Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 121/NQ-CP 2022 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8

Số hiệu: 121/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phạm Minh Chính
Ngày ban hành: 11/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Rà soát bỏ quy định xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện TTHC

Ngày 11/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 121/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022.

Theo đó, để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh:

- Rà soát, điều chỉnh ngay bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân;

- Bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu;

Thời gian hoàn thành trong tháng 10 năm 2022.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan: Y tế, Tư pháp, LĐ - TB&XH, BHXH, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an tích hợp, kết nối các phần mềm nghiệp vụ với phần mềm dịch vụ công liên thông phục vụ triển khai thí điểm;

Hoàn thành trước ngày 15/9/2022.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 121/NQ-CP ngày 11/9/2022.

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2022

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, tổ chức vào ngày 06 tháng 9 năm 2022,

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 8, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở U-crai-na, áp lực lạm phát cao, xu hướng tăng lãi suất và thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến cực đoan hơn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Công tác điều hành giá được chú trọng, giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 08 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 - 2021. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý; kiểm soát tốt nợ công. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 85% dự toán năm, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 497,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Nông nghiệp phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 50,2%, tính chung 8 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Trong 8 tháng có gần 150 nghìn doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, tăng 31,1% so với cùng kỳ, gấp 1,43 lần doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục khởi sắc; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam: Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,5%, lạm phát khoảng 4% trong năm 2022; Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên 7%; Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”. Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới từ thứ 14 (tháng 5 năm 2022).

Công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm; cả nước tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thiết thực kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tích cực chuẩn bị khai giảng năm học mới 2022 - 2023. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2022, 55 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia... Công tác thông tin, truyền thông được chú trọng, đã kiểm soát, ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, chống phá Đảng, Nhà nước... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương vừa làm tốt các nhiệm vụ thường xuyên, vừa xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài; đã hoàn thành 19/60 nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022, còn 41/60 nhiệm vụ đang được tiếp tục thực hiện (trong đó có 08 nhiệm vụ quá hạn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn những khó khăn, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát còn cao, tiềm ẩn rủi ro ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng. Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở nhiều địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra; còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông, cháy nổ trên một số địa bàn còn phức tạp.

Thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu. Ở trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng có khả năng khó khăn hơn vào cuối năm 2022 và năm 2023; áp lực lạm phát còn cao; dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm điều hành “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không” đã được Chính phủ thống nhất tại Phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2022; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022; trong đó, tập trung vào những nội dung sau:

1. Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2022, nhất là đẩy mạnh tiêm vắc xin. Khẩn trương khắc phục có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh.

Giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời khắc phục các tồn tại, vướng mắc, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

b) Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp.

c) Chủ động rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách sớm đưa Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tiễn, phát huy hiệu quả.

d) Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, trong nước, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để phân tích, dự báo, kịp thời có giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh. Các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường, bình ổn giá cả.

đ) Các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý trong tháng 9 năm 2022. Giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 để ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

e) Các bộ, cơ quan được phân công chủ trì chuẩn bị kỹ, sớm hoàn thiện để khẩn trương trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4 các báo cáo, tài liệu theo quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

g) Các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030; tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình triển khai công tác quy hoạch và kết quả thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất phương án xử lý vướng mắc trong việc điều chỉnh Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) và các dự án tương tự, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15 tháng 9 năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 244/TB-VPCP ngày 11 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền các đề án về Ngân hàng Phát triển Việt Nam, về đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, bảo đảm tiến độ, chất lượng; trình Chính phủ Nghị định về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khẩn trương triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.

Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo theo dõi, xử lý các chính sách tiền tệ, tài khóa khoa học, hợp lý, hiệu quả và sát tình hình thực tế.

5. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương:

a) Có giải pháp phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của các thương vụ, đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để ngăn chặn gian lận thương mại, tránh việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván ép gỗ cứng từ Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chính phủ để xem xét, ban hành trong tháng 9 năm 2022.

7. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chính phủ trước ngày 20 tháng 9 năm 2022.

8. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông để thúc đẩy tiến độ, bảo đảm các mục tiêu đề ra.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Hoàn thiện dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội quyết định, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch, Chương trình công tác của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

b) Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp và đắp nền đường) tại các địa phương, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp phép, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản.

10. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về tổ chức người đại diện lao động và thương lượng tập thể, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền; trên cơ sở đó, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm 2022.

11. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch nội địa; khẩn trương làm việc với các bộ liên quan để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và lưu trú dài hơn.

12. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội, trình cấp có thẩm quyền trong tháng 12 năm 2022.

13. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến và triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, không để “dịch chồng dịch”. Quyết liệt đôn đốc công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan đề xuất phương án thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.

c) Chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện điểm 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022).

14. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đôn đốc, kiểm tra các địa phương về công tác chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 đạt kết quả cao nhất; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về lộ trình học phí, đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở và mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học để học sinh mượn dùng.

15. Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan, hoàn thành trong tháng 9 năm 2022.

16. Bộ Tư pháp trên cơ sở rà soát, đề xuất của Bộ Công an và các bộ, cơ quan, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 theo quy định của Luật Cư trú.

17. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2010 - 2020 và thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết luận thanh tra được giao trong tháng 9 năm 2022.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.

18. Ủy ban Dân tộc quyết định theo thẩm quyền và tổ chức lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số lần thứ hai, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Kiên trì thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.

19. Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân duy trì nghiêm sẵn sàng chiến đấu; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường tuần tra, kiên quyết xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam, bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế của ta trên biển; tuyên truyền vận động ngư dân ta không vi phạm vùng biển nước ngoài; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống đánh bắt trái phép, không khai báo, không báo cáo.

20. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước; tập trung trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao...; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; triển khai đồng bộ, toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là tại các địa bàn, khu vực trọng điểm.

21. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tháng 9 năm 2022; tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, trong đó có chương trình hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao.

22. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, truyền thông các chỉ đạo, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan, địa phương về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện chương trình phục hồi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Tăng cường đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, suy diễn của các thế lực thù địch.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chỉ thị về đẩy mạnh quản trị số và cơ sở dữ liệu quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 30 tháng 9 năm 2022. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ hội nghị truyền thông chính sách.

23. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện ngay phương án xử lý 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Khẩn trương chỉ đạo phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền trong tháng 9 năm 2022 để xem xét, phê duyệt Đề án (Phương án) cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

II. Về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình)

Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 6199/BC-BKHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến ngày 02 tháng 9 năm 2022, đã giải ngân đạt trên 55,5 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ đồng các chính sách của Chương trình; đã hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 2 văn bản cụ thể hóa chính sách chưa được ban hành; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình còn chậm; việc thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay còn gặp nhiều khó khăn... Để kịp thời khắc phục các vướng mắc, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình; Chính phủ yêu cầu:

1. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chịu trách nhiệm tổ chức họp Ban Chỉ đạo, tập trung, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm đạt các mục tiêu của Chương trình đã đề ra.

2. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình, trong đó rà soát các phương án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bảo đảm khả thi, tối ưu lợi ích của Việt Nam; có giải pháp phù hợp để đáp ứng kịp thời nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện các chính sách của Chương trình.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các tổ chức tín dụng; trên cơ sở đó, khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao danh mục và mức vốn cho các dự án thuộc Chương trình theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện theo quy định; đồng thời xem xét, áp dụng các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.

5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát và tiếp tục đề xuất phương án phân bổ số vốn còn lại thuộc lĩnh vực y tế của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

III. Về tình hình đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2022 và kết quả kiểm tra của 06 Tổ công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 6200/BC-BKHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến hết tháng 8, đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đạt 93,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tuy nhiên, kết quả giải ngân đạt 39,15% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%), trong đó, 42/51 cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó nghiêm khắc phê bình 12 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch; yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định, đồng thời khẩn trương có giải pháp khắc phục. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách cụ thể các bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.

Trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay để triển khai thực hiện.

Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng tiếp tục tổ chức họp, tập trung triển khai các hoạt động đôn đốc, kiểm tra để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương.

IV. Về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia

Chính phủ cơ bản thống nhất Báo cáo số 6090/BC-BKHĐT ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết liệt đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm tiến độ triển khai, giải ngân vốn thực hiện các chương trình đã được giao trong năm 2022; đồng thời, ưu tiên phân bổ vốn kế hoạch năm 2023 cho những cơ quan, đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022 đạt trên 30%. Trong đó:

1. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tổ chức họp, làm việc và tiếp tục triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, dự án thuộc 3 Chương trình.

2. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thành trước 15 tháng 9 năm 2022.

3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các địa phương sau thời điểm ngày 15 tháng 9 năm 2022 chưa hoàn thành phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình, đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển vốn cho các địa phương đã hoàn thành các thủ tục giao vốn, phê duyệt dự án, dự toán chi tiết và có khả năng giải ngân vốn ngay trong năm 2022.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ chủ Chương trình mục tiêu quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

6. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội rà soát nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương xác nhận, tổng hợp, phê duyệt danh sách đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền, bảo đảm đầy đủ cơ sở và tạo thuận lợi để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay theo quy định.

V. Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định; trong đó, bổ sung nội dung báo cáo về số lượng dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 14021/TB-TTKQH ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tổng Thư ký Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất số liệu trong các báo cáo liên quan.

VI. Về Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến; trên cơ sở đó, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất số liệu trong các báo cáo liên quan.

VII. Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia giai đoạn 2023 - 2025

Bộ Tài chính chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thống nhất số liệu trong các Báo cáo liên quan.

VIII. Về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 6234/TTr-BKHĐT ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp; khẩn trương hoàn thiện Báo cáo, hồ sơ liên quan để báo cáo Bộ Chính trị theo quy định, bảo đảm đúng tiến độ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để tổ chức phiên họp thẩm định theo quy định, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

IX. Về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của Đề án 06, Luật Cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật Cư trú, gửi kết quả cho Bộ Công an trước ngày 20 tháng 9 năm 2022.

Trên cơ sở kết quả rà soát của các bộ, ngành, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp thống nhất lộ trình, giải pháp sửa đổi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 9 năm 2022. Trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi văn bản theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2023; hoàn thành trong tháng 12 năm 2022.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân; bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10 năm 2022.

3. Các Bộ, cơ quan: Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ khẩn trương phối hợp với Bộ Công an tích hợp, kết nối các phần mềm nghiệp vụ với phần mềm dịch vụ công liên thông phục vụ triển khai thí điểm; hoàn thành trước ngày 15 tháng 9 năm 2022.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị về thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo,
TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: Văn thư, TH (3b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 121/NQ-CP ngày 11/09/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.392

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.29.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!