Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2732/QĐ-UBND 2018 phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống logistics An Giang

Số hiệu: 2732/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lê Văn Nưng
Ngày ban hành: 31/10/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2732/QĐ-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 3461/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc Phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí Đề án Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1992/TTr-SCT ngày 17 tháng 10 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển hệ thống logistics phục vụ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh; đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa trong nội tỉnh, liên kết vùng, kết nối lưu thông ,… góp phần phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong thương mại.

- Phát triển hệ thống logistics An Giang trên quan điểm coi dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của An Giang trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

- Phát triển hệ thống logistics An Giang phù hợp với đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội, phù hợp với quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với quy hoạch ngành và lĩnh vực liên quan. Gắn liền và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các Vùng trong cả nước, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

- Phát triển đồng bộ hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm phát triển các dịch vụ trên địa bàn, kết nối với hạ tầng logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đáp ứng nhu cầu trong tương lai của Tỉnh nói riêng và của Vùng nói chung, tiến tới đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khu vực.

- Phát triển hệ thống logistics trên cơ sở tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp.

- Phát triển nhanh, ổn định và có tầm nhìn dài hạn hệ thống logistics của An Giang bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

- Đa dạng hóa dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả các dịch vụ hiện có và là dịch vụ có nhu cầu cao trên địa bàn tỉnh. Đáp ứng về cơ bản nhu cầu về các dịch vụ logistics như vận tải, kho bãi, bốc xếp.

- Giảm chi phí logistics của Tỉnh nhằm góp phần thực hiện thắng lợi định hướng, mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

- Tăng cường kết nối giữa An Giang với mạng lưới logistics của Vùng, của cả nước và nước bạn Campuchia.

- Hình thành được một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô lớn trên địa bàn Tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

- Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- Hình thành các Trung tâm logistics cấp Tỉnh và cấp Doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm chi phí logistics: Đến năm 2025, phấn đấu giảm 10% chi phí giao thông vận tải trong tổng chi phí logistics, từ đó giảm Tổng chi phí logistics bằng khoảng 90% so với hiện tại.

- Về doanh thu và khối lượng logistics: Đến năm 2025, tổng doanh thu vận tải hàng hóa đạt khoảng 15.658 Tỷ đồng, tăng bình quân 16%/năm giai đoạn 2016-2025. Tăng tỷ trọng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đạt khoảng 40% trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn Tỉnh, vận tải thủy đạt khoảng 60% trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn tỉnh.

- Về phương tiện vận chuyển hàng hóa : Giai đoạn 2016 - 2025, tốc độ tăng trưởng số lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt khoảng 8%/năm. Số lượng phương tiện vận tải đường thủy tăng khoảng 4%/năm.

- Về nguồn nhân lực logistics: Tăng số lượng lao động đang làm trong ngành logistics từ 117 người/10.000 lao động làm việc trên địa bànTỉnh hiện nay lên 140 lao động/10.000 lao động làm việc trên địa bàn Tỉnh năm 2025.

- Đến năm 2025, đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics cơ bản, thiết yếu như: 01 TT logistics cấp Tỉnh, nâng cấp cảng thủy container, trung tâm tiếp vận, kho chuyên dụng

3. Định hướng phát triển logistics của Tỉnh

- Về phát triển ngành giao thông vận tải

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối vật lý hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông. Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng như cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, trạm chuyển tải đa phương thức. Đảm bảo phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan.

- Về phát triển kho bãi, trung tâm logistics, trung tâm phân phối

+ Phát triển hạ tầng Logistics cứng gồm trung tâm Logistics cấp tỉnh và trung tâm dịch vụ hỗ trợ các ngành theo quy hoạch công nghiệp - thương mại - dịch vụ, đồng bộ với quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin và truyền thông, đáp ứng yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng dịch vụ Logistics theo từng thời kỳ.

+ Xây dựng trung tâm logistics cấp tỉnh tại An Giang có vị trí gần vùng nguyên liệu và dễ dàng kết nối với đường thuỷ nội địa, đường bộ; có thể tích hợp nhiều loại kho chuyên dùng cho từng mặt hàng để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng bắt buộc phải tích hợp các bãi đỗ container (Depot). Trên địa bàn tỉnh An Giang, định hướng phát triển 01 trung tâm logistics cấp Vùng đặt tại TP. Long Xuyên. Phát triển cảng cạn (ICD) là đầu mối tổ chức vận tải container, xuất nhập khẩu bằng container kết nối với ít nhất 2 phương thức vận tải là thuỷ, bộ, để phục vụ hàng hoá cho các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành trong Vùng. Tổ chức kết nối chặt chẽ với các cảng cạn nội địa (ICD) để kết hợp với cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn, sẵn sàng đón nhận các chuỗi cung ứng hàng hóa.

+ Thiết lập trung tâm trung chuyển hàng hóa cung cấp những dịch vụ hỗ trợ xuất, nhập khẩu hàng hóa từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, cũng như doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics. Trên địa bàn tỉnh An Giang, định hướng phát triển các trung tâm trung chuyển hàng hóa tại các khu công nghiệp lớn hoặc ở các khu kinh tế cửa khẩu.

+ Định hướng phát triển kho, bãi: Gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; Thành lập các khu kho bãi tập trung gần các cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, trung tâm đô thị, bến cảng; Nâng cấp và hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho CFS chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển Quốc tế. Định hướng phát triển tại các Cửa khẩu quốc gia và quốc tế trên địa bàn Tỉnh; Phát triển các kho hàng thông thường (hàng khô): Gồm các loại hàng hóa đa dạng như hàng khô, hàng gom, hàng tiêu dùng và các loại hàng khác được yêu cầu phục vụ thông thường. Đồng thời, thiết lập kho hàng hóa phù hợp với đặc tính thương phẩm của những mặt hàng nông sản này như kho hàng lạnh, kho bảo quản lúa gạo, kho chuyên dụng khác.

- Về phát triển hạ tầng thông tin phục vụ logistics: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối các dịch vụ tại Trung tâm Logistics tỉnh An Giang và kết nối với các cảng biển, cảng hàng không Quốc gia và Quốc tế và các đầu mối giao thông vận tải đường bộ. Xây dựng Cổng thông tin giao dịch thương mại (mô hình Trade-Exchange) hỗ trợ giao dịch của tất cả các bên liên quan trong các chuỗi cung ứng.

- Về phát triển nhà cung ứng dịch vụ logistics:

+ Phát triển đa dạng về loại hình nhà cung ứng dịch vụ logistics, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; về quy mô doanh nghiệp; về tính chuyên môn hóa của doanh nghiệp; về chất lượng dịch vụ cung ứng;

+ Phát triển các phương thức cung ứng dịch vụ logistics như: 1PL; 2PL; 3 PL, 4PL, 5PL…;

+ Phát triển các loại hình dịch vụ logistics, từ đơn lẻ đến trọn gói.

- Về phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics:

+ Phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, một mặt gia tăng nhu cầu cung ứng nguyên vật liệu đầu vào như máy móc thiết bị, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, phân bón….; mặt khác, tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, đặc biệt là một số mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, rau quả… để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đây là những điều kiện để phát triển cầu dịch vụ logistics trên địa bàn Tỉnh. Phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi theo hướng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu của Tỉnh… Tuy vậy, phát triển sản xuất nông nghiệp cũng cần theo hướng bền vững, gắn với vấn đề bảo vệ môi trường.

+ Phát triển sản xuất công nghiệp cũng làm gia tăng nhu cầu cung ứng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất; đồng thời, phát triển sản xuất công nghiệp còn tạo ra khối lượng hàng hóa công nghiệp phục vụ cho cả thị trường trong nước và ngoài nước, từ đó làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Phát triển sản xuất công nghiệp trên cơ sở gia tăng số lượng, quy mô doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh; đồng thời gắn phát triển sản xuất công nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường.

4. Giải pháp phát triển hệ thống logistics

4.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển logistics trong dài hạn và từng thời kỳ phù hợp định hướng phát triển kinh tế- xã hội Tỉnh và mục tiêu phát triển logistics quốc gia. An Giang thích hợp phát triển Trung tâm logistics vệ tinh cho Trung tâm logistics cấp vùng. Các lĩnh vực dịch vụ logistics phù hợp sẽ là nhóm dịch vụ về giao nhận-vận tải và logistics căn bản.

- Thực hiện và rà soát các quy hoạch liên quan đến các lĩnh vực logistics.

- Xác định, bố trí quỹ đất cho phát triển trung tâm logistics cấp Tỉnh trên địa bàn.

- Rà soát và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh logistics.

- Nhanh chóng phổ biến chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển logistics Trung ương. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân.

- Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, hành động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh logistics nói riêng.

- Nghiên cứu và đề xuất các chính sách kiểm soát giá, xây dựng khung giá cước cho các phương thức vận tải trong kinh doanh vận tải.

- Minh bạch hóa các quy trình hải quan.

4.2. Huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển logistics trên địa bàn tỉnh

- Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, huy động từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng các xã biên giới.

- Huy động vốn vay tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước. Với những dự án có vốn lớn, tỉnh cần có sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt.

- Nghiên cứu các dự án đầu tư logistics theo mô hình đối tác công tư (PPP); Xây dựng khung pháp lý, chính sách kêu gọi đầu tư rõ ràng hơn với đầu tư PPP trong logistics.

- Với đầu tư của khu vực tư nhân, khuyến khích đầu tư từ các DN trong, ngoài tỉnh hoặc nước ngoài vào hạ tầng logistics trên địa bàn: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, kho, bến bãi.

- Các thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tự xây dựng đề án chi tiết triển khai nhiệm vụ phát triển logistics địa phương, tổ chức thẩm định, phê duyệt và tổng hợp vào dự toán kinh phí hàng năm của tỉnh. địa phương chủ động huy động từ các nguồn khác.

4.3. Phát triển cơ sở hạ tầng cho logistics

a) Đối với hạ tầng giao thông vận tải

- Đầu tư xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp chất lượng giao thông đường bộ để đáp ứng được yêu cầu về khổ đường, về tải trọng để cho loại hình xe container lưu thông thuận lợi. Chú trọng các tuyến đường dẫn đến các khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Xúc tiến để đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Thúc đẩy đưa TP. Long Xuyên trở thành trung tâm trung chuyển vận tải của tỉnh, hướng tới xây dựng trung tâm logistics cấp tỉnh tại đây trong thời gian tới;

- Đầu tư xây dựng và nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy trên địa bàn Tỉnh, nâng cấp phà, nạo vét các luồng, lạch huyết mạch. Nâng cấp các bến phà trọng điểm. Rà soát, quản lý và quy hoạch hệ thống bến bãi, cầu tài trên địa bàn.

- Tăng tính kết nối thủy - bộ trong vận tải hàng hóa trên địa bàn. Xây dựng thêm, nâng cấp, hiện đại hóa các cảng; Đồng nhất về tải trọng giữa đường thủy và đường bộ; gắn kết hệ thống cảng, bến cảng với các vùng sản xuất tập trung, các khu công nghiệp, trung tâm logistics, khu kinh tế cửa khẩu. Triển khai đúng tiến độ các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn.

b) Hạ tầng bến bãi, kho hàng

- Xây dựng kế hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn chi tiết, cụ thể với lộ trình triển khai trong ngắn, trung và dài hạn; Hình thành các cơ sở gom hàng vệ tinh chuyên nghiệp, có khả năng cung cấp dịch vụ cho các nhóm sản phẩm chủ lực của Tỉnh và thực hiện một số dịch vụ gia tăng; Hình thành kho bãi phục vụ nhu cầu logistics tại khu công nghiệp; Khuyến khích, hỗ trợ các bãi xe đang hoạt động dịch vụ “chành xe” dời ra khu vực ngoại ô và nâng cấp lên thành bến, bãi chính quy;

- Tại các cảng và cửa khẩu: Đầu tư hệ thống thiết bị xếp dỡ theo hướng chuyên nghiệp hơn; Xây dựng tiêu chuẩn nhà kho, bãi chứa và các khu chức năng; Dành ưu đãi cho các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp vào hạ tầng logistics … Ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng logistics phù hợp với quy hoạch các ngành, lĩnh vực liên quan. Thúc đẩy hình thành các chợ biên giới, xây dựng các chợ đầu mối phù hợp với thế mạnh sản xuất của từng địa phương; xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống bến bãi trên toàn tỉnh và cụ thể tại từng huyện, thị xã, thành phố. Phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ với hệ thống giao thông, phát triển các dịch vụ vận tải đường sông kết hợp với hệ thống kho bãi.

c) Hạ tầng công nghệ

- Doanh nghiệp chủ động tăng cường tin học hóa trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh logistics; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; Thiết lập mạng lưới cơ sở dữ liệu về logistics làm cầu nối cho doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà sản xuất, đối tác cung ứng dịch vụ logistics 1PL, 2PL và 3PL khác;

- Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp logistics trên địa bàn Tỉnh cần trang bị đầy đủ thông tin và tiến đến phổ biến, khuyến khích doanh nghiệp tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới như: Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trên nền tảng Big Data, sử dụng mạng internet băng thông rộng, dịch vụ e-logistics, dịch vụ quản trị chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong logistics qua nền tảng IoT, Big Data, cảm biến v.v…

4.4. Phát triển thị trường dịch vụ logistics

- Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, thương mại trên địa bàn sử dụng dịch vụ logistics 2P, 3P nhằm tạo thị trường cho doanh nghiệp kinh doanh logistics.

- Phát triển nguồn cung hàng hóa trên địa bàn để tạo nguồn cung dồi dào cho thương mại, qua đó cũng thúc đẩy cung ứng các dịch vụ logistics.

4.5. Phát triển nguồn nhân lực logistics

a) Nguồn nhân lực trong cơ quan quản lý

- Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo ngắn hạn, cử các các bộ chủ chốt của các cơ quan ban ngành có liên quan, khuyến khích tham gia các hội thảo khoa học chuyên ngành;

- Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý logistics tại các tỉnh/ thành khác để tổ chức các đợt khảo sát thực tế;

- Tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ cho chương trình đào tạo ngắn hạn về logistics.

b) Nguồn nhân lực trong khối doanh nghiệp

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp logistics theo Quyết định 2442/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 ban hành Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020; Quyết định 1593/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động; Quyết định 3373/QĐ-UBND ngày 9/11/2017 phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng yêu cầu của DN giai đoạn 2017-2020 tỉnh An Giang.

- Tăng cường công tác đào tạo logistics tại các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học. Khuyến khích mở các cơ sở đào tạo nghề hoặc bổ sung chương trình đào tạo về logistics

- Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ liên quan đến logistics.

- Các công ty, các doanh nghiệp nên có các chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập và thuyết trình về thực tiễn hoạt động của ngành logistics hiện nay

- Phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn biết và tham gia các chương trình đào tạo về logistics hiện nay của quốc gia.

- Có chính sách hấp dẫn thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động logistics trên địa bàn,

- Khuyến khích, vận động, tuyên truyền doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ đi đôi với đào tạo và đào tạo lại lao động.

4.6. Nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics

a) Giải pháp về phía cơ quan quản lý

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch hoặc định hướng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn theo ngành nghề để định hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng ý tưởng đa dạng hóa hoạt động đầu tư kinh doanh logistics.

- Thúc đẩy phát triển các mô hình logistics 2P, 3P, 4P hoặc 5P: Quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh logistics với quy mô vừa được hình thành trên địa bàn: Khuyến khích doanh nghiệp vận tải mở rộng và nâng cao năng lực vận tải; Hỗ trợ, thúc đẩy hình thành một số DN logistics đầu tàu trên địa bàn.

- Xây dựng kênh cung cấp thông tin logistics và phổ biến đến các doanh nghiệp logistics trên địa bàn.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, duy trì mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng; xem xét giải quyết ưu đãi đầu tư theo quy định cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh logistics.

- Kiểm soát hoạt động đăng ký phương tiện vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn.

- Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hiệp hội, nhóm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng năng lực cạnh tranh.

- Tiếp tục hợp tác nghiên cứu với cơ quan quản lý phía Campuchia phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới giữa hai nước.

- Phát huy hiệu quả vai trò của hiệp hội.

b) Giải pháp về phía doanh nghiệp

- Doanh nghiệp logistics trên địa bàn cần chủ động liên kết với nhau tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ và có khả năng cạnh tranh lớn, có tiềm lực về vốn và lao động đủ mạnh.

- Doanh nghiệp cần có chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong kinh doanh logistics, hướng đến phát triển theo hình thức 3P, 4P. Doanh nghiệp xem xét định hướng kinh doanh để trở thành đại lý hoặc đối tác cho các doanh nghiệp logistics lớn của Vùng, của cả nước hoặc của quốc tế.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng hướng đến chuyên nghiệp; Đa dạng hóa dịch vụ logistics; Chú trọng áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.

- Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp.

4.7. Giải pháp khác

- Giải pháp phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; Đổi mới phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm quản lý phát triển dịch vụ logistics; ưu tiên phát triển vận tải chi phí thấp, khối lượng lớn; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực logistics.

- Giải pháp phát triển thương mại điện tử:

Thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh, tăng cường phát sóng các kênh truyền hình bán hàng qua tivi, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho thương mại điện tử. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, tăng cường kết nối với doanh nghiệp thương mại kinh doanh thương mại điện tử.

- Phát triển du lịch:

+ Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh được gắn kết với nhau;

+ Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển logistics du lịch, đặc biệt là khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng;

+ Tăng cường công tác tổ chức và quản lý hiệu quả hoạt động logistics trong kinh doanh du lịch. Xây dựng đề án phát triển du lịch tổng thể của An Giang..

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Công bố Đề án

Sau khi Đề án “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức công bố công khai và rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thu hút nguồn lực và các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia thực hiện Đề án này.

5.2. Trách nhiệm của Sở, ngành

a) Sở Công Thương

Sở Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện theo chức năng của Sở về xây dựng và tổ chức thực hiện đề án. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Tỉnh tập trung vào các công việc sau:

- Công bố Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Sở Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện/thành phố/thị xã thực hiện các biện pháp và chính sách phù hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án.

- Hướng dẫn, kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố trong việc phân bổ và sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cho hệ thống logistics từ ngân sách nhà nước, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài Tỉnh tham gia đầu tư phát triển logistics trên địa bàn tỉnh.

- Sở Công Thương khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hiệp hội kinh doanh logistics trên địa bàn Tỉnh.

- Sở Công Thương tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để thực hiện các chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, nhằm mục đích tổ chức hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa một cách hợp lý, thông suốt, giải quyết các vấn đề trong lưu thông và phân phối hàng nông sản.

- Cải tiến chế độ thống kê, báo cáo; tổ chức cập nhật, phổ biến thông tin kinh tế - xã hội chung của tỉnh và các thông tin về phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, các chính sách hỗ trợ kinh doanh logistics lên các trang thông tin điện tử của UBND Tỉnh và các Sở, Ngành liên quan.

- Tổng hợp những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án để trình UBND tỉnh có giải pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

b) Các Sở, ngành liên quan

- Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu UBND Tỉnh về việc cân đối nguồn vốn và thực hiện bố trí vốn đầu tư xây dựng đối với các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc phát triển hệ thống logistics khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp các Sở ban ngành liên quan thực hiện các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ Kế hoạch phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dự toán kinh phí do Sở Công Thương xây dựng và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí trong dự toán của Sở Công Thương theo quy định của Luật NSNN hiện hành.

- Sở Giao thông vận tải

Tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải, xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo hoạt động kinh doanh logistics tuân thủ các quy định về hành lang an toàn giao thông.

- Sở Tài nguyên và Môi trường

Trong quy hoạch sử dụng đất cần bố trí quỹ đất phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là hạ tầng kho bãi. Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực thi các chính sách sử dụng đất cho phát triển logistics của Tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường trong hoạt động kinh doanh logistics.

- Sở Xây dựng

Khi xem xét thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng có trách nhiệm quan tâm quy hoạch sử dụng đất hợp lý cho việc phát triển hạ tầng logistics.

- Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan khác để xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh logistics áp dụng các công nghệ kinh doanh và quản lý hiện đại, ứng dụng thương mại điện tử, lồng ghép trong các đề án như Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020, Hỗ trợ phát triển tài sản trí tệ giai đoạn đến năm 2020.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ trì triển khai thực hiện xây dựng các dự án phát triển ngành hàng chủ lực theo quy hoạch nhằm khai thác lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo ra nguồn cung và nhu cầu phát triển logistics trên địa bàn.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Tổ chức thực hiện và lồng ghép nội dung đào tạo về logistics trong chương trình, chính sách, đề án về phát triển dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn đã được phê duyệt.

- Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp các Sở Khoa học và công nghệ, các sở, ngành để xây dựng, hướng dẫn, triển khai thực hiện các nội dung liên quan phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, điện tử, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và và doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp lĩnh vực logistics, nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các hệ thống thông tin, tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, phát triển thương mại điện tử của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về công nghệ và chuyển giao công nghệ; phối hợp Sở Công thương triển khai, ứng dụng, xây dựng các hệ thống thông tin về thương mại điện tử và hệ thống thông tin lĩnh vực logistics.

- Ban Quản lý Khu kinh tế

Xây dựng phương án huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật quan trọng trong Khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có hạ tầng logistics. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ vốn ngân sách cho các công trình hạ tầng logistics thiết yếu để trình UBND Tỉnh phê duyệt.

c) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phổ biến đề án “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030đã được UBND tỉnh phê duyệt đến các đơn vị quản lý và người dân, DN trên địa bàn biết để thực hiện.

- Phối hợp liên ngành và liên vùng nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh logistics trên địa bàn.

- Hàng năm, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch của UBND tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo hạ tầng cho logistics trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bằng nguồn vốn ngân sách đối với dự án hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị chủ dự án và sở, ngành của tỉnh trong cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động logistics trên địa bàn khi có yêu cầu theo hướng dẫn.

- Quản lý hoạt động kinh doanh logistics trên địa bàn, thực hiện công tác thống kê, bảo cáo về hoạt động logistics khi có yêu cầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Lao động và Thương binh xã hội; Giám đốc Công An tỉnh; Cục trưởng Cục hải quan tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2732/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 về phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.709

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.234.124
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!