ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1333/QĐ-UBND
|
Cà Mau, ngày 23
tháng 08 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN
LÝ HOẠT ĐỘNG HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018
của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ
trình số 57/TTr-SCT ngày 15/8/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
chế quản lý hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này
theo đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Kinh tế (vic)
- Lưu: VT, PA55, M.A75/8.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hồng Quân
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỘI
CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1333/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2018 của
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định việc quản lý đối với hoạt động
tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Cà Mau có liên
quan đến hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
b) Thương nhân, các tổ chức hoạt động có liên quan
đến việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại (sau đây gọi là thương nhân tổ
chức).
c) Thương nhân, các tổ chức hoạt động có liên quan
đến việc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại (sau đây gọi là thương nhân
tham gia).
Điều 2. Nguyên tắc quản lý
1. Việc quản lý hoạt động hội chợ, triển lãm thương
mại phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật; đồng thời đảm bảo
công bằng, cạnh tranh lành mạnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức,
cá nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại, vừa tạo điều kiện cho
doanh nghiệp, tiểu thương địa phương kinh doanh mua bán.
2. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện,
thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật
chủ động phối hợp, trao đổi thông tin có liên quan đến quản lý hoạt động tổ chức
hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Điều 3. Về lựa chọn, công bố địa điểm tổ chức hội
chợ, triển lãm thương mại
1. Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển
lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn
tỉnh Cà Mau cho năm sau được Sở Công Thương chủ trì, phối hợp UBND các huyện,
thành phố Cà Mau tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét phê duyệt, công bố trước
ngày 01 tháng 10 hàng năm.
2. Việc điều chỉnh, bổ sung
Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu
tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh do Sở Công
Thương đề xuất trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
3. Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển
lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
trên địa bàn tỉnh được công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà
Mau, Trang thông tin điện tử Sở Công Thương và gửi cho các cơ quan, đơn vị, địa
phương liên quan.
Điều 4. Về xác định yêu cầu
lĩnh vực ưu tiên tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại
Tùy theo yêu cầu cần thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan, UBND các
huyện, thành phố Cà Mau nghiên cứu đề xuất các hội chợ, triển lãm thương mại gắn
với những sự kiện lễ hội, lễ kỷ niệm hoặc các sự kiện chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội khác; là Hội chợ thương mại tổng hợp hoặc Hội chợ Thương mại - Nông
nghiệp, Hội chợ Thương mại - Du lịch, Hội chợ kích cầu tiêu dùng...
Điều 5. Về tiêu chí tổ chức hội
chợ, triển lãm thương mại
Ngoài những quy định tại Khoản 11, Khoản 12 Điều 29
của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại
về hoạt động xúc tiến thương mại, UBND tỉnh quy định cụ thể thêm về yêu cầu,
tiêu chí tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau như
sau:
1. Về khoảng cách thời gian giữa hai lần tổ chức hội
chợ tại cùng một địa điểm và trên cùng một huyện, thành phố tối thiểu là 75
ngày trở lên.
2. Nếu trên địa bàn một huyện, thành phố Cà Mau chỉ
có một địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại thì không tổ chức
quá 03 lần trong một năm.
3. Nếu trên địa bàn một huyện, thành phố Cà Mau có
từ hai địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trở lên thì không tổ
chức quá 04 lần trong một năm trên một huyện, thành phố.
4. Đối với hội chợ, triển lãm
thương mại cấp tỉnh tổ chức tại thành phố Cà Mau phải có quy mô từ 300 gian hàng
tiêu chuẩn trở lên; đối với hội chợ thương mại tổ chức ở địa bàn các huyện phải
có quy mô từ 70 gian hàng tiêu chuẩn trở lên.
5. Đối với phiên chợ hàng Việt
về nông thôn được ưu tiên xem xét, số lượng gian hàng mỗi phiên chợ từ 40 gian
hàng trở lên; địa điểm tổ chức phiên chợ do Sở Công Thương chủ trì phối hợp
UBND các huyện bố trí phù hợp, thuận lợi và phải đảm bảo khoảng cách thời gian
với các lần tổ chức hội chợ khác trên cùng địa bàn tổ chức.
6. Không tổ chức hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh
Cà Mau 20 ngày trước Tết Nguyên đán hàng năm nhằm để tạo điều kiện cho doanh
nghiệp, hộ kinh doanh tại địa phương kinh doanh mua bán (trừ trường hợp hội chợ,
triển lãm thương mại gắn với sự kiện lễ hội hoặc các sự kiện chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội khác do UBND tỉnh hoặc Sở Công Thương phê duyệt).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Sở Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND các
huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hội chợ, triển lãm
thương mại trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
b) Kiểm tra, giám sát công tác tổ chức hội chợ, triển
lãm thương mại; kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại tại hội chợ, triển
lãm thương mại theo quy định của pháp luật.
c) Tổng hợp, đánh giá kết quả tổ chức hội chợ, triển
lãm thương mại báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Phối hợp Sở Công Thương đề xuất lĩnh vực ưu tiên
để tổ chức hội chợ liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
b) Thực hiện quản lý biểu diễn nghệ thuật, quảng
cáo tại hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định của pháp luật.
3. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp quản lý đảm bảo
trật tự, an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông khu vực, địa
điểm tổ chức hội chợ.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp
Sở Công Thương đề xuất lĩnh vực ưu tiên tổ chức hội chợ nhằm thúc đẩy phát triển
sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông lâm, thủy sản của tỉnh.
5. Sở Tài chính: Thẩm định nguồn kinh phí của ngân
sách tỉnh hỗ trợ công tác tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại (nếu có); theo
dõi việc thực hiện đăng ký giá dịch vụ tại hội chợ, triển lãm thương mại của
thương nhân tổ chức.
6. Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng công an trên
địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và trật tự an
toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức hội chợ, triển
lãm thương mại.
7. Công ty Điện lực tỉnh: Chỉ đạo Điện lực các huyện,
thành phố phối hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất về cung ứng điện và hướng dẫn đảm
bảo an toàn sử dụng điện cho các hội chợ, triển lãm thương mại.
8. Công ty/đơn vị môi trường đô thị: Phối hợp đảm bảo
vệ sinh môi trường tại các khu vực hội chợ, triển lãm thương mại.
9. Các sở, ngành liên quan khác: Theo chức năng,
nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động
tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
10. UBND các huyện, thành phố Cà Mau:
a) Phối hợp Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh phê
duyệt Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực
ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh Cà Mau hàng năm.
b) Chỉ đạo phòng Kinh tế, phòng Kinh tế - Hạ tầng
và các phòng, ban chức năng liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp
và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tổ chức và thương nhân tham gia
hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn.
c) Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh
doanh trên địa bàn tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
d) Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và
các hoạt động tại hội chợ, triển lãm thương mại; chỉ đạo UBND các xã, phường,
thị trấn phối hợp xây dựng, quản lý và tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm tổ
chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn về đảm bảo về nguồn điện, nước,
an ninh trật tự, vệ sinh, môi trường và không bị ngập nước.
Điều 7. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực
hiện Quy chế này. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá
nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này. Trong quá
trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng
văn bản gửi về Sở Công Thương để nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh điều
chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.