ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4112/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thương mại ngày
14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/6/2006 của Chính phủ về lập, xây dựng, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ
Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản
lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg
ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn
đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số
73/2006/QĐ-UBND ngày 27/12/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng
thể phát triển hệ thống chợ đến 2020;
Căn cứ Quyết định số 520/QĐ-UBND
ngày 24/02/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán Điều
chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020,
định hướng đến năm 2025;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại
Văn bản số 1238/SCT-QLTM ngày 14/11/2014, Văn bản số
1330/SCT-QLTM ngày 10/12/2014 và Văn bản số 1379/SCT-QLTM ngày 22/12/2014 về việc
phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống
chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống
chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với các nội
dung sau:
1. Quan điểm, mục tiêu điều
chỉnh Quy hoạch
1.1. Quan điểm phát triển
- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát
triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm
2025 kế thừa Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được
phê duyệt tại Quyết định số 73/2006/QĐ-UBND ngày 27/12/2006 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
- Phát triển hệ thống chợ phù hợp với
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết
định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch phát triển
thương mại và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan và quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu
tư và xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xã hội,
góp phần bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
- Chú trọng công
tác tổ chức và quản lý chợ trên góc độ hiệu quả kinh tế từ các nguồn thu và những
tác động của chợ đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
1.2. Mục tiêu phát triển
1.2.1. Mục tiêu tổng quát
- Mạng lưới chợ phải được sắp xếp,
phân bổ phù hợp và đáp ứng đủ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân,
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà
nước; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
- Phát triển, khai thác có hiệu quả
các loại hình và cấp độ chợ, gắn với việc đổi mới về tổ chức và phương thức quản
lý, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc
tế; góp phần phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa từ thành
thị đến nông thôn.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, định hướng đến năm
2025, toàn tỉnh có 169 chợ, trong đó: 04 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, 155 chợ hạng
III (điều chỉnh so với Quyết định 73/2006/QĐ-UBND giảm 06 chợ hạng I, 07 chợ hạng
II và 27 chợ hạng III); toàn tỉnh có 168/262 xã phường thị trấn có chợ (đạt tỷ
lệ 64,12%).
- Tổng giá trị hàng hóa lưu thông qua
chợ chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng mức lưu chuyển hàng hóa
của cả tỉnh. Kết nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ tại các chợ liên vùng để tạo
nguồn nguyên liệu cho sản xuất; gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông lâm,
ngư nghiệp.
- Cải thiện điều kiện cơ sở vật chất
chợ, áp dụng các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật vào xây dựng
và thiết kế chợ, tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường và vệ sinh an
toàn thực phẩm, nâng cao trình độ văn minh thương mại tại chợ, đảm bảo đến năm
2020 có 100% số chợ đạt chuẩn về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thu
đúng, thu đủ các khoản thu từ các loại phí (phí chợ, phí vệ
sinh, phí trông giữ phương tiện...) theo đúng quy định của
pháp luật.
- Đến năm 2016: Trên 80% số chợ chuyển
đổi từ mô hình hiện tại sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác
xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ; đến năm 2020: chuyển đổi hết số chợ thuộc
diện phải chuyển đổi.
- Đến năm 2020, xóa bỏ triệt để các chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm bán hàng tự phát.
2. Định hướng
phát triển
- Đối với chợ dân sinh:
+ Tại khu vực thành thị tập trung cải
tạo, nâng cấp các chợ dân sinh ở các phường, liên phường (diện tích dưới 3.000m2).
+ Ở trung tâm
các huyện và khu vực nông thôn thực hiện việc cải tạo, nâng cấp và xây mới gắn
với Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tuân thủ các tiêu chí của chợ
nông thôn mới, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân
dân.
- Đối với chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp
hạng I: Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật
cũng như hình thức tổ chức quản lý của các chợ hạng I hiện có và đầu tư xây dựng
mới ở khu vực thành phố, thị xã, trung tâm kinh tế của tỉnh, làm hạt nhân để
hình thành các khu thương mại - dịch vụ.
- Đối với chợ đầu mối nông sản thực
phẩm: Xây dựng chợ đầu mối nông sản hiện đại tại trung tâm thu hút và phát luồng
hàng hóa của tình, phát huy truyền thống và nâng cao năng lực buôn bán của
thương nhân.
- Đối với chợ biên giới, chợ cửa khẩu:
Đầu tư xây dựng chợ biên giới quy mô phù hợp, xây dựng kiên cố và bán kiên cố,
bố trí không gian kiến trúc phù hợp với đặc điểm hoạt động mua bán, sản xuất,
tiêu dùng của cư dân biên giới, khu vực và phù hợp với phong tục tập quán giao
lưu giữa Việt Nam với Lào.
3. Nội dung điều chỉnh Quy hoạch
3.1. Quy hoạch phát triển hệ thống
chợ tỉnh Hà Tĩnh
Đến năm 2020, định hướng đến 2025, tỉnh
Hà Tĩnh có 169 chợ; trong đó có 04 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, 155 chợ hạng
III, tổng diện tích đất chiếm 1.086.661m2; chấm
dứt hoàn toàn tình trạng chợ tạm, chợ tự phát. Cụ thể như sau: Giữ nguyên 14 chợ
(01 chợ hạng I, 02 chợ hạng II, 11 chợ hạng III); nâng cấp, cải tạo 103 chợ (01
chợ hạng I, 05 chợ hạng II, 01 chợ hạng III lên hạng II, 95 chợ hạng III, 01 chợ
tạm lên chợ hạng III); xây mới 39 chợ (02 chợ hạng I, 01 chợ hạng II, 35 chợ hạng
III, 01 chợ tạm lên chợ hạng III); di dời 13 chợ (05 chợ hạng
III, 08 chợ tạm); trong đó:
- Giai đoạn đến 2020: Giữ nguyên 14
chợ (01 chợ hạng I, 02 chợ hạng II, 11 chợ hạng III); nâng
cấp, cải tạo 83 chợ (01 chợ hạng I, 04 chợ hạng II, 01 chợ hạng III lên hạng
II, 76 chợ hạng III, 01 chợ tạm lên chợ hạng III); xây mới 26 chợ (02 chợ hạng
I, 01 chợ hạng II, 23 chợ hạng III); di dời 06 chợ (04 chợ hạng III, 02 chợ tạm);
- Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cấp, cải
tạo 20 chợ (01 chợ hạng II, 19 chợ hạng III); xây mới 13 chợ hạng III; di dời
07 chợ (01 chợ hạng III; 06 chợ tạm).
3.2. Quy hoạch phát triển hệ thống
chợ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo địa bàn
3.2.1. Thành phố Hà Tĩnh (phụ lục 1 kèm theo): Có 10 chợ, gồm 01 chợ hạng I, và 09 chợ hạng III; với diện tích đất chiếm 111.422 m2;
cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Giữ nguyên 03 chợ hạng III (chợ
Trung Đình, phường Thạch Quý; chợ xã Thạch Môn; chợ xã Thạch Hạ);
+ Nâng cấp, cải tạo 04 chợ, bao gồm:
01 chợ hạng I (Chợ Thành phố, phường Nam Hà); 02 chợ hạng III (chợ phường Bắc
Hà; chợ Cầu Đông, phường Thạch Linh); 01 chợ tạm thành chợ
hạng III (chợ Đò, xã Thạch Đồng);
+ Di dời 02 chợ, bao gồm: 01 chợ hạng
III (chợ Cầu Phủ, phường Đại Nài), 01 chợ tạm (chợ Bình Hương, xã Thạch Trung).
- Định hướng đến năm 2025: Di dời 01
chợ hạng III (chợ giết mổ gia cầm, phường Tân Giang).
3.2.2. Thị xã Hồng Lĩnh (phụ lục
2 kèm theo): Có 04 chợ, gồm 01 chợ hạng I và 03 chợ
hạng III, với diện tích đất chiếm 67.760 m2; cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ 01 chợ hạng II (chợ thị xã Hồng
Lĩnh, phường Nam Hồng);
+ Giữ nguyên 01 chợ hạng III (chợ Huyện,
phường Trung Lương);
+ Nâng cấp, cải tạo 01 chợ hạng III
(chợ Hồng Sơn, phường Đức Thuận);
+ Xây mới 01 chợ hạng I (chợ thị xã Hồng
Lĩnh, phường Bắc Hồng).
- Định hướng đến năm 2025: Xây mới 01
chợ hạng III (Chợ Treo, phường Đậu Liêu).
3.2.3. Huyện Kỳ Anh (phụ lục 3
kèm theo): Có 27 chợ, gồm 01 chợ hạng I, 01 chợ hạng II và 25 chợ hạng III, với diện tích đất chiếm 148.168m2;
cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ 04 chợ: 01 chợ hạng II (chợ
Huyện, thị trấn Kỳ Anh); 03 chợ tạm (chợ Điếm, xã Kỳ Khang; chợ Ngâm, xã Kỳ
Ninh; chợ Xép, thị trấn Kỳ Anh);
+ Nâng cấp, cải tạo 01 chợ hạng III
lên hạng II (chợ xã Kỳ Đồng); 11 chợ hạng III (chợ Voi, xã Kỳ Bắc; chợ Voi, xã
Kỳ Phong; chợ xã Kỳ Phú; chợ xã Kỳ Đồng; chợ xã Kỳ Khang; chợ Cầu, xã Kỳ Châu; chợ xã Kỳ Hà; chợ Chùa, xã Kỳ Ninh; chợ Gia, xã Kỳ
Long; chợ Cây Đa, xã Kỳ Sơn; chợ xã Kỳ Thượng; chợ xã Kỳ Lạc);
+ Xây mới 05 chợ, bao gồm: 01 chợ hạng
I (chợ Trung tâm huyện Kỳ Anh); 04 chợ hạng III (chợ xã Kỳ Phương; chợ xã Kỳ
Tây; chợ xã Kỳ Xuân; chợ xã Kỳ Lâm);
+ Di dời 01 chợ tạm (chợ thôn Đông
Yên, xã Kỳ Lợi đến thôn Đông Yên, Ba Đồng, Kỳ Phương);
- Định hướng đến năm 2025:
+ Cải tạo 03 chợ hạng III (chợ Điếm,
xã Kỳ Thư; chợ xã Kỳ Liên; chợ xã Kỳ Nam);
+ Xây mới 04 chợ hạng III (chợ Trạm,
xã Kỳ Giang; chợ Đồng Hoang, xã Kỳ Văn; chợ Thượng, xã Kỳ Thịnh; chợ xã Kỳ
Trung);
+ Di dời 02 chợ tạm (chợ Chào, xã Kỳ
Thọ; chợ Cửa Chùa, xã Kỳ Trinh).
3.2.4. Huyện Cầm Xuyên (phụ lục 4 kèm
theo): Có 24 chợ, gồm 01 chợ hạng I và 23 chợ hạng
III với diện tích đất chiếm 143.978m2, cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch 04 chợ
tạm (chợ Mới trên, xã Cẩm Trung; chợ Đón, xã Cẩm Nhượng; chợ Tran, xã Cẩm Quan; chợ xã Cẩm Sơn);
+ Giữ nguyên 04 chợ, bao gồm: 01 chợ
hạng I (chợ Hội, thị trấn Cẩm Xuyên); 03 chợ hạng III (chợ Mới, xã Cẩm Huy; chợ Hôm, xã Cẩm Nhượng; chợ Đình, xã Cẩm Bình);
+ Nâng cấp, cải tạo 15 chợ hạng III
(chợ Cầu, xã Cẩm Lộc; chợ Cừa, xã Cẩm Hòa; chợ Vực, xã
Cẩm Duệ; chợ Gon, xã Cẩm Phúc; chợ Bãi Bằng, xã Cẩm Minh; chợ Lụi,
xã Cẩm Hà; chợ Mới dưới, xã Cẩm Trung; chợ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ; chợ Mới, xã Cẩm Thịnh;
chợ Trường, xã Cẩm Thăng; chợ Phương, xã Cẩm Dương; chợ Đoài, xã Cẩm Dương; chợ
Cơn Gọ, xã Cẩm Nam; chợ Thá, xã Cẩm Lĩnh; chợ Cầu, xã Cẩm
Thạch);
+ Xây mới 02 chợ hạng III (chợ thị trấn
Thiên Cầm, chợ xã Cẩm Thành).
- Định hướng đến năm 2025:
+ Nâng cấp, cải tạo 01 chợ hạng III
(chợ Biền, xã Cẩm Lạc);
+ Xây mới 02 chợ hạng III (chợ xã Cẩm
Vĩnh, chợ xã Cẩm Yên).
3.2.5. Huyện Thạch Hà (phụ lục
5 kèm theo): Có 23 chợ, gồm 01 chợ hạng II và 22
chợ hạng III với diện tích đất chiếm 124.898m2,
cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ, đưa ra ngoài quy hoạch 03
chợ tạm (chợ xã Thạch Trị; chợ Cày Sáng, thị trấn Thạch Hà; chợ Đàng, xã Thạch
Hải).
+ Nâng cấp, cải tạo 16 chợ, bao gồm:
01 chợ hạng II (chợ thị trấn Thạch Hà); 16 chợ hạng III (chợ Già, xã Thạch
Kênh; chợ Gát, xã Việt Xuyên; chợ Mương, xã Thạch Thanh; chợ Hương Bộc, xã Thạch
Hương; chợ Nông Trường, xã Ngọc Sơn; chợ Mới, xã Thạch Vĩnh; chợ xã Thạch Lưu;
chợ Sơn, xã Thạch Đỉnh; chợ Mới, xã Thạch Khê; chợ Chùa Sò, xã Thạch Lạc; chợ Đạo,
xã Thạch Văn; chợ Động, xã Thạch Hội; chợ xã Thạch Thắng; chợ Bia, xã Thạch
Xuân; chợ Đồn, xã Thạch Điền);
+ Xây mới 01 chợ hạng III (chợ Trổ,
xã Thạch Đài).
- Định hướng đến năm 2025:
+ Nâng cấp, cải tạo 01 chợ hạng III
(chợ Trẻn, xã Thạch Long);
+ Xây mới 02 chợ hạng III (chợ xã Tượng
Sơn, chợ xã Thạch Tân);
+ Di dời 03 chợ tạm (chợ Bắc Hải, xã
Thạch Hải; chợ Ba Giang, xã Phù Việt; chợ Rú, xã Thạch Sơn).
3.2.6. Huyện Lộc Hà (phụ lục 6
kèm theo): Có 12 chợ, gồm 01 chợ hạng II, 11 chợ hạng
III với diện tích đất chiếm 91.321m2, cụ thể
như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ 04 chợ tạm (chợ Chiều, xã An
Lộc; chợ Trung tâm, xã Thạch Bằng; chợ Mới, xã Thạch Bằng; chợ Hôm, xã Hồng Lộc);
+ Giữ nguyên 01 chợ hạng III (Chợ Huyện,
xã Bình Lộc);
+ Nâng cấp, cải tạo 05 chợ, bao gồm:
04 chợ hạng III (chợ Phủ, xã Mai Phụ; chợ Cầu Trù, xã Phù
Lưu; chợ Cồn, xã Thạch Mỹ; chợ Lù, xã Hồng Lộc); 01 chợ tạm
lên hạng III (Chợ Hôm Trang, xã Thạch Kim);
+ Xây mới 01 chợ hạng II (chợ Trung
tâm huyện lỵ Lộc Hà); 02 chợ hạng III (chợ Vùn, xã Thịnh Lộc; chợ Eo, xã ích Hậu);
+ Di dời 02 chợ
hạng III (chợ Trại, xã Hộ Độ; chợ Đình, xã Tân Lộc).
- Định hướng đến năm 2025: Nâng cấp
01 chợ hạng III (chợ Phủ, xã Thạch Châu);
3.2.7. Huyện Can Lộc (phụ lục 7
kèm theo): Có 18 chợ, gồm 01 chợ hạng II, 17 chợ hạng
III với diện tích đất chiếm 106.200 m2, cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Nâng cấp, cải tạo 08 chợ, bao gồm:
01 chợ hạng II (chợ Nghèn, thị trấn Can Lộc); 07 chợ hạng III (chợ Nhe, xã Vĩnh
Lộc; chợ Quan, xã Trường Lộc; chợ Vy, xã Kim Lộc; chợ Quán Trại, xã Thường Nga;
chợ Huyện, xã Đồng Lộc; chợ Lối, xã Quang Lộc; chợ Lù, xã Tùng Lộc).
+ Xây mới 01 chợ hạng III (chợ xã Thanh Lộc);
+ Di dời 01 chợ hạng III (chợ Tổng,
xã Song Lộc);
- Định hướng đến năm 2025:
+ Nâng cấp, cải tạo 05 chợ hạng III
(chợ Cường, xã Sơn Lộc; chợ Đình, xã Trung Lộc; chợ Đại Thành, xã Gia Hanh; chợ
Phù Minh, xã Thiên Lộc; chợ Phúc Lộc, xã Thuần Thiện);
+ Xây dựng mới 03 chợ hạng III (chợ
xã Yên Lộc; chợ xã Thượng Lộc; chợ xã Phú Lộc).
3.2.8. Huyện Đức Thọ (phụ lục 8
kèm theo): Có 10 chợ, gồm 01 chợ hạng II và 09 chợ
hạng III với diện tích đất chiếm 84.200m2, cụ
thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ, đưa ra ngoài quy hoạch 03
chợ tạm (chợ Thượng, xã Trường Sơn; chợ xã Đức Hòa; chợ xã Trung Lễ);
+ Gĩữ nguyên 02 chợ, bao gồm: 01 chợ
hạng II (chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ); 01 chợ hạng III (chợ Đồn, xã Tùng Ảnh).
+ Nâng cấp, cải tạo 04 chợ hạng III
(chợ Bàu, xã Đức Long; chợ Giấy, xã Đức Dũng; chợ Chay, xã Đức An; chợ Tùng, xã
Đức Tùng).
- Định hướng đến năm 2025: Nâng cấp,
cải tạo 04 chợ hạng III (chợ Đàng, xã Đức Đồng; chợ Nướt, xã Đức Lạc; chợ Hôm,
xã Thái Yên; chợ Trổ, xã Đức Nhân).
3.2.9. Huyện Nghi Xuân (phụ lục
9 kèm theo): Có 12 chợ, gồm 01 chợ hạng II và 11
chợ hạng III với diện tích đất chiếm 63.628m2, cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ, đưa ra ngoài quy hoạch 01
chợ tạm (chợ Cam Lâm, xã Xuân Liên);
+ Giữ nguyên 01 chợ hạng III (chợ thị
trấn Xuân An);
+ Nâng cấp, cải tạo 06 chợ, bao gồm:
01 chợ hạng II (chợ Giang Đình, thị trấn Nghi Xuân); 05 chợ hạng III (chợ Hôm,
xã Xuân Hội; chợ Chiều, xã Xuân Trường; chợ Cầu, xã Xuân
Yên; chợ Bơ, xã Xuân Đan; chợ Đón, xã Xuân Hải);
+ Xây mới 03 chợ hạng III (chợ xã
Cương Gián; chợ xã Cổ Đạm; chợ xã Xuân Thành);
- Định hướng đến năm 2025:
+ Di dời 01 chợ tạm (chợ Đền Củi, xã
Xuân Hồng);
+ Xây mới 01 chợ hạng III (chợ xã
Xuân Giang).
3.2.10. Huyện Hương Khê (phụ lục 10 kèm theo): Có 11 chợ, gồm 01 chợ hạng II, 10 chợ hạng III với diện tích đất chiếm
48.200 m2, cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ, đưa ra ngoài quy hoạch 04
chợ, bao gồm: 01 chợ hạng III (chợ xã Hương Trà); 03 chợ tạm (chợ Chúc A, xã
Hương Lâm; chợ Vang, xã Phương Điền; chợ Trúc, xã Hà Linh);
+ Nâng cấp, cải
tạo 05 chợ, bao gồm: 04 chợ hạng III (chợ Đón, xã Hương Long; chợ Hào, xã Hương
Bình; chợ Nổ, xã Hòa Hải; chợ Hôm, xã Phương Mỹ); 01 chợ tạm lên chợ hạng III
(chợ Sòng, xã Hương Thủy);
+ Xây mới 03 chợ, bao gồm: 01 chợ hạng
II (chợ Sơn, thị trấn Hương Khê); 02 chợ hạng III (chợ xã Hương Lâm; chợ Trạm,
xã Hà Linh);
- Định hướng đến năm 2025: Nâng cấp,
cải tạo 03 chợ hạng III (chợ La Khê, xã Hương Trạch; chợ
Ga, xã Phúc Trạch; chợ Gia, xã Phú Gia).
3.2.11. Huyện Vũ Quang (phụ lục
11 kèm theo): Có 05 chợ, gồm 01 chợ hạng II và 04
chợ hạng III với diện tích đất chiếm 22.000 m2, cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Nâng cấp, cải tạo 02 chợ hạng III
(chợ Quánh, xã Hương Thọ; chợ Phùng, xã Đức Hương)
+ Xây mới 01 chợ hạng III (chợ Bộng,
xã Đức Bồng).
- Định hướng đến năm 2025: Nâng cấp,
cải tạo 02 chợ, bao gồm: 01 chợ hạng II (chợ Hương Đại, thị trấn Vũ Quang); 01
chợ hạng III (chợ xã Sơn Thọ).
3.2.12. Huyện Hương Sơn (phụ lục
12 kèm theo): Có 13 chợ, gồm 02 chợ hạng II, và 11
chợ hạng III với diện tích đất chiếm 74.886 m2, cụ thể như sau:
- Đến năm 2020:
+ Xóa bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch 03 chợ,
bao gồm: 01 chợ hạng III (chợ Hà Chua, xà Sơn Tây); 02 chợ tạm (chợ Cóc, xã Sơn Mỹ; chợ Sông Con, xã Sơn Diệm);
+ Giữ nguyên 02 chợ, bao gồm: 01 chợ
hạng II (chợ thị trấn Tây Sơn); 01 chợ hạng III (chợ Nầm,
xã Sơn Châu);
+ Nâng cấp, cải tạo 05 chợ, bao gồm:
01 chợ hạng II (chợ thị trấn Phố Châu); 04 chợ hạng III (chợ Choi, xã Sơn Hà;
chợ Chùa, xã Sơn Tiến; chợ Rạp, xã Sơn Trung; chợ Đình, xã Sơn Thủy);
+ Xây mới 06 chợ hạng III (chợ Mới,
xã Sơn Long; chợ Gôi, xã Sơn Hòa; chợ Hà Tân, xã Sơn Tây; Chợ xã Sơn Lễ, chợ
biên giới xã Sơn Hồng; chợ biên giới Sơn Kim, xã Sơn Kim 1).
4. Nhu cầu vốn đầu
tư
- Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2014 -
2025: 921 tỷ đồng, trong đó:
+ Giai đoạn 2014 - 2020: 711 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2021 - 2025: 210 tỷ đồng.
5. Chính sách và
giải pháp thực hiện quy hoạch
5.1. Giải pháp và chính sách tạo
nguồn vốn xây dựng và phát triển hệ thống chợ
- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, huy
động tối đa các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ, trong đó chú trọng thu
hút vốn từ các thương nhân kinh doanh tại chợ; huy động vốn thông qua việc khuyến
khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào hoạt động kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh...
- Hàng năm bố trí ngân sách các cấp
và lồng ghép các nguồn vốn khác để tập trung, khuyến khích phát triển hạ tầng
chợ, đặc biệt tại địa bàn trọng điểm ưu tiên phát triển, vùng khó khăn, vùng
sâu, vùng xa...
5.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, lực lượng thương nhân tham gia kinh doanh tại chợ
- Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý
chợ: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý
chợ với các hình thức, nội dung phù hợp theo quy định của Trung ương và của tỉnh.
Đến năm 2020, tối thiểu 20% cán bộ quản lý được đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp
nghề, 70% cán bộ được bồi dưỡng, tập
huấn nghiệp vụ quản lý chợ. Đến năm 2025, tối thiểu 40%
cán bộ quản lý được đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, 80% cán bộ được bồi dưỡng,
tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ. Các chủ thể quản lý chợ xây dựng kế hoạch và tổ
chức thực hiện bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khai thác chợ
cho cán bộ trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động chợ đảm bảo tiêu chuẩn
quy định.
- Tập huấn kiến thức nghiệp vụ về vệ
sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, phòng chống cháy nổ... và kỹ năng
kinh doanh cho thương nhân kinh doanh tại chợ.
5.3. Giải pháp quản lý, khai
thác cơ sở vật chất của hệ thống chợ trên địa
bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- Đối với công tác tổ chức, quản lý hệ
thống chợ: Thực hiện đúng tiến độ chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ theo
quy trình được phê duyệt tại Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND
ngày 30/5/2014 của UBND tỉnh và Quyết định 2434/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND
tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản
lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016.
- Căn cứ quy mô diện tích, quy hoạch,
số lượng hộ kinh doanh, đơn vị quản lý chợ bố trí sắp xếp
ngành hàng kinh doanh phù hợp, đảm bảo khoa học, hợp lý, đúng quy định, phát
huy tối đa hiệu quả khai thác chợ.
- Xây dựng nội quy hoạt động chợ, quản
lý thu các khoản thu tại chợ theo đúng quy định, phát huy hiệu quả các nguồn lực
đầu tư tại chợ.
- Xây dựng chính sách khuyến khích
các hộ tham gia và góp vốn đầu tư kinh doanh tại chợ, thực hiện có hiệu quả chủ
trương xã hội hóa, tạo thành các điểm giao thương hàng hóa sầm uất, sử dụng tối
đa công năng chợ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
5.4. Giải pháp nâng cao hiệu quả
quản lý nhà nước
- Sắp xếp, bố trí nhân lực, vật lực hợp
lý để nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở cơ sở về thương mại, đặc biệt cấp xã
và cấp huyện. Đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cấp và quản lý đăng ký
kinh doanh đối với hộ kinh doanh tại các chợ.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm chấp
hành các quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của các chủ thể tham gia
hoạt động kinh doanh tại chợ.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị
trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra tình hình thực
hiện quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường,
an toàn cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của
các cơ sở kinh doanh, các chợ; xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm.
5.5. Giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn cháy nổ và an toàn vệ sinh thực phẩm
- Tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến
thức về môi trường đến các ngành, các cấp và nhân dân, đặc biệt là cán bộ công
nhân viên các doanh nghiệp, hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ. Khuyến khích
thu hút các nguồn lực để bảo vệ môi trường.
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và kỹ năng trong công
tác PCCC; an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; văn minh thương mại trong giao tiếp
và kinh doanh chợ.
- Việc xây dựng chợ phải tuân thủ thiết
kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hệ thống xử
lý rác thải, nước thải, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường
kinh doanh theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác
có liên quan.
6. Tổ chức thực
hiện
6.1. Công bố quy hoạch
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành địa phương tổ chức công bố và quản lý quy hoạch; hướng dẫn UBND
huyện, thành phố, thị xã thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; đẩy mạnh
công tác chuyển đổi, sắp xếp, xây dựng, cải tạo các chợ theo quy định hiện
hành.
6.2. Triển khai thực hiện quy
hoạch
- Sở Công Thương:
+ Hướng dẫn UBND huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Quy hoạch bằng các kế hoạch
5 năm và hàng năm. Kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu Quy hoạch đã được
duyệt và các chỉ tiêu đặt ra trong từng thời kỳ. Thông báo
đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh biết việc đầu tư xây dựng mới,
nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn để huy động tham gia thực hiện Quy
hoạch và đầu tư.
+ Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, địa phương trong công tác đầu tư xây dựng chợ; tổng
hợp đề xuất UBND tỉnh, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí xây dựng chợ từ nguồn vốn
ngân sách hàng năm. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh về
cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu dự án trong các
chương trình phát triển chợ, thực hiện quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn.
+ Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện
Quy hoạch từng thời kỳ, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu
của kỳ tới cho phù hợp với tình hình thực tế.
+ Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ
sung quy hoạch mạng lưới chợ cho phù hợp với điều kiện thực tế, quy hoạch phát
triển ngành thương mại và định hướng phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của
nhân dân.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức quản lý chợ, quản lý thị trường
và các hoạt động khác liên quan; tổ chức bồi dưỡng kỹ
năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chợ.
+ Theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện
quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ, công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa
bàn tỉnh; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư:
+ Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính,
Sở Công Thương và các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn ngân
sách, lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng phát
triển cơ sở hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh.
+ Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ
trợ vốn đầu tư xây dựng chợ từ ngân sách nhà nước và chính sách khuyến khích,
ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, quản lý hoạt động đầu tư
xây dựng chợ; hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
khai thác, kinh doanh chợ.
- Sở Tài chính:
+ Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương và các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh quy định về mức thu, nộp,
quản lý và sử dụng phí, lệ phí và các khoản thu khác tại chợ theo quy định hiện
hành của Nhà nước.
+ Chủ trì, phối hợp với với Sở Công
Thương hướng dẫn các huyện, thành phố về cơ chế tài chính áp dụng đối với doanh
nghiệp, HTX khai thác kinh doanh và quản lý chợ; tổ chức kiểm tra và xử lý việc
chấp hành các quy định về mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chợ.
- Các sở, ban, ngành liên quan khác: Theo chức năng nhiệm vụ được giao
thực hiện công tác quản nhà nước thuộc ngành, triển khai thực hiện Quy hoạch
này.
- UBND huyện, thành phố, thị xã,
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh:
+ Xác định cụ thể, lập kế hoạch đầu
tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn thời kỳ đến năm 2020, định hướng
đến năm 2025, trong đó xác định rõ nguồn vốn đầu tư, hình thức quản lý và triển
khai thực hiện theo đúng thẩm quyền.
+ Tổ chức chuyển đổi mô hình quản lý,
kinh doanh, khai thác chợ theo Quy trình tại Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày
30/5/2014 của UBND tỉnh và đảm bảo tiến độ theo Quyết định
số 2434/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh.
+ Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan tiến hành kiểm tra và lập lại trật tự về kinh doanh, môi trường, vệ sinh
và an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các chợ trên địa
bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh
an toàn thực phẩm tại các chợ.
+ Hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ và thương nhân
kinh doanh tại chợ theo trình độ và hình thức đào tạo phù hợp.
- Trách nhiệm của các tổ chức quản
lý, kinh doanh, khai thác chợ:
+ Thực hiện đầu tư xây dựng chợ và
công trình phụ trợ theo quy hoạch được duyệt; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật
chất chợ, thu hút nhiều lao động tham gia kinh doanh và phát triển các loại
hình dịch vụ trong chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh trong chợ
ổn định và phát triển.
+ Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành kinh
doanh chợ; thực hiện hài hòa các lợi ích của doanh nghiệp, thương nhân kinh
doanh tại chợ và người tiêu dùng; đảm bảo văn minh trong kinh doanh và an sinh
xã hội.
+ Tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh
chợ theo các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, bảo
vệ môi trường, niêm yết giá và văn minh thương mại.
+ Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ quản lý chợ và cử cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các khóa đào tạo,
tập huấn về quản lý điều hành chợ, về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm,
phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và văn minh thương mại đảm bảo mục tiêu
quy hoạch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành
và thay thế Quyết định số 73/2006/QĐ-UBND ngày 27/12/2006 của UBND tỉnh về phê
duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống chợ đến năm 2020.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành: Công Thương, Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ,
Công an tỉnh, Cục Thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Chủ
tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Công Thương (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT và TH tỉnh;
- TT Công báo - Tin học;
- Các Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TM;
- Gửi: VB giấy và điện tử.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Lĩnh
|