HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 55/NQ-HĐND
|
Ninh Thuận, ngày
14 tháng 12 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám
sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở xem xét báo cáo của
UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến
thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
I. Về tình
hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ,
có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch 05 năm về kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh
có những thuận lợi, khó khăn như dự báo nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn,
nhất là kinh tế thế giới phục hồi chậm, một số nền kinh tế lớn suy giảm, áp lực
lạm phát lớn, lãi suất tăng; thị trường thu hẹp, sức mua, đơn hàng giảm mạnh;
lãi suất tín dụng trong nước tuy đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh
nghiệp còn hạn chế; cơ chế, chính sách phát triển năng lượng chậm ban hành,
tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng
tâm, trọng điểm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng
lòng, trách nhiệm, nỗ lực cao của các cấp, các ngành, cùng với sự tin tưởng, đồng
tình, ủng hộ cao của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ
trợ quan trọng, hiệu quả của Trung ương, tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 chuyển
biến tích cực và tăng khá trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng
GRDP tăng 9,40%, xếp thứ 09/63 tỉnh thành cả nước và thứ 02/14 các tỉnh vùng Bắc
Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/18 chỉ
tiêu, trong đó: về kinh tế 06/09 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch1; về xã hội có 05/06 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch2; về môi trường có 03/03 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch3. Các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng
lượng, công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá; kinh tế nông nghiệp và
nông thôn duy trì ổn định, tăng trưởng khá, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
vào sản xuất tiếp tục phát huy; một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo
đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả. Công tác xúc tiến, thu
hút đầu tư được đẩy mạnh; quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi
trường được tăng cường; giá đất, điều chỉnh giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất ở
một số dự án được tập trung tháo gỡ; các dự án trọng điểm, động lực được tập
trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; cải
cách hành chính hiệu quả hơn; chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Các chính
sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các
đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Tổ chức thành công Hội
nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật
làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn
cấp và Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023. Công tác quân sự, quốc phòng được
bảo đảm, giao quân an toàn, đạt chỉ tiêu; công tác diễn tập KVPT cấp tỉnh, cấp
huyện và cấp xã năm 2023 được tổ chức an toàn, đạt kết quả tốt; tình hình an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; công tác thực hành, tiết
kiệm chống lãng phí được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề
ra.
II. Mục tiêu
và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất
với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát: Tập
trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; cơ cấu lại nền
kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu
quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện 3 đột phá: đẩy nhanh
tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng;
hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển;
khơi thông nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường
kinh doanh. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nâng
chất lượng nguồn nhân lực, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; chú
trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất,
tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên,
bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định
an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại,
hội nhập quốc tế.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu kế
hoạch năm 2024: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu
- Kinh tế: (1) Tốc
độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%; (2) GRDP bình quân đầu người đạt từ 101-102 triệu
đồng/người; (3) Cơ cấu kinh tế: Nông lâm thủy sản chiếm 25-26%; công nghiệp -
xây dựng chiếm 41-42%; dịch vụ 32-33%; (4) Thu ngân sách trên địa bàn khoảng
4.000 tỷ đồng4; (5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội
khoảng 22.900 tỷ đồng; (6) Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp
(TFP) vào GRDP 39-40%; (7) Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP 42%; (8)
Năng suất lao động khoảng 8-9%; (9) Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 12%
- Xã hội: (1) Tỷ
lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5 - 2%, riêng huyện Bác Ái giảm
ít nhất 4%; (2) Có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 03 - 04 xã đạt chuẩn nông thôn
mới nâng cao; (3) Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 64-65%; (4) Số
lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người; (5) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
67-68%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 31%; (6) Có 98,5% số xã đạt tiêu chí
quốc gia về y tế.
- Môi trường: (1)
Tỷ lệ che phủ rừng là 48,14%; (2) Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch
hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Bộ Y tế
là 100%; (3) Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước
thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ
yếu: Để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh
thống nhất 11 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp chủ yếu tại Báo cáo số
337/BC-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một
số nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Về kinh tế: Chủ động theo
dõi sát diễn biến tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành phù hợp,
kịp thời thích ứng với những biến đổi. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền
kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng
khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất,
chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và của nền kinh tế. Tập trung đẩy nhanh tiến
độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện
cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, còn
dư địa gắn phát triển các động lực tăng trưởng mới.
- Nông lâm nghiệp và thủy sản:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo
hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, liên
kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu các sản phẩm lợi thế. Nhân rộng mô hình sản
xuất có hiệu quả, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây
trồng 1.300 ha theo hướng hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước; phấn đấu diện
tích đất nông nghiệp công nghệ cao tăng thêm 200-220 ha. Giá trị sản xuất trên
diện tích đất chủ động nước đạt 148 triệu đồng/ha; tỷ lệ đất sản xuất chủ động
nước tưới đạt 62,4%. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng
an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế.
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với nhân rộng các mô hình
sinh kế bền vững; bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên rừng, biển và Khu dự trữ
sinh quyển thế giới Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận
thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; phát triển nuôi biển công
nghệ cao vùng nước sâu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nghề khai thác hải sản; khuyến
khích phát triển khai thác hải sản vùng khơi theo hướng hiện đại gắn với chống
IUU và bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển. Đẩy nhanh tiến độ và nâng
chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững, hiệu quả. Phấn đấu giá
trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4-5%/năm.
- Công nghiệp - xây dựng: Tiếp
tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, nhất là năng lượng, cảng biển, công
nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp mới.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu, các ngành sử dụng công
nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn năng lượng
tái tạo tại chỗ. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và thu hút, nâng tỷ lệ lấp đầy các
khu, cụm công nghiệp. Quan tâm hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp
gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng
17-18%/năm.
Tiếp tục triển khai hiệu quả
nghị quyết phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái
tạo của cả nước, gắn với triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy
nhanh tiến độ hòa lưới điện 120 MW dự án năng lượng chuyển tiếp 5; lựa chọn nhà đầu tư sớm khởi công dự án LNG Cà Ná và các dự án
năng lượng 6; chú trọng thu hút đầu tư dự án điện
gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, tổ hợp công nghệ xanh và hoá chất sau muối,
nhà máy sản xuất hydrogen,…
Triển khai có hiệu quả nghị quyết
về phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành thành phố
thông minh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng. Triển
khai các chương trình, đề án phát triển nhà ở, đô thị, khu dân cư, kinh tế đô
thị; đẩy nhanh tiến độ một số khu đô thị mới, khu dân cư 7; phát triển mạnh thị trường bất động sản; thực hiện tốt chính
sách nhà ở xã hội. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng 23-24% năm.
- Các ngành dịch vụ: Tiếp tục
phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng các
ngành du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử, logistics... gắn với đẩy mạnh ứng dụng
chuyển đổi số. Tận dụng các cơ chế, chính sách của Hiệp định thương mại tự do để
thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Thực hiện có hiệu
quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu
tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng nâng
chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp
dẫn, có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác để
thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ triển khai
các dự án du lịch trọng điểm, quy mô lớn, đẳng cấp cao; quan tâm đầu tư hạ tầng
du lịch. Triển khai có hiệu quả các chương trình, sự kiện năm 2024 và Đề án
phát triển kinh tế ban đêm. Phấn đấu thu hút 3,2 triệu lượt khách du lịch; giá
trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 09-10%.
- Phát triển các thành phần
kinh tế: Tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp
Nhà nước. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế tập
thể, hợp tác xã, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo... Đổi mới xúc tiến đầu tư, cải
thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu
hút đầu tư, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất
kinh doanh.
- Triển khai chính sách tiền tệ
chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tăng cường
quản lý nợ công; thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, nhất là thu từ
đất đai, bán đấu giá tài sản công, chống thất thu gắn với tạo nguồn thu mới.
Nâng hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, thực hiện tiết kiệm, chống lãng
phí; tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Nâng chất lượng hoạt động ngân hàng, hỗ trợ hiệu quả phục hồi sản xuất kinh
doanh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương.
- Triển khai hiệu quả các quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai;
nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ xác định và xây dựng giá đất. Đẩy nhanh
công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, cấp
bách, quy mô lớn... Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ
môi trường, rừng và đất rừng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó hiệu quả
với biến đổi khí hậu, phục hồi các hệ sinh thái.
- Triển khai hiệu quả Quy hoạch
tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh
quy hoạch các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục tranh thủ
hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, nhất là thực hiện tốt các cơ chế, chính sách
đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung nguồn lực
đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; ưu tiên đầu tư hạ tầng cấp
thiết, trọng điểm, cấp bách theo hướng kết nối, liên vùng và đa mục tiêu. Nâng
cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn
theo kế hoạch và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, 03 chương
trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung thu hút hiệu quả đầu
tư của các thành phần kinh tế; thu hút có chọn lọc, sử dụng hiệu quả nguồn lực
từ bên ngoài; tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cảng
hàng không Thành Sơn, các dự án Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Cảng tổng hợp
Cà Ná giai đoạn 2; các dự án công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp công nghệ
cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; dự án thủy điện tích năng, hạ tầng truyền tải
điện, khu công nghiệp8. Đẩy nhanh tiến độ, đấu thầu,
đấu giá, các khu đất, dự án thương mại, dịch vụ, nhà ở9.
b) Về xã hội
- Tiếp tục đổi mới giáo dục căn
bản, toàn diện gắn với rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học, chuẩn hóa đội ngũ
giáo viên và nâng chất lượng giáo dục các cấp học, thu hẹp khoảng cách giữa các
vùng trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư cơ sở trường lớp học; đổi mới chương trình,
sách giáo khoa và phân luồng học sinh.
Nâng chất lượng đào tạo nghề gắn
với nhu cầu của thị trường lao động; triển khai đào tạo, đào tạo lại lao động
nông thôn, hộ nghèo... nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với đầu ra giải quyết
việc làm tại chỗ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong
giáo dục. Chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút, phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm
của tỉnh.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển
giao, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng có hiệu
quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng triển khai
các giải pháp chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Triển khai các đề tài có
tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thực hiện tốt công tác bảo vệ,
chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng
nhu cầu khám và chữa bệnh. Triển khai các biện pháp phòng, chống các loại bệnh
dịch. Tiếp tục mở rộng các chương trình hợp tác, nâng cao chất lượng dịch vụ y
tế và xã hội hóa hoạt động y tế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu tỷ
lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,75% dân số; đạt tỷ lệ 31,6 giường bệnh/vạn dân;
có 10,8 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 96%%; giảm tỷ lệ suy
dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 12%.
- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy
các giá trị văn hóa, nâng chất lượng hoạt động văn học-nghệ thuật, thể dục-thể
thao, thông tin, báo chí; ưu tiên xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế
văn hóa, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông
tin, tuyên truyền và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phấn
đấu có trên 99,5% thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa; đẩy mạnh phong trào thể dục-thể
thao quần chúng. Tiếp tục nâng chất lượng hoạt động bưu chính, viễn thông, phát
thanh, truyền hình; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
- Chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp
thời các chính sách xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách người có công, trợ giúp
xã hội; nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả
chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội
vùng đồng bào dân tộc và miền núi bảo đảm mục tiêu mức sống tối thiểu tăng dần
và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Quan tâm chăm
sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tạo môi trường an toàn, lành
mạnh để phát triển trẻ em toàn diện.
c) Về quốc phòng, an ninh, trật
tự an toàn xã hội: Tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh,
biên giới quốc gia trong tình hình mới; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã
hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền vùng biển; thực hiện tốt
nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tổ chức giao quân đạt 100% chỉ tiêu;
chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Chủ động nắm chắc tình
hình, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là các dịp lễ,
tết và các sự kiện quan trọng, các địa bàn trọng điểm, các dự án kinh tế. Tăng
cường đấu tranh, chủ động phòng ngừa, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá
của các thế lực thù địch, phản động; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma
túy, tín dụng đen, tội phạm trên không gian mạng...; làm tốt công tác phòng
cháy, chữa cháy, an toàn giao thông. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chỉ
đạo xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân căn cứ
chức năng, nhiệm vụ, các quy định pháp luật và tình hình thực tiễn của địa
phương tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội
được thành lập theo quy định pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân
dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa XI Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 12 tháng 12 năm
2023./.
1 06/09 chỉ tiêu đạt
kế hoạch: (1) Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP 41,85% (KH 41%); (2)
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.710 tỷ đồng, đạt 102,3% KH (KH 22.200 tỷ
đồng), tăng 15,3% so cùng kỳ; (3) GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,7 triệu đồng
(KH 87-88 triệu đồng); (4) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt
3.658 tỷ đồng đạt 100% KH (KH 3.658 tỷ đồng) (trong đó: thu nội địa 3.608 tỷ đồng,
đạt 102,9% KH; thu xuất nhập khẩu đạt 50 tỷ đồng, đạt 33,3%KH); (5) Tỷ trọng
đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP 35,39% (KH 32- 33%); (6)
Năng suất lao động tăng 7,78% (KH 6-7%). Có 03/09 chỉ tiêu còn khó khăn,
không đạt kế hoạch: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP 9,40% (KH tăng 10-11%); (2)
Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 28,5% (KH 28-29%), công nghiệp-xây
dựng 39,8% (KH 39-40%), dịch vụ 31,7% (KH 32-33%); (3) Tỷ trọng kinh tế số
đóng góp vào GRDP 9,56% (KH 12%).
2 Có 05/06 chỉ
tiêu đạt và vượt kế hoạch: (1) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm
1,72% (KH giảm 1,5-2%); (2) Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia 63% (KH
59-60%); (3) Số lao động được đào tạo nghề đạt 10.994 người, vượt 15,7% KH (KH
9.500 người); (4) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,82% (KH đạt 65-66%), trong
đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 29,28% (KH là 29%); (5) Tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc
gia về y tế đạt 96,9% (KH 96-97%). 01/06 chỉ tiêu không đạt kế hoạch:
(1) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 68,1% (KH 70-71%) (có 32/47 xã đạt chuẩn
nông thôn mới, trong đó năm 2023 chỉ đạt 01/02 xã theo kế hoạch).
3 Có 03/03 chỉ
tiêu đạt kế hoạch: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở đô thị và nước hợp vệ
sinh ở nông thôn đạt 99,7% (KH 99,7%); tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống
xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% (KH 100%); Tỷ lệ
che phủ rừng 47,25% (KH 47,23%).
4 Trong đó thu nội
địa: 3.947 tỷ đồng; thu hải quan: 53 tỷ đồng.
5 Gồm: ĐMT
Phước Thái 2 và 3/120 MW.
6 Gồm của 6 dự án
điện gió/248 MW, 02 dự án thủy điện/27 MW (Điện gió Công Hải 1-GĐ 2/25 MW, Đầm
Nại 3/39,4 MW, Đầm Nại 4/27,6 MW, Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận/76MW, Phước
Hữu (Hà Đô)/ 50MW, Công trình phong điện Việt Nam Power số 01/30MW và 02 dự án
thủy điện: thượng sông ông 2/07MW, Phước Hòa/20MW).
7 Khu đô thị mới Đầm
Cà Ná; Khu đô thị mới bờ Sông Dinh, Mỹ Phước, Phủ Hà, Khu đô thị mới Khánh Hải,
Khu đô thị mới Khánh Hải - Khu đất sân vận động; khu đô thị mới Bắc Sông Ông,
khu K3...
8 Thủy điện tích
năng Bác Ái; hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, 110kV qua địa bàn tỉnh; hạ tầng
KCN Du Long, Phước Nam, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Phước Tiến, Phước Minh 1 và
Phước Minh 2; khởi công dự án LNG Cà Ná, KCN Cà Ná, hoàn thành Bến 1B và đưa vào
khai thác toàn bộ giai đoạn 1 Cảng tổng hợp Cà Ná; dự án Sunbay Park Hotel
& Resort, Khu du lịch Bình Tiên, Núi Chúa, Bãi Thùng, Cap Padaran Mũi Dinh,
Ninh Chữ Sailing Bay, Quốc tế 5 sao…
9 Trường Trần Hưng
Đạo, Trung tâm Văn hóa…