Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 569/QĐ-UBND 2023 phát triển du lịch bền vững gắn giảm nghèo huyện Bình Liêu Quảng Ninh

Số hiệu: 569/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Thị Hạnh
Ngày ban hành: 07/03/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 569/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 07 tháng 3 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG GẮN VỚI GIẢM NGHÈO VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN BÌNH LIÊU, TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 18/6/2017;

Căn cứ Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014; Luật cư trú số 81/2006/QH11, ngày 29/11/2006; Luật biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

Căn cứ Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 11/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công nhận Khu du lịch Bình Liêu, huyện Bình Liêu là Khu du lịch cấp tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương và dự toán Đề án phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030;

Căn cứ Kết luận số 608-KL/BCSĐ ngày 03/10/2022 của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh;

Theo đề nghị của UBND huyện Bình Liêu tại các Tờ trình số 3403/TTr-UBND ngày 27/10/2022, số 3805/UBND-VHTT ngày 25/12/2022 về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và Báo cáo thẩm định của Sở Du lịch tại các văn bản số 1885/BC-SDL ngày 15/11/2022, số 2118/BC-SDL ngày 29/12/2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.

2. Phạm vi thực hiện đề án: huyện Bình Liêu

3. Thời gian thực hiện: giai đoạn 2022 - 2030.

4. Mục tiêu

4.1. Mục tiêu chung

- Xây dựng huyện Bình Liêu trở thành một trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động bền vững gắn với giảm nghèo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột của địa phương trong giai đoạn 2022-2030 và gắn kết chặt chẽ với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm địa phương và thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng, uy tín đầu tư vào du lịch trên địa bàn. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Bình Liêu.

4.2. Mục tiêu cụ thể

a). Đến năm 2025

- Đến năm 2025, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 500 nghìn lượt; trong đó khách lưu trú đạt trên 150 nghìn lượt, khách nước ngoài trên 20.000 lượt; doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng; lao động trực tiếp liên quan đến hoạt động du lịch trên 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%.

- Kinh tế du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế chung của huyện bình quân 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người gấp từ 2,2 - 2,5 lần năm 2020 (khoảng 3.500-4.000 đô la Mỹ). Phát triển du lịch góp phần tăng trưởng cơ cấu các ngành kinh tế trụ cột của địa phương theo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của huyện Bình Liêu.

- Đến 2025, phấn đấu hình thành, hoàn thiện 9 điểm du lịch (Thị trấn Bình Liêu; trung tâm du khách - nhà văn hóa xã Lục Hồn; điểm du lịch cộng đồng người Tày bản Cáu, xã Lục Hồn; điểm du lịch cộng điểm du lịch cộng đồng người Sán Chỉ, bản Lục Ngù và Khe Vằn, xã Húc Động; điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc, xã Đồng Văn; Điểm du lịch bản Sông Moóc, xã Đồng Văn; Điểm du lịch bản Khe Mọi, xã Đồng Văn; Điểm du lịch Rừng Hồi, bản Sông Moóc, xã Đồng Văn; Điểm du lịch sinh thái xã Hoành Mô và xã Đồng Văn) và 7 điểm tham quan (Cao Ba Lanh, đỉnh Cao Xiêm, thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, đồi hát Soóng Cọ, Cổng chào và điểm dừng chân huyện Bình Liêu, ruộng Bậc thang bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt, xã Lục Hồn).

- Phát triển thị trấn Bình Liêu thành trung tâm kết nối, điều phối hoạt động du lịch huyện Bình Liêu. Trong đó tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch: lưu trú, vui chơi giải trí nhằm giữ chân du khách lâu hơn khi đến với Bình Liêu.

- Bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch chung trên địa bàn. Hoàn thiện và triển khai đón khách tại 3 điểm du lịch cộng đồng đại diện cho 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn huyện Bình Liêu.

b). Đến năm 2030

- Đến năm 2030, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 800 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú đạt trên 350 nghìn lượt; khách nước ngoài trên 30 nghìn lượt, doanh thu đạt trên 960 tỷ đồng; lao động liên quan trực tiếp hoạt động du lịch trên 5.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 95%.

- Kinh tế du lịch góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5- 2 lần năm 2025 (khoảng 5.200-8.000 đô la Mỹ), góp phần tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện trên 17%/năm.

- Tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư Khu du lịch xã Lục Hồn và 3 điểm tham quan (Các cột mốc biên giới, rừng Ngàn Chi và Công viên hoa sở); đưa Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch sinh thái-văn hóa-nghỉ dưỡng vùng núi, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh; là vùng du lịch thương mại cửa khẩu có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước.

5. Nhiệm vụ

- Đánh giá điều kiện tự nhiên, văn hóa - lịch sử, kinh tế - xã hội trên địa bàn khảo sát, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa Bình Liêu.

- Đánh giá hiện trạng du lịch, loại hình du lịch và sản phẩm du lịch nhằm đưa ra các quan điểm, định hướng phát triển và xây dựng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng đa dạng, chất lượng và bền vững.

- Định hướng cho việc phát triển các loại hình du lịch chiến lược tại huyện Bình Liêu như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch biên giới.

- Xác định được các điểm du lịch trọng tâm làm cơ sở xây dựng các tuyến du lịch đặc thù và các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

- Dự báo được các yếu tố tác động đến phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện bao gồm các tác động từ chính sách, từ tự nhiên, từ cộng đồng, các doanh nghiệp du lịch và các vấn đề phát triển tại địa phương.

- Đề xuất danh mục các mô hình, dự án ưu tiên nghiên cứu thực hiện.

- Đề ra các giải pháp, cơ chế trong việc thực hiện, huy động các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động du lịch theo hình thức xã hội hóa.

- Đề xuất các giải pháp về áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển các sản phẩm du lịch, giải pháp về nhân lực, xúc tiến - quảng bá, các giải pháp về bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường.

6. Định hướng phát triển

6.1. Định hướng phát triển không gian du lịch

Phát triển không gian du lịch tại Bình Liêu theo hướng tôn trọng không gian văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đồng thời phát triển các điểm du lịch, điểm tham quan xứng tầm với tiềm năng văn hóa, lịch sử và cảnh quan đặc sắc.

6.2. Định hướng phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng

Lấy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện làm cơ sở phát triển du lịch cộng đồng và ngược lại, phát triển du lịch cộng đồng để bảo tồn các giá trị văn hóa, hướng tới bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn huyện Bình Liêu.

6.3. Định hướng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch

- Nhóm các sản phẩm du lịch cộng đồng: Tham quan văn hóa, kiến trúc truyền thống; Trải nghiệm dịch vụ lưu trú, sinh hoạt với cộng đồng tại các bản làng của các tộc người như bản Sông Moóc của người Dao, bản Cáu của người Tày, bản Lục Ngù của người Sán Chỉ...; Thưởng thức biểu diễn hát then, hát giao duyên, các lễ hội truyền thống như lễ hội cấp sắc của người Dao, lễ hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Trải nghiệm những trò chơi truyền thống như: bóng đá nữ tại xã Húc Động, trải nghiệm mùa vàng Bình Liêu cùng người dân địa phương...

- Nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái: Tổ chức các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm thiên nhiên và khám phá đa dạng sinh học và cảnh quan vùng Đông Bắc tại những địa điểm có lợi thế núi rừng như: Đỉnh Cao Xiêm, Cao Ly, Cao Ba Lanh, rừng Ngàn Chi, các thác nước: Khe Vằn, Khe Tiền, Sông Moóc, Thác Đỏ; Trải nghiệm tại các điểm ruộng bậc thang, khu vực trồng hoa mua, hoa sim.

- Nhóm các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử: Tổ chức sản phẩm du lịch tại các điểm văn hóa lịch sử tâm linh như: đình Lục Nà, đình Vua Ngại, Cao Ba Lanh. Tổ chức các nghi thức tâm linh, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc tại Đình Lục Nà và đình Vua Ngại.

- Nhóm sản phẩm du lịch biên giới: Trải nghiệm tham quan các cột mốc biên giới, Cao Ba Lanh gắn liền những hoạt động trải nghiệm với ý nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, các hoạt động kinh tế, du lịch biên giới.

- Nhóm các sản phẩm du lịch mạo hiểm: Sử dụng lợi thế địa hình núi cao, nhiều thung lũng bằng các con đường ven núi khá rộng, cung cấp sản phẩm vận động như: leo núi, đi bộ xuyên rừng, đạp xe địa hình; Tổ chức các trò chơi mạo hiểm Zipline, Bungee, nhảy dù... tại khu vực có không gian, độ cao và khí hậu phù hợp.

- Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe: Trải nghiệm lưu trú tại các không gian hồi, quế, sở nhằm cung cấp không gian và trải nghiệm thư giãn, chữa bệnh, thanh lọc cơ thể. Chú trọng cung cấp những sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường; Trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác như: tắm lá thuốc người Dao, xoa bóp, bấm huyệt có sự tham gia chính của người dân địa phương.

- Nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp: Tập trung cung cấp, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP như: miến dong Bình Liêu, củ cải phên, dầu sở, mật ong…; Tổ chức hoạt động trải nghiệm mô hình làm miến, chế biến tinh dầu, trải nghiệm mô hình nuôi cá nước lạnh, trải nghiệm gặt lúa...

- Nhóm các sản phẩm du lịch khác tập trung tại thị trấn Bình Liêu gồm: Dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm, các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động thuyết minh, hướng dẫn, diễn giải về văn hóa, lịch sử địa phương, tạo không gian đi bộ tại Quảng trường 25/12, thị trấn Bình Liêu; tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ; phát triển các dịch vụ vận chuyển, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh.

6.4. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng du lịch

Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn huyện.

Trong giai đoạn đến năm 2025: Nghiên cứu đầu tư và nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế xã hội kết hợp với phát triển du lịch đã có như: đường lên núi Cao Xiêm; đường lên Cao Ba Lanh; đường vào rừng Ngàn Chi; đường vào các thác nước; cảnh quan trên các tuyến đường lên các mốc biên giới; hệ thống điện, nước và thông tin liên lạc tại các đỉnh núi, khu vực hấp dẫn khách du lịch.

Giai đoạn 2026-2030: Thu hút đầu tư, đầu tư hoàn thiện cơ bản các hạng mục đầu tư theo quy định các điểm du lịch, điểm tham quan tại huyện.

6.5. Định hướng phát triển thị trường

- Tập trung thị trường trong nước.

- Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam: hướng tới khách du lịch châu Âu, châu Úc, khách du lịch tàu biển...

6.6. Định hướng về quản lý, khai thác và giám sát hoạt động du lịch

a). Đối với các điểm du lịch cộng đồng do người dân tự kinh doanh:

- Thành lập các hợp tác xã (hoặc ban quản lý) với đại diện là các hộ kinh doanh, chính quyền địa phương để thống nhất quản lý về sản phẩm, giá cả chất lượng và môi trường văn hóa - xã hội - tự nhiên.

- Xây dựng quy chế hoạt động du lịch cộng đồng, chú trọng tới việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, an ninh, an toàn - trật tự xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống và phân chia lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng cho người dân và địa phương.

b). Đối với các điểm du lịch cộng đồng do doanh nghiệp kinh doanh:

- Xây dựng quy chế phối hợp, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp; ưu tiên đào tạo và sử dụng lao động địa phương, sản vật địa phương trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ người dân trong việc tạo sinh kế và nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng đời sống.

- Phát huy hình thức liên doanh liên kết để gia tăng hiệu quả thu hút vốn đầu tư; Ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp, có nguyên tắc phát triển phù hợp hướng bền vững.

7. Định hướng phát triển các tuyến du lịch

7.1. Tuyến du lịch nội vùng

Nhóm 1: Các tuyến du lịch văn hóa sinh thái

(1) Tuyến số 1: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách - Đình Lục Nà - Điểm du lịch cộng đồng người Tày, bản Cáu - Cột mốc 1300/1305 - Cửa khẩu Hoành Mô (1 ngày).

(2) Tuyến số 2: Thị trấn Bình Liêu -Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cột mốc 1300/1305 - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc - Cao Ba Lanh - Thác Sông Moóc/Thác Khe Tiền - Vườn Hoa Cao Sơn (2 ngày).

(3) Tuyến số 3: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cột mốc 1300 - Điểm du lịch cộng đồng người Sán Chỉ, bản Lục Ngù - Cao Ly - Thác Khe Vằn - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc - Cao Ba Lanh - Cột mốc 1327 (2 ngày).

(4) Tuyến số 4: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Bản Cáu - Cột mốc 1300/1305 - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc - Chợ Đồng Văn - Cao Ba Lanh - Thác Sông Moóc - Cao Ly - Vườn hoa Cao Sơn - Thác Khe Vằn - Điểm du lịch cộng đồng người Sán Chỉ, bản Lục Ngù - Cơ sở miến dong (3 ngày).

(5) Tuyến số 5: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cột mốc 1300/1305 - Thác Sông Moóc - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc (1 ngày).

(6) Tuyển số 6: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cột mốc 1300/1297 - Thác Khe Vằn - Cao Ly - Cao Ba Lanh - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc (2 ngày).

(7) Tuyến số 7: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cột mốc 1300 và 1297 - Cao Xiêm (2 ngày).

(8) Tuyến số 8: Thị trấn Bình Liêu -Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cao Xiêm - Rừng Ngàn Chi - Thác Đỏ (2 ngày).

b). Nhóm 2: Các tuyến du lịch văn hóa tâm linh

(9) Tuyến số 9: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cao Ba Lanh (1 ngày).

c). Nhóm 3: Các tuyến du lịch sinh thái cảnh quan

(10) Tuyến số 10 - “Chinh phục các đỉnh núi cao của Bình Liêu”: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Đỉnh Cao Xiêm - Đỉnh Cao Ba Lanh (2 ngày).

(11) Tuyến số 11 - “Chinh phục các cột mốc biên giới”: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cột mốc 1300 và 1305 - Cửa khẩu Hoành Mô - Cột mốc 1327 (2 ngày).

7.2. Tuyến du lịch kết nối ngoại vùng

a). Các tuyến du lịch kết nối nội tỉnh Quảng Ninh

(1) Tuyến số 1: Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Điểm cộng đồng người Tày - Thác Sông Moóc - Cao Ba Lanh (3 ngày 2 đêm).

(2) Tuyến số 2: Vịnh Bái Tử Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Thác Khe Vằn - Điểm cộng người Sán Chỉ - Cao Ly (3 ngày 2 đêm).

(3) Tuyến số 3: Móng Cái - Trà Cổ - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cao Xiêm - Rừng Ngàn Chi (4 ngày 3 đêm).

(4) Tuyến số 4: Đông Triều - Uông Bí - Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Hoành Mô (4 ngày 3 đêm).

b). Các tuyến du lịch kết nối liên tỉnh

(1) Tuyến số 5: Khu du lịch Cát Bà (Hải Phòng) - Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cao Ba Lanh - Bản cộng đồng người Dao (4 ngày 3 đêm).

(2) Tuyến số 6: Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)- Khu du lịch Yên Tử (Uông Bí) - Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Bản người Tày - Cao Xiêm (4 ngày 3 đêm).

(3) Tuyến số 7: Bắc Giang - Khu du lịch Yên Tử (Uông Bí) - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cao Ba Lanh (4 ngày 3 đêm).

(4) Tuyến số 8: Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - “Sống lưng khủng long” - Cột mốc 1305 - Cửa khẩu Hoành Mô - Cao Ba Lanh - Thác Sông Moóc (4 ngày 3 đêm).

(5) Tuyến số 9: Hà Nội - Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - “Sống lưng khủng long” - Cột mốc 1305 - Đồng Văn - Cao Ba Lanh (4 ngày 3 đêm).

(6) Tuyến số 10: TP. Hồ Chí Minh - Vân Đồn - Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Thác Khe Vằn (4 ngày 3 đêm).

(7) Tuyến số 11: TP. Đà Nẵng - Vân Đồn - Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Cao Ba Lanh - Thác Sông Moóc - Bản cộng đồng người Dao (4 ngày 3 đêm).

c). Các tuyến du lịch kết nối quốc tế

(1) Tuyến số 12: Phòng Thành Cảng (Quảng Tây - Trung Quốc) - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà (huyện Bình Liêu) - Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (4 ngày 3 đêm).

8. Nguồn kinh phí thực hiện

- Ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng,... phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí, lợi ích nhóm theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền và quy định hiện hành.

- Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật và các nguồn huy động hợp pháp khác.

9. Giải pháp thực hiện

9.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch không gian du lịch

a) Giải pháp về quy hoạch không gian du lịch

Việc phát triển không gian du lịch đảm bảo nguyên tắc tuân thủ theo các quy hoạch định hướng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (quy hoạch vùng huyện Bình Liêu, kế hoạch sử dụng đất của huyện Bình Liêu và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan). Quy hoạch phát triển thị trấn Bình Liêu thành trung tâm kết nối, điều phối hoạt động du lịch huyện Bình Liêu.

b) Cơ chế chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch

- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền các cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch theo quy định hiện hành, hỗ trợ tái dựng/sửa chữa cơ sở kinh doanh lưu trú cộng đồng cho các hộ dân thuộc dự án bảo tồn văn hóa kiến trúc nhà cổ/ các hộ kinh doanh lưu trú tại điểm/khu du lịch theo quy định.

- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền các cơ chế hỗ trợ cá nhân/hộ kinh doanh lưu trú cộng đồng về lãi suất vay vốn để xây dựng mới hoặc nâng cấp các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu lưu trú hộ gia đình; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các hợp tác xã/ làng nghề truyền thống phục vụ du khách trên địa bàn.

c) Kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho người nước ngoài đến tham quan

- Tiếp tục phối hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) là cửa khẩu song phương; nghiên cứu đề xuất khuyến khích khai thác du lịch tại các Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, thử nghiệm đón khách quốc tế và phương tiện du lịch qua cửa khẩu Hoành Mô theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tốt công tác quản lý đối với du khách, tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định của các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện Bình Liêu về sự tham gia của du khách nước ngoài.

9.2. Giải pháp về tài chính và thu hút nhà đầu tư

- Ưu tiên dành nguồn lực hàng năm từ nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp hàng năm, lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương với việc xây dựng quy hoạch, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông; cung cấp điện, nước; xử lý môi trường...), công tác bảo tồn các giá trị văn hóa; hỗ trợ cho công tác quảng bá du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo quy định.

- Nghiên cứu, đầu tư, nâng cấp theo quy định các công trình giao thông làm động lực kết nối các điểm, tuyến du lịch tại huyện Bình Liêu; hệ thống biển báo chỉ dẫn, biển cảnh báo, biển thông tin tại các điểm du lịch trong Khu du lịch Bình Liêu để hướng dẫn, cung cấp thông tin cho du khách trong quá trình tham quan; các tuyến đường giao thông kết nối với các điểm du lịch phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; có phương án chống sạt lở, bố trí biển báo chỉ dẫn, đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan du lịch; hạ tầng thu gom, xử lý chất thải, nước thải và các giải pháp bảo vệ môi trường trên toàn huyện.

- Kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng, resort, khách sạn quy mô lớn để nâng cao công suất phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đặc biệt là các cơ sở lưu trú theo kiến trúc truyền thống của các dân tộc tại các điểm du lịch cộng đồng, đảm bảo tiện nghi, lịch sự đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch

- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh các dịch vụ du lịch như: kinh doanh các dịch vụ lưu trú, homestay, nhà hàng, dịch vụ bán hàng, sản xuất đồ thủ công truyền thống... để tạo sự đa dạng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch tại huyện Bình Liêu. Nghiên cứu, xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định luật pháp tại các bản, các xã trọng điểm trong phát triển du lịch trên địa bàn.

9.3. Giải pháp về phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa

- Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng trung tâm giao lưu văn hóa và các bản văn hóa - du lịch vệ tinh tại các địa điểm để bảo tồn và phát huy hiệu quả các không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu trên địa bàn; thực hiện các giải pháp gắn kết các bản văn hóa du lịch cộng đồng trong các tuyến du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng các phương án về bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, nhất là việc bảo tồn kiến trúc truyền thống, đồng thời nghiên cứu bảo tồn và phát triển tri thức y học dân gian kết hợp phát triển du lịch;

- Thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa, giao lưu, hội thi, duy trì biểu diễn và thực hành các hình thức sinh hoạt văn hóa. Khuyến khích rộng rãi đến cộng đồng mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình từ cán bộ chính quyền huyện, chính quyền xã đến cộng đồng người dân trong cuộc sống hàng ngày;

- Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn và dài hạn về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc như hát then, thêu, dệt, đan lát, nghi lễ cấp sắc...cho các thế hệ trẻ.

9.4. Giải pháp về phát triển các sản phẩm và liên kết du lịch

- Có giải pháp phù hợp để kích thích và phát triển các sản phẩm du lịch như: (i) Nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm, loại hình du lịch mang tính đặc trưng và độc đáo; (ii) Ưu tiên nghiên cứu, sản xuất các sản vật địa phương; (iii) Tiếp tục quảng bá, tổ chức các sự kiện trong năm; (iv) Liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành; (v) Xây dựng những ấn phẩm truyền thông, sách báo, sổ tay, các sản phẩm kỹ thuật số phục vụ quảng bá du lịch...

9.5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trong độ tuổi lao động làm cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển lực lượng lao động du lịch trên địa bàn huyện; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và văn hóa giao tiếp, ứng xử đối với du khách.

- Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng đối với cán bộ điều hành, đội ngũ nhân viên làm dịch vụ du lịch trực tiếp để đáp ứng tốt công việc trong thời kỳ chuyển đổi số.

- Khuyến khích các chủ đầu tư, doanh nghiệp chú trọng thu hút và sử dụng nguồn nhân lực địa phương vào các hoạt động phục vụ khách du lịch như hướng dẫn du lịch, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, cung ứng dịch vụ ẩm thực, lưu trú, sản xuất và bán đồ thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm.

9.6. Giải pháp về xúc tiến quảng bá và phát triển thị trường du lịch

- Nghiên cứu, điều tra thị trường du lịch định kỳ để nắm được diễn biến thị trường làm cơ sở xây dựng kế hoạch truyền thông, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch.

- Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xác định thông điệp quảng bá du lịch phù hợp với từng sự kiện, từng giai đoạn truyền thông.

- Cập nhật các website, fanpage du lịch huyện Bình Liêu để đẩy mạnh tương tác giữa người dân địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ và du khách trên môi trường trực tuyến; liên kết các cơ quan truyền thông có uy tín, các cơ quan báo chí, các chuyên trang về du lịch, điểm đến... để quảng bá và tạo dựng hình ảnh du lịch; tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch; tham gia các Hội chợ quốc tế, trong nước về du lịch; tổ chức các chương trình farmtrip giới thiệu quảng bá điểm đến du lịch huyện Bình Liêu.

9.7. Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật

- Nghiên cứu mở rộng phát triển các rừng cây bản địa, bảo tồn các loài dược liệu quý của đồng bào người Dao, người Sán Chỉ, người Tày... để phát triển nguồn lợi từ lâm nghiệp là đặc sản dưới tán rừng; giới thiệu cho du khách về công tác bảo tồn và giá trị đa dạng sinh học đồng thời khai thác dược liệu phục vụ du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng.

- Nghiên cứu và có các chính sách khuyến khích ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đảm bảo hạn chế việc thay đổi môi trường cảnh quan trong xây dựng; áp dụng công nghệ xử lý rác thải, nước thải tiên tiến trong hoạt động du lịch.

9.8. Giải pháp về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; đến tác động của biến đổi khí hậu đối với du lịch.

- Thực hiện các biện pháp kiểm soát chất thải, nước thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn; tổ chức, thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt.

- Thực hiện quản lý và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, đồng thời cải thiện thu nhập cho người dân.

- Áp dụng khoa học công nghệ vào công tác theo dõi và giám sát và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

9.9. Giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh và chủ quyền quốc gia

- Thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội phải đảm bảo tuân thủ nghiêm mọi quy định về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới, cửa khẩu, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Huyện theo hướng dẫn, quản lý của các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế cho khách du lịch trước khi trải nghiệm tại các điểm tham quan, điểm du lịch, đặc biệt là các du khách nước ngoài; công khai số điện thoại đường dây nóng của người quản lý (công an, quân đội, bác sĩ...) đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Việc triển khai thực hiện Đề án phải được lồng ghép, điều chỉnh phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình phát triển kinh tế xã hội; phù hợp với các định hướng, quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm; gắn với công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành. Một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

1. UBND huyện Bình Liêu

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai cụ thể, toàn diện Đề án này; kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, chồng chéo.

- Chủ trì ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án; xây dựng các chương trình, đề án, dự án (nếu cẩn), báo cáo cơ quan có thẩm quyền đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đảm bảo hiệu quả chung.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích mà du lịch mang lại cho địa phương và người dân; khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch; tăng cường tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, truyền thông, quảng bá, thu hút khách du lịch.

- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện và quản lý các nội dung, mục tiêu của Đề án; Khảo sát và tổ chức nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản về du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch, tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hoá; Khuyến khích các đơn vị và các nhân trên địa bàn huyện thực hiện các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đa dạng các hoạt động trải nghiệm, và làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng.

- Tổ chức nghiên cứu khôi phục các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày... phục vụ việc phát triển du lịch; quản lý các tác động của du lịch đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường; tích cực truyền thông về hình ảnh du lịch, điểm đến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội.

- Thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, theo dõi, giám sát việc thực hiện khai báo của các đơn vị lữ hành, chủ khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện; tuyên truyền, tập huấn và phổ biến các chính sách quốc phòng - an ninh vùng biên giới với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và Nhân dân.

- Tổ chức đánh giá và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó và khắc phục các sự cố về môi trường, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; thực hiện kế hoạch bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, tài nguyên nước, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn theo đúng các quy định.

- Xây dựng và lồng ghép các chương trình về kiến thức, văn hóa lịch sử của địa phương trong chương trình học chính quy của học sinh; Nghiên cứu xây dựng các lớp học về chữ viết, nghệ thuật văn hóa truyền thống, như hát Then của người Tày, hát giao duyên của người Dao, người Sán Chỉ...; truyền tải và hướng dẫn duy trì các lớp học.

- Tổ chức định hướng nghề nghiệp, đào tạo, tập huấn cho cộng đồng địa phương, xây dựng các sinh kế trong đó có du lịch là một hướng phát triển kinh tế quan trọng tại địa phương.

- Nghiên cứu và thực hiện các mô hình nông - lâm nghiệp trọng điểm trên địa bàn gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp; chỉ đạo, phối hợp thực hiện phát triển các vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh để cung ứng sản phẩm ra thị trường; xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển các mô hình trồng dược liệu thử nghiệm gắn với bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn.

- Đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện nhằm phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cho du khách, người dân trên địa bàn; Thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện; Thu thập và kiểm soát thông tin về khách du lịch.

- Tổ chức truyền thông bằng các loại hình phù hợp về hoạt động du lịch, về các điểm du lịch, tuyến du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên của huyện; Tuyên truyền vận động người dân tham gia vào phát triển hoạt động du lịch; Tổ chức các cuộc xúc tiến, truyền thông trên các nền tảng liên kết giữa các huyện, các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

2. Sở Du lịch

- Theo dõi và đôn đốc việc triển khai Đề án; hướng dẫn nghiệp vụ du lịch; hướng dẫn tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng.

- Khảo sát và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương; quản lý chặt chẽ các hoạt động và sản phẩm du lịch nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực có nguy cơ gây ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.

- Phối hợp kêu gọi nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án về phát triển du hch trên địa bàn nhằm khai thác và sử dụng các tiềm năng du lịch của huyện Bình Liêu; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch đến với du khách trong nước và quốc tế; tổ chức các đoàn khảo sát đến Bình Liêu.

- Phối hợp thực hiện lồng ghép thực hiện Đề án với các chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện theo kế hoạch, chương trình, quy hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có huyện Bình Liêu, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cân đối ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn theo quy định đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo đúng quy định hiện hành.

4. Sở Tài chính

Hướng dẫn các đơn vị, địa phương các quy định về quản lý tài chính; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn huy động trong thực hiện Đề án.

5. Ban Xúc tiến hỗ trợ đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Bình Liêu thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư các dự án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu.

6. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn để phát triển du lịch nói chung và loại hình du lịch nông nghiệp nói riêng trên địa bàn huyện Bình Liêu; Nghiên cứu thúc đẩy các mô hình trồng cây nông lâm nghiệp và cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao gắn với phát triển du lịch; thúc đẩy và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hiện có trên địa bàn huyện Bình Liêu; chú trọng quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm OCOP, đồng thời nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm tiềm năng khác; hỗ trợ phát triển du lịch thông qua phát triển loại hình du lịch nông nghiệp tại huyện Bình Liêu. Hướng dẫn Huyện Bình Liêu và các đơn vị liên quan theo quy định hiện hành.

7. Sở Công Thương

Phối hợp với UBND huyện Bình Liêu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch liên quan đến các trung tâm thương mại, điểm mua sắm, điểm dừng chân du lịch, chợ truyền thống... Chịu trách nhiệm tham mưu đề xuất các biện pháp phát triển sản phẩm hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, làng nghề. Phối hợp triển khai thực hiện các chương trình hội chợ, triển lãm, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch cho các sản phẩm du lịch của Bình Liêu.

8. Sở Giao thông vận tải

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan tới phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông gắn với phát triển du lịch; Phối hợp với Sở Du lịch, UBND huyện Bình Liêu đề xuất phương án đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông tại khu vực có điều kiện, tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trên địa bàn huyện Bình Liêu; Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn về chuyên môn, phối hợp với các Sở, Ngành trong công tác tuyên truyền vận động người dân, du khách bảo vệ môi trường, tránh gây những tác động tiêu cực tới môi trường du lịch; phối hợp hướng dẫn quản lý, sử dụng đất cho các dự án phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

- Chủ trì thực hiện đánh giá tác động môi trường cho các dự án phát triển du lịch. Triển khai, giám sát các chương trình và hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch tại huyện Bình Liêu; Phối hợp với Sở Du lịch, UBND huyện Bình Liêu đề xuất phương án bảo vệ tài nguyên môi trường, phương án xử lý nước thải, chất thải từ hoạt động du lịch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

10. Sở Xây dựng

- Thực hiện quản lý theo chức năng, nhiệm vụ; hướng dẫn và cung cấp các thông tin về quy hoạch có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Xây dựng.

- Hướng dẫn các thủ tục về đầu tư xây dựng công trình đối với các hoạt động du lịch có dự án đầu tư xây dựng công trình.

11. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh

- Hướng dẫn, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ cho các điểm du lịch đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, thuận tiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, UBND huyện Bình Liêu đẩy mạnh chiến lược truyền thông, quảng bá cho du lịch huyện Bình Liêu.

12. Ban Dân tộc tỉnh

Phối hợp tham mưu, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện Bình Liêu nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn huyện.

13. Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Liên minh các hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài quốc doanh Tỉnh và các doanh nghiệp

- Nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới tại Bình Liêu có chất lượng, uy tín và thương hiệu, đặc biệt chú trọng đầu tư các công trình thân thiện với môi trường; Khuyến khích hợp tác, sử dụng và đào tạo lao động địa phương; Xây dựng mô hình cộng đồng được hưởng lợi và tham gia vào các quá trình ra quyết định về triển khai các dự án du lịch.

- Xây dựng các chương trình du lịch; tăng cường mở rộng liên doanh, liên kết với các đơn vị du lịch trong nước và quốc tế để khai thác các tiềm năng du lịch của Bình Liêu dưới sự hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng của địa phương có liên quan, tuân thủ quy định của pháp luật về du lịch, thực hiện nghiêm túc quy định đối với du khách tham quan, du lịch biên giới.

- Tham gia tuyên truyền quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch Bình Liêu. Vận động các đơn vị kinh doanh du lịch tích cực tham gia các sự kiện như hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, hình ảnh du lịch Bình Liêu nói riêng, Quảng Ninh nói chung đến với du khách trong nước và khách quốc tế.

- Tham gia thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch tại doanh nghiệp và địa phương.

14. Cộng đồng người dân

Chủ động nghiên cứu, đầu tư và hoàn thiện các dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách, phát huy tối đa các tiềm năng hiện có của địa phương;

Chủ động học hỏi, tìm hiểu các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng lấy kinh nghiệm áp dụng cho mô hình của địa phương; Tổ chức các hoạt động theo mô hình nhóm, xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý du lịch cộng đồng, phương thức chia sẻ lợi ích, hướng tới phục vụ chuyên nghiệp và có tổ chức; Tham gia duy trì và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành: Du lịch; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Ban Dân tộc tỉnh; Ban Xúc tiến hỗ trợ đầu tư; Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, HĐND tỉnh (b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh (báo cáo);
- V0-V3;
- DL1-2;
- Lưu VT, DL1

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hạnh

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 569/QĐ-UBND ngày 07/03/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


842

DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.104.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!