CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 57/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 4 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THỂ CHẾ LIÊN KẾT VÙNG KINH TẾ - XÃ HỘI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tại Tờ trình số 6773/TTr-BKHĐT ngày 06 tháng 10 năm 2021 và Tờ trình số 1563/TTr-BKHĐT
ngày 11 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT NGHỊ:
Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được
Đảng chỉ đạo tại Văn kiện các đại hội VIII, X và XI, mới đây nhất là Chiến lược
phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong những năm qua, Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể
hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên
quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã,
hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực
hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng
bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.
Mặc dù vậy, thể chế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn
tại, hạn chế. Cụ thể, chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực
thi; vai trò của chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là chính quyền trung
ương, còn mờ nhạt; và cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu
lực và hiệu quả cao nhất. Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của
các hoạt động liên kết vùng như: các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức,
chưa có sự phối hợp thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa
dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát
triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát
triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu (như Hà Nội, thành
phố Hồ Chí Minh), chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng;
chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm
liên kết ngành; các nội dung liên kết vùng quan trọng (như liên kết trong xây dựng,
thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch; liên kết đầu tư phát triển;
liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống
thông tin vùng, liên vùng...) chưa được triển khai một cách đầy đủ.
Để khắc phục những hạn chế trên, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền
mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ yêu
cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động và nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng, lợi
thế so sánh, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng vì sự phát triển
chung của đất nước và của vùng, đồng thời quán triệt các quan điểm và nghiêm
túc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết
vùng kinh tế - xã hội như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch vùng
làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát
huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền trung
ương; huy động sự tham gia và gắn kết giữa các bên tham gia liên kết vùng trên
cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, đảm bảo
tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau.
2. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất,
hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt
trong giai đoạn trước; và ưu tiên cao nhất lợi ích của quốc gia, của toàn vùng,
đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời phát huy lợi thế so sánh của từng địa
phương trong vùng.
3. Xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực
và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi
cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng, đặc biệt trong các lĩnh
vực: phát triển cơ sở hạ tầng vùng; quản lý và khai thác nguồn nước; thích ứng
có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh;
quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên;
bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế
tuần hoàn, thân thiện với môi trường; phát huy văn hóa dân tộc; phòng chống tội
phạm,...
4. Thể chế liên kết vùng cần đảm bảo sự vận hành đồng
bộ, nhất quán, hiệu quả các quy định pháp lý về liên kết vùng và kỷ luật, kỷ
cương trong việc thực hiện chính sách vùng.
5. Thể chế liên kết vùng cần được hoàn thiện theo lộ
trình, nhất quán với yêu cầu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tránh phát
sinh thủ tục và cấp trung gian.
II. MỤC TIÊU
Hoàn thiện thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021 -
2030 nhằm tăng cường vai trò điều phối liên kết vùng của chính quyền trung
ương, tạo kênh thông tin, thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng,
góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ
trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa
phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững. Đồng thời,
hoàn thiện thể chế liên kết vùng nhằm phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa
các vùng gắn với liên kết các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh
doanh; đổi mới phân cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý nhà nước
theo ngành, lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và
kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng
vùng, từng địa phương.
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ
THỂ
Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ
và giải pháp sau:
1. Nhiệm vụ chung của các bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2020 về các nhiệm
vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 về đẩy mạnh
phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 về việc
thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng
sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025; Chỉ thị số 19/CT-TTg
ngày 19 tháng 7 năm 2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền
vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Chỉ thị số 25/CT-TTg
ngày 11 tháng 10 năm 2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền
vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; và Chỉ thị số 27/CT-TTg
ngày 19 tháng 11 năm 2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền
vững vùng miền Trung, định kỳ 06 tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Rà soát các quy hoạch liên quan (trong thẩm quyền,
chức năng, nhiệm vụ của mình) để điều chỉnh hoặc phối hợp với các cơ quan liên
quan xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát
triển của vùng và Luật Quy hoạch 2017.
c) Chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về
thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường
chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất,
hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu chung
và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các vùng.
d) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới
tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng
và các hệ lụy do thiếu hợp tác đối với nền kinh tế quốc gia, vùng và địa
phương.
đ) Rà soát, kiện toàn trong hoạt động đầu tư nâng cấp,
tăng cường tiềm lực đối với các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thuộc các
bộ, ngành trung ương đóng tại các vùng kinh tế - xã hội để các cơ sở này có đủ
năng lực và điều kiện để giải quyết các vấn đề đặt ra của vùng.
e) Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành,
địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu,
các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính
sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem
xét, tháo gỡ kịp thời.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt
Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022 theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang
tính chất liên vùng; trên cơ sở đó rà soát, tổng hợp danh mục chương trình, dự
án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc
gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm
quyền. Đồng thời, hàng năm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.
c) Chủ trì, làm việc với các đối tác phát triển và các
nhà tài trợ xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn
2021 - 2025 (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi,...), trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư
các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng
phó với biến đổi khí hậu,... và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế,
chính sách vùng.
d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu
xây dựng phương án huy động nguồn lực để triển khai các dự án có quy mô vùng và
có tính chất liên kết vùng.
đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương xây dựng dự thảo Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của
Hội đồng điều phối vùng cho 05 vùng kinh tế - xã hội (gồm: vùng đồng bằng sông
Hồng; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; vùng Đông Nam Bộ; vùng Trung
du và miền núi phía Bắc; và vùng Tây Nguyên) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
quyết định trong quý II năm 2022.
e) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương nghiên cứu hình thành không gian phát triển các “cụm vùng”, “tiểu vùng”
phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội.
g) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương nghiên cứu, đề xuất phương án hoàn thiện pháp luật về phát triển vùng
trong giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo Chính phủ theo quy định.
h) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương nghiên cứu tính khả thi của việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
theo từng vùng trong giai đoạn 2026 - 2030.
i) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương nghiên cứu phương án phân vùng kinh tế - xã hội hợp lý trong giai đoạn
2021 - 2025 để tạo nền tảng lập quy hoạch vùng giai đoạn tiếp theo.
3. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có
liên quan nghiên cứu, cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn
thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng.
b) Chủ trì, nghiên cứu báo cáo Chính phủ đưa vào
Chương trình xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật
Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo cơ chế
thuận lợi cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục
tiêu chung của vùng, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án “Đổi mới cơ chế phân
cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân
sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên
quan”.
4. Bộ Giao thông vận tải:
Tập trung nguồn lực nhà nước và đẩy nhanh tiến độ
triển khai các dự án, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ
tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng như: các
công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối cảng biển và
hành lang vận tải quốc tế.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Xây dựng đề án thành lập: trung tâm vùng để cảnh
báo ô nhiễm xuyên biên giới phía Bắc; trung tâm thông tin dữ liệu về tài nguyên
và môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long và trung tâm nghiên cứu quốc tế về
rác thải nhựa biển.
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội:
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, dự
báo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; định hướng về việc làm, giáo dục
nghề nghiệp cho người lao động phù hợp từng địa phương tham gia liên kết vùng.
7. Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có
liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét thành lập Hiệp
hội doanh nghiệp của vùng đê thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong
vùng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát
triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng
của từng địa phương.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương:
a) Chủ động đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ
trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng; đồng thời kịp
thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng.
b) Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương
liên quan tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định
hướng đến năm 2050, hoàn thành trong quý IV năm 2022.
c) Chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương trong thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản để điều chỉnh các hoạt động/nhiệm
vụ liên quan tới vấn đề phát triển vùng và liên kết vùng.
d) Chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp
nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân
và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột
phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
đ) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ,
nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tham gia công tác liên quan tới phát triển vùng và
liên kết vùng.
9. Các bộ, ngành khác:
Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng
quản lý nhà nước được phân công nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng và liên kết
vùng, trong đó ưu tiên nghiên cứu rà soát và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền
sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và là đầu
mối đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ được
giao đảm bảo tiến độ và chất lượng. Kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải
pháp để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết
này. Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực
hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này của các
bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết
này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục,
đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b). Thg
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành
|