; trong đó giai đoạn
2021 - 2025 khoảng 9 - 10% và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 7 - 8%. GRDP bình
quân đầu người đạt khoảng 6.500 USD vào năm 2025 và 10.000 - 11.000 USD vào năm
2030.
- Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) phân
theo ngành kinh tế (nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ)
tương ứng khoảng 8,9% - 55,3% - 35,8% vào năm 2025 và 6,4% - 56,5% - 37,1% vào
năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD vào 2025 và 8 tỷ USD vào năm
2030. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 750 nghìn tỷ đồng giai đoạn
2021 - 2025 và đạt khoảng 800 - 900 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ trọng
sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP chiếm
45% GRDP vào năm 2025 và đạt trên 60% GRDP vào 2030.
- Dân số trung bình khoảng 3,75 - 3,8 triệu người
vào năm 2025 và khoảng 3,85 - 3,95 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ lao động
đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt khoảng 80% vào năm 2025 và
90% vào năm 2030, trong đó qua đào tạo nghề đạt lần lượt là 63% và 70%.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt lần lượt trên 41% và 50%; tỷ
lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 là 90% và 100% vào năm 2030.
3. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
a) Nông nghiệp
Phát triển mạnh nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp
sinh thái, bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2030, hình
thành và phát triển khoảng 7 - 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ổn định
diện tích trồng trọt để bảo đảm an ninh lương thực, áp dụng công nghệ hiện đại
trong trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như
chăn nuôi bò sữa gắn với chế biến; trung tâm sản xuất nguyên liệu và chế biến
các sản phẩm gỗ cao cấp xuất khẩu; trung tâm sản xuất nguyên liệu và chế biến
thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tiếp tục phát triển một số sản phẩm khác như rau,
củ, quả thực phẩm sạch; chăn nuôi và chế biến thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu.
b) Công nghiệp
Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp nhất là các
ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đưa Thanh Hóa trở thành một trong
những trung tâm công nghiệp lớn đa ngành của cả nước. Ưu tiên phát triển công
nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; sản xuất điện; chế biến
nông, lâm, thủy sản; vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xây dựng thông minh
và điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Khuyến khích phát triển sản xuất
các sản phẩm công nghệ sinh học; luyện cán thép; cơ khí chế tạo; phân bón, thức
ăn chăn nuôi. Duy trì ổn định công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu may mặc, giày
dép.
c) Dịch vụ, du lịch
Tập trung phát triển dịch vụ vận tải, thương mại cửa
khẩu, du lịch và các dịch vụ giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế chất lượng cao đạt
chuẩn quốc tế. Phát triển dịch vụ vận tải - kho cảng - logistics gắn với cảng
Nghi Sơn, đóng vai trò là một trong 3 trung tâm cảng biển quốc tế ở khu vực Bắc
bộ - Bắc Trung bộ. Phát triển thương mại cửa khẩu với vai trò là đầu mối giao
thương hội nhập, trung tâm kinh tế, thương mại cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào.
Phát triển du lịch Thanh Hóa thành một trong các
trung tâm du lịch của cả nước về du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa có
chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Từng bước xây dựng cảng Đảo Mê trở thành cảng
trung chuyển cho cảng Nghi Sơn; đến năm 2025 xây dựng Đảo Mê thành đảo du lịch
gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển.
d) Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị
Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng
bộ và hiện đại. Ưu tiên nguồn lực xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các vùng
kinh tế động lực và các công trình hạ tầng chính như trục giao thông, cảng biển,
sân bay, điện, nước, đảm bảo kết nối giữa các vùng trong tỉnh và kết nối giữa
Thanh Hóa với các tỉnh trong khu vực và quốc tế. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cảng
hàng không Thọ Xuân, mở rộng nhà ga hành khách đáp ứng khoảng 2 triệu khách/năm,
nhà ga hàng hóa công suất 27.000 tấn/năm để tiến tới thành cảng hàng không quốc
tế. Xây dựng cảng nước sâu Nghi Sơn thành cảng biển quốc tế ở khu vực, công suất
thông qua khoảng 40 triệu tấn vào năm 2030.
Phát triển đô thị theo hướng thân thiện môi trường,
kết hợp giữa hiện đại với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống về kiến
trúc, kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ; đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 90 - 95
đô thị.
đ) Các vùng kinh tế động lực
Tiếp tục phát triển 4 vùng kinh tế động lực gồm khu
kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn
- Thạch Thành. Các trục động lực phát triển chủ yếu được xây dựng trên cơ sở
các trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam (quốc lộ 1A và đường Hồ Chí
Minh) và Đông Tây (quốc lộ 47 - quốc lộ 15A - quốc lộ 217), đường Nghi Sơn - Thọ
Xuân, Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Quảng.
e) Văn hóa - xã hội
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội;
tạo sự phát triển hài hòa và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh
về các lĩnh vực văn hóa, xã hội; trước hết là về an sinh xã hội, giảm nghèo,
giáo dục, đào tạo, y tế. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy
nghề đạt chuẩn khu vực, quốc tế và các cơ sở y tế kỹ thuật cao, trước hết phát
triển ở thành phố Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn; đưa Thanh Hóa trở thành
trung tâm đào tạo, dạy nghề và y tế có chất lượng cao ở khu vực Nam Bắc bộ - Bắc
Trung bộ.
g) Tài nguyên môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu
Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn
tài nguyên của tỉnh. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đất, nước cho
phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Bảo tồn đa dạng sinh học, mở rộng diện
tích che phủ rừng; đến năm 2025, khoảng hơn 60% diện tích toàn tỉnh được che phủ
bởi rừng và cây xanh tập trung, khu vực đồi núi cơ bản đều được che phủ bởi rừng
và cây lâu năm. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên
và môi trường, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sử dụng năng lượng của tỉnh.
D. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU
TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Phụ lục kèm theo)
Đ. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC
HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư
- Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
và phương thức xúc tiến đầu tư. Tích cực thu hút đầu tư nhất là các dự án có
quy mô lớn, công nghệ cao vào khu kinh tế, khu công nghiệp và các trục phát triển.
Tranh thủ kịp thời sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành để thu hút đầu tư từ
các nước có tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý như: Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore, Đức, Pháp và một số nước Trung Đông. Củng cố và mở rộng hợp tác với
các tổ chức tài chính lớn và các tổ chức phi chính phủ để tranh thủ sự hỗ trợ,
hợp tác về đầu tư. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh
tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP; xây dựng đề án phát hành trái phiếu
địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm huy động nguồn
lực đầu tư cho các lĩnh vực này.
Hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2016 - 2020 theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; đồng thời đẩy nhanh thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Huy động tối đa nguồn vốn từ khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp
- tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn ngân sách nhà nước
chủ yếu đầu tư các công trình lớn, quan trọng của tỉnh như: Kết cấu hạ tầng
trong khu kinh tế Nghi Sơn, môi trường, các dự án lớn về giao thông, thủy lợi,
hạ tầng ngoài hàng rào các cơ sở công nghiệp.
2. Giải pháp về cơ chế chính sách.
Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách của
Trung ương đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách của tỉnh đã
ban hành, tập trung vào cơ chế chính sách phát triển nông, lâm, thủy sản, chính
sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xã hội hóa
lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách mới
trên các lĩnh vực về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông
thôn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản; kinh doanh rừng
gỗ lớn; đóng mới, thay máy tàu cá có công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản
xa bờ; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực;
chính sách khuyến khích các ngành dịch vụ ưu tiên phát triển, chính sách xã hội
hóa các dịch vụ công cộng, khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng.
3. Giải pháp về phát triển doanh nghiệp
Nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp,
doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng môi trường kinh doanh
bình đẳng và minh bạch. Đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực trong doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội
để cung cấp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào
tỉnh. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực
cạnh tranh của tỉnh đến năm 2015, đảm bảo chỉ số PCI của tỉnh duy trì trong tốp
10 cả nước. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương và
tỉnh về phát triển doanh nghiệp như các ưu đãi thuế, đất đai.
4. Giải pháp về khoa học - công nghệ
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh
nghiệp đầu tư và xây dựng chính sách trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học - công
nghệ; thực hiện tốt xã hội hóa để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển
khoa học - công nghệ. Củng cố, sắp xếp lại các cơ sở hoạt động khoa học và công
nghệ theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đầu tư đồng bộ một số phòng thí
nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và các nước trong khu vực ở Trường Đại học Hồng
Đức, Trường Cao đẳng y tế, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa,... Mở rộng
hợp tác phát triển khoa học và công nghệ với các thành phố và địa phương trên
thế giới.
5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ
sở đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng; ưu tiên đào tạo các ngành kinh tế chủ lực của
tỉnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo
hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, cơ cấu đào tạo theo
ngành, nghề và trình độ đào tạo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn kỹ thuật cho người lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến
khích phát triển nguồn nhân lực của Trung ương và của tỉnh đã ban hành.
6. Bảo vệ tài nguyên và môi trường
Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và môi
trường. Tập trung bảo vệ môi trường các dòng sông, khắc phục ô nhiễm môi trường
tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất. Khuyến
khích các thành phần kinh tế đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong thu gom, xử
lý và tái chế rác thải; ưu tiên dự án xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa và
khu kinh tế Nghi Sơn; rà soát và đình chỉ những dự án thủy điện ảnh hưởng xấu đến
môi trường.
7. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành
Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành của
chính quyền. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp hiệu
quả trong giải quyết công việc giữa các cấp, các ngành và đẩy mạnh cải cách hành
chính. Tăng cường thanh tra, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng. Thực hiện
nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
8. Giải pháp về bảo đảm an ninh quốc phòng
Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện,
nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế
- xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung
ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; củng cố thế
trận khu vực phòng thủ; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng,
an ninh và trật tự an toàn xã hội.
E. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC
HIỆN QUY HOẠCH
1. Sau khi điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt,
tỉnh tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành,
đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Căn cứ nội dung điều chỉnh của
Quy hoạch tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để có kế hoạch thực
hiện đạt kết quả.
2. Cụ thể hóa các nội dung của điều chỉnh Quy hoạch
bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được.
Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh có
trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.
3. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới
thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư; giới
thiệu các chương trình, dự án cần được ưu tiên đầu tư, trong đó chú trọng kêu gọi
đầu tư các dự án trọng điểm tạo ra những sản phẩm chủ lực.
Điều 2. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình
duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên
địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ
và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều chỉnh Quy hoạch
được phê duyệt chỉ đạo việc lập, duyệt và triển khai thực hiện theo quy định
các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp
huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển
các ngành, lĩnh vực trong tỉnh phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
2. Lập các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn, các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu
tư, bố trí sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý, hiệu quả.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có
thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh và luật pháp của Nhà nước trong từng giai đoạn nhằm
thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Giao các Bộ, ngành Trung ương liên quan theo chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong
quá trình thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm
tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ tỉnh trong việc huy động
các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế
Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm
2020.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).KN
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU
TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ
tướng Chính phủ)
STT
|
Tên công trình,
dự án
|
I
|
HẠ TẦNG GIAO THÔNG
|
1
|
Đường vành đai Đông Tây thành phố Thanh Hóa.
|
2
|
Đường gom quốc lộ 1A, đoạn tránh thành phố Thanh
Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
|
3
|
Đường ven biển từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia.
|
4
|
Đường Bỉm Sơn - Phố Cát - Thạch Quảng, tỉnh Thanh
Hóa (nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh).
|
5
|
Đường vành đai thị xã Sầm Sơn.
|
6
|
Đường nối quốc lộ 47 với thành phố Thanh Hóa (đoạn
Cầu Thiều nối với cuối đường tránh BOT).
|
7
|
Đường nối từ quốc lộ 217 đi quốc lộ 45, quốc lộ
47 (bao gồm cả cầu vượt sông Chu).
|
8
|
Cầu Hoằng Khánh, Thiệu Khánh, Cẩm Vân, Xuân
Khánh, Nam Khê.
|
II
|
HẠ TẦNG ĐÔ THỊ VÀ CÔNG NGHIỆP
|
1
|
Đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp Tây
quốc lộ 1A, khu kinh tế Nghi Sơn.
|
2
|
Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ngọc Lặc.
|
3
|
Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tây Nam
thành phố Thanh Hóa.
|
4
|
Hạ tầng khu công nghiệp Thạch Quảng.
|
5
|
Dự án xây dựng khu đô thị mới trung tâm Thành phố
Thanh Hóa.
|
6
|
Khu đô thị trung tâm khu kinh tế Nghi Sơn.
|
7
|
Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa.
|
8
|
Khu đô thị mới Ngọc Lặc.
|
9
|
Khu đô thị mới khu công nghiệp Lam Sơn - Sao
Vàng.
|
10
|
Hạ tầng đô thị Lam Sơn - Sao Vàng.
|
11
|
Hạ tầng đô thị Nghi Sơn.
|
III
|
HẠ TẦNG NÔNG NGHIỆP
|
1
|
Xây dựng hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao tỉnh Thanh Hóa.
|
2
|
Cầu cảng bến neo đậu tàu, thuyền đảo Hòn Mê.
|
3
|
Hệ thống thủy lợi Sông Lèn.
|
4
|
Hệ thống thủy lợi vùng III Nông Cống.
|
5
|
Tu bổ, nâng cấp và xử lý các điểm trọng yếu đê hữu
sông Cầu Chày.
|
6
|
Trạm bơm tưới Hoằng Khánh.
|
7
|
Dự án tiêu thủy các sông: Sông Hoàng, sông Lý và
Thọ Xuân.
|
8
|
Nâng cấp đê tả, hữu Sông Mã.
|
9
|
Nâng cấp, cứng hóa mặt đê tuyến đê tả, hữu sông
Chu để kết hợp làm đường giao thông, phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
|
IV
|
HẠ TẦNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
|
1
|
Bảo tàng tỉnh.
|
2
|
Khu liên hợp Thể dục thể thao tỉnh.
|
3
|
Bảo tồn và phục hồi Tòa Miếu số 1, 2, 8 và 9 -
Khu di tích lịch sử Lam Kinh.
|
4
|
Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa Thế giới Thành
Nhà Hồ.
|
5
|
Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm
Rồng, thành phố Thanh Hóa.
|
6
|
Khu bảo tồn di tích hang Con Moong.
|
7
|
Hạ tầng khu du lịch núi Nưa, An Tiêm.
|
V
|
HẠ TẦNG GIÁO DỤC, Y TẾ
|
1
|
Trường Đại học Công nghệ quốc tế Nghi Sơn.
|
2
|
Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn.
|
3
|
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ sở
2).
|
4
|
Đầu tư một số hạng mục để hoàn thiện cơ sở vật chất
Trường Đại học Hồng Đức.
|
5
|
Cơ sở hạ tầng phục vụ dự án Trung tâm đào tạo, bồi
dưỡng lao động đi làm việc tại các nước Trung Đông.
|
6
|
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa (Cơ sở 2).
|
7
|
Bệnh viện đa khoa quốc tế Nghi Sơn.
|
8
|
Bệnh viện đa khoa tư nhân Lam Sơn.
|
9
|
Tăng cường hệ thống y tế tỉnh, huyện, tỉnh Thanh
Hóa.
|
VI
|
HẠ TẦNG MÔI TRƯỜNG
|
1
|
Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Thanh Hóa
và vùng phụ cận.
|
2
|
Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải.
|
3
|
Dự án khu bảo tồn biển Hòn Mê.
|
4
|
Xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, thị xã Sầm Sơn.
|
Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các
công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định
cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu,
khả năng cân đối và huy động nguồn lực của tỉnh./.