Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 177/QĐ-UBND phát triển công nghiệp thương mại Thanh Hóa 2020 định hướng 2030 2017

Số hiệu: 177/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Ngô Văn Tuấn
Ngày ban hành: 16/01/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Văn bản số 874/CV-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 4225/SKHĐT-QH ngày 07 tháng 10 năm 2016; của Sở Công thương tại Tờ trình số 847/TTr-SCT ngày 14 tháng 9 năm 2016 về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định và hồ sơ quy hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

A. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển công nghiệp

- Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

- Tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, lao động, vị trí địa lý của tỉnh để phát triển công nghiệp theo hướng chế biến sâu; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, có thị trường, giảm dần và loại bỏ các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nhằm tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

- Phát triển công nghiệp toàn diện: Quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn; phát triển mạnh công nghiệp vùng biển trên cơ sở khai thác các tiềm năng thế mạnh của biển Đông và khu Kinh tế Nghi Sơn; chú trọng phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các vùng đồng bằng.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trước mắt, tập trung hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn của các thành phần kinh tế cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Tiếp tục phát huy năng lực sản xuất các ngành công nghiệp truyền thống; phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn; tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, sản phẩm có tỷ trọng tri thức cao; phát triển mạnh công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở vùng nông thôn và khu vực miền núi; dành quỹ đất khu vực đồng bằng cho ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp gắn với đổi mới công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến phát triển bền vững.

2. Quan điểm phát triển thương mại

- Phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Thanh Hóa theo hướng hiện đại hóa và văn minh thương mại, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của cả nước trong các giai đoạn phát triển.

- Phát triển ngành dịch vụ thương mại trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với sản xuất, thúc đẩy cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa ngành thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội.

- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng hài hòa, đồng bộ giữa hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn, giữa hệ thống bán buôn và bán lẻ. Đối với khu vực đô thị lớn, trung tâm vùng miền, Khu kinh tế Nghi Sơn, tập trung phát triển các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, kho bảo quản, chợ đầu mối nhằm tạo hạt nhân phát triển dịch vụ và văn minh thương mại; song song với phát triển các cửa hàng thương mại, xây mới chợ phục vụ dân sinh tại chỗ. Khu vực các KCN, CCN, trung tâm huyện, cụm xã phát triển các cửa hàng bán buôn, bán lẻ. Khu vực nông thôn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các chợ truyền thống.

- Tăng cường xã hội hóa đầu tư, phát triển thương mại theo hướng đa dạng về loại hình thương nhân. Khuyến khích phát triển một số doanh nhân thương mại lớn, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại làm nòng cốt trong việc tổ chức thị trường và gắn chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu dùng.

- Nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân lực; xây dựng ngành thương mại văn minh, hiện đại gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo về quốc phòng, an ninh, ứng phó kịp thời với thiên tai, các tình huống khẩn cấp và sự biến đổi khí hậu.

- Phát triển xuất khẩu phải gắn với sự phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh; phát huy nguồn hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong tỉnh, hướng đến các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh, có lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển vùng nguyên liệu; kết hợp khai thác hiệu quả nguồn hàng hóa tỉnh ngoài sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững; tranh thủ thời cơ, vận hội mới trong quan hệ đối ngoại của tỉnh, sự hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống, hướng đến thị trường cao về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

- Nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, trong nước chưa sản xuất được, lựa chọn các nguồn công nghệ vừa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới, nâng cao trình độ sản xuất của tỉnh vừa phù hợp về giá cả. Chú trọng nhập khẩu công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Kết hợp chặt chẽ giữa nhập khẩu máy móc, thiết bị và hợp đồng lắp đặt, chuyển giao công nghệ.

B. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Công nghiệp

1.1- Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2020, phát triển ngành công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững; kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trong KKT Nghi Sơn, tạo hạt nhân cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn 2021-2030, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Thanh Hóa hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chuyên môn hóa cao; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển các ngành công nghiệp trong vùng, trong khu vực và cả nước. Phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

1.2- Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2016 - 2020

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) giai đoạn 2016 - 2020 là 21,9%/năm; đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP cả tỉnh khoảng 39%.

- Định hướng đến năm 2030.

Tốc độ tăng trưởng bình quân GTSXCN giai đoạn 2021 - 2025 là 10,7%; giai đoạn 2026 - 2030 là 9,3%; cả giai đoạn 2021 - 2030 là 10%.

Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP cả tỉnh đến năm 2025 chiếm khoảng 43%; đến năm 2030 chiếm khoảng 47%.

2. Thương mại

2.1- Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ thương mại ở mức độ cao trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phù hợp với với yêu cầu thị trường trong nước và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, tăng cường mở rộng mối liên kết thương mại giữa tỉnh Thanh Hóa với bên ngoài.

2.2- Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển bán lẻ (TMLCBL) giai đoạn 2016 - 2020 là 23,2%; giai đoạn 2021 - 2025 là 19,1%; giai đoạn 2026 - 2030 là 17,7%. TMLCBL đến năm 2020 đạt khoảng 175.000 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 420.000 tỷ đồng và đến năm 2030 khoảng 950.000 tỷ đồng. TMLCBL bình quân đầu người năm 2020 đạt 50.000.000 đ/người; đạt 117.000.000 đ/người vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 260.700.000 đ/người.

Đến năm 2020, GRDP dịch vụ thương mại đạt khoảng 11.525 tỷ đồng (chiếm 27,9% GRDP ngành dịch vụ cả tỉnh); đến năm 2025 đạt khoảng 18.408 tỷ đồng (chiếm 29,5% GRDP ngành dịch vụ cả tỉnh); đến năm 2030 đạt khoảng 28.555 tỷ đồng (chiếm 31% GRDP ngành dịch vụ cả tỉnh).

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của Tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 là 10,6%; giai đoạn 2021 - 2025 là 16,1%; giai đoạn 2026 - 2030 là 14,9%. Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 2 tỷ USD; đến năm 2025 đạt khoảng 4 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 8 tỷ USD.

C. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

I. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

1. Lựa chọn các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn mới

Trong kỳ quy hoạch lựa chọn sản phẩm mũi nhọn chủ yếu là lọc hóa dầu và sau lọc dầu; công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo máy; công nghiệp điện tử - CNTT; công nghiệp sinh học; sản phẩm kim loại (thép kỹ thuật, thép xây dựng).

2. Quy hoạch các ngành công nghiệp cấp I

2.1- Công nghiệp khai thác khoáng sản

Phát triển ngành khai thác khoáng sản với quy mô và công nghệ thích hợp theo hướng tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu cho các ngành chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD trên địa bàn.

- Đến năm 2020 GTSXCN khai thác khoáng sản đạt 2.093 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,4%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,7%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN khai thác khoáng sản đạt 2.927 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,1%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,9%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN khai thác khoáng sản đạt 4.394 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 1,1%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 8,5%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,7%/năm.

2.2- Công nghiệp chế biến, chế tạo

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Công nghiệp hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; chế biến thực phẩm, đồ uống (sản xuất đường, sản phẩm sữa, chế biến thủy sản, hải sản, sản xuất bia, thuốc lá, ...); công nghiệp dệt may - da giày; sản xuất giấy, chế biến lâm sản; sản xuất phân bón, hóa chất, nhựa; sản xuất vật liệu xây dựng.

- Đến năm 2020 GTSXCN chế biến, chế tạo đạt 145.348 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,8%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22,7%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN chế biến, chế tạo đạt 241.863 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,9%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,7%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN chế biến, chế tạo đạt 377.785 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 96,1%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,3%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,0%/năm.

2.3- Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng

Cải tạo mạng lưới phân phối điện để cấp điện ổn định và an toàn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng; tăng dần công suất cực đại của mạng lưới lên 1.800 - 2.000 MW đến năm 2020 và khoảng 6.000 - 6.500 MW vào năm 2030.

- Đến năm 2020 GTSXCN ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng đạt 3.216 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,1%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng đạt 5.855 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,3%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 12,7%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng đạt 8.693 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,2%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 8,2%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,5%/năm.

2.4- Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải

- Công nghiệp cung cấp nước: Đảm bảo cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sản lượng nước máy sản xuất đến năm 2020 đạt khoảng 58 triệu m3; năm 2025 đạt 70 triệu m3 và năm 2030 đạt 85 triệu m3.

- Hoạt động xử lý rác thải: Kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn tại các KCN, CCN, bãi rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, các dự án điện rác theo công nghệ đốt chất thải rắn công suất 5MW tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn..., với công nghệ tiên tiến.

- Đến năm 2020 GTSXCN ngành cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải đạt 1.016 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,7%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,9%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN ngành cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải đạt 1.626 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,6%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,9%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN ngành cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải đạt 2.293 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,6%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 7,1%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5%/năm.

3. Quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ

3.1- Vùng đồng bằng

Bao gồm: Thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn và các huyện: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nông Cống.

Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Lắp ráp ô tô, xi măng, dệt may, giày da và một số ngành sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo khác; phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn. Ưu tiên thu hút và tạo điều kiện phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ phục vụ hóa dầu.

- Đến năm 2020 GTSXCN đạt 56.774 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,7%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN đạt 79.582 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,5%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,0%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN đạt 137.982 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,1%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 11,6%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9,3%/năm.

3.2- Vùng ven biển

Bao gồm: Thị xã Sầm Sơn, huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia.

Phát triển công nghiệp tập trung ở KKT Nghi Sơn chủ yếu các ngành công nghiệp nặng (lọc hóa dầu, cơ khí, luyện kim, nhiệt điện…) đồng thời tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nhẹ (sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến nông thủy sản, chế biến thực phẩm, TTCN…) theo hướng tập trung ở các KCN, CCN; phát triển du lịch, đô thị và khu dân cư.

- Đến năm 2020 GTSXCN đạt 89.992 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,3%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 48,7%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN đạt 164.681 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65,3%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 12,8%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN đạt 237.288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,4%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,2%/năm.

3.3- Vùng miền núi

Bao gồm: Huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát.

Tập trung phát triển công nghiệp phù hợp với tiềm năng thế mạnh của vùng như: Thủy điện, chế biến nông, lâm sản (thịt gia súc, gia cầm, gỗ, luồng), thức ăn gia súc, sản xuất VLXD, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hàng may mặc, giày xuất khẩu... Chú trọng phát triển hình thành các vùng trồng các loại cây công nghiệp có năng suất cao như vùng mía nguyên liệu, cao su, sắn nguyên liệu, đậu tương cho chế biến, phát triển chăn nuôi, kinh tế trang trại, nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy.

- Đến năm 2020 GTSXCN đạt 4.906 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,2%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,4%/năm.

- Đến năm 2025 GTSXCN đạt 8.008 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,2%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,3%/năm.

- Đến năm 2030 GTSXCN đạt 17.895 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,6%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 17,4%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,8%/năm.

4. Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ

Trên cơ sở mục tiêu, định hướng phát triển các ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu; lựa chọn các ngành công nghiệp hỗ trợ để ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư:

- Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp lọc hóa dầu: Phát triển các lĩnh vực dịch vụ như: Vận hành và bảo dưỡng cho các công trình dầu khí; cung ứng vật tư hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng; cung cấp vật tư phụ tùng, dịch vụ kho ngoại quan phục vụ cho công tác vận hành bảo dưỡng, lắp đặt và đấu nối chạy thử, vận hành bảo dưỡng...

- Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp Dệt may - Da giày: Phát triển sản xuất các hóa chất cho ngành dệt may, giày dép, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may, da giày…

- Công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí, điện tử, chế tạo và sản xuất kim loại: Công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm thép (cung cấp bột xô đa, sản xuất một số thiết bị thay thế, thùng rót thép, thùng rót thép trung gian, máy nghiền vôi, sản xuất các thiết bị lọc bụi, cung cấp vôi bột xử lý P và S trong luyện kim và nhà máy nhiệt điện…); hỗ trợ cho ngành sản xuất cơ khí chế tạo, ...

5. Quy hoạch phát triển KKT, KCN, CCN

5.1- Khu kinh tế Nghi Sơn

KKT Nghi Sơn diện tích là 106.000ha, bao gồm: 66.497,57ha đất liền và đảo, 39.502,43ha mặt nước.

Phát triển KKT Nghi Sơn thành một khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu với trọng tâm là công nghiệp lọc - hóa dầu và công nghiệp cơ bản như: Công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất VLXD, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông, lâm, ngư nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu...

5.2- Quy hoạch các khu công nghiệp (KCN)

Tập trung nguồn lực đầu tư để đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh, ngoài các KCN trong KKT Nghi Sơn, sẽ hình thành 08 KCN với tổng diện tích khoảng 2.035ha với hạ tầng KCN tương đối đồng bộ, trong đó 100% các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụ thể:

- Khu công nghiệp Lễ Môn (thành phố Thanh Hóa): Diện tích quy hoạch là 87,61ha. Từ nay đến năm 2020, giữ nguyên diện tích đã quy hoạch. Giai đoạn từ sau năm 2025, nghiên cứu lập phương án di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp, đồng thời thay đổi công năng của khu công nghiệp.

- KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (thành phố Thanh Hóa): Diện tích quy hoạch là 180ha. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN, thu hút doanh nghiệp đầu tư lấp đầy diện tích của khu công nghiệp. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

- KCN Hoàng Long (thành phố Thanh Hóa): Diện tích quy hoạch là 286ha. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng của khu công nghiệp, khuyến khích thu hút các dự án trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; dệt may; cơ khí...

- Khu công nghiệp Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn): Diện tích quy hoạch là 566ha (mở rộng thêm 116ha so với quy hoạch cũ). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư công nghiệp như: Cơ khí, sản xuất VLXD, dệt may, hóa chất, phân bón, hàng tiêu dùng xuất khẩu...

- KCN Lam Sơn - Sao Vàng (huyện Thọ Xuân): Diện tích quy hoạch 550ha. Trong giai đoạn từ nay đến 2020, từng bước đầu tư hạ tầng KCN. Định hướng khuyến khích thu hút các dự án trong các ngành điện tử, viễn thông; sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử, viễn thông và gắn với đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ cao. Quy hoạch sau năm 2020, khu công nghiệp sẽ phát triển thành khu công nghệ cao của tỉnh.

- KCN Thạch Quảng (huyện Thạch Thành): Diện tích quy hoạch KCN là 100ha. Thu hút các ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; sản xuất thuốc; phân bón; sản xuất VLXD...

- KCN Bãi Trành (huyện Như Xuân): Quy hoạch KCN với diện tích 116ha, dự kiến sẽ đầu tư phát triển KCN trong giai đoạn 2016-2020. Định hướng KCN sẽ ưu tiên phát triển các dự án chế biến một số sản phẩm sau lọc hóa dầu, chế biến lâm sản, khoáng sản.

- KCN Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc): Diện tích quy hoạch là 150ha, trong giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư hạ tầng KCN, tập trung thu hút các dự án chế biến nông, lâm sản, sản xuất dược liệu, chế biến gỗ, sản xuất mặt hàng xuất khẩu.

5.3- Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và làng nghề TTCN

- Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 2.013,8ha (Vùng đồng bằng 35 cụm, với diện tích 928,5ha; Vùng ven biển 13 cụm, với diện tích 476,1ha; Vùng miền núi 20 cụm, với diện tích 609,2ha).

- Tiếp tục duy trì phát triển 155 làng nghề TTCN truyền thống đang hoạt động. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 80 đến 90 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và có 15 làng nghề trở thành điểm du lịch; hình thành 04 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm các làng nghề (02 khu tại thành phố Thanh Hóa và 02 khu tại thị xã Sầm Sơn).

6. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: (Chi tiết có phụ lục 01 kèm theo).

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI

1. Quy hoạch phát triển thương mại theo không gian thị trường

- Khu vực thành thị: Tại các đô thị lớn như thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và đô thị Nghi Sơn, phát triển đa dạng các hình thức bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, trong đó, phát triển nhanh các loại hình thương mại hiện đại, hình thành các khu đô thị thương mại - dịch vụ du lịch, khu hậu cần phân phối, trung chuyển hàng hóa và cung cấp dịch vụ phụ trợ.

- Khu vực thị trấn, trung tâm xã: Lấy thị trấn huyện và trung tâm cụm xã làm trung tâm, từ đó hình thành các cụm kinh tế thương mại - dịch vụ, phát triển các ngành nghề TTCN, cơ sở chế biến, dịch vụ sửa chữa, thương mại, ăn uống... Tập trung nâng cấp và xây mới các chợ ở trung tâm các huyện, xây mới chợ ở một số xã có nhu cầu nhưng chưa có chợ.

- Phát triển theo các trục tuyến kinh tế: Định hướng từ nay đến năm 2030, tổ chức và phát triển ngành thương mại theo không gian tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn và theo các trục tuyến kinh tế như: Trục kinh tế theo tuyến QL1A, QL 47, QL45, QL10, Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường ven biển gắn với hệ thống cảng biển và hệ thống cửa khẩu,...

2. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu

2.1- Siêu thị, trung tâm thương mại

- Quy hoạch siêu thị: Quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 120 siêu thị, trong đó 04 siêu thị hạng I; 18 siêu thị hạng II; 98 siêu thị hạng III với diện tích đất 62.439m2, diện tích kinh doanh 110.250m2.

- Quy hoạch trung tâm thương mại: Đến năm 2020, toàn tỉnh có 64 trung tâm thương mại; trong đó, có 08 trung tâm thương mại hạng I, 09 trung tâm thương mại hạng II và 47 trung tâm thương mại hạng III với diện tích đất 418.076m2, diện tích kinh doanh 1.535.596m2, tổng vốn đầu tư 9.988 tỷ đồng; cụ thể: Giai đoạn từ nay đến năm 2020, xây dựng mới 17 trung tâm thương mại. Định hướng giai đoạn 2021 - 2030, cải tạo và xây dựng mới 47 trung tâm thương mại.

2.2- Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 594 chợ; trong đó: Có 20 chợ hạng I, 52 chợ hạng II và 522 chợ hạng III; đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 640 chợ, cơ bản chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống tại các khu đô thị, trung tâm các huyện sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh.

2.3- Mạng lưới kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

- Đến năm 2020: Có 512 cửa hàng xăng dầu, bao gồm: 06 cửa hàng loại I, 10 cửa hàng loại II, 179 cửa hàng loại III, 205 cửa hàng loại IV, 112 cửa hàng loại V; 20 tàu bán lẻ xăng dầu trên sông biển; 63 điểm bán lẻ dầu diezen đặc thù ven biển và 226 phương tiện vận tải (16 tàu, 30 thuyền, xà lan, 180 ô tô tecxi). Toàn tỉnh có 1.274 cửa hàng kinh doanh LGP, 195 trạm nạp LPG vào ô tô và 12 trạm nạp LPG vào chai, 10 kho chứa LPG tổng dung tích 21.100 tấn.

- Đến năm 2025: Có khoảng 737 cửa hàng, mỗi xã có ít nhất 01 cửa hàng xăng dầu; có 30 tàu bán lẻ xăng dầu ven biển trở lên. Toàn tỉnh có trên 1.600 cửa hàng LPG; 250 trạm nạp LPG vào ô tô; có 17 - 19 trạm nạp LPG vào chai.

- Định hướng đến năm 2030: Toàn tỉnh có ít nhất 900 cửa hàng xăng dầu, quy mô bán lẻ 1 cửa hàng xăng dầu đạt 3.155 tấn/năm, gấp 1,61 lần so với năm 2020; có ít nhất 2.000 cửa hàng LPG, quy mô bán lẻ 1 cửa hàng đạt 60 tấn/năm, gấp 1,53 lần so 2020.

2.4- Hệ thống kho, bãi

Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng hệ thống kho tập trung tại các thành phố, thị xã và KCN với diện tích chiếm đất khoảng 70.000m2. Trong đó, xây dựng kho ngoại quan tại KKT Nghi Sơn với tổng diện tích chiếm đất khoảng 50.000m2. Phấn đấu đến 2030, trên địa bàn mỗi huyện xây dựng và hình thành ít nhất một kho dự trữ hàng hóa, trong đó quan tâm đến các địa bàn miền núi và khu vực cửa khẩu biên giới. Quy hoạch kho đầu mối xăng dầu tại KKT Nghi Sơn và các kho trung chuyển hoặc kho phân phối xăng dầu tại trung tâm tiêu thụ vùng.

3. Danh mục các dự án thương mại ưu tiên đầu tư

(Chi tiết có phụ lục 02 kèm theo)

III. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ VÀ LAO ĐỘNG

1. Nhu cầu vốn đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 288.000 tỷ đồng (Trong đó: Công nghiệp là 250.000 tỷ đồng, thương mại là 38.000 tỷ đồng); giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 309.000 tỷ đồng (Trong đó: Công nghiệp là 265.000 tỷ đồng, thương mại là 44.000 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 304.000 tỷ đồng (Trong đó: Công nghiệp là 244.000 tỷ đồng, thương mại là 60.000 tỷ đồng).

2. Nhu cầu lao động

Nhu cầu lao động phục vụ cho phát triển công nghiệp và thương mại đến năm 2020 là 564.300 người, đến năm 2025 là 709.100 người và dự báo đến năm 2030 là 853.400 người; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 10,4%/năm; giai đoạn 2021 - 2030 là 4,2%/năm.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về thu hút vốn đầu tư

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh tốt đẹp về môi trường của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp của các Tập đoàn, các Công ty lớn vào các dự án sản xuất có công nghệ tiên tiến như: Sản phẩm sau lọc hóa dầu, sản xuất điện, ô tô, kim loại, thiết bị điện tử, tin học,... Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như: May mặc, giày da, TTCN ở khu vực nông thôn, miền núi. Ngoài việc tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng các KKT, KCN, CCN theo hướng đồng bộ, hiện đại; khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng văn minh thương mại.

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Trung ương, đồng thời tập trung xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh một cách linh hoạt, hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển công nghiệp và thương mại; trong đó, tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại tại vùng nông thôn và miền núi (chợ, cửa hàng bán buôn, bán lẻ,...) để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

3. Giải pháp về phát triển thị trường

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng chi ngân sách hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại. Cung cấp thông tin thị trường thường xuyên và đầy đủ, hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Khuyến khích các doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về tiếp thị, nghiên cứu thị trường, xúc tiến mậu dịch, làm đầu mối giao dịch. Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng (kết nối nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối trong nước). Từng bước hình thành các thị trường: Thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ…

4. Giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực. Hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở đào tạo liên tục đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo cầu nối và gắn kết giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học nghề (lao động). Thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức của tỉnh Thanh Hóa. Mở rộng loại hình hợp tác về lao động với nước ngoài.

5. Giải pháp về đất đai, xây dựng, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tài nguyên

Thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng của tỉnh và các quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm truyền thống như: Xi măng, gạch, bia, chế biến thủy sản... Hỗ trợ, cung cấp thông tin công nghệ để doanh nghiệp lựa chọn quyết định đầu tư, đổi mới sản xuất. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực hình thành KCN sử dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng. Phấn đấu 100% các KCN, CCN, làng nghề có khu vực xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Rà soát các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu chính là tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi mạnh mẽ sang chế biến sâu. Dừng cấp phép một số ngành, một số khu vực có ảnh hưởng lớn môi trường, cảnh quan. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt chú ý đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các khu vực ven biển; đầu nguồn sông, suối,…

6. Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính

Công bố rộng rãi các thông tin về các quy hoạch ngành; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sản phẩm như: Điện lực, cụm công nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, mạng lưới kinh doanh xăng dầu... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, đặc biệt hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng cấm...; bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy và ban hành các quy định cụ thể để quản lý hành chính và kinh tế phù hợp với mô hình quản lý mới. Tập trung rà soát, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm (ISO) vào các cơ quan hành chính các cấp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt:

- Công bố công khai quy hoạch;

- Tổ chức thực hiện quy hoạch thông qua công tác xây dựng các quy hoạch sản phẩm, các đề án, chương trình, kế hoạch và công tác quản lý nhà nước của ngành;

- Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch; tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ phù hợp với tình hình thực tế.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề và các doanh nhân phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2255/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các ngành và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Tuấn

 

PHỤ LỤC SỐ 01

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN THU HÚT ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 177/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Công suất

Dự kiến vốn ĐT
(tỷ đồng)

 

Giai đoạn 2016 - 2020

 

 

29.765

1

Nhà máy sản xuất khí công nghiệp

KKT Nghi Sơn

100 - 200 nghìn tấn/năm

3.000

2

Nhà máy sản xuất Etylen, Etylen điclorua (EDC), Monoethylene Glycol (MEG), Butadien, nhựa PP…

KKT Nghi Sơn

2,5 triệu tấn/năm

10.000

3

Nhà máy sản xuất nhựa đường

KKT Nghi Sơn

200 nghìn tấn/năm

200

4

Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh

TP Thanh Hóa, các huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia

10.000 tấn/năm/nhà máy

300

5

Nhà máy chế biến thức ăn gia súc

Các huyện: Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh, Bá Thước

10.000 tấn/năm/nhà máy

300

6

Cơ sở chế biến thức ăn thủy sản

Các huyện: Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia

10.000-15.000 tấn/năm

16

7

Nhà máy chế biến thực phẩm ăn liền

KCN Hoàng Long

10.000 tấn/năm

22

8

Nhà máy chế biến măng xuất khẩu

Các huyện: Ngọc Lặc, Bá Thước

10.000 tấn/năm

50

9

Nhà máy chế biến rau quả

Thị xã Bỉm Sơn, huyện Thạch Thành

10.000 tấn/năm/nhà máy

25

10

Nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm

Các huyện: Yên Định, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân

12 - 15 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày

200

11

Nhà máy chế biến nguyên liệu và sản xuất cói xuất khẩu

Các huyện: Nga Sơn,

40 - 42 tấn nguyên liệu/ngày

200

 

 

Quảng Xương

 

 

12

Dự án chế biến gỗ công nghiệp

KKT Nghi Sơn

100.000 m3 SP gỗ CN/năm

600

13

Nhà máy sản xuất ván sàn, ván ép từ luồng

Các huyện: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân

2 triệu m2/năm

300

14

Đầu tư nhà máy sản xuất dệt kim tròn công suất

KCN Hoàng Long

18 triệu m/năm

250

15

DA sản xuất sợi cho ngành dệt: Sợi xơ dài, Sợi hóa học

KKT Nghi Sơn

5.500 tấn/năm

700

16

Nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp

KCN Bỉm Sơn

220.000 tấn/năm

200

17

Nhà máy sản xuất cao su tổng hợp

KKT Nghi Sơn

50.000 tấn/năm

300

18

Nhà máy sản xuất dầu, mỡ bôi trơn

KCN Bỉm Sơn

7.200 tấn/năm

27

19

Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa PVC

KKT Nghi Sơn; KCN Bỉm Sơn

100.000-300.000 tấn/năm

35

20

Nhà máy gạch không nung từ xỉ than

KKT Nghi Sơn

50 triệu viên/năm

100

21

Nhà máy sản xuất ống nhựa UPVC, PE, PTA

KKT Nghi Sơn

15 - 20 nghìn tấn/năm

200

22

Nhà máy sản xuất gạch tuynen và gạch không nung

Các huyện: Ngọc Lặc và Bá Thước

40 triệu viên/năm

30

23

Nhà máy sản xuất vỏ Container

KKT Nghi Sơn

60.000 TEUs/năm

1.000

24

Nhà máy sản xuất động cơ diesel

KCN Bỉm Sơn

30.000 sản phẩm/năm

600

25

Nhà máy cơ khí chế tạo phụ tùng và lắp ráp ô

KCN Bỉm Sơn

50.000 xe/năm; 1 triệu sản phẩm phụ tùng/năm

5.600

26

Nhà máy sản xuất và lắp ráp máy nông nghiệp

KCN Bỉm Sơn

30 triệu sản phẩm/năm

260

27

Nhà máy sản xuất thép không gỉ

KKT Nghi Sơn

200.000 tấn/năm.

3.000

28

Nhà máy sản xuất và lắp ráp đầu máy Diesel, máy phát điện, đồ gia dụng...

KCN Bỉm Sơn

10.000 SP/năm

200

29

Nhà máy sản xuất thiết bị đồng bộ và phụ tùng thay thế cho công nghiệp xi măng; mía đường, tàu thủy

KKT Nghi Sơn

Sản xuất thiết bị, phụ tùng

1.000

30

Nhà máy sản xuất tôn lượn sóng và các SP thép định hình

KCN Bỉm Sơn

180.000 m2/năm và 2.300 tấn/năm

40

31

Nhà máy sản xuất tá dược cao cấp, tá dược từ bột biến tính

KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga

30.000 tấn/năm

500

32

Nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học

KCN Lam Sơn - Sao Vàng

25 tấn/năm

200

33

Nhà máy sản xuất nguyên liệu đông dược và dược liệu tổng hợp

KCN Thạch Quảng

Dược liệu chiết xuất, dược phẩm

200

34

Nhà máy sản xuất dược phẩm GMP-WHO

KCN Lễ Môn

Dược phẩm

60

35

Nhà máy điện rác (công nghệ thiêu đốt)

TP. Thanh Hóa, TX. Bỉm Sơn

5MW

50

 

Giai đoạn 2021 - 2030

 

 

202.980

1

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (giai đoạn 2)

KKT Nghi Sơn

10 triệu tấn/năm

180.000

2

Nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp (giai đoạn 2)

KCN Bỉm Sơn

100.000 tấn/năm

100

3

Nhà máy sản xuất phân đạm (Công ty CP Phân đạm Công

Thanh).

KKT Nghi Sơn

560.000 tấn/năm

14.500

4

Nhà máy sản xuất Methanol và các SP từ Methanol

KKT Nghi Sơn

600.000 tấn/năm

800

5

Nhà máy sản xuất sản phẩm vật tư y tế và dung dịch lọc thận

(mở rộng)

KCN Lễ Môn

40.000 lít/ngày

300

6

Nhà máy sản xuất thiết bị điện cơ gia dụng

KCN Lam Sơn - Sao Vàng

40.000 SP/năm

700

7

Nhà máy linh kiện điện tử, thiết bị điện tử VP

KCN Lam Sơn - Sao Vàng

500.000 SP/năm

3.000

8

Nhà máy sản xuất thiết bị dụng cụ y tế

KCN Tây Bắc Ga

200.000 SP/năm

500

9

Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn (mở rộng)

KKT Nghi Sơn

6,3 triệu tấn SP phôi và thép cán/năm

2.550

10

Nhà máy sản xuất và lắp ráp máy nông nghiệp

KCN Bỉm Sơn

30.000 SP/năm

500

11

Nhà máy điện rác (công nghệ chôn lấp)

Các huyện: Cẩm Thủy, Tĩnh Gia

2 - 3MW

30

 

PHỤ LỤC SỐ 02

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN THU HÚT ĐẦU TƯ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 177/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2021 - 2030

Quy mô
(Sàn quy m2)

Vốn đầu tư
(Tỷ đồng)

Quy mô
(Sàn quy m2)

Vốn đầu tư
(Tỷ đồng)

 

Tổng cộng

 

 

4.340

 

2.030

1

Nâng cấp chợ biên giới cửa khẩu Quốc tế Na Mèo

Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn

10.000m2

20

 

 

2

Chợ Đầu mối nông sản phía Tây TP. Thanh Hóa

Phía Tây thành phố Thanh Hóa

 

 

20.000m2

55

3

Nâng cấp Chợ Đầu mối hải sản Tĩnh Gia

Xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia

10.000m2

55

 

 

4

Chợ Đầu mối hải sản Sầm Sơn

Xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn

10.000m2

55

 

 

5

Chợ Đầu mối hải sản Hậu Lộc

Xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc

10.000m2

55

 

 

6

Chợ Chuyên doanh hải sản Quảng Nham

Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương

5.000m2

15

 

 

7

Nâng cấp TTTM Thanh Hoa Plaza

Thành phố Thanh Hóa

53.300 m2

200

 

 

8

Nâng cấp TTTM Thanh Hoa Trade Center

25 Đại lộ Lê Lợi - thành phố Thanh Hóa

30.000 m2

120

 

 

9

Trung tâm thương mại phía Đông thành phố

Xã Đông Hải, thành phố Thanh Hóa

 

 

75.000 m2

450

10

Trung tâm thương mại phía Tây thành phố

Phường Phú Sơn, Thanh Hóa

 

 

75.000 m2

525

11

Trung tâm thương mại Sông Mã

Ven Đại lộ Nam Sông Mã

 

 

40.000m2

280

12

Trung tâm thương mại TX Sầm Sơn

Thị xã Sầm Sơn

75.000 m2

525

 

 

13

Trung tâm thương mại Ngọc Lặc

Thị trấn huyện Ngọc Lặc

97.500m2

585

 

 

15

Trung tâm thương mại Đồng Tâm, Bá Thước

Xã Thiết Ống, huyện Bá Thước

30.000m2

210

30.000m2

210

16

Trung tâm thương mại CK quốc tế Na Mèo

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo

 

 

30.000m2

210

17

Kho đầu mối xăng dầu Nghi Sơn

Khu kinh tế Nghi Sơn

50.000m3 bể chứa

500

 

 

18

Kho khí đốt hóa lỏng (gas)

Khu kinh tế Nghi Sơn

50.000m3

500

 

 

21

Kho ngoại quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo

Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo

 

 

200.000m2

150

22

Kho ngoại quan cảng thương mại Nghi Sơn

Khu kinh tế Nghi Sơn

500.000m2

400

 

 

23

Kho trung chuyển hàng hóa cảng Nghi Sơn

Khu kinh tế Nghi Sơn

1.030.000m2

800

 

 

24

Kho chứa hàng khu vực miễn thuế

Khu kinh tế Nghi Sơn

500.000m2

300

 

 

26

Trung tâm Hội nghị, hội chợ, triển lãm Nghi Sơn

Khu kinh tế Nghi Sơn

 

 

30.000m2

120

27

Sàn giao dịch hàng hóa

Thành phố Thanh Hóa

 

 

1.000 m2

30

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 177/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.520

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.162.61
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!