QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ KHU SẢN XUẤT GIỐNG THỦY SẢN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
VÀ TIÊU CHÍ KHU NUÔI TÔM THƯƠNG PHẨM ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2355/QĐ-UBND ngày 02/7/2015 của Chủ tịch
UBND tỉnh Bình Định)
I. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng cho các nhà đầu tư vào Khu
sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát
và Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ;
xã Cát Hải, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
II. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Công nghệ cao là công nghệ có
hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ
thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính
năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò
quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại
hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
2. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
giống thủy sản là ứng dụng công nghệ sinh học, bảo đảm an toàn sinh học;
công nghệ gia hóa, di truyền, chọn giống.
3. Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi
trồng thủy sản thương phẩm là việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, sử dụng
kỹ thuật hệ thống tuần hoàn nước (RAS), Biofloc hoặc kỹ thuật tương đương.
4. Cơ sở sản xuất giống thủy sản ứng dụng
công nghệ cao là nơi diễn ra hoạt động sản xuất giống thủy sản ứng dụng
công nghệ cao do nhà đầu tư thực hiện.
5. Cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng
công nghệ cao là nơi diễn ra hoạt động nuôi trồng thủy sản ứng dụng công
nghệ cao do nhà đầu tư thực hiện.
6. Nhà đầu tư là các tổ chức, cá
nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có dự án đầu tư vào Khu sản xuất giống
thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ
cao.
7. Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy
sản tốt Việt Nam (gọi tắt là VietGAP) là văn bản quy định những nguyên tắc
và yêu cầu cần áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm,
giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy
sản, thực hiện các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động,
truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
III. Giới thiệu Khu sản xuất
giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công
nghệ cao tại tỉnh Bình Định
1. Khu sản xuất giống thủy sản ứng
dụng công nghệ cao
- Diện tích: 30 ha.
- Địa điểm: Xã Cát Thành, huyện Phù Cát.
2. Khu thủy sản công nghệ cao tại
tỉnh Bình Định
- Xã Mỹ Thành - huyện Phù Mỹ: 460 ha (diện tích
mặt nước nuôi tôm 200 ha).
- Xã Cát Thành, xã Cát Hải - huyện Phù Cát 220
ha (diện tích mặt nước nuôi tôm 100 ha).
IV. Tiêu chí Khu sản xuất giống
thủy sản ứng dụng công nghệ cao
1. Quy trình công nghệ
1.1. Công nghệ sản xuất tiên tiến tạo ra
sản phẩm giống thủy sản đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp
và PTNT.
1.2. Công nghệ trong sản xuất:
a. Sản xuất giống thủy sản: Ứng dụng công
nghệ sinh học, bảo đảm an toàn sinh học, tạo con giống đạt tiêu chuẩn chất lượng.
b. Sản xuất đàn bố mẹ: Ứng dụng công nghệ
gia hóa, di truyền, chọn giống, tạo đàn bố mẹ sạch bệnh.
c. Sử dụng đàn bố mẹ: Có nguồn gốc xuất xứ
rõ ràng, không có mầm bệnh.
d. Không dùng kháng sinh cấm theo quy định
của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin hoặc áp
dụng tự động hóa trong sản xuất chăm sóc, theo dõi, quản lý môi trường.
2. Hạng mục đầu tư
2.1. Hệ thống nhà bao che gồm: mái che,
khung mái, tường bao chịu được cấp bão của miền Trung.
2.2. Hệ thống bể nuôi được làm từ: xi
măng, vật liệu tổng hợp.
2.3. Hệ thống cấp nước được xây dựng kiên
cố: lắng, lọc và được xử lý hóa chất hoặc tia cực tím.
2.4. Hệ thống xử lý chất thải: xử lý đạt
tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường.
2.5. Hệ thống nuôi bố mẹ: bể cách ly bố mẹ
nhập; bể cho sinh sản; hệ thống tuần hoàn nước tái sử dụng.
2.6. Hệ thống thức ăn (Hệ thống nuôi tảo,
hệ thống ấp Artemia,…).
2.7. Hệ thống thông khí: máy sục khí, dây
dẫn khí, đá sục khí.
2.8. Hệ thống đóng gói sản phẩm.
2.9. Hệ thống điện: đường dây dẫn, bảng
táp lô điều khiển. Có máy phát điện dự phòng đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
2.10. Hệ thống giao thông nội bộ được bê
tông hóa.
2.11. Phòng thí nghiệm.
2.12. Nhà làm việc.
2.13. Nhà ăn, nghỉ cho công nhân.
2.14. Hệ thống cây xanh phù hợp.
2.15. Các công trình phụ trợ bảo đảm an
toàn sinh học.
3. Quy mô đầu tư
Vốn đầu tư của dự án ước tính tối thiểu từ 6-8 tỷ
đồng/ha bao gồm: Hệ thống nhà sản xuất; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống xử
lý nước thải, chất thải; hệ thống điện, nhà làm việc, nhà ăn, nghỉ cho công nhân;
phòng thí nghiệm; trang thiết bị phục vụ sản xuất; hệ thống giao thông nội bộ
và các công trình phụ trợ khác.
4. Áp dụng các quy định về sản
xuất giống thủy sản
Cơ sở phải áp dụng các quy định hiện hành của Bộ
Nông nghiệp và PTNT về sản xuất giống thủy sản.
V. Tiêu chí Khu nuôi tôm
thương phẩm ứng dụng công nghệ cao
1. Quy trình công nghệ
1.1. Công nghệ sản xuất tiên tiến tạo ra
sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá trị và hiệu quả cao.
1.2. Công nghệ trong sản xuất:
a. Ứng dụng công nghệ vi sinh, sử dụng kỹ
thuật hệ thống tuần hoàn nước (RAS), Biofloc hoặc kỹ thuật tương đương.
b. Sử dụng chế phẩm sinh học, vật liệu khác trong quản
lý, điều khiển môi trường vật nuôi; không dùng kháng sinh cấm theo quy định của
Bộ Nông nghiệp và PTNT.
c. Không dùng nước ngọt ngầm để điều chỉnh
độ mặn trong hệ thống ao, bể nuôi tôm thương phẩm.
d. Quản lý chất lượng sản phẩm bảo đảm an
toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.
1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin hoặc áp
dụng tự động hóa trong sản xuất chăm sóc, theo dõi, quản lý môi trường.
2. Hạng mục đầu tư
2.1. Hệ thống nhà bao che gồm: bạt che, khung mái, tường bao chịu
được cấp bão của Miền Trung.
2.2. Hệ thống ao nuôi được lót bạt, xi
măng, vật liệu tổng hợp.
2.3. Hệ thống cấp nước được xây dựng kiên cố.
2.4. Hệ thống xử lý chất thải: xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định
trước khi thải ra môi trường.
2.5. Hệ thống tuần hoàn nước tái sử dụng.
2.6. Hệ thống quan trắc môi trường ao
nuôi.
2.7. Hệ thống cho ăn tự động.
2.8. Hệ thống điện: đường dây dẫn, bảng
táp lô điều khiển. Có máy phát điện dự phòng đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
2.9. Hệ thống giao thông nội bộ được bê
tông hóa.
2.10. Phòng thí nghiệm.
2.11. Nhà làm việc.
2.12. Nhà ăn, nghỉ cho công nhân.
2.13. Hệ thống cây xanh phù hợp.
2.14. Các công trình phụ trợ bảo đảm an
toàn sinh học.
3. Quy mô đầu tư
Vốn đầu tư của dự án ước tính tối thiểu từ 6-8 tỷ
đồng/ha mặt nước nuôi bao gồm: Hệ thống ao, bể; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống
xử lý nước thải, chất thải; hệ thống điện, nhà bao che, nhà làm việc, nhà ăn,
nghỉ cho công nhân; phòng thí nghiệm; trang thiết bị phục vụ sản xuất; hệ thống
giao thông nội bộ và các công trình phụ trợ khác.
4. Áp dụng Quy phạm thực hành
nuôi trồng thủy sản
Cơ sở phải áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng
thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và
PTNT hoặc tiêu chuẩn GAP khác.
Trong quá trình thực hiện, Quy định này có thể
được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.