HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 48/NQ-HĐND
|
Bến Tre, ngày 24 tháng 8 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030 VÀ NĂM 2045
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Xét Tờ trình số 4048/TTr-UBND ngày
15 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc
ban hành Nghị quyết về Tầm nhìn phát triển tỉnh Bến
Tre đến năm 2030 và năm 2045; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh;
ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT
NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Tầm
nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045 theo Tờ trình số
4048/TTr-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với các nội
dung trọng tâm sau: Mục tiêu tầm nhìn; các mục tiêu chính; bốn trụ cột kinh tế;
định hướng phát triển, giải pháp cụ thể; các giải pháp động lực để thực hiện tầm
nhìn.
(Ban hành kèm theo Nghị quyết này các nội dung chính của Tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045)
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết, xem xét, lồng ghép các mục tiêu, định hướng và sáng
kiến vào quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và
hàng năm của tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa
X, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 24 tháng
8 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông
qua./.
|
CHỦ TỊCH
Hồ Thị Hoàng Yến
|
TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030 VÀ NĂM 2045
(Kèm
theo Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre)
1. Mục tiêu tầm
nhìn
- Đến năm 2030:
Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng ổn định theo định hướng phát triển về hướng
Đông, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và trở thành tỉnh phát triển khá của
cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đứng trong nhóm
6 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhóm 30 của cả nước.
- Đến năm 2045:
Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và
môi trường sống lý tưởng cho người dân, trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của
khu vực ĐBSCL và cả nước, với các tiêu chí: Đáng sống, có thu nhập cao, môi trường
sống xanh - sạch - đẹp, thân thiện, hiện đại.
2. Các mục tiêu
chính
- Về GRDP: Phấn
đấu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5%-9,5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt
12%-13%; giai đoạn 2031-2045 đạt khoảng 12,5%/năm.
- Về cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch theo
hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp; tập
trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, dịch vụ chất lượng cao, du lịch
kết hợp nông nghiệp công nghệ cao.
- Về GRDP bình quân đầu người: Đến
năm 2025 đạt 87 triệu đồng; năm 2030 đạt mức bình quân của cả nước; năm 2045 nằm
trong nhóm khá cả nước.
- Về lao động: Đến năm 2030, giảm tỷ
trọng lao động ngành nông nghiệp từ 49% xuống 39%, công nghiệp từ 26% lên 38%.
Đến năm 2045, ngành nông nghiệp giảm còn 29%, công nghiệp
tăng lên 46%, các ngành khác 25%.
- Về cơ sở hạ tầng: Đến năm 2025,
phấn đấu hoàn thành 11 công trình, dự án trọng điểm theo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đến năm
2030, hoàn thiện hệ thống giao thông quan trọng, nhất là tuyến đường ven biển,
cảng biển, hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, hệ thống cấp điện, nước và xử
lý nước, xử lý rác thải. Đến năm 2045, hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối
trong tỉnh và khu vực; hệ thống đê, thủy lợi đồng bộ, khép kín, đảm bảo cung cấp
nước ngọt và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh
hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số để đến năm 2025 kinh tế số chiếm 10% GRDP và
năm 2030 chiếm 30% GRDP.
- Về đô thị hóa: Đến năm 2030, tỷ lệ
đô thị hóa đạt 45%, hệ thống đô thị của tỉnh gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Bến
Tre), 03 đô thị loại III (các thị trấn mở rộng: Bình Đại, Mỏ Cày, thị xã Ba
Tri), 02 đô thị loại IV (các thị trấn mở rộng: Thạnh Phú, Chợ Lách), hình thành
các khu đô thị ven biển thuộc các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Đến năm
2045, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%, hệ thống đô thị của tỉnh gồm: 01 đô thị loại
I (Thành phố Bến Tre), 03 đô thị loại II (các thị trấn mở rộng: Ba Tri, Bình Đại,
Mỏ Cày), 02 đô thị loại III (các thị trấn mở rộng: Thạnh Phú, Chợ Lách), 03 đô
thị loại IV (các thị trấn mở rộng: Châu Thành, Giồng Trôm, Phước Mỹ Trung huyện
Mỏ Cày Bắc).
3. Bốn trụ cột
kinh tế
Các mục tiêu và định hướng của tầm
nhìn được triển khai thực hiện đồng bộ trên 04 (bốn)
trụ cột chủ yếu sau: i) Tăng giá trị và tiếp cận thị
trường trong nông nghiệp; ii) Phát triển công nghiệp chế
biến, năng lượng sạch; iii) Phát
triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; iv) Nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo môi trường xanh bền vững.
4. Định hướng
phát triển, giải pháp cụ thể
a) Tăng giá trị và tiếp cận thị
trường trong nông nghiệp
- Định hướng phát triển:
Ngành nông nghiệp tiếp tục là nền tảng cho phát triển
kinh tế - xã hội theo định hướng:
+ Hình thành vùng sản xuất nông
nghiệp tập trung năng suất cao gắn với phát triển các hợp tác xã quản lý chất
lượng sản phẩm nông nghiệp.
+ Phát triển mạnh các sản phẩm đã
có thương hiệu: Chỉ dẫn địa lý,
nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm OCOP; phát triển các sản phẩm
trái cây, cây giống, hoa kiểng và thủy
sản chất lượng cao, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.
- Các giải pháp cụ thể:
+ Tăng diện tích sản xuất các sản phẩm
nông nghiệp chủ lực để xây dựng chuỗi giá trị. Lựa chọn vùng sản xuất để phát
triển các mặt hàng nông sản phù hợp điều kiện sẵn có. Ban hành các chính sách
phát triển vùng sản xuất hiệu quả.
+ Thành lập Trung tâm cây giống hoa
kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia; khuyến khích và hướng dẫn nông dân thay đổi
giống cây trồng, quy trình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác,
hợp tác xã đi đầu trong liên kết phát triển chuỗi giá trị và áp dụng nông nghiệp
thông minh (nâng cao năng lực quản lý, huy động nguồn vốn, sản xuất tập trung, ứng
dụng khoa học công nghệ...).
+ Xây dựng thương hiệu uy tín, chất
lượng; thành lập Trung tâm Thương hiệu Bến Tre để quản lý, phát triển thương hiệu
và các chỉ dẫn địa lý; xây dựng bộ tiêu chí nhận diện và phát triển thương hiệu
để tổ chức quảng bá, thâm nhập các thị trường xuất khẩu; phát triển thị trường
mục tiêu.
b) Phát triển công nghiệp chế biến
- Định hướng phát triển: Ngành công nghiệp chế biến sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong
phát triển kinh tế của tỉnh theo định hướng:
+ Khai thác hiệu quả lợi thế vùng
nguyên liệu nông sản, thủy hải sản dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến tập
trung.
+ Xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị từ
cây/con giống, thức ăn, phân bón đến sản xuất chế biến và tiếp cận thị trường nội
địa và quốc tế “tại chỗ”.
+ Phát triển ngành nghề mới như: Sản
xuất thiết bị y tế tiêu hao, dược phẩm.
+ Đào tạo và thu hút cán bộ khoa học
kỹ thuật có trình độ cao, ưu tiên lĩnh vực năng lượng, công nghệ số, sinh học,
chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
- Các giải pháp cụ thể:
+ Phát triển mạnh chuỗi giá trị chế
biến sản phẩm thịt heo, bò, tôm; đầu tư cụm công nghiệp chế biến nông, thủy sản
tập trung, công nghệ hiện đại tại các huyện có điều kiện vùng nguyên liệu.
+ Phát triển nghiên cứu, sản xuất dược
phẩm, thiết bị, vật tư y tế tiêu hao, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trên cơ sở
nghiên cứu xây dựng Trung tâm nghiên cứu các loại bệnh nhiệt đới để trở thành
trung tâm nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm phục vụ y tế.
c) Phát triển du lịch
- Định hướng phát triển: Tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trở thành ngành kinh
tế mũi nhọn trong tương lai như: Nét sinh thái độc đáo, giàu văn hóa lịch sử,
lòng yêu nước, truyền thống Đồng Khởi, khát vọng vươn lên, có nền nông nghiệp đặc
trưng vùng ĐBSCL phù hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Tiềm năng phát
triển các loại hình du lịch thân thiện với thiên nhiên, văn hóa lịch sử, tâm
linh, đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế; phát triển dịch vụ du lịch,
cơ sở lưu trú đa dạng.
- Các giải pháp cụ thể:
+ Phát triển các cụm du lịch sinh
thái, du lịch trải nghiệm cùng với phát triển các khu lưu trú gần gũi với thiên
nhiên để du khách có trải nghiệm.
+ Phát triển cụm du lịch giải trí nghỉ
dưỡng ngắn ngày ven biển; phát triển các tuyến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch
MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo,
triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng).
+ Tập trung triển
khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, Đề án Làng Văn hóa Du
lịch Chợ Lách, Đề án Làng Dừa huyện Mỏ Cày Nam.
+ Triển khai các chiến dịch quảng bá
du lịch Bến Tre nhắm tới các đối tượng du lịch, khách hàng khác nhau; thành lập
website VisitBT; xây dựng các công trình kiến trúc đặc thù, tạo điểm nhấn thu
hút giới truyền thông, du khách.
+ Thành lập các trung tâm thông tin
du lịch tại thành phố Bến Tre và một số huyện có du lịch phát triển mạnh; nâng
cao chất lượng phục vụ và đầu tư các phương tiện công cộng dành riêng cho du
khách.
+ Xây dựng khung tiêu chuẩn toàn diện
và chương trình quản lý chất lượng du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và
uy tín cho ngành dịch vụ Bến Tre.
d) Nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến
tạo môi trường xanh bền vững
- Định hướng phát triển: Hướng tới xã hội văn minh, giàu có và bền vững trên cơ sở các tiêu chí:
Bến Tre có môi trường đáng sống hàng đầu khu vực miền Nam với không khí trong
lành, có các khu vực nhà cao cấp thân thiện môi trường, khu cảnh quan xanh - sạch
- đẹp; có các đô thị thông minh, văn minh, an toàn; phát triển mạnh năng lượng
sạch, nhất là điện gió.
- Các giải pháp cụ thể:
+ Xây dựng khu dân cư cao cấp để thu
hút người Việt Nam và nước ngoài đến sinh sống phù hợp cho từng nhóm khách
hàng.
+ Xây dựng thành phố Bến Tre thông
minh; số hóa cơ sở dữ liệu thông tin chính quyền; nâng cao nhận thức của người
dân về kỹ thuật số; ưu tiên chuyển đổi số đối với một số ngành quan trọng; ứng
dụng công nghệ thông minh phục vụ người dân và dự báo, quản lý trên một số lĩnh
vực: nguồn nước, thời tiết, không khí, giao thông...
+ Khai thác tối đa lợi thế thiên
nhiên về nắng, gió để phát triển năng lượng tái tạo; đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa
vào vận hành các nhà máy điện gió theo quy hoạch. Đầu tư và thu hút đầu tư các
nhà máy phân loại, xử lý chất thải, rác thải trong dân cư; kiểm soát chặt chẽ
các nguồn thải từ sản xuất, ô nhiễm tiếng ồn.
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm
sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
5. Các giải
pháp động lực để thực hiện tầm nhìn
a) Về quy hoạch không gian: Cấu
trúc không gian Bến Tre phát triển dựa trên các trục giao thông chính:
+ Theo hướng Đông - Tây: Gồm 03 tuyến Quốc lộ chạy dọc theo 3 cù
lao, tuyến Quốc lộ 57 trục giao thông lõi của Cù lao Minh, Quốc lộ 57B trục
giao thông lõi của Cù lao An Hóa và Quốc lộ 57C trục giao thông lõi của Cù lao
Bảo.
+ Theo hướng Bắc - Nam: Gồm tuyến Quốc lộ 60, tuyến đường ven biển
và dự kiến sau năm 2030 sẽ hình thành tuyến cao tốc nối liền thành phố Hồ Chí
Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng sẽ
đẩy mạnh phát triển kinh tế và đô thị của tỉnh.
b) Về sử dụng đất: Khu vực phía
Đông đường ven biển sẽ là vùng phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng
gió, nuôi tôm và bảo tồn rừng ngập mặn. Khu vực phía Tây tuyến đường ven biển ở
Bình Đại và Ba Tri sẽ được đầu tư các công trình ngăn mặn để phát triển đô thị,
kinh tế biển và ổn định sản xuất nông nghiệp. Khu vực Bình Đại và Thạnh Phú là
vùng sản xuất linh hoạt để thích ứng với các nguồn nước khác nhau.
Tập trung phát triển kinh tế tuần
hoàn nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất,
nước, năng lượng tái tạo. Giảm diện
tích đất nông nghiệp để chuyển sang kinh tế phi nông nghiệp, hình thành các cụm
du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng ở các huyện.
Giai đoạn 2021-2025 phát triển đô
thị ở huyện Châu Thành dọc theo tuyến đường vào cầu Rạch Miễu 2; các khu đô thị
công nghiệp dịch vụ/đô thị biển mới phát triển dọc theo tuyến sông và tuyến đường
ven biển. Hình thành các khu đô thị chức năng: Thạnh Phú (trung tâm năng lượng
sạch), Bình Đại (trung tâm chế biến nông, thủy sản), Chợ Lách (trung tâm cây giống,
hoa kiểng).
c) Về phát triển kết cấu hạ tầng
- Hệ thống giao thông: Hai trục động lực giao thông Bắc - Nam của Bến Tre là Quốc lộ 60 nối
cầu Rạch Miễu 2 đi xuống phía Nam và tuyến đường ven biển, tạo hành lang giao
thông tốc độ cao qua tỉnh và rút ngắn thời gian đi thành phố Hồ Chí Minh. Các
trục giao thông Đông - Tây để phát triển Bến Tre về hướng Đông. Phát triển hệ
thống giao thông thủy, bến tàu, cảng sông, cảng biển (bến cảng nước sâu) để
khai thác tiềm năng vận chuyển hàng hóa và phát triển logistics. Đồng thời,
phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng đường bộ và đường thủy.
- Hệ thống cấp điện: Phát triển đường dây 220kV dọc Quốc lộ 60 và trung tâm năng lượng sạch
tại các khu vực ven biển, xây dựng hệ thống trạm truyền tải, mạng lưới đường
dây 110kV để đấu nối các dự án điện gió, LNG. Đầu tư trạm, đường dây 500kV,
220kV mới (khi các dự án điện gió, LNG hoàn thành và hình thành khu kinh tế ven
biển) để phục vụ nhu cầu phát triển các huyện ven biển.
- Hệ thống xử lý rác và nước thải: Đầu tư mạng lưới xử lý chất thải rắn với công nghệ hiện đại; mạng
lưới xử lý nước thải được bố trí gần hạ lưu các sông và gần các khu dân cư tập
trung để xử lý nước trước khi thải ra môi trường.
d) Về công nghệ số
Triển khai thực hiện các chương
trình phát triển kỹ thuật số: Phổ cập cho người dân về sử dụng công nghệ thông
tin để nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng, nhất là dịch vụ công trực tuyến;
thành lập các trung tâm kết nối Internet đảm bảo khả năng phủ sóng, tạo điều kiện
cho người dân kết nối, sử dụng dễ dàng các dịch vụ công và tiện ích liên quan đến đời sống dân cư. Khuyến khích các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng phổ biến
công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động.
đ) Về phát triển nguồn nhân lực
- Ban hành các chính sách thu hút nguồn
nhân lực trong và ngoài tỉnh để bổ sung số lượng còn thiếu hụt; tận dụng trình
độ chuyên môn thu hút từ bên ngoài để nâng cao trình độ và tay nghề cho lao động
trong tỉnh.
- Mở rộng quy mô các chương trình
đào tạo hiện có để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhân lực cho phát triển
kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các chương trình
đào tạo mới, để đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành nghề
mới.
- Tập trung triển
khai Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Bến Tre giai
đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trở thành cơ sở đào tạo nghề đa cấp, đa ngành, có uy tín ở khu vực đồng
bằng sông Cửu Long.
e) Về phát huy bản sắc cộng đồng:
Tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cá
nhân đối với cộng đồng; niềm tự hào của người dân về di sản truyền thống văn
hóa con người Bến Tre, tình yêu quê hương Đồng Khởi và khát vọng vươn lên; giữ
gìn nét đẹp truyền thống văn hóa nông thôn; khai thác tốt các thiết chế văn hóa
cơ sở.
g) Về sáng tạo và khởi nghiệp:
Phát triển chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có tính ứng dụng cao;
tăng cường liên kết/kết nối để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ,
phát triển thị trường cho cộng đồng khởi nghiệp và phát triển mạnh hệ sinh thái
khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.
h) Về chính sách hỗ trợ: Tập trung
xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn của địa
phương và quy định pháp luật. Các chính sách hỗ trợ như: Nghiên cứu thổ nhưỡng
và các điều kiện tự nhiên; quản lý và bảo vệ thương hiệu; chuỗi giá trị sản xuất
tôm; khuyến khích tạo quỹ đất cộng đồng và chia sẻ lợi nhuận; đầu tư và khai
thác Quỹ phát triển đất; thay đổi tập tục địa táng, khuyến khích hỏa táng; sáp
nhập và cắt giảm số đầu mối cung cấp nước máy; chính sách thu hút đầu tư du lịch;
hỗ trợ hợp tác, liên kết phát triển du lịch.
i) Về biến đổi khí hậu: Tập trung
xây dựng bản đồ xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng để ứng phó với biến đổi
khí hậu. Đảm bảo nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt bằng nhiều giải pháp. Tích
cực phối hợp với các tỉnh ĐBSCL trong thực hiện quản lư lưu vực sông Mê Kông.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt và thích ứng với biến đổi
khí hậu.
k) Về quốc phòng an ninh và đối ngoại:
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng môi trường xã hội ổn
định, an toàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy liên kết tiểu
vùng duyên hải phía Đông, liên kết vùng ĐBSCL và hợp tác
phát triển với các tỉnh, thành phố; nâng
cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế, chủ động khai thác tối đa các cơ hội trong quá
trình hội nhập để tìm kiếm cơ hội mới cho phát triển tỉnh
nhà./.