ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 65/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 24 tháng 7 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 50-KH/TU NGÀY 06/6/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 16/01/2017 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN
DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Thực hiện Kế hoạch số 50-KH/TU ngày
06/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày
16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục
tiêu
Đến năm 2020: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật
phục vụ du lịch cơ bản hoàn chỉnh, tích cực triển khai các dự án lớn về hạ tầng
du lịch, tạo động lực cho nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đón khoảng
1,7 triệu lượt khách, trong đó có 50 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.600 tỷ đồng; tạo việc
làm trên 26.000 lao động trong lĩnh vực du lịch; có 5.800 buồng khách sạn.
Đến năm 2030: Du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện
hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; phát triển sản phẩm du lịch có chất
lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh cao. Đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong
đó có 110 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt
khoảng 7.200 tỷ đồng; tạo việc làm 53.000 lao động trong lĩnh vực du lịch; có
11.700 buồng khách sạn.
2. Yêu cầu
Đề ra các nhiệm
vụ mang tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, sát hợp với tình hình thực tế của
tỉnh; các cấp, các ngành quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số
08-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng bộ triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết
số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 và Kế hoạch số 50-KH/TU
ngày 06/6/2017 của Tỉnh ủy.
Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn
và phát huy các di sản văn hóa của tỉnh; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải
quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc
phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM
1. Quy hoạch, thu
hút đầu tư phát triển du lịch
Đến năm 2020: Tập
trung rà soát điều chỉnh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tổng thể phát
triển Khu du lịch quốc gia Năm Căn; quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch
Khai long; Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ;
Điểm du lịch, di tích Hòn Đá Bạc; Điểm
du lịch di tích Bác Ba Phi; Điểm du lịch sinh thái Sông Trẹm;
các điểm dừng chân phục vụ du lịch (khu vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm,
khu mua sắm tham quan,...); Quy hoạch chi tiết xây dựng Điểm
du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, Du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai (điều chỉnh).
Giai đoạn 2020 - 2030: Tập trung đầu
tư và kêu gọi đầu tư các dự án thành phần khu du lịch Quốc gia Năm Căn; Điểm du
lịch Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc U Minh Hạ, điểm du lịch sinh
thái Đầm Thị Tường; Điểm du lịch di tích Bác Ba Phi; Cụm đảo Hòn Khoai...; đầu
tư xây dựng và mở rộng các điểm du lịch văn hóa, lịch sử tại các khu di tích.
2. Đầu tư cơ sở hạ
tầng du lịch
Tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về
môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội. Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để
khuyến khích đầu tư hoàn thiện một số dự án tại Khu du lịch Mũi Cà Mau; phân
khu du lịch Khai Long; Điểm du lịch sinh thái Sông Trẹm,...
Mở rộng và nâng cấp hệ thống giao
thông đồng bộ đến các khu, điểm du lịch trọng điểm. Hoàn thành điểm đón, trả
khách du lịch, bến thuyền du lịch, các tuyến du lịch đường sông.
Xây dựng hệ thống thông tin du lịch,
website có khả năng tương tác, ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội,... phục vụ
nhu cầu tra cứu thông tin du lịch Cà Mau của du khách.
Khuyến khích việc đầu tư xây dựng các
trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí,... tại thành phố Cà
Mau và trung tâm các huyện.
3. Phát triển
khu, điểm, tuyến du lịch
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý
nhà nước qua việc thực hiện tốt Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn
tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND tỉnh Cà
Mau. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 13/6/2017 và Kế hoạch số
52/KH-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh trong công tác quản lý khu, điểm, tuyến
du lịch, nhằm xây dựng cộng đồng văn minh du lịch, an ninh, an toàn, thân thiện,
hiếu khách.
Tập trung phát triển du lịch tại một
số điểm sau:
- Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau: Xây dựng
Đất Mũi thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Tổ chức tốt các loại hình tham
quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng các phương tiện đường thủy
xuyên rừng, tham quan bãi bồi, lướt bùn, trồng cây lưu niệm,... và đường bộ bằng
xe đạp, xe điện. Tiếp tục phát triển các hộ du lịch cộng đồng Đất Mũi theo hướng
chuyên nghiệp hơn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm
du lịch Đất Mũi, giai đoạn 2015 - 2020 đã được phê duyệt; phát triển làng nghề
truyền thống tôm khô, ba khía Rạch Gốc,... Phát triển các khu, điểm du lịch
vùng phụ cận (Khai Long, Rạch Gốc, Ông Trang,...) trở thành các dịch vụ hỗ trợ
phát triển du lịch Đất Mũi.
- Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Sông Trẹm:
Phát triển du lịch sinh thái ngập ngọt, phục vụ tham quan, nghiên cứu hệ sinh
thái rừng bằng xuồng xuyên rừng tràm, bằng xe đạp (theo mùa), câu cá giải trí,
trải nghiệm thu hoạch cá đồng và các hoạt động khác; du lịch nghỉ dưỡng.
- Khu vực thành phố Cà Mau: Tổ chức
tour du lịch nội thành, sớm hoàn thành các dự án đã có chứng nhận đầu tư. Đa dạng
hóa, phong phú hơn sản phẩm chợ đêm, khu vui chơi giải trí
ban đêm, du lịch tâm linh, du lịch trên sông,... kết hợp việc phát huy giá trị
các di tích, các điểm tham quan trên địa bàn thành phố.
- Điểm du lịch Di tích Hòn Đá Bạc:
Hoàn thành quy hoạch chi tiết và đầu tư điểm du lịch tham quan, giải trí chất
lượng cao, tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch cộng đồng khu vực lân cận, tổ
chức du lịch biển, câu cá, bãi biển nhân tạo, dã ngoại, du thuyền,... tập trung
khai thác phát triển du lịch biển đảo.
- Phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng:
Phát huy tính cộng đồng của Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc để thu hút khách du lịch
thường niên. Tổ chức khai thác tốt khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước và
Lung Lá Nhà Thể, Ban Ấn Loát đặc biệt Nam bộ, khu lưu niệm Bác Ba Phi,... lễ
dâng hương Đền thờ Vua Hùng, lễ dâng hương Đền thờ Bác Hồ, Lễ hội Ok Om Bok, Lễ
vía bà Thiên Hậu, Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau... Qua đó, kết hợp với quảng bá,
giới thiệu các sản phẩm du lịch, hàng hóa lưu niệm, nghệ thuật ẩm thực của tỉnh
để thu hút du khách.
Tổ chức xây dựng các chương trình biểu
diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đờn ca tài tử tại các khu, điểm du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch
lồng ghép vào các chương trình tour phục vụ du khách.
Tổ chức thành công Festival Tôm Cà
Mau 2018; qua đó, tạo tiền đề đa dạng hóa sản phẩm du lịch, liên kết vùng để
phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến.
4. Nâng cao chất
lượng và mở rộng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng
Tập trung nâng cao chất lượng và mở rộng
mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xem đây là loại hình du lịch tạo
nên sự đột phá cho du lịch Cà Mau, phù hợp khả năng tổ chức, quản lý; khai thác
có hiệu quả tài nguyên du lịch, tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng
đồng dân cư. Do đó, cần huy động các nguồn lực Nhà nước, xã hội tập trung hỗ trợ
phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng.
Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng của
các hộ dân ở Đất Mũi huyện Ngọc Hiển, tuyến T19 huyện Trần
Văn Thời; Hợp tác xã 19/5 huyện U Minh, Vườn chim Biển Bạch Đông huyện Thới
Bình,... phục hồi nguồn lợi cá đồng truyền thống, phục vụ các hoạt động trải
nghiệm tìm hiểu các giá trị văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực,... của địa phương.
Hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp,
du lịch vườn như: Trồng rau màu khu vực xã Lý Văn Lâm; hồng kiểng, vườn cây ăn
trái, nuôi cá khu vực Tân Thành mỗi địa phương hình thành khoảng 05 hộ du lịch
cộng đồng tập trung phát triển sản phẩm làng nghề có đặc trưng riêng.
Khuyến khích đầu tư sản xuất và tổ chức
mạng lưới kinh doanh đặc sản địa phương như: Rượu ong, rượu trái giác, rượu Tân
Lộc, sản phẩm từ chuối, các loại thủy sản khô và sản vật đặc trưng của Cà Mau,... Xây dựng và đăng ký thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hướng dẫn, khuyến khích, các vườn
chim tư nhân tổ chức khai thác du lịch, nhất là các vườn chim đã được bổ sung
vào quy hoạch phát triển du lịch.
III. CÁC GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận thức của các ngành,
các cấp, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của
ngành du lịch trong việc phát triển kinh tế - xã hội, là động lực cho các
ngành, lĩnh vực khác phát triển.
2. Rà soát, điều chỉnh chiến lược,
quy hoạch phát triển du lịch, cơ cấu ngành du lịch theo hướng ưu tiên tập trung
nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Nghiên cứu
xây dựng những chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển
du lịch chất lượng cao. Xây dựng Mũi Cà Mau thành trọng điểm du lịch của tỉnh.
3. Tập trung liên kết, hợp tác phát
triển du lịch, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng
bá du lịch trong và ngoài nước, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển
bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
4. Từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ
chế chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản Nhà nước, đồng bộ nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề
du lịch.
5. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo
Phát triển du lịch tỉnh, gắn với chức năng nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp tập
trung đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng;
thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh Cà Mau, nhằm phát huy vai trò của tổ chức xã hội
nghề nghiệp liên quan đến du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham
gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch, nhất là hỗ trợ phát triển du lịch cộng
đồng cả về chất lượng và số lượng.
6. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du
lịch với cơ chế quản lý và sử dụng từ nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các sở, ngành có liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch này theo tinh thần Nghị
quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 50-KH/TU của Tỉnh ủy về phát
triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, phối hợp thực hiện đồng
bộ, hiệu quả Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 14/4/2017 của UBND tỉnh về việc thực
hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh
Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch):
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố Cà Mau, các tổ chức và doanh nghiệp
có liên quan tổ chức triển khai kế hoạch.
Tham mưu giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện; tổng hợp, đánh giá sơ kết định kỳ thực hiện Nghị quyết, báo cáo kịp thời để chỉ đạo khắc phục những khó
khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với
các ngành, đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, tranh thủ mọi
nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch; đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ
các chủ đầu tư tham gia hoạt động du lịch tháo gỡ khó khăn.
4. Sở Tài chính căn cứ vào nội dung,
nhiệm vụ cụ thể và tình hình ngân sách tỉnh để cân đối, bố trí nguồn kinh phí
ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện phát triển du lịch.
5. Sở Công Thương nghiên cứu xây dựng
chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch
vụ du lịch, nhất là hỗ trợ người dân phát triển các làng nghề thủ công truyền
thống phục vụ du lịch.
6. Sở Giao thông vận tải tập trung
hoàn thành các dự án đầu tư các tuyến đường đúng tiến độ và rà soát có kế hoạch
sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trọng điểm, xây dựng
các điểm dừng chân trên các tuyến du lịch.
7. UBND các huyện, thành phố Cà Mau
chủ động lập quy hoạch, hình thành các khu, điểm du lịch, các dịch vụ phục vụ
du lịch, phù hợp đặc thù địa phương, nhằm phát huy tối đa
lợi thế tiềm năng du lịch.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị
quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 50-KH/TU ngày
06/6/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Các đơn vị phần IV;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- VXT;
- Lưu: VT. Tr 26/7.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hồng Quân
|