HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/2000/NQ-HĐND
|
Bến Tre, ngày 31 tháng 07 năm 2000
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT
SỐ BIỆN PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG 6
THÁNG CUỐI NĂM 2000 VÀ CÁC ĐỀ ÁN CHUYÊN NGÀNH.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
- Căn cứ vào Điều 120 của Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 18 tháng 4 năm 1992;
- Căn cứ vào Điều 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ vào Nghị quyết số 09/ND-HĐND ngày
21/02/2000 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI “về nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội năm 2000”; Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 05/6/1999 “về định hướng phát
triển kinh tế - xã hội 3 huyện vùng ven biển tỉnh Bến Tre 1996-2000-2010” và
Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 25/10/1997 “về các đề án của UBND tỉnh trình tại
kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa V”;
- Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh,
báo cáo của các ngành chức năng, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh, thuyết trình của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo của Ủy ban
nhân dân tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, an
ninh quốc phòng trong 6 tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu để thực hiện
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong 6 tháng cuối
năm 2000 cũng như những kết quả thực hiện một số đề án được Hội đồng nhân dân
tỉnh khóa V thông qua. Song, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau
đây:
I- Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6
tháng đầu năm 2000 có nhiều mặt chuyển lên, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật
nuôi tăng so với cùng kỳ năm 1999, nhiều mặt hàng chế biến của tỉnh như dừa,
thủy sản xuất khẩu tăng khá, các hoạt động văn hóa, xã hội có bước phát triển,
đời sống của đại bộ phận dân cư tiếp tục được cải thiện, an ninh quốc phòng
được giữ vững và ổn định. Tuy vậy, cũng có một số mặt hạn chế và khó khăn như:
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, phát triển
ngành, nghề, giải quyết lao động còn nhiều khó khăn và bất cập. Việc quản lý
đất đai và lao động trên nhiều địa bàn chưa tốt.
- Việc thực hiện vốn xây dựng cơ bản còn thấp.
- Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu có một số mặt
chuyển biến chậm, hạn chế tác dụng hỗ trợ cho sản xuất cũng như lưu thông hàng
hóa.
- Vấn đề vệ sinh môi trường, nước ngọt, nước sạch
phục vụ cho đời sống nhân dân giải quyết chưa tốt.
- Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống
các loại tội phạm đạt hiệu quả thấp.
- Kỷ cương pháp luật chưa nghiêm, việc thi hành án,
giải quyết đơn thư khiếu kiện của công dân, tranh chấp trong nông dân, giữ gìn
trật tự nông thôn chưa tốt.
II- Việc điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh để thực
hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong 6 tháng cuối năm
cần có sự nỗ lực lớn hơn, trong đó cần tập trung một số vấn đề sau:
- Tiếp tục tìm giải pháp tích cực thúc đẩy phát
triển sản xuất với tốc độ cao hơn, chú trọng việc hướng dẫn người dân trong
việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất thích hợp từng vùng, có biện pháp tháo gỡ khó
khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt cần có
kế hoạch phòng chống bão lũ cuối năm.
- Cần có giải pháp lập lại trật tự trong quản lý,
trước hết là quản lý đất đai, lao động. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho nhân dân và phải hoàn thành công tác này trong năm 2000
theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
- Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản và tích cực
thực hiện các công trình đầu tư đã được điều chỉnh. Thực hiện và phối hợp thực
hiện các chương trình quốc gia và các công trình đầu tư của TW ở tỉnh nhà.
- Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hỗ
trợ, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cần chú
trọng phát triển công nghệ sau thu hoạch và chế biến trái cây, nhằm làm tăng
giá trị nông sản hàng hóa vừa góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tích
cực chuẩn bị và xây dựng nhiều dự án đầu tư cho năm 2001 và những năm sau.
- Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế
phát triển nhất là kinh tế hợp tác. Nghiên cứu mô hình hợp tác quản lý điện ở
nông thôn đảm bảo hiệu quả và khắc phục tình trạng tiêu cực trong quản lý điện
nông thôn.
- Tăng cường đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội
gắn giải quyết lao động, việc làm và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng mối
quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ
sở, xây dựng quy ước nông thôn, củng cố chất lượng tổ nhân dân tự quản.
- Tăng cường giữ gìn an trật tự nông thôn. Có những
biện pháp tích cực để xử lý những tồn đọng trong thi hành án, trong việc thực
hiện quyết định của cấp trên và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
- Trong quá trình điều hành, Ủy ban nhân dân tỉnh
cần tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm và thúc đẩy các ngành, các cấp thực
hiện các đề án theo nhiệm vụ được phân công.
- Tiến hành tổng kết việc thực hiện kế hoạch Nhà
nước năm 1996-2000 và các đề án, chương trình của HĐND tỉnh kết thúc thời gian
thực hiện trong năm 2000, chuẩn bị tốt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an
ninh quốc phòng năm 2001, kế hoạch Nhà nước 2001-2005.
III- Việc sơ kết thực hiện các Đề án: Bảo vệ môi
trường giai đoạn 1998-2000-2010; Đề án quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Bến
Tre giai đoạn 1996-2000-2010; Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch -
dịch vụ tỉnh Bến Tre giai đoạn 1996-2000-2010; Đề án định hướng phát triển kinh
tế - xã hội 3 huyện vùng ven biển tỉnh Bến Tre giai đoạn 1995-2000-2010. Hội
đồng nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1- Việc thực hiện từng đề án nêu trên đều đạt được
những thành quả nhất định, góp phần tích cực vào những thành quả chung của tỉnh
nhà trong mấy năm qua, giúp cho sự điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh sâu hơn
trên những lĩnh vực và địa bàn đã có đề án. Tuy vậy, báo cáo sơ kết còn dàn
trải, chưa làm nổi bật những vấn đề chủ yếu. Nhiều mục tiêu cụ thể trong các đề
án kết quả thực hiện còn thấp nhưng trong báo cáo chưa phân tích sâu và rõ
những nguyên nhân tồn tại cũng như trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất
là việc chỉ đạo điều hành thực hiện đề án chậm, thiếu tập trung, thiếu đồng bộ
và chủ động. Do vậy cần bổ sung những vấn đề này vào báo cáo.
2- Về việc tiếp tục thực hiện các đề án, Hội đồng
nhân dân tỉnh lưu ý mấy vấn đề sau:
- Ủy ban nhân dân tỉnh cần nắm bắt thời cơ thuận
lợi và đồng thời thấy rõ những khó khăn trong quá trình nước ta hội nhập với
khu vực và quốc tế, cũng như những điều kiện cụ thể ở tỉnh nhà để xác định rõ
hơn các mục tiêu cho giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010 và nhiệm vụ từng năm, cần
điều chỉnh lại một số mục tiêu để đảm bảo tính khả thi, nhưng thể hiện tinh
thần tiến công, vượt khó và kiên trì khai thác nội lực, động viên sức mạnh nhân
dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
- Bổ sung thêm các giải pháp thực hiện nhất là về
vốn đầu tư, về các chính sách đòn bẩy, về tổ chức bộ máy. Đặc biệt là phải xác
định và giao rõ trách nhiệm của từng ngành chức năng và của từng cấp trong việc
tham mưu và làm nòng cốt thực hiện đề án. Trong đó cần xác định rõ vai trò và
trách nhiệm của Sở Thương mại – Du lịch trong việc thực hiện đề án phát triển
thương mại và phát triển du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh cần định kỳ kiểm tra kết
quả thực hiện và kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo các ngành có liên quan nhằm
thúc đẩy việc thực hiện các đề án đạt hiệu quả cao hơn.
IV- Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân
tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai trong các ngành, các cấp thực hiện
thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội
đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ giúp Hội đồng
nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa
VI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 7 năm 2000./.
|
TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Trần Văn Truyền
|